Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 24 tháng 7, 2018

KẺ TỐ CÁO (Chương II)


Chương II : SATAN - TÊN TỐ CÁO
   Trong Khải Huyền, Satan được gọi là tên tố cáo anh em trước toà Thiên Chúa : "Tôi nghe có tiếng hô to trên trời : Thiên Chúa chúng ta thờ giờ đây biểu dương uy lực với vương quyền, và  Đức Kitô của Người giờ đây cũng biểu dương quyền bính, vì kẻ tố cáo anh em của ta, ngày đêm tố cáo họ trước toà Thiên Chúa, nay bị tống ra ngoài" (Kh 12,10).
    Kinh Thánh xác quyết ma qủy là kẻ luôn tố cáo chúng ta trước toà Thiên Chúa. Chúng tố cáo không mệt mỏi, đêm và ngày, cả những anh em của Thiên Chúa.
   Thật lạ kỳ khi Satan say sưa làm công việc tố cáo bỉ ổi này. Điều này có ý nghiã gì ?
  Tố cáo  là bản chất của ma qủy :
    Ma qủy hăng say tố cáo người khác, chịu mất thời giờ, chịu tốn kém tiền bạc, sức khoẻ, mất công mất việc để tố cáo cho bằng được người chung quanh. Tố cáo được ai, tố cáo thêm được người nào là cộng hưởng thành công lớn lao của chúng. Chúng tố cáo dễ dàng, tố cáo thoải mái, tố cáo có kỹ thuật, tố cáo có bài bản, tố cáo với độc chiêu. Chúng khai thác và phát huy khả năng, kỹ năng tố cáo, để tố cáo sao cho "long trời lở đất", cho tan nát cửa nhà, hạnh phúc đổ vỡ, sự nghiệp tiêu tan, danh dự bị chà đạp. Chúng điều nghiên tố cáo sao cho nạn nhân không hay biết, cho đối phương gục ngã ngay cú đầu, cho thiên hạ không kịp trở tay, cho người chung quanh không  nghi ngờ chúng là tác giả, kẻ chủ mưu, tên đầu xỏ.
    Ma qủy lùng xục khắp nơi, len lỏi mọi ngõ ngách, vào cả đền thánh, đến bên cạnh thượng tế để tố cáo, như ngôn sứ Dacaria đã thị kiến: "Người lại cho tôi thấy thượng tế Giêsua đang đứng trước mặt thần sứ của Đức Chúa; còn Satan đứng bên phải ông để tố cáo ông" (Dcr 3,1).
   Chúng  sục sạo, lần mò, rình rập, « căn me » mọi sơ hở của người khác để có cớ tố cáo, có dịp tố cáo, có dữ kiện để tố cáo. Ma qủy không tha bất cứ ai, nhưng tố cáo mọi người ở mọi thời, mọi nơi, vì bản chất muôn thuở của chúng là tố cáo. Bản chất ấy, chúng ta có thể thấy rõ trong sách Gióp:   
  Vậy một ngày kia, các con cái Thiên Chúa đến trình diện Đức Chúa, Satan cũng đến trong đám họ. Bấy giờ Đức Chúa phán với Satan : "Ngươi từ đâu tới"? Satan thưa với Đức Chúa : "Rảo quanh trái đất và lang thang khắp đó đây". Đức Chúa phán với Satan : "Ngươi có để ý đến Gióp, tôi tớ của Ta không ? Thật chẳng có ai trên cõi đất này giống như nó : một con người vẹn toàn và ngay thẳng, kính sợ Thiên Chúa và lánh xa điều ác" ! Nhưng Satan thưa lại với Đức Chúa : "Có phải Gióp kính sợ Đức Chúa mà  không cầu lợi chăng ? Chẳng phải chính Ngài đã đã bao bọc, chở che nó tư bề, nó cùng nhà cửa và tài sản của nó sao ? Ngài đã ban phúc lành cho công việc do tay nó làm, và các đàn súc vật của nó lan tràn khắp xứ. Ngài cứ thử giơ tay đánh vào mọi tài sản của nó mà xem, chắc chắn là nó nguyền rủa Ngài thẳng mặt"!. Đức Chúa phán với Satan : "Được, mọi tài sản của nó thuộc quyền ngươi, duy chỉ có con người của nó là ngươi không được đưa tay đụng tới" (G 1,6-12).  
   Trước hết, Satan không thể chịu đựng được người công chính, kính sợ Thiên Chúa, và tuyệt đối vâng phục Ngài như ông Gióp, tôi tớ trung tín của Thiên Chúa. Nhưng dù biết rõ Gióp đẹp lòng Thiên Chúa, biết chắc Thiên Chúa bênh vực, chở che Gióp, biết nằm lòng không thể kéo Gióp ra khỏi vòng tay yêu thương của Thiên Chúa, Satan vẫn trơ trẽn, trâng tráo tố cáo Gióp với Thiên Chúa. Không bắt bẻ được Gióp điều sai trái nào, cũng không tìm được ở Gióp những lỗi lầm đáng trừng phạt, Satan  quay sang tố cáo Gióp "mến Chúa vì tư lợi", khi ngang ngược hỏi Thiên Chúa : "Có phải Gióp kính sợ Đức Chúa mà không cầu lợi chăng"?. Câu hỏi chất chứa đầy ác ý muốn tố cáo Gióp, mặc dù Satan thừa biết Gióp kính sợ  Thiên Chúa không vì cầu lợi.
     Đặt ra câu hỏi này, Satan đã tránh né không nhìn vào sự thật, lẩn trốn chấp nhận sự thật về con người thánh thiện của Gióp mà Thiên Chúa đã cho hắn biết. Thiên Chúa công khai minh định : Gióp là người ngay thẳng, đạo đức, kính sợ Chúa. Ma qủy thừa biết Thiên Chúa nói thì sai thế nào được ? Thiên Chúa khẳng định thì làm sao có thể phủ định ? Thiên Chúa tuyên dương thì cần gì phải rà soát, xem lại, kiểm tra ? Thế mà Satan vẫn ương ngạnh và ngoan cố đặt ra nghi vấn : "Có phải Gióp kính sợ Thiên Chúa mà không cầu lợi không" ? 
     Ở Satan không có tình yêu, nên Satan bới lông tìm vết, vạch lá tìm sâu, cốt để làm nhục, hạ bệ, chà đạp, phá hoại bất cứ ai, bất cứ công trình xây dựng tốt đẹp nào của Thiên Chúa và con người. Satan là hận thù, nên không chịu đựng được bất cứ sự gì, việc gì, người nào thuộc về tình yêu, tìm kiếm tình yêu, xây dựng tình yêu, nối kết tình yêu, phục vụ tình yêu. Tình yêu làm Satan say sẩm mặt mày, choáng váng, loạng chọang, gục ngã, vì hắn là hận thù, không thể  đội trời chung với tình yêu. Chính vì thế, Satan rảo khắp thiên hạ, đi lòng vòng khắp thế giới để gây hấn, kiếm chuyện làm khổ người khác, phá hạnh phúc của nhân loại bằng tố cáo hết người này với người kia, và mọi người với Thiên Chúa. Cứ nhìn thái độ vội vã, lanh chanh, vô duyên của hắn khi tố cáo Gióp trước Thiên Chúa, chúng ta thấy ngay bản chất của Satan là tố cáo không mệt mỏi tất cả mọi người.
      Satan đã vu oan, cáo gian  Gióp, vì Gióp làm gì có cầu lợi khi sống ngay thẳng, hay mưu đồ kiếm chác của cải cách bất chính khi thờ phượng Thiên Chúa. Việc chu toàn bổn phận thảo hiếu đối với Thiên Chúa là việc làm phát xuất từ tấm lòng biết ơn của Gióp, một thụ tạo, đối với Thiên Chúa là Đấng đã dựng nên Gióp và ban cho ông dư tràn ơn lộc. Ông sống đạo đức đến độ hằng ngày ông "dậy thật sớm dâng lễ toàn thiêu" cho mỗi người trong gia đình mình, vì ông tự nhủ : "Biết đâu các con trai ta đã chẳng phạm tội và nguyền rủa Thiên Chúa trong lòng"! (G 1,5).
      Tố cáo thuộc về bản chất của Satan, nên Satan bất chấp sự thật, bịt mắt, bịt tai làm ngơ trước sự thật, để khỏi phải ngượng ngùng với chính mình khi tố cáo người khách cách hồ đồ, không bằng  chứng, không cơ sở, không nền tảng, vô căn cớ. Tố cáo Gióp trước Thiên Chúa, là Đấng đã  xác quyết, và chứng nhận sự thật tốt đẹp, đạo hạnh, công chính của Gióp, Satan đã trơ trẽn, phi lý, lố bịch đến độ không thể chịu được, khi trâng tráo bất chấp sự thật hiển nhiên để gân cổ tố cáo Gióp, như thể Gióp đích thực là người  tội lỗi, bất chính, gian tham, thủ đọan. 
     Tóm lại, vì thuộc bản chất, nên tố cáo người khác trước mặt Thiên Chúa, và mọi người  là việc làm tất yếu, mang tính sinh mệnh của ma qủy ; nói đúng hơn, ma qủy có mặt để tố cáo, như đi đến đâu là gieo đố kỵ, chia rẽ, hận thù, tai ương, bất hạnh, diệt vong.
    Tố cáo là công tác và sự nghiệp "vinh quang" của ma qủy
   Ngay từ đầu của lịch sử nhân loại, chúng ta đã thấy ma qủy là kẻ tố cáo và thúc đẩy, chỉ dậy cho loài người tố cáo Thiên Chúa và tố cáo lẫn nhau. Không bao giờ người ta tìm đuợc hành vi cảm thông, tha thứ, "dĩ hoà vi qúy" của ma qủy, mà chỉ thấy chúng già hàm tố cáo mọi người, và càng thất thế, đuối lý, chúng càng hăng say, thô bạo tố cáo.
  Ma qủy tố cáo Thiên Chúa với con người :
    Ma qủy tố cáo Thiên Chúa bất công.
    Khi đặt ra trước mặt mỗi người sự khác biệt giữa người này với người kia, mức độ sai biệt về may mắn, của cải, tài năng, hoàn cảnh giữa người này với người nọ, ma qủy muốn tạo ra đố kỵ, gây hiềm khích, căm thù không chỉ giữa người với người, mà còn giữa con người là thụ tạo với Thiên Chúa là Đấng Chủ Tạo.
   Khi nói với Evà : "Chẳng chết chóc gì đâu ! Nhưng Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác" (St 3,4), Satan đã tố Thiên Chúa bất công đối với Ađam, Evà, để hai người bực bội, bất mãn, vì nghĩ rằng Thiên Chúa đã xử không đẹp với vợ chồng mình, khi không cho mình được "biết điều thiện điều ác". Như các vị thần. Sự khác biệt giữa con người và thần thánh đã được Satan khai thác để gây bất mãn trong lòng ông bà nguyên tổ, và Thiên Chúa là can phạm mang tội "phân biệt đối xử, không công bằng, nhưng bất công" đối với thụ tạo của mình. Ma qủy rất tài tình trong việc làm con người trở thành đối thủ của Thiên Chúa. Chúng chỉ việc khơi dậy tính ích kỷ, và nêu ra những khác biệt cũng đã đủ để con người điên cuồng lên án Thiên Chúa bất công và căm thù, lên án Ngài.
 Ma qủy tố cáo Thiên Chúa không yêu thương con người, mà Ngài đã dựng nên.
  Đau khổ là tiền đề ăn khách nhất mà Satan triệt để khai thác để tố cáo Thiên Chúa không quan tâm đến con người, bởi đã "ngu xuẩn, ích kỷ và ác ôn" khi dựng nên con người để con người chịu đau khổ, bắt con vào đời, làm người để khổ sở vì bệnh tật, đói khổ, tủi nhục, chết chóc. Ma qủy gào thét hoặc thì thầm vào tai con người điệp khuc : "không tội ác nào lớn hơn tội hành hạ con cái" ; cũng không điều gì đáng trách hơn "đem con bỏ chợ", đẻ con ra mà không lo cho chúng cơm ăn, áo mặc. Trước những đau khổ con người phải gánh chịu, do hậu qủa của tội lỗi của chính con người gây ra cho nhau, Satan đã khôn khéo tận dụng để kịch liệt tố cáo Thiên Chúa không bao giờ thương yêu con người, nhưng Thiên Chúa chỉ là một thiên chúa độc ác dựng nên con người để  "tự sướng" trước đau đớn, bất hạnh của chính con cái mình. Lý luận của ma qủy là nếu Thiên Chúa yêu thương con người, thì đã không để con người phải đau khổ, vì Ngài toàn năng, có toàn quyền ngăn cấm, tiêu diệt sự dữ, sự ác. Đàng khác, tội tổ tông cũng chỉ là một sai sót, lỡ lầm "nhỏ như con thỏ" mang tính "đàn bà thích nịnh, dễ tin", có gì đâu mà Thiên Chúa phải sừng cồ, cường điệu  thổi phồng, biến thành một trọng tội không thể tha thứ? Ma qủy còn ngụy biện : Thiên Chúa qúa trầm trọng  tự do của con người và dùng nó như tiền đề "cực kỳ lợi hại" để chém chặt con người lúc nào tùy ý ; vì thực ra tự do cũng chỉ là một cơ năng như trăm ngàn cơ năng khác ở con người, nên quy cho nó đủ thứ quan trọng, rồi ép nó đeo vào cổ "thòng lọng chết người" thì qủa thật chẳng còn gì là yêu thương… Đó là những tố cáo thường được ma qủy tỉ tê, rỉ rả khi chúng ta gặp tử thách, khó khăn, đau khổ tinh thần và thể xác. Chẳng thế mà ngay cả ông Gióp, người mà  Thiên Chúa gọi là "vẹn toàn và ngay thẳng, kính sợ Thiên Chúa và lánh xa điều ác" (G 1,3) cũng đã lên tiếng bi thương  nguyền rủa ngày chào đời của mình : "Phải chi đừng xuất hiện ngày tôi đã chào đời… Phải chi ngày ấy là đêm tối, phải chi từ nơi cao thẳm, Thiên Chúa đừng để ý đến ngày ấy làm gì … Sao tôi không chết đi lúc vừa mới chào đời, không tắt thở ngay khi lọt lòng mẹ"?  (G 3,3.4.11). Gióp đã  được bạn mình là Êliphát an ủi, nâng đỡ : "Này anh, anh đã khuyên nhủ bao nhiêu người, đã làm cho những đôi tay rã rời nên mạnh mẽ. Người lảo đảo mà đứng vững được là nhờ lời anh. Cũng nhờ anh mà đầu gối lung lay thành cứng cáp. Giờ đây đến lượt anh, anh lại ra yếu nhược, đến phiên anh bị đánh, anh sợ hãi bàng hoàng. Chẳng lẽ lòng kính sợ của anh không làm anh tin tưởng, và cuộc sống vẹn toàn chẳng giúp anh hy vọng hay sao"? (G 4,3-6). Qủa thực, tất cả chúng ta đều có thể rất yếu đuối khi đối diện với đau khổ, bởi chính lúc này ma qủy cực lực tố cáo Thiên Chúa không quan tâm yêu thương ta, để ta chỉ thấy : "Nỗi đau của tôi nặng hơn cát biển… vì những tên nhọn của Đấng Toàn Năng cắm phập  thân tôi, khiến tâm thần tôi ngấm toàn chất độc" (G 6,3-4).
 
   Ma qủy tố cáo Thiên Chúa không hiện hữu, hoặc luôn vắng mặt trong thế giới loài người.
   Bởi nếu có Thiên Chúa, thế giới loài người đã không lôm côm, linh tinh với đủ thứ bất công, tội ác, tai ương. Nếu có Thiên Chúa là cha của mọi người, thì loài người đã không là lang thú của nhau, ngày đêm rình rập, soi mói, hành hạ, giết chóc nhau. Nếu Thiên Chúa có mặt, thì làm gì sự ác tràn lan đến đáng sợ, đến nỗi loài người không còn đất lành sống bình an.
     Tố cáo sự bất lực của Thiên Chúa trước sự dữ ngày càng thống trị thế giới, Satan làm cho con người mất ý thức về sự hiện hữu của Thiên Chúa, và một khi ý thức về Thiên Chúa không còn, người ta sẽ không còn ý thức tội lỗi, ý thức công bằng, ý thức bác ái, ý thức làm người và cứu cánh đời người. Cũng vậy, khi Thiên Chúa không có mặt, hay không có Thiên Chúa, con người sẽ là thiên chúa của mình, sẽ tạo ra thiên chúa theo đúng kích thước, tầm vóc, tính cách mình mong đợi, và tất nhiên thiên chúa sản phẩm của con người ấy sẽ chỉ là bình phong, bù nhìn che đậy những bản năng xấu và tham vọng bất chính, đồng thời cho con người một cái cớ tuy rất yếu, nhưng cần thiết để tự lừa dối, tự biện hộ, tự chống chế cuộc sống thác loạn, sa đọa của mình, như thánh vịnh đã khẳng định : "Kẻ ngu si tự nhủ : Làm chi có Chúa Trời"! Chúng đã ra hư đốn, làm những điều ghê tởm, chẳng có một ai làm điều thiện (Tv 14,1).  Và từ ngàn xưa đến ngàn sau, con người theo nhau thách thức  Thiên Chúa : "Nếu mi là Con Thiên Chúa, thì xuống khỏi thập giá xem nào", và chỉ chờ Thiên Chúa không lên tiếng, con người liền vội vàng bảo nhau đúc bò vàng, tạo cho mình một thiên chúa mới, theo như ý  mình, với hy vọng sẽ  thoả  hiệp được với "lương tâm" để không còn lấn cấn, nghĩ ngợi, ray rứt khi làm điều gian ác.    
     Mưu độc của ma qủy là làm cho con người mất ý thức về sự có mặt của Thiên Chúa trong đời sống. Ý thức về Thiên Chúa sẽ có thể mất, nếu con người nghe theo ma qủy mà nghĩ rằng : nếu Thiên Chúa có mặt, Ngài phải lên tiếng khi tôi gặng hỏi. Vì thế, nhiều người đã không chịu hiểu và không chấp nhận mầu nhiệm thinh lặng nơi Thiên Chúa, khi nghe  ma qủy ép Thiên Chúa phải làm theo ý mình. Những người này sẽ rơi vào tâm trạng nghi ngờ tình yêu của Thiên Chúa khi tạo dựng con người, và kết án Ngài đã  làm nên con người để rồi hành hạ con người, cho thoả  cơn điên của một thiên chúa  "bệnh hoạn" khát dục, khát máu con người.   
    Ma qủy tố cáoThiên Chúa không giữ lời hứa.
   Vì biết Thiên Chúa là Thiên Chúa của Lời Hứa, Đấng thiết lập giao ước với con người và luôn trung tín với giao ước đã ký kết, ma qủy tìm mọi cách làm cho con người nghi ngờ lòng trung tín của Thiên Chúa. Đức Tin của những người đi theo Chúa đặt nền tảng trên Lời Thiên Chúa hứa : Thiên Chúa đã hứa với tổ phụ dân riêng, hứa với các tông đồ, hứa với Giáo Hội, hứa với những người bỏ mọi sự mà đi theo Ngài. Lời Hứa đặt con người trước đòi hỏi tin vào Lời Hứa. Có tin vào Lời Hứa, mới dấn thân đi theo. Có tin vào một ngày Lời Hứa sẽ được thực hiện, mới dám lao mình lên đường mạo hiểm đi theo người đã hứa. Có tin vào thế giá, uy tín, mức độ đáng tin của người hứa, mới đủ « lửa » để hy sinh, đủ nhiệt tình để liều lĩnh, đủ nghị lực để vượt qua vất vả, hiểm nguy, cơ cực. Ápraham phải tin vào Lời Hứa của Giavê sẽ cho ông trở thành tổ phụ một dân lớn và chúc phúc cho ông (St 12,1), ông mới có thể  bỏ Kharanmà đi về Canaan là đất Thiên Chúa Giavê chỉ cho ông (St 12,5). Đức Maria phải tin vào Lời Hứa của Thiên Chúa qua sứ thần Gabriel, mới dám liều mạng thưa "Xin Vâng", nếu không tiếng Xin Vâng của Mẹ sẽ chẳng có giá trị và ý nghiã gì ; trái lại, đó là kết luận cuối cùng, là tuyên xưng anh hùng của một tâm hồn tuyệt đối tin tưởng vào Lời Hứa và phó thác vào Đấng đã hứa (Lc 1,38). Các tông đồ, tuy có chao đảo, hoang mang, nhưng cũng vẫn nhắc nhở nhau tin ở Lời Hứa "sẽ sống lại" của Thầy mình. Bằng chứng là các vị đã ở với nhau trong căn phòng dù cửa phải đóng kín vì sợ người Do Thái, và Đức Giêsu phục sinh đã  hiện ra với các vị, như Lời Ngài đã hứa (Ga 20,19). Và  cũng như tất cả những người được chúc phúc vì đã tin vào Lời Thiên Chúa hứa, chúng ta cũng sẽ chỉ được gọi là người hạnh phúc của Nước Trời, nếu Lời Hứa trên núi Bát Phúc năm nào của Đức Kitô trở thành nền tảng của niềm tin và động lực cho mọi hoạt động dấn thân vì Nước Trời của chúng ta hôm nay và ở nơi này (Mt 5,1-12).
   Satan biết rất rõ : giữa thế giới đầy những lừa đảo, dối trá, tráo trở, lật lọng, phản bội mà hắn đã gây ra,  con người đã mất đi rất nhiều nét hồn nhiên để tin vào lời hứa, không còn đơn sơ để tin một cách dễ dàng, không còn lãng mạn để tin mà không rà soát, kiểm tra, dè chừng. Satan cũng nắm vững con người của thời đại  ích kỷ, hưởng thụ sẽ chỉ muốn những gì có ngay trong tay, ăn liền vào bụng, chơi luôn tại chỗ, mà không còn kiên nhẫn để đợi chờ, yêu thương để hy vọng. Chính vì thế, đánh phá niềm hy vọng của con người vào Lời Thiên Chúa hứa là việc làm không mấy khó, đối với Satan trong thời buổi này. Chúng chỉ cần đưa ra vài chiêu tố cáo Thiên Chúa không giữ Lời Hứa, khi con người gặp khó khăn kêu cầu Danh Chúa  mà không được Ngài ban ơn ngay lập tức, hoặc khích bác sự yên lặng của Ngài trong cơn quẫn bách của con người. Chỉ cần thế thôi, nhiều tâm hồn cũng đã ngả nghiêng muốn không tin vào Lời Hứa của Thiên Chúa, Đấng luôn giữ lời và chẳng lừa dối ai : « Thiên Chúa không phải là phàm nhân mà gian ngoa được, cũng chẳng là con người mà phải hối hận » (Ds 23,19), vì "Thiên Chúa của anh em  là Thiên Chúa trung thành : cho đến muôn ngàn thế hệ, Người vẫn giữ giao ước và tình thương đối với những ai yêu mến Người và giữ các mệnh lệnh của Người" (Đnl 7,9).
  Ma qủy tố cáo Thiên Chúa không yêu thương, tha thứ cho tội nhân.
   Nhưng điều quan trọng nhất ma qủy tố cáo Thiên Chúa với con người là lòng thương xót của Thiên Chúa không có thực, bởi ma qủy biết người có tội sẽ dễ tuyệt vọng khi Thiên Chúa không thương xót họ.
    Thực vậy, không phải  ngẫu nhiên mà Giáo Hội khẩn trương phát động phong trào học hỏi về lòng thương xót Chúa và tha thiết kêu gọi mọi người tín thác vào lòng thương xót kỳ diệu và luôn ban ơn cứu độ ấy, bỏi vì hơn bao giờ hềt, ma qủy đang dấy lên cao trào khẩn trương tiêu diệt thế giới hôm nay bằng đánh phá niềm tin của con người nơi lòng thương xót Chúa, bằng tố cáo Thiên Chúa không có lòng nhân từ, và không xót thương ai. Gần đây, nhiều tổ chức thờ Satan công khai xuất hiện, như xây đền thờ cho Satan, lập các nhóm với nghi thức thờ lậy Satan. Trên  internet, chúng ta thấy và nghe những người này luôn cùng một luận điệu tố cáo Thiên Chúa : Thiên Chúa không có lòng nhân từ, không xót thương con người và lãnh đạm trước đau khổ của con người.  Hình ảnh về Thiên Chúa của họ là hình ảnh một thiên chúa tàn ác, độc địa, gian hùng, vô cảm và mục đích duy nhất là kéo con người xa khỏi lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng chỉ biết xót thương, vì Ngài là "Thiên Chúa của lòng thương xót".
     Theo luận điệu này, vì không thương xót, nên Thiên Chúa không thứ tha cho bất cứ ai, dù có cầu khẩn, van xin Ngài tha thứ. Tin Mừng lòng thương xót, với họ, chỉ là những bài giáo lý mang tính bịp bợm, lừa đảo, làm mê hoặc con người, có lợi cho đám chức sắc tôn giáo, chứ Thiên Chúa không hề thương xót, vì Ngài không hiện hữu để xót thương, nhưng để luận phạt, tiêu diệt.
    Thực ra, luận điệu của họ không mấy thuyết phục khi chúng ta ở vào tình trạng quân bình tâm lý, nhưng lại rất lợi hại, khi ta rơi vào khủng hoảng, dù khủng hoảng đó thuộc bất cứ lãnh vực nào. Sở dĩ luận điệu "Thiên Chúa độc ác, không biết xót thương" trở nên nguy hại, vì khi khủng hoảng, chúng ta như người đứng bên bờ vực thẳm tuyệt vọng, dưới bầu trời buồn thảm giăng kín mây đen. Giữa tim bão khủng hoảng, tâm trạng bị bỏ rơi, bị nguyền rủa, bị quên lãng, bị phản bội, bị thất sủng, bị cô lập, bị lọt vào tầm ngắm, bị khoanh tròn - tô đỏ là tâm trạng chung của mọi người. Tâm trạng tiêu cực ấy kéo theo một chuỗi những suy sụp, đổ vỡ, chao đảo, và tất cả sẽ đồng loạt xô đẩy con người xuống vực sâu tuyệt vọng, nếu không còn bàn tay xót thương, cứu chữa của Thiên Chúa rất bao dung, nhân hậu kịp thời can thiệp. Sở dĩ chúng ta cần Thiên Chúa ở những giây phút khủng hoảng này, vì ở thời điểm này, hầu như mọi người đều bị xem là bất lực, không thể  cứu ta. Chỉ còn một mình Thiên Chúa, Đấng Toàn Năng mới có thể làm được mọi sự cho ta. Nhưng nếu chính Ngài cũng không thương ta như bao nhiêu người khác, thì thử hỏi làm sao ta có thể đứng vững mà không tuyệt vọng ? Đây chính là những cơ hội ngàn vàng cho ma qủy tấn công lòng trông cây, niềm hy vọng ở Thiên Chúa của ta. Satan muốn ta nghi ngờ lòng thương xót Chúa, muốn ta chối bỏ lòng Chúa xót thương, muốn ta như Giuđa từ chối tín thác ở tình Thầy mình, nhưng ngoan cố quyết định tự xử đời mình trong tiếc nuối rực lửa bạo lực.  
   Qủa thực, ma qủy rình rập để tố cáo Thiên Chúa không thương chúng ta khi chúng ta cần Chúa thương ; tố cáo Thiên Chúa không trợ giúp chúng ta, khi chúng ta cần được trợ giúp. Càng túng quẫn, khó khăn, càng truân chuyên vất vả, càng cô đơn bị bỏ rơi, quên lãng, phục bạc, chúng ta càng dễ buông xuôi, thất chí, nghi nan, thất vọng, ngã lòng.  Cũng như ngôn sứ Êlia trên đường lên núi Khôrếp đã chán nản, xin được chết đi và nói : "Lậy Đức Chúa, đủ rồi ! Bây giờ xin lấy mạng sống con đi, vì con chẳng hơn gì cha ông của con" (1R 19,4), khi bị tố cáo và đe dọa. Ông đã thực sự muốn chết, muốn bỏ cuộc trên hành trình lên núi Chúa, nhưng sứ thần của Thiên Chúa đã mang lương thực cho ông. "Nhờ lương thực ấy bổ dưỡng, ông đi suốt bốn mươi ngày, bốn mươi đêm tới Khôrếp, là núi của Thiên Chúa" (1R 5,8). Cuộc đời của mỗi người cũng không thiếu những cây số  hoang mang, hụt hẫng, chao đảo, lo âu, chán chường, ngao ngán sống, ngại ngùng bước đi như ngôn sứ Êlia. Ở vào tình huống chênh vênh niềm tin, trống trải lòng trông cậy này, thánh Giacôbê, nhờ kinh nghiệm của riêng mình, đã ân cần nhắn nhủ : "Xin anh em cứ kiên nhẫn và bền chí …Anh em đã nghe nói đến lòng kiên trì của ông Gióp và đã thấy mục đích của Chúa nhắm, vì Chúa là Đấng từ bi nhân hậu" (Gc 5, 8.11). Thánh nhân còn qủa quyết để chúng ta tin : "Ông Êlia xưa cũng  là người cùng chung một thân phận như chúng ta ; ông đã tha thiết cầu xin cho đừng có mưa, thì đã không có mưa xuống trên mặt đất suốt ba năm sáu tháng. Rồi ông lại cầu xin, thì trời liên mưa xuống và đất đã trổ sinh hoa trái" (Gc 5,17-18).     
    Cũng vậy, như người tử tội bị đóng đinh bên phải Đức Giêsu trên thánh giá, mỗi người đều có qúa khứ và qúa khứ ấy hầu hết đều không mấy sáng lạng, huy hoàng, hoành tráng như lòng mong ước, nhưng đó không phải là điều quan trọng ; điều đáng nói và phải làm, chính là phó thác hiện tại và tương lai trong lòng thương xót của Thiên Chúa nhân hậu, qủang đại, bao dung. Và chỉ cần xin "Ngài nhớ đến  con trong Nước của Ngài" thôi cũng đã đủ nhận từ Đấng Cứu Độ rất khoan dung, thương xót Lời Hứa Nước Trời : "Tôi bảo thật anh, ngay hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng" (Lc 23,42-43).
   Satan là hận thù, ghen ghét, nên sợ tình yêu và phẫn nộ trước ai có lòng thương xót. Vì thế, chúng hốt hoảng, té nhào và hoàn toàn bị đánh gục khi Đức Giêsu cầu nguyện trên thánh giá : « Lậy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm » (Lc 23,34). Lời cầu nguyện chất ngất lòng thương xót của Đức Giêsu cho tất cả nhân loại tội lỗi đã đập nát quyền lực của hận thù, phá tan vương quốc của bạo lực, và nghiền nát đầu rắn độc Satan qủy quyệt, chuyên gieo tội lỗi, chết chóc, bất hạnh. Lòng thương xót của Thiên Chúa là sức mạnh vô cùng đã cứu con người thoát khỏi ách thống trị cũng vô cùng nặng nề của Satan, bởi lòng thương xót của Thiên Chúa giầu lòng xót thương ấy mãi mãi là ơn cứu độ cho mọi tội nhân biết trông cậy vào Ngài.
     Thánh Phaolô đã qủa quyết : "Chúng ta sẽ không phải thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu Người vào lòng chúng ta… Qủa vậy khi chúng ta không có sức làm được gì vì còn là hạng người vô đạo, thì theo đúng kỳ hạn, Đức Kitô đã chết vì chúng ta…Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi ; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta" (Rm 5,5-8).
 Ma qủy tố cáo con người với Thiên Chúa.
    Điều này hiển nhiên, vì ma qủy đã dám ngạo mạn tố cáo Thiên Chúa với con người, thì làm sao hắn quên việc tố cáo con người với Thiên Chúa, bởi mục tiêu chính yếu của tố cáo là làm cho con người rời xa, từ bỏ Thiên Chúa là "Đường, Sự Thật, Sự Sống" và Hạnh Phúc đích thực. Ma qủy đã phản nghịch Thiên Chúa, nên muốn con người cũng theo chúng phản nghịch. Ma qủy đã bị Thiên Chúa đuổi khỏi thiên đàng, giam trong hoả ngục và đời đời bất hạnh, nên cũng muốn con người bị Thiên Chúa trừng phạt như chúng. Vì thế, chúng phải kịch liệt tố cáo con người sao cho Thiên Chúa từ chối con người ; nghiêm khắc lên án con người sao cho Thiên Chúa không thể tha thứ cho con người ; soi mói, tìm tòi, bới móc tội lỗi của con người sao cho thật nặng nề để ơn cứu độ không đủ dung lượng bao dung.
     Ma qủy biết con người được Thiên Chúa dựng nên và lệnh truyền của Ngài muôn đời chính đáng: "Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi.. và ngươi phải yêu người thân cận như chính mình" (Mt 22, 37-38). Do đó, mỗi lần con người không làm đúng điều Thiên Chúa dậy là  ma qủy đùng đùng nổi dậy tố cáo. Chúng tố cáo mọi nơi, mọi lúc. Chúng tố cáo khi ta sống và giây phút  ta trút linh hồn, lâm chung. Chúng tố cáo khi ta hiện diện và cả khi ta đã vắng mặt, khuất bóng. Chúng tố cáo không ngơi nghỉ, mỏi mệt, cốt để Thiên Chúa mỏi mệt vì tội ta và ta mệt mỏi, ngã lòng vì thấy mình qúa nhiều tội.  Chúng  hung hăng tố cáo từ những cỏn con sai sót, khuyết điểm đến từng chuỗi yếu đuối, sa ngã trong tư tưởng, lời nói, việc làm. Chúng tố cáo ta đã không dùng thời gian, khả năng để phụng sự Thiên Chúa ; tố cáo cách xử dụng của cải vật chất ; tố cáo thái độ và lối sống đối với tha nhân ; tố cáo bổn phận chưa được chu toàn đối với cha mẹ, vợ chồng, con cái ; tố cáo những quan hệ bất chính, thiếu trong sáng ; tố cáo mọi thứ, mọi sự để giữa Chúa và ta không còn tình phụ tử,  và khả năng, khả thể thứ tha.
    Trong kế sách tố cáo con người với Thiên Chúa, ma qủy tìm đạt mục tiêu cuối cùng là làm cho con người mang mặc cảm bị chính Thiên Chúa tố cáo. Để thực hiện ý đồ đen tối này, ma qủy luôn dùng danh Thiên Chúa, quyền lợi của Thiên Chúa, ý muốn của Thiên Chúa, Lề luật của Thiên Chúa, cơ chế, phẩm trật  Giáo Hội, người của Thiên Chúa, ngay cả chính Thiên Chúa để lừa gạt ta, như Đức Kitô đã cảnh báo : "Anh em hãy coi chừng, đừng để ai lừa gạt anh em, vì sẽ có nhiểu kẻ mạo nhận danh Thầy đến nói rằng : Chính Ta đây là Đấng Kitô, và họ sẽ lừa gạt được nhiều người" (Mt 24,4-5). Ma qủy lừa gạt, để ta không còn nhận ra dung mạo đích thực của Thiên Chúa, là Cha giầu lòng trắc ẩn, và hay chạnh lòng. Lừa gạt để ta rơi vào thất vọng, tuyệt vọng khi  hiểu lầm Thiên Chúa đã thay lòng đổi dạ và nhẫn tâm tố cáo chính con cái mình. Lừa gạt khi ngụy tạo một thiên chúa không như Thiên Chúa của Đức Kitô, hầu làm cho trái tim con người thành chai đá, cứng cỏi, sẵn sàng ngạo mạn thách thức Thiên Chúa.  Lừa gạt để tương quan thân thương, tín nhiệm giữa Thiên Chúa là Cha và loài người là con biến thành tương quan đối thủ, địch thù. Lừa gạt để niềm tin tiêu tan, và Thiên Chúa không còn là người cha nhân hậu, nơi nương náu của  con cái yều đuối, tội lụy rất đáng thương.
     Tóm lại, tố cáo chỉ là kế sách, "đòn độc" được ma qủy dùng để chia rẽ, cách ngăn con người với Thiên Chúa, bởi tố cáo con người với Thiên Chúa hay tố cáo Thiên Chúa với con người cũng chỉ là bản cáo trạng quen thuộc với cùng mục đích tách con người khỏi tình yêu Thiên Chúa, đẩy Thiên Chúa ra khỏi thế giới loài người, và dành quyền thống trị loài người trong bóng tối chia rẽ, ganh ghét, hận thù, bạo lực, chết chóc, bất hạnh. Công cuộc tố cáo ngày và đêm liên tục, kéo dài đến tận thế của ma qủy luôn đặt con người trong tầm ngắm : ma qủy ngắm con người sụp đổ tinh thần, gục ngã thiêng liêng, tiêu tan niềm hy vọng, và  bị nghiền nát trong lo sợ, bất an.
 Ma qủy xúi giục và tạo điều kiện để con người tố cáo nhau.
     Sức mạnh kinh dị của ma qủy trong đòn độc tố cáo là thúc đẩy, xúi giục con người tố cáo nhau. Mục đích sau cùng của của ma qủy là mọi người trở thành kẻ tố cáo anh em mình như chúng. Thành công, đại thành công của Hỏa Ngục là nhân loại chỉ gồm toàn những kẻ hăng say tố cáo mà quên hẳn bổn phận làm người, giá trị làm người cũng như ý nghiã làm người chính là lòng nhân, tức tình yêu đối với tha nhân trong trái tim mỗi người.
     Cách xúi giục có hiệu qủa nhất là khẩn trương tìm ra thủ phạm, khi một sự cố, một thiếu sót, một lệch lạc, một sai trái vừa xẩy ra. Thúc giục khẩn trương tìm thủ phạm, ma qủy không  cho ai một kẽ hở thời gian để "hướng tâm hồn lên", nhưng ghì chặt tâm hồn con người sát đáy bùn nhơ, hầu không một tia sáng yêu thương, cảm thông, tha thứ nào từ Thiên Chúa có thể lọt vào. Và một khi vắng bóng Thiên Chúa là tình yêu, người ta sẽ không bao giờ nhận mình là người có lỗi, có tội, có khuyết điểm ; trái lại thủ phạm luôn là người khác, người làm sai không bao giờ là tôi, người có lỗi phải là ai đó, và cái tôi luôn là "chân lý toàn tập". Chính vì không để người khác kịp thời nhận diện mình là thủ phạm, mà người ta phải khẩn trương phê bình, nhanh nhẩu cướp diễn đàn, vội vàng giật micrô kêu la inh ỏi, hô háo rùm beng, phát động rầm rộ phong trào để tố cáo, tố khổ, tố giác người khác, hầu lấp liếm tội mình, che dấu lỗi mình. Chẳng thế mà khối người thấp cổ bé miệng, cô thân cô thế, có lưỡi có miệng nhưng "không tiếng nói" đã "lãnh đủ" tội của người khác, gánh hết "rác rưởi bẩn thỉu" của kẻ "miệng có gang có thép", của đám "con ông cháu cha", của phường "con thủ trưởng, cháu thủ kho", và số phận tất yếu của  nghèo và yếu luôn là gánh chịu mọi bất công. Những bất công chồng chất ngất ngưởng ấy hầu hết đã đến từ những tố cáo bất chính, bất nhân. Bất nhân vì mấy kẻ tố cáo đã giữ được chút ít lòng nhân khi tố cáo người ? Bất chính vì tự bản chất tố cáo đã là việc làm không chính đáng, không chính trực, không đồng hành với công bằng, công chính. Lịch sử cộng đồng, lịch sử bản thân đã chứng minh điều này, khi hầu hết tất cả những kẻ tố cáo đã tố cáo người khác bởi động lực ích kỷ, ghen tuông, thù hận. Không người công chính nào đã có thể tố cáo người khác, ngay cả người khác xem ra đã "xứng đáng", và đủ tiêu chuẩn để bị tố cáo.
    Tin Mừng Mátthêu kể lại câu chuyện rất cảm động của người công chính có tên Giuse như sau : "Đây là gốc tích Đức Giêsu Kitô : bà Maria, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giuse. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. Ông Giuse, chồng bà, là người công chính và không muốn tố cáo bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo. Ông đang toan tính như vậy, thì kià sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng : Này ông Giuse, con cháu Đavít, đừng ngại đón Maria, vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ" (Mt 1,18-21).
        Sự việc vợ có thai trước khi chung sống, tức trước khi quan hệ tình dục là một trọng tội mà người đàn bà phải trả lời trước Lề Luật Môsê rất nghiêm khắc của đạo Do Thái. Sẽ không có trường hợp ân giảm, tha bổng, xí xóa, nếu bị chồng tố giác trước chính quyền, giáo quyền, bởi thời đó, giáo quyền và chính quyền là một. Trước biến cố ngoài ý muốn và rất đáng tủi nhục, người chồng "bị cắm sừng" như thánh Giuse chắc chắn khó có thể bình tĩnh, mà không dữ dội phản ứng ; khó có thể yên lặng chịu đựng nỗi nhục, mà không nặng lời lên án và thẳng thừng tố giác trước công luận, bởi bản chất của sự việc là một bất công  đối với người chồng  "không được ăn ốc, mà phải đổ vỏ" ; bởi bào thai "ngoài luồng" là ô nhục không chỉ cho riêng chồng, mà cho cả gia đình chồng, do máu huyết ngoại lai ở đâu đó tự dưng xâm nhập vào dòng họ vốn "huyết thống tinh tuyền".
   Thực vậy, thánh Giuse đã có đủ điều kiện để tố giác Đức Mẹ, bởi Luật Môsê cho phép và do tính xác thực của tình trạng hai người chưa hề quan hệ, ân ái. Nhưng tại sao thánh Giuse đã không tố giác, như Luật định, không tố cáo như Luật đòi buộc, không phơi bầy sự thật tuy phũ phàng nhưng cần thiết như bài học cho người khác, như truyền thống Do Thái khuyến khích ? Tại sao thánh Giuse đã không thực hiện từng chi tiết của Luật Môsê là phải tố cáo vợ mình, nếu nàng chưa từng ăn nằm với mình mà lại có thai ?
   Thưa vì thánh Giuse là "người công chính" (Mt 1,19). Nhưng nếu là người công chính, thì việc tố cáo một bất công, tố giác một trọng tội, tố khổ một dâm phụ chẳng may lại là vợ mình tất phải là điều đáng làm và phải làm vì rất chính đáng. Không làm như Luật buộc, không giải quyết vấn đề qua việc tố cáo đã được Luật quy định là một chọn lựa rất đặc biệt nơi thánh Giuse:
 Đặc biệt thứ nhất là thánh Giuse đã không là người công chính như phần đông người đời thường quan niệm.
   Từ công chính ta quan niệm và người công chính ta quen hình dung là thái độ thẳng thắn, tư duy mạch lạc, nếp sống chuẩn mực, quyết định sắt thép, cương nghị, cứng rắn, không gì có thể lay chuyển. Người công chính vì thế là người nói thẳng nói thật, có gì nói đó, không để bụng, cũng chẳng tế nhị, đẩy đưa, khéo léo khi phải nói một điều gì khó nghe, khó nuốt, càng không có khả năng dấu kín, kềm hãm cảm xúc riêng tư. Tắt một lời, công chính là thẳng thừng như ruột ngựa trong "tư tưởng, lời nói, việc làm", công chính là tâm hồn trống toác, chẳng có gì riêng tư, thầm kín, chôn dấu, che đậy. Chữ công được hiểu như công bình, công lý, nhưng cũng được thêm vào ý niệm công cộng, công khai.
   Nếu hiểu công chính như những gì vừa trình bầy, thì tố cáo Đức Mẹ  là việc thánh Giuse phải làm để được tiếp tục là người công chính ; công khai hoá  Đức Mẹ có thai trước khi chung sống là việc chính đáng, cần thiết cho cộng đồng vì Lề Luật đã quyết rõ ràng và chính xác như thế. Nhưng thánh Giuse đã làm khác những gì Lề Luật dậy và bó buộc, vì ngài hiểu từ công chính khác những người khác.
    Công chính với thánh Giuse đồng nghiã với thánh thiện, bởi người công chính là người sống theo thánh ý Thiên Chúa và muốn nên giống Ngài, trong việc thực thi thánh ý, mà thánh ý Thiên Chúa là xót thương vì bản tính Thiên Chúa là Tình yêu thương xót. Người công chính, vì thế, sẽ chỉ thực sự công chính trước mặt Thiên Chúa,  nếu biết đón nhận và trao ban lòng thương xót, bởi đó là ý Thiên Chúa và là chính Thiên Chúa, "Đấng chậm bất bình và rất đỗi khoan dung".
    Khi nhận mình phải sống công chính, nghiã là phải biết xót thương để trở nên thánh thiện mỗi ngày, thánh Giuse đã ý thức đòi hỏi của công chính là sống lòng xót thương, cũng như điều kiện để nên công chính trước mặt Thiên Chúa là thương xót người khác. Hơn ai hết, thánh Giuse đã sống nghịch lý của đức tin trước sự kiện vợ mình có thai trước khi hai người chung sống. Nghịch lý này không buông tha người công chính, và đặt người công chính giữa tim bão của những lựa chọn rướm máu. Cũng chính vì căng thẳng, thánh Giuse đã chọn lựa "không muốn tố giác" vợ mình (Mt 1,19), sau khi đã cam go chiến đấu với  khả thể "tố giác như Lề Luật đòi buộc". Ở đây, ta thấy lòng thương xót đã vượt qua, vượt xa, vượt khỏi lằn ranh của cái tính được gọi là công chính mà hầu như luôn vượt rào và thoái hoá thành một thứ công chính phi nhân, công bằng ác nghiệt, công lý tàn nhẫn được che đậy, chống lưng bởi Lề Luật như bình phong an toàn, kín kẽ, vạn năng. 
Một điểm khác nữa cần lưu ý, đó là ý nghiã công chính trong Cựu Ước không chỉ quy chiếu vào Lề Luật, nhưng chià khóa của công chính là Giao Ước giữa Thiên Chúa Giavê và Israel, dân Người, mà nội dung của Giao Ước là lòng trung tín trong yêu thương, tình phụ tử tràn đầy cảm thông, thương xót và ơn cứu độ luôn phong phú, dồi dào của Thiên Chúa dành cho dân Ngài. Người công chính trong Cựu Ước là người biết mình có món nợ tình yêu đối với Đấng đã dựng nên mình, bởi Thiên Chúa đã dựng nên con người vì yêu thương và việc tạo dựng ấy thật là chính đáng. Nói cách khác, Thiên Chúa đã rất quảng đại khi dựng nên con người, và bổn phận của con người là biết ơn Ngài, được thể hiện qua việc thờ phượng Ngài và xót thương anh em. Như thế, công chính của Thiên Chúa là  việc Ngài tiếp tục săn sóc các thụ tạo của Ngài và không bao giờ bỏ rơi con người Ngài đã dựng nên : "Với đức công chính, Chúa đáp lời chúng con bằng những kỳ công của Chúa" (Tv 65), "Đức công chính của Chúa được thể hiện qua lòng nhân từ vô hạn của Chúa trên thụ tạo của Ngài" (Tv 145,8).Và công lý của Thiên Chúa chính là "Ngài đã mở tay ra và ban ơn cứu độ dồi dào", để ta hiểu rằng : Thiên Chúa không để con người mà Ngài đã dựng nên rơi vào bất công, hủy diệt và sự chết ; nhưng can thiệp bằng đức công chính thánh thiện khi  Ngài xót thương hầu tái tạo trật tự trong thế giới loài người với một lòng quảng đại vô bờ bến.  
Phát xuất từ việc đặt trọng tâm của công chính nơi Giao Ước, người công chính trong Cựu Ước xác tín bổn phận phụng sự Thiên Chúa, một bổn phận cao cả trên các bổn phận khác (Xh 3,12 ; Đnl 28,47). Bổn phận phụng thờ cao cả ấy bao gồm đòi hỏi phải biết xót thương đồng loại, bởi tất cả mọi người đều được sinh ra bởi lòng thương xót  Chúa và sẽ trở về với lòng Chúa xót thương.  Chính vì thế, Cựu Ước quy định trách nhiệm hàng đầu của các vua và nhà lãnh đạo Israel là phải lo cho người nghèo khổ, vì Thiên Chúa là "Go‘el", Đấng chở  che những người khốn khổ, như đã được Cựu Ước  qủa quyết trong : Thiên Chúa thương xót người đói khổ (Is 49,13), Thiên Chúa là nơi nương náu của người bần hàn, thiếu thốn (Is 25,4), Ngài lắng nghe tiếng kêu thống khổ của họ (Xh 22,22), Ngài thấy rõ nỗi khổ của họ (Tv 10,14) , Thiên Chúa là cha  kẻ mồ côi (Tv 40,18), Ngài bênh vực người goá bụa và ban cơm bánh cho họ (Tv 68,6 ; Tv 132). Trách  nhiệm này đòi buộc mỗi người phải chăm lo sự sống của người chung quanh, và những nghiã cử bác ái dành cho người nghèo khổ ấy được gắn liền với nghiã vụ thờ phượng Thiên Chúa ; cũng như Gióp đã bực mình với Thiên Chúa, vì Thiên Chúa đã cắt đứt tương quan của ông với người nghèo khổ, cô qủa, thất thế khi lấy đi  sức mạnh uy tín, gia sản của ông, để ông không còn gì mà chia sẻ  với họ (x. G 29,12-16).
    Tóm lại, thánh Giuse đã hiểu đức công chính một cách thấu đáo như Kinh Thánh dậy, và trong cương vị Cha nuôi của Đức Giêsu, gạch nối giữa Cựu Ước và Tân Ước, thánh Giuse đã thực hiện đức công chính một cách hoàn hảo, như ý Thiên Chúa muốn, khi « không muốn tố cáo » Đức Maria, vợ mình như Luật định, bởi đức công chính phải được đặt nền móng và được hướng dẫn bởi đức ái, nói đúng hơn, công chính và bác ái là một, xuất phát từ một Thiên Chúa là Tình Yêu thương xót, để chỉ còn một nghiã vụ công chính duy nhất là xót thương đồng loại cũng cần được thương xót như chính mình trước mặt Thiên Chúa.
 Nét đặc biệt thứ hai nơi thánh Giuse là tín thác ở lòng thương xót :
     Không muốn tố cáo Đức Mẹ, nhưng thánh Giuse muốn bỏ Đức Mẹ cách kín đáo (Mt 1, 19). Chọn lựa lặng lẽ ra đi thiết tưởng là một chọn lựa tốt nhất trong lúc này, vì vừa giải quyết lấn cấn trong tương quan giữa hai người, vừa  bảo vệ được danh dự cho vợ mình. Kế hoạch đã lên khuôn, chỉ còn âm thầm cất bước lên đường. Chính trong giây phút đầy giông bão của thử thách chọn lựa, Thiên Chúa đã can thiệp : "Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng :  .. Đừng ngại đón  bà Maria, vợ ông về..  (Mt 1,20).
     
  Nhưng tại sao thánh Giuse lại dễ dàng và cả tin đến ngây thơ như vậy ? Bởi dù sao đó cũng chỉ là giấc mộng, mà mộng thì hư hư thực thực, nên tin một sự việc xảy đến trong giấc mộng thì qủa thực dễ bị thiên hạ cho là ngây ngô, đồng bóng.
   Thực vậy,  theo nhãn quan nhân loại thì thánh Giuse qủa là người cả tin : không những tin sứ thần Chúa hiện ra, mà tin cả lời sứ thần nói và thực hiện ngay lạp tức lệnh truyền này, bằng hủy bỏ không ngần ngại kế hoạch đã cặn kẽ tính toán và cẩn thận lên khuôn. Sở dĩ ngài đã tin dễ dàng, vì tâm hồn đã sẵn sàng cho lòng thương xót, trái tim đã mở toang đón nhận lòng thương xót, cuộc đời đã hoàn toàn bỏ ngỏ cho lòng thương xót, nên chỉ cần một tín hiệu nhỏ, một tia lửa nhỏ, một giọt nước nhỏ, một dấu chỉ nhỏ, một hiện tượng chưa rõ, một lời khuyên ngắn gọn, một tiếng thì thầm thoáng mau trong gió cũng đủ làm dậy lên thúng bột đã sẵn sàng đón men nồng của lòng thương xót. Thánh Giuse khao khát lòng thương xót, không chỉ cho mình, mà còn cho Đức Maria, vợ mình, dân tộc mình, nên sự kiện trong giấc mộng đã là tia lửa làm cháy bùng  lòng khao khát ấy. Sự kiện ấy đã làm cho thánh Giuse tự tin và có lý do để hủy bỏ kế hoạch cũ, vì dù sao tận thâm tâm, ngài cũng đã khao khát đón Đức Mẹ về nhà mình, vì yêu mến, tôn trọng Đức Mẹ. Được tháo gỡ khỏi tâm trạng day dứt, giằng co : nửa bỏ đi, nửa ở lại, nửa trốn biệt, nửa đón về, thánh Giuse đã bám chặt vào lời sứ thần, như người chết đuối bám được phao cứu hộ, như con thuyền mất hướng giữa đêm khuya nhận ra từ xa ngọn hải đăng chiếu sáng. Tuy thế, không như người chết đuối, hay con thuyền lạc hướng không còn khả thể để chọn lựa, thánh Giuse có điều kiện và khả năng để tiếp tục chọn lựa. Ngài có thể bỏ công khai, hoặc ra đi âm thầm, hoặc tố cáo, hoặc ở lại, hoặc bắt Đức Mẹ giải trình trước khi quyết định, nhưng ngài đã không làm gì, ngoài làm theo thánh ý Thiên Chúa mà ánh sáng của thánh ý ấy chỉ vừa đủ sáng để thấy và luôn đủ tối để tin. Thánh Giuse tin vào lời sứ thần, vì tín thác vào lòng thương xót. Ngài tin lời thiên sứ nói là đúng, là thánh ý Thiên Chúa, vì nội dung của sứ điệp hợp với bản tính yêu thương của Thiên Chúa, và kế hoạch được đề nghị hợp với lòng xót thương. Nói cách khác, ngài đã tuyệt đối tín thác ở lòng thương xót, và thay đổi kế hoạch, chỉ vì lệnh truyền của sứ thần Chúa mang nội dung, giá trị và ý nghiã thánh thiện của lòng xót thương.  
      Kể lại câu chuyện của thánh Giuse, người viết muốn cùng bạn đọc nhìn vào hiện tượng tố cáo nhau đang tràn ngập khắp nơi, không chỉ trong xã hội mà cả trong Giáo Hội. Người ta tố cáo nhau rất thoải mái, dễ dàng. Chỉ một chút tức giận, một cỏn con bất đồng, một tí ti quyền lợi bị thiệt thòi, một yêu sách cá nhân không được toại nguyện, một ý kiến chưa được đón nhận đã đủ để tố cáo nhau, bóc trần tội lỗi của nhau. Cái nguy hiểm của xã hội ngày nay là tư lợi, ích kỷ được đặt đầu thang giá trị, và người ta sẵn sàng làm bất cứ sự gì dù gian ác, nhẫn tâm, độc địa đến đâu miễn sao đạt mục đích có lợi cho mình. Nhưng có lẽ cái nguy còn ngàn lần hiểm độc và mang lại hiểm hoạ vạn lần to lớn hơn, khi chính con cái trong Giáo Hội tố cáo lẫn nhau, chính các chi thể của cùng một thân thể tố khổ nhau, chính anh em, chị em cùng Dòng tố giác nhau. Câu chuyện buồn tố cáo nhau trong Giáo Hội tưởng không có, hay nếu có thì cũng chỉ phơn phớt, nhẹ nhàng, nào ngờ trong thực tế và lịch sử Giáo Hội, chuyện ấy đã không  là chuyện  nhỏ, nhÜng là chuyŒn tܪng nhÕ nhÜng qúa l§n Çã làm tan nát bao nhiêu cõi lòng, thiêu rụi bao nhiêu thiện chí, phá vỡ bao nhiêu công trình, nhất là làm tiêu tan bao cố gắng thánh thiện, đóng góp qúy báu xây dựng Hiệp Nhất. Đạo cũng như đời, người ta có thể trở nên lạnh lùng đến dã man, sắt máu đến trâng tráo, trắng trợn đến thô bỉ khi rơi vào cơn bão tố cáo. Ngày xưa còn ở chủng viện, một cha giáo đạo đức đã cảnh giác chúng tôi : Người đời  chỉ là lang sói ở cấp độ một, nhưng tu sĩ, linh mục thì phải tính từ cấp độ ba trở lên. Kinh sợ vậy sao, nếu lời cha giáo là sự thật !  
Tố cáo sẽ vô cùng kinh khủng với nhà đạo, vì chính Thiên Chúa sẽ là bình phong, lá chắn hiệu qủa cho tà tâm, ác ý của người tố cáo. Tố cáo sẽ vô cùng khốc liệt giữa con cái của cùng một Cha trên trời, vì danh Thiên Chúa sẽ được triệt để lạm dụng như thuẫn đỡ an toàn cho mưu đồ bất chính khi tố giác anh chị em mình. Tố cáo sẽ vô cùng tàn ác trong cộng đoàn dòng tu, giáo xứ, giáo phận, vì mọi thứ thuộc về thần quyền, thần thánh, thần thiêng, thần lực đều được tối đa trưng dụng để tạo thành lý do chính đáng, hầu tạo nên cuồng phong đánh gục không thương tiếc đối phương cũng là thành viên của cộng đoàn. Tố cáo sẽ phá hoại Giáo Hội với một sức mạnh cực kỳ vũ bão, kinh hoàng, nếu người tố cáo và bị tố cáo cùng là tu sĩ, linh mục, bởi không gì xỉ nhục cho Thiên Chúa và đem lại thành qủa, chiến thắng vĩ đại cho ma qủy hơn là nhân danh Giáo Hội, nhân danh lợi ích chung của cộng đoàn  để tố cáo anh em có bài bản, luận lý, lớp lang, thứ tự, quy trình đội lốt "thần học". Tố cáo sẽ vô cùng thảm hại cho uy tín của những nhà truyền giáo, khi tố cáo len lỏi và hoành hành trong chính hàng ngũ những người đi tu, khi Dòng này  tha hồ soi bói, bới móc Dòng kia, tu hội này xả láng châm chích, khích bác tu đoàn nọ, làm nên những trận giông, cơn bão tố cáo, tố khổ, tố giác "long trời lở đất", có sức công phá kinh hoàng, khiếp đảm.
    Hiện tượng tố cáo không là chuyện nhỏ, nhưng mấy ai dám chân thành với chính mình, dám can đảm nhận trách nhiệm về mình, dám trực diện với hiện tượng "tố cáo" rất nguy hiểm ngày càng bành trướng trong Giáo Hội. Ai cũng biết  sẽ tránh được nhiều đổ vỡ, nhiều thất bại, nhiều bất hạnh cho cộng đoàn, Giáo Hội, dân tộc và cả nhân loại, nếu ngăn chặn được bước chân tàn phá của giặc Tố Cáo ngày càng lấn lướt. Trong thực tế, xã hội băng hoại đã  ảnh hưởng xấu đến Giáo Hội, nhất là khi phuơng tiện truyền thông ngày càng tân kỳ, với sức phát tán cực kỳ nhanh chóng. Trước thách đố xem ra đáng ngại này, chúng ta, người Kitô hữu, sẽ phải làm gì cùng với Giáo Hội để đổi mới xã hội suy đồi và phục sinh xã hội đã chết vì mãnh lực của đạo quân tố cáo là ma qủy và những kẻ đi theo chúng. 
Trước hết, chúng ta tìm về Tin Mừng để lắng nghe Thiên Chúa chỉ dậy : Con cái Thiên Chúa không thể là kẻ tố cáo như ma qủy.
    Chỉ  ma qủy mới là  kẻ tố  cáo anh em trước toà Thiên Chúa, còn anh em, anh em không thể để mình trở thành kẻ tố cáo như ma qủy. Đó là chân lý ta gặp được trong Kinh Thánh:
 "Một ngày kia, các con cái Thiên Chúa đến trình diện Đức Chúa. Satan cũng đến trong đám họ" (G 1,6). Satan đến không để gặp gỡ, chia sẻ, cộng tác, nhưng đến giữa con cái Thiên Chúa để tố cáo, vu khống, bôi nhọ, mạ lỵ, chia rẽ, gây hiềm khích, đố kỵ giữa họ và làm tan rã cộng đoàn con cái Thiên Chúa (x. G 1,6-12). Ngôn sứ Dacaria trong thị kiến thứ bốn đã thấy Satan là kẻ tố cáo : "Người lại cho tôi thấy thượng tế Giêsua đang đứng trước mặt thần sứ của Đức Chúa ; còn Satan đứng bên phải ông để tố cáo ông". Dcr 3,1), nhưng lời tố cáo của Satan đã không được lắng nghe, như thần sứ của Đức Chúa nói với Satan : "Ước gì Đức Chúa trừng phạt ngươi, hỡi Satan" (Dcr 3,2).
       Kẻ tố cáo - Kategeros trong tiếng Hy Lạp được hình thành bởi hai chữ "Kata" nghiã là thấp hèn, tồi tệ, và chữ Agerio nghiã là đám đông. Vì thế,  Kategeros - kẻ tố cáo được định nghiã là kẻ làm xấu người khác giữa đám đông, nhục mạ người khác trước nhiều người, và công việc duy nhất của kẻ tố cáo chính là "bôi tro trét trấu" lên mặt người khác, làm họ phải xấu hổ, tủi nhục trước công luận ; làm mất uy tín, ảnh hưởng của tha nhân ; chà đạp và vùi dập danh dự, thanh thế của người anh em  một cách công khai bằng những vu khống, buộc tội vô căn cứ. Danh từ kẻ tố cáo - Kategeros cũng không xa nghiã của danh từ ma qủy – Diabolos kết hợp bởi hai từ Dia nghiã là ngang qua và Ballo nghĩa là ném ra, tung ra. Ma qủy là kẻ chuyên ném ngang mặt, ngang lưng người khác những cạm bẫy xảo trá, qủy quyệt, nguy hiểm ; ma qủy là kẻ làm người khác phải chao đảo, vấp ngã, mất thăng bằng bởi những đòn thâm độc được tung ra.  Ma qủy và kẻ tố cáo là một vì cùng chung mẫu số đốn gục người khác bằng bêu rếu, bôi bác, bới móc, làm bẽ bàng người khác trước bàn dân thiên hạ.
     Là kẻ tố cáo, ma qủy làm công việc tố cáo một cách tài tình, với mọi thủ đọan, kế sách tinh vi, xảo quyệt. Chúng tố cáo người có tội đã đành, mà còn tố cáo cả những người lành thánh, vô tội, thiện tâm. Chúng vùi dập uy tín người yếu đuối đã đành, mà còn làm sụp đổ danh dự cả những con người thánh đức, mang trọng trách. Khi khẳng định ma qủy là kẻ tố cáo anh em, Kinh Thánh đồng thời xác định con người không được trở thành kẻ tố cáo anh em mình, nên khi tố cáo anh em mình, kẻ tố cáo làm công việc của ma qủy, trở thành cánh tay nối dài của thần dữ, hay đúng hơn, kẻ ấy đã hoàn toàn thuộc về ma qủy và ở trong hàng ngũ những kẻ đi theo ma qủy và phụng sự chúng. Không thể chần chừ, do dự giữa hai chiến tuyến Thiên Chúa và ma qủy, không thể nhập nhằng, "đánh lận con đen", hoà hợp hoà giải, sống chung hoà bình  giữa hai hàng ngũ : con cái Thiên Chúa và tay sai ma qủy. Vì thế, kẻ tố cáo anh em là kẻ thuộc về ma qủy, mà không thuộc vào hàng ngũ con cái Thiên Chúa, bởi chỉ ma qủy mới là kẻ tố cáo anh em. 
      Sở dĩ chúng ta dám qủa quyết điều này, vì chính Đức Giêsu đã dậy chúng ta bài học và bí quyết "Đừng xét đoán ai" để không rơi vào cạm bẫy trở thành tay sai của ma qủy, bán linh hồn làm kẻ tố cáo anh em mình.
"Anh em đừng xét đoán", để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán, vì anh em xét đoán thế nào, thì anh em cũng sẽ bị Thiên Chúa xét đoán như vậy ; và anh em đong đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong đấu ấy cho anh em. Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong mắt của mình thì lại không để ý tới ? Sao lại nói với người anh em : "Hãy để tôi lấy cái rác ra khỏi mắt bạn, trong khi có cả một cái xà trong con mắt anh ? Hỡi kẻ đạo đức giả ! Lấy cái xà ra khỏi mắt anh trước đã, rồi anh sẽ thấy rõ, để lấy cái rác ra khỏi mắt người anh em" (Mt 7,1-5).
    Ta khó có thể hiểu khác, hoặc cắt nghiã  đoạn Tin Mừng trên, bởi từng câu, từng chữ, tất cả đều chặt chẽ, minh bạch đến độ hiển nhiên.
     Đừng xét đoán người khác, nghiã là đừng phê bình, chỉ trích người khác một cách dễ dãi, vô trách nhiệm, vô căn cớ, không nền tảng, thiếu hiểu biết chính xác về họ và công việc của họ. Đừng xét đoán người khác, vì chính ta cũng chẳng tốt lành hơn người ta xét đoán. Đừng xét đoán người khác, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán, bởi xét đoán người khác khi không có bổn phận là thiếu lòng thương xót đối với tha nhân ; là kiêu căng, tự mãn, tự gán cho mình quyền xét xử, trong khi mình luôn cần được Thiên Chúa và người khác xót thương. Đừng xét đoán người khác để không rơi vào tình trạng ảo tưởng mình là người thánh thiện, đạo đức, như những người Biệt Phái giả hình bị Đức Giêsu nặng lời quở mắng năm xưa (x. Mt 23).
     Như ta biết, sự thật là thực tại rất khó nắm bắt, mà có nắm bắt được cũng chưa chắc đã toàn diện, toàn phần, nên phải  rất thận trọng khi phán đoán về một sự việc, nhất là về một con người. Sự thật về một sự việc tuy đã khó, nhưng sự thật về một con người còn ngàn lần khó hơn, bởi mỗi người là một thế giới riêng biệt, một thụ tạo đặc biệt, không có phiên bản. Khoa học chứng minh : mỗi người đều duy nhất, tuy cùng là loài người, và không có hai người trên thế giới cùng chung một kết qủa ADN.
     Qua Tin Mừng, Đức Giêsu muốn nói với chúng ta, đặc biệt với những người luôn rình mò tìm sai sót nơi anh em để quy tội, lên án. Họ là những người có đam mê "vạch lá tìm sâu, bới lông tìm vết" nơi anh em, để hạ anh em xuống thấp hơn mình, mà không hề có ý nâng đỡ, đổi mới họ. Ta dễ lầm tưởng những người này thánh thiện, khi thấy họ luôn miệng biện minh công việc phê bình, chỉ trích của họ bằng những khẩu hiệu rất kêu như "vì ích lợi Giáo Hội, vì bảo vệ cộng đoàn, vì ích chung, lợi công, vì tương lai Hội Thánh, vì cơ đồ, tiền đồ"… Thực chất chỉ là phán đoán cách bất công, suy đoán cách chủ quan, xét đoán cách hồ đồ, quyết đoán cách độc ác, và thoả mãn tính ích kỷ, nhỏ mọn, tầm thường của mình, khi tố cáo, bôi nhọ người khác.  
      Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Rôma đã qủang diễn điều Đức Giêsu dậy: "Hỡi người, dù bạn là ai đi nữa mà bạn xét đoán, thì bạn cũng không thể tự bào chữa được. Vì khi bạn xét đoán người khác, mà bạn cũng làm như họ, thì bạn tự kết án chính mình. Chúng ta biết rằng: Thiên Chúa cứ theo sự thật là xét xử những ai làm những điều đó. Còn bạn, hỡi người xét đoán những kẻ làm những điều đó, trong khi chính mình cũng làm như vậy, bạn tưởng mình sẽ khỏi bị Thiên Chúa xét xử sao"? (Rm 2, 1-3).
    Thánh Tông Đồ đặt vấn đề: kẻ tố cáo anh em những sai trái mà chính mình cũng sai phạm sẽ bị Thiên Chúa xét xử, và khi xét đoán như thế, chính là tự  tuyên án  mình. Khi đó mình vừa là người tố cáo, và cũng là kẻ đang bị tố cáo.
    Khi dậy chúng ta đừng xét đoán ai, để khỏi bị xét đoán, Đức Giêsu còn lấy chính mình làm gương sáng khi tuyên bố: "Tôi đến không phải để xét xử thế gian, nhưng để cứu thế gian" (Ga 12, 47). 
    Như thế, huấn lệnh quan trọng phải tuân giữ để được Thiên Chúa xót thương, để khỏi bị Thiên Chúa nghiêm khắc xét xử, để không rơi vào cạm bẫy ma qủy làm kẻ tố cáo anh em, chính là "đừng xét đoán ai", bởi xét đoán gắn liền với tố cáo ; bởi chẳng ai xét đoán một người mà lại yên lặng không tung hê điều mình đã xét đoán cho bàn dân thiên hạ biết ; bởi muốn tố cáo mới hung hăng xét nét, điên cuồng xục xạo và hả hê lên án. Ý thức nguy hiểm của tố cáo, người Kitô hữu phải thận trọng trong mọi xét đoán, vì giữa xét đoán và tố cáo, cự ly rất nhỏ, làn ranh rất mong manh, và cám dỗ chà đạp, vùi dập người khác rất dữ dội, mãnh liệt.
  Ma qủy xúi ta tố cáo chính mình.
   Rất nhiều lần, rải rác trong các tập chia sẻ, người viết luôn nhấn mạnh  nguy cơ "không tự tha cho chính mình". Đây là nguy hiểm số một, nguy hiểm hàng đầu mà chúng ta cần thận trọng, bởi sẽ không có ơn tha thứ, nếu chính ta không tha thứ cho mình. Tại sao vậy ? Thưa, bởi vì ta không thể chấp nhận ơn tha thứ từ Thiên Chúa, hay sự tha thứ của người khác, nếu ta không đồng tình, đồng thuận với Thiên Chúa và người khác để tha cho chính mình. Không tha cho chính mình đồng nghiã với không nhận mình là tội nhân, không nhận mình đang cần ơn tha thứ, không nhận mình đáng được thứ tha. Nhìn qua, người ta có thể hiểu lầm người không tha cho mình là người ý thức đầy đủ tình trạng tội lỗi của mình, nhưng thực ra, họ là người kiêu căng, ngạo mạn hơn là người khiêm nhường, có ý thức minh bạch về mình.
   Thiên Chúa là Đấng luôn rộng lượng thứ tha, nhưng  ơn tha thứ của Chúa có bao la, hải hà đến đâu, nếu tội nhân không chịu mở lòng để ơn tha thứ len lỏi, tuôn đổ, ùa vào thì trái tim, cõi lòng tội lội ấy vẫn không được tẩy sạch, vì ơn thứ tha không vào được. Giá trị và ý nghiã của tự do là ở đó, nên tự tha cho chính mình, khi nài xin ơn tha thứ của Thiên Chúa là biểu hiện cần thiết của tự do, hầu nhận được  trọn vẹn ơn tha thứ. Ma qủy biết điều này, nên ra sức cám dỗ tội nhân đóng chặt cửa tâm hồn, khép kín trái tim, để không một giọt máu cứu độ nào có thể chảy vào trái tim chai đá, tâm hồn khô cằn. Chúng không muốn con người sẵn sàng cho Thiên Chúa, không để trái tim con người thuộc về Chúa, không để tâm hồn con người được nâng lên tới Chúa, bởi hoả ngục ở dưới đáy sâu, tận vực thẳm đời đời đóng kín, khép chặt trước Thiên Chúa là "sự thật, sự sống, tình yêu,và hạnh phúc bình an".
     Để đóng chặt trái tim con người, ma qủy xúi con người tố cáo chính mình. Với bản cáo trạng lê thê, nặng trĩu tội, ma qủy làm cho tâm trí tội nhân hoảng loạn vì sợ cán cân công thẳng, hình phạt nghiêm khắc của Thiên Chúa ; làm cho trái tim tội nhân mất hết niềm hy vọng vào  một Thiên Chúa giầu lòng xót thương ; làm cho tội nhân nên mù loà, câm điếc trong tương quan với người chung quanh, rồi tự cô lập, tự giam hãm, tự hủy diệt, tự kết liễu đời mình trong tuyệt vọng không lối thoát.
      Tóm lại, ma qủy là kẻ chuyên rình mò để tố cáo. Đối tượng bị tố cáo gồm con người và Thiên Chúa. Ước gì mỗi người chúng ta giữ được miệng lưỡi để đừng lên tiếng tố cáo ai; giữ được bàn tay để đừng viết cáo trạng, đừng thảo thư nặc danh bôi bác, đốn gục ai ; giữ được  trí khôn  luôn  "xây dựng hoà bình" để không tính toán, "dàn binh bố trận" tố khổ ai ; giữ được trái tim luôn biết chạnh lòng thương để không phẫn nộ tố giác ai ; giữ được tâm hồn luôn hướng về Chúa để không sa lầy trong vũng bùn tố cáo vì ganh ghét ; giữ được cuộc đời trong sáng không gợn mây đen ích kỷ để không lôi ai ra mổ xẻ, lên án.
       Và lậy Thiên Chúa của lòng xót thương, xin cho chúng con biết rằng chúng con sẽ chỉ được Chúa thương xót trong ngày chung thẩm, nếu chúng con xót thương anh em đang có mặt quanh đây, trên cõi  đời này. 
 Quý độc giả vui lòng đọc chương kế tiếp