Suy
Niệm Tin Mừng Chúa Nhật 16 Thường Niên – Năm A
Ở bất cứ đâu, trong bất cứ tổ chức, cơ chế, hay môi
trường nào, chúng ta đều thấy “chung sống, chung đụng” những điều xấu và điều tốt,
người dữ và người lành, bậc hiền nhân quân tử và hạng tiểu nhân “đá cá lăn
dưa”. Ngoài đời thì thượng vàng hạ cám, vàng thau lẫn lộn, nên chẳng dám tin
ai, nhưng tự mình “buộc chỉ cổ tay” không dám “thề non hẹn biển” sống chết với
người nào. Trong đạo cũng không khá hơn, vì người nhân hậu, kẻ gian ác cũng lẫn
lộn, trà trộn, và kẻ lưu mạnh, thời cơ, thủ lợi, buôn thần bán thánh cũng nhan
nhản đồng hành bên thánh nhân đắc đạo khiêm tốn, hiền lành.
Toàn bộ các bài đọc và Tin Mừng của chúa nhật này làm
chứng điều trên, và cho chúng ta thấy thánh ý của Thiên Chúa khi để người lành
và người dữ chung sống, như lúa và cỏ thi nhau mọc trên cánh đồng.
1. Thiên Chúa
là Đấng toàn năng, toàn quyền nhưng vô cùng kiên nhẫn vì Ngài từ bi, nhân hậu:
Sách Khôn Ngoan khẳng định: “Thiên Chúa không phải sợ
hãi gì ai, mà Chúa không trừng phạt lỗi lầm của chúng” (Kn 12,11). “Chúng” đây
là những kẻ dữ, phường gian ác, vì nào ai dám hỏi: “Chúa làm chi vậy? và ai dám
chống lại phán quyết của Ngài?” (Kn 12,12). Nhưng “vì Chúa làm bá chủ vạn vật,
nên Chúa nương tay với muôn loài”, và “lấy lượng từ bi cao cả mà cai quản”, mặc
dù “có thể sử dụng quyền năng bất cứ khi nào Ngài muốn” (Kn 12,16.18).
Có người đặt vấn đề: nếu đã biết người nào xấu và gian
ác thì tốt hơn hết là bứng người ấy ra khỏi Giáo Hội, xã hội để khỏi ảnh hưởng
đến người tốt.
Qủa thực, giải pháp bứng đi cho xong nợ là cách giải
quyết nhanh gọn của con người không có lòng thương xót, là phương án nhằm đạt kết
qủa ngay lập tức của trái tim xơ cứng, vô cảm, là đường lối cấp tốc thanh lọc
hàng ngũ, khẩn trương làm sạch Giáo Hội để có một xã hội, Giáo Hội gồm toàn những
công dân ưu tú, những đại thánh nhân. Nhưng rất tiếc, tất cả đều không xứng hợp
với ý muốn của Thiên Chúa, không xứng đáng với trái tim luôn chạnh lòng trắc ẩn
của người Cha Thiên Chúa không bao giờ muốn con mình đã sinh ra phải hư đi.
Khi dùng dụ ngôn cỏ lùng mọc chung với lúa, Đức Giêsu
muốn nói đến tình trạng thiện - ác, xấu - tốt, lành - dữ cùng lúc có mặt và
chung sống trong tâm hồn mỗi người.
Nhưng cái khác biệt giữa cỏ - luá và con người ở đây là không
như cỏ sẽ mãi là cỏ, và lúa sẽ mãi là lúa, con người vượt xa trên thực vật, nên
có khả năng thay đổi cái xấu thành tốt, cái ác thành thiện, kiêu căng thành
khiêm tốn, gian tham thành xởi lởi, qủang đại, bất nhân, tàn nhẫn thành hiền
lành, nhân hậu… bởi được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, con người có
trí thông minh để nhận định tình hình, có tự do lựa chọn xấu tốt và khả năng thực
hiện sự dữ hay việc lành, thay đổi đời
phóng đãng, lăng loàn thành đời đằm thắm, tín trung.
Hình ảnh người con hoang đàng trong dụ ngôn “Người cha
nhân hậu” của Tin Mừng Luca chương 15 cho chúng ta thấy rõ hơn tự do và khả
năng làm điều xấu khi bỏ nhà cha đi hoang, cũng như tự do và khả năng làm điều
tốt khi đứng lên trở về mái ấm gia đình với cha già của người con thứ. Hình ảnh
người con hoang đàng ấy là hình ảnh của đời sống mỗi người chúng ta, một đời sống
luôn có những xấu, tốt, thiện ác bao quanh, đâm rễ, mà chỉ lòng thương xót và
kiên nhẫn của Thiên Chúa mới cho cơ hội để “đổi mới, cải thiện, trở về”.
2. Thiên Chúa
trân qúy và tin tưởng người tốt lành:
Không chỉ thương xót người dữ, kẻ có tội, Thiên Chúa
còn công khai bầy tỏ lòng trân qúy người ngay chính, tốt lành khi trả lời đề
nghị nhổ hết cỏ lùng của gia nhân: “Đừng, sợ rằng khi nhổ cỏ lùng, các anh làm
bật luôn rễ lúa. Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt” (Mt 13,29-30).
Không cho nhổ cỏ vì sợ làm bật rễ lúa, Đức Giêsu trân
qúy những điều tốt lành ở mỗi người, nhưng đồng thời cũng mong đợi những điều xấu
ở chúng ta được giảm bớt, khử trừ, khi gia hạn để cả lúa và cỏ “cùng lớn lên
cho tới mùa gặt”.
Bên cạnh lòng trân qúy, Đức Giêsu còn tỏ ra tin tưởng ở
người tử tế, đạo đức, cũng như những ưu điểm nơi mỗi người. Dụ ngôn “Hạt Cải”
và “Men trong bột” (Mt 13,31-33) tiếp liền theo đã làm chứng điều này: “Tuy nó
là loại nhỏ nhất trong tất cả các hạt giống, nhưng khi lớn lên, thì lại là thứ
lớn nhất; nó trở thành cây, đến nỗi chim trời đến làm tổ trên cành được” (Mt
13,32). Cũng như nắm men bé nhỏ mà “người đàn bà vùi vào ba thúng bột” đã làm tất
cả bột dậy men (Mt 13, 33).
Vâng, Đức Giêsu khuyến khích chúng ta đừng nản lòng
khi thấy cái xấu vượt trội bên những cái tốt, cũng đừng thối chí bỏ cuộc “dấn
thân phục vụ” xã hội và Giáo Hội khi thấy người xấu qúa đông, gương xấu qúa nhiều
trong Giáo Hội, xã hội, bởi như hạt cải bé tí teo đã “trở thành cây đến nỗi
chim trời có thể làm tổ trên cành”, và nắm men bé nhỏ đã làm “tất cả bột dậy
men”, thiểu số người đạo đức, tử tế, cũng như những việc làm tốt lành dù ít oi
cũng sẽ có sức “biến đổi” lòng người, thay đổi thế giới, làm mới Giáo Hội, xã hội,
với ơn phù trợ của Thiên Chúa.
Với tâm tình của người con yếu đuối dễ sai phạm, hay vấp
ngã, chúng ta tín thác vào lòng thương xót, kiên nhẫn của Thiên Chúa, và cùng
nhau xin Chúa Thánh Thần dậy chúng ta cầu nguyện, vì “chúng ta là những kẻ yếu
hèn, không biết cầu nguyện thế nào cho phải”, và chỉ biết xin “Thần Khí cầu
thay nguyện giúp chúng ta” để chúng ta được sống như Thiên Chúa muốn, hầu xứng
đáng được “thu vào kho lẫm” ở mùa gặt là Nước Trời (x. Rm 8,26-27).
Jorathe Nắng Tím