Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 23 tháng 7, 2019

“Lạy Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện”



Cầu nguyện là giây liên lạc cần thiết và qúy giá, là trao đổi thân thương, là gặp gỡ tình nghiã giữa Thiên Chúa và con người, giữa Thiên Chúa và tâm hồn mỗi người. Không thể có tôn giáo nếu không có cầu nguyện, nếu hiểu tôn giáo là sự kết nối giữa Thượng Đế và con người.
     Vì thế, khi thấy ông Gioan Tẩy Giả dậy các môn đệ của ông cầu nguyện, một người trong nhóm môn đệ của Đức Giêsu đã xin Ngài dạy họ cầu nguyện. Và Đức Giêsu đã dạy các ông kinh Lạy Cha mà chúng ta cùng Giáo Hội cầu nguyện hằng ngày (x. Lc 11,1-4).
   Tin Mừng Chúa Nhật XVII Thường Niên, Năm C đã không dừng lại ở Kinh Lạy Cha là kinh nguyện chính Đức Giêsu đã dạy các môn đệ của Ngài, mà còn đi xa hơn với xác tín : anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ thì sẽ mở cho (Lc 11,9), vì nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao ? (Lc 11,13).
     Vâng, chúng ta có nền tảng đức tin để tin điều Đức Giêsu hứa : Ai xin thì sẽ được, bởi chúng ta không xin gì ngoài xin cho Danh Thiên Chúa, Cha chúng ta là Đấng giầu lòng thương xót được cả sáng khi toàn thể nhân loại được thương xót cứu độ ; chúng ta không xin gì ngoài Nước Thiên Chúa là Nước dành cho những ai được Thiên Chúa thương xót, vì có lòng thương xót anh em mình, như dụ ngôn tên đầy tớ mắc nợ không biết thương xót, và quang cảnh ngày chung thẩm trong Tin Mừng Mátthêu 18,23-35 và 25,31-46 ; chúng ta không xin gì khác hơn ngoài Ý Thiên Chúa là mọi người được cứu độ được thực hiện dưới đất cũng như trên trời.
     Vì thế, lời cầu xin chủa chúng ta không chỉ làm đẹp lòng Chúa Cha vì chúng ta xin đúng ý Chúa, xin như Chúa muốn, xin vì yêu mến, tôn vinh, phụng sự Chúa, nhưng hơn tất cả, vì đó là lời cầu xin của chính Đức Giêsu, Con Một yêu qúy của Thiên Chúa Cha.
     Bên cạnh lời cầu xin cho Danh, Triều Đại, Thánh Ý của Thiên Chúa giầu Lòng Thương Xót được hiển trị, cả sáng, thực hiện, chúng ta còn được Đức Giêsu dạy xin cho chính mình, là những kẻ luôn cần lòng thương xót của Chúa và anh em, đồng thời được mời gọi sống lòng xót thương đối với mọi người, nhất là những người bé mọn, nghèo hèn.
    Chúng ta xin lương thực nuôi thân xác và linh hồn. Lương thực này chính là ơn phúc từ lòng thương xót Chúa, bởi nếu Chúa không xót thương, làm sao chúng ta được bình an tâm hồn, và no đủ thân xác ? Chúng ta xin ơn tha tội, vì tất cả tội lỗi đều là hành vi làm tổn thương tình yêu Thiên Chúa, và ngăn cản, phá hoại lòng thương xót đối với tha nhân. Chúng ta xin Chúa gìn giữ khỏi mọi cám dỗ, và tất cả cám đỗ đều nhắm lôi kéo chúng ta ra khỏi Tình yêu, khước từ lòng thương xót, khoá chặt cửa tâm hồn, đóng kín đường vào trái tim để  vô cảm trước đau khổ, thiếu thốn, khốn cùng của người khác. Và sau cùng, chúng ta xin Thiên Chúa tránh cho chúng ta những sự dữ trên đường đời, và những sự dữ đó chính là trái đắng của ganh ghét, hận thù, bạo lực do ta gây ra cho người khác, hoặc do người khác mang lại cho ta.
      Tóm lại, cầu nguyện với Đức Giêsu và bằng lời kinh của Đức Giêsu dậy, chúng ta nắm chắc sẽ làm đẹp lòng Thiên Chúa, vì tất cả lời cầu xin đều quy hướng về Lòng Thương Xót của Ngài, tất cả ý nguyện đều là khát vọng tìm kiếm Lòng Thương Xót cho mình và mọi người, tất cả niềm hy vọng của lời cầu xin đều hướng về hạnh phúc của hết mọi người được Thiên Chúa thương xót, và đang học biết xót thương anh em mình.
      Lạy Đức Giêsu, xin dạy chúng con yêu mến cầu nguyện, vì chỉ với cầu nguyện, chúng con mới biết Chúa là Thiên Chúa của Lòng Thương Xót, và chúng con luôn cần tình Chúa xót thương, để đời chúng con trở nên lời kinh Xin Chúa thương xót liên lỷ, bất tận, như những nấc thang đưa chúng con lên Trời, vào vương quốc Chúa dành cho những người có lòng xót thương như Chúa.  
       Jorathe Nắng Tím   

“ĐỂ TẤT CẢ NÊN MỘT” (Ga 17,21)


    Với tư cách người tín hữu, chi thể của Thân Thể mầu nhiệm là Giáo Hội, người viết đã chia sẻ tâm tình của mình về phong trào Lòng Thương Xót Chúa, cụ thể ở giáo điểm Tin Mừng, Nhà Bè, với hai bài dài. Bài thứ nhất với tựa đề Giáo Điểm Tin Mừng, trong đó người viết trình bày khách quan những gì mắt thấy tại Giáo Điểm và đưa ra những trường hợp có thể được coi là nguyên nhân gây ra sóng gió. Bài thứ hai : Tại sao phong trào Lòng Chúa Thương xót bị liên tục chống đối ?, với mục đích duy nhất : lật tẩy thủ phạm chính gây ra ghen ghét, chia rẽ, bất hoà, hận thù, bạo lực và tan nát, đổ vỡ là thần dữ Satan và bè lũ ma qủy. Với bài thứ ba : “Để tất cả nên một !, người viết mạo muội gửi đến qúy bạn ước muốn khép lại câu chuyện có thể vì hiểu lầm, hiểu chưa thấu đáo, hiểu chưa hết nhẽ, hiểu chưa tường tận đã ít nhiều làm tổn thương, nhức nhối tim gan những người con cùng một Cha, mà di chúc của Cha chỉ vỏn vẹn : Chúng con hãy yêu thương nhau (Ga 15,12), với lời cầu tha thiết cho chúng nên một như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha để chúng cũng ở trong chúng ta (Ga 17,21).     
      Trước hết, người viết khẳng định lập trường và xác tín : không người  Kitô hữu nào chống lại Lòng Thương Xót Chúa, như đã trình bày trong bài thứ hai, nói chi đến các Đấng Bậc là nhữngTông Đồ được chọn bởi Đức Giêsu, Dung Mạo đích thực của Chúa Cha giầu lòng thương xót, để loan báo Tin Mừng Thương Xót của Thiên Chúa cho toàn thể nhân loại.
      Vì thế, lên án người tín hữu này, giáo sĩ kia là kẻ chống lại Lòng Thương Xót Chúa là tố cáo sai sự thật, hoàn toàn bất công, là vu khống nặng nề và gây thiệt hại không chỉ cho cá nhân người bị công khai mạ lỵ, mà còn làm tổn thương uy tín Giáo Hội và ảnh hưởng xấu trong công cuộc truyền giáo.
   Thực vậy, không ai, kể cả người chưa biết Thiên Chúa cũng không dại gì mở miệng khích bác, vung tay đả đảo, đánh phá, hay giơ chân đạp đổ Lòng Thương Xót Chúa, vì đụng đến Trời, cản trở ý Chúa là việc làm cực kỳ nguy hiểm, luôn đem lại tai ương mà ai cũng né tránh, vì sợ, nên vấn đề còn lại chỉ là không đồng ý với nhau về cách cử hành, cách rao giảng, và cách biểu lộ, tâm tình cũng như cách cầu xin với Lòng Thương Xót Chúa. Vì thế, hoàn toàn không có bất đồng về nội dung giáo lý đức tin được rao giảng, cử hành, mà chỉ những cách thức thực hiện, phương cách rao giảng Lòng Thương Xót được đặt thành vấn đề.
   Qua những làn sóng hoặc ngầm hoặc nổi, âm ỉ hay bộc phát, người viết xin được nêu ra những bất đồng chính yếu, sau khi loại bỏ những nội dung mà một số không ít người của cả hai bên ngày đêm say mê khai thác, đó là lòng ghen ghét, ganh tị giữa các cá nhân, phe cánh được suy diễn, chú thích, cũng như đời tư của những nhân vật quan trọng liên quan bị bóc trần không gớm tay, kèm theo những phê phán không nền tảng, và lên án bất công, hồ đồ.
      Chúng ta tạm phân làm hai bên bất đồng : A và B 
1.     Bên A cho rằng :
a.     Lòng Thương Xót Chúa không thể mãi là phong trào được thổi phồng qua những kỹ năng bị coi là thế tục để lôi kéo đám đông dễ tin, dễ dụ, bình dân, mê tín.
b.     Có một số hình thức cử hành, rao giảng Lòng Thương Xót Chúa không theo đúng quy đỊnh phụng vụ, và hướng dẫn chung của Giáo Hội. Điều này dễ đưa đến cảm tưởng : phong trào trở thành mục vụ độc lập, và dần dà có thể đưa đến tình trạng mất kiểm soát.
c.      Người thành công trong việc lãnh đạo phong trào có nguy cơ biến tướng thành thần tượng và nguy cơ này sẽ làm lu mờ đối tượng của đức tin là Đức Giêsu, Thiên Chúa.
    Khuynh hướng của những người thuộc bên A là kéo giáo quyền về phiá mình, kêu gọi tinh thần vâng phục, và đặt nền tảng của quan điểm, lý luận, phê bình, lên án trên kỷ luật, kỷ cương, quy định của Giáo Hội, đồng thời lo sợ một tình trạng bất tuân phục, tự tách biệt, khi mà tình trạng sa lầy không thể cứu vãn sau này có thể xẩy đến với những lầm lạc về giáo lý, đức tin.
2.     Bên B chủ trương :
a.     Phong trào tôn sùng Lòng Chúa Thương Xót không đi sai đường lối của Giáo Hội, và là việc thờ phượng chính đáng, được Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II khởi xướng cũng như Đức Giáo Hoàng Bênêđictô và Phanxicô khuyến khích, ủng hộ.
b.     Phong trào đặt niềm xác tín trên hoạt động của Chúa Thánh Thần, Đấng ban nhiều hoa trái thiêng liêng và mở ra những con đường trở về với Đức Giêsu cho người tín hữu cũng như cho lương dân.
c.      Phong trào khẳng định luôn ở trong Giáo Hội và tuân phục giáo huấn. Những sáng kiến và cách thức rao giảng chỉ có mục đích chuyển tải sứ điệp Lòng Thương Xót cho một tập thể không thuần nhất, gồm đủ thành phần, và một số không nhỏ là những anh em ngoài Kitô giáo.
      Cả hai đều không sai, và trong thực tế không hề chống phá nhau, vì cùng hướng đến Lòng Thương Xót Chúa. Nhưng thái độ dành cho nhau, vì thiếu thông tin cần thiết đã dẫn đến thiếu thân thiện, thiếu chân thành, thiếu thông cảm làm cho bầu khí ngày càng nặng nề và nên cớ vấp phạm cho nhiều người, khi nhiều lời bàn bạc tiêu cực, lời phê phán sôi sục thành kiến, như đổ dầu vào lửa làm bùng lên và lan rộng ngọn lửa bất hoà, đố kị. 
     Nhưng đó là những chuyện đang lui dần vào quá khứ. Lui dần vào qúa khứ khi những yêu cầu liên quan đến kỷ luật mục vụ  của Toà Giám Mục đã được cha phụ trách Giáo Điểm Tin Mừng, là trung tâm tuy không có DANH Trung tâm Lòng Chúa Thương Xót, nhưng lại có THỰC với sinh hoạt đặc biệt tôn sùng Lòng Chúa Thương Xót tuân thủ, thi hành. Lui dần vào qúa khứ khi những phê phán, lên án có dấu hiệu nhẹ tay, xuống giọng hơn. Lui dần vào quá khứ khi giáo dân hiểu rõ hơn bản chất, giá trị và ý nghiã đích thực của Lòng Thương Xót Chúa. Lui dần vào qúa khứ khi anh em đã hiểu nhau, và làm nên thành công lớn là vượt qua sóng gió, vì Hiệp Nhất, Hiệp Thông với nhau trong Thiên Chúa là đích tới của con thuyền Giáo Hội, mà trên hành trình biển cả, có mấy khi  thiếu sóng to, gió lớn, đá ngầm đủ loại đe dọa. Vấn đề không phải là sóng gió, đá ngầm, nhưng là tất cả mọi người trên thuyền đã cùng vượt qua với nhau.
     Hôm nay là ngày mới, như mỗi người chúng ta được đổi mới hơn mỗi ngày với ơn đổi mới của Chúa Thánh Thần. Chính Giáo Hội cũng cần được đổi mới, và luôn được mời gọi trở về để không xa Nguồn là Đức Giêsu, không mất hướng là Đức Giêsu, không quên Dung Mạo mà mình phải trở nên giống là Đức Giêsu, nhất là không quên Trái Tim mà Giáo Hội phải chung nhịp đập là Trái Tim bị đâm thủng vì xót thương của Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ trên Thánh Giá.
     Hôm nay là ngày Thiên Chúa dựng nên, dựng nên tất cả chúng ta trong Hiệp Nhất, Hiệp Thông với Ngài, nên bất cứ ai đã ở trong Đức Giêsu, đi theo Đức Giêsu đều phải hiệp nhất, hiệp thông không chỉ trong Ngài, mà còn với anh em, như các chi thể của cùng một Thân Thể. Đó là lý do Đức Giêsu đã nói với các môn đệ : Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em (Ga 15,12). Nghiã là yêu thương nhau vì tất cả đã được Thiên Chúa yêu thương trước. Điều đó còn có nghiã : nếu Thiên Chúa không yêu thương tất cả và từng người chúng ta như Ngài đã yêu thương thì không ai trong chúng ta có thể yêu mến người anh em mình được, vì ở ngoài Thiên Chúa, thiếu tình yêu Thiên Chúa, không có Chúa là Đấng nối kết, quy tụ, chúng ta không thể hiệp nhất, hiệp thông với nhau, bởi ai trong chúng ta cũng đều không dễ thương, dễ mến, dễ yêu, dễ gần như chúng ta thường ảo tưởng về mình.
     Đó cũng là nền tảng của Hiệp Thông, và lý do mà Đức Giêsu đã cầu nguyện với Chúa Cha cho những ai đi theo Ngài : Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con, và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta (Ga 17,20-21). Nền tảng là trong Thiên Chúa, chúng ta mới hiệp thông nên một với nhau được, và như thế, bất cứ một cố gắng Hiệp Nhất, Hiệp Thông nào mà Giáo Hội mong ước và tìm kiếm, thực hiện, đều phải mong ước, tìm kiếm và thực hiện trong Thiên Chúa, với tình yêu của Đức Giêsu, và ơn đổi mới của Chúa Thánh Thần, bởi chỉ Tình Yêu Thương Xót của Đức Giêsu mới uốn lòng chúng ta nên giống trái tim thương xót của Chúa ; và chỉ ơn của Chúa Thánh Thần mới đổi mới mọi sự trong ngoài chúng ta.
     Sở dĩ chúng ta cần ở trong Thiên Chúa nếu muốn hiệp nhất, hiệp thông với anh em, vì chỉ một mình Thiên Chúa mới ban cho chúng ta sức mạnh để từ bỏ chính mình, cái mình luôn chồng chất nặng nề những ích kỷ, ganh ghét, quyền lực, lợi nhuận vật chất, ảnh hưởng, danh tiếng, chức tước, ngai bệ, ; chỉ một mình Thiên Chúa mới giúp chúng ta từ bỏ tất cả những gì ngăn trở Ơn Đổi Mới đang được Thánh Thần làm nẩy mầm trong chúng ta ; chỉ một mình Thiên Chúa mới cho chúng ta niềm Hạnh Phúc tuyệt vời của Hiệp Nhất, Hiệp Thông, vì không phải chỉ với anh em chúng ta hiệp nhất, trong anh em chúng ta hiệp thông, nhưng trước hết và trên hết, chúng ta được hiệp nhất, hiệp thông với và trong Thiên Chúa, Đấng là Nguồn Vui, Gia Nghiệp đời đời và Cùng Đích cuộc đời chúng ta.
    Xin Chúa thương giúp chúng ta can đảm giã từ quá khứ chia rẽ, bất hoà, hiểu lầm, đối kháng ; vượt qua sóng gió hôm qua của bới móc, lột trần, vạch áo, tố khổ, lên án, để tay trong tay lật qua trang mới, bước vào ngày mới, trở thành con người mới có Tình Yêu, Ơn Sủng của Thiên Chúa Hiệp Nhất chúng ta Nên Một trong Ngài, và Hiệp Thông chúng ta với nhau trong cùng một Tấm Bánh và một Thân Thể là Đức Giêsu Kitô, Đấng chúng ta cùng yêu mến, tôn thờ, phụng sự.
Jorathe Nắng Tím     

“AI YÊU NHIỀU THÌ ĐƯỢC THA NHIỀU” (Lc 7,47)

Lễ Kính thánh Maria Mácđala
      Tình Yêu luôn được biểu hiện rõ nét nơi phụ nữ, vì tình yêu nơi người nữ bao giờ cũng nồng nàn, tha thiết, sâu đậm và bền chặt hơn người nam. Chẳng thế mà ai cũng say mê nói về tình mẹ bao la, và mơ ước khối tình chung thủy của vợ hiền.
     Cũng vì gắn bó với tình yêu hơn người nam, mà người nữ dễ chết lên chết xuống vì tình, dễ sập bẫy tình, dễ sa lưới tình, dễ chết đuối trong biển tình, bởi khi yêu thì ngây thơ, khờ dại, khi thương thì chẳng tính toán được thua, hơn thiệt, nhưng liều lĩnh, hết tình, hết mình. Đó cũng là lý do phụ nữ khổ vì tình, đau vì tình  hơn người nam, và đàn bà tai tiếng vì tình, chết vì tình luôn chiếm đa số.
  Trong Tin Mừng có một phụ nữ mang nhiều nét giống hình ảnh vừa mô tả, tên Maria Mácđala mà truyền thống cho là người phụ nữ trắc nết, mang tiếng tội lỗi trong thành, biết Đức Giêsu đang dùng bữa tại nhà một ông Pharisêu, liền dem theo một bình bạch ngọc đựng dầu thơm. Chị đứng đàng sau, sát chân Người mà khóc, lấy nước mắt mà tưới ướt chân Người, và lấy dầu thơm mà đổ lên (Lc 7,37-38).
      Tất nhiên những người cùng dự tiệc hôm đó, đa số là bạn bè của ông Pharisêu đã thắc mắc và khó chịu trước cảnh tượng một vị đại ngôn sứ mà để người đàn bà trắc nết tha hồ vừa khóc vừa hôn chân, rửa chân, xức dầu thơm lên chân mình giữa chốn đông người. Và Đức Giêsu đã làm tất cả bỡ ngỡ, ngạc nhiên khi hỏi ông chủ nhà : Một chủ nợ kia có hai con nợ : một người nợ năm trăm quan tiền, một người năm chục. Vì họ không có gì để trả, nên chủ nợ đã thương tình tha cho cả hai. Vậy trong hai người đó, ai mến chủ nợ hơn ?. Ông chủ nhà thưa : Tôi thiết tưởng là người đã được tha nhiều hơn. Đức Giêsu bảo : Ông xét đúng lắm (Lc 7,41-43). Vì thế tôi nói cho ông hay : tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều. Còn ai được tha ít thì yêu mến ít (Lc 7,47).
       Tuyệt vời nguyên tắc tha thứ và điều kiện để được tha thứ của Đức Giêsu : yêu nhiều thì được tha nhiều, yêu ít thì được tha ít. Và Thiên Chúa đã chỉ căn cứ vào tình yêu, lấy tình yêu làm thước đo ơn sủng, mà không dựa vào một công trạng hay việc làm nào khác của tội nhân.
       Người phụ nữ đã yêu nhiều và đựợc tha nhiều đó đã đi theo Đức Giêsu đên tận chân thánh giá khi Ngài chịu đóng đinh (x. Ga 19,25), và một lần nữa lại chứng tỏ tình yêu của mình với Đức Giêsu, khi vào sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Maria Mácđala đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ (Ga 20,1).
        Phụ nữ khi đã yêu ai rồi thì yêu đến cùng như thế đó : yêu cả khi vinh khi nhục, yêu lúc thành công, yêu khi thất bại, yêu khi sống, chết rồi cũng vẫn yêu. Và tình yêu trở nên tuyệt vời ở tính bất diệt và lòng trung tín của người yêu và được yêu.
     Qủa thực, người phụ nữ tội lỗi được tha nhiều vì yêu nhiều hôm nào trong bữa tiệc ở nhà ông Pharisêu đã được chọn làm người loan báo Tin Mừng Phục Sinh cho các Tông Đồ, sau khi được thấy Đức Giêsu Phục Sinh mà bà không nhận ra Ngài (x. Ga 20,11-16). Chính Đức Giêsu sống lại đã đích thân ban cho bà vinh dự sứ giả của Tin Mừng Phục Sinh khi nói với bà : Hãy đi gặp anh em của Thầy và bảo họ : Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em (Ga 20,17).
       Xin Chúa cho chúng con niềm tin ở Tình Yêu Chúa, và bất cứ trong tình trạng, hoàn cảnh nào, dù yếu đuối, tội lỗi, tồi tệ, hoang đàng, bất xứng đến đâu cũng không để chết niềm hy vọng ở Thiên Chúa là Tình Yêu và nơi Ngài, chỉ có Tình Yêu là đáng kể, khi ơn Tha Thứ  hệ tại ở Tình Yêu của hối nhân, bởi Ai yêu nhiều thì được tha nhiều. Ai yêu ít thì được tha ít (Lc 7,47).   
Jorathe Nắng Tím