Mục
tiêu của tập chia sẻ là những vấn đề sau ly dị, nhưng không thể nói chuyện sau
mà quên chuyện trước. Vì thế, rảo quanh câu chuyện ly dị một chút cũng là điều
nên làm, trước khi cùng bạn chạm mặt với thời hậu ly dị nhiêu khê.
1. Ly dị
không còn khó khăn :
a.
Do xã hội cởi mở :
Có nhiều
chuyện người ta muốn làm, nhiều việc người ta muốn thử sức, nhiều món ăn chơi
muốn liều lĩnh nếm mùi. Nhưng nếu phải vượt qua nhiều cản trở, nhiều hàng rào
ngăn cấm, nhiều con mắt rình rập, nhiều điều kiện khó khăn thì người ta sẽ ngần
ngại hoặc không dám làm, hoặc không đủ
điều kiện, phương tiện làm. Chú bé mười hai tuổi rất muốn hút thuốc để làm người lớn, nhưng không
tiệm nào bán thuốc lá cho trẻ vị thành niên, và con nít hút thuốc sẽ bị người lớn la rầy, trừng phạt.
Nhờ thế mà cậu bé dù muốn làm người lớn sớm cũng may mắn không phải sớm làm người
lớn hút sách, sa đoạ.
Ngày
nay, ly dị không còn là điều cấm kỵ, khó nói, nhưng xã hội đã giải phóng gia
đình, giải phóng lứa đôi, giải phóng luôn kỷ cương, truyền thống, nên ly dị trở
thành chuyện nhỏ, riêng tư, không còn là chuyện lớn, gây ảnh hưởng cho đám
đông, quần chúng. Vì là chuyện nhỏ, bình thường và riêng tư, người ta dễ dàng
« mời » nhau ly dị khi không còn thích ở với nhau, thanh thản ký đơn
ly hôn mà không sợ dư luận, vui vẻ tự giới thiệu « còn độc thân, vì mới ly
dị » mà không chút ngượng ngùng, chia sẻ những mánh khóe để giựt về mình
phần thắng khi Toà án phân chia tài sản mà không chút liêm sỉ, e ngại. Xã hội hôm nay không
những mở cửa, mở đường mà còn tiếp tay, tiếp sức cho ly dị dưới chiêu bài giải
phóng con người, giải phóng nữ giới, giải phóng gia đình…Cơ chế không còn can
thiệp theo hướng cố gìn giữ nền tảng gia đình, cố trì kéo quyết định ly hôn với
hy vọng đôi bên sẽ đi đến hoà giải , mà hầu như tạo điều kiện thuận lợi cho
cách giải quyết nhanh, gọn, nhẹ là ly hôn khi hai người cảm thấy khó có thể tiếp
tục đời sống vợ chồng.
Xã hội
cũng không giảm thiểu những quyền lợi của người ly dị ; trái lại, rộng tay
trợ cấp cho các bà mẹ độc thân, tức những người đàn bà một mình nuôi con, trong
đó phần lớn là những người mẹ đã ly dị như quy chế hiện nay ở các nước Âu Châu. Vì thế,
nhiều cặp vợ chồng đã chọn ly dị như giải
pháp kinh tế khi gia đình rơi vào bế tắc tài chánh.
Xã hội
nhắm giải quyết tức thời những vấn đề trước mắt hơn quan tâm đến hậu qủa lâu
dài, nên ưu tiên giải quyết ly dị mà không chuẩn bị cho người trong cuộc thế
quân bình cần thiết sau ly dị, nhất là các con chung của hai người ly dị.
Ở một xã hội cực đoan đề cao tự do cá nhân, cực đoan « lăng
xê » quyền phụ nữ, cực đoan giải phóng mọi cơ chế gò bó, ly dị được hoàn
toàn tự do tung cánh và ở một góc độ nào đó, hôn nhân bị đặt vào thế đứng chênh
vênh, dễ đổ vì không ngừng bị cám dỗ bởi những « thoải mái, dễ dàng »
đến mức không còn bị ràng buộc bởi bất cứ định chế, tương quan nào.
b.
Do tôn giáo mất dần ảnh hưởng :
Xã hội
văn minh, con người thấy mình làm được mọi sự và đột biến thành thượng đế. Tâm
thức toàn năng làm con người quên mình cần có tôn giáo. Đó là lý do hôn nhân
không còn quy chiếu vào luật lệ, cơ cấu tôn giáo nữa và ảnh hường của tôn giáo
giảm sút trầm trọng trên đời sống hôn
nhân, gia đình. Luật « bất khả phân ly » trong hôn nhân công giáo
không còn được triệt để tôn trọng như xưa và số người công giáo rơi vào tình trạng
« rối » tức là đã ly dị
dân sự, trong khi hôn phối đạo không thể hủy bỏ ngày càng tăng.
Tôn
giáo là thành trì vững chắc nhất, nhưng một khi tôn giáo không còn được coi là
thành trì, người ta sẽ tự buông lỏng và luân lý, đạo đức sẽ theo đó tự do nổi
trôi. Chỉ còn lại lương tâm là tiếng nói sau cùng, nhưng tiếng nói ấy cũng yếu ớt
và ít khi can đảm lên tiếng khi thành trì tôn giáo không còn để hướng dẫn, bảo
vệ.
c.
Do quan niệm hôn nhân thay đổi:
Hôn
nhân không còn được xem là một chọn lựa mang tính vĩnh cửu, đời đời; nghiã là
chọn nhau cả đời, lấy nhau trọn kiếp, sống
chung đến chết, chết rồi vẫn thuộc về nhau. Hôn nhân bây giờ là khế ước, hợp đồng.
Đã gọi là hợp đồng tức có sự đồng thuận, nhưng cũng dự phòng sẽ có bất thuận. Gọi
là khế ước khi hai bên đồng ý những điều kiện được nêu ra, nhưng cũng tiên liệu
có thể xẩy ra bất đồng khi một trong hai bên không tôn trọng điều kiện đã được
ký kết và khế ước sẽ mất giá trị, mất hiệu
lực và bắt buộc phải hủy bỏ.
Chính vì
hôn nhân được quan niệm thuần túy là hợp đồng, khế ước, nên vấn đề bãi bỏ hợp đồng
hôn nhân, hủy bỏ khế ước hôn phối là điều không có gì phi lý, nếu đã chấp nhận
định nghiã hôn nhân là hợp đồng, khế ước. Người ta sẽ đơn giản cho rằng: khi hợp
đồng được thì ở, khi bất đồng thì “vui vẻ” chia tay; khi điều kiện chung được
hai bên thoả mãn thì còn vợ chồng, khi điều kiện không còn thích hợp thì thoải
mái “bye - bye”. Không ai ân oán, trách móc gì ai, cũng không ai tỵ nạnh, gây gỗ,
vì ngay từ đầu đã hợp đồng tay đôi như thế !
d.
Do áp lực tứ phiá đã nhẹ bớt:
Tứ phiá
đây phải kề lương tâm, gia đình, xã hội, tôn giáo. Lương tâm thì đã có tự do
tháo khoán, cho phép, vì lương tâm thường “ba phải, a dua, dễ bị dụ” khi lương tâm
mù quáng vì tham vọng, vì không được vững chắc đào tạo. Gia đình buông
xuôi, bất lực trước tự do cá nhân. Xã hội mất phương hướng trước những chuyển
biến ngày càng nhanh và dữ dội. Còn lại tôn giáo thì vai trò không được nhìn nhận và ảnh hưởng ngày càng
sút giảm.
Chính
vì thế, áp lực từ bốn phiá vừa kể không còn là thành trì che chở hôn nhân, nên
ly dị được thông thoáng, nhẹ nhàng, nhất là
người trong cuộc không còn nặng lòng với nhiều mặc cảm “bỏ chồng bỏ vợ’như xưa.
2. Ly dị
“muôn hình trạng”:
Ngày
xưa, ly dị là quyết định bất đắc dĩ của
vợ chồng khi không còn khả thể hàn gắn, hoà giải, sau một thời gian yêu nhau,
và chung sống hạnh phúc. Như thế, ly dị là tình trạng không còn hạnh phúc sống
chung như vợ chồng, không còn khả thể cùng đi trên một con đường chung về chung
một hướng, đến chung một bến bờ, gặp chung một điểm hẹn. Tắt một lời, ly dị
là thất bại của hai người, bất hạnh cho
hai người, vì đi lệch ý muốn và quyết định
kết hôn ban đầu của hai người. Người ta không ly dị vì những lý khác ngoài lý
do tình cảm, và chỉ khi nào “cực chẳng đã”, không còn giải pháp nào ít xấu hơn,
người ta mới đành đưa nhau ra toà xé hôn ước.
Ngày
nay, với đủ thứ tự do và nhãn hiệu, băng rôn nhân danh giải phóng, người ta ly
dị dễ dàng và nhanh chóng vì đủ lý do. Ngoài ly dị vì thực sự không còn có thể ở
chung, còn những ly dị để trốn thuế, ly dị để phân tán tài sản, ly dị để tránh nhà
cửa bị tịch biên, ly dị để “ghép phom” đi Mỹ, ly dị để dễ làm ăn, ly dị để đánh
lạc hướng đối thủ kinh tế, ly dị để làm áp lực trên cha mẹ, và vô số những kiểu
ly dị thần kỳ không thể biết khác…
Vì ly dị
qúa dễ dàng, nên ly dị trở thành phương tiện
cho những mục tiêu không còn thuộc phạm vi tình cảm, hạnh phúc, mà biến thái
thành phương tiện cho những mục tiêu không chính đáng và thiếu trong sáng,
lương thiện.
Ở đây,
chúng ta chỉ bàn về hậu ly dị của những ly dị thực sự vì không thể sống
chung hạnh phúc.
3. Ly dị
vì không thể sống chung hạnh phúc:
“Sống
chung” khác “sống chung hạnh phúc”, vì người ta có thể chịu đựng hoặc bị bắt buộc
sống chung mà không có hạnh phúc như sống chung trong bệnh viện, nhà tù, trại tập
trung, ký túc xá, nhà trọ.
Đời vợ
chồng là đời sống chung có hạnh phúc, vì hạnh phúc là mục đích của hôn nhân.
Không ai cưới vợ lấy chồng mà không mong tìm hạnh phúc, nên sống với nhau mà không đem lại hạnh phúc cho
nhau thì đó là một hôn nhân thất bại, hôn nhân bị kết án, hôn nhân trên đường tự diệt.
Một khi
hạnh phúc bị đe doạ, người trong cuộc sống hôn nhân lo sợ và đôn đáo tìm mọi
phương thế chống đỡ nguy cơ, ngăn chặn tai ương, hoá giải sức công phá của đối
thủ. Vợ thấy chồng có dấu hiệu “say nắng”, nàng sẽ không để nắng tiếp tục làm
say chồng, nhưng ra tay tái lập vùng phủ sóng của mình để tránh cho chồng rơi
vào “vùng phủ váy”. Đó là phản ứng tự nhiên và cần thiết để bảo vệ hạnh phúc
hôn nhân, vì hôn nhân sống nhờ hạnh phúc, và lẽ sống của hôn nhân là hạnh phúc.
Thiếu hạnh phúc, hôn nhân không thể tồn tại.
Ly dị
là điểm dừng của một hành trình hôn nhân không hạnh phúc, là nhát dao cắt đứt đời
hôn nhân không còn lửa yêu thương, là đoạn tuyệt với cuộc sống không còn hứng
thú. Nói cách khác, ly dị là bản án kết
thúc đời sống chung của hai người trước đó đã hạnh phúc và nay trở thành gánh nặng
bất hạnh cho nhau. Ly dị tự nó là một kết thúc, một chấm dứt, một đứt đoạn, xa
lià. Không có gì tích cực ở ly dị, vì tự thân đã là một tiêu cực. Người ta chọn
giải pháp ly dị vì không còn giải pháp nào ít xấu hơn, chứ không phải ly dị tự
nó là giải pháp tốt đẹp, đáng mong đợi, tìm kiếm.
Nhưng tại
sao vợ chồng trước đó đã hạnh phúc mà nay không hạnh phúc ?
a.
Vì cái Tâm thay đổi:
Không
gì thay đổi nhanh, kín đáo, triệt để, rốt ráo, tận cùng bằng cái Tâm của con
người. Tâm là cái đáng yêu mà cũng đáng sợ nhất ở con người. Người có Tâm là
người có lòng tốt, lòng nhân, lòng trung nghiã, lòng đạo hạnh, lòng bác ái, vị
tha. Người không có Tâm là người gian ác, xảo trá, lật lòng, bất nhân, bất
trung, bất nghiã, bất hiếu. Vì Tâm ở trong con người, nên khoảng cách từ “có
Tâm” đến “không có Tâm” rất gần chỉ cách nhau một chữ “không” gồm một vần, một
âm rất ngắn gọn.
Tâm tay
đổi không ngừng: Đang tử tế trở thành đểu cáng, đang tuân phục thành ngược ngạo. Người ta thay lòng đổi dạ
tùy theo thời cơ, hoàn cảnh, vị thế. Thời hàn vi, Tâm có thể trong sáng, khiêm
tốn, chân chất, thật thà, nhưng đến thời “đại phát” , thời “trưởng giả học làm
sang”, người ta đánh mất cái Tâm thành, Tâm thiện và biến thành ông này bà nọ
chảnh chọe, phách lối, độc ác, kiêu kỳ. Mới yêu nhau và về nhà chồng, người vợ đẹp
trong mắt chồng, dễ thương trong tim chồng, ngoan ngùy trong nhà chồng, đằm thắm
với họ nhà chồng, biết điều với bạn bè chồng, và trung tín với chồng nhờ tâm hồn
đơn sơ, cái Tâm tuyệt vời. Nhưng tháng ngày trôi, khi làm ra tiền nhiều hơn chồng,
ngoại giao sành sỏi hơn chồng, người vợ ấy
biến đổi thành bà tướng, “bà chằng” chẳng kính nể ai, không còn yêu chồng
như ngày nào vì thành công tuyệt đỉnh và
kép trẻ xếp hàng chờ đến lượt. Cũng thế, người chồng xưa vốn hiền hậu, tận tụy, hy sinh bỗng trở mặt hiếp
đáp vợ, đánh đập con, khinh mạn gia đình vợ, vì cái Tâm của chàng đã thoái hoá,
biến đổi.
Tâm
chính là tổng hành dinh, cơ sở chỉ đạo điều hành mọi sinh hoạt đời sống. Tâm
thiện, tâm lành phát sinh tư tưởng tốt, hành vi nhân hậu. Tâm ác độc, tâm mù qúang
chỉ sản sinh ý nghĩ gian tà và hành động
đồi bại. Không thể có tâm độc mà đời sống tốt, cũng không có đời sống tốt nếu Tâm
không được tu, tánh không được dưỡng.
Tu tâm để
tâm không động bừa bãi theo đòi hỏi của bản năng và khuynh hướng xấu. Dưỡng
tánh để đời sống không bị dục vọng như nước lũ cuốn trôi. Tâm tánh phải vững chắc
để trụ lại trong đời đạo đức. Tâm tánh phải bền bỉ để không lạc lối về quê
hương Hạnh Phúc. Tâm phải thiện để nắm cờ lệnh, quyết định tiến lùi, thắng
thua; bởi có thể mọi người ao ước, và mọi việc đã chuẩn bị, nhưng Tâm của chủ
thể không thuận thì chẳng có gì thành tựu. Ngay cả Trời muốn mà lòng người
không muốn thì mọi công trình cũng sẽ dang dở, bất thành.
Cái Tâm
rất quan trọng, nhưng không mấy người để ý đến Tâm và quan tâm giáo dục. Tâm
con người cũng chính là con người cần phải
được gìn giữ, xây dựng, phát huy. Tâm không như cỏ dại phóng túng mọc bên đường,
nhưng cần được hướng dẫn có hướng có đường: Hướng thiện và đường ngay nẻo
chính.
b.
Vì môi trường sống không lành mạnh:
Con người,
ngoài cái Tâm, còn chịu ảnh hưởng của môi trường sống, vì con người là con vật
có xã hội tính, nên người chung quanh, bè bạn, gia tộc rất cần thiết cho con
người phát triển quân bình về mọi mặt. Nhưng cũng vì cần, mà môi trường tác động
không ít trên nhân cách, chọn lựa của con người.
Vợ chồng
được bao bọc bởi những người tốt sẽ tránh được nhiều cạm bẫy, cám dỗ đưa đến
trác táng, sa đoạ. Người chồng chỉ giao du, thân thiện với những người xấu, thì trước sau sẽ xấu như họ.
Sẽ khó tránh say xỉn một ngày nếu ngày đêm theo chiến hữu vào qúan nhậu. Làm
sao tránh khỏi bỏ vợ bỏ con, nếu không
chịu vắng bóng ở phòng trà, trên sàn nhẩy,
qúan bia ôm, nhà trọ massage. Nghe riết những lời thị phi khích bác, bôi nhọ
cha mẹ chồng hay cha mẹ vợ, hỏi làm sao không có ngày trút giận, đổ hờn lên chồng,
vợ ? Gần mực thì đen là thế, nhưng ở đây
hơn cả gần vì đang dìm mình trong mực, hỏi làm sao tránh khỏi đen đúa ?
Môi trường
tốt cũng như làn khí trong lành, không ô
nhiễm. Những đổi thay làm đổ vỡ hôn nhân hầu hết đều do ảnh hưởng xấu của
môi trường xấu. Chị vợ đua đòi chưng diện,
anh chồng dở chứng “tứ đổ tường” hầu như
đều bắt đầu bằng ham muốn “phải bằng anh bằng chị”, không chịu thấp cơ, thua
kém ai. Và khởi đầu đua đòi ấy đã kết thúc bằng thảm họa ly dị, khi hai người
không còn nhận ra nhau như hai người bạn đồng hành tay trong tay, vai sánh vai,
lòng bên lòng, đồng tâm nhất trí trên đường tìm Hạnh Phúc.
c.
Vì hai siêu vi trùng cực nguy hiểm : gian dối
và bạo lực:
Hạnh
phúc là em bé rất ngây thơ, thành thật. Em bé Hạnh Phúc không biết ăn gian, nói dối, và rất sợ bị người khác lừa
gạt. Vì thế, em bé Hạnh Phúc rất kín đáo, thường e ấp dấu mình và tế nhị, chân
thành khi lộ diện. Em dị ứng với những gì không thật. Không thật với em được hiểu
như không yêu em, và gian dối là độc dược giết chết em. Em bị đột tử khi chồng
bị vợ phát giác có bồ nhí, có con rơi, có em út chân dài, có nuôi “gà móng đỏ” .
Em bị “nhồi máu cơ tim” bất đắc kỳ tử, nếu
chẳng may chồng biết vợ đang nằm trong tay người đàn ông lạ, hay đang đầu tư
nuôi trai tơ. Và tất cả những gì không thật khác như mánh khóe, gian lận, lừa đảo
tiền bạc, của cải… đều làm em ngã bệnh trầm trọng.
Bên cạnh
gian dối là bạo lực. Em bé Hạnh Phúc, vì bé
bỏng nên sợ bị bạo hành, đánh đập.
Ông chồng mà “thượng cẳng tay, hạ cẳng
chân” là em bé Hạnh Phúc bỏ nhà đi ngay.
Chị vợ mà đanh đá, dữ dằn, chanh chua nhiếc mắng chồng không mỏi miệng là xua
đuổi em tứ khắc. Là Hạnh Phúc, em không thích sống trong bạo lực, với đám vũ
phu, và gian dối.
Không
biết bao nhiêu gia đình đã tan nát vì vợ chồng không tin nhau, hoặc hung dữ bạo
hành. Tình yêu vợ chồng đặt trên nền tảng của lòng tin và tình âu yếm, dịu
dàng. Gian dối giết tình yêu, cũng như bạo lực làm hạnh phúc chết ngạt. Cả hai không cho tình
yêu sống, và hạnh phúc tồn tại, nên dù tình yêu trước đó có đẹp đến đâu, chuyện
tình có thơ mộng lý tưởng cỡ nào cũng đành buông tay nhắm mắt vì sức tàn phá không gì có thể đề kháng của
siêu vi trùng gian dối và bạo lực.
d.
Vì vợ, chồng có qúa nhiều tính xấu:
Không
ai là thánh, nên sức chịu đựng của mỗi người đều có giới hạn. Sống chung với một
người không bỏ sót một tính xấu nào thì có Trời cũng phải bỏ trốn. Nết xấu hay
tính tốt là do luyện tập. Sống ươn lười, bê tha, hung dữ, gian xảo, lăng loàn
là sống theo bản năng, mà đã trót làm người tất phải chế ngự chúng, nếu không
con người sẽ không hơn con vật. Ý thức tốt xấu và ý chí tự do cho phép con người vượt trên bản
năng khi làm chủ chính mình để sống đúng nhân phẩm, nhân vị, nhân cách. Chính
những “Nhân” này làm con người là người
đích thực, người cao cả, người cao thượng, người cao qúy.
Có những
tính xấu bỏ qua được, nhưng có những nết
xấu làm chết người, giết hạnh phúc, ngăn chặn
đường tương lai như ghen tuông vô cớ, tham lam vô độ, và lẳng lơ, sàm sỡ
vô duyên.
Người
ghen tuông vô cớ là người ích kỷ vì luôn
muốn sở hữu người mình yêu. Ghen tuông với bất cứ ai, ghen tuông vì bất cứ lý
do lớn nhỏ nào, ghen tuông không suy nghĩ để tìm căn cớ, nguyên nhân, người
ghen tuông vô cớ hủy hoại hạnh phúc của chính bản thân mình vì cơn điên rực lửa
ghen tuông không ngừng thiêu đốt tâm hồn; đồng thời nghiền nát người mình yêu
vì sở hữu họ một cách bệnh hoạn và mù
quáng. Thực ra, người ghen tuông vô cớ không yêu ai, nhưng chỉ yêu mình. Họ bực tức,
khổ sở khi ghen tuông chỉ vì sợ mất quyền làm chủ nhân duy nhất trên vợ chồng mình.
Người
tham lam vô độ cũng là người ích kỷ. Chỉ
nghĩ về mình, chỉ vun vén cho mình, chỉ một mình hưởng thụ nên mới vô độ tham
lam. Đã tham lam thì chẳng bao giờ chia sẻ, nên làm chồng, vợ của người tham lam, người ta suốt đời chẳng được sẻ chia. Người tham lam vật chất
cũng là người tham lam tinh thần. Ở họ, chẳng ai được gì và mọi người chỉ là những
mồi ngon thoả mãn lòng tham không đáy, vô độ của họ.
Lẳng
lơ, sàm sỡ vô duyên tưởng chỉ là thiếu sót nhỏ, không ảnh hưởng lớn trên hạnh
phúc lứa đôi, nhưng thực tế, đó là những mũi dao sắc nhọn làm mất máu hạnh phúc
hôn nhân nhiều nhất.
Người vợ
lẳng lơ không được gọi là người vợ hiền thục, đằm thắm, đoan trang, tế nhị.
Nàng sẽ làm gia đình xào xáo vì những quan hệ dễ dãi, hời hợt tuy bề ngoài xem
ra không trầm trọng, nhưng thực tế sẽ kín
đáo làm tình yêu và hạnh phúc của vợ chồng hao mòn mất máu. Người chồng sàm
sỡ thì dù có duyên đến mấy cũng chỉ là anh chàng vô duyên khi những lời trăng
hoa, tán tỉnh rẻ tiền nhưng nặng ý tứ của anh làm tan hạnh phúc gia đình, như
người ta không vấp ngã vì một ngọn núi sừng sững trước mặt, nhưng té ngã vì
viên sỏi, cục đá. Những chuyện nhỏ tưởng linh tinh như vài ba câu bông đuà,
không ý tứ có thể là nguyên nhân chính dẫn đền ly tán gia đình một ngày.
e.
Vì không cùng quan niệm sống, không cùng chính
kiến, không cùng khát vọng thiêng liêng, không cùng ước mơ lý tưởng.
Tất cả
những khác biệt luôn có thể làm phong phú hai người yêu nhau, nếu cả hai ý thức
mình cần được bổ túc bởi người bạn đường, và mình cũng góp phần làm giầu cho
người ấy bằng những “cái khác” chỉ riêng mình có. Hãy nhìn cơ thể của nam và nữ,
ta sẽ thấy Thượng Đế tạo hai người nam - nữ rất khác biệt, nhưng nếu không khác
biệt thì lấy gì để quyến rũ, thu hút nhau. Nếu nàng có hết những gì chàng có,
và ngược lại chàng chẳng thiếu phần thân thể nào của nàng thì hỏi hai người sẽ
có gì riêng biệt để cho nhau, có gì bí mật để lôi cuốn, “mời mọc” nhau ? Thượng
đế khôn ngoan và lãng mạn đã để những khác biệt ở người nam và người nữ , để họ mê say khám phá
nhau, ngụp lặn hạnh phúc trong đại dương bí mật của nhau, và mãi mãi đắm đuối mạo
hiểm cuộc đời nhau. Khác biệt của vợ chồng qủa thật huyền nhiệm, tuyệt vời !
Nhưng
những khác biệt về quan niệm sống, chính kiến, khát vọng thiêng liêng, ước mơ,
lý tưởng, nếu không được cả hai đồng thuận trong suy nghĩ vừa kể sẽ dẫn đến nhiều
mâu thuẫn, đối kháng trong đời sống chung. Chồng sẽ khó chiều được vợ, và vợ
cũng sẽ bó tay, nếu suốt ngày “ông nói gà, bà nói vịt”, rồi to tiếng tranh đấu,
giằng co.
Vì thế,
vợ chồng không nên coi thường những bất đồng, dù là những bất đồng nhỏ. Chúng
nhỏ nhưng rì rỏ đêm ngày cũng sẽ lấy hết máu của tình yêu và làm cạn kiệt nhựa
sống của cây xanh Hạnh Phúc. Đừng quên tình yêu, hạnh phúc hôn nhân rất khó
nuôi, nên chỉ sơ ý, vô tình, tình yêu có thể đau bệnh và hạnh phúc vỡ tan.
f.
Vì trục trặc trong sinh hoạt chăn gối:
Một
trong những nguyên nhân quan trọng đưa đến ly dị là những trục trặc trong sinh
hoạt chăn gối. Vợ chồng không chỉ hạnh phúc vì có người chia sẻ tâm tình buồn
vui, ước mơ, hoài bão, mà còn hạnh phúc
vì được chia sẻ thân xác nhau. Chuyện ăn nằm, ân ái là chuyện rất quan trọng
trong đời sống hôn nhân, vì hôn nhân tìm được nguồn khoái cảm tuyệt vời trong hảnh
động ân ái, giao hợp. Lấy chồng mà không được hưởng hạnh phúc làm vợ thì thật
đáng thương một đời con gái đi lấy chồng. Lấy vợ mà không được thoả mãn nhu cầu
sinh lý với vợ thì qủa thực không còn gì ấm ức, bực bội, chán nản hơn. Chuyện vợ
chồng gần gũi thân xác là chuyện phải được cả hai người quan tâm, để những giây
phút nằm bên nhau trở thành thời gian
thư giãn, khoảng khắc bình an, thời điểm biểu lộ trọn vẹn và tuyệt vời tình yêu
dâng hiến cho nhau. Chính trong bầu khí thân mật, riêng tư của vợ chồng, hạnh
phúc hôn nhân được thăng hoa, nở rộ.
Khó có
thể là người chồng hoàn hảo trong sinh hoạt chăn gối, cũng như khó là người vợ
tuyệt vời khi ân ái, gần gũi chồng. Đó là ý nghĩ tiêu cực thường ám ảnh vợ, chồng . Những ý nghĩ tiêu cực phát
sinh từ một vài khiếm khuyết trong những lần ân ái đã hằn sâu trong tâm trí vợ,
chồng và ảnh hưởng không tốt đến sinh hoạt chăn gối. Vì thế, việc đầu tiên vợ,
chồng phải làm, đó là xóa khỏi tâm trí mặc cảm “yếu xìu, thiếu kinh nghiệm, bất
lực, không đủ sức” để vui vẻ, thoải mái chia sẻ hết tình và hết mình với chồng,
vợ sinh hoạt ân ái. Thực ra, khả năng đem lại hưng phấn, hạnh phúc tuyệt vời
cho người bạn đời không chỉ hệ tại ở kỹ năng, nhưng phần lớn do thái độ nhiệt
tình, tình cảm nồng nàn, cử chỉ âu yếm, hành động cưng chiều và lòng tôn trọng,
hỗ tương nhau.
Vì nắm
giữ vai trò quan trọng trong hạnh phúc hôn nhân, sinh hoạt chăn gối của vợ chồng
không được trở thành nhàm chán, không hứng thú, thiếu sáng kiến như gánh nặng
phải mang. Hãy biến những lần ân ái thành những cuộc mạo hiểm kỳ thú ở đó cả
hai người cùng hăm hở, say mê khám phá kho tàng hạnh phúc. Có như vậy, hôn nhân
mới đứng vững và phong phú triển nở, tránh được đổ vỡ, ly tan bằng đọan kết ly
dị.
Như thế,
ly dị có nhiều bộ mặt, nhiều nguyên nhân, nhiều động lực khác nhau, nên sẽ
không có hai cuộc ly dị y hệt nhau, như chẳng bao giờ có hai cuộc tình với những
người tình cùng một “kích thước” thân
xác và cùng “trọng lượng” tâm hồn. Đó là
lý do không ai có thể phán xét một cuộc ly dị mà không sợ sai lầm, hồ đồ, phiếm
diện, thiếu công bình. Mỗi cuộc ly dị là một hoàn cảnh duy nhất, đặc thù, không
thể lặp lại, so sánh, vì có hai chuyện tình nào hoàn toàn giống nhau ?
Qua một
vài nét về ly dị, chúng ta có được cái nhìn tổng quát về hiện trạng ly dị ngày
càng đáng báo động. Điều này thúc đẩy chúng ta đề cập những vấn đề của hậu ly dị,
tức tìm những giải pháp thích hợp để đời sống ly dị không trở thành ngõ bí, đường
cụt cũng thê thảm, nặng nề, và ngột ngạt như những tháng ngày tiền ly dị.