Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 14 tháng 5, 2020

BÀI HỌC TỪ MÙA DỊCH COVID-19


Tất nhiên không ai cần dịch Covid để học, dù là bài học qúy giá cỡ nào đi nữa, vì Covid tự nó đã là một tai họa khủng khiếp đã lấy đi tính đến hôm nay 13 tháng 5 năm 2020 sinh mạng của 298.261 người, 4.082.591 người bị lây nhiễm, không kể 1.520.000 người đã được chữa lành trên toàn thế giới. Vì thế, bài học từ Covid được xem như bài học “bất đắc dĩ”, đắng lòng mà chúng ta đành lòng rút ra để học.
Có rất nhiều bài học từ kinh nghiệm cách ly, khi sinh hoạt đời sống bình thường hoàn toàn bị xáo trộn, ngưng trệ với hậu qủa của nó, như không đi làm, kinh tế gia đình giảm sút, kiệt quệ, bế tắc; không đi học, con cái quên bài vở, căng thẳng vì tù túng; không giao lưu, gặp gỡ, đối tác theo nhau bỏ đi, tự cắt liên lạc; không “của ăn của để”, gia đình lục đục, xào xáo; không trường vốn, công ty, xí nghiệp phá sản, khánh kiệt.
Bên cạnh những bài học đời sống là bài học con người: vì chung chiến tuyến và cùng phải chiến đấu chống Covid, mà người ta thấy nhau, biết nhau, hiểu nhau, đánh giá nhau khá chính xác, để khám phá ra một rừng người thuộc đủ mọi thể loại. Có người quên mình vì bệnh nhân, thậm chí chết vì qúa tận tụy đến kiệt sức, hoặc lây nhiễm, có người quên chuyện riêng suốt ngày lo cơm cháo cho người thiếu ăn vì Covid, nhưng cũng không thiếu những người làm giầu nhờ Covid, “vinh thân phì gia” nhờ ăn cắp khẩu trang của bệnh viện, trúng mánh khủng nhờ mua bán bất chính máy thở của khoa cấp cứu hồi sức…  
Ở đây, chúng ta chỉ chia sẻ với nhau bài học trách nhiệm, mà bất cứ ai cũng có thể tìm học, vì ít nhiều, nếu ý thức và lương thiện, sẽ đều thấy mình dính dáng, liên quan:
1.   Thiếu trách nhiệm với cộng đồng khi qúa cẩu thả, liều lĩnh:
Covid là dịch bệnh nguy hiểm do lây lan nhanh và gây tử vong trong một thời gian rất ngắn, vì tấn công trực tiếp phổi. Do đó, để tránh dịch, mọi người phải tuân thủ những biện pháp nghiêm ngặt như rửa tay, đứng xa nhau ít là một mét, đeo khẩu trang, không nhẩy mũi bừa bãi, không bắt tay, không ôm hôn…, nên khi bất tuân hành, qua lối sống cẩu thả, liều lĩnh, bất cần, chúng ta đã không chỉ vô trách nhiệm đối với sức khỏe của chính bản thân mình, mà còn thiếu trách nhiệm đối với cộng đồng xã hội, khi coi thường an toàn tính mạng của người khác, trong đó có cả những người thân quen.
2.   Thiếu trách nhiệm với cộng đồng khi qúa nhát sợ, tránh né:
Nếu cẩu thả, liều lĩnh đem lại rủi ro cho mình và cộng đồng, và là hành vi thiếu trách nhiệm, thì tâm lý quá nhát sợ, và thái độ tránh né thái qúa cũng mang cùng mức độ thiếu trách nhiệm đó. Chẳng hạn, có những người, vì qúa sợ lây nhiễm, đã trở nên khép kín đến đáng sợ khi từ chối mọi liên lạc với cha mẹ, gia đình, bạn hữu ngay cả qua tin nhắn, điện thoại, vì sợ liên lạc, những người này sẽ kiếm cớ ghé thăm, làm phiền. Cũng vậy, không thiếu những nhân viên y tế trong thời dịch bệnh, vì sợ lây nhiễm, đã tìm đủ cách để tránh né người bệnh, tìm đủ mọi mánh khóe để khỏi đi làm, tìm đủ mọi lý do để không phải vào bệnh viện phục vụ người bệnh Covid.
Như thế, cả hai thái độ: liều lĩnh, cẩu thả và nhát sợ, tránh né đều được xếp vào thứ hạng “thiếu trách nhiệm đối với cộng đồng xã hội”, mà rất có thể chúng ta đã ít nhiều lần rơi vào.
3.   Thiếu lương thiện và trách nhiệm khi vừa tự tâng bốc, vừa đả kích, bôi bác người khác:
Thế rồi khi cơn dịch được khống chế thành công, một số không ít trong chúng ta lại rơi vào tình trạng thiếu lương thiện và thiếu trách nhiệm khác, đó là vừa tự tâng bốc vừa kịch liệt đả kích, ra rả bôi bác người khác, cộng đồng khác, quốc gia khác…
Hiện tượng “tự tâng bốc, tự xông hương, tự tuyên dương mình” qúa lố, khi thành công chống dịch đã bộc lộ tính kiêu căng và thiếu trách nhiệm tương trợ đối với người khác, vì một tinh thần trách nhiệm đích thực phải biết hướng đến người khác và chia sẻ gánh nặng với người khác. Khi tự tâng bốc mình với những thành qủa được bơm căng, thổi phồng đôi khi qúa đáng, chúng ta đã vô tình “ngồi xổm” trên khổ đau, bất hạnh của người khác, khi hãnh tiến, vênh vang một cách  lố bịch. Đó là chưa kể: để có đà tự cao, tự đại, tự phong thần, tự xông hương, chúng ta lại đả kích, bôi bác, nhận chìm người khác, cộng đồng khác, đất nước khác.
Những ngày này, chúng ta mừng đất nước ra khỏi nạn dịch Covid-19. Xin tạ ơn Trời Phật, và cám ơn rất nhiều người, vì hồng ân và bao nhiêu hy sinh đã được đóng góp để cả nước được trở lại sống những ngày không còn bị dịch đe doạ. Trong niềm vui “hết dịch”, ước gì chúng ta không quên nhìn lại mình để rút ra từ những thiếu sót bài học trách nhiệm với mình và với người chung quanh.
Thiết nghĩ đó là tâm tình Tri Ân đáng yêu nhất chúng ta dâng Trời Phật và lời Cám Ơn dễ thương nhất chúng ta dành cho nhau thời “hậu dịch”.
Jorathe Nắng Tím 

MỤC LỤC ( Tác phẩm Hậu Ly Dị, tác giả Jorathe Nắng Tím)



MỤC LỤC
·           Chương I : Ly Dị: https://tinmungduongpho.blogspot.com/search/label/chuong-1-Ly-di
·           Chương II: Ly dị : Chia, Sẻ, Xa: https://tinmungduongpho.blogspot.com/search/label/Chuong-2-HLD
·           Chương III: Những tâm trạng sau ly dị: https://tinmungduongpho.blogspot.com/search/label/Chuong-3-HLD
·           Chương IV: Những thái độ sau ly dị: https://tinmungduongpho.blogspot.com/search/label/chuong-4-HLD
·           Chương V: Con cái hậu ly dị: https://tinmungduongpho.blogspot.com/search/label/chuong-5-HLD
·           Chương VI: Gia đình hai bên: https://tinmungduongpho.blogspot.com/search/label/chuong-6-HLD
·           Chương VII: Bạn bè hậu ly dị: https://tinmungduongpho.blogspot.com/search/label/Chuong-8-HLD
·           Chương VIII:Bạo lực hậu ly dị: https://tinmungduongpho.blogspot.com/search/label/Chuong-8-HLD
·           Chương IX: Những nếp sống mới hậu ly dị: https://tinmungduongpho.blogspot.com/search/label/Chuong-9-HLD


Thay Lời Kết (Hậu Ly Dị, Jorathe Nắng Tím)


Tự thân ly dị là một tiêu cực, bởi ly dị là hôn nhân thất bại, hôn nhân đổ vỡ, hôn nhân đứt gánh, hôn nhân dang dở khi vợ chồng không còn khả năng, khả thể cùng nhau đi hết hành trình đời người. Ly dị cũng là ước mơ chưa tròn, lý tưởng chưa đạt, nên tự thân ly dị còn là một  khiếm khuyết.
Vì tiêu cực, khiếm khuyết nên ly dị không là điều đáng  mong ước, và khi chấp thuận ly dị chính là miễn cưỡng chọn một điều ít xấu nhất giữa những điều  khác xấu hơn, hoặc rất xấu. Như thế ly dị trong mọi trường hợp phải là giải pháp ít tai hại nhất, ít ảnh hưởng xấu nhất, ít gây tổn thương, mất mát nhất, và ít nguy hiểm nhất; mặc dù tự thân ly dị vẫn luôn là điều không đáng ước mơ.
Người ta, vì thế phải ly dị khi không còn cách tốt hơn để giải quyết những xung đột, mâu thuẫn là những điều xấu. Người ta đành lòng ly dị vì ngoài giải pháp này không còn phương án nào ít xấu hơn nữa. Đó là lý thuyết, nhưng trong thực tế, có bao  nhiêu người đã  chọn ly dị như một giải pháp “bất đắc dĩ”, tương đối ít xấu hơn cả ?   
Bị đặt trong hoàn cảnh thường xuyên  bị bạo hành bời người chồng vô trách nhiệm, hung dữ, sáng đêm say xỉn, người vợ nếu muốn bảo toàn mạng  sống  và tương lai của con cái sẽ phải cắn răng nộp đơn xin ly hôn. Người vợ đáng thương ấy đã bất đắc dĩ làm một việc mà tận thâm tâm bà không hề mong muốn. Nhưng vì tình thế bắt buộc và để tránh những tai họa thê thảm, khốc liệt cho mình và đàn con nên  đã phải tìm đến giải pháp ly dị. Trường hợp cụ thể  được đem ra như thí dụ trên nói lên tính “bất đắc dĩ.” của  chọn lựa ly dị.
Ly dị là một thực tế không thể chối cãi, và ngày càng nhiều. Ly dị rất đa diện vì là điểm kết thúc của những mâu thuẫn, xung đột, bất đồng giữa vợ chồng. Mỗi nhà mỗi cảnh, mỗi người mỗi tính, nên mỗi ly dị là mỗi ẩn số của hôn nhân mà không  ẩn số nào giống ẩn số nào, như không tìm được hai cặp vợ chồng  giống hệt nhau.
Vì ly dị không là điều đáng ước mơ, tích cực nên hậu qủa của ly dị cũng không là điều tốt đẹp nên tìm kiếm, bởi không ai đã muốn có con để rồi phải chia con; không ai nghĩ có ngày “của chồng công vợ” phải cân, đo, đong, đếm trước Toà; không ai tưởng tượng hôn thú xé đôi, vợ chồng coi nhau như đối thủ, không còn muốn nghĩ đến nhau.
Nhưng dù ly dị  không tốt đẹp, không tích cực, không đáng mơ ước, chúng ta cũng bị đặt trước những con người ly dị đang khao khát hạnh phúc và nỗ lực đi tìm một cuộc sống khác hy vọng sẽ tươi sáng, may mắn và hạnh phúc hơn. Đối diện với những tâm hồn khát khao hạnh phúc vì vừa trải qua một phần đời bất hạnh với thất bại hôn nhân, thiết tưởng thái độ cần phải có chính là biết chân thành cảm thông, và tận tình chia sẻ.
Tận tình chia sẻ những khó khăn đã không thể vượt qua và nỗi đau   bất lực khi không tìm được giải pháp nào khác tốt hơn ly dị.
Chân thành cảm thông hoàn cảnh không lối thoát và nỗi buồn phải mượn ly dị như con đường thoát thân.
Tận tình chia sẻ những thất bại, vấp ngã khó có thể vực dậy và nỗi khổ phải chọn ly dị như giải pháp bất đắc dĩ để tự giải cứu.
Chân thành cảm thông để không đứng ngoài chép miệng, nhún vai, lắc đầu phê bình, khi cho rằng ly dị là quyết định nông nổi, bồng bột, vội vàng, hời hợt, trẻ con.
Tận tình chia sẻ để làm vơi mặc cảm thất bại, và giúp mở ra chân trời mới có ngày mai bình an, hạnh phúc.Và hậu ly dị sẽ trở thành thời gian ngơi nghỉ, tịnh tâm, ở đó trái tim  ray rứt trút bỏ được tâm sự buồn, và cõi lòng tan nát nhẹ bớt gánh sầu ly hôn.    
Viết xong tại Tân Phú 7/5/2014
 Jorathe Nắng Tím