Suy
Niệm TIN MỪNG CHÚA NHẬT LÒNG THƯƠNG XÓT (Chúa Nhật 2 Phục Sinh, Năm A)
Trong
“Tám Mối Phúc Thật” không có mối “phúc cho ai không thấy mà tin”, nhưng “Phúc
cho ai không thấy mà tin” lại là
mối phúc nền tảng của tất cả các mối phúc khác.
Thực
vậy, phải được phúc “không thấy mà tin” mới tin được Nước Trời của người có tâm
hồn nghèo khó, Đất Hứa dành cho ai ăn ở hiền lành, người sầu khổ sẽ được Thiên
Chúa ủi an, khao khát sống đời công chính sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng, có
lòng thương xót sẽ được Thiên Chúa xót thương, có tâm hồn trong sạch sẽ được
nhìn thấy Thiên Chúa, yêu chuộng và xây dựng hoà bình sẽ được Thiên Chúa gọi là
con, và những ai bị bách hại, vu khống vì Danh Thiên Chúa sẽ nhận phần thưởng Nước
Trời (x. Mt 5,3-12), bởi tất cả những điều vừa kể, những phần thưởng vừa kê đều
thuộc đức tin, nằm trong những gì không thấy, không kiểm chứng được bằng khoa học
thực nghiệm, mà chỉ duy nhất niềm tin mới có thể lý giải, chứng thực, bảo đảm.
Phải
được phúc “không thấy mà tin”, chúng ta mới dám dấn thân tin Đức Giêsu là Thiên
Chúa làm người, Đấng Cứu Độ duy nhất, vì không như các tông đồ, chúng ta đã
không thấy Ngài, không nghe Ngài nói, không sống với Ngài bằng xương bằng thịt.
Nhưng dù không thấy, không nghe, không ở cùng, sống với, chúng ta vẫn yêu mến
Ngài, nhờ hồng phúc “không thấy mà tin”.
Phải
được phúc “không thấy mà tin”, chúng ta mới tin Đức Giêsu đã chết và đã sống lại
với quyền năng của Thiên Chúa, để chúng ta được sống lại và sống mãi với Ngài
trong vinh quang của Thiên Chúa.
Và
trên tất cả, phải có phúc “không thấy mà tin”, chúng ta mới tin Thiên Chúa là
Thiên Chúa của lòng thương xót, công trình cứu chuộc của Ngài đến từ lòng
thương xót của Ngài đối với nhân loại, và những ai có lòng thương xót dù chịu
nhiều vất vả, thiệt thòi, bất công, khổ nhục vì thương xót sẽ không bao giờ mất
ơn Bình An của Đức Giêsu phục sinh, Đấng giầu lòng thương xót đã chết vì xót
thương.
Điều
này được Tin Mừng Gioan khẳng định qua trình thuật Đức Giêsu phục sinh hiện ra
với các môn đệ (Ga 20,19-29).
Đức
Giêsu phục sinh đã hiện ra với các môn đệ khi các ông sợ người Do Thái truy
lùng, bắt bớ, nên tất cả cửa nẻo nơi các ông ở đều đóng kín, khóa chặt (x. Ga
20,19). Các ông đang rất sợ: sợ mọi người, sợ bất cứ chuyện gì, vì các ông vừa
qua một cơn giông bão dữ dội, khủng khiếp, ở đó toàn bộ giáo lý của lòng thương
xót đã bị xóa bỏ, toàn bộ công cuộc của lòng thương xót đã bị phá hủy, tiêu
tan, và Đức Giêsu, Thầy của các ông, Thiên Chúa của lòng thương xót đã bị giết
chết thảm thương, ô nhục. Bao nhiêu cố gắng rao giảng lòng thương xót, bao
nhiêu phép lạ làm chứng Thiên Chúa là Đấng xót thương, bao nhiêu con người đã
được lòng thương xót chở che, chữa lành, ủi an, nâng đỡ nay không còn gì, không
còn một ai. Chính cái trống vắng phũ phàng, phản bội của đám đông hôm nào hoan
hô, ủng hộ đã làm các ông sợ ; chính cái tiêu điều trở mặt của nhiều người
đã nhận lòng thương xót từ bàn tay Đức Giêsu đã làm các ông ngao ngán tình đời,
và muốn tránh xa mọi người; chính cái băng giá dửng dưng, hờ hững, làm mặt
không quen, ra điều không biết của những người
trước đây đã phủ phê hạnh phúc với
lòng thương xót của Đức Giêsu đã khiến các ông rùng mình, không còn muốn giao
lưu, gặp gỡ người nào.
Tóm
lại, các ông đang sợ, và rất sợ con người, những con người trước đây các ông đã
học với Thầy Giêsu để biết cảm thương, chạnh lòng, giúp đỡ; những con người mà
Thầy các ông không ngừng nhắc bảo phải thương yêu,tha thứ, và cầu nguyện,
dù họ không tốt, không tử tế, không dễ thương, không công chính.
Khi
còn ở với Thầy, các môn đệ không thấy lòng thương xót là một mạo hiểm, một
thách đố, một đe dọa. Các ông chỉ thấy khi Thầy chết, và khi mặt thật gian ác,
đểu cáng, phản bội, hai hàng của nhiều người lộ nguyên hình. Lúc đó các ông mới
thấy lòng thương xót là một thử thách đầy nguy hiểm: nguy hiểm vì có thể chết
vì xót thương ; nguy hiểm vì bị hiểu lầm, chụp mũ, vu khống vì thương xót;
nguy hiểm vì thương xót thường mang đến bất lợi, tai ương, phiền phức cho người
hay chạnh lòng xót thương.
Vì
thế, cái sợ đang làm các ông run rẩy tái xanh mặt, cái sợ đang làm các ông rùng
mình, rởn tóc gáy chính là “sợ thương xót”. Sợ phải thương xót
như Thầy dặn dò, truyền dậy, nên các ông tự đóng chặt cửa lòng, như đóng chặt cửa
phòng, để không phải thương xót ai, khép kín tâm hồn, khoá kỹ trái tim để không
ai lọt vào lòng thương xót.
Hơn
ai hết, trong lúc này, lúc mà Thầy bị kết án tử hình, chết đóng đinh, và chôn
kín trong mồ; lúc mà không còn dám tin ai, vì chung quanh toàn những khuôn mặt
đe dọa, những ánh mắt mang “hình viên đạn”
rình rập, dò xét, các môn đệ của Đức Giêsu thấm thía thân phận bèo bọt của người
có lòng thương xót, và số phận hẩm hiu của những người có trái tim hay chạnh
lòng xót thương, mà điển hình và nổi bật nhất chính là Đức Giêsu, Thầy các ông.
Nhưng
hôm nay, trong lúc cửa nhà các ông đóng kín, cửa lòng các ông khép chặt, và tâm
hồn các ông tan hoang, chán nản thì Đức Giêsu phục sinh hiện đến giữa các ông với
ơn Bình An của Ngài. Kèm theo lời chúc “Bình An cho anh em!” (Ga 20,19), Đức
Giêsu trấn an các ông, bằng chỉ cho các ông các vết thương trên thân xác Ngài,
như dấu chứng của tình yêu thương xót vô bờ bến.
Khi
cho các ông xem các dấu đinh và vết thương sâu hoắm của lưỡi đòng đâm thâu cạnh
sườn, Đức Giêsu không khoe khoang thành tích chịu đau khổ, cũng không có ý cường
điệu mức độ bi hùng của cuộc khổ nạn Ngài vừa trải qua, nhưng chỉ muốn các ông nhận
diện một cách sống động qua thương tích thập giá trên mình Ngài lòng thương xót
của Thiên Chúa, để các ông hiểu rằng: không lòng thương xót sẽ không có Thánh
Giá, không Thánh Giá sẽ không có ơn cứu độ, và không ơn cứu độ, không con người
nào được sống đời đời trong bình an của Thiên Chúa.
Như
thế, lòng thương xót là nền tảng của giáo lý đức tin, là động cơ của mọi hoạt động
tông đồ, là điều kiện để nhận được ơn Bình An, là đòi hỏi không thể miễn giảm của
ơn gọi làm người Kitô hữu, bởi một lý do không cần biện minh, vì hiển nhiên:
Thiên Chúa của Đức Giêsu là Thiên Chúa của Lòng Thương Xót.
Thực
ra, khi Tôma từ chối lời chứng của các anh em: “Chúng tôi đã được thấy Chúa!”,
và thẳng thừng thách thức: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi
không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng
có tin” (Ga 20,25), ông đã không chỉ từ chối tin sự sống lại từ cõi chết của Đức
Giêsu, mà sâu thẳm hơn, chính là từ chối tin Đức Giêsu là Thiên Chúa của lòng
thương xót, vì những ngày qua, ông đã tận
mắt thấy sự sụp đổ bẽ bàng của mọi công
trình truyền giáo, cũng như cái chết tang thương của Đức Giêsu, và cho rằng: “kết
qủa” cuối cùng là thất bại chua cay của lòng thương xót, sai lầm không thể
cứu vãn của lòng thương xót, sụp đổ toàn bộ của lòng thương xót mà Đức Giêsu là
người chủ trương, kêu gọi, loan truyền, làm chứng.
Đây
cũng là lý do Đức Giêsu đã hiện ra với các môn đệ với thân xác còn nguyên các vết
thương của Thánh Giá, như dấu ấn không bao giờ phai mờ của lòng thương xót.
Cũng vậy, khi bảo Tôma: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa
tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy” (Ga 20,27), Đức Giêsu muốn Tôma chạm vào
chính lòng thương xót còn rướm máu của Ngài, sờ vào lòng thương xót còn bầm tím
của Ngài, và “đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin” Thầy là Thiên Chúa của Lòng
Thương Xót, tin lòng thương xót của Thầy mãi tồn tại bao la, quyền năng vô biên
và trung tín đến cùng.
Vâng,
cũng như các môn đệ, đặc biệt Tôma, niềm tin vào một Thiên Chúa của lòng thương
xót ở chúng ta không ngừng bị thử thách, bởi tin một Thiên Chúa toàn năng,
thông biết mọi sự, chí công vô tư, công bình thưởng phạt dễ hơn tin một Thiên
Chúa nhân hậu, từ bi, bao dung, thương xót; tin một Thiên Chúa “dựng nên trời đất
muôn vật hữu hình và vô hình” dễ hơn tin một Thiên Chúa làm “Chiên gánh tội,
xoá tội trần gian”; tin một Thiên Chúa oai phong lẫm liệt, Chúa các đạo binh dễ
hơn tin một Thiên Chúa khiêm hạ qùy xuống rửa chân cho các môn đệ, giao du thân
mật với đám dân nghèo không nhà, và phường tội lỗi; tin một Thiên Chúa “phán một
lời thì mọi sự liền đã” dễ hơn tin một Thiên Chúa khiêm nhường và hiền lành như
con chiên để loài người đưa ra xử án, rồi bắt vác thập tự đến chỗ hành hình
đóng đinh; tin một Thiên Chúa “phép tắc vô cùng” dễ hơn tin một Thiên Chúa bao
dung, thương xót vô cùng; tin một Thiên Chúa ngự toà vinh quang có triều thần
tung hô, thờ lậy dễ hơn tin một Thiên Chúa tự đồng hoá mình với người bé nhỏ nhất
giữa những người bé nhỏ thiếu ăn, thiếu mặc, bệnh tật, tù đầy, bị truy nã, tỵ nạn,
bị đàn áp bất công; tin một Thiên Chúa tự hữu và “hằng có đời đời” dễ hơn tin một
Thiên Chúa tự nguyện đi vào khổ nạn và chịu chết như con người vì thương xót
con người ; tin một Thiên Chúa chí thánh chí tôn dễ hơn tin một Thiên Chúa
mồ hôi nhễ nhãi giữa trưa nắng bên bờ giếng Giacóp đắm thắm và ân cần lắng nghe
tâm sự buồn của người đàn bà tình duyên truân chuyên, dang dở; tin một Thiên
Chúa được mọi người chúc tụng, tôn vương trên đường vào thành thánh Giêrusalem
dễ hơn tin một Thiên Chúa bị xỉ vả, hành hạ trên đường Thánh Giá của lòng thương xót đi về Gôngôtha; tin một
Thiên Chúa biến hình sáng láng và lên trời quang vinh dễ tin hơn một Thiên Chúa
trở thành tử thi được tháo xuống khỏi Thánh Giá và an táng trong phần mộ của
người khác, và tin một Thiên Chúa đã định nghiã tình yêu đích thực là “yêu cả kẻ
thù và cầu nguyện cho người ngược đãi anh em” (Mt 5,44), và chỉ những người
yêu như thế mới đáng được gọi là con
Thiên Chúa (x. Mt 5,45) thì qủa thực là một điều không dễ chút nào, nếu không
nói là một thách đố vượt sức người có hạn.
Và
như Tôma phủ phục thưa với Đức Giêsu: “Lậy Chúa của con, lậy Thiên Chúa của con!”
(Ga 20,28), sau khi ông hiểu ra: Đức Giêsu chính là Thiên Chúa của lòng thương
xót, Thiên Chúa đang mang trên mình thương tích của lòng thương xót mà ông đã
được sờ tận tay, thấy tận mắt, chúng ta cùng nài xin Chúa ban cho chúng ta đức
tin để dám tin Đức Giêsu là Thiên Chúa của lòng thương xót, dám đón nhận và sống
ơn gọi Kitô hữu là “nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt
5,48), bằng thương xót như Chúa Cha là Đấng
giầu lòng thương xót, bởi tin là tin Thiên Chúa của lòng thương xót, tin Thiên
Chúa luôn rộng lượng xót thương, tin Thiên Chúa
xót thương ai có lòng thương xót,
tin duy nhất Lòng Thương Xót mới ban ơn Bình An, và chúng ta sẽ là những người
được Thiên Chúa chúc phúc, vì đã “không
thấy mà tin”.
Jorathe
Nắng Tím