Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 7 tháng 5, 2020

ĐƯỜNG TRUYỀN GIÁO KHÔNG BIÊN GIỚI (11)


THÁI ĐỘ  KỲ THỊ
Cho đến hôm nay, kỳ thị vẫn còn là ung nhọt làm nhức nhối thế giới, mặc dù kỳ thị đã là bài học đắt giá và để lại bao nhiêu tang thương cho nhân loại.     
Sau Adolf  Hitler lãnh tụ Đức Quốc Xã với chủ trương kỳ thị người Do Thái đã đẩy vào lò sát sinh sáu triệu người Do Thái những năm 1941 - 1945, và hôm nay,  đó đây trên thế giới, nhân loại vẫn phải tiếp tục phải sống thảm kịch kỳ thị, mà hậu qủa của nó thật khủng khiếp với những cuộc tàn sát phi nhân ngoài sức tưởng tượng, như nạn kỳ thị và diệt chủng ở Rwanda năm 1994 đã lấy đi sinh mạng của hơn một triệu người. Đó là những biến cố kỳ thị lớn mang tính chính trị thế giới,  bên cạnh là vô số những biến cố, sự kiện, hiện tượng  kỳ thị  thuộc đủ thể loại, với  đủ mức độ, trong mọi lãnh vực của cuộc sống hằng ngày liên tục và tiếp tục làm nhức nhối, gây đau khổ, chết chóc cho nhiều người.
Kỳ thị được hiểu như hành vi tạo sự phân biệt, dựng nên  hàng rào ngăn cách, tách biệt một cá nhân hay tập thể, với mục đích loại trừ, tiêu diệt căn cứ trên nguồn gốc xã hội, chủng tộc, tôn giáo, kể cả giai cấp và tình trạng sức khỏe.
Trong thực tế, chủ trương kỳ thị không dừng lại ở lý thuyết, nhưng thường dẫn đến bạo lực, với những xung đột mang tính hung hãn, hận thù. Những lãnh tụ chính trị chủ trương kỳ thị đều xử dụng bạo lực để đàn áp, triệt đường sống của những đối tượng bị kỳ thị.
Ở đây, trong phạm vi chia sẻ kinh nghiệm truyền giáo, người viết chỉ đề cập đến hai cám dỗ kỳ thị, đó là kỳ thị người ngoại giáo và kỳ thị người có tội.
Khi viết về hai chữ kỳ thị trong loạt bài về Truyền Giáo, người viết minh định: không nhà truyền giáo nào chủ trương hay ủng hộ chủ trương kỳ thị, dù là kỳ thị chủng tộc, vùng miền, giai cấp…, vì kỳ thị là một tội phạm đến con người, khi miệt thị, tẩy chay, loại bỏ chính đồng loại phải yêu thương. Đặc biệt kỳ thị tôn giáo, kỳ thị người ngoài đạo hay kỳ thị tội nhân còn là trọng tội đối với nhà truyền giáo, vì hoàn toàn phi lý, mâu thuẫn, và là hành vi phản bội ơn gọi, đi ngược lý tưởng và sứ vụ của người được sai đi loan báo Tin Mừng cho muôn dân và đưa về những ai yếu đuối, lầm lạc, sa chân lỡ bước.
Nhưng tại sao phải đề cập đến hai chữ kỳ thị rất khó nghe, dễ gây hiểu lầm này?
Thưa vì nhà truyền giáo là người không thể để bị rơi vào cạm bẫy của kỳ thị, không thể cho phép mình bị hiểu lầm trong những khúc mắc của kỳ thị, càng không để người khác lợi dụng sơ xuất để chụp mũ là người kỳ thị, bởi nhà truyền giáo là người ở tuyến đầu của mặt trận bảo vệ con người, bảo vệ sự sống và hạnh phúc của con người, tranh đấu cho nhân phẩm, nhân quyền. Hơn nữa nhà truyền giáo còn là môn đệ Đức Giêsu, Đấng đến để kêu gọi mọi người, không phân biệt, kỳ thị  ai, Ngài còn đến để cứu chữa những người tội lỗi, và nhà truyền giáo được sai đi để tiếp nối công trình cứu thế của Ngài giữa nhân loại, và cho toàn thể nhân loại, nên bất cứ một sơ hở nào mang tính kỳ thị, dù chỉ là câu nói bông đùa, không ý tứ cũng gây phản cảm cho người chung quanh, làm mất uy tín nhà truyền giáo và ảnh hưởng cực xấu trên công việc loan báo Tin Mừng.
Vì thế, ở đây, khi đề cập đến kỳ thị, người viết chỉ có ý cảnh báo những thái độ dễ bị chụp mũ là kỳ thị, những cách giải quyết dễ khiến người khác hiểu lầm nhà truyền giáo có khuynh hướng hay chủ trương kỳ thị, vì kỳ thị mãi mãi và ở bất cứ đâu cũng là điều tối kỵ, mà nhà truyền giáo phải tuyệt đối tránh, để đường truyền giáo không bị đắp mô, cắt đứt.     
1.   Thái độ kỳ thị người ngoại giáo:
Kỳ thị người ở ngoài đạo tuy không là kỳ thị tôn giáo, nhưng cả hai có liên hệ mật thiết với nhau, vì thường khi không thích người nào đó không cùng đạo, ta cũng không thích đạo mà người đó theo.
Có hai đối tượng ngoại đạo: một là người chưa có đạo nào, chưa theo đạo nào, tất nhiên họ cũng chưa biết Đức Giêsu là ai, chưa từng nghe Tin Mừng của Thiên Chúa, chưa hiểu gì về Giáo Hội; đối tượng thứ hai là những người muốn tìm biết Đức Giêsu trong Kitô giáo, đang khi vẫn là tín đồ của một tôn giáo khác.
 Trong trường hợp thứ nhất, tức những người chưa theo một tôn giáo nào, nhà truyền giáo cảm thấy nhẹ nhõm hơn khi loan báo Tin Mừng, vì tâm hồn người được rao giảng còn là tấm bảng chưa viết gì trên đó. Trường hợp thứ hai  khó khăn và tế nhị hơn.
Thực ra, cả hai trường hợp, nhà truyền giáo đều gặp khó khăn và phải khôn ngoan, tế nhị. Khó khăn, vì dù thế nào đi nữa cũng sẽ phải trình bầy giáo lý Kitô bằng đối chiếu với giáo lý của các tôn giáo  khác, hầu làm sáng tỏ chân lý Kitô giáo; sẽ phải cắt nghiã tiến trình phát triển các tôn giáo để đi đến kết luận: Kitô giáo là thời kỳ viên mãn của Thiên Chúa, thời của “Nước Trời đã ở giữa anh em”. Tế nhị vì khi đối chiếu, so sánh, nhà truyền giáo có thể vô ý đụng chạm các tôn giáo khác, mặc dù không có ý làm tổn thương, hay kỳ thị.  
Sở dĩ vấn đề kỳ thị tôn giáo, kỳ thị người ngoài đạo cần được nêu lên, vì hầu như chúng ta đều ít quan tâm vấn đề này khi truyền giáo. Nhưng vì ít quan tâm, nên qúa khứ đã có nhiều sơ sót trong “lời ăn tiếng nói” khi đề cập đến các tôn giáo khác, và ít nhiều đã gây ra những hậu qủa bất lợi trong công cuộc truyền giáo, tạo những mâu thuẫn, căng thẳng vô ích, đôi khi rất nguy hiểm cho chính nhà truyền giáo.
Vì thế, nguyên tắc căn bản của nhà truyền giáo là không bao giờ phê bình, chỉ trích, bôi bác, coi thường bất cứ một tôn giáo nào, bởi trong giáo lý của các tôn giáo lớn đều có một phần chân lý của Đức Giêsu, Chân Lý trọn vẹn ở thời viên mãn của Đức Giêsu được ký thác trong Giáo Hội của Ngài, như Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã khẳng định.
Đàng khác, các tôn giáo trong dòng lịch sử nhân loại đã như những bước chuẩn bị cho thời đại viên mãn của Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người. Chính ở thời điểm Ngôi Lời đến trong thế gian, mà ánh sáng sự thật chiếu sáng cho mọi người, ánh sáng đích thực của Thiên Chúa, ánh sáng sự thật hoàn hảo, ánh sáng sự thật trọn vẹn, như thánh Gioan đã viết: “Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người. Người ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người” (Ga 1,9-10). Chính Người là Con Một Thiên Chúa, “là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha”, và chính Người đã tỏ cho chúng ta biết Thiên Chúa (x. Ga 1,18).
Xác tín chân lý này, nhà truyền giáo có điểm tựa đức tin là Đức Giêsu, Sự Thật của Thiên Chúa. Từ điểm tựa ấy, nhà truyền giáo ý thức sứ vụ được sai đi loan báo Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của loài người, Đấng là nguồn ân sủng sung mãn và sự thật, nhờ Ngài mà những ai tin ở Ngài sẽ được cứu rỗi.
Tóm lại, khi xác tín Đức Giêsu là Chân Lý trọn vẹn, Ánh Sáng thật của muôn dân và sứ vụ của mình là làm chứng về Ánh Sáng, về Sự Thật như Gioan Tẩy Giả  để mọi người nhờ lời chứng, nhờ đời làm chứng mà tin để được sự sống đời đời (x. Ga 1,7), nhà truyền giáo sẽ không truyền giáo theo kiểu tranh giành, đấu đá, dành dân chiếm đất, hay sử dụng những chiêu trò xấu xa, những thủ đọan bỉ ổi, đê hèn, không đạo đức làm phương tiện truyền giáo. Trái lại, với thái độ thân thiện với người ngoại đạo, và cung cách, ngôn từ trân trọng khi trao đổi, chia sẻ về các tôn giáo khác, lời chứng của nhà truyền giáo sẽ trở nên thuyết phục và sinh nhiều hoa trái thiêng liêng, vì được tình yêu Đức Giêsu nuôi dưỡng, bao bọc.
Thực vậy, Đức Giêsu đã luôn thân thiện, trân qúy những người ngoại đạo, và không ngớt tuyên dương đức tin của họ, như với viên sĩ quan đại đội trưởng: “Tôi không thấy một người Ítraen nào có lòng tin như thế. Tôi nói cho các ông hay : Từ phương Đông phương Tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc cùng các tổ phụ Ápraham, Ixaác, Giacóp trong Nước Trời. Nhưng con cái Nước Trời thì sẽ bị quăng ra chỗ tối tăm bên ngoài...” (Mt 8,10-12); cũng như mười người phong hủi được Đức Giêsu chữa lành đã chỉ có một người ngoại đạo trở lại cám ơn Ngài, như Tin Mừng Luca đã kể lại: Đang trên đường đi trình diện với các tư tế như Đức Giêsu bảo, “thì họ được sạch. Một người trong bọn, thấy mình được khỏi, liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa. Anh ta sấp mình dưới chân  Đức Giêsu mà tạ ơn. Anh ta lại là người Samari” (Lc 17,15-16).
Vâng, nhà truyền giáo mong ước mang lấy tâm tình của thánh tông đồ dân ngoại  để nói với anh em ngoại đạo như ngài đã nói với giáo đoàn Êphêxô: Trước kia, anh em là dân ngoại, “là những người ở xa, nhưng nay, trong Đức Kitô Giêsu, nhờ máu Đức Kitô đổ ra, anh em đã trở nên những người ở gần” (Ep 2,13) “Vậy anh em không còn phải là người xa lạ hay người tạm trú, nhưng là người đồng hương với các người thuộc dân thánh, và là người nhà của Thiên Chúa, bởi đã được xây dựng trên nền móng là các Tông Đồ và ngôn sứ, còn đá tảng góc tường là chính Đức Kitô Giêsu” (Ep 2,19-20).
Được như thế, trên đường truyền giáo, người môn đệ sẽ không ngớt tạ ơn Chúa  với tâm tình của cụ già Simêon: Muôn lậy Chúa, xin cho tôi tớ Ngài được mạnh dạn lên đường, vì “chính mắt con được thấy ơn cứu độ Chúa đã dành sẵn cho muôn dân: Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại là vinh quang của Ítraen Dân Ngài” (Lc 2,30-32) 
2.   Thái độ kỳ thị người tội lỗi:
Thật mâu thuẫn khi nhà truyền giáo kỳ thị người tội lỗi, bởi sứ mệnh của nhà truyền giáo là loan báo Tin Mừng cứu độ cho người có tội, và làm chứng Đức Giêsu, Đấng đến để cứu chữa tội nhân, như kinh Chúc Tụng của Dacaria khi nói về Gioan Tẩy Giả, con mình: “Hài Nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu là ngôn sứ của Đấng Tối Cao: con sẽ đi trước Chúa mở lối cho Người, bảo cho dân Chúa biết: Người sẽ cứu độ là tha cho họ hết các tội khiên. Thiên Chúa ta đầy lòng trắc ẩn, cho Vầng Đông tự chốn cao vời đến viếng thăm ta, soi sáng những ai ngồi nơi tăm tối và trong bóng tử thần, dẫn ta bước vào đường nẻo bình an” (Lc 1,76-79).  
Thực vậy, sứ vụ của nhà truyền giáo là loan báo ơn Cứu Độ của Thiên Chúa, nên sẽ không thể hiểu và cũng không thể lý giải hiện tượng kỳ thị người tội lỗi nếu có ở nhà truyền giáo.
Tin Mừng đã ghi lại tâm tình và từng chi tiết thái độ của Đức Giêsu đối với người tội lỗi :
a.   Trước những phê bình, chỉ trích của những người Pharisêu: “Sao Thầy các anh lại ăn uống với bọn  thu thuế và phường tội lỗi?” Nghe thấy thế, Đức Giêsu nói: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần…Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mt 9,11-13).   
b.   Ngài để chín mươi chín con chiên ở lại, “để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất”. Tìm được rồi Ngài “mừng rỡ vác lên vai” (Lc 15,4-5).
c.    Ngày ngày Ngài ra đầu đường ngóng trông đứa con hoang đàng trở về. Khi “anh ta còn ở đàng xa thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để. Bấy giờ người con nói rằng: ‘Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, con chẳng còn đáng gọi là con cha nữa…’ Nhưng người cha liền bảo các đầy tớ rằng: ‘Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con dê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng! Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy’” (Lc 15,20-24).
d.   Khi hiện ra với các tông đồ sau khi sống lại, Đức Giêsu đã hỏi Phêrô ba lần: “Con có yêu mến Thầy không?”, và Phêrô đã ba lần thưa với Ngài: “Lậy Thầy, Thầy biết con yêu mến Thầy”, Đức Giêsu đã trao cho Phêrô trọng trách chăn dắt đoàn chiên của Ngài (Ga 21,15-18).
Đức Giêsu đã không vì lý lịch “phản bội, chối Chúa” của Phêrô mà tẩy chay, khai trừ hay hững hờ, lạnh lùng, khó chịu với ông, nhưng vẫn yêu thương, và tín nhiệm khi trao cho ông chià khóa Nước Trời, và đại diện Ngài ở trần gian. 
Những tâm tình và thái độ của Đức Giêsu đối với người tội lỗi cũng phải là tâm tình và thái độ của nhà truyền giáo với người có tội.
Bởi nhà truyền giáo không cởi mở gần gũi người có tội, tội nhân nào dám bén mảng đến gần? Không hết lòng và hăng say đi tìm người có tội, tội nhân nào dám chia sẻ, thổ lộ đời sống hoang đàng và ước muốn trở về? Không thật lòng bỏ qua lỗi lầm và phục hồi quyền làm con Thiên Chúa cho tội nhân, thì tội nhân nào có thể ở lại lâu trong Giáo Hội? Không tin tưởng trao trách nhiệm, khuyến khích tham gia, cộng tác trong cộng đoàn, thì hối nhân nào có thể “bình an” sống đời con Chúa, anh em của mọi người trong gia đình giáo xứ, giáo phận? Không qủang đại quên tội xưa lỗi cũ của người có tội, thì cách nào để họ được đổi mới tận đáy sâu tâm hồn?      
Bởi khi không tận tụy, ân cần săn sóc đứa con đau bệnh, ốm yếu, èo uột, trái tim người mẹ không thể truyền sang trái tim con tình mẹ bao la, hải hà. Và nhà truyền giáo như người mẹ, nếu thiếu quan tâm của Mẹ hiền là Giáo Hội cũng sẽ không đem lại sức khỏe, sức sống, hạnh phúc thiêng liêng cho con cái mình.
Tóm lại, thái độ cởi mở, quan tâm, bao dung, tín nhiệm của nhà truyền giáo là thái độ phát xuất từ trái tim tràn đầy lòng thương xót; là thái độ qủang đại đem ơn cứu rỗi, chuyển tải Bình An của Đức Giêsu phục sinh cho người có tội, mà nhà truyền giáo không thể bỏ quên. Thái độ ấy hoàn toàn đối nghịch với những thái độ nặng  mùi kỳ thị như lạnh lùng, hờ hững, tránh né, khinh miệt, nóng gắt, công khai gọi tên, chỉ mặt, làm nhục người tội lỗi; thái độ ấy là hiền hoà, nhân hậu, khoan dung, tin tưởng của Đức Giêsu mà nhà truyền giáo cần trang bị cho mình khi đến với người tội lỗi; và thái độ ấy sẽ không bao giờ là cung cách trịch thượng của kẻ ảo tưởng mình là người thánh thiện, người được thánh hiến, tuyển chọn để tự cho mình quyền luận tội, kết án người anh em tội lỗi.
Tất cả những sơ sót, sơ xảy, sơ xuất trong cung cách, thái độ kỳ thị người ngoài đạo, và người tội lỗi đều rất phản cảm, và làm mất đi tính thuyết phục trong lời rao giảng của nhà truyền giáo, vì dưới mắt mọi người, nhất là đối với những người chưa biết Đức Giêsu, chưa biết Giáo Hội, và “đám hoang đàng, phường tội lỗi” thì đó là những thái độ kỳ thị phát xuất từ cõi lòng kiêu căng, thiếu từ tâm, bác ái, không xứng hợp với người môn đệ Đức Giêsu, người được sai đi để yêu thương, dung thứ và chữa lành.      
Những chia sẻ trên có thể làm sốc một số người, nhưng cần thiết để tránh những cơn sốc dữ dội, kinh khủng ngàn lần hơn, khi người môn đệ Đức Giêsu rơi vào tội ác kỳ thị vì óc cục bộ cực đoan, nhà truyền giáo lọt vào cạm bẫy của   bóng tối kỳ thị vì cuồng tín, qúa khích, bởi rất tiếc đã có những trường hợp tội ác và bóng tối Kỳ Thị có mặt trong hàng ngũ những người được tuyển chọn và sai đi, điển hình là linh mục Wenceslas Munyeshyaka người Rwanda đã bị toà án quân sự Rwanda kết án tù chung thân tháng 11/2006 vì tội kỳ thị, chống lại nhân loại, khi tích cực tham gia vào vụ hãm hiếp phụ nữ và thảm sát diệt chủng người Tutsi năm 1994 ở Rwanda.
Ước gì nhà truyền giáo luôn như người cha nhân hậu, người mẹ từ ái, mục tử nhân lành loan truyền, chăm sóc, hướng dẫn những ai đang trên đường “tìm gặp” và “tìm về” Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ giầu lòng thương xót không bao giờ kỳ thị, lọai trừ, lên án, chặn đường sống của ai, nhưng hiến mạng sống mình cho sự sống và hạnh phúc vĩnh cửu của mọi người.
Jorathe Nắng Tím