Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 9 tháng 7, 2018

Cái Nhìn Của Đức Kitô trong Tin Mừng Gioan 8, 1 - 11 : Người đàn bà ngoại tình bị bắt quả tang!

   Con mắt là cửa sổ của tâm hồn. Từ khung cửa này, tâm hồn nhìn đời, nhìn  người, nhận ra nơi tha nhân  ký hiệu của tình yêu, và biểu hiện những chọn lựa của trái tim. Con mắt là cơ năng bén nhậy, trực tiếp, hữu hiệu biểu lộ hoàn hảo một tình cảm, một ý nghĩ, một tâm sự. Cơ năng ấy vượt xa nhiều cơ năng khác và giữ một vai trò quan trọng trong thông tri, giao cảm.
    Người ta rất cần nhìn nhau để biết nhau, tìm nhau, hiểu nhau, yêu nhau. Ngôn ngữ đầu tiên đã góp phần làm nên các cuộc tình là đôi mắt, cái nhìn vì ánh mắt nào cũng  biết nói lời yêu thương, cái nhìn nào cũng biết tỏ tình trìu mến, cái nhìn nào cũng ngọt ngào dấu ái cảm thông.
    Nhìn là  nhu cầu tâm lý, và cũng là đòi hỏi sinh lý. Nhìn làm con người lớn lên nhờ quan sát, mở rộng tầm nhìn, mở rộng tương quan, mở rộng hoài bão. Nhìn làm đời người sinh động, phấn khởi với những khám phá mới,  hy vọng mới,  chân trời mới, ước mơ mới. bước tiến mới. Không nhìn, tất cả sẽ khép lại, co lại, nhỏ lại, teo lại từ trái tim đến khối óc, từ môi miẹng đến chân tay, bởi đôi mắt là cửa của tâm hồn. Đóng cửa lại, làm sao có thể đón nhận, trao ban? Đóng cửa lại, làm sao có đường cho không khí trong lành vào và xú khí từ trong thoát ra ?   
    Như thế, con người rất cần có mắt để nhìn ra cuộc đời và nhìn vào người khác để phát triển và kiện toàn bản thân. Nhưng đồng thời cũng cần được người khác nhìn để được khẳng định. Và qủa thực, ở mỗi người, nhìn và dược nhìn cũng như yêu và dược yêu là nhu cầu tâm lý sâu lắng tiềm tàng giúp phát triển nhân cách và đem lại hạnh phúc cuộc sống làm người.
   Nhưng không phải cứ có mắt là biết nhìn.Có nhiều đôi mắt sáng quắc nhưng không biết nhìn, có nhiều cặp mắt cứ nhìn ai là làm người đó sợ hãi bỏ chạy, cứ chiếu tướng ai là người đó té xỉu, run cầm cập, toát mồ hôi. Không biết nhìn được hiểu là cái nhìn không nhân tính, cái nhìn không tình người, cái nhìn thiếu nhân ái phủ nhận  đối tượng,  cái nhìn thiếu nhân bản hạ giá trị người được nhìn, cái nhìn đe dọa, triệt tiêu, trâng tráo lột trần người đối diện. Không biết nhìn, dù có mắt, là cái nhìn hằn học, thù oán, khinh bỉ, loại trừ. Không biết nhìn, kể cả có mắt, là cái nhìn soi mói, rình rập, gian ngoa, thủ đọan,  khống chế, tiêu diệt.
     Là cửa sổ tâm hồn, đôi mắt trên thân xác phải mang tính người, chất người, tình người, đạo đức làm người. Mắt người mà lạnh tanh nham hiểm, thiếu nhân tính ; mắt người mà long xòng xọc, đỏ ngầu không còn tình người ; mắt người mà trắng giã cạn kiệt nhân đạo vì ganh ghét, căm thù thì  không còn  là cửa sổ của tâm hồn con người, vì tâm hồn là đặc thù của con  người,  bởi chỉ có con người mới có tâm hồn, nên mắt mà thiếu hồn, mắt mà thiếu tâm, mắt mà đánh mất tâm hồn, bỏ quên trái tim, từ chối ân nghiã, thì chẳng còn gì là đôi mắt tình nhân, ánh mắt ân tình, cái nhìn nhân loại, tình người  trao gửi tim người, mắt người trong mắt ta, đời ta trong mắt người.
     Đức Giêsu là Thiên Chúa làm người, và vì làm người trăm phần trăm như con người, nên đôi mắt ấy chan chứa hồn người, đầy ắp tình người. Đôi mắt ấy chưa bao giờ nghiền nát ai, dù có lúc đã nóng nẩy xua đuổi phường buôn bán ra khỏi đền thờ, trách mắng những người Pharisêu kiêu căng, tham nhũng, lợi dụng lòng đạo đức đơn sơ của những bà goá nghèo, hiền lành, chất phác. Đôi mắt ấy rực sáng tình người, nên không khổ đau thầm kín hay tâm sự bị vùi sâu nào đã không được tình Ngài chiếu cố, dủ thương. Đôi mắt ấy luôn rạo rực chạnh lòng, nên không một lời van xin dù nhỏ và kín đáo đến đâu của những người đau bệnh, tật nguyền lê lết, vật vã bên đường đã không lọt mắt xanh Ngài. Đôi mắt ấy nhân từ, bao dung, hiền hậu như đôi mắt của Chúa Cha giầu lòng thương xót đã không quên một con chiên ghẻ lở, hoang đàng nào, nhưng dõi bước từng con chiên, dấu ái  săn sóc từng con chiên và âu yếm vác trên vai, ôm trong lòng. Và cũng đôi mắt rất tình, rất đẹp, rất sáng của Thiên Chúa làm người, Đức Giêsu hôm ấy đã cứu sống người đàn bà ngoại tình bị bắt qủa tang.
   Tin Mừng Gioan được mệnh danh là Tin Mừng của Tình yêu đã tường thuật cảnh tượng rất ngoạn mục đối với các Kinh sư, và Pharisêu trong Ítraen, những người đang hớn hở vì mới bắt được người đàn bà lăng loàn vi phạm luật Môsê, nhưng lại là cảnh tượng bi thương đối với những người có tâm hồn biết thương cảm : “Vừa tảng sáng, Người trở lại Đền Thờ. Toàn dân đến với Người. Người ngồi xuống giảng dậy họ.lúc đó, các kinh sư và người Pharisêu dẫn đến trước mặt Đức Giêsu một người phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình.Họ để chị ta đừng ở giữa, rồi nói với Người : “Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt qủa tang đang ngoại tình.Trong sách Luật, ông Môsê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó.Còn Thầy, Thầy nghĩ sao ? Họ nói thế nhằm thử Người, để có bằng cớ tố cáo Người.  Nhưng Đức Giêsu cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất.Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người ngẩng lên và bảo họ : “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi”. Rồi Người lại cúi xuống viết trên đất. Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi.Chỉ còn lại mình Đức Giêsu, và người phụ nữ thì đứng ở giữa. Người ngẩng lên và nói : Này chị, họ đâu cả rồi ? Không ai lên án chị sao ? Người đàn bà đáp : “Thưa ông, không có ai cả”. Đức Giêsu nói : “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu !  Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa” ! xem (Ga 8,1-11).
    Không nói thì chúng ta cũng biết hôm ấy có nhiều cái nhìn. Chắc chắn có những đôi mắt cú vọ háu đói dán chặt trên da thịt chị đàn bà áo quần còn xốc xếch, luộm thuộm, hở hang, vì chưa kịp mặc lại. Kinh Thánh ghi rõ : Người đàn bà này bị bắt qủa tang đang ngọai tình. Bị bắt qủa tang đang làm tình trái phép, sai luật thì ai cho mặc lại quần áo đàng hoàng, vì họ sợ sẽ mất hết tang chứng để  buộc tội trước tòa án nhân dân được dàn dựng ngay sau đó. Có những cặp mắt thâm đen giận dữ, muốn ném đá cho lẹ, nóng lòng chứng kiến tận mắt con mụ đàn bà đĩ thoã, lăng loàn bê bết máu, nằm chết gục dưới làn mưa đá từ những cánh tay đàn ông vạm vỡ, nhưng tàn bạo quyết bảo vệ Lề Luật Môsê. Bên cạnh là những ánh mắt dửng dưng, lạnh lùng kèm theo lời bàn vô cảm : có chơi có chịu, có gan ngoại tình thì phải có gan chịu ném đá.
    Nhưng may mắn và phúc đức cho người đàn bà có tội đang đứng giữa bàn dân thiên hạ, chờ bị ném đá theo Luật Môsê, khi Đức Giêsu ngẩng lên và nhìn. Ngài đã nhìn các ông Biệt Phái kiêu căng, thiếu tình người ; đã nhìn các Kinh sư lòng dạ chai đá, vị luật và nhẫn tâm, vô cảm.Với cả hai nhóm người này, cái nhìn của Đức Giêsu đã xoáy vào tận sào huyệt  thâm sâu nhất của họ, đó là sào huyệt cất dấu cẩn thận tội lỗi, che đậy con người thật giả hình, với châm ngôn  "sống để dạ, chết mang theo". Cái nhìn tận tâm can của Đức Giêsu đã giải giới vũ khí từ tay họ, nghiã là làm họ  mất hết ỡ dao to búa lớn ữ để ăn tươi nuốt sống người đàn bà phạm tội ngoại tình dưới cơn mưa đá hứa hẹn rất dữ dội, tàn nhẫn. Nhưng cũng đôi mắt Con Người Thiên Chúa hôm ấy đã ngước nhìn người đàn bà có tội đáng chết và đang chờ chết, khi Đức Giêsu ngẩng lên lần thứ hai, lúc chỉ còn lại một mình Ngài và người phụ nữ. Cái nhìn này khác với cái nhìn thứ nhất dành cho các người Biệt Phái và Kinh sư, vì là cái nhìn của lòng thương xót,  tha thứ, sai đi, chúc phúc. Đức Giêsu đã không lên án người đàn bà ngoại tình như Luật Môsê quy định vì Ngài là chốn náu ẩn của người có tội cần lòng xót thương. Đức Giêsu đã không loại trừ hay cô lập người đàn bà có tội khỏi cuộc đời, khỏi xã hội loài người, khỏi nếp nhà, cảnh sống hạnh phúc của chị, nhưng sai chị về gia đình, về lại tổ ấm yêu thương, an toàn mà chị đã dại dột, nông nổi bỏ đi. xem (Ga 8,11). Đức Giêsu cũng không xếp chị vào hạng người cần phải cải tạo, loại người phải được làng xóm, khu phố theo dõi, giáo dục, canh phòng, nhưng trấn an, khuyến khích chị cố gắng sống tốt, sống đẹp hơn mỗi ngày, như lời chúc phúc cho tương lai tràn ngập  ánh sáng Bình An thật đang mở ra cho chị sau lần gặp gỡ Đức Giêsu trong một hoàn cảnh vô cùng bi đát, nguy hiểm : chênh vênh trên đường tơ kẽ tóc giữa sự sống và cái chết tức tưởi, ô nhục.        
      Qủa thực, qua cách giải quyết  không thể ngờ trong trình thuật trên, Đức Giêsu đã làm rõ giáo lý Đạo mới của Ngài khi đối chiếu với giáo lý của Đạo cũ Do Thái ; đã kẻ rõ lằn ranh giữa Luật cũ Môsê và Luật mới của Ngài. Sở dĩ những người Biệt Phái và Kinh sư muốn thử Ngài để có cớ buộc tội Ngài là vì họ biết Ngài không dám làm ngược lại  Luật Môsê, và nếu Ngài không dám tức là giáo lý mới của Ngài không có nền tảng, nhưng nếu dám đi ngược Luật Môsê, Ngài sẽ lập tức bị buộc tội bôi bác, khinh thường Luật Thiên Chúa. Cả hai lựa chọn, hoặc dám hoặc không dám  đều sẽ đưa Ngài vào ngõ bí, tử lộ, theo phỏng đoán của những người chống đối, đang gài bẫy Ngài.
    Sự khác biệt căn bản của Đạo cũ, Luật cũ Môsê với giáo lý và giới răn mới của Đức Giêsu là tình yêu thương, tha thứ, cứu chữa cả những gì tưởng như không còn có thể cứu chữa.  Nếu Đạo cũ chỉ lo canh chừng, tuân giữ từng dấu phẩy của Lề Luật, để đảm bảo một thứ công bình tuyệt đối, theo kiểu : “Răng đền răng, mắt đền mắt”, và một trật tự xã hội hoàn hảo, kiểu : ăn cắp thì chặt tay, nhìn bậy thì móc mắt, nói làm xàm, phạm thượng thì thẻo môi, cắt lưỡi, thì Đức Giêsu lại loan báo một  chân lý hoàn toàn mới : Nước Thiên Chúa là Nước của Tình Yêu thương xót, Đấng Mêsia là dung mạo đích thực của Thiên Chúa giầu lòng thương xót, Tin Mừng cứu độ là tin vui Thiên Chúa thương xót và cứu chữa dân Người. Vì thế, tất cả con người, cuộc đời, hoạt động, sứ điệp, thao thức, khắc khoải của Đức Giêsu đều là lòng thương xót, xây dưng trên lòng thương xót, hướng về lòng thương xót.Thương xót là tên của Thiên Chúa trong Đức Giêsu, Thương Xót là nội dung của Kitô giáo, Thương Xót là hiến chương, lề luật của Đạo mới do Đức Giêsu sáng lập, Thương xót là căn cước của công dân Nước Trời, là visa để vào  vương quốc của Thiên Chúa.
   Hôm ấy, thẹn thùng, cay đắng phải đứng giữa đám đông, dưới bao nhiêu ánh mắt khinh bỉ, nguyền rủa, lên án, tẩy chay, vô cảm, dửng dưng, người đàn bà ngoại tình bị bắt qủa tang đã may mắn gặp gỡ Đức Giêsu, Thiên Chúa của lòng xót thương, nhân hậu, và cái nhìn trìu mến, cảm thương, bao dung của Thiên Chúa giầu lòng thương xót ấy đã cứu sống, ban lại bình an, hạnh phúc cho chị. Chẳng thế mà chị đã không bao giờ quên được Con Người Thiên Chúa với cái nhìn đã cứu chị khỏi bàn thua trông thấy : bị ném đá cho đến chết.           
   Hôm nay, cũng với Đức Giêsu của hôm  ấy giữa phiên toà xử người đàn bà ngoại tình bị bắt qủa tang,  ánh mắt của Thiên Chúa làm người đang nhìn tôi, nhìn bạn; đôi mắt Con Người Thiên Chúa  vẫn một mầu bao dung, nhân hậu đang âu yếm nhìn mọi người, và cái nhìn thương xót, cứu độ ấy không bao giờ mỏi mệt dõi từng bước chân của mỗi người, bởi Hạnh Phúc của Thiên Chúa giầu lòng thương xót chính là được nghe con người kêu cầu Ngài xót thương, để Ngài được thương xót con người, như  đòi hỏi của yếu tính Thương Xót nơi Ngài.  
                                                        Jorathe Nắng Tím

NHỮNG NGƯỜI MẸ CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT



1. Người mẹ trẻ ngồi với cô con gái lớn từ sáng đến gần nửa đêm. Hai mẹ con thủ thỉ tâm sự : cô xin phép mẹ cho làm giấy hôn thú và ra sống với người yêu kể từ tháng tới, nhưng  không làm phép cưới đạo, không tổ chức tiệc, không in thiệp báo và sẽ không có con.  Người mẹ trẻ đạo hạnh chết lặng nghe “quyết định” của con gái được thông báo chính thức dưới hình thức “xin phép”.

    Thế là  ước mơ bé nhỏ của bà có con gái lấy chồng công giáo, có lễ cưới nhà thờ, có thiệp cưới gửi về cho gia đình bên Việt Nam, có tiệc cưới cho đúng tục lệ, nề nếp, gia phong đã lạnh lùng trôi theo giòng nước mắt. Bà đã nói với con bằng tất cả tình mẫu tử, đã chia sẻ với con tất cả kinh nghiệm của đời làm vợ, làm mẹ, đã khuyên con với tất cả lo lắng, quan tâm của một người mẹ công giáo…nhưng đêm đã khuya, ngoài trời mưa giông đang ùn ùn kéo về, cô con gái ngáp dài xin phép mẹ đi ngủ và người mẹ  trẻ, một mình ngồi nhìn mưa lặng lẽ khóc. Bà xót thương đời con và  đời mình bất hạnh, nỗi xót thương bất lực trước tương lai “xa Chúa, bỏ Đạo” của đứa con gái duy nhất, hy vọng duy nhất của một đời làm mẹ.

2. Người ta gọi bà mẹ già này là bà cố, vì con trai bà làm Linh Mục. Một mình  lặn lội vất vả lên nhà xứ của  con trai…Không biết đây là lần thứ bao nhiêu bà đã lặn lội từ Cái Sắn lên nhà xứ này kể từ khi cha nhà vướng vào lưới tình khó gỡ. Hễ có dịp là bà cố lên thăm cha và kín đáo năn nỉ cha đừng tiếp tục xa lầy với mối tình “tóc mây” lãng mạn của cô  sinh viên trên thành phố kéo dài đã gần chục  năm, mà  may mắn đến  nay chỉ có gia đình biết…

Gặp được cha thì bà mừng khôn tả, nhưng gặp bà thì cha ngao ngán, vất vả vì phải nghe những xót xa, đắng đót của bà cố. Và lần nào cũng thế, nói xong với cha là bà cố lại chân cao chân thấp từ nhà xứ ra đường đón xe về. Nhiều người kính cẩn “chào bà cố”, nhưng bà không nghe vì quá nặng lòng xót thương đứa con linh mục đang giẫy giụa trên  “giòng đời hai mặt”. Đường về nhà còn xa, nhưng đường trở về của con bà còn ngàn lần diệu vợi như  nước mắt xót xa của bà cứ thăm thẳm rơi đều trên những ngón tay gầy, nhăn nheo không ngừng mân mê tràng hạt.   
   
3. Con đường từ chợ Hoà Hưng vào trại giam Chí Hoà bà có thể đi mà không cần nhìn, vì đã từ 6 năm nay, không tuần nào bà không đi qua. Có khi đi qua để thăm nuôi, cũng có khi đi qua để đứng hàng giờ ngẩn ngơ nhìn trại giam nhốt con trai bà vì tội giết người. Chồng mất sớm, hai mẹ con tưởng sẽ có nhau suốt đời để  được hạnh phúc có dâu, cháu nội, bình yên tuổi già…Nhưng ước mơ của người mẹ nghèo, một mình tần tảo nuôi con đã không thành khi  con  bị bắt vì tội giết người. Không ai biết bà mẹ đau khổ này nghĩ gì, nhưng cứ nhìn bà chốc chốc lại đưa tay quẹt vội đôi mắt ngấn lệ trên đọan đường Hoà Hưng ngắn ngủi thì đủ biết lòng bà quay quắt, nát tan dường nào.

     Ba người mẹ, ba hoàn cảnh, vì ba người con khác nhau, nhưng cùng một tình mẫu tử, cùng một lòng thương xót. Tình mẹ đã không xua đuổi, tránh né, bỏ rơi con. Tình mẹ đã không đăng báo từ con ; không ồn ào chạy tội, đổ lỗi cho con hay cuộc đời ;  không xối xả lên án, nhiếc mắng, giận dữ, trừng phạt, nhưng tình mẹ đằm thắm lắng nghe, nhẫn nại chịu đựng, đau đớn vì bất lực và đặc biệt tôn trọng đời con. Tình mẹ ấy đẹp khi  không nhân danh  tình mẹ, quyền làm mẹ để nghiền nát đời con, đàn áp tự do quyết định cuộc sống của con. Tình mẹ ấy cao vời khi không cưỡng chế con phải làm theo mẹ và đặt con vào những điều kiện tưởng bình thường nhưng thực rất phi nhân. Tình mẹ ấy thánh thiện khi đứng sững  đau đớn trước tương lai của con. Tình mẹ ấy tuyệt vời khi trung thành đi với con đến tận cùng của cuộc đời  mà không hề than van, ca thán, mặc cả. Và tình mẹ ấy thật vĩ đại khi dám trực diện với bất hạnh của con, bất hạnh mà chỉ tình yêu rất vĩ đại mới dám nhìn thẳng, lại gần, ôm lấy và  tìm cách hàn gắn, chữa lành.

     Ngắm nhìn tình yêu của người mẹ trong đời thường, ta có thể hiểu được thế nào là tình thương xót. Nếu tình yêu là hoa thì lòng thương xót là trái. Nếu tình yêu là mặt nổi thì lòng thương xót là mặt chìm. Tình yêu đã đẹp, nhưng lòng thương xót còn đẹp hơn, sâu sắc hơn, thiết tha hơn. Thương xót là cao điểm của tình yêu, là tình yêu ở cấp độ cao nhất, sâu nhất. Một khi đã đạt đến lòng thương xót, người ta thực sự đã vượt qua ngưỡng  cửa “dáng dấp bên ngoài” của tình yêu để đến tận nguồn của tình yêu phong phú, bao la, tuyệt vời. Người mẹ yêu con không bằng tình yêu thường, nhưng với tình yêu thương xót. Tình mẫu tử luôn nặng tình xót thương ; vì chỉ có mẹ mới dám mang trọn  đời con mình, dù đời con bệ rạc, dơ bẩn, nhớ nhớp đến đâu, như đã cưu mang con chín tháng mười ngày ; chỉ có mẹ mới dám cúi xuống ôm tấm “thân tàn ma dại” mà dấu yêu, nựng nịu như đã từng chăm đẵm, ấp ủ, dưỡng nuôi ; chỉ mẹ mới dám đứng thẳng,  dõi đôi mắt ngấn lệ nhìn con đi vào một tương lai vô định, nhiều nguy hiểm như đã từng lo lắng, xốn xang khi con khóc đêm, đau bệnh. Không phải mẹ không thương con khi chỉ  đứng lặng nhìn con ra đi, nhưng vì qúa thương con, nên đành để con đi vì tình yêu đích thực đòi mẹ phải tuyệt đối tôn trọng tự do làm người, tự do chọn cuộc sống của con, mặc dù tim mẹ nát tan, lòng mẹ se thắt vì thấy trước đời con chọn, đường con đi là đường nguy hiểm, đời  bất hạnh. Tình yêu bình thường chỉ đạt đến độ can ngăn, nhưng nếu can ngăn không được thì tình yêu ấy có thể  chùn bước, nhưng lòng xót thương thì trung thành, gan lì và kiên nhẫn ở lại, có mặt để  yêu thương đến cùng. Và điều cần ghi nhận trong tình mẫu tử của ba người mẹ trên là thái độ gan lì, kiên trì có mặt với con. Lòng xót thương của tình mẫu tử mang sức mạnh của niềm Hy Vọng. Chính sức mạnh Hy Vọng  đã làm  tình yêu xót thương nơi người mẹ trở nên vĩ đại, tuyệt vời trên cả tuyệt vời. Cũng chính sức mạnh hy vọng trong tình xót thương  đã cho tình mẹ được là phó bản của tình Thiên Chúa xót thương, bởi tình ấy mang đến cho con người hạt giống hy vọng được cứu rỗi.

    Cả ba người mẹ kể trên đều chung một niềm hy vọng con mình sẽ được cứu rỗi trong khi những người khác nhìn vào, hay biết chuyện đều lắc đầu, thở dài, thất vọng. Cả ba  người mẹ, dù đau khổ, lo âu, choáng váng, chao đảo, vẫn bám víu vào niềm hy vọng  và tin con mình sẽ được cứu ra khỏi bất hạnh. Cả ba bà mẹ đều hy vọng phép lạ sẽ đổi mới đời con mình, mặc dù chưa biết tìm phép lạ ở đâu và nếu có thì bao giờ mới được thực hiện. Tình xót thương của mẹ ban niềm hy vọng, lôi kéo hy v†ng về và tận lực xây dựng  niềm hy vọng. Bằng những viên gạch nhỏ, hạt cát tí teo và nước mắt thương xót, các bà kiên quyết, âm thầm xây từng ngày ngôi nhà Bình Yên cho tương lai của những đứa con hôm nay chẳng muốn nghe lời mẹ, đang lao mình vào cơn lốc xóay “vong thân” nguy hiểm.  

     Thực vậy, người mẹ chia sẻ với Thiên Chúa trong tình xót thương con cái và tình mẫu tử phản ánh rõ nhất tình xót thương của Thiên Chúa đối với con người, chính vì thế, Thiên Chúa đã lấy hình ảnh người mẹ để biểu lộ tình Ngài : “Tình Ta yêu con lớn hơn cả tình mẹ yêu con”  (Sir 4,11). Như gà mẹ ủ ấp gà con, Ta luôn yêu thương, ủ ấp, che chở con dưới cánh.

      Tình xót thương ấy  là tình âu yếm, dịu dàng, cưng chiều, nâng niu : Chẳng có người mẹ nào không cảm thấy hạnh phúc khi nựng nịu con, vì con là máu thịt của bà,  được thành hình và lớn lên ngay từ trong bụng dạ bà. Không ai biết con hơn bà, vì bà cưu mang con khi con còn trong trứng nước. Không ai hiểu con hơn bà, vì nhịp thở tim bà là nhịp sống của con. Không ai thiết thân với con hơn bà, vì máu bà nuôi con, thịt bà cho con lớn, tình yêu bà cho con vào đời và  hạnh phúc  của bà là nguồn vui sống của con. Không ai qúy con hơn bà, vì chỉ một mình bà biết giá trị thực của sự sống và để con được sống,  bà đã đánh đổi biết bao hy sinh, quên mình. Không ai thương con bằng bà, vì con là lẽ sống của bà và chính bà ban sự sống cho con. Vì thế, bà chỉ muốn con mãi bé nhỏ để được cưng chiều, nựng nịu, như Thiên Chuá không ngừng âu yếm, chiều chuộng con người và vì cưng chiều con người, nên lắng nghe những thở than, rên xiết của trái tim đau khổ (Xh 22,22 ; Tl 2,18 ), thấy ngay những vất vả, truân chuyên của kiếp người lầm than (Xh 7,7) và ra tay cứu chữa, bênh vực.
     Tình xót thương của Thiên Chúa là lòng bao dung,  dễ quên lỗi lầm và rộng lượng thứ tha. Tình ấy không muốn bắt tội ai, nhưng dễ dàng xá tội. Tình ấy không luận phạt ai, nhưng mở lối trở về, mở đường cứu rỗi. Tin mừng không ngừng nhắc đi nhắc lại tình Thiên Chúa dành cho người tội lỗi và thái độ qủang đại, nhân từ của Ngài, thái độ của người cha cực kỳ nhân hậu, xót thương con (Gr 31,34).

     Tình xót thương ấy rất kiên nhẫn, không ngại thời gian, bất chấp đợi chờ. Hình ảnh người cha  hằng ngày ra đầu ngõ ngóng con là hình ảnh kiên nhẫn của tình xót thương. Thương xót ai là kiên nhẫn đợi chờ người ấy trở về, kiên trì trong niềm hy vọng người ấy được cứu rỗi, kiên tâm nuôi niềm hy vọng người ấy sẽ được giải thoát, bình an. Trái tim thương xót là trái tim kiên nhẫn, trái tim không vội bỏ cuộc, không nản lòng, thối chí, nhưng gan lì, vững chí trước lặng lẽ, nặng nề, lê thê của thời gian với niềm hy vọng  được nuôi lớn mỗi ngày bằng  hy sinh, nhẫn nại.  (Kh 2,21).

     Tình thương xót thì  bao la và đời đời. Đó là bảo chứng quan trọng cho niềm hy vọng cúa con người. Với bao la của lòng thương xót, không lỗi lầm, tội lụy nào sẽ chẳng được rửa sạch, xoá bỏ. Với lòng xót thương đời đời, bất diệt, sẽ chẳng còn nỗi sợ : sẽ có một lúc Thiên Chúa chẳng còn xót thương. Tình Thiên Chúa xót thương thì bao la và đời đời, nên kiếp người yếu đuối hữu hạn và mong manh sẽ được chìm trong đại dương của tình xót thương vĩnh cửu. Và hạt cát bé nhỏ trong đại dương, giọt nước mong manh trong biển cả  sẽ như tội lỗi tan biến trong dạt dào, bao la của tình Chúa. Trong biển tình bao la, sẽ chẳng  có hạt cát  hay giọt nước nào có thể ngang tàng,  ngúng nguẩy đương đầu trước “bao la thương xót”. (Tv 105,1 ; 99,5 ; 102,17)
    Tình xót thương của Thiên Chúa là tình toàn năng, vì tình ấy phát xuất từ trái tim Thiên Chúa, Đấng toàn năng. Trái tim toàn năng mang tình thương xót toàn năng nên sẽ làm được mọi sự, biến đổi được mọi người, hoàn chỉnh được mọi công trình, thực hiện được mọi uớc mơ ; bởi “không có gì mà Thiên Chúa không làm được”. Chính vì  làm được tất cả mà Thiên Chúa giầu lòng xót thương chữa lành, cứu độ được tất cả. Chính vì là Thiên Chúa toàn năng mà ơn thương xót  của Ngài trở nên bảo đảm hữu hiệu cho mọi cuộc đời,  mọi tâm hồn chạy đến với Ngài. Trong trái tim của Thiên Chúa toàn năng có tình xót thương toàn năng sẽ  biến đổi mọi sự, mọi người, mọi cảnh huống, mọi tình trạng nên tốt hơn, thánh thiện hơn, an bình và hạnh phúc (2Tm 1,2 ; Tv 30,8).

                  Hỡi những bà mẹ giầu lòng thương xót !
Các bà là hiện thân của Thiên Chúa giầu lòng xót thương, các bà được chọn làm sứ giả của lòng thương xót, được sai đi làm chứng lòng thương xót, được Thiên Chúa yêu thương và thương xót đặc biệt để các bà hiểu hơn mọi người, cảm nghiệm hơn mọi người giá trị và hạnh phúc của lòng xót thương. Hơn ai hết, trái tim các bà đầy tràn tình yêu thương xót, tâm hồn các bà là giây đàn rất căng, bén nhậy với lòng thương xót. Trên mọi thụ tạo, các bà mang tình thương xót để nhân loại tiếp tục được  âu yếm, cưng chiều, che chở, thứ tha. Các bà không thể thiếu cho nhân loại, không chỉ vì nhu cầu nòi giống, nhưng còn vì nhu cầu được yêu thương. Vắng các bà, thiếu trái tim đầy xót thương và chỉ biết xót thương của các bà, ai sẽ cho nhân loại  hạnh phúc được nhõng nhẽo với vợ, niềm vui được mẹ âu yếm sớm hôm, vỗ về khi đau ốm, ủi an lúc sầu buồn, đỡ nâng khi thất vọng ? Ai sẽ cho nhân loại bàn tay đỡ dậy khi vấp ngã, ánh mắt thông cảm lúc cô đơn, nụ hôn trợ lực khi cuộc đời đổ vỡ ?

   Đành rằng tình thương xót của  mẹ nhiều khi như hoàn toàn bất lực trước quyết định sai trái, nếp sống sa đoạ, chọn lựa bừa bãi, ngang ngược và đường sống không tương lai của con ; đành rằng qũy thời gian sống của  mẹ có hạn mà đường về của con thì vời vợi, ngút ngàn, tít tắp sau cả ngày mẹ chết ; đành rằng nước mắt mẹ tuy độ mặn cao nhưng không đủ làm  mắt con sáng , xua đuổi bóng tối lầm lạc trong  tâm hồn  con ; đành rằng tay mẹ vẫn luôn giang rộng, nhưng con lớn, không còn chịu ở trong vòng tay che chở, giữ gìn an toàn của mẹ ; đành rằng chân mẹ tuy cố lết nhưng bóng con cứ ẩn rồi hiện, thấp thoáng xa xôi trên đường vạn dặm, muôn lối mà đường đời mẹ thì đã ở những cây số cuối cùng ; đành rằng hy vọng của mẹ không bao giờ tắt nhưng mỗi lần bóng mây giăng, cơn giông tới,  hy vọng  lại ngả nghiêng, mờ nhạt , nhưng trăm phần trăm  mẹ không đơn độc xót thương, không một mình  thương xót ; trái lại, mẹ thương xót với tình thương xót của Thiên Chúa, đợi chờ với tình xót thương nhẫn nại của Thiên Chúa,  hy vọng  với trái tim hy vọng của Thiên Chúa,  khắc khoải, xót xa với tấm lòng nhân hậu bao la của Thiên Chúa và trong ước mơ ngày con trở về, đời con được hạnh phúc , mẹ mang trong tim ơn Bình An của Thiên Chúa. Nhờ thế, mẹ sẽ  từng bước, từng ngày dọn đường tương lai cho con với niềm tin yêu, ký thác tuyệt đối ở tình Chúa xót thương, Đấng đã muốn dùng mẹ và  cùng mẹ thương xót con người.

    Người mẹ cần gắn bó trái tim xót thương con mình vào trái tim thương xót của Chúa, cần tháp nhập tình yêu con mình vào qủa tim nhân hậu, bao dung của Chúa để niềm hy vọng đôi lúc chập chờn muốn tắt của người mẹ sẽ như hạt cát, giọt nước  bé nhỏ, mong manh  hoà tan trong đại dương bao la hy vọng của Thiên Chúa, để trở nên niềm hy vọng cứu độ, niềm hy vọng  xót thương trong Thiên Chúa toàn năng, Đấng sẽ xót thương tấm lòng giầu xót thương của tình mẹ và ra tay cứu độ, ban an bình, hạnh phúc cho những người  mà tình mẹ xót thương nguyện cầu.

    Thánh nữ Monica là một người mẹ giầu lòng xót thương đã nổi trôi, vất vả bao nhiêu năm với Augustinô, đứa con hoang đàng, trụy lạc. Người mẹ Monica đã không lên án, ruồng rẫy, từ bỏ con, nhưng bám gót con bằng những bước chân  xót thương hy vọng. Những hy sinh âm thầm và đời cầu nguyện thiết tha đã biến Augustinô từ một chàng “playboy” thứ dữ, một con ngưòi cứng cỏi, ngạo mạn, kiêu căng thành một Giám Mục thánh thiện, một nhà thần học sáng giá, một tiến sĩ Hội thánh, một đại thánh của Tình Yêu.

    Thực vậy,  người mẹ hy vọng sẽ cho con niềm hy vọng và nhờ niềm hy vọng của mẹ, hạt  giống cứu rỗi sẽ nẩy mầm trong tim con. Người mẹ thương xót sẽ làm chạnh lòng con vì tình mẹ xót thương và từ lòng mẹ thương xót, mầm ơn đổi mới sẽ nẩy chồi. Người mẹ biết đặt qủa tim xót thương của mình vào trái tim thương xót của Chúa sẽ nhận được sức mạnh toàn năng của Thánh Thần, đấng sẽ làm mới bộ mặt trái đất như sẽ làm mới trái tim, cuộc đời những người con đang cần tình mẹ xót thương, lòng Chúa thương xót.
                                                                                                                                                                                                                              J. Nắng Tím