Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật I Mùa Vọng
, Năm B
Khi
đợi chờ ai, ta thấp thỏm, bồn chồn ; khi trông ngóng ai, tâm hồn ta nôn nao,
và thân xác ta khó yên vị một chỗ, nhưng quanh quẩn ra vào, liên hồi di động. Đó
là chưa kể đối tượng mong đợi là người ta thiết tha thương mến, người ta chờ đợi
là người ta đang rất cần gặp để được bênh vực, giúp đỡ, giải thoát, cứu sống, nên
ở vào tình trạng trông đợi, trông mong, trông ngóng này, khó ai có thể ngủ yên,
ngáy khò mà không tỉnh thức, thao thức, sốt ruột, nóng lòng.
Mùa
Vọng khởi đầu với Tin Mừng Máccô nhắc chúng ta về tâm tình, thái độ và hành động
của người trông đợi, mong chờ Thiên Chúa : “Cũng như người kia trẩy phương
xa, để nhà lại, trao quyền cho các đầy tớ của mình, chỉ định cho mỗi người một
việc, và ra lệnh cho người giữ cửa phải canh thức. Vậy anh em phải canh thức, vì
anh em không biết khi nào chủ nhà đến : Lúc chập tối hay nửa đêm, lúc gà gáy
hay tảng sáng… Anh em phải canh thức, kẻo lỡ ra ông chủ đến bất thần, bắt gặp
anh em đang ngủ” (Mc 13,33-36).
Ông
chủ đây là Đức Giêsu, Đấng đã đến và sẽ bất thần trở lại với mỗi người. Hình ảnh
ông chủ trở về nhà “lúc chập tối hay nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng” diễn tả thời khắc mà bóng đêm còn bao trùm, bóng tối
còn che phủ, như bóng ma của thần dữ đang điên đảo săn mồi, ráo riết quần thảo tìm
bắt các linh hồn, bởi “Satan đã xin được sàng anh em như người ta sàng gạo” (Lc
23,31).
Trong
văn hoá Do Thái, đêm tối là biểu tượng của thế giới đang chìm trong bóng tối của
thần dữ, một thế giới bị quyền lực Tối Tăm thống trị, khống chế. Vì thế, sự trở
lại của Đức Giêsu, qua hình ảnh trở về nhà của ông chủ, đối với các tín hữu sẽ
là biến cố cắt đứt giai đọan thử thách, kết thúc thời gian bị thần dữ lôi cuốn,
cám dỗ, mua chuộc, mồi chài để bước vào “ngày của Thiên Chúa”, đi vào rạng đông
phục sinh của Đức Giêsu.
Điều
quan trọng Đức Giêsu nhấn mạnh ở đây chính là các đầy tớ được đặt vào tình trạng
trông ngóng “tích cực”, trông đợi “hoạt động”, trông chờ “tin tưởng”, trông
mong “trung thành”, chứ không là chờ đợi “vô công rỗi nghề”, chờ trông buông thả,
lười biếng, chờ mong lạnh lùng, vô vọng, vì trước khi đi xa, “ông chủ đã trao
quyền cho các đầy tớ của mình, chỉ định cho mỗi người một việc”, như thánh
Phaolô đã qủang diễn trong thư gửi giáo đoàn Côrinthô : “Trong Đức Kitô Giêsu, anh em đã trở nên phong phú về mọi phương
diện, phong phú vì được nghe lời Chúa và hiểu biết mầu nhiệm của Người. Thật thế,
lời chứng về Đức Kitô đã ăn sâu vững chắc vào lòng trí anh em, khiến anh em không
thiếu một ân huệ nào, trong lúc mong đợi ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta mặc
khải vinh quang của Người” (1 Cr 1,5-7).
Như
thế, tỉnh thức đồng nghiã với chu toàn bổn phận được trao, với tất cả khả năng
và phương tiện được chủ ban cho ; tỉnh thức còn có nghiã tôn trọng, yêu mến,
tin tưởng và trung thành với chủ, bởi chủ đã tín nhiệm các đầy tớ trước, khi
trao quyền, và giao nhà cửa, gia sản cho đầy tớ trông nom, coi sóc.
Và
nếu đầy tớ biết đợi chờ chủ với tinh thần trách nhiệm và nỗ lưc làm công việc chủ chỉ định, nếu biết trông chờ chủ với tâm
tình yêu mến, biết ơn trung tín, thì chủ có bất thần về “lúc chập tối hay nửa đêm,
lúc gà gáy hay tảng sáng”, hoặc bất cứ lúc nào khác sẽ không còn là vấn đề cả với
chủ lẫn đầy tớ, vì qua tâm tình, thái độ và hành động của đầy tớ, chủ sẽ thừa
biết những đầy tớ nào tôn trọng hay coi thường mình, tôi tớ nào trung tín hay
mang tâm địa vô ơn, phản trắc, người gác cổng nào tỉnh thức canh chừng hay ươn
lười, mê ngủ.
Thực
vậy, không ai biết ngày giờ Chúa đến, cũng là ngày giờ mỗi người sẽ phải rời bỏ
thế gian lên đường trình diện Chúa. Với người không tin được Thiên Chúa yêu thương
và trao sứ vụ trong cuộc sống, thì ngày giờ định mệnh ấy thật rợn rùng, kinh khủng,
không chỉ vì sẽ đến thình lình, bất ngờ, đột ngột, mà còn vì tính nghiêm trọng
của phán quyết đời đời về số phận mỗi người của Thiên Chúa.
Nhưng
với người môn đệ một lòng tín thác, một dạ trung thành, một đời phụng sự Chúa và
phục vụ anh em, thì ngày Chúa đến sẽ là ngày hạnh phúc chứa chan, ngày hoan lạc
đầy tràn, ngày đất trời giao duyên, ngày tôi tớ Chúa được thoả lòng trông đợi, vì “chính mắt được nhìn thấy Thiên
Chúa” (Mt 5,8), chính tay được nhận phần thưởng lớn lao trên trời (x. Mt 5,12),
chính chân được bước vào Vương Quốc Chúa đã “dọn sẵn ngay từ thuở tạo thiên lập
địa” (Mt 25,34), và niềm vui sẽ vô cùng bất ngờ, vĩ đại khi được chính Chúa
“đưa vào bàn ăn và đến bên từng người mà phục vụ” (Lc 12,37).
Bước
vào Mùa Vọng, muà trông đợi Chúa đến, xin Chúa thương xót và nâng đỡ đức tin của
chúng con, để chúng con xác tín ơn gọi và sứ vụ của mình trong cuộc đời này, và
như người đầy tớ trung tín luôn hết tình, hết mình yêu mến chủ và chu toàn bổn
phận được trao phó, để bất cứ lúc nào, và ở đâu, chúng con luôn sẵn sàng và sẽ được
diễm phúc thân thưa với Chúa như cụ già Simêon : “Muôn lậy Chúa, giờ đây
theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này được an bình ra đi. Vì chính mắt con được
nhìn thấy ơn cứu độ Chúa dành sẵn cho muôn dân” (Lc 2,29-30).
Jorathe
Nắng Tím