Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 6 tháng 5, 2020

Chương V: CON CÁI HẬU LY DỊ


Khi mâu thuẫn, bất đồng, bất hoà, vợ chồng thường đem con cái ra để hằn học, chỉ trích, đấu đá nhau. Đại loại những điệp khúc quen thuộc như: “Ông không lo con cái gì hết. Việc lớn nhỏ gì của con cũng đến tay tôi”, “Bà bỏ bê con, chỉ lo  tám chuyện, ngôi lê mách lẻo”, “Con chung, chứ phải con riêng tôi đâu mà ông không đoái hoài đến chúng nó”.
Vợ chồng bất hoà thường chung một chiến thuật: đem con cái ra làm con tin, điều kiện thương lượng, trao đổi. Và người ta không thể bỏ qua chỗ đứng của con cái trong mọi vấn đề của vợ chồng lúc thuận hoà cũng như bên bờ đổ vỡ.
1.   Tình cha, tình mẹ, tình con:
Người ta có thể khác nhau ở cách diễn tả, nhưng tình yêu cho con thì cha mẹ bình thường nào cũng có.Tất nhiên cũng có một số rất ít những người mẹ “bất thường”, người cha “bệnh hoạn” nhẫn tâm bán con, hãm hiếp con, hành hạ con để thoả mãn bản năng thấp hèn, hoặc tính tham lam không đáy.
Cha mẹ thương yêu con, con cái  kính yêu cha mẹ. Đó là quy luật tự nhiên và tình cảm thiêng liêng trong tương quan cha mẹ - con cái. Quy luật tự nhiên này nối kết và làm cho kẻ được sinh ra và đấng sinh thành không bao giờ muốn rời xa nhau. Họ ở với nhau, gần sát bên nhau, chung nhau một mái nhà, căn hộ, vì không muốn rời xa nhau. Không rời xa nhau, vì tình cha mẹ đòi ở gần con, và tình con khao khát ở với cha mẹ. Vì thế mới khổ khi phải cách xa, đau khi phải chia lià, xót xa khi phải ly tán; bởi đã là gia đình, đã chung  một mái ấm, người ta rất sợ phải xa nhau như tiếng ca muôn thưở của cả nhà : “xa là nhớ, gần nhau là cười”.
Nhiều người lầm tưởng: cứ lo cho con ăn mặc đầy đủ, vật chất dư thừa, đời sống tiện nghi “tận răng” là thương con, và chu toàn bổn phận làm cha mẹ. Đồng ý: vật chất là điều không thể thiếu, nhưng con cái đâu chỉ có  nhu cầu vật chất, chúng còn những nhu cầu tinh thần, nhu cầu thiêng liêng khác, và một trong những nhu cầu thiết yếu, căn bản, đó là sự hiện diện của cha mẹ.
Sinh hoạt ngày nay trong một xã hội chạy đua với thời gian  thì sự hiện diện thường xuyên của cha mẹ bên con cái ngày càng trở nên qúy hiếm. Vì đòi hỏi gay gắt của việc làm, vì phải cạnh tranh không ngơi nghỉ và đấu tranh liên tục, cha mẹ không còn nhiều thời giờ cho con, không tìm được thời gian dành cho con trọn vẹn, và đó chính là lỗ hổng lớn, thiếu sót không thể coi thường và là nguy cơ đe dọa  công trình giáo dục con cái và hạnh phúc gia đình hôm nay.
Vì con cái khao khát ở với cha mẹ, cũng như cha mẹ không muốn rời xa con cái, mà ly dị trở thành nỗi đau không chỉ cho cha mẹ mà cho cả con cái, vì chúng không muốn mất cả hai người đã sinh ra và yêu thương chúng. Cũng vì lý do này mà vợ chồng rất do dự trước quyết định ly hôn.
Do dự, ngần ngại, kể cả sợ hãi trước ly hôn hầu hết không vì sợ mất nhau, trái lại vợ chồng bất hoà, bất đồng, bất mãn, bất tín, bất trung đối với nhau chỉ mong sớm rời xa nhau để không còn phải chịu đựng nhau như án tù chung thân, như hình phạt hoả ngục, nhưng sở dĩ phần đông đã không dám bạo tay xé hôn ước chính là vì không muốn mất con, xa con, thấy  con bị vợ mới của chồng cũ mình nạt ộ, sai khiến, hay  con mình bị chồng mới của vợ cũ mình nhiếc mắng, hành hạ. Nỗi đau của cha mẹ trước nguy cơ mất con và thảm cảnh con mình bị ngược đãi làm quặn thắt tim cha, tan nát lòng mẹ, vì tình phụ tử, mẫu tử vẫn còn đó tha thiết réo gọi, sôi sục thôi thúc, mạnh mẽ áp lực.
Thực vậy, hỏi tim ai không nhói đau khi nghe con gái năm tuổi phụng phịu: “Con không muốn ba mẹ bỏ nhau đâu. Ba mẹ bỏ nhau, con ở với ai ?” hoặc con trai lớp bốn  nước mắt lưng tròng: “Con muốn ở với cả ba và mẹ. Tại sao ba mẹ không ở chung với con nữa ? Con thấy ba mẹ cứ ở chung, có sao đâu ? ”.
Đúng thế, “có sao đâu” chuyện ba mẹ tiếp tục ở với con trong căn hộ thân thương, dưới mái nhà ấm áp, vì đối với các con, cha mẹ ở chung và con cái ở cùng cha mẹ là điều hiển nhiên, không được đặt thành vấn đề. Nhưng các con đâu có hiểu: vấn đề riêng của cha mẹ đã trở thành vấn đề chung của cả nhà và chuyện người lớn mang đến những hậu qủa đau thương trên đám con ngây thơ, bé bỏng. Tai ương đã thực sự  sụp đổ trên con cái khi đơn xin ly hôn của cha, mẹ được nộp và thủ tục phân chia con cái được nghiên cứu, tiến hành không khác thủ tục phân chia tài sản. Con cái sẽ phải “tan đàn xẻ nghé”, đứa ở với cha, đứa ở với mẹ, hoặc phải bỏ cha ở luôn với mẹ, hay bỏ mẹ ở mãi với cha.
Nhưng dù phân chia công bằng, chính xác thế nào đi nữa, và sắp xếp khéo léo đến đâu, con cái vẫn mất thăng bằng tâm lý, bị khủng hoảng, vì chúng ý thức rất rõ, và cảm nghiệm rất sâu, rất mãnh liệt: chúng được sinh ra bởi cả cha và mẹ, nên cần sống với cả mẹ và cha. Mẹ không thể thay thế cha, cha cũng không thay thế được mẹ. Mẹ có chỗ đứng đặc thù của mẹ trong lòng con, ba có vai trò riêng biệt của ba trong đời con. Không người nào có thể bao sân, thay cho người khác; cũng như mẹ không thể coi nhẹ phần đóng góp của cha trong sự phát triển nhân cách và thành công của con. Cha và mẹ, cả hai đều cần thiết, nên khi mất cha là con trở thành đứa con mồ côi cha, mất mẹ thành mồ côi mẹ cũng như khi phải xa cha là hiu hắt đời con vắng cha, và héo hon đời con đơn côi khi không được sống gần mẹ.    
2.   Ly hôn là ly tán gia đình:
Những cặp vợ chồng chưa có con thì ly dị chỉ là cuộc ly tan giữa hai người lớn trước đó đã ký chung một khế ước hôn nhân. Trong trường hợp này, tài sản là đề tài được bàn tới, ngoài ra không còn gì phải bận tâm sau khi chia chác xong. Trái lại, những vợ chồng đã có con, nhất là con còn nhỏ, mà ngay cả con đã trưởng thành nhưng còn ở với cha mẹ, còn cần cha mẹ giúp đi học, kiếm việc làm, lập gia đình thì vấn đề sẽ nhiêu khê, phức tạp và kéo dài không biết đến bao giờ.
Vì con cái không như tài sản vật chất chia đều là xong, chia công bình là ổn thoả, chia hợp lý là thoả mãn yêu cầu, nên ly dị trở thành  nguyên nhân gây ra nhiều nỗi niềm : niềm đau nỗi buồn, niềm thương nỗi nhớ, niềm khắc khoải - nỗi băn khoăn:
a.   Niềm đau nỗi buồn khi phải xa con.
Từ nay cha, hoặc mẹ không còn được ở gần con, được tận tay lo cho con từng bữa ăn, giấc ngủ và trực tiếp giải quyết những khó khăn của con, vì quyết định chia con của toà án. Con sẽ phải xa cha hoặc mẹ, và cảnh chia ly sẽ làm tê tái trái tim cha, đứt ruột nát gan mẹ.
Quả thực, không vợ chồng ly dị nào có thể phủ nhận hoặc quên được cảnh đoạn trường chia ly khi nhìn đám con đứng khóc: đứa thổn thức khóc  ròng,  đứa nức nở gào thét,  đứa rấm rức nghẹn ngào, đứa nnước măat vỡ oà vì phải xa mẹ, mất cha. Còn nỗi buồn nào da diết hơn khi con phải  xa vòng tay mẹ . Còn niềm đau nào quặn thắt hơn khi bất lực nhìn con thơ dại vụt khỏi tầm tay của tình cha  che chở, bảo bọc. Chắc suốt đời sẽ không có niềm đau, nỗi buồn nào đau hơn, buồn hơn và hình ảnh buồn đau này sẽ mãi ám ảnh vợ chồng ly dị.
b.   Niềm thương, nỗi nhớ con:
Xa là nhớ, nên càng xa nghìn trùng, càng thăm thẳm, biền biệt trong không gian và thời gian, sẽ càng thương nhớ khôn nguôi, càng não nề, trăn trở. Mẹ nhớ con, thương con, vì con không còn ở với mẹ để mẹ biết con cần gì, thiếu gì, đợi chờ gì. Từ nay, con xa mẹ, tuy vẫn ở trong nhà cha con, nhưng nhà từ nay thuộc quyền điều hành của người đàn bà khác, không phải mẹ, nên con sẽ tủi thân vì không có mẹ, sẽ buồn, sẽ khóc vì người đàn bà mới sẽ không thương con và cưng chiều con như mẹ. Không ai cấm được niềm thương trong hồn mẹ  khi không có con ở cùng; không ai ngăn được nỗi nhớ của cha khi không được sống kề cận con, và thương nhớ ấy sẽ rất kinh khủng  nếu con cái lâm vào hoàn cảnh thiếu thốn, bất hạnh, bị bạo hành, bạc đãi.
c.     Niềm  khắc khoải, nỗi băn khoăn cho tương lai, hạnh phúc của con:
Không cha mẹ nào không lo lắng cho tương lai của con, không lo sợ những bất hạnh có thể đổ ập trên đời con. Tình cha mẹ là từng phút  băn khoăn, từng giây thấp thỏm, từng đêm thao thức vì tương lai, và hạnh phúc của con. Nỗi lo ấy nay sẽ lớn hơn, khi không còn được ở gần con để hướng dẫn, nâng đỡ, ủi an. Và càng thấy rõ  đường con đi chông gai, mẹ càng thót tim xót ruột, vì  không còn khả thể  dõi từng bước con đi  và tránh cho con những cạm bẫy hiểm nguy trên  đường đời. Nỗi sợ ấy sẽ ngày càng ác liệt đe dọa khi ngày mai của con dầy đặc suơng mù mà cha thì ngày càng bất lực, vì không ở bên con, chưa kể từ nay cha bận bịu, vất vả vì  gánh nặng của gia đình mới.
Thảm cảnh kinh hoàng nhất mà vợ chồng ly dị phải đối phó chính là niềm thương nhớ con ở hiện tại và nỗi lo ngày mai cho con cái. Bởi khi không còn được ở gần con, ở với con, cha mẹ mới thấm thiá nỗi bất hạnh làm cha mẹ mà không được quyền lo cho con, không còn khả năng chuẩn bị tương lai cho con, không còn tư thế gầy dựng hạnh phúc cho con. Thực tế đã chứng minh điều này, khi một trong hai người vì tự ái hoặc vì muốn trả thù người bạn đời cũ đã không cho người kia được thăm nom con, cũng không được quyền tham dự, chia sẻ nghiã vụ và quyền lợi của đấng sinh thành trên con cái mình. Bao nhiêu người cha đã đành nuốt lệ khi không được giúp con mình thành đạt, chỉ vì “mẹ nó”, “bố nó”, tức người vợ cũ, chồng cũ quyết tâm và dùng mọi biện pháp  cấm đoán, ngăn cản.
Tình trạng sẽ còn bi thương hơn nếu cả hai người ly dị đều tái hôn. Ở vào hoàn cảnh mới với nếp sống “con anh, con tôi, con chúng ta”, những đứa trẻ phải ở chung với dượng, hoặc kế mẫu thường khó có thể hạnh phúc và thành công, vì tâm lý thiếu quân bình, tình cảm xáo trộn  do không còn sự hiện diện yêu thương và bảo đảm của cả cha và mẹ, chưa kể áp lực thường xuyên nặng nề của bố dượng, kế mẫu và con cái riêng của những nhân vật vốn xa lạ nhưng bỗng có toàn quyền này.       
d.   Nỗi khổ thấy con cái bị biến thành món hàng, điều kiện, phương tiện:
Chứng kiến con cái bị biến thành  món hàng để trao đổi, điều kiện cho những  yêu sách, và phương tiện để thương lượng bởi chính mẹ hoặc cha chúng là đau khổ của người cha, người mẹ đứng đắn, lương thiện và đầy tình thương con. Cái oái oăm man rợ và đáng sợ ở đây chính là mẹ, hoặc cha đã nhẫn tâm dùng con ruột mình như món hàng trao đổi, biến con thành điều kiện để làm áp lực trên người chồng, người vợ cũ. Có  những cái “nếu” phi nhân đến rùng mình: “Nếu anh không đưa gấp số tiền tôi muốn, tôi sẽ bỏ đói con”, “nếu anh không làm như tôi yêu cầu, tôi sẽ bán con, cho nó nghỉ học, bắt đi lấy chồng Đài Loan” Ôi những cái “nếu” của thời hậu ly dị giữa hai người  không còn chung sống đã cạn tình, cạn nghiã; những cái “nếu” kinh hãi vì qúa kinh khủng, kinh hoàng của những người cha, người mẹ chỉ vì cần trả thù người phối ngẫu cũ đã dã man biến con mình thành một món hàng mua bán, điều kiện thương thảo, phương tiện đạt yêu sách.
Hậu ly dị với những thảm kịch, trong đó có thảm kịch biến con cái thành những diễn viên bất đắc dĩ và tội nghiệp, đáng thương. Khi vô tâm, vô cảm dùng con như phương tiện để đạt những yêu cầu ích kỷ, và thoả mãn lòng thù hận đối với người bạn đời cũ đã ly dị, người ta đã vi phạm nhân quyền, chà đạp nhân phẩm và phạm trọng tội chống lại nhân loại.
e.    Nỗi tủi nhục khi bị chính con mình khinh khi, phủ nhận:
Người ly dị, ngoài những cái đau vì xa con, mất con, không lo được cho con, không còn quyền trên con, có thể phải chịu thêm một nỗi đau ngút ngàn khác, đó là bị chính con mình khinh khi, phủ nhận.
Sau khi ly dị, vợ chồng thường mở chiến dịch giải trình, cắt nghiã, phân bua lý do đã đưa đến ly dị và hầu hết đều nhận phần đúng về mình, đồng thời quy trách, quy tội cho người bạn đời đã ly hôn. Mục đích là chứng minh mình vô tội, mình tử tế, mình đàng hoàng, mình không sai, không làm bậy, và thủ phạm gây nên mọi rắc rối, phiền phức, kể cả tội ác chính là người kia.Và  đối tượng thứ nhất, ưu tiên số một cần lôi kéo chính là con cái.   
Con cái được cả cha lẫn mẹ tôn lên làm trọng tài, những trọng tài đã bị mua chuộc, nhồi sọ bởi đấu thủ. Đã không thiếu những người mẹ cay nghiệt lên án chồng cũ và dùng mọi thủ đoạn kéo con cái về phe mình và đạo diễn, thúc đẩy, mua chuộc chúng bôi bác, mạ lỵ, lên án cha chúng. Họ muốn biến những đứa con thành địch thủ của cha và vận dụng mọi khả năng, phương tiện đạp đổ danh dự, dầy xéo uy tín của  cha chúng. Cũng đã xẩy ra bi kịch con gái bị mẹ mê hoặc đã dựng chuyện tố cáo cha ruột hãm hiếp mình. Và nhan nhản những đứa con đã từ chối, phủ nhận  cha hoặc mẹ chỉ vì bị đầu độc, xúi bẩy bởi một trong hai đấng sinh thành.
Cũng có những trường hợp cả cha và mẹ ly dị đều bị con cái từ bỏ, nguyền rủa vì  cho rằng cha mẹ đã không chu toàn bổn phận làm cha mẹ đối với chúng, nhất là đã làm chúng khổ, bị thiệt thòi,  chịu nhiều căng thẳng tinh thần vì những tháng năm mâu thuẫn chồng chất giữa  cha mẹ. Khi nguyền rủa, khinh khi cha mẹ, con cái không những không  nhận những nguời đã sinh thành ra mình là cha mẹ, mà còn muốn xóa sạch những dấu ấn yêu thương của cha mẹ trong đời chúng. Phần đông có thái độ đối kháng cực đoan như trở nên cực kỳ keo kiệt, bủn xỉn nếu cha mẹ đã có lối sống hoang phí, bừa bãi để rồi bị khánh kiệt, nghèo túng. 
Tội nghiệp những người cha, người mẹ bị con cái khinh bỉ, kể tội, lên án. Có những nỗi đau có thể nguôi ngoai với thời gian, có những nỗi khổ có thể vơi dần theo năm tháng, có những nỗi buồn sẽ phôi pha, lắng đọng; nhưng tủi hổ bị con khinh, nhục nhằn bị con từ chối là những “vết thương lòng” sâu hoắm tưởng chẳng bao giờ chịu liền da, và qua đến  kiếp sau chắc cũng còn  nhức nhối. 
Tóm lại, con cái là vấn đề lớn trong sự việc ly dị của vợ chồng. Chính vì là vấn đề lớn mà người trong cuộc dễ bị hốt hoảng, mất tinh thần khi giải quyết. Người ta có thể sai lầm trong việc khác, nhưng việc con cái, thiết tưởng phải hết sức cẩn trọng để tránh sai lầm, vì bất cứ sai lầm nào liên quan đến con cái đều kéo theo những hậu qủa rất đáng buồn và dường như không thể cứu chữa sau đó.
Các nhà tâm lý gia đình đề nghị vợ chồng trong thời hậu ly dị phải tuyệt đối tránh thái độ khiêu khích, tấn công nhau. Bởi khi rơi vào tình trạng hiềm khích, thù hận, người ta khó tránh khỏi một việc làm cực kỳ nguy hiểm vì có hại trên con cái, đó là lôi kéo đồng minh là con cái để bôi nhọ danh dự, sát phạt, xử tội nhau. Đừng quên người phối ngẫu vừa ly dị với ta là cha, là mẹ của con ta, nên khinh miệt, nguyền rủa, tấn công họ tức là triệt hạ cha, mẹ của con. Làm như thế, liệu ta có tránh cho con một nỗi đau u uất mới ?    
Thái độ được khuyến khích là thái độ xây dựng bằng cách tránh những gì tiêu cực, phá hủy, tiêu diệt, nhưng phát huy tinh thần cởi mở, tương kính và giúp con cái yêu mến cả cha lẫn mẹ , cho dù hai người không còn chung sống và không còn là vợ chồng. Tấm gương sáng đem lại niềm vui, nguồn an ủi lớn cho con cái trong gia đình đã ly tan vì ly dị là thái độ tương kính, và những việc làm tương trợ của cha mẹ đã ly dị. Con cái sẽ bám vào đây như người chết đuối bàm chặt phao cứu hộ. Nhở phao tương kính, tương trợ, con cái còn tìm được chỗ dựa, bến đỗ an toàn cho cuộc đời nhiều cam go, thử thách của những đứa con từ nay không bao giờ được chung sống với cả cha lẫn mẹ dưới cùngmột mái nhà, trong cùng một tổ ấm. 
Vợ chồng sau khi ly dị nên tránh tiếp tục cuộc chiến “không đội trời chung”, nhưng hãy buông tha nhau để con cái  được sống bình an. Đừng để cuộc sống của con cái tiếp tục chao đảo, ngột ngạt, sầu buồn, bất hạnh vì cha mẹ cắn xé nhau như hai kẻ thù.
Ý tưởng và thái độ ghen tuông, “không được ăn nên đạp đổ” khi chồng, hoặc vợ cũ  đi thêm bước mới, lập một gia đình mới luôn dẫn đến hành vi tạo áp lực trên con cái để con cái phải vào phe mình tìm cách phá hoại hạnh phúc mới của chồng cũ, vợ cũ. Không thiếu những thảm kịch mà diễn viên chính là con cái của cha mẹ đã ly hôn. Gọi là thảm kịch vì hậu qủa mang lại luôn rất thảm hại, đáng thương.
Tóm lại, hai người ly dị phải đủ bình tĩnh  để nghĩ đến hạnh phúc của con cái. Dù gì đi nữa, các con cũng là con của cả hai người, nên chúng rất đau khổ khi bị giằng kéo, xâu xé bởi lòng ích kỷ, căm phẫn của hai cha mẹ. Ở vào hoàn cảnh bi đát, khó sống, khó xử này, con cái sẽ chọn con đường thoát ly, “bụi đời” để không cỏn bị bán đứng hay bị biến thành món hàng trao đổi “không bao giờ ngã ngũ giá cả” giữa hai người đã sinh ra chúng.
Nhiều đôi ly dị đã biết đặt con cái lên hàng đầu, trên những tranh chấp, kèn cựa để bảo đảm tối đa quyền lợi và thành công của con cái. Chính vì đồng thuận lo cho con, họ coi nhau như những người bạn trên hành trình mới, với cuộc sống mới, mà không gây phiền phức, cản trở cho nhau. Họ là những người thức thời khi chọn thái độ của người tử tế để mọi người trong cuộc đều được tôn trọng và hạnh phúc.
Họ là người thức thời khi biết tìm mọi phương án tốt nhất cho hạnh phúc của con cái. Dù chúng ở với mẹ hay cha, dù chúng ở với các con riêng của vợ mới, chồng mới, người ly dị khôn ngoan vẫn có thể vận dụng mọi khả năng để quyền lợi của con mình không bị lấy mất. Và để thực hiện được điều này, điều kiện phải có chính là tương quan thân thiện và bầu khí hoà bình giữa hai cha, mẹ đã ly hôn.
Họ cũng là người tử tế khi tuyệt đối tôn trọng đời sống mới của nhau, tôn trọng quyết định làm lại cuộc đời của nhau. Những chuyện riêng tư, những lấn cấn, lôm côm, cả những bí mật về nhau phải được quên đi,  và cho trôi hẳn vào dĩ vãng. Nhờ thế, cả hai đều được thanh thản, an bình. Thái độ qủang đại là điều không thể thiếu ở thời hậu ly dị để mọi khó khăn vật chất, tinh thần của hai bên được vơi nhẹ, nhất là tránh cho con cái rơi xuống hố thất vọng một lần nữa.

Chương IV: NHỮNG THÁI ĐỘ SAU LY DỊ


Ly dị là một biến cố rất lớn trong đời người có khả năng thay đổi hẳn  tâm tư, cái nhìn cuộc đời và tất nhiên thái độ sống của người trong cuộc. Hai người ly dị trước mắt sẽ không còn nhìn hôn nhân, gia đình như ngày xưa đã từng “cùng nhìn và cùng mơ”. Nhưng họ trưởng thành hơn vì trải qua những  kinh nghiệm thương đau của cuộc tình đứt gánh; họ chín chắn hơn vì hôn nhân lao đao, vấp ngã; họ khôn ngoan, kỹ lưỡng hơn nhờ những bài học đắt giá của thực tế thất bại; họ chai lì hơn vì cuộc đời đã  đã bầm tím vì  đấu đá, đụng chạm, và họ tinh tế hơn nhờ khám phá  cái tâm  hay đổi thay của con người.Chính vì thế, sau ly dị, hầu như người ta không còn giữ nguyên thái độ sống cũ, mà thuờng chọn cho mình một thái độ sống mới.
1.   Thái độ  bạo lực:
Đây là thái độ không khó tìm nơi đại đa số những nguời ly dị thuộc giai tầng bình dân, ít học. Với họ, ly dị là một thất bại ô nhục mà chỉ có bạo lực mới có thể trả lại cho họ danh dự đã mất. Họ xem người bạn đường cũ như thù địch và quyết tâm trả thù, rửa nhục bằng thái độ khiêu khích, hiếu chiến, bạo lực. Và bạo lực được nuôi lớn bằng những lương thực quen thuộc:
a.   Tham vọng sở hữu:
 Tham vọng sở hữu thúc bách họ tiếp tục truy lùng, quấy nhiễu, phá rối đời sống mới của người bạn đời cũ. Họ không thể để người vợ cũ, chồng cũ được yên ổn sống cuộc đời mới; trái lại, hạnh phúc của người này là nỗi căm phẫn, oán hận của họ, nên bằng mọi cách và mọi giá họ phải tìm cách triệt phá hạnh phúc này.
Tham vọng sở hữu cũng sẽ mãi mãi không cho họ bình an khi thấy người vợ, chồng cũ ở trong vòng tay người khác; vì từ lâu họ đã tự cho mình cái quyền sở hữu bất khả xâm phạm, và cảm thấy bị xúc phạm, tổn thương cực độ khi người bạn đường cũ đang làm lại cuộc đời với một người khác, để suốt đời,  tham vọng sở hữu sẽ bám chặt và biến họ thành điên dại, mất khôn ngoan và hành động mù quáng dưới sức ép của máu “sở hữu ích kỷ”.  
b.   Ganh tị:
Ganh tị cũng là nguyên nhân đưa đến thái độ bạo lực, khi không chấp nhận người bạn đời cũ thành công, may mắn, hạnh phúc hơn mình. Người ganh tị nhìn ly dị như cột mốc xuất phát của đường dài  tranh đấu mang tính sát phát và “không đội trời chung” với đối thủ đáng ghét là người bạn đời đã ly dị. Họ tìm mọi cách đè bẹp  người chồng, người vợ cũ vì ganh tị. Họ lập mưu đánh sập tương lai của người phối ngẫu cũ vì ghen ghét. Họ giăng bẫy đốn hạ người đã từng chung chăn chung gối vì ghen tương vô lối. Và ganh tị đã trở thành  thuốc độc biến họ thành độc ác trong cơn say bạo lực.
c.    Thù hằn:
Thù đời, hằn học người, vì ly dị là thất bại chua cay, mất mát lớn, hao tốn đáng kể. Hao tài tốn bạc đã đành mà còn phí phạm bao  năm tháng để rồi tay trắng vẫn hoàn trắng tay sau khi ly dị. Với họ, ly dị là nguyên nhân đã làm họ mất hết từ danh dự, uy tín đến con cái, của cải; từ vị thế vững chắc hiện tại đến sự nghiệp, cơ đồ tương lai.
Với họ, ai đã là người gây nên nông nỗi, nếu không phải là người phối ngẫu tệ bạc, người chồng cũ bất xứng, người vợ cũ bất trung, người bạn đời cũ bất tài, và họ không nguôi ngoai lòng căm tức, thù hằn. Lúc này là lúc tính sổ  khi tất cả trách nhiệm đổ trên người bạn đời cũ. Chính người ấy đã tạo nên mâu thuẫn. Chính người ấy đã gây ra bất hoà. Chính người ấy đã làm sụp đổ mái ấm tình yêu, và làm nát tan ngôi nhà hạnh phúc…Còn họ đây chỉ  là nạn nhân vì họ tự nhận là vô tội, và than thở vì phải gánh  mọi hậu qủa tang thương. Vai diễn nạn nhân đáng thương được họ đóng rất khéo, khéo đến độ  họ không còn nhận ra mình là người đồng trách nhiệm đã góp phần làm hôn nhân đổ vỡ dẫn đến ly dị, và vai  diễn nạn nhân cũng nhuần nhuyễn đến độ người ta sẽ chỉ còn thấy duy nhất một thủ phạm đáng nguyền rủa, phải xóa tên khỏi sổ đời, đó là người vợ cũ, chồng cũ, đối tượng của lòng thù hận khó nguôi ngoai.
Thái độ bạo lực tự nó là thái độ tiêu cực và nguy hiểm. Nguy hiểm vì bản chất của bạo lực là phá hoại, tiêu diệt, nên bạo lực sẽ tiêu diệt đối tượng và phá hoại chính chủ thể  xử dụng bạo lực. Phá hoại chủ thể khi bạo lực tạo nên bất an tinh thần, một tình trạng bất ổn vì hận thù luôn  sùng sục sôi làm mất thăng bằng tâm lý và đảo lộn mọi cơ năng tinh thần. Đồng thời, bạo lực tiêu diệt đối tượng vì bạo lực là một sự dữ nhắm triệt tiêu, hủy diệt và phát sinh  tai ương, bất hạnh.
Thái độ bạo lực làm hao mòn mọi khả năng nơi con người chủ trương và xử dụng nó. Làm hao mòn vì bạo lực làm cằn cỗi sức sống, và cạn kiệt tình yêu  trong khi sức sống và tình yêu là hai yếu tố tối quan trọng  cho đời người hạnh phúc.
Người chọn bạo lực như thái độ sống, vì thế sẽ không thể  sống hạnh phúc, vì hạnh phúc không bao giờ chung sống với bạo lực. Đàng khác, bạo lực là một thứ lửa có sức thiêu rụi dữ dội, tàn bạo, nên sẽ đốt cháy tinh thần và đời sống của con người bạo lực. Họ sẽ tự đốt mình bằng lửa hận thù, lửa ganh tỵ, lửa ích kỷ sở hữu, và trở nên hoả ngục của chính mình. Nếu triết gia hiện sinh Jean Paul Sartre  coi “tha nhân là hoả ngục”, thì người chọn thái độ bạo lực đã vượt xa ông gấp nhiều lần khi nhận  chính “ bản thân mình là hoả ngục ”.
2.   Thái độ buông thả:
Vì ly dị là một thất bại không thể chối cãi, nên một số không nhỏ rơi vào tâm trạng chán nản, thối chí dẫn đến thái độ buông thả sau khi ly dị.
Thái độ buông thả chấp nhận thả trôi cuộc đời như cánh bèo dật dờ vô định trên giòng nước. Người ly dị thất chí buông tay chèo con thuyền cuộc đời và thả hết đời mình cho “hên xui may rủi”. Có nghiã  cuộc sống từ nay không còn ý nghiã và giá trị, vì giá trị và ý nghiã cuộc đời đã bị ly dị như cú thất bại của định mệnh  ngạo nghễ cuốn trôi.
Người buông thả là người:
a.   Xoá bỏ lý tưởng sống:
Nếu trước đây lý tưởng đã hướng dẫn cuộc sống và là động lực phấn đấu thì nay lý tưởng trở thành cản trở cuộc đời buông thả. Người buông thả xóa vội lý tưởng để không còn bị ràng buộc bởi bất cứ một  nguyên tắc đạo đức nhân bản nào hầu dễ buông  đời mình trên giòng đời vô định, và thả đời mình vào mông lung. Mất lý tưởng là bước thứ nhất  của người có thái độ buông thả.
b.   Gặm nhấm quá khứ:
Trái với những gì người ta thường nghĩ, người buông thả là người bám chặt vào qúa khứ và nghiển ngẫm quá khứ như một thứ bệnh nhai lại. Họ buồn  quá khứ thất bại, nhưng lại ôm chặt qúa khứ thất bại ấy. Chính vì thế họ luôn cay đắng với chính mình và  chua chát với người. Cũng chính vì không buông được qúa khứ, không quên được qúa khứ, không tha cho con người quá khứ mà họ buông thả hiện tại, buông xuôi hôm nay, buông lỏng tay chèo thuyền đời đang trôi. Thái độ buông thả  chỉ là phản ứng không thể tránh của con người không dám rời xa quá khứ để chạm mặt hiện tại, không đủ can đảm  ra khỏi hôm qua để bước vào hôm nay, không tự tin ở  khả năng đối diện với những gì đang diễn biến.
Nghiền ngẫm và trì kéo ở lại trong qúa khứ thất bại, người ly dị đến một lúc sẽ tự đồng hoá với hôn nhân thất bại trong qúa khứ, và rơi xuống hố sâu của mặc cảm tự ti khi không còn tìm được ở mình một nghị lực phấn đấu, cho dù chỉ là một chút xíu cỏn con.
c.    Ngao ngán hiện tại:
Đã bám chặt quá khứ, và nhất quyết không buông tha qúa khứ, dù qúa khứ ấy chỉ là một qúa khứ với mầu xám thất bại, người ly dị tất nhiên sẽ không chấp nhận hiện tại “bây giờ và ở đây” như hiện sinh sống động, chân thực và cụ thể. Trái lại, họ ngao ngán  giây phút đang sống, vì tiên thiên cho rằng hiện tại rồi cũng sẽ trở thành quá khứ  dang dở, bẽ bàng như một lần đã bẽ bàng, dang dở. Tâm lý ở những người này là trạng thái bất ổn vì lo âu. Họ lo lắng một hiện tại không tốt hơn, không sáng hơn quá khứ, nhưng nghĩ sẽ tệ hơn, nên âu sầu trốn hiện tại như tránh  một bệnh dịch truyền nhiễm, nguy hiểm.             
Ngao ngán hiện tại vì khư khư ôm chặt qúa khứ thất bại. Ngao ngán hiện tại vì ly dị như thất bại vĩ đại bao phủ, ám ảnh toàn thể cuộc sống. Kết qủa là càng ôm qúa khứ, càng sợ hiện tại; càng tránh hiện tại, càng thả lỏng, buông xuôi. Và người ta sẽ quên thở không khí trong lành của cuộc sống hiện tại để chỉ thoi thóp, hấp hối với tàn hơi của một thời đã qua.   
d.   Bất cần tương lai:
Bỏ quên hiện tại đồng nghiã với bất cần tương lai, vì ẩn số ngày mai là đáp số của hiện tại. Không có ngày mai tốt đẹp, nếu không có hiện tại “thuận chèo xuôi mái”. Không có ngày mai hy vọng, nếu hiện tại chỉ là thất vọng. Không có tương lai đạt đích, nếu hôm nay chỉ là buông xuôi, chán nản.
Không thiếu những người sau ly dị đã rơi vào tình trạng buông thả, vì bám chặt quá khứ, sợ hiện tại, bất cần tương lai. Họ đánh giá sai thất bại ly dị và biến ly dị thành một phán quyết của định mệnh. Họ quên rằng: ly dị tuy là một nỗi đau, một thất bại, kể cả là một điều xấu cũng không bao giờ trở thành một sự dữ có tính định mệnh. Sự lầm lẫn  giữa bản chất và hiện tượng của ly dị tạo nên nỗi ám ảnh dầy đặc và nặng nề làm người ly dị cảm thấy mất chân đứng, mất trọng lực ngay trong chính cuộc đời mình, và đây là điều rất nguy hiểm đẩy người ta rơi xuống vực thẳm buông thả không lối thoát.
Không ít người sau ly dị đã đánh mất chính mình qua thái độ và lối sống buông thả, mất tự chủ, mất nghị lực, mất phương hướng, mất nhân phẩm. Họ như những con thiêu thân lao mình tự sát mà không hề phản tỉnh, ý thức. Nhiều cuộc đời sau ly dị đã bị hủy hoại cách qúa dễ dàng và thảm hại trong con nước buông thả, và mấy ai đã ngờ sức tàn phá kinh khủng của ly dị một khi biến thành ám ảnh đen tối, tiêu cực.
Thái độ buông thả cũng là cách người ta thường dùng để biểu lộ sự van xin lòng thương cảm nơi người bạn đời cũ. Họ sẵn sàng  buông thả đến mức tàn tạ thân xác, bệ rạc tinh thần với chút hy vọng được người xưa thương xót, và thái độ buông thả ở một góc độ tâm lý nào đó được coi như  khổ nhục kế.
Nhưng trong mọi trường hợp, buông thả vẫn là thái độ tiêu cực không đem lại lợi ích cho ai; trái lại người gánh chịu đầu tiên và nặng nề hơn cả mọi hậu qủa tai hại vẫn là người chủ trương và sống thái độ đó.  
3.   Thái độ bình an:
Trái ngược hai thái độ bạo lực và buông thả rất tiêu cực và nguy hiểm vừa kể trên là thái độ bình an của người biết nhận định chính xác hiện tình sau ly dị và đánh giá đúng mức biến cố ly dị, nhất là biết lợi dụng ly dị như những vấp ngã “nhớ đời” có khả năng dậy khôn ngoan, đánh thức giấc ngủ mê muội, và lấy ra khỏi cơn say ảo tưởng.    
 Để có được thái độ bình an, người ta phải  trang bị cho mình hành trang cần thiết:
a.   Bình tĩnh nhận định hiện tình ly dị với tinh thần trách nhiệm:
Bình tĩnh để không nhìn sai, thấy sai hiện tình vì nóng nẩy, bồng bột. Càng không thiên tư và bất công đổ hết tội  cho người khác và “ trí trá thanh thản” rửa tay kiểu Philatô giả hình, hèn nhát sau khi kết án người vô tội. Bình tĩnh để thấy rõ từng góc cạnh, từng nếp gấp của vấn đề; đồng thời rút ra những bài học và kinh nghiệm máu xương từ thất bại ly dị.
Người bình tĩnh trước hiện tình ly dị  là người có trách nhiệm khi tìm ở  mình những thiếu sót, lầm lỗi đã đưa đến ly dị trước khi “mổ xẻ” người bạn đời cũ . Họ không hồ đồ lên án, cũng không bừa bãi kết tội những người thuộc về phe nhóm người vợ, người chồng cũ. Với thái độ bình tĩnh nhận định, họ công tâm phân tích vấn đề, sáng suốt tìm kiếm nguyên nhân và khiêm tốn nhận phần trách nhiệm  một cách trí thức, và lương thiện. Người bình tĩnh nhận định là người thao thức cho sự thật, vì xác tín chỉ có sự thật mới giải phóng, và nối kết con người lại với nhau; đồng thời hiểu rằng: cũng vì thiếu sự thật hay sự thật bị bưng bít do những yếu tố, nguyên nhân khách quan nên hai người mới đứt gánh giữa đường hôn nhân. Chính vì thế, kinh nghiệm thứ nhất họ phải áp dụng sau ly dị là tránh cho sự thật số phận hẩm hiu bị quên lãng, bỏ rơi.   
Trong thực tế, người biết bình tĩnh trước hiện tình sau ly dị sẽ tránh được rất nhiều sai lầm của thời “hậu ly dị”, và làm dịu  bầu khí  thường  căng thẳng giữa vợ chồng vừa ly dị.   
b.   Bình tâm trước những xáo trộn, chao đảo sau ly dị:
Không lúc nào người ta bấn loạn, hụt hẫng, mất thăng bằng tâm lý bằng sau khi ly dị. Đây là thời gian của nhiều thảm kịch không ngờ trước. Báo chí hằng ngày thông tin những cảnh tự tử, quyên sinh, bắn chết chồng cũ, vợ cũ của những cặp vợ chồng vừa ly dị vì không chịu đựng được nỗi đau ly dị. Vì thế, trạng thái tâm hồn bình lặng trước sóng gió ly dị là điều kiện thiết yếu để vượt qua thử thách và nhiều cám dỗ tự hủy diệt và hủy diệt nhau.
Bình tâm để không bi thảm hoá vấn đề. Bình tâm để không cường điệu một cách vụng về nhưng nguy hiểm, những khó khăn chung quanh ly dị. Bình tâm để không bị lôi cuốn vào qúa khích, cực đoan khi giải quyết những nhiêu khê phát sinh từ ly dị. Bình tâm để chọn giải pháp và đường lối trung dung, ôn hoà, có đạo đức, có tình người.
Có rất nhiều người sa lầy vào tội ác không vì ác tâm, nhưng vì bị cuốn vào cơn lốc xóay của cực đoan, qúa khích. Họ chỉ nhận ra mình lầm đường lạc lối sau khi bình tâm suy nghĩ, nhận định. Rất tiếc, có nhiều sai lầm, đổ vỡ  không thể sửa chữa, hàn gắn như cướp đi sinh mạng của người khác khi tâm không bình.
c.    Bình ổn cảm xúc:
Sau ly dị, vì phải đối phó với nhiều người trong nhiều tình huống phức tạp mới, chưa từng trải qua, nên người ly dị có nhiều cảm xúc đột ngột khó kềm chế. Những cảm xúc không được ổn định và kềm chế sẽ gây hỗn loạn dẫn đến nhiều hành động tiêu cực có hại cho cuộc sống mới và tạo ấn tượng không đẹp nơi  những con người mới mà từ nay người ly dị bắt đầu phải thiết lập tương quan. Sự trồi sụt bất ngờ của cảm xúc nơi người ly dị cũng  làm  họ phập phồng lo sợ, hốt hoảng lo âu, bồn chồn lo lắng. Những lo âu, lo lắng, lo sợ mở đường cho những hành vi hoảng loạn vượt tầm kiểm soát của lý trí, và hậu qủa thường đáng buồn, đáng tiếc.
Bình ổn cảm xúc là làm cho tình cảm đang sôi động được lắng đọng bằng tìm lại thế quân bình và chuẩn mực thăng bằng. Tình cảm tịnh cũng cần thiết như trí não tịnh; nghiã là cả hai phải ở vào mức độ và vùng  kiểm soát được; nếu không sẽ khó tránh  tình trạng mất thăng bằng  ảnh hưởng đến nhân cách. Nhiều người vì không bình ổn được cảm xúc thời hậu ly dị đã rơi vào tình trạng tâm bệnh vì tình cảm bị rối loạn, thoái hoá vô trật tự.
d.   Bình dị trong ngôn từ:
Vì phải liên tục giải trình, và tự biện hộ trước nhiều người, nhất là những  người trong gia đình, và  bè bạn khắp nơi, người ly dị dễ rơi vào “đại ngôn hoang tưởng” khi lớn tiếng và bạo miệng phân bua, minh định bằng chỉ trích, chê bai, lên án người bạn đời cũ. Hậu ly dị là thời gian hai người thường ra sức thuyết phục người chung quanh để kéo về mình nhiều đồng minh và để chứng minh mình có lý, mình vô tội, mình không làm sai và không là tác nhân đã gây ra nông nỗi. Kinh nghiệm cho thấy sau ly dị là thời điểm người ta bôi bác nhau kịch kiệt và không ngượng miệng. Điều này dễ hiểu vì khi không còn ảnh hưởng và quyền trên nhau, người ta mới tha hồ gào thét  tính sổ và tru trếu đòi nợ nhau.
Thế nên để được bình an, không gì hay hơn là chọn phương án “bình dị trong ngôn từ”; nghiã là tránh “mồm loa mép giải.”, “dao to buá lớn”, nhưng giản dị, đơn sơ trong ngôn từ với cung cách nhẹ nhàng, bình thản. Chính những từ ngữ giản dị làm người nói và người nghe cùng bình tâm, bình tĩnh. Chính cung cách nhẹ nhàng, bình thản làm bầu khí đối thoại không  căng thẳng, ngột ngạt , nhưng dễ nghe, dễ thương, dễ thở.
Đã có không ít những  ẩu đả đổ máu vì “lời ra tiếng vào”, những án mạng chỉ vì một tiếng gáy nhức tai, một câu “móc lò” đụng chạm, và thời hậu ly dị là thời thuận lợi cho những tiếng gáy, “tiếng bấc tiếng chì” oan nghiệt mà người khôn ngoan cần phải tránh.     
Như thế, thái độ bình an là thái độ tốt đẹp nhất, bảo đảm một đời sống an ổn sau khi ly dị. Nhưng để có thái độ bình an, người trong cuộc phải liên lỷ chiến đấu với chính mình để vượt qua những cám dỗ của bạo lực, khiêu khích, sát phạt hay khuynh hướng tiêu cực, buông thả, đầu hàng số phận.
Bình an vì thế không là một trạng thái tự nhiên, một thành qủa “bất chiến tự nhiên thành”, nhưng là kết qủa của cuộc chiến cam go và trường kỳ. Bởi sau ly dị, hai người có không biết bao nhiêu điều phải nói, bao nhiêu khúc mắc cần giải trình, bao nhiêu con số cần  hạch toán, bao nhiêu ẩn ức cần giãi bầy, bao nhiêu bất công cần  đền trả, bao nhiêu ân oán mong được thanh toán, lý giải. Những điều này từ lâu đã làm nặng lòng, và làm bế tắc tương quan. Chính vì thế, hậu ly dị là lúc tất cả cần phải được giải quyềt một lần cho xong … Nhưng  trong  đời thường, mấy ai đã có thể giải quyết cho xong một lần ? Hay sẽ kéo dài nhiều năm, có khi đến tận cuối đời…bất hạnh ?
Cuộc chiến nội tâm tìm bình an là cuộc chiến dài như cuộc đời, nên người chiến sỹ không được phép rời tay súng. Cũng như  “Nếu muốn hoà bình, hãy chuẩn bị chiến tranh – Si vis pacem, para bellum” , người muốn sống thái độ bình an cũng phải đề cao cảnh giác, vì  quân thù “Bạo Lực”, địch quân “Buông Thả” luôn rình rập những sơ hở để tấn công. Và bình an là hoa trái của chiến đấu hy sinh, nên người biếng lười, dửng dưng, hờ hững sẽ khó có thể đạt được thái độ sống bình an.
Ở đây chúng ta bắt gặp cốt lõi của hạnh phúc đời người. Hạnh phúc đó chính là bình an. Người ta có thể có tất cả, nhưng không thể hạnh phúc, nếu thiếu bình an. Người ta có thể mua được tất cả, nhưng bình an không là món hàng, nên không thể mua bằng tiền và thế lực.Người ta có thể thành công trong mọi lãnh vực, nhưng hạnh phúc không đến với họ, nếu bình an vắng bóng trong tâm hồn.
Bình an là trạng thái tự tại, tự tin trong thế quân bình hoàn hảo và hài hoà tròn đầy của tâm hồn. Và người hạnh phúc là người có được tình trạng  bình an này; cũng như bất hạnh là khi bình an không có điều kiện để hiện diện trong thẳm sâu hiện hữu.
Nếu khế ước hôn nhân hai người tự nguyện ký kết trong ngày cưới ôm ấp ước mơ trải đến tận cây số sau cùng của đời hai người, thì ly dị là bước dừng trên hành trình đáng mơ ước đó. Nhưng cho dù là bước dừng rướm máu vì chia cắt, ly dị không bao giờ là bước đường cùng tuyệt vọng. Nó chỉ là một thất bại, một biến cố không vui, một vấp ngã nặng nề, nhưng tuyệt nhiên không đóng hết cửa vào tương lai, không lấy đi tất cả mọi khả thể xây dựng lại.
Nếu đường hôn nhân của hai người được bắt đầu sau hôn lễ và hướng tới hạnh phúc lứa đôi, thì ly dị là khúc rẽ không cho hai người cùng chung vai, sát cánh về đích. Vì thế, ly dị không là nhát dao định mệnh giết chết tương lai, hạnh phúc của hai người, nhưng hạnh phúc vẫn còn đó, trên những tuyến đường mới mở ra và tiếp tục mời chào, dù hai người từ nay không cùng một đường đi, không chung một  lối về căn nhà Hạnh Phúc.
Nói cách khác, hạnh phúc vẫn có mặt, và người ta vẫn tràn đầy hy vọng  trên đường đi tìm hạnh phúc mới. Chỉ có một điểm chung đặc biệt, một mẫu số chung không thể thay đổi, đó là hạnh phúc vẫn luôn là tình trạng bình an cư ngụ kín đáo trong tâm hồn, để lại một lần nữa, đúng hơn là mãi mãi đến vô tận lần, con người phải chiến đấu để giành lấy bình an đích thực cho mình và cho người, vì chỉ với bình an, hạnh phúc mới thực là hạnh phúc.
Tóm lại, người ly dị không hề bị tước đọat khả năng đi tìm hạnh phúc và khả thể đạt hạnh phúc, cho dù con đường hạnh phúc hôn nhân vừa bị biến cố ly dị làm gián đoạn. Trái lại, họ tiếp tục được mời gọi chọn con đuờng hạnh phúc mới  bằng thái độ sống bình an, như điều kiện của hạnh phúc. Họ sẽ phải chọn một trong hai thái độ: hoặc bạo lực, buông thả, hoặc thư thái, bình an. Mỗi chọn lựa khác nhau đem đến hậu qủa khác nhau. Thái độ bình an gắn kết với lạc quan, hy vọng, tích cực, xây dựng, bao dung. Thái độ bạo lực và buông thả  sánh đôi với bi quan, tiêu cực, hận thù, hèn nhát, thất vọng. Bình an mang về hạnh phúc. Bạo lực, buông thả  kéo theo bất hạnh. Và cuộc đời mới sẽ hạnh phúc hay bất hạnh đều hệ tại ở chọn lựa một thái độ sống này.