Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 20 tháng 12, 2018

HỒNG ÂN VÀ CẢM TẠ



Vẫn biết “Tất cả là hồng ân”, vì đời ta có gì là tự ta mà có, có gì một mình ta mà hoàn chỉnh ? Nhưng đôi khi cũng vì dễ dãi cho rằng “Tất cả là hồng ân “mà ta lại lơ là, chẳng quan tâm đủ đến bổn phận cảm tạ. Thực vậy, mở mắt hay nhắm mắt, thức hay ngủ, làm việc hay nghỉ ngơi, sốt sắng-thánh thiện hay khô khan-tội lỗi, khỏe mạnh hay yếu đau ta đều nhận ra hồng ân Chúa bao phủ, chở che. Chỉ riêng hồng ân được sống và không phải chết bất đắc kỳ tử trong tình trạng tội lỗi cũng đã là dấu chỉ đặc biệt của tình Chúa bao la, nhân hậu dành cho ta. Cũng có lúc thất bại, lao đao, ta liều lĩnh nghĩ Thiên Chúa không thương ta, nhưng rồi biển tình bao la, đại dương thương xót vô bờ bến lại ngọt ngào nhắc nhở: Chúa vẫn luôn thương ta và “tất cả đời ta là hồng ân”.
   Bơi lội trong hồng ân, tắm gội trong ơn phúc, ta phân vân không biết phải trả ơn , cảm tạ, đáp đền thế nào cho đẹp lòng Chúa. Và phần đông chúng ta đã chọn việc đi lễ, đọc kinh như cách cảm tạ trọn vẹn. Chọn lựa trên không sai, nhưng chưa đủ. Không sai vì Thiên Chúa rất đáng chúng ta tôn thờ, phụng sự và đọc kinh, cầu nguyện, đi lễ là việc phải làm như bổn phận của con cái hiếu thảo đối với cha mẹ, cũng là nghĩa vụ của thụ tạo đối với Đấng Chủ Tạo. Nhưng không đủ, vì ngoài bổn phận trên, chúng ta còn một lệnh truyền khác không thể bỏ qua, sao nhãng. Đó là thực thi Đức ái đối với anh em .
1. Thực thi Đức Ái là Cảm Tạ xứng đáng, vì là điều Chúa muốn: 
Làm vui lòng ai là thực hiện ý người ấy, mà Thánh Ý Thiên Chúa là : "chúng con hãy yêu thương nhau". Hơn thế nữa, Đức Giêsu đã coi đó là lệnh truyền: “Thầy truyền cho chúng con một giới răn mới là chúng con hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương chúng con” ( Ga 15, 12).
2. Thực thi Đức Ái là Cảm Tạ tuyệt vời, vì Thiên Chúa đã tự đồng hóa mình với con người. 
Tin Mừng nhiều lần khẳng định: "Những gì ngươi làm cho những anh em bé nhỏ nhất là ngươi làm cho chính Ta" (Mt 25,40). Làm cho người khác mà lại là làm cho Thiên Chúa thì chỉ có ở Thiên Chúa của Đức Giêsu. Yêu mến, phục vụ tha nhân mà được nhận là yêu mến và phụng sự Thiên Chúa thì chỉ có thể thực hiện trong Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người. Đây là mầu nhiệm của tình yêu Thiên Chúa dành cho con người khi Thiên Chúa đã không chỉ làm người, mà còn nhận hết những gì con người làm cho nhau là làm cho chính mình, đến cả việc cảm tạ, tri ân chính ra phải được dành riêng cho Ngài, thì Thiên Chúa cũng muốn được thực hiện qua con người.
3. Thực thi Đức Ái là Cảm Tạ đẹp lòng Thiên Chúa, vì khi yêu thương anh em, chúng ta được nên hoàn thiện như Cha chúng ta : 
Đức Giêsu đã chỉ cho ta phương cách để nên hoàn thiện, khi bảo ta phải yêu thương cả kẻ thù: “Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế đã chẳng làm như vậy sao? Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao? "Vậy anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện" ( Mt 5, 46-48). Như thế, hoàn thiện như Thiên Chúa muốn là yêu thương không chỉ anh em mình, mà còn yêu thương cả kẻ thù, đối phương. Do đó, cách cảm tạ Thiên Chúa tuyệt vời, xứng đáng và đẹp lòng Ngài hơn cả chính là yêu thương con người. Yêu thương con người gồm hết mọi con người, bất kể họ là ai, cho dù là kẻ thù, người làm ta khốn khổ. Yêu thương con người là tha thứ lỗi lầm của mọi người, dù lỗi ấy là lỗi nặng, tội ấy là tội tầy trời. Yêu thương con người là phục vụ con người, như phục vụ Thiên Chúa, nhất là những người hèn mọn, kém cỏi. Yêu thương con người là nhìn thấy Thiên Chúa trong con người khi chia sẻ, phục vụ con người.
    Tóm lại, Thiên Chúa chọn con người, đặc biệt những con người bé nhỏ là hiện thân sống động của Ngài, là địa chỉ nơi Ngài cư ngụ, là đền thờ, ở đó Ngài được cảm tạ, tôn vinh, nên chúng ta không yêu mến và phục vụ con người như Thiên Chúa muốn, thì việc cảm tạ hồng ân Thiên Chúa của chúng ta sẽ chỉ là những cảm tạ xáo rỗng, hời hợt, nếu không muốn nói là giả tạo, hão huyền, "vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy" (1Ga 4, 20). Thánh Giacôbê còn nhấn mạnh : "Đức tin không có việc làm là Đức tin chết" (Gc 2, 27), vì nếu chỉ tin thôi, mà không hiện thực Đức tin bằng hành động yêu thương tha nhân, thì ma quỷ cũng làm được, vì chúng cũng tin Thiên Chúa (x. Gc 2, 19), nhưng không yêu mến Ngài. Thực vậy, vì Thiên Chúa thiêng liêng, vô hình, nên Ngài dùng con người để thể hiện tình yêu của Ngài đối với con người và qua con người, Ngài muốn con người tỏ lòng yêu mến và cảm tạ Ngài. Con người trong Đức Giêsu được cất nhắc một cách nhiệm lạ khi Thiên Chúa tự nguyện làm người và tự đồng hoá mình với con người, ngay cả trong việc tôn vinh, cảm tạ mình. Giáng Sinh về, lại một lần nữa Thiên Chúa tỏ tình yêu vô cùng của Ngài cho nhân loại. Trong vô cùng của tình yêu, Thiên Chúa đã làm người để con người được làm Thiên Chúa, như thánh Irênê đã viết, nhờ đó chúng ta được cảm tạ hồng ân Thiên Chúa qua việc làm của Đức Ái chúng ta thực hiện cho nhau. 

Jorathe Nắng Tím


BÌNH AN CỦA ĐỨC GIÊSU


Giáng Sinh với đêm An Bình, mùa Bình An, và người người chúc nhau Noel Thanh Bình, như tiếng hát các thiên thần : “Bình An cho người thiện tâm dưới thế”.
     Nhưng có thực mọi người đều khao khát an bình, tìm kiếm bình an ?
   Vẫn biết bình an là đỉnh cao tuyệt vời của hạnh phúc, và là ước mơ, lý tưởng của mọi người, nhưng lý tưởng và ước mơ bình an ấy thường rất xa đời thường, và  thực tế sống.

1.   Bình an  xa đời thường vì bình an không là sản phẩm một mình riêng lẻ, dễ mua, dễ bán.
a.     Không là sản phẩm riêng lẻ, vì bình an là hoa trái của sự thật .
   Bình an không bao giờ đứng một mình, cũng không tự mọc lên, nhưng được  thai nghén, nẩy mầm, vun xới, lớn lên và sinh hoa kết trái nhờ sự thật. Thiếu sự thật, bình an tắt thở tức khắc, như con người thiếu khí thở. Người gian dối, lưu manh làm sao có được giấc ngủ bình an? Người mưu mô, xảo quyết làm sao có được một ngày an bình? Người xa lạ với sự thật của chính bản thân làm sao có được lương tâm thanh thản? Người bịp bợm, lừa đảo làm sao có được một  không gian tương quan vui vẻ, thân tình với người chung quanh? Trái lại, vắng bóng sự thật, người ta bất an, lo sợ; thiếu sự thật, tâm hồn rối loạn; từ chối sự thật, cuộc sống bất ổn, nặng nề, đe dọa.

b. Không là sản phẩm riêng lẻ, vì bình an là kết qủa của tình yêu quên mình:
     Thiếu sự thật, không có bình an đã đành, nhưng ngay cả có sự thật, mà thiếu tình yêu quên mình vì người khác, bình an cũng không thể tồn tại. Nhiều người sống thành thật, không ăn gian nói dối, nhưng lại ích kỷ, chỉ biết mình mà không hề nghĩ đến ai, họ cũng không có được bình an đích thực như hạnh phúc tuyệt vời, bởi bình an, ngoài điều kiện ở trong sự thật, còn đòi ở trong tình yêu quên mình.
 Sở dĩ, bình an đòi một tình yêu vị tha, là vì bình an không là một trạng thái tĩnh, một hiện trạng không thay đổi, nhưng bình an là một hướng tới tuyệt đối, một gặp gỡ vượt thời gian và không gian, một “ra khỏi” những gì hữu hình và có thể nắm bắt để đạt tới huyền nhiệm vô hình. Bình an đích thực không luôn hệ tại ở những gì đang có, đang nắm bắt, nhưng đóng chốt và được bảo kê ở những việc làm của tình yêu quên mình, và thành qủa của tình yêu hy sinh vì người khác, bởi chỉ trong những thể hiện cụ thể của tình yêu vị tha, chủ thể mới cảm nghiệm và hiểu được hết ý nghiã và giá trị của bình an. Nói cách khác, bình an là hạnh phúc đích thực chỉ dành cho những trái tim yêu thương con người, bởi chỉ qua tình yêu nơi con người, bình an mới lớn được và đơm hoa kết trái.   
 Đây chính là mầu nhiệm của Bình An, và vì  là mầu nhiệm, nên không mấy người đã có được bình an đích thực. Đó cũng là lý do Đức Giêsu đã khẳng định : “Thầy ban bình an của Thầy cho chúng con, bình an mà thế gian không ban được” (Ga 14,27).
Thế gian không ban được, vì bình an đòi những điều kiện mà thế gian không có, không thể đáp ứng:
  Bình an đòi sự thật, nhưng thế gian thích dối gian, vì dối gian dễ thành công, móc ngoặc dễ làm giầu, tham nhũng dễ  thành đại gia, dễ có biệt phủ, dễ có dinh cơ ở nước ngoài. Bình an đòi công bình, chính trực, nhưng  trong cái thế gian chúng ta đang sống: gian từ trên xuống dưới, gian từ trong ra ngoài, gian từ già đến trẻ, gian từ thôn làng đến tỉnh thành, gian từ học đường đến sòng bạc, gian từ chuyện nhỏ đến việc lớn, gian từ chuyện phòng the vợ chồng đến việc quốc gia đại sự thì hỏi làm sao người công chính “có số, có cửa” để ra vào bình an, và sống đời  hạnh phúc?  Sự thật đã vô phúc biến thành xa xỉ phẩm, hàng hiệu xách tay, động vật qúy hiếm trong cái thế gian không phải ngày càng gian, nhưng là ngày càng qúa gian này. Vì thế, bình an rất khó có thể chen chân tìm được chút đất để cắm dùi, hầu được tồn tại trong tâm hồn nhiều người.
 Bên cạnh đó, bình an đòi yêu thương tha nhân, thì thế gian nhận ra một điều trái ngược: yêu ai thì cũng chỉ là thiệt thòi, thương ai thì cũng chỉ lỗ vốn, giúp đỡ ai rồi cũng bị phản bội, vô ơn, nuôi ong tay áo, thế nên tốt nhất và an toàn hơn cả là chẳng nên liều lĩnh yêu thương ai, chỉ thương yêu mình. Thế gian không thích yêu thương người khác, vì cái thế gian ích kỷ, ganh ghét này xếp người khác thành ba loại với ba kiểu cư xử “khác tên nhưng cùng họ”: người thấp kém hơn thì khinh; người ngang cơ thì ghét; người vượt trội thì ganh. Cuối cùng, thế gian gồm toàn “hỏa ngục là người khác”, bởi người khác ta không khinh, thì cũng ghét, không ghét thì cũng ganh, nên chẳng bao giờ có bình an trong hỏa ngục, vì hỏa ngục là tình trạng hoàn toàn vắng bóng yêu thương.
 Đó là chưa kể bạo lực, hậu qủa tất yếu của ganh ghét, ích kỷ không ngừng tiêu diệt, phá hoại  bình an. Cũng như kinh nghiệm của số đông sống trong thế gian này, bạo lực cũng được nhận là phương tiện hữu hiệu để thành công, nếu hiểu thành công là có quyền lực để thống trị, nắm đầu nắm cổ, khống chế, sai phái người khác phục vụ, thoả mãn nhu cầu cá nhân của mình. Trong xã hội bạo lực, người ta không chỉ quen thuộc với bạo lực, nhưng còn tìm đến để thân thiện và sống bạo lực như một cách sống thức thời của người biết sống. Hơn nữa, vì bạo lực giúp người ta giải quyết nhanh chóng, gọn nhẹ nhiều việc, nên làm gì người ta cũng nghĩ ngay đến bạo lực như giải pháp tối ưu. Cũng thế, bạo lực giúp mau thăng quan tiến chức, nên đường tiến thân rất khó tránh khỏi việc sử dụng thủ đọan bạo lực. Sau cùng, vì trong xã hội bạo lực, chỉ bạo lực mới bảo vệ hữu hiệu sự an toàn của bản thân, nên bạo lực nghiễm nhiên trở thành bùa hộ mệnh toàn năng của mọi người, và theo logic này, thì giữa xã hội bạo lực, người chất phác, hiền lành trở thành mồi ngon cần phải nuốt, nên chẳng mấy ai dám sống khiêm nhu, hiền lành, nhân hậu.

2.  Bình An là Hồng Ân của Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người:
  Có được bình an đích thực tận đáy sâu tâm hồn giữa một xã hội đầy gian dối, ích kỷ, ganh ghét, bạo lực là điều không tưởng, bởi một lý do rất đơn giản:  không ai có thể đảm bảo được bình an.
   Thực vậy, ở giữa bầy sói dữ, thì dù bạn có khao khát bình an đến đâu, thống thiết nài xin cho mình được bình an đến cỡ nào, thì bầy sói đói cũng không tha mạng bạn. Cũng vậy, nếu không có Đức Giêsu, Thiên Chúa là Tình Yêu, Sự Thật thì chúng ta không thể sống, vì đời sống là hỏa ngục, mà hỏa ngục là sự chết.
  Hoả ngục là sự chết bởi nơi đó chỉ còn dối trá, ganh ghét, hận thù, tiêu diệt. Sống hoả ngục tất nhiên không thể được gọi là sống, bởi chính là sự chết, khi mục đích của đời sống con người là hạnh phúc không có.
 Chính vì con người cần được bình an như hạnh phúc để đời sống làm người có ý nghiã, mà Đức Giêsu đã nhập thể, nhập thế làm người, hầu làm chứng cho Sự Thật và Tình Yêu là điều kiện không thể thiếu của Bình An, hạnh phúc tuyệt vời của con người.
  Làm chứng Sự Thật về Thiên Chúa, và về con người, Đức Giêsu đã đến thế gian với Bình An của sự thật  trong đêm Giáng Sinh. Tiếng hát các thiên thần mang tin vui cho nhân loại:  từ nay con người có Đấng là Ơn Bình An bảo kê cho bình an của họ. Những người thiện tâm, yêu mến sự thật, tìm kiếm sự thật không còn sợ bị thế gian nghiền nát, nuốt trửng, nhưng đứng về phiá Đức Giêsu, Vua Sự Thật, đồng thời là Vua Bình An để được bình an đích thực và viên mãn, dù sự thật có làm họ phải lao đao, vất vả, khổ đau. Được đứng về phiá Thiên Chúa của Sự Thật và Bình An như Đức Giêsu đã hứa (Ga18,37), chắc chắn chúng ta không sợ ai, sợ gì, như thánh vịnh 27 qủa quyết:

  “Chúa là nguồn ánh sáng và ơn cứu độ tôi, tôi còn sợ người nào?
   Chúa là thành lũy bảo vệ đời tôi, tôi khiếp gì ai nữa?” (Tv 27,1).
 Làm chứng cho sự thật, Đức Giêsu còn đến làm chứng Tình Yêu Thiên Chúa dành cho con người, và tình yêu con người phải dành cho nhau. Vì thế, Đức Giêsu  không chỉ là đảm bảo của Bình An, mà là Ơn Bình An, hoa trái đích thực của Tình Yêu Ngài dành cho nhân loại, khi  hiến mạng sống trên thánh giá làm giá cứu chuộc mọi người. Thánh Gioan, chỉ trong một đọan ngắn gồm mười câu, từ câu 19 đến 29, khi tường thuật Đức Giêsu hiện ra sau khi sống lại với các môn đệ đã nhắc đi nhắc lại đến ba lần lời chúc: “Bình An cho anh em” (Ga 20,19.21.26) của Đức Giêsu Kitô phục sinh.
 Như thế, Bình An chúng ta nhận được từ Đức Giêsu là Bình An được nẩy mầm, lớn lên, sinh hoa trái nhờ đất Sự Thật và nước Tình Yêu. Là Sự Thật và Tình Yêu, Đức Giêsu chính là Sự Sống bình an của tất cả những ai đi theo và nghe tiếng  Ngài. 
Noel về, xin Bình An cũng đến với mọi người, mọi nhà, dù Bình An ngày càng bị nhiều người “không có lòng ngay” cấm cách, phá hoại, hủy diệt; dù Bình An ngày càng qúy hiếm, khó tìm, khó gặp trong một xã hộo ngập tràn bạo lực; dù thân phận người hiền lành, yêu chuộng và xây dựng hoà bình không lúc nào bị khinh khi, tẩy chay, đe dọa bằng lúc này, khi “xã hội thế gian” không còn tin vào giá trị giải phóng của Sự Thật và sức mạnh đổi mới của Tình Yêu. Và để được Ơn Bình An của Thiên Chúa giáng sinh ở cùng, với tâm hồn đơn sơ, ngay thẳng, hiền lành, chúng ta xin được đứng hẳn về phiá Hài Nhi Giêsu là Tình Yêu và Sự Thật cứu rỗi, là Ơn An Bình viên mãn của Thiên Chúa Ba Ngôi.   
Jorathe Nắng Tím

ĐÔI MẮT ĐÊM NOEL


Hạnh phúc của tôi trong đêm Giáng Sinh là nép mình  sau hang đá để được chiêm ngắm đôi mắt của rất nhiều người  đến cầu nguyện trước Chúa Hài Đồng, và đôi mắt của ai đêm ấy cũng đẹp, cũng lung linh thánh thiện, trong vắt một niềm vui Bình An.
   Qủa thực, cách đây hơn hai ngàn năm, trong đêm Giáng Sinh ở Bêlem đã có những người đến gặp  Chúa Hài Đồng cũng với đôi mắt trong vắt, thánh thiện và bình an như thế.
    Tin Mừng kể lại : “Trong vùng ấy, có những người chăn chiên sống ngoài đồng và thức đêm canh giữ đàn vật. Bỗng sứ thần đến bên họ, và vinh quang của Chúa chiếu tỏa chung quanh, khiến họ kinh khiếp hãi hùng. Nhưng sứ thần bảo họ: Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít, Người  là Đấng Kitô Đức Chúa. Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ” (Lc 2,8-12).
  Trước hết, anh em mục đồng đã thấy vinh quang của Chúa chiếu tỏa chung quanh họ. Giữa đêm khuya mà thấy được vinh quang Chúa là chuyện hiếm có, khó xẩy ra, vì  ai cũng buồn ngủ nên mắt nhắm nghiền, nếu không buồn ngủ hoặc đang phiên trực thì mắt cũng nhắm để đó, tội gì phải căng tròng thao láo cho mệt.
    Những đôi mắt đơn sơ của những tâm hồn nghèo khó, chất phác, hiền lành đêm ấy đã thất kinh sợ hãi, vì chưa bao giờ thấy ánh sáng “sáng” như thế, chưa bao giờ thấy cảnh tượng huy hoàng như vậy. Khiếp hãi, thất kinh nhưng không hoang mang, chạy trốn. Trái lại, với đơn sơ của tâm hồn, ngay thẳng của lương tâm, anh em mục đồng đã thấy trong ánh sáng huy hoàng con đường của Tin Mừng.Và ngay lập tức, họ đã cùng nhau lên đường.
  Ở hang Belem, cũng những đôi mắt đơn sơ, hiền lành ấy đã thấy một “hài nhi sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ”.Nhưng điều quan trọng hơn cả là những đôi mắt ấy đã thấy Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ nơi hình hài trẻ sơ sinh, điều mà không phải mắt nào cũng thấy được.
  Sở dĩ các mục đồng đã thấy, vì họ có đời sống trong sạch của người nghèo. Người nghèo thì trong sạch, bởi đầu óc người nghèo không mưu mô, thủ đọan; miệnglưỡi người nghèo không điêu ngoa, lọc lừa; trái tim người nghèo hay chạnh lòng thương xót, vì thấu hiểu nỗi đau và tủi nhục của phận nghèo; tay người  nghèo luôn quảng đại hơn người giầu, vì chẳng có gì ki bo, chắt bóp, giữ lại cho mình; bàn chân người nghèo quen dầm sương dãi nắng, nứt nẻ,  chai sạn, nên sẵn sàng lên đường và không ngại đi bất cứ đâu. Và tất nhiên, đôi mắt trong sáng của tâm hồn trong sạch nơi các mục đồng nghèo khó ấy đã cho họ được thấy Thiên Chúa (Mt 5, 8).
    Là những người đầu tiên, sau cha mẹ  Đức Giêsu, được thấy Thiên Chúa làm người, các mục đồng là những người được Thiên Chúa tuyển chọn và yêu thương đặc biệt (Mt 11, 25).Chính  cuộc sống đơn nghèo và tấm lòng trong sạch đã cho anh em mục đồng có được đôi mắt của Thiên Chúa, để có thể thấy Thiên Chúa bị che khuất bởi hình hài “trẻ thơ bọc tã, nằm trong máng cỏ” rất cô thế, nghèo hèn, yếu đuối. Với đôi mắt thánh thiện của người thiện tâm, các mục đồng đã thấy Thiên Chúa trong con người, đã nhận ra Thiên Chúa toàn năng và vinh quang của Ngài nơi con người yếu đuối, bé nhỏ, bị bỏ rơi, quên lãng. Đôi mắt mục đồng ấy, vì mang thánh thiện của Thiên Chúa, nên thân thiện với  mọi người, nhất là những người không được ai yêu thương, và những ai bị coi là tội lỗi. Đôi mắt mục đồng có Thiên Chúa ấy biết ngưỡng mộ không những trước Thiên Chúa và kỳ công của Ngài, mà còn trân qúy, chiêm ngắm con người, là kỳ công tuyệt hảo, vì mang hình ảnh của Thiên Chúa.
     Bên cạnh anh em mục đồng với đôi mắt trong vắt bình an của tâm hồn đơn sơ, hiền lành là đôi mắt của các nhà chiêm tinh từ phương Đông. Tin Mừng kể: “Khi Đức Giêsu ra đời tại Bêlem.., có mấy nhà chiêm tinh từ phương Đông đến Giêrusalem và hỏi: Đức Vua dân Do Thái mớI sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Ngài xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lậy Ngài” (Mt 2,1-3).
   Các nhà chiêm tinh đã thấy được vì sao của Đức Giêsu  xuất hiện bên phương Đông, nơi các vị ở, vì đôi mắt của các vị tuyệt vời khiêm tốn. Các vị đã tuyệt vời khiêm tốn, khi không cho mình là Sao, nên thấy được ngôi sao của Đức Giêsu; không cao ngạo coi mình là Sao, nên mới thấy được vì sao Cứu Độ của Đấng Cứu Thế; không tự phụ là Siêu Sao, nên mới thấy được muôn muôn triệu vì sao trên trời; không kiêu hãnh  xưng mình là Sao, nên mới cất công lên đường đi tìm Ngôi Sao Thiên Chúa, Ánh Sáng muôn dân.
   Không như đôi mắt kiêu căng, nhưng mù loà của vua Hêrôđê đã không thấy gì hết, dù Đấng Cứu Thế sinh ra ngay Bêlêm, trên lãnh thổ của ông, rất gần ông. Cả đến các kinh sư, cố vấn của vua cũng không hề hay biết, dù trong sách ngôn sứ đã loan báo: “Phần ngươi, hỡi Bêlem, miền đất Giuđa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất Giuđa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Ítraen dân Ta sẽ ra đời” (Mt 2,6).  
  Khác với đôi mắt thiện tâm, đi tìm chân lý của các nhà chiêm tinh, Hêrôđê có đôi mắt gian ác, với dã tâm đánh lừa các nhà chiêm tinh và dụ họ trở lại gặp ông, sau khi đã tìm thấy Hài Nhi, để ông biết  đích xác nơi sinh ra, rồi hạ lệnh giết chết Hài Nhi, tránh hậu họa mất ngôi (Mt 2,7-8). Nhưng ý đồ đen tối của vua đã không được thực hiện, vì trong giấc mộng, các nhà chiêm tinh đã được báo đừng trở lại Giêrusalem gặp vua Hêrôđê nữa (Mt 2, 12).
   Với đôi mắt khiêm tốn và khao khát tìm kiếm chân lý, các nhà chiêm tinh đã thấy sao của Thiên Chúa chỉ đường, và họ đã thấy Thiên Chúa làm ngươi, vừa sinh ra ở Bêlem.
   Thực vậy Tin Mừng chỉ kể có hai nhóm người đã đến Bêlem gặp Hài Nhi Giêsu vừa sinh ra: các mục đồng nghèo khó, chất phác đang canh giữ chiên cừu trong vùng, và các nhà chiêm tinh thông thái, có tiền của, chức phận từ phương xa. Cả hai nhóm tuy không cùng thành phần xã hội, nhưng cùng có lòng ngay, cùng trái tim trong sạch và đôi mắt trong vắt bình an của người thiện tâm. Vì thế cả hai đã được thấy dấu hiệu của Thiên Chúa và đã thấy chính Thiên Chúa làm người trong Đức Giêsu tại Bêlem.  
  Với tôi, Giáng Sinh về cũng là dịp  xem lại đôi mắt của mình, để thấy mắt mình còn qúa vẩn đục vì ích kỷ, ganh ghét, hận thù; qúa mờ đục vì ngạo mạn, kiêu căng; qúa ngầu đục vì đủ thứ tham vọng, nhất là tham vọng quyền bính. Vì cái tôi qúa vĩ đại, cái tôi Siêu Sao, cái tôi là tất cả chân lý, nên không ai, không sự gì có giá trị hơn “cái tôi”, kể cả Thiên Chúa. Chính vì thế, đôi mắt của tôi không còn nhìn thấy gì khác, ngoài “cái tôi” vốn mãi giới hạn, nghèo nàn, tội lỗi, nhưng lại ngạo mạn che khuất cả Thiên Chúa và anh em đồng loại.
    Không nhìn thấy ai ngoài mình, tôi sẽ chẳng có đôi mắt thân thiện để gặp gỡ, yêu thương, cảm thông, chia sẻ; chẳng có đôi mắt ngỡ ngàng, ngưỡng mộ, trân trọng việc làm, công trình, giá trị của bất cứ người nào; càng không ngay thẳng nhận ra sự thật ở mình và người khác, nhưng tệ hại hơn  là ảo tưởng mình là siêu sao thánh thiện để rồi suốt đời “không thấy được và không được thấy” vì sao của Thiên Chúa, cũng như chính Ngài, bởi chỉ có những tâm hồn trong sạch, khiêm tốn mới được nhìn thấy Thiên Chúa; chỉ đôi mắt trong vắt của người  nghèo được Chúa thương, đôi mắt khiêm nhường của người khát khao tìm Chân Lý, đôi mắt bình an của người thiện tâm mới được thấy Thiên Chúa và vinh quang của Ngài.
   Ước gì những đôi mắt đẹp, trước Hang Đá mà tôi được diễm phúc chiêm ngắm trong đêm Noel sẽ mãi trong vắt bình an như đôi mắt các mục đồng, và khiêm tốn an bình như đôi mắt các nhà chiêm tinh, vì được nhìn thấy “Thiên Chúa giáng sinh làm người”.
Jorathe Nắng Tím