Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 11 tháng 11, 2020

TRÔNG ĐỢI VÀ LÃNH ĐẠO

 


Trên hành trình dài Trông Đợi được vào Đất Hứa, dân Thiên Chúa đã luôn được Thiên Chúa ban cho những nhà lãnh đạo không chỉ để hướng dẫn, răn dậy, cảnh báo, mà còn để năn nỉ, van xin Thiên Chúa đừng nổi cơn thịnh nộ trừng phạt dân Ngài.

Suốt hành trình Vượt Qua cho đến khi vào Đất Hứa, và còn tiếp nối mãi cho đến Tân Ước, lịch sử của dân Chúa là chuỗi dài những biến cố vui buồn, những trung tín, phản bội, những mạnh mẽ, yếu nhược, những thăng trầm khôn lường với những nhà lãnh đạo cũng mang đủ tính cách đa diện và phức tạp. Ở đây, chúng ta tập trung vào con người lãnh đạo của Môsê, người mà Thiên Chúa chọn và được khen là “người hiền lành, khiêm nhường nhất trên đời” (Ds 12,3).

Môsê đã lãnh đạo dân trong một bối cảnh vô cùng khó khăn : đưa dân trốn khỏi đất nô lệ Ai Cập, và vất vả cùng dân thực hiện hành trình trông đợi Lời Hứa “được vào miền đất chảy sữa và mật” suốt bốn mươi năm.

Lãnh đạo ở hoàn cảnh không lãnh thổ ; lãnh đạo một dân trên đường vượt sa mạc thiếu thốn đủ thứ, mà tâm trạng còn luyến tiếc những ngày tháng tuy làm nô lệ khốn khổ nhưng có bánh có thịt dư thừa ở Ai Cập ; lãnh đạo một dân cứng đầu cứng cổ hay càm ràm, than thở, kêu trách, lại kiêu căng, phản bội, Môsê đã không lãnh đạo như những lãnh tụ  khác, nghiã là dùng quyền mà thống trị, dùng uy mà cai qủan, nhưng ông đã hoàn toàn dựa vào Thiên Chúa Giavê và khiêm tốn đứng chung hàng ngũ và chịu chung số phận với dân mình.

1.   Môsê đã lãnh đạo bằng hoàn toàn trông cậy vào Thiên Chúa Giavê qua Lời Hứa của Ngài :

Được Thiên Chúa chọn từ thân thế “không có gì đáng nói”, với khả năng được coi là “dưới trung bình”, Môsê biết mình bất xứng, bất tài khi thưa với Thiên Chúa : “Con là ai mà dám đến với Pharaô và đưa con cái Ítraen ra khỏi Ai Cập?” (Xh 311), nên Môsê đã hoàn toàn trông cậy vào Lời của Giavê Thiên Chúa hứa với ông : “Ta sẽ ở với ngươi” (Xh 3,12), và dấu chỉ cho ông biết ông được Thiên Chúa chọn chính là trên đường Trông Đợi, dân mà ông đưa ra khỏi Ai Cập sẽ được phúc thờ phượng Thiên Chúa, Đấng đã sai ông đi giải phóng họ. Và suốt hành trình Hy Vọng, trông đợi vào Đất Hứa ấy, Môsê đã luôn sống Lời Hứa của Thiên Chúa Giavê.

Sống Lời Hứa “Ta sẽ ở với ngươi”, Môsê đã không bao giờ rời xa Thiên Chúa, nhưng tìm mọi dịp để được “ở với Thiên Chúa, lắng nghe Thiên Chúa dậy bảo”, và trước những ngỗ nghịch, ngang tàng, bướng bỉnh, bất mãn nổi loạn của dân, như ở Mara, vì không thể uống được nước, vì nước ở đó đắng, họ đã kêu ca, trách móc ông : “Chúng tôi sẽ lấy gì mà uống?” (Xh 15,24), hay ở sa mạc Xin, giữa Êlim và Xinai, “toàn thể cộng đồng con cái Ítraen kêu trách ông Môsê và ông Aharon : “Phải chi chúng tôi chết bởi tay Đức Chúa trên đất Ai Cập, khi còn ngồi bên nồi thịt và ăn bánh thỏa thuê. Nhưng không, các ông lại đưa chúng tôi ra khỏi đó, mà vào sa mạc này, để bắt chúng tôi phải chết đói cả lũ ở đây” (Xh 16,2-3), Môsê đã luôn “kêu lên Đức Chúa, và Đức Chúa chỉ cho ông một khúc gỗ. Ông thả xuống nước và nước hoá ra ngọt” (Xh 15,25), và Đức Chúa phán với ông Môsê : “Này, Ta sẽ làm cho bánh từ trời mưa xuống cho các ngươi ăn” (Xh 16,4).     

Sống Lời Hứa của Giavê, Môsê xác tín : Ítraen là dân của Lời Hứa, dân của Trông Đợi, nên chỉ Lời của Thiên Chúa Giavê mới bảo đảm thành công cho công cuộc Vượt Qua, chỉ Lời Thiên Chúa hứa mới đưa dân đến đích của hành trình Hy Vọng, và suốt đời làm lãnh đạo, Môsê đã một lòng một dạ tín thác vào Lời Hứa “Ta sẽ ở cùng ngươi” của Thiên Chúa, và vì có Thiên Chúa ở cùng, Môsê đã không sợ dân, mị dân, nhưng chuyển đạt Thánh Chỉ của Chúa cho dân, và thẳng thắn  cảnh cáo, răn đe dân, khi dân đi ngược Thánh Chỉ của Giavê Thiên Chúa (x. Xh 19-20).  

2.   Môsê đã lãnh đạo bằng chia sẻ tất cả với dân và chịu chung số phận của dân :

Không như các lãnh tụ khác với chế độ đặc biệt từ ăn uống đến ăn ở ; không như các lãnh chúa bắt thần dân phải hầu hạ, phục dịch tận răng, Môsê là người khiêm hạ phục vụ : phục vụ từ tâm tình yêu thương và xót xa yếu đuối của dân, khi phủ phục nài xin Thiên Chúa tha thứ những lỗi lầm, tội lỗi của dân (x. Xh 34,8-9) đến tâm tình cùng thống hối, ăn năn với dân và nhận hết tội cũng như hình phạt về mình, vì thương dân khi thân thưa với Thiên Chúa : “Than ôi, dân này đã phạm một tội lớn! Họ đã làm cho mình một tượng thần bằng vàng! Nhưng giờ đây, ước gì Ngài miễn chấp tội họ! Bằng không, thì xin Ngài xóa tên con khỏi cuốn sách Ngài đã viết” (Xh 32,32).

Tuy được Thiên Chúa chọn làm lãnh đạo dân Ngài với sứ vụ rất khó khăn, nhưng Môsê đã không tư phụ nghĩ rằng mình thủ đắc Thiên Chúa, hoặc dựa hơi Thiên Chúa, ỷ mình là người được Thiên Chúa nâng lên hàng khanh tướng để bóc lột, đàn áp, hành hạ dân, hay lên mặt hống hách, cửa quyền, độc đóan, độc tài, xây dựng thế lực, quần thần, lính lác để bảo vệ ngai vàng, bảo toàn ngôi báu. Trái lại, như bao người dân trên đường Trông Đợi khác, Môsê đã sống đời người lữ hành trên đường hy vọng vào Lời Hứa của Giavê Thiên Chúa, Lời Hứa với toàn dân, Lời Hứa với các tổ phụ, cha ông, Lời Hứa cho muôn muôn thế hệ.

3.    Sự cần thiết của lãnh đạo trên hành trình Trông Đợi :

Sách Xuất Hành ghi rõ lý do dân đã rủ nhau đúc bò vàng để thờ : “Dân thấy ông Môsê lâu qúa không xuống núi, bèn tụ họp bên ông Aharon và nói với ông : Xin ông đứng lên, và làm cho chúng tôi một vị thần để dẫn đầu chúng tôi, vì chúng tôi không biết chuyện gì đã xảy ra cho cái ông Môsê này, là người đã đưa chúng tôi lên từ đất Ai Cập” (Xh 32,1).  

Môsê lên núi gặp Thiên Chúa, và vì thời gian khá lâu chưa xuống núi, dân chúng đã hoang mang, lại thêm khuynh hướng xấu như Aharon đã nói về dân với Môsê khi Môsê nổi giận vì  Aharon đã cùng dân đúc bò vàng : “Xin ngài chớ bừng bừng nổi giận ; chính ngài biết : dân này có khuynh hướng xấu” (Xh 32,22).

Sự vắng mặt của Môsê đã phần nào làm dân mất tinh thần, khi không biết mình sẽ đi đâu, sẽ làm gì, nhất là không có Môsê, dân không còn nghĩ đến Giavê Thiên Chúa là Đấng đã dẫn họ ra hỏi Ai Cập. Ngay cả Aharon là phụ tá của Môsê cũng không đủ bản lãnh để hướng dẫn dân theo đúng Thánh Chỉ của Thiên Chúa, và không đủ cương nghị để cầm cân nẩy mực như một nhà lãnh đạo “một tay nắm chặt tay Thiên Chúa, một tay nắm chặt tay dân”. Trái lại, chính Aharon đã để dân lôi cuốn và đứng ra tổ chức công trình đúc bò vàng và lập bàn thờ trước bò vàng (x. Xh 32,2-6).  

Thưc vậy, Thiên Chúa cần người lãnh đạo dân Ngài trên đường trông đợi Lời Hứa. Nhưng Ngài cần những lãnh đạo biết lắng nghe, có lòng khiêm tốn, thương xót và có trách nhiệm, bởi thiếu những người lãnh đạo thuộc về Thiên Chúa biết lắng nghe Ngài, những người lãnh đạo khiêm hạ dám đứng chung hàng ngũ với dân, những người lãnh đạo có trách nhiệm và  giầu lòng xót thương sẵn sàng chịu chung số phận của dân, dân Chúa trên đường trông đợi Lời Hứa sẽ rơi vào tình trạng thay vì “hiền lành và khiêm nhường” cùng mọi người đi tìm Thiên Chúa lại kiêu căng, ngạo mạn, kỳ thị, tẩy chay người khác, vì nghĩ mình độc quyền “nắm gọn” Thiên Chúa ; thay vì chuyên chăm sống Lời Hứa lại bàng quan, nhởn nhơ, phất phơ theo kiểu “sống sao cho đẹp đội hình”, nặng phần trình diễn, phô trương thành qủa, biểu dương lực lượng ; thay vì phấn đấu vượt qua thử thách, lại đi tìm cái dễ, cái nhàn ; thay vì hy vọng lại thất vọng vì nhiều thách đố, lực cản ; thay vì bước đi như người lữ hành hy vọng tiến về Lời Hứa, lại ươn lười, hưởng thụ bằng dừng chân, bám trụ, cắm rễ, dựng pháo đài ngàn năm, xây tháp ngà vĩnh cửu.

Vâng, Thiên Chúa ban cho dân Ngài trên hành trình trông đợi những người lãnh đạo để dân Chúa luôn nhớ mình là đoàn lữ hành còn đang trên đường về Đất Hứa. Người lãnh đạo tốt lành của Thiên Chúa không thể bỏ quên sứ vụ nhắc nhở dân căn tính trông đợi của họ, bởi rời xa căn tính này, dân sẽ hoang mang, mất tinh thần như Ítraen xưa đã mất phương hướng trong sa mạc là Lời Hứa của Thiên Chúa Giavê. Vì thế, họ đã đúc bò vàng làm thần dẫn đầu họ (x. Xh 32,23-24).

Xin Chúa ban cho chúng con những nhà lãnh đạo thánh đức biết lắng nghe Chúa và gắn bó yêu thương, chia sẻ, chịu đựng với dân trong tất cả trên hành trình trông đợi ngày giờ Chúa đến trong vinh quang. 

Jorathe Nắng Tím

TRÔNG ĐỢI VÀ TRỞ VỀ

 

Hành trình trông đợi Lời Hứa của Thiên Chúa không chỉ là những bước đi về phía trước, nhưng còn là những bước trở về, trở lui, trở lại với Thiên Chúa, Đấng đã ban Lời Hứa.

Ítraen đã làm chứng điều này qua những năm tháng dài trong sa mạc trên đường trông đợi vào Đất Hứa. Con đường dài nhiều vất vả, gian nan đã làm họ không luôn thẳng tiến, nhưng do dự, nghi nan, bất mãn, nổi loạn, phản bội Thiên Chúa Giavê, Đấng đã đưa họ lên từ miền đất nô lệ Ai Cập.

Sau lần toàn dân cùng Aharon đúc bò vàng thay thế Thiên Chúa Giavê và lập bàn thờ trước bò vàng “để dâng tiến những của lễ toàn thiêu và những lễ vật kỳ an” (Xh 32,6), Môsê đã không ngớt kêu gào dân hãy trở về với Thiên Chúa, ấn tượng nhất là viễn tượng lưu đầy mà Môsê đã thẳng thắn cảnh báo dân, nếu họ từ bỏ Thiên Chúa Giavê :

1.   Môsê đã nhận ra những dấu chỉ về cuộc lưu đầy :

Môsê biết rõ “dân này là một dân cứng đầu cứng cổ”, nên đã không ngại lên tiếng cảnh cáo : “Giữa anh em, đừng có người nào, nam hay nữ, đừng có dòng họ hay chi tộc nào nào mà hôm nay trở lòng, trở mặt với Chúa, Thiên Chúa chúng ta, mà đi phụng thờ các thần của những dân tộc ấy. Giữa anh em, đừng có thứ rễ độc sinh trái độc và qủa đắng. Nếu kẻ nào, khi nghe các lời thề nguyền này, lại tự chúc phúc cho mình trong lòng và nói : Tôi sẽ được bình an, cho dù tôi cứ sống theo lòng chai dạ đá của tôi ; như thể đất được tưới không khác gì đất khô cằn ; nếu kẻ nào làm thế, thì Đức Chúa sẽ không muốn tha cho nó ; bấy giờ cơn giận và lòng ghen tương của Đức Chúa sẽ bốc lên phạt người ấy… và Đức Chúa sẽ xóa tên nó không còn dấu vết trong thiên hạ” (Đnl 29,17-19).

Và những dấu chỉ của hình phạt sẽ là “những vết thương của miền đất này và những bệnh tật Đức Chúa giáng xuống trên đó… Cả miền đất chỉ là diêm sinh, muối và lửa, không ai gieo vãi, không chi nẩy chồi, không cọng cỏ nào mọc lên, giống như cảnh tàn phá ở Xơđôm, Gômôra, Átma và Xơvô-gim, những thành mà Đức Chúa đã phá đổ trong cơn thịnh nộ và lôi đình của Người” (Đnl 29,21-22).        

Thực vậy, hơn ai hết, Môsê thấy trước viễn tượng lưu đầy của dân, vì ông biết qúa rõ những phản phúc của Ítraen, cũng như khuynh hướng phản bội Giavê của họ khi buông thả “chung chạ” với dân ngoại ; cũng hơn ai hết, ông biết Thiên Chúa Giavê là Thiên Chúa trung tín nhưng ghen tương. Ngài không chấp nhận dân Ngài trở mặt chối bỏ Ngài và đi thờ ngẫu thần vô tri, vô giác.

Với Thiên Chúa, chỉ có hai con đường : một là yêu mến Ngài, đi theo đường lối, tuân giữ mệnh lệnh, thánh chỉ, quyết định của Ngài để được sống, được thêm đông đúc, được chúc phúc trong miền đất Ngài hứa ban ; hai là thay mặt đổi lòng và không vâng nghe, lại bị lôi cuốn và qùy lậy, phụng thờ các thần khác, để bị diệt vong (x. Đnl 30,15-18). Ngay cả Môsê và Aharon cũng bị Thiên Chúa quở trách, “bởi vì giữa con cái Ítraen, các ngươi đã không trung thành với Ta tại mạch nước Mơriva ở Cađê, trong sa mạc Xin, và bởi vì các ngươi đã không biểu lộ sự thánh thiện của Ta giữa con cái Ítraen, nên ngươi chỉ được thấy đất ấy từ xa, chứ không được vào đất Ta ban cho con cái Ítraen” (Đnl 32,51-52).     

Tóm lại, điều làm Thiên Chúa thịnh nộ chính là không tin vào Ngài, không tin vào sự trung tín, thánh thiện của Ngài, khi nghi ngờ Lời Ngài hứa, và không dám biểu dương lòng trung tín với Ngài trước mặt muôn dân, như chính Ngài đã khiển trách hai nhà lãnh đạo Môsê và Aharon : “Bởi vì các ngươi đã không tin vào Ta để biểu dương sự thánh thiện của Ta trước mắt con cái Ítraen” (Ds 20,12). 

2.   Môsê đã tha thiết kêu gọi Ítraen hãy liên lỉ trở về với Giavê Thiên Chúa :

Nếu hành trình trông đợi đòi phải tiến lên không ngơi nghỉ, thì cùng lúc hành trình trông đợi đòi liên lỷ trở về với Đấng ban Lời Hứa để hình thành con đường trông đợi.

Thi hành sứ vụ lãnh đạo dân Chúa trên đường về Đất Hứa, tức cùng với dân thực hiện hành trình trông đợi Lời Hứa, Môsê thấm thiá ý nghiã của đòi hỏi phải liên lỉ trở về với Thiên Chúa Giavê, dù trông đợi là phải đi tới, phải không ngừng tiến lên phiá trước, bởi ông thâm tín rằng con đường tìm gặp Thiên Chúa, chính là con đường trở về với Ngài, đường tiến lên hoàn thiện là đường trở lại với Thiên Chúa giầu lòng xót thương, vì bất cứ con đường nào mang dấu chân người, bất cứ bước chân đi tới, tiến lên nào của con người cũng đều mang dấu vết của phản bội, dấu ấn của tội lỗi, dấu tích của sa ngã, yếu đuối, vì đường nào cũng cam go, bước chân nào cũng vất vả, nên khi gặp hoàn cảnh khó khăn, trên những cây số cheo leo, hiểm trở, người ta thường đối phó bằng tìm cách rẽ sang một con đường “dễ dãi, buông thả, an ủi” khác, mà không còn trung thành đi trên con đường trông đợi Lời Hứa nữa. Điều này qúa tự nhiên, vì trong mọi hoàn cảnh, bản năng sinh tồn luôn xúi ta làm như thế, mà bản năng này lại luôn đi tìm thoả mãn những đam mê, ham muốn xác thịt.

Do đó, con đường trông đợi đòi người lữ hành phải trung tín với chọn lựa ban đầu, như dân Chúa phải trung thành trên đường trông đợi Đất Hứa, chứ không nay thay đường, mai đổi hướng, để rồi đi lạc vào vùng đất chết, vào miền đất bị nguyền rủa, chúc dữ, thay vì đến miền đất “chảy sữa và mật”, đất mà Thiên Chúa đã dành sẵn cho dân Ngài.

Khi kêu gọi dân trung tín với Giao Ước Thiên Chúa đã ký kết với dân Ngài, Môsê đưa ra cho dân bí quyết để sống lòng trung tín với Thiên Chúa Giavê, đó là liên lỉ trở về với Ngài :

a.   Liên lỉ trở về bằng lắng nghe :

Sở dĩ Môsê đã luôn đi trên con đường Thiên Chúa muốn, vì ông luôn biết lắng nghe Thiên Chúa. Ngay từ buổi đầu khi được Thiên Chúa gọi, ông đã luôn chăm chú lắng nghe Ngài nói (x. Xh 3,1-13), và suốt cuộc đời với sứ vụ đưa dân ra khỏi Ai Cập về Đất Hứa, Môsê đã không ngừng tìm kiếm Thiên Chúa để được lắng nghe Ngài chỉ dậy, bảo ban.

Sách Xuất Hành tường thuật chi tiết những lần Môsê một mình lên núi tìm Thiên Chúa để thân thưa về chuyện dân Ngài, và lắng nghe Ngài dậy bảo những việc phải làm, những lỗi lầm phải sửa, những chương trình phải thực hiện. Với Môsê, việc quan trọng nhất của sứ vụ lãnh đạo là lắng nghe Thiên Chúa dậy để làm theo Thánh Ý Ngài.

b.  Liên lỉ trở về bằng phụng thờ Thiên Chúa :

Điều này không cần phải chứng minh, vì ai cũng biết sứ mạng giải phóng dân của Môsê gắn liền với sứ mạng thờ phượng Thiên Chúa, như Thiên Chúa đã phán với ông khi trao cho ông sứ mạng : “Ta sẽ ở với ngươi. Và đây là dấu chỉ cho ngươi biết là Ta đã sai ngươi : khi ngươi đưa dân ra khỏi Ai Cập, các ngươi sẽ thờ phượng Thiên Chúa trên núi này” (Xh 3,12).

Vì thế, tội lớn nhất mà dân Chúa đã phạm chính là “trở lòng và không vâng nghe, lại bị lôi cuốn và sụp xuống lậy các thần khác và phụng thờ chúng” (Đnl 30,17) ; tội nặng nhất mà Ítraen đã xúc phạm đến Giavê Thiên Chúa là đã đúc tượng con bê, rồi “dựng bàn thờ trước tượng con bê”, rồi xì xụp bái lậy nó như đức chúa của mình (x. Xh 32,1-6).

Chúng ta có thể nói Giavê Thiên Chúa đã tuyển chọn Ítraen để làm thành một “dân thờ phượng”. Môsê đã tiếp nối ơn gọi của Ápraham là tập hợp cho Chúa một dân thờ phượng. Ngài bảo Môsê nói với Pharaô : “Hãy thả con Ta ra để nó đi thờ phượng Ta” (Xh 4,23), bởi Ngài đã coi Ítraen là “một vương quốc tư tế, một dân thánh” của Ngài (Xh 19,6).

Và điều đã đúng trong Cựu Ước cũng đúng trong Tân Ước, khi ơn gọi của Giáo Hội và ơn gọi thờ phưọng Chúa là một, bởi ngay từ khi thiết lập Giáo Hội, Đức Giêsu đã muốn Giáo Hội là một cộng đoàn phụng tự, và Giao Ước mới đã được ký kết trong nghi lễ Tạ Ơn cho cộng đoàn Mười Hai tông đồ, và Ngài truyền cho các ông : “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (Lc 22,19), để rồi bất cứ ở đâu có Giáo Hội, ở đó có “thờ phượng, phụng tự”. Hình ảnh hai môn đệ trên đường Emmau đã nhận ra Đức Giêsu khi “Ngài cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ” (Lc 24,30) và sách Công Vụ các Tông Đồ ghi lại rất rõ sinh hoạt phụng tự của cộng đòan tín hữu đầu tiên ở Giêrusalem : “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dậy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện không ngừng” (Cv 2,42) đã nói lên ơn Gọi thờ phượng này của Giáo Hội.

Thực vậy, con đường trông đợi cũng là con đường trở về với Thiên Chúa là Đấng chúng ta trông đợi, bởi Ngài hiện diện với Lời Hứa đang thành hình, Ngài có mặt ở Lời Hứa trên hành trình hy vọng trông đợi. Ngài ở với Lời Hứa để bảo đảm Lời Hứa, Ngài đồng hành với Lời Hứa để thực hiện Lời Hứa, Ngài là chính Lời Hứa để Lời Hứa mang ơn Cứu Độ, chuyển tải Tình Yêu của Ngài.

Trở về với Thiên Chúa đang khi trông đợi Lời Hứa của Thiên Chúa, để niềm trông đợi không lệch hướng, lạc đường ; trở lại với Thiên Chúa đang khi hy vọng ở Lời Hứa được Thiên Chúa ủi an, thương xót, được làm con Thiên Chúa và diện kiến Ngài, được Nước Trời làm gia nghiệp, được phần thưởng lớn lao dành sẵn trên trời.

Có trở về, trở lại liên lỉ với Ngài trên đừơng trông đợi Lời Hứa, chúng ta mới không bỏ Chúa khi túng bấn nghèo nàn, khi bị đời bạc đãi, hành hạ ; mới không nản chí xa đường Hy Vọng, rẽ sang con đường khác khi chính người mình thương yêu, cưu mang, xây dựng lại trở mặt vô ơn, lật kèo, phản bội; mới không thất vọng đốt cháy niềm trông đợi khi bị thiên hạ khinh chê, “sỉ vả, vu khống đủ điều xấu xa” (x. Mt 5,2-12). 

Ước gì không người Kitô hữu nào bỏ quên ơn gọi của mình là gắn bó, kết hợp với Chúa trên hành trình trông đợi Lời Thiên Chúa hứa, để liên lỉ trở về bằng lắng nghe, thờ phượng Ngài.

Jorathe Nắng Tím   

TẤT CẢ LÀ ANH EM VỚI NHAU

 


Tông Huấn Fratelli Tutti “Tất cả là anh em” của Đức Thánh Cha Phanxicô, được ký ngày 3, tháng 10, năm 2020 dựa trên Tin Mừng Matthêu : “Phần anh em thì đừng để ai gọi mình là ‘ráp-bi’, nghiã là thầy, vì anh em chỉ có một thầy ; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau. Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời. Anh em cũng đừng để ai gọi mình là người lãnh đạo, vì anh em chỉ có một vị lãnh đạo là Đức Kitô. Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em” (Mt 23,8-11).

Đây là Tông Huấn đề cập đến tình huynh đệ và tình bạn hữu đăt trên nền tảng Tin Mừng của Đức Giêsu, được coi như phương thức cần thiết để xây dựng một thế giới  công bằng, hoà bình và hạnh phúc hơn, với nỗ lực của mọi người, mọi quốc gia, dân tộc, vì thế giới là một gia đình.

Tông Huấn trình bầy hiện trạng của một thế giới khép kín, một “văn hoá xây tường”, một chính sách thương trường lợi nhuận, một chủ nghiã phân biệt, bất bình đẳng, và nêu ra những bế tắc là hậu qủa không thể tránh, và hình ảnh người Samari nhân hậu trong Tin Mừng Luca được nêu cao như tấm gương đem lại niềm hy vọng cho thế giới đang đánh mất dần giá trị huynh đệ và vô cảm trước đau khổ, quẫn bách, thử thách của anh em.

Người viết không có ý đi sâu vào Tông Huấn, mà  chỉ dừng lại ở đọan Tin Mừng, ở đó, Đức Thánh Cha đã chọn tựa đề cho Tông Huấn, và mang đến cho Tông Huấn một tinh thần.

Đọan Tin Mừng nằm trong bối cảnh “Đức Giêsu khiển trách những kinh sư và người Pharisêu” về lối sống thích làm cha thiên hạ, và thái độ kiêu căng, trịch thượng, phô trương, khoe khoang kệch cỡm, đạo đức giả, nói mà không làm, thích được mọi nguời trọng vọng, khúm núm thưa bẩm, nhất là “được thiên hạ gọi là ráp-bi” của các ông (x. Mt 23,1-7).

Đọan Tin Mừng còn được coi như tiền đề dẫn vào một chuỗi dài những lời khiển trách nặng nề : “Khốn cho các ngươi, hỡi kinh sư và người Pharisêu giả hình!”, mà Đức Giêsu đã thẳng thẳn, nghiêm khắc lên án thành phần chức sắc tôn giáo lúc bấy giờ (x. Mt 23,13-36).  

Qủa thực, chưa có khi nào Đức Giêsu đã nặng lời với ai như đã nặng lời với  những kinh sư và người Pharisêu mà Tin Mừng Matthêu đã kể lại. Điều này nói lên mức độ nặng nề của tội kiêu căng và lối sống “đè đầu” người khác, nhất là người khác ấy lại là những người nghèo hèn, yếu đuối, cô thân cô thế, không được ai bảo vệ, che chở.

Chính vì thế, đọan Tin Mừng đã mang giá trị của một kết luận, đồng thời đề ra một đường lối mới cho mọi người. Kết luận đó là : chúng ta có chung Thiên Chúa là Cha, là Thầy ở trên trời, và tất cả chúng ta là anh em với nhau. Đường lối mới là chúng ta không được đối xử với nhau như chủ với tớ, như vua chúa với quần thần, như lãnh tụ với bầy tôi, như “cha chú” với lính lác, thuộc hạ. Trái lại, vì tất cả đều là anh em chung một Cha, một Thầy, nên tất cả phải yêu thương, phục vụ nhau trong khiêm tốn của tình huynh đệ, bởi phần thưởng, cũng như hình phạt cho tất cả đã được Cha trên trời quy định theo nguyên tắc, tiêu chuẩn : “Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống ; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên” (Mt 23,12).

Khi đọc đọan Tin Mừng trên, nhiều người thở dài, chép miệng, đưa mắt nhìn nhau như thầm bảo : “Chúa trách, Chúa mắng, Chúa dậy, nhưng có ai làm đâu”, vì tình trạng tiêu cực mà Chúa lên án vẫn tồn tại từ hơn hai ngàn năm nay, và ngày càng  lan rộng đến độ chẳng ai còn muốn quan tâm, và coi như chuyện bình thường, không việc gì phải ầm ĩ, kẻo “làm phiền hàng xóm”,… để rồi rơi vào một tình thế “chẳng đặng đừng” là tìm cách cắt nghiã, chú giải sao cho nhẹ nhàng, bớt căng thẳng, tránh gây chấn động…

Nhưng không vì thế mà chúng ta được phép tránh né vấn đề, khi lương tâm Kitô hữu mời gọi chúng ta đặt mình trước đòi hỏi của Đức Giêsu, cũng như lời nhắc nhở của Đức Thánh Cha, bằng truy tìm sâu sa  hơn ý nghiã của sứ điệp : “Tất cả là anh em với nhau” :

1.   Chúng ta là anh em với nhau trong Đức Giêsu :

  Đức Giêsu đã xuống thế làm người giữa chúng ta trong cương vị “Con Một của Chúa Cha”, nên chúng ta được là em của Đức Giêsu, bởi chúng ta có chung  một  Cha với Ngài. Nói cách khác, nhờ Đức Giêsu đã làm người trong tương quan Cha - Con với Chúa Cha, mà loài người chúng ta được hạnh phúc đi vào tương quan Anh - Em với Đức Giêsu, Ngôi Lời Thiên Chúa.

Như thế, Thiên Chúa Cha không chỉ ban cho loài người Đấng Cứu Độ, mà còn ban cho mỗi người một Người Anh lớn, tên là Giêsu, như lời thánh vịnh : “Người sẽ thưa với Ta : Ngài chính là Thân Phụ… Phần Ta, Ta sẽ đặt Người làm Trưởng Tử cao cả hơn vua chúa trần gian” (TV 88,27-28). “Thật vậy, có bao giờ Thiên Chúa đã phán cùng vị thiên thần nào : Con là Con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con hoặc là: Ta sẽ là Cha Người, và chính Người sẽ là Con Ta. Khi đưa Trưởng Tử vào thế giới loài người, Thiên Chúa lại nói : Mọi thiên thần của Thiên Chúa phải thờ lậy Người” (Dt 1,5-6).    

Chính Đức Giêsu cũng khẳng định : “Ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi...” (Mt 12,50). “Thật vậy, Đấng thánh hoá là Đức Giêsu, và những ai được thánh hoá đều do một nguồn gốc. Vì thế, Người đã không hổ thẹn gọi họ là anh em, khi nói : Con nguyện sẽ loan truyền danh Chúa cho anh em tất cả được hay, và trong đại hội dân Ngài, con xin dâng tiến một bài tán dương” (Dt 2,11-12), và những ai Thiên Chúa “đã biết từ trước, thì Người đã tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Người, để Con của Người làm trưởng tử giữa một đàn em đông đúc” (Rm 8,30).   

2.   Chúng ta là anh em với nhau vì là chi thể của một Thân Thể duy nhất :

Tự nhận mình là người Kitô hữu, là đạo dòng, đạo gốc, chức sắc, mà không sống với người khác như anh em thì qủa là một thiếu sót lớn, nếu không muốn nói là phản Tin Mừng, vì Tin Mừng không chủ trương chọn ra một số “siêu nhân” để cai trị đa số phàm nhân, không cổ xúy, ủng hộ một Giáo Hội nặng nề vì giai cấp, chức tước, thứ bậc, hay bỏ phiếu cho một đường lối cai trị kiểu vua chúa thời phong kiến, nhưng Tin Mừng là Đức Giêsu, Đấng đến thế gian với sứ vụ “phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá cứu chuộc muôn người” (Mt 20,28), và Ngài đã hoàn thành sứ vụ đó khi giang tay chết trên Thánh Giá để trở nên Của Lễ chuộc tội nhân loại.

Vì thế, dù có nguỵ biện thế nào, lắt léo giải thích làm sao, dẫn giải dài dòng đến đâu đi nữa, chúng ta cũng phải trở về với chính Đức Giêsu là Tin Mừng để chân nhận : làm người Kitô hữu không phải để làm cha thiên hạ ; làm môn đệ Đức Giêsu không phải để thống trị thiên hạ, bắt thiên hạ phục dịch, hầu hạ mình, nhưng làm người có đạo để trở thành người tôi tớ phục vụ anh em như Đức Giêsu đã “mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,7-8) ; đi theo Đức Giêsu không phải để cai trị kiểu các lãnh tụ thế gian, nhưng  để noi gương và cùng Ngài qùy xuống rửa chân cho anh em, và sẵn sàng làm người nhỏ nhất để phục vụ mọi người.

Trước những bon chen, đấu đá tìm chỗ đứng, chỗ ngồi, vinh danh, vinh dự trong Giáo Hội ở buổi đầu, thánh Phaolô đã lấy hình ảnh Thân Thể để khuyên dậy các tín hữu đón nhận nhau như anh em và sống tình huynh đệ trong Đức Giêsu là Đầu của Thân thể mầu nhiệm là Giáo Hội : “Ví như thân thể người ta chỉ là một, nhưng lại có nhiều bộ phận, mà các bộ phận của thân thể tuy nhiều, nhưng vẫn là một thân thể, thì Đức Kitô cũng vậy” (1 Cr 12,12). Nghiã là một khi đã thuộc về Đức Giêsu, trở thành người Kitô hữu, chúng ta phải ăn ở “hiệp thông, hiệp nhất” với mọi người như các chi thể, các bộ phận của cùng một thân thể. Các chi thể, bộ phận ấy tuy làm những nhiệm vụ khác nhau, ở những vị trí khác nhau, nhưng  liên đới chặt chẽ, ảnh hưởng trên nhau, “không có chia rẽ trong thân thể, trái lại, các bộ phận đều lo lắng cho nhau. Nếu một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận cũng đau. Nếu một bộ phận nào được vẻ vang, thì mọi bộ phận cũng vui chung” (1 Cr 12,25-26).

Những thái độ “ích kỷ, đi riêng, tiêu lòn, ăn mảnh, co cụm, cục bộ” trong đời sống đạo sẽ giống như chi thể ngang ngược, kiêu căng nào đó nghĩ mình có thể tồn tại mà không cần đến các chi thể khác. Đó là những thái độ tiêu cực, có hại cho “hiệp thông, hiệp nhất” là bản chất của người Kitô hữu. 

3.   Chúng ta là anh em với mọi người, qua sứ vụ loan báo Tin Mừng :  

Thiên Chúa không chỉ tạo dựng và cứu chuộc riêng một cá nhân, một nhóm, một thành phần, hay một giai cấp nào, nhưng tạo dựng loài người, và cứu chuộc mọi người. Tin Mừng cứu độ của Đức Giêsu cũng không của riêng ai, nhưng cho mọi người, được loan báo cho muôn dân, mọi nơi, mọi thời như lệnh lên đường của Đức Giêsu : “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dậy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28,19).

Khi sai các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng, Đức Giêsu đã truyền cho các ông dậy bảo muôn dân tất cả những gì các ông đã lãnh nhận từ Ngài, nghiã là chia sẻ với mọi người tất cả những gì các ông đã thấy, đã nghe, đã học, đã trải nghiệm, đã nhận lãnh ở Đức Giêsu, và làm cho họ trở nên môn đệ của Ngài như các ông đang là môn đệ.

Nói cách khác, khi loan báo Tin Mừng và làm cho muôn dân đón nhận Đức Giêsu, chúng ta không giữ lại cho mình bất cứ sự gì đã nhận được từ Đức Giêsu, vì tất cả là hồng ân được ban “nhưng không”, nên cũng phải được cho đi “nhưng không”, khi chia sẻ tất cả với mọi người, vì người được loan báo Tin Mừng thông dự quyền trở thành môn đệ như người loan báo, và người được rao giảng cũng “đồng vị, đồng đẳng” trong cung lòng Thiên Chúa như người rao giảng. Điều đó nói lên ý muốn của Đức Giêsu là chúng ta phải đến với mọi người như anh em, cư xử với mọi người trong tình huynh đệ để chia sẻ, mà không bố thí, để hiệp thông mà không áp đặt, để đồng hành mà không khống chế, ép buộc.

Một lý do khác nữa, đó là  tình yêu thương dành cho anh em đồng loại được Thiên Chúa dùng làm thước đo lòng yêu mến Ngài (x. Mt 22,34-40).

Thực vậy, với người đồng đạo, chúng ta là anh em vì chung “một đức tin, một phép rửa, một Thiên Chúa là Cha”, và với người không cùng đạo, chúng ta cũng là anh em với họ, vì chúng ta được sai đến với họ để làm cho họ trở thành môn đệ, nghiã là chúng ta đã là anh em với họ trong sứ vụ và trong niềm hy vọng sẽ được chung “một đức tin, một phép rửa, một Thiên Chúa là Cha”. Vì thế tâm tình và thái độ chúng ta cần phải có với cả người đồng đạo và người khác đạo là tâm tình và thái độ huynh đệ chân thành, tôn trọng, chia sẻ : Huynh đệ chân thành để không coi ai như thù địch, trái lại, nâng đỡ, “khuyên bảo như anh em” (2 Tx 3,15) ; chân thành huynh đệ để củng cố đức tin của anh em mình nên vững mạnh (x. Lc 22,32) ; huynh đệ tôn trọng để không coi thường, khinh miệt, làm tổn thương nhau, “nhưng gớm ghét điều dữ, tha thiết với điều lành, thương mến nhau với tình huynh đệ, coi người khác trọng hơn mình” (Rm 12,9-10) ; huynh đệ chia sẻ để “vui với ai mừng vui, khóc với ai đang khổ sầu” (Rm 12,14).  

Có được tinh thần huynh đệ, tình nghiã anh em, chúng ta sẽ không còn đặt nặng chuyện xưng hô thế nào cho phải phép, vì chuyện xưng hô có phải phép hay không hoàn toàn tùy thuộc vào tinh thần, tâm tình, và thái độ chúng ta có với nhau, đó là tinh thần huynh đệ như Thiên Chúa muốn, là tâm tình anh em của Tin Mừng, là thái độ tôn trọng, cảm thông, chia sẻ như Chúa dậy.

Bởi nếu có tinh thần huynh đệ, thì dù có gọi nhau thế nào, xưng hô với nhau làm sao, chúng ta vẫn không ra ngoài tâm tình của những người con cùng một Cha trên trời ; nếu có tình nghiã anh em, thì người được gọi là cha, hay kẻ được gọi là con cũng vẫn hạnh phúc trong tình yêu của những người môn đệ cùng một đức tin ; nếu đối xử với nhau chân tình như chi thể của một thân thể, thì anh cũng như em, tất cả đều tràn đầy niềm vui bởi được chia sẻ cùng một tấm bánh, một hành trình đức ái, một sứ vụ loan báo Tin Mừng, một vinh dự làm chứng Đức Giêsu.

Jorathe Nắng Tím