Đức
Giêsu đã sống lại từ cõi chết! Đó là điều
các môn đệ của Ngài đã được chứng kiến, khi các ông ở với nhau.
Ở với nhau
“từ sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, khi bà Maria Mácđala đi
đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ. Bà liền chạy về gặp ông Simôn Phêrô và
người môn đệ Đức Giêsu thương mến”. Họ đã thấy “trong mộ những băng vải để ở đó,
và khăn che đầu Đức Giêsu. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại,
xếp riêng ra một nơi” (Ga 20,6-7).
Ở với nhau,
khi “Bà Maria Mácđala đi báo cho các môn đệ: Tôi đã thấy Chúa, và bà kể lại những
điều Người đã nói với bà” (Ga 20,18).
Ở với nhau,
“vào chiều ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì
các ông sợ người Do Thái”. Đức Giêsu phục sinh đến, “đứng giữa các ông và nói: “Bình
An cho anh em!” (Ga 20,19).
Ở với nhau,
“tám ngày sau, các môn đệ Đức Giêsu lại có mặt trong nhà, có cả ông Tôma ở đó với
các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình
an cho anh em”. Rồi Người bảo ông Tôma: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem
tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng tin nữa, nhưng hãy
tin” (Ga 20,26-27).
Riêng
Tin Mừng Luca còn kể về hai môn đệ không
chỉ ở với nhau, mà còn đi với nhau trên đường từ Giêrusalem về Emmau với dáng
vẻ rầu rĩ, thất vọng, và Đức Giêsu đã hiện ra đồng hành với các ông, cùng ngày
Phêrô, Gioan chạy ra mộ, sau khi các ông được mấy phụ nữ từ mộ chạy về báo tin
“Tảng đá đã lăn ra khỏi mộ” và “không thấy thi hài Đức Giêsu đâu cả” (Lc 24,2-3).
Và
lần “ở với nhau” được kể lại trong “Đoạn
Cuối” của Tin Mừng Gioan khi “Đức Giêsu
lại tỏ mình ra cho các môn đệ ở Biển Hồ Tibêria”. Hôm ấy có các “ông Simôn
Phêrô, ông Tôma là Đyđymô, ông Nathanaen người Cana miền Galilê, các người con ông
Dêbêđê và hai môn đệ khác nữa, tất cả đang ở với nhau” (Ga 21,1-2).
Nhưng
lần này có nhiều điểm đặc biệt, không giống những lần trước, khi các môn đệ ở với
nhau và Đức Giêsu phục sinh hiện ra với các ông:
1.
Đức
Giêsu phục sinh hiện ra giữa lúc các môn đệ đang bươn trải với cuộc sống hằng
ngày:
Hiện
ra với các môn đệ lần này, Đức Giêsu đã không đến với các ông trong nhà với cửa
nẻo được đóng kín, khóa chặt, vì sợ người Do Thái, cũng không trong tình trạng
lo âu, thất vọng, bất an, và tình huống ngưng trệ mọi sinh hoạt, vì chán nản, mất
tinh thần, không còn động cơ phấn đấu, hoạt động, nhưng hiện ra giữa lúc các ông đang đánh cá, là nghề
kiếm sống, ngay chính nơi làm việc là Biển
Hồ, và rất tiếc “đêm ấy họ không bắt
được con cá nào” (Ga 21,3).
2.
Đức
Giêsu phục sinh hiện ra giữa những nhu cầu thiết thực của cuộc sống:
Không
như những lần trước, lần này Đức Giêsu đến gặp các môn đệ ngay giữa thất bại và
nhu cầu của các ông: thất bại, vì thả lưới suốt đêm, mà không bắt được con cá nào,
và nhu cầu trước mắt của cả đám là đói và không có gì ăn.
Khi
đứng trên bờ và hỏi các ông: “Này các
chú, không có gì ăn ư ?” Các ông trả lời: “Thưa không”. Người bảo các ông:
“Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá”. Các ông thả lưới
xuống, nhưng không sáo kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá” (Ga 21,5-6).
Đến
giữa lúc “làm ăn thất bát”, thả lưới suốt đêm mà không bắt được một con cá, đám
ngư phủ chuyên nghiệp, môn đệ của Đức Giêsu thấm thiá tình của Thầy và xác tín:
Thầy luôn hiện diện trong mọi hoàn cảnh của đời sống, biết rõ nhu cầu của từng
người, và không để các ông phải chết.
a. Nhu cầu vật
chất:
Đức Giêsu biết các môn đệ buồn ngủ vì phải thức trắng,
mệt vì suốt đêm phải thả lưới, canh lưới, chán nản và đói vì không bắt được con
cá nào, nên Ngài đã hướng dẫn các ông
chỗ có cá nhiều, và bảo các ông “Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền”’, dù biết
các ông là những ngư phủ lành nghề.
Không chỉ hướng dẫn, bảo ban, Đức Giêsu còn chuẩn bị
“sẵn than hồng với cá đặt ở trên, và có cả bánh nữa” (Ga 21,9), và bảo các ông “Anh em đến mà ăn!”. Ngài còn đích thân
“cầm lấy bánh trao cho các ông; rồi cá,
Người cũng làm như vậy” (Ga 21,12-13).
Thái độ ân ân cần chăm sóc các môn đệ của Đức Giêsu phục
sinh là bằng chứng cho thấy Đức Giêsu hằng lo cho nhu cầu vật chất để nuôi dưỡng
thân xác con người. Sự hiện diện của Ngài giữa sinh hoạt nghề nghiệp có lúc lên
xuống, thành bại của các môn đệ đã nói lên tình yêu quan phòng của Thiên Chúa
trên mỗi người.
b. Nhu cầu
tinh thần:
Ngoài nhu cầu vật chất để nuôi thân xác, Đức Giêsu còn
quan tâm đến nhu cầu tinh thần của các môn đệ Ngài:
“Khi
các môn đệ ăn xong, Đức Giêsu hỏi ông Simôn Phêrô đên ba lần: “Này anh Simôn,
con ông Gioan, anh có yêu mến Thầy không?”. Và cả ba lần, Phêrô đều trả lời: “Lậy
Thầy, Thầy biết con yêu mến Thầy”
(x. Ga 21,15-17).
Hỏi Phêrô cũng là hỏi các môn đệ khác có mặt, nhưng điều
quan trọng khi hỏi Phêrô có yêu mến mình không, Đức Giêsu gián tiếp cho ông và các môn đệ biết Ngài yêu các ông rất nhiều.
Cũng như hai người yêu nhau thường tế nhị “tỏ tình” với người mình yêu bằng hỏi
“người yêu” có yêu mình nhiều hay không…
bởi chỉ khi yêu đối tượng, người ta mới
cần biết tình yêu của đối tượng dành cho mình.
Hơn ai hết, Đức Giêsu biết ngoài nhu cầu vật chất nuôi
thân xác, con người còn một nhu cầu rất quan trọng khác, đó là yêu và được yêu. Và khi nhu cầu tinh thần
này không được đáp ứng, bảo đảm, con người không thể quân bình, bình an, hạnh
phúc.
3. Đức Giêsu
phục sinh mời gọi các môn đệ của Ngài lên đường:
Cuộc gặp gỡ các môn đệ ở Biển Hồ Tibêria sau khi sống
lại của Đức Giêsu đã không chỉ dừng lại ở việc đáp ứng nhu cầu vật chất và tinh
thần của các ông khi cho các ông ăn uống no nê và cho các ông biết mình được Thầy
yêu và tình yêu của mình được Thầy đón nhận, mà còn đi xa hơn, khi Đức Giêsu mời gọi các ông đi theo Ngài,
bởi đây mới là mục đích của cuộc sống
người môn đệ:
“Hãy
theo Thầy” khi sống cũng như khi biết
mình phải chết, vì sống chết của người môn đệ cũng chỉ để “tôn vinh Thiên Chúa”
(Ga 21,19).
“Hãy
theo Thầy” để yêu mến đoàn chiên như
Thầy, phục vụ đoàn chiên như Thầy, hiến mạng sống vì đoàn chiên như Thầy là Mục
Tử nhân lành sẵn sàng “hy sinh mạng sống mình vì đoàn chiên” (Ga 10,11).
“Hãy
theo Thầy”, vì nhu cầu vật
chất và tinh thần được đáp ứng không phải để ở lì trong “cái tôi” ích kỷ, hưởng
thụ, lười biếng, nhưng để lên đường loan báo Tin Mừng cứu độ và trao ban ơn Bình
An Phục Sinh của “Thiên Chúa làm người” cho muôn dân ở mọi nơi, mọi thời (x. Mt
28,19).
Như thế, tất cả đều quy về lý tưởng mà đời người môn đệ
của Đức Giêsu hằng mong ước, đó là đi theo Đức Giêsu, để Thầy ở đâu thì con xin được ở đó với Thầy, cũng là lời cầu xin
của Đức Giêsu trước những ngày Thương Khó:
“Lậy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những
người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của
con, vinh quang mà Cha đã ban cho con, vì Cha đã yêu thương con trước khi thế
gian được tạo thành” (Ga 17,24).
Xin Đức Giêsu phục sinh cho chúng con, những người thuộc
về Chúa, khả năng “ở với nhau”, bởi “không
ở với nhau”, không cùng nhau lên thuyền ra khơi đánh cá, dù suốt đêm không bắt
được con cá nào, chúng con sẽ không gặp được Chúa phục sinh, để được chăm
nom, săn sóc phần hồn phần xác, nhất là không được theo Chúa đến gặp anh em và cùng
anh em đến nơi Chúa ở, là quê hương Bình An, bến bờ Hạnh Phúc, Niềm Vui Phục
Sinh của đời làm người, làm con Chúa,
anh em của mọi người. Alléluia!
Jorathe Nắng Tím