Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 23 tháng 8, 2020

CON YÊU MẾN MẸ VÌ MẸ LÀ TÌNH YÊU TUYỆT VỜI

 

Tình yêu là kho tàng vĩ đại, là ân huệ qúy giá nhất Thiên Chúa ban cho con người, cũng là qùa tặng tuyệt vời nhất con người trao cho nhau, bởi bất cứ giá trị nào, kể cả giá trị tinh thần, nếu không có tình yêu sẽ đều mất hết giá trị, vì không đem lại hạnh phúc. Chẳng thế mà người ta có thể có tất cả mọi sự, nhưng vẫn bất hạnh vì không có tình yêu ; có thể chiếm hữu tất cả mọi người, nhưng vẫn không hạnh phúc vì không nhận được tình yêu của người nào.

Thiên Chúa cũng không đợi chờ gì ở con người, ngoài tình yêu, và cũng không ban cho con người ân huệ nào cao qúy hơn tình yêu, bởi Ngài là Tình Yêu đã gieo tình yêu vào tâm hồn con ngưòi, và hạnh phúc là hồng ân kế tiếp…

Sở dĩ tình yêu giữa con người với con người luôn bị đe dọa đứt gánh, đổ vỡ ; luôn mang những rủi ro của phản bội, bất trung, vì con người đã vướng vào tội lỗi. Chính tội lỗi đẩy con người  đến tình trạng ích kỷ chỉ nghĩ cho mình, chỉ lo cho mình, chỉ vun vén, thu gom cho “cái tôi” mà phủ nhận, loại trừ người khác.

Vì khuynh hướng xấu  phát sinh tù tội lỗi đưa đẩy, tình yêu con người không còn tinh ròng, nguyên vẹn là hướng đến người khác với khát vọng, ước mơ đem lại hạnh phúc cho người mình yêu, mà sẵn sàng quên mình, hiến mình vô điều kiện, nên từ nay tình yêu của bất cứ ai, ở bất cứ người nào cũng phảng phất những tính toán, cũng thấp thoáng cái tôi sở hữu, thống trị, cũng thoang thoảng hơi hướng lợi dụng, và tất nhiên tình yêu con người trở nên chênh vênh, mong manh dễ vỡ.   

Đó là tình yêu con người mà chúng ta sống và trải nghiệm hằng ngày, những bóng tình chợt đến rồi chợt đi, những mối tình chưa kịp thắt đã xổ bung thảm hại, những ân tình chưa bén rễ đã bật gốc bẽ bàng, những đường tình mới lên đường đã kết thúc, những cuộc tình vừa đính ước đã tức tưởi đôi ngả chia ly. Tất cả đã biến tình yêu thành những màn cá cược hên xui, những xác xuất “thua - được, lên- xuống” theo biểu đồ lợi nhuận.

Chỉ còn một con người mà tình yêu luôn tinh tuyền, trọn vẹn, một con người được Thiên Chúa yêu thương và tuyển chọn để tình yêu không bị tội lỗi làm đổ vỡ, hư hỏng, lệch lạc. Con người ấy là Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa và Mẹ chúng ta.

Chính vì được chọn làm Mẹ Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người, mà Thiên Chúa đã ban cho Mẹ ơn vô nhiễm nguyên tội, nghiã là gìn giữ Mẹ khỏi tội nguyên tổ, để không một giây phút nào, ma qủy là thụ tạo kiêu căng và bất trung có quyền trên Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, cũng như không một khoảnh khắc thời gian nào dù ngắn đến đâu, tội lỗi có thể len lỏi vào cuộc đời làm Mẹ Đức Giêsu, Ngôi Lời nhập thế, thập thể.

Nhiều người cho rằng ơn vô nhiễm nguyên tội là một tín điều đầy mâu thuẫn, khi cho rằng nếu Ngôi Hai Thiên Chúa đã chấp nhận làm người, thì việc làm con một người phụ nữ  có tội tổ tông truyền như tất cả mọi người khác cũng là chuyện bình thường, đâu có gì quan trọng. Ngược lại, khi ban cho Đức Maria ơn vô nhiễm nguyên tội, Đức Giêsu đã không “làm người trăm phần trăm như con người” và làm cho mầu nhiệm nhập thể mất đi một phần ý nghiã “làm người của Thiên Chúa”.

Trái với chủ trương trên, Giáo Hội tuyên tín Đức Maria là thụ tạo duy  nhất được Thiên Chúa gìn giữ khỏi tội tổ tông ngay giây phút đầu đời, vì Mẹ là người nữ đầy ơn phúc, thánh thiện và ngợp tràn Chúa Thánh Thần. Tuy thế, Mẹ vẫn được mời gọi lớn lên trong đức tin, đức cậy, đức mến trong suốt hành trình đời Mẹ.

Vì thế, ơn vô nhiễm nguyên tội là ơn cao trọng nhất Thiên Chúa đã ban cho Mẹ, vì với ơn này, tình yêu của Mẹ không bị tội lỗi làm phai nhạt, lu mờ, không bị thần dữ khuynh đảo, làm hoen ố, nhưng Mẹ yêu Thiên Chúa mãnh liệt, trọn vẹn, thiết tha, nồng nàn cũng như yêu tha nhân bằng khối tình tuyệt vời sung mãn, không vẩn đục ích kỷ, hay tơ vương dục vọng.

Bởi Evà đã không yêu Thiên Chúa bằng tình yêu tuyệt đối, tuyệt vời, nên Thiên Chúa phải thay thế Evà bằng một người nữ khác khi đặt mối thù giữa người nữ đuợc gọi là “Evà mới”, “Mẹ của sự sống mới” với Satan, và vì mối thù này, Thiên Chúa sẽ không thể để “Evà mới”, “Mẹ của nhân loại mới” được Ngài tuyển chọn vướng mắc tội tổ tông, và bị Satan thống trị.

Đàng khác, vì là Mẹ Đức Giêsu, “nguồn của mọi sự thánh thiện”, Đức Maria không thể chịu ảnh hưởng của tội lỗi để xứng đáng là Mẹ của Đấng là Nguồn mọi sự thánh thiện, đúng như lời thiên sứ Gabrien ở buổi truyền tin : “Kính chào Bà đầy ơn phúc. Thiên Chúa ở cùng bà. Bà đầy phúc lạ hơn mọi người nữ, và Giêsu, con lòng Bà đầy phúc lạ” (x. Lc 1,28-38). Lời chào đã mặc khải tình trạng đầy tràn ơn phúc nơi Đức Maria, có nghiã là hoàn toàn đẹp lòng Thiên Chúa, hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa, hoàn toàn quy hướng về Thiên Chúa, hoàn toàn ở trong Thiên Chúa, như Đức Giêsu, nguồn mọi sự thánh thiện đã ở trong cung lòng Mẹ, và luôn ở với Mẹ.

Sở dĩ Mẹ hoàn toàn thuộc về Chúa và “yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn” (Mt 22,37) như Thiên Chúa muốn, vì trái tim yêu thương của Mẹ không bị tội lỗi làm sứt mẻ, không bị ma qủy tấn công làm suy yếu mức nồng nàn, tha thiết tuyệt vời của tình yêu dành cho Thiên Chúa và tha nhân, như thánh Gioan Đamaxênô đã viết : “Trong thiên đàng của Đức Maria, Rắn Độc không có lối vào”.

Tóm lại, Thiên Chúa đã trang bị cho Đức Maria một tình yêu tuyệt vời bằng gìn giữ Mẹ khỏi tội tổ tông, với ơn vô nhiễm nguyên tội, vì Mẹ được Thiên Chúa  tuyển chọn và mời gọi làm Mẹ của Đức Giêsu, Con Thiên Chúa ; được trở thành người cộng tác thiết thân và quan trọng của Đức Giêsu, và là người được Chúa Cha chọn làm “Evà mới” để giao đấu và chiến thắng ma qủy khi đạp giập đầu chúng.

Nhờ ơn vô nhiễm nguyên tội, Mẹ đã sống đức tin, đức ái, đức trông cậy một cách trọn hảo, vì tình yêu dành cho Thiên Chúa của Mẹ không hề bị tội lỗi làm vẩn đục. Bên cạnh ba nhân đức đối thần ấy, Mẹ còn tuyệt vời “khôn ngoan, công bình, dũng cảm và tiết độ” là bốn đức tính nhân bản, hay còn gọi là nhân đức luân lý khi sống đằm thắm, ân cần, thân thiện, yêu thương hết mọi người. Và như người môn đệ trung tín của Đức Giêsu, Mẹ đã sống trọn hảo tinh thần Bát Phúc của Hiến Chương Nước Trời (x. Mt 5,2-12).

Thực vậy, Đức Maria là vinh dự lớn lao của cả nhân loại, là hạnh phúc của con cái loài người, vì với tình yêu tuyệt vời trọn hảo Mẹ dành cho Thiên Chúa, qua ơn vô nhiễm nguyên tội, Mẹ cũng bao phủ con cái Mẹ bằng tình mẫu tử bao la, vô bờ bến .

Khấn xin Mẹ bầu cử cho chúng con và dậy chúng con biết chay đến với Mẹ trong  cơn gian nan khốn khó, nhất là khi trái tim cạn kiệt tình yêu, và cuộc sống khô héo niềm hy vọng.

Jorathe Nắng Tím

THIÊN CHÚA TRỪNG PHẠT?

 

Những biến động ngày càng đe dọa ở mọi lãnh vực trên thế giới ngày càng đặt chúng ta trước vấn nạn : Thiên Chúa sắp trừng phạt con người?, và nhiều người hốt hoảng lo sợ đi tìm đó đây lời giải thích.

Có giải thích bi quan, tiêu cực, khi trình bầy một viễn ảnh tàn phá tan hoang khi Thiên Chúa thịnh nộ  tiêu diệt loài người : lửa từ trời đổ xuống, nước từ biển dâng lên đốt trụi, cuốn trôi, và loài người hầu như không còn ai sống sót. Cũng có trường phái phò Satan, khi cho rằng : sắp đến thời Thiên Chúa nhường quyền cai trị thế giới cho Satan, vì Ngài chán ngán loài người bất trung, và dùng tay qủy dữ để trừng phạt loài người. Thế giớ sẽ hoàn toàn thuộc quyền ma qủy và kéo dài với muôn ngàn đau thương, khốn khổ vì loài người  đánh mất Thiên Chúa, không còn yêu thương, và ganh ghét, hận thù, bạo lực, chết chóc bao phủ loài người. Nói cách khác, thế giới sẽ trở thành một hoả ngục trần gian dưới quyền thống trị của ma qủy.

Phần chúng ta, người công giáo, lời giải thích phù hợp với đức tin mà chúng ta phải tìm kiếm chính là Lời Thiên Chúa được mặc khải trong Kinh Thánh :

1.   Thiên Chúa  trừng phạt loài ngườ:

Thiên Chúa trừng phạt loài người là sự thật không thể chối cãi. Lịch sử dân Thiên Chúa đã làm chứng điều này, khi dân Chúa cứng đầu, cố tình ngoan cố xúc phạm  đến Ngài, và chống lại giáo huấn, lệnh truyền của Ngài.

Mặc dù “Thiên Chúa là Đấng giầu lòng thương xót, chậm bất bình và rất đỗi khoan dung”, nhưng Ngài cũng là Đấng rất công minh khi phân xử, và lý do khiến Ngài phải phân xử, trừng phạt chính là con người có tất cả khả năng để làm điều thiện hoặc điều ác, cũng như có tự do để chọn điều tốt hay điều xấu. Khả năng thực hiện và tự do chọn lựa vừa là con đường đưa con người lên với Thiên Chúa, vừa là con đường đẩy con người xa khỏi thánh nhan Ngài.

Ngôn sứ Isaia nêu ra những trường hợp khiến Thiên Chúa nổi giận và trừng phạt : “Khốn thay những kẻ bảo cái tốt là xấu, cái xấu là tốt, những kẻ biến tối thành sáng, sáng thành tối, biến cay đắng thành ngọt ngào, ngọt ngào thành cay đắng. Khốn thay những kẻ coi mình là khôn ngoan, và cho mình là thông minh, khốn thay những anh hùng tửu lượng, những tay vô địch nghề pha chế rượu nồng, những kẻ vì nhận qùa hối lộ mà tuyên bố kẻ có tội là công chính, và phủ nhận sự công chính của người công chính. Vì thế, như lưỡi lửa thiêu rơm, và cỏ khô tiêu tan trong ngọn lửa, rễ chúng sẽ ra như mục nát, và nụ hoa của chúng sẽ bay lên như tro bụi, vì chúng đã khinh thường luật Đức Chúa các đạo binh” (Is 5,20-24).     

Ngôn sứ còn cực tả cảnh kinh hoàng khi Thiên Chúa thịnh nộ trừng phạt : “Kià, ngày của Đức Chúa đến, ngày khắc nghiệt, ngày của phẫn nộ và lôi đình, ngày làm cho đất tan hoang và tiêu diệt phường tội lỗi, không còn một tên nào ở đó. Qủa vậy, tinh tú bầu trời và các chòm sao sẽ không chiếu sáng nữa, mặt trời vừa mọc lên đã tối sầm, mặt trăng sẽ không còn toả sáng. Ta sẽ phạt thế giới vì sự gian tà, phạt kẻ dữ vì tội của chúng. Ta sẽ chấm dứt sự kiêu căng của phường ngạo mạn, vẻ tự đắc của quân cường bạo, Ta sẽ hạ xuống” (Is 13,9-11).

Tân Ước cũng không thiếu những đoạn đề cập đến sự trừng phạt của Thiên Chúa, như trong dụ ngôn “những tá điền sát nhân”, ông chủ vườn nho là Thiên Chúa “sẽ tru diệt bọn chúng và cho các tá điền khác canh tác vườn nho” (Mt 21,41) ; dụ ngôn “tiệc cưới” thì nhà vua là Thiên Chúa  lại bảo những người phục dịch : “Trói chân tay nó lại, quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng” (Mt 22,13) “người khách dự tiệc đã không mặc y phục lễ cưới” (Mt 22,11). Đức Giêsu còn nặng lời hơn với những kẻ đã tru diệt những người công chính : “Đồ mãng xà, nòi rắn độc kia ! Các ngươi trốn đâu cho khỏi hình phạt hoả ngục ? Vì thế, này tôi sai ngôn sứ, hiền nhân và kinh sư đến cùng các người : các người sẽ giết và đóng đinh người này vào thập giá, đánh đòn người kia trong hội đường và lùng bắt họ từ thành này đến thành khác. Như vậy, máu của tất cả những người công chính đã đổ xuống đất, thì cũng đổ xuống các người…” (Mt 23,33-35). Cũng vậy, trong viễn tượng “Cuộc phán xét chung”, Đức Giêsu một lần nữa đã mặc khải Thiên Chúa có thưởng công và đặc biệt có trừng phạt, khi nói với những người bị chúc dữ ở bên trái Ngài : “Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Qủy và các sứ thần của nó” (Mt 25,41). “Thế là họ ra đi để chịu cực hình muôn kiếp, còn những người công chính ra đi để hưởng sự sống muôn đời” (Mt 25,46). 

2.   Tội chống lại đức ái  làm Thiên Chúa thịnh nộ :

Có một điểm được Cựu Ước đặc biệt  nhấn mạnh, khi đề cập đến hình phạt của Thiên Chúa, đó là tội áp bức đồng loại : “Khốn thay những kẻ đặt ra các luật lệ bất công, những kẻ viết nên những chỉ thị áp bức, để cản người yếu hèn hưởng công lý, tước đọat quyền lợi người nghèo khó trong dân, để biến bà goá thành mồi ngon cho chúng, và bóc lột kẻ mồ côi. Các người sẽ làm chi khi đến ngày trừng phạt, khi bão tố từ xa ập tới ? Các người sẽ chạy đến với ai mà xin giúp đỡ ? Các người sẽ để vinh hoa phú qúy nơi đâu ? Chỉ còn việc khom lưng giữa đám tù và ngã gục giữa những người bị giết” (Is 10,1-4).

Riêng Đức Giêsu bằng những lời lẽ rất gay gắt khi kể dụ ngôn “tên đầy tớ mắc nợ không biết thương xót” đã không nhân nhượng lên án tên đầy tớ không có lòng thương xót đối với người bạn đã nợ mình  một trăm quan tiền, nhưng y đã “túm lấy bóp cổ mà bảo : “Trả nợ cho tao!”. Bấy giờ, người bạn sấp mình xuống năn nỉ : “Thưa anh, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả anh”. Nhưng y không chịu, cứ tống anh ta vào ngục cho đến khi trả xong nợ” (Mt 18,28-30), mặc dù tên đầy tớ này vừa được ông chủ của y “chạnh lòng thương, cho y về và tha luôn món nợ” kếch xù “mười ngàn yến vàng” mà y không có gì trả, khi thấy y sấp mình van xin chủ “rộng lòng hoãn lại” (x. Mt 18,23-27). Và đây là án lệnh Thiên Chúa  giáng trên những ai không có lòng thương xót anh em mình phát xuất từ chính miệng Đức Giêsu : “Tên đầy tớ ác độc kia, ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, thì đến lượt ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao? Rồi tôn chủ nổi cơn thịnh nộ, trao y cho lính hành hạ, cho đến ngày y trả hết nợ cho ông” (Mt 18,32-34). Rồi Đức Giêsu kết luận : “Ấy vậy, Cha anh em trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình” (Mt 18,35), như trong ngày chung thẩm, Thiên Chúa cũng phán xét mỗi người theo công trạng đức ái đã thực hiện cho tha nhân : “Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn ; Ta khát, các ngươi đã cho uống ; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước ; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc ; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng ; Ta ngồi tù, các ngươi đã đến hỏi han.” (Mt 25,35-36).

Thực vậy, vì Thiên Chúa đánh giá tình yêu của mỗi người dành cho Ngài qua tình yêu của họ dành cho tha nhân : “Ta bảo thật các ngươi : mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40), nên tội không có lòng thương xót anh em, không tha thứ anh em trở thành trọng tội làm Thiên Chúa thịnh nộ. Đàng khác, ngoài  yêu thương anh em như biểu hiệu có giá trị tình yêu đối với Thiên Chúa, con người không có cách thể hiện nào khác đẹp lòng Thiên Chúa hơn,  điều mà thánh Gioan Tông Đồ khẳng định : Nếu ai nói : “Tôi yêu mến Thiên Chúa” mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối ; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy. Đây là điều răn chúng ta đã nhận được từ Người : ai yêu mến Thiên Chúa, thì cũng yêu thương anh em mình” (1 Ga 4,20-21).   

3.   Điều kỳ diệu vĩ đại cứu loài người khỏi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa chính là Lòng Thương Xót :

Nếu lòng thương xót anh em là đòi hỏi phải có ở mỗi người để được Thiên Chúa xót thương tha thứ,  nguôi cơn thịnh nộ và không trừng phạt, thì chính lòng thương xót của Thiên Chúa là điều kỳ diệu vĩ đại vô cùng Thiên Chúa luôn muốn ban cho con người mọi nơi, mọi thời.

Do đó, tất cả đặt trên lòng thương xót, tất cả hệ tại ở tình yêu, tất cả giải quyết bằng yêu mến, bởi “đức ái cao trọng hơn cả” (1 Cr 13,13), nên “trong các ân huệ của Thiên Chúa, anh em cứ tha thiết tìm những ơn cao trọng nhất” (1 Cr 12,31). Đó là những ơn phát sinh từ đức yêu thương, bởi khi yêu thương, chúng ta được tháp nhập vào chính Thiên Chúa, Đấng là Tình Yêu ; khi yêu thương, chúng ta sống sự sống của chính Thiên Chúa, và tất nhiên, khi yêu thương, chúng ta được thương xót, tha thứ, được hoà giải với Thiên Chúa và làm đẹp lòng Ngài.

Tóm lại, Thiên Chúa giàu lòng thương xót, và muốn chúng ta thương xót anh em mình, như điều kiện để được Thiên Chúa xót thương. Lòng thương xót ở phiá chúng ta đã trở nên bí quyết tuyệt vời để bảo đảm  được Thiên Chúa xót thương như Lời Hứa của Đức Giêsu : “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương” (Mt 5,7). Về phía Thiên Chúa, lòng thương xót là hồng ân vô cùng kỳ diệu và vĩ đại của Thiên Chúa có tên “Tình Yêu cứu độ” luôn chan chứa tuôn đổ trên những con người yếu đuối, tội lụy nhưng ý thức mình phải “có lòng thương xót để được Thiên Chúa xót thương” tha cho hình phạt lẽ ra phải chịu.       

Xin Chúa cho chúng ta nhận ra điều Chúa muốn, đó là làm Chúa nguôi cơn thịnh nộ bằng nài xin lòng thương xót của Chúa, và thực thi đức ái đối với anh em, để tất cả chúng ta được cùng nhau thân thưa cùng Chúa : “Lậy Chúa, con dâng lời cảm ta : Ngài đã từng thịnh nộ với con, nhưng giờ đây cơn giận đã nguôi rồi, và Ngài lại ban niềm an ủi” (Is 12,1), vì “tình thương của Ngài cao ngất trời xanh, và lòng thành tín Ngài vượt ngàn mây thẳm” (Tv 56,11).

Jorathe Nắng Tím

HƯỞNG - THỦ

 

Hai tinh thần, hai thái độ, hai nguyên tắc, hai lối sống “Hưởng và Thủ” không chỉ được nhận ra giữa người dân của những nước tân tiến, phát triển và những nước nghèo, chậm tiến, mà còn thấy rõ giữa hai giai cấp giầu nghèo trong một quốc gia, một vùng miền.

Lần đầu về lại Việt Nam sau nhiều năm ở Âu Châu, tôi không mấy hiểu và thông cảm với cô em khi cô tính toán, chắt chiu từng đồng và thận trọng khi chi tiêu. Quen lối sống tạm gọi là “vô tư thụ hưởng” của người Âu Châu : đau bệnh đã có qũy bảo hiểm chi trả trăm phần trăm viện phí, thuốc men ; nghỉ việc có qũy thất nghiệp “trả lương” ; hưu trí có lương hưu ; già cả  có tiền trợ cấp người cao niên ; tàn tật, mất sức lao động có qũy xã hội bảo đảm cuộc sống ; mẹ độc thân có lương nuôi con ; học sinh, sinh viên đi học được  miễn phí, chưa kể học bổng hằng năm tùy khả năng và hoàn cảnh; gia đình có ba con trở lên được hưởng quy chế trợ cấp của “gia đình đông con” rất hậu hĩnh từ tiền nhà, tiền điện, tiền đi xe đến  tiền giải trí, nghỉ hè, nên tôi rất ngỡ ngàng khi thấy phần đông dân mình, tất nhiên dân nghèo tuy lam lũ, vất vả nhưng không dám hưởng đồng tiền mình làm ra. Tôi càng ngạc nhiên hơn khi thấy những người thân luôn nơm nớp lo lắng trước những rủi ro còn trong tưởng tượng  như gia đình có người đau bệnh, tai nạn, bất trắc đủ loại có thể xẩy ra… Xem ra không ai được bình yên, an lòng trong cuộc sống…

Những lần về thăm quê hương sau này giúp tôi nhận rõ hơn đời sống dân mình thật bấp bênh, không có gì bảo đảm để dám nghĩ đến chuyện hưởng thụ cuộc sống. Tôi dần dà thấm thía nỗi cơ cực phải “sống thủ” của dân tôi, trừ một số rất ít đại gia và giai cấp lãnh đạo giầu có sống hưởng thụ vượt mức.

Qủa thực, không thủ sao được, khi việc làm không vững chắc vì không được bảo vệ, nên đồng lương tháng này phải thủ cho nhiều tháng khác, nếu bất ngờ mất việc mà không được bồi thường ; không thủ sao được, vì đau ốm là phải tiêu những khoản tiền lớn, ngay cả có bảo hiểm và đi đúng tuyến, bởi bệnh viện đâu có cung ứng miễn phí thiết bị, thuốc men và đòi người nhà phải túc trực ngày đêm để lo săn sóc bệnh nhân, công việc mà ở nước ngoài tuyệt đối không bao giờ gia đình người bệnh được làm ; không thủ sao được khi tiền học của con cái là một nỗi lo canh cánh của cha mẹ ; không thủ sao được khi cơ man ngàn trùng những tương quan xã hội đòi phải được gìn giữ, phát huy bằng tiền, nếu không thì vô cùng khó sống ; không thủ sao được khi giá trị con người, thanh danh gia đình, bề thế gia tộc được đánh giá bằng nhà cửa, đất đai, của cải ; không thủ sao được khi các hệ thống vay nợ đều là những “máy chém” kinh khủng tàn sát, sắc bén ; không thủ sao được khi tình trạng tham nhũng, lừa đảo bao trùm xã hội làm mất hết niềm tin và nhuệ khí của những người tốt muốn chia sẻ, giúp đỡ ; không thủ sao được khi virút vô cảm ngày càng đục khoét, ăn sâu trong máu của nhiều người biến mọi người thành những ốc đảo xa lạ, lạnh lùng ; không thủ sao được khi ý thức công bình không còn tồn tại, bởi nhà đất của mình đã ở từ bao đời vẫn có thể bất ngờ  bị cưỡng chiếm, cướp đọat.

Thực vậy, trong một xã hội không có gì được bảo đảm vững chắc, thì người ta bắt buộc phải sống thủ, thủ cho mình, thủ cho cha mẹ, thủ cho con cái, vì ngày mai bấp bênh, nhiều rủi ro đe doạ, và bất cứ rủi ro nào cũng có thể làm sụp đổ tất cả sự nghiệp, cơ đồ, bởi không có một cơ chế bảo hiểm nào đáng tin cậy.

Sống thủ đã trở thành nguyên tắc sống của mọi người trên đất nước mình. Người khỏe mạnh lao động để “thủ” cho gia đình, người thân đã đành, người sắp chết cũng không được quên nguyên tắc ấy, như người bạn của tôi. Khi biết mình mắc căn bệnh quái ác ung thư phổi, anh đã quyết tâm từ chối vào bệnh viện chữa trị, mặc dù tuổi đời mới sáu mươi. Bên giường bệnh tại nhà ở Thị Nghè, từng tiếng nặng nề đứt quãng trong hơi thở khó khăn ở giai đọan chót ung thư, anh tâm sự : nếu vào bệnh viện, ngôi nhà này sẽ phải bán mới có tiền chi phí, nên anh chấp nhận ở nhà chết để vợ con còn có một mái nhà che nắng trú mưa.    

Sở dĩ bên Âu Châu, dân tình thong thả và bình an hơn với cuộc sống, vì họ không lo nhiều qúa như dân mình, khi xã hội bảo đảm phần lớn an sinh và tương lai cho họ và con cái họ. Cũng vì thế, họ hưởng cuộc sống, và an tâm hưởng hạnh phúc từ những gì họ làm ra, trong khi phần đông dân mình không dám hưởng hoa trái công lao khó nhọc của chính mình, vì phải thủ cho ngày mai nhiều bất ngờ không vui, nhiều biến chuyển hụt hẫng.  

Bây giờ thì tôi chẳng dám trách gì em gái tôi, khi thấy cô chắt chiu, tằn tiện từng đồng… Lắm lúc thấy cô không chịu sắm sửa cho riêng mình, tôi cũng chỉ bùi ngùi thương em và thương cả dân tôi bao nhiêu đời vẫn vất vả mà chưa một ngày dám hưởng cuộc sống, chỉ vì tương lai qúa bấp bênh, nên cứ phải triền miên bóp bụng “sống thủ” từng ngày, chờ một tương lai sáng hơn.  

Jorathe Nắng Tím   

CHÚA THÁNH THẦN VÀ CƠ CHẾ

 

Những năm gần đây, vấn đề cơ chế được mổ xẻ, bàn luận rất nhiều, và Đức Thánh Cha Phanxicô không ngừng cảnh báo, nhắc nhở về  nguy cơ của não trạng cơ chế, cũng như áp lực nặng nề của cơ chế trong Giáo Hội, và kết luận: não trạng và guồng máy nặng phần cơ chế ấy đã ảnh hưởng xấu trong việc thi hành sứ vụ thiêng liêng được trao phó của Giáo Hội.

Đồng cảm với Đức Thánh Cha, người viết xin chia sẻ một vài suy tư với mục đích góp phần làm sáng tỏ vấn đế cơ chế từ lâu  làm nặng lòng không ít người tín hữu.

Trước hết, chúng ta cần xác định: bất cứ sinh hoạt nào gồm những con người, dù ở đâu, thời nào, lớn hay nhỏ cũng  đều cần được sắp xếp, tổ chức. Nhờ có sắp xếp, tổ chức, con người mới có thể sống chung, làm việc cùng. Đó là lý do hình thành các thể chế, cơ chế, cơ cấu trong cộng đồng nhân loại. Vì thế, phủ nhận triệt để cơ chế, hay cực đoan chống báng cơ cấu, thiết tưởng là một sai lầm nguy hiểm sẽ đưa  nhân loại đến tình trạng hỗn loạn, tiêu diệt lẫn nhau.

Như thế, vấn đề chúng ta cần chia sẻ chính là làm thế nào để cơ chế ở đúng vị trí, giữ đúng làn ranh, tôn trọng giới hạn, để không phá rào lấn lướt lộng hành đến mức con người phải mất chỗ đứng, mất nhân phẩm, mất tự do, mất quyền sống, mất khả năng tư duy, chọn lựa của mình khi ở trong cơ chế.         

Dưới ánh sáng của Tin Mừng, chúng ta cùng tìm một chọn lựa xứng hợp đối với cơ chế:

1.   Đức Giêsu đã giữ một khoảng cách cần thiết đối với cơ chế:

Đặc biệt Tin Mừng Matthêu đã cho chúng ta thấy thái độ khôn ngoan của Đức Giêsu đối với cơ chế đạo đời thời Ngài.

Thái độ khôn ngoan với khoảng cách cần thiết được gặp ngay buổi đầu của Tin Mừng ở Gioan Tẩy Giả, vị tiền hô dọn đường cho Đức Giêsu, khi ông Gioan Tẩy Giả đến rao giảng trong hoang địa (Mt 3,1), mà không đến từ một cơ chế đạo đời nào, hay được giới thiệu bởi một cơ quan, tổ chức nào. Ông cũng không rao giảng trong hội đường hay trước một đám đông được cơ chế nào đó quy tụ, kêu gọi, tập họp, nhưng một mình trong hoang địa miền Giuđê rao giảng hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần (Mt 3,2).

Khoảng cách đối với các cơ chế đạo đời ở Gioan khi ông đến từ hoang địa và rao giảng Nước Trời  trong hoang địa đã nói lên Nước Trời vượt xa mọi cơ chế, Tin Mừng không thuộc quyền sở hữu của cơ chế, và sứ vụ của người loan báo Nước Thiên Chúa đã đến gần cũng không chịu áp lực của cơ chế, khi cơ chế được hiểu như một ràng buộc tạo khó khăn, làm cản trở, gây phiền nhiễu.

Khoảng cách cần thiết và thái độ dứt khóat của Gioan Tẩy Giả được biểu lộ khi ông thẳng thừng nói với những người thuộc phái Pharisêu và phái Xađốc đến chịu phép rửa: Nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các anh cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa vậy?… Đừng tưởng có thể bảo mình rằng: Chúng ta đã có tổ phụ Ápraham. Vì tôi nói cho các anh hay, Thiên Chúa có thể làm cho những hòn đá này trở nên con cháu ông Ápraham (Mt 3,7.9).

Khi tự bảo mình: Chúng ta đã có tổ phụ Ápraham, những người thuộc cơ chế đạo Do Thái này đã tự phụ khi dựa vào vinh dự dân riêng », cũng như bám  chặt vào cơ chế tôn giáo vững chắc của mình, điều mà Gioan Tẩy Giả kịch liệt lên án, bởi niềm tự hào dân riêng, não trạng cục bộ, khép kín, và thái độ tự mãn với một cơ chế hoàn hảo là nguyên nhân của kiêu căng, cứng lòng khiến họ từ chối đón nhận Đức Giêsu là Đấng được Thiên Chúa sai đến. Những người thuộc cơ chế và tôn sùng cơ chế ấy đã không còn tự do để mở trí mở lòng hầu nhận ra Nước Trời đã đến, và Đấng Thiên Sai là Đức Giêsu đang có mặt ngay trong nhà họ.

Đức Giêsu, về phần Ngài, tuy không chống cơ chế đạo đời, nhưng phân định rành rọt  biên giới giữa Ngài với cơ chế.  Bằng chứng là Ngài nói với những người đã gài Ngài vào bẫy chống cơ chế chính quyền bảo hộ Rôma: Của Xêda hãy trả cho Xêda, của Thiên Chúa hãy trả cho Thiên Chúa (Lc 20,25), cũng như đã không dựa vào cơ chế đạo để tao uy tín và gây ảnh hưởng cá nhân. Tuy thế, Ngài đã  không ngại thẳng thắn phê bình những lạm dụng của cơ chế đạo lúc bấy giờ, như thánh sử  Mátthêu đã ghi lại chi tiết trong chương 23 khi Đức Giêsu lên tiếng trách móc những kinh sư và  Pharisêu, là những người của cơ chế đã sống giả hình khi dựa vào cơ chế để bóc lột, hà hiếp, khống chế giáo dân cho lợi ích cá nhân và  đạc quyền thái qúa, vô độ của giai cấp lãnh đạo tôn giáo. Ấn tượng hơn cả là khi đứng trước quan tổng trấn Philatô, người đại diện của đế quốc thống trị Rôma, Đức Giêsu đã khẳng định: Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị nộp cho người Do Thái (Ga 18,36). Những sự kiện này đã làm chứng Đức Giêsu luôn giữ một khoảng cách an toàn cho sứ vụ của Ngài đối với cơ chế đạo cũng như đời.   

Giữ một khoảng cách đối với cơ chế đạo, đời, Đức Giêsu bảo đảm độc lập và tự do loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa của Ngài, mà không đế thế lực của bất cứ cơ chế nào ảnh hưởng trên sứ vụ ấy.

2.   Chọn lựa giữ khoảng cách đối với cơ chế  của Đức Giêsu đã làm nản lòng nhiều người:

Một sự thật không thể chối cãi đó là tính lôi cuốn, hấp dẫn của cơ chế, bởi cơ chế bảo đảm, cơ chế gìn giữ, cơ chế tung hứng, cơ chế lăng xê, cơ chế tạo cơ hội, cơ chế cho phương tiện, cơ chế rộng mở đường vinh quang cho những ai thuộc về cơ chế, hết lòng với cơ chế, chết sống với cơ chế. Vì thế, người ta cầy đào cho kỳ được để lọt vào cơ chế, làm mọi cách để có chỗ đứng trong guồng máy cơ chế,  tìm mọi cơ hội để lọt mắt xanh cơ chế, bởi chỉ như thế, ngày mai mới rực rỡ, tương lai mới rạng ngời, nên nhiều người đã nản lòng khi nghe Đức Giêsu tuyên bố: Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu (Lc 9,58), khi đến gặp Ngài.  

Nhiều người không muốn đi theo làm môn đệ Đức Giêsu, không phải vì giáo thuyết, cũng không vì con người của Ngài, nhưng vì Ngài không dựa vào một cơ chế mạnh, cơ chế vững, cơ chế có thế lực, cũng không chủ trương tạo một cơ chế uy quyền thống trị, bao phủ, bởi phần đông đều bị thu hút bởi sức mạnh của cơ chế, mà cơ chế luôn khởi đầu bằng cơ sở chắc chắn, bằng những qủang bá hoành tráng bên ngoài, nhất là bằng sức mạnh của đội ngũ được điều hành bởi  một guồng máy có hệ thống, phẩm trật, chặt chẽ, khép kín, kỷ cương…

Thực ra, tâm lý chung của con người luôn muốn mình được an tâm, an thân nhờ thuộc về một cơ chế vững chắc, an toàn, có khả năng bảo đảm đời sống, dù  phải chịu nhiều thiệt thòi khác . Đó là lý do phần đông chúng ta thích chọn cơ quan có tiếng, xí nghiệp đã lâu đời, trường học  nhiều năm uy tín , ngay cả đi tu, ứng sinh cũng thích xin vào dòng lớn, có ảnh hưởng quốc tế, mà ít ai dám mạo hiểm với những cơ chế còn non nớt,  phôi thai,  mới chập chững hoạt động. Thế nên khi đi theo một con người, một lãnh tụ  như Đức Giêsu không  nhà, cũng chẳng có đất đai, cơ sở, văn phòng, hậu cứ, bản doanh thì thật là một mạo hiểm hứa hẹn nhiều rủi ro. Do đó, không ít người đã đến gặp Đức Giêsu, nhưng chấp nhận dong duổi nắng mưa, bữa đói bữa no, không nhà không cửa, không cơ chế hành chánh, không dinh này, toà nọ với Ngài thì qủa thực chỉ có mười hai tông đồ vì trót xâm mình liều mạng mới dám bỏ đời mình đi theo.

3.   Chúa Thánh Thần và Cơ Chế:

Chọn lựa giữ khoảng cách và thái độ xem ra như độc lập đối với cơ chế đạo đời của Đức Giêsu dễ bị nhiều người hiểu lầm và chụp mũ cho Ngài là người vô kỷ luật, bất chấp luật lệ, kỷ cương đạo đời.

Nghĩ như vậy là sai và chụp cho Ngài chiếc mũ rộng vành bất chấp cơ chế ấy là một bất công lớn, bởi Ngài không chống lại cơ chế. Bằng chứng là với luật lệ Môsê, tức cơ chế đạo Do Thái, Ngài đã từng bầy tỏ lòng trân trọng khi nói với các môn đệ , vì có người nghĩ Ngài chủ trương hủy bỏ toàn bộ cơ chế đạo Do Thái và luật Môsê: Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn (Mt 5,17).

Kiện toàn cơ chế chính là mục đích của Đức Giêsu khi Ngài giữ một khoảng cách cần thiết đối với cơ chế đạo, bởi trong cơ chế này đang có rất nhiều sai trái cần phải cắt bỏ, nhiều khiếm khuyết cần bổ sung, nhiều thiếu sót cần bù đắp. Nói tóm lại, cơ chế phải được đổi mới, thay đổi, làm cho tốt hơn.

Làm cho tốt hơn cơ chế vì cơ chế không đi đúng điều Thiên Chúa muốn khi lệch hướng vì ích kỷ; lạc đường vì gian tham, thụ hưởng; kiêu căng, tự mãn vì lãng quên sứ mạng  phục vụ; cứng cỏi, vô cảm vì cạn kiệt lòng xót thương; tàn nhẫn, sắt máu vì cho mình toàn quyền sinh sát người thấp cổ bé miệng, không tiếng nói ; bất công, bất chính vì thần tượng, sùng bái cái tôi; hung dữ, ác độc vì tự gán cho mình mọi quyền trên trời dưới đất; phóng túng, ăn chơi vô độ vì tưởng trên mình không còn ai có quyền lớn hơn (x. Mt 23). Đổi mới và kiện toàn cơ chế, vì cơ chế không còn trung thành với yếu tính và ơn gọi của mình là phục vụ con người, là điểm tựa để con người phát triển, là bệ phóng cho con người lên cao tới Thiên Chúa.

Đức Giêsu đã không chống báng cơ chế, cũng không kêu gọi phá bỏ Lề Luật là chất xi măng cần thiết cho cơ chế tồn tại, nhưng chống lại cơ chế và lề luật nếu cơ chế, lề luật đàn áp con người, phủ nhận con người, đè bẹp con người, làm khổ con người, khi tước đoạt quyền sống làm người và quyền làm con Thiên Chúa của con người, như Ngài đã nói trước những người Pharisêu là những người bảo vệ cơ chế cách cực đoan về luật ngày Sabát trong cơ chế đạo Do Thái: Ngày Sabát được tạo nên cho con người, chứ không phải con người cho ngày sabát (Mt 2,27).

Như thế, cơ chế phải biết đặt mình đúng chỗ là đầy tớ phục vụ hạnh phúc chính đáng của con người, là phương tiện giúp con người thăng tiến, vươn cao đến Chân Thiện Mỹ tuyệt đối là Thiên Chúa, nên cơ chế phải luôn ý thức vai trò hướng dẫn và quyền lãnh đạo của Chúa Thánh Thần trên cơ chế. Đây chính là điểm thiết yếu mà cơ chế hay bỏ qua, không quan tâm tuân giữ, nên cơ chế đã phản bội sứ mạng của mình, để trở thành máy chém tàn sát con người, nhà tù giam hãm con người, xiềng xích khoá chặt con người trong bất hạnh.

Biết đặt mình dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, cơ chế sẽ như Đức Giêsu ở mọi nơi, mọi lúc đều có Chúa Thánh Thần hiện diện để không bao giờ đi ngược với Thánh Ý, như khi Đức Giêsu chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì các tầng trời mở ra. Người thấy Thần Khí đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người (Mt 3, 16); biết khiêm tốn để Thánh Thần hướng dẫn, cơ chế sẽ như Đức Giêsu đón nhận sự đồng hành của Thánh Thần để không bao giờ vô ý hay cố tình dập tắt Thánh Thần trong cơ chế, nhưng được tràn đầy ơn Thánh Thần trong mọi tình huống, hoàn cảnh, như Đức Giêsu được Thần Khí dẫn vào hoang địa, để chịu qủy cám dỗ (Mt 4,1); biết sẵn sàng để Chúa Thánh Thần sắp xếp, lo liệu và cùng hoạt động như sứ vụ đòi hỏi (x. Mt 4,18-19); biết ngoan ngùy trông cậy vào Chúa Thánh Thần là Đấng Bảo Trợ, bởi Ngài là Thần Khí sự thật, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn (Ga 16,13)

Tóm lại, vấn đề then chốt của cơ chế trong Giáo Hội chính là không vượt quyền lãnh đạo, bảo trợ, hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, vì Giáo Hội, cơ chế hữu hình, đã được khai sinh khi Chúa Thánh Thần hiện xuống. Sở dĩ cơ chế Giáo Hội nhiều đa đoan, lắm khúc mắc, hay gây bức xúc, phẫn nộ vì cơ chế hay quên mình chỉ là dụng cụ của Chúa Thánh Thần và phải đặt mình dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, bởi khi không có Thánh Thần hướng đạo, cơ chế Giáo Hội sẽ lẫn lộn, lầm tưởng mình là mục đích, cứu cánh để rồi tha hoá đến mức không còn xứng đáng là bệ phóng cho mọi người gặp được Thiên Chúa. Và đó chính là thảm kịch của Giáo Hội, khi não trạng cơ chế cực đoan thống lĩnh, hoành hành.   

Thánh Phaolô đã không ngừng nhắc nhở môn đệ thân tín Timôthê của ngài cũng như các giáo đoàn tiên khởi của Giáo Hội phải thận trọng với chủ trương sùng bái  cơ chế, trở nên nô lệ mù qúang của cơ cấu loài người trong Giáo Hội, mà quên vai trò sức mạnh và khôn ngoan của Thiên Chúa của Thánh Thần, Đấng hướng dẫn và làm cho Giáo Hội được sống và phát triển.

Trong thư cho Timôthê, thánh tông đồ dân ngoại nhắc bảo ông: Đừng thờ ơ với đặc sủng của Chúa Thánh Thần (x. 1 Tm 4,14), nhưng hãy biết khơi dậy đặc sủng ấy (2 Tm 1,6) khi thi hành sứ vụ; cũng như với giáo đoàn Thêxalônica, thánh nhân nhắn nhủ: Anh em đừng dập tắt Thần Khí (1 Tx 5,19). Với ngài, thờ ơ với đặc sủng, và dập tắt Thần Khí là cám dỗ khi cơ chế thành hình, là cạm bẫy khi cơ chế vững chắc, là nguy cơ khó lường khi say nắng chủ nghiã cơ chế trị và ra sức bảo vệ với bất cứ giá nào cơ chế loài người, mà không lắng nghe tiếng nói của Thánh Thần, không dõi mắt theo ánh sáng của Thánh Thần, không đồng hành với Thánh Thần, không bước đi trong Thánh Thần, Đấng làm cho cơ chế trở thành khí cụ của Thiên Chúa và sinh vô vàn hoa trái thiêng liêng ngon ngọt làm vinh danh Thiên Chúa và mưu ích cho mọi người được cơ chế hướng dẫn, che chở, giữ gìn, nâng đỡ.

Jorathe Nắng Tím