Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 27 tháng 11, 2019

GIẤC MƠ ĐƯỢC THƯƠNG XÓT


Đêm qua con mơ mình chết. Con thấy rõ mình chết đơn độc ở một nơi hoang vắng. Không người, không thú, không tiếng lá cây reo, không tiếng côn trùng nỉ non khóc. Và con đã  chết một mình trong chơi vơi sợ hãi …
Sáng thức dậy, con vẫn nhớ như in cảnh tượng giờ chết, và những gì con đã nghe ở giờ lâm chung.
Con nhớ trong nỗi kinh hoàng của người sắp bỏ lại phiá sau cuộc đời, hình ảnh Thánh Giá của Đức Giêsu chịu đóng đinh. Ngài hoàn toàn yên lặng. Có rất nhiều tiếng ồn ào inh ỏi, kể cả gào thét, và chửi rủa thô tục. Đủ mọi ngôn ngữ, đủ mọi giọng miền, đủ mọi cung bậc, ai cũng nhao nhao cố nói cho được điều mình muốn nói. Họ hướng cả về Thánh Giá của Đức Giêsu mà hét to hơn, nói lớn hơn, gào mạnh hơn, nhưng Đức Giêsu vẫn cúi đầu lặng lẽ, không trả lời ai.
Tuy sợ hãi rụng rời, con vẫn đăm đăm nhìn Ngài và vểnh tai nghe người ta nói gì với Ngài. Có nhiều người trách móc Ngài đã không cứu họ khỏi chết, có người lên án Ngài là tên lừa bịp nhận mình là Thiên Chúa mà không tự cứu được mình, có người bực bội trút lời thô tục rủa xả và quy tội Ngài đã để họ phải sinh ra, có người cười nhạo khoái trá, có người trịch thượng hạch hỏi, cũng có người lờm tởm nhổ nước bọt hắng giọng khinh bỉ rồi bỏ đi. Con thấy tất cả những người này đều muốn nhận được câu trả lời của Đức Giêsu từ  trên Thánh Giá nhưng tuyệt nhiên Ngài không nói gì, không trả lời ai, vẫn gục đầu yên lặng.
Thấy Ngài gục đầu thấp hơn, và yên lặng sâu hơn, con càng lo sợ, kinh hãi, vì hơn ai hết, con cần được nghe Ngài nói, cần Ngài sống để cứu con, nhưng lạ lắm, sự yên lặng xem như thất thế, và tư thế  cúi đầu của người bị đánh gục của Đức Giêsu đã làm con cứng lưỡi, đơ họng, không nói được lời nào. Không biết có phải con nghi ngờ, không tin Ngài là Thiên Chúa, hay con không tin con là người có thể được cứu độ, vì con rất bệ rạc, tội lỗi ? Và mỗi bước nhanh hơn, đến gần hơn ngưỡng cửa vào sự chết, sự yên lặng thất bại của Đức Giêsu chịu đóng đinh càng làm con bối rối, nghi nan. Cho đến lúc chân phải con vừa chạm  ngưỡng cửa sự chết, thì bất ngờ có tiếng nói mà con nhận ra ngay là người gian phi đã được hứa Nước Thiên Đàng ngay hôm nay (x.Lc23,43).
  anh gian phi được phúc lớn đã ân cần chỉ bảo con : Này bạn, chớ có ăn nói hàm hồ, linh tinh, tào lao như những người đang chửi rủa, thách thức, lên án, diễu cợt Thiên Chúa. Bạn thấy đó, trước những câu hỏi  bất mãn,  những hạch hỏi phạm thượng, những chất vấn  phản phúc của những  người uất hận, kiêu căng, ích kỷ, vô ơn, Đức Giêsu đã không trả lời, cũng chẳng phân bua, giải trình, biện hộ, nhưng yên lặng cúi đầu.
Con nắm chặt tay anh, vì lúc này, anh đã lại gần bên con, và thân thiện đưa tay cho con nắm. Con đánh bạo hỏi : Nhưng tại sao Đức Giêsu lại trả lời anh và hứa cho anh Nước Thiên Đàng ngay hôm nay ?.
Nghe thế, mặt anh rạng ngời hạnh phúc và ôm lấy con căn dặn : Đúng vậy, trên Thánh Giá hôm ấy, ngoài những lời than thở, cầu nguyện với Chúa Cha : Lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con ? (Mc 15,34), Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm (Lc 23,34), Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha (Lc 23,46), và lời trăn trối với thân mẫu : Đây là con Bà, và với môn đệ Gioan : Đây là Mẹ con (Ga 19,26-27), Đức Giêsu đã không trả lời ai điều gì, ngoài nói với anh : Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng (Lc 23,43).
Con vội vàng hỏi : Nhưng anh hỏi Ngài điều gì và với cách nào mà Ngài đã trả lời anh, trong khi rất nhiều người khác nhao nhao, nhốn nháo lớn tiếng hỏi, mà Ngài vẫn cúi đầu yên lặng ?.
Anh đâu dám hỏi Ngài, mà anh có gì đâu mà hỏi, bởi suốt đời làm nghề ăn cướp, ăn ở bất lương, bất chính, tội lỗi đầy mình, có nhân đức, công trạng gì mà khiếu nại, kêu oan. Thấy Ngài vô tội, bị chết oan, mà chẳng thở than điều gì, hay oán trách ai, lại bao dung xin Thiên Chúa tha cho cả kẻ làm khốn mình, nên anh cảm phục, yêu mến Ngài, và tin Ngài chính là Con Thiên Chúa, bởi loài người, chẳng ai có thể yêu thương, rộng lượng như Ngài. Và vì tin yêu Ngài, anh đánh bạo xin Ngài thương xót, nhớ đến anh trong Nước vinh quang của Ngài. Không ngờ, Ngài cố nghiêng đầu qua phiá anh và âu yếm hứa : Ngay hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng. Dứt lời, anh rút nhẹ tay con ra, và biến mất. 
Chiều nay, cũng một mình, nhưng trong nghiã trang, như có lần mơ thấy thiên thần dắt con đi xem phần mộ của mình. Lá vàng đua nhau lã chã rơi phủ kín các dẫy mộ, sau mỗi cơn thở dốc của gió thu se lạnh, dưới bầu trời giăng kín mây xám buồn.
Hình ảnh và tiếng nói của anh thánh trộm lành vẫn mồn một, rõ nét trong con, và con khấp khởi vui mừng vì được anh thánh tận tình căn dặn :
Chúa chỉ trả lời những ai khiêm tốn xin Ngài thương xót, như đã trả lời và làm phép lạ chữa lành, xua đuổi ma qủy, cứu sống những ai xin Ngài xót thương, vì chỉ có lời cầu Xin Chúa thương xót con, xin Chúa thương xót chúng con mới làm Chúa chạnh lòng, vì Ngài là Lòng Thương Xót ; chỉ  lời nguyện nài xin ơn Thương Xót mới được Chúa đón nhận, bởi chúng ta không là gì, và chẳng có gì vĩ đại để hạch hỏi, yêu cầu, lại vô cùng bất xứng để  có thể khiếu nại, kể công. Chúng ta là tội nhân, chỉ có tội, có lỗi, có thiếu sót khuyết điểm, nên chỉ có thể khiêm tốn nài xin lòng thương xót.  
Nhớ lời anh dặn, con tập ngay từ bây giờ lời cầu xin của giờ lâm tử : Lạy Đức Giêsu, Thiên Chúa của con, xin thương xót và nhớ đến con !.
Ngước nhìn Thánh Giá giữa nghiã trang, con tạ ơn Chúa, cám ơn anh thánh gian phi, vì từ nay, con được bình an bước đi từng ngày gần về sự chết, như ngưỡng cửa vào Đời Sau, nhờ con đã được vị thánh đầu tiên do chính Đức Giêsu tuyên phong dặn dò : phải thưa với Chúa điều gì và thưa như thế nào ở giờ lâm chung. 
Jorathe Nắng Tím
   

“TỘI ÁC GIA ĐÌNH”

Nếu cụm từ Bạo lực gia đình thường được dùng để nói về những màn hành hung, đánh vợ như đánh quân thù, hay những cuộc cãi vả  giữa đêm khuya thường kết thúc bằng tiếng la khóc nhói tim, đánh thức hàng xóm, làm phiền láng giềng của người vợ mặt mũi tím bầm, áo quần xốc xếch bò lê bò càng dưới mũi giầy của anh chồng vũ phu, thì cụm từ ấy hôm nay xem ra không còn đủ khả năng diễn tả hết ý nghiã và sức nặng ngàn cân của những tội ác vô cùng ác đang thi nhau làm đổ máu, cướp đi mạng sống của người thân trong gia đình.
Thực vậy, cụm từ bạo lực gia đình làm sao có thể cân được tội ác của một Nguyễn Văn Đông sáng sớm ngày 1/9/2019  đã cầm dao qua nhà em ruột ở Đan Phượng, xã Hồng Hà, Hà Nội  và lấy đi mạng sống của  vợ chồng em trai  Nguyễn Văn Hải - Doãn Thị Việt, cháu gái Nguyễn Thị Bắc và bé Nguyễn Đỗ Huyền My, sinh ngày 22/6/2018, con của Đỗ Thị Hồng Nhung, con dâu ông Hải, người bị chém trọng thương, nhưng  may mắn sống sót; bạo lực gia đình sao đủ  vai rộng vác tội ác của Bùi Xuân Hồng ở Thái Nguyên, chỉ sau hai tuần cuộc thảm sát ở Đan Phượng, tối ngày 14/9/2019 đã chém  vợ chồng em gái Bùi Thị Hà, và cháu rể Nguyễn Thành Vương ; bạo lực gia đình làm sao đủ sức gánh gồng  tội ác qúa nặng nề của con rể Lưu Văn Nghiã ở thị xã Phổ Yên, Thái Nguyên, ngày 22/11/ 2019 đã dùng dao đâm  chết  mẹ vợ, làm trọng thương bố vợ, và bạo lực gia đình xem ra không còn số má, nói theo kiểu tay chơi, giang hồ để lý giải tội ác tầy trời của mẹ kế La Thị Thức khoảng trung tuần tháng 11/2019 đã  giết con trai riêng của chồng mới sáu tuổi là cháu Bàn Văn Thắng, rồi phi tang  xác tại vườn mía sau nhà. Gần nhất, vào chiều ngày 25/11/2019, Đắk Nông, chị Lâu Thị S, 18 tuổi bị chồng là Lâu A Chớ cùng tuổi đã dùng dao đâm nhiều nhát khiến nạn nhân tử vong tại chỗ, sau đó dìm xác xuống hố để phi tang.
Thực vậy, hiện trạng tội ác gia đình trên đất nước hôm nay không thể được coi như chuyện vợ chồng hục hặc lời qua tiếng lại, rồi đưa đến giằng co, đấm đá, và hồ sơ bạo lực gia đình ấy được đơn giản xếp vào hộc tủ của cơ quan hữu trách và mãi mãi không được lôi ra giải quyết, nhưng vì là tội ác với mức độ cực kỳ  tàn ác, khi lấy đi mạng sống của người khác ; vì là tội với hành vi gian ác, khi ra tay sát thủ để thực hiện cho bằng được thủ đọan, kế hoạch phi nhân ; vì là tội mang dấu ấn độc ác, mất hẳn tính nhân văn, nhân đạo, nên tội ác gia đình phải được mọi người, mọi gia đình và cộng đồng xã hội cùng suy nghĩ, bàn bạc, tìm ra nguyuên nhân và giải pháp đối phó hữu hiệu.
Cùng với qúy bạn, những người không ngừng thao thức và tha thiết với con người, gia đình, quê hương, đất nước, cũng như tương lai của giống nòi, người viết mạo muội xin được chia sẻ chút tâm tư :
1.   Không lẽ  chúng ta đang mất Gia Đình như Mái Ấm hạnh phúc, Bến Đỗ  bình an ?
Vẫn biết cuộc sống không tránh khỏi bạo lực và hậu qủa tang thương của nó, cũng như tội ác là sự thật không thể chối cãi trong thế giới loài người, nhưng bạo lực nghiễm nhiên ngự trị trong gia đình, và tội ác nghênh ngang, trân tráo thống trị, tác yêu tác quái ngay giữa lòng Mái Ấm hạnh phúc là gia đình thì qủa là điều khó tin, không thể chấp nhận, bởi bản chất của Gia Đình là Tổ  Ấm Yêu Thương, căn tính của Gia Đình là  Nôi Hạnh Phúc, đặc tính của Gia đình là Đường Về Hy Vọng, sứ mệnh của Gia Đình là Bến Đỗ Bình An cho mọi thành viên, thuộc về Gia Đình.
Vì thế, khi Gia Đình bị bạo lực, tội ác len lỏi vào phá hoại thì Gia Đình không còn là nơi  có tình mẹ cha ấm êm, có huyết thống anh em đậm đà, có niềm vui hiến dâng, có hạnh phúc lãnh nhận, có nước mắt cảm thông, có môi cười khuyến khích, có bước chân đồng hành, có bàn tay bảo vệ, nâng đỡ, nhưng bạo lực làm tan nát tất cả và tội ác tiêu diệt  sự thật, sự sống, tình yêu của gia đình.
Khi phá hoại sự thật của gia đình, bạo lực và tội ác làm nẩy mầm dối trá, nghi ngờ  giữa các thành viên; để tiêu diệt tình yêu gia đình, bạo lực và tội ác phát động phong trào ganh ghét, ghen tương, đố kỵ giữa cha mẹ, con cái, anh chị em ; nhằm đốn chặt sự sống gia đình, bạo lực, tội ác nhiệt liệt ủng hộ chiến dịch mạnh được yếu thua, giải quyết tất cả bằng đồng tiền và bạo lực, vì tiền thì vạn năng, và bạo lực là sức mạnh không gì có thể chống cưỡng.
Và hậu qủa là niềm tin không còn chỗ trong gia đình, khi người nhà không còn tin nhau, cha mẹ, con cái, anh chị em không còn dám nói thật với nhau, và sinh hoạt gia đình biến thành  canh bạc dối trá, lừa lọc ; hậu qủa là trong nhà không ai quan tâm đến hạnh phúc của ai, vì tình thân phai nhạt do tranh giành ảnh hưởng, mâu thuẫn vật chất ; hậu qủa là tình gia đình không còn là chất keo gắn bó mọi thành viên, không còn niềm tự hào giọt máu đào hơn ao nước lã, hay niềm an ủi anh em như thể tay chân, và không còn được nghe lời ru ngọt ngào tình nghiã : Bầu ơi thương lấy bí cùng hay Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau.
Vâng, nếu gia đình hôm nay trên đất nước này không còn là tổ ấm yêu thương cho những người con đang cần tình yêu để khôn lớn, vào đời ; nếu gia đình không còn là mái ấm hạnh phúc cho những con người bất hạnh vì thiếu may mắn trên đường đời nhiều chông gai, thử thách ; nếu gia đình không còn là đường về hy vọng cho những đứa con lỡ bước, lầm đường ; nếu gia đình không còn là bến đỗ bình an cho những đứa con sa cơ thất thế, lao đao, lận đận, bị đời xử tệ, bị người bạc đãi, bị xã hội truy lùng ; và nếu gia đình không còn là gia đình như phải là, ở đó cha mẹ yêu thương con cái, con cái thảo hiếu cha mẹ, tổ tiên, ông bà được tôn kính, họ hàng, láng diềng, bạn hữu được nể nang, qúy trọng thì không lạ gì khi  nghe kể cảnh hãi hùng cha đem hai con nhỏ ra biển nhận chìm, rồi giấu xác ; nghe tội ác vợ đồ xăng đốt sống chồng trong đêm ; nghe chuyện khủng khiếp  con dâu dùng giây xiết cổ mẹ chồng ; nghe cháu hãm hại bà nội bằng độc chất liều lượng cao.
Và nếu đúng như vậy, đúng là sự thật như báo chí, truyền thông lề phải, lề trái hằng ngày dồn dập đăng tải, thì chúng ta phải lương thiện nhận rằng : gia đình trên quê hương chúng ta đang bước vào thời kỳ khủng hoảng rất nghiêm trọng đe dọa sự tồn vong của gia đình truyền thống.
2.   Đâu là nguyên nhân đưa đến tội ác trong gia đình ? 
a.   Bầu Khí Bạo Lực :
Tục ngữ Việt Nam có câu : Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài hay Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng để diễn tả ảnh hưởng của môi trường sống, ảnh hưởng của không gian tiếp cận, ảnh hưởng của những người chúng ta giao lưu, sinh hoạt. Cũng vậy, khi phải sống trong bầu khí của dối trá, bon chen, tranh giành, đấu đá, hay  bê tha, đồi trụy, chúng ta khó có thể giữ tâm hồn lương thiện, bác ái, trong sạch. Bị đặt vào hoàn cảnh sống với những người coi bạo lực là sức mạnh để áp đảo, chiến thắng, chọn  bạo lực làm phương án, lấy bạo lực làm phương tiện giải quyết mọi việc, vì xác tín bạo lực có sức lèo lái o ép đối tác, có  uy lực làm sợ hãi đối phương, có khả năng đánh gục, tiêu diệt đối thủ, chúng ta sẽ dần dà bị ô nhiễm lối tư duy, lý giải  gian ác ; học đòi thói ăn nói dữ dằn, hung bạo ; quen thuộc thói cư xử côn đồ, bợm trợn, và hành xử không ngượng ngùng như những người vô cảm, tàn nhẫn.
Nhìn vào gia đình, học đường, sở làm, đường phố, và sinh hoạt xã hội nói chung, chúng ta thấy gì ?
Chúng ta thấy ngày càng nhiều những cảnh bạo lực gia đình như vợ chồng đánh cãi nhau, con cái bị cha mẹ hành hạ, lạm dụng tình dục, hoặc đem bán ; chúng ta đau lòng nhìn cảnh thầy giáo vô lương tâm hà hiếp học trò, học trò ngược ngaọ, côn đồ chặn đường đe dọa, hành hung thầy cô ; chúng ta chán ngán trước cảnh đồng nghiệp đạp nhau mà lên, bôi nhọ, vu khống, giăng bẫy nhau để tiến thân ; ngoài đường phố, chúng ta ngay ngáy sợ bị chém oan, nơm nớp lo bị giật bóp, và trong sinh hoạt xã hội, chúng ta không biết tai hoạ đổ xuống lúc nào, tai ương ập đến khi nao, bởi gươm giáo khắp nơi, bạo lực rình rập ngay đầu ngõ. Đó là chưa kể phim ảnh bạo lực, thông tin bạo lực nhan nhản hằng ngày, hằng  đêm tràn ngập ám ảnh không chỉ tâm trí  non nớt, ngây thơ của tuổi thơ, tuổi trẻ, mà cả tuổi thành niên, người lớn. Tất cả đã đưa bạo lực lên đài vinh quang, tạo cho bạo lực một thế đứng bất khả xâm phạm, và tôn vinh bạo lực như phương tiện giải quyết mau chóng, ráo ruốt, hữu hiệu mọi vấn đề. Cũng chính vì tính hữu hiệu của bạo lực, mà người ta không còn quan tâm tìm kiếm những cách giải quyết không bạo lực, nhưng hoà bình, nhân bản khác như đối thoại, hoà giải, thương lượng, nhịn nhường.  
Tóm lại, bầu khí bạo lực không là môi trường tốt giúp phát sinh ý nghĩ  hiền lành, ngôn từ đằm thắm, hành vi thân thiện. Bầu khí bạo lực ấy cũng không là thửa đất tốt  cho hạt giống nhân hậu nẩy mầm, cây nhân ái tươi xanh, hoa nhân đạo kết trái, nhưng giết chết từng ngày tình thân, tình nghiã, tình người. Và điều đáng buồn, đáng tiếc là bầu khí bạo lực độc hại ấy đang bao phủ, đè nặng trên quê hương, đất nước chúng ta, và là nỗi ưu tư hàng đầu của những con người còn yêu mến, và muốn giữ gìn  căn tính gia đình .            
b.   Chủ nghiã  thực dụng và mãnh lực của đồng tiền :
Chủ nghĩa thực dụng đưa con người đến một nguyên tắc rất ngắn, gọn, nhưng vô cùng tàn phá, đó là : cái gì có lợi thì làm, người nào có lợi thì chơi, ở đâu có lợi thì đến. Lợi là lợi cho cái tôi, chứ không lợi cho người khác, cho xã hội, nên người thực dụng không có gì trong đầu ngoài cái tôi trục lợi, không lẽ sống nào ngoài ham lợi, không động lực nào ngoài thủ lợi, nên khi không có lợi  thì loại bỏ ngay. Họ loại bỏ  dễ dàng những người không đem lợi cho họ, ngay cả cha mẹ, vợ con, anh chị em, bạn hữu ; họ lọai bỏ không tiếc thương  những gì không có lợi, hay vừa hết lợi, kể cả lý tưởng, chính nghiã, gia đình, dân tộc, tôn giáo ; họ ngang nhiên loại bỏ cả những ai đã đóng góp xây dựng làm nên đời họ, nếu không còn sinh lợi cho họ.
Do đó, trong chủ nghiã thực dụng, những giá trị nhân văn, đạo đức, luân lý, tâm linh đều bị coi thường, bỏ quên, và được thay thế bằng một thứ giá trị mới, đó là vật chất, vì mục tiêu của chủ nghiã thực dụng không gì khác hơn là vật chất. Cứu cánh cuộc đời của người thực dụng từ nay là đồng tiền, nên sẽ không khó hiểu, khi không có một đối tượng nhân loại nào, dù là đồng môn, đồng song, đồng lân, đồng hương, đồng bào, đồng chí, đồng loại  lớn hơn đồng tiền, qúy hơn đồng tiền, vượt xa đồng tiền, vì hơn các thứ đồng vừa kể, đồng tiền có mãnh lực chiến thắng, có ma lực hớp hồn, có uy lực không chế, có quyền lực trấn áp, đè bẹp. Chẳng thế mà trong đời thường, nhân gian vẫn  kháo láo với nhau như một chân lý : khách hàng là thượng đế để suy tôn người có tiền lên hàng thần tượng, cũng như cái gì không giải quyết được bằng tiền, thì bằng rất nhiều tiền để diễn tả sức mạnh vô song, bách chiến bách thắng của đồng tiền vạn năng.  
Một xã hội chỉ có tiền là giá trị, sức mạnh, và lẽ sống, thì bạo lực có  rất nhiều cơ may hoành hành, thống lãnh, bởi bạo lực được lợi dụng để  kiếm tiền, được sử dụng để giữ tiền, được trọng dụng để làm tiền ; bởi tiền và bạo lực là mặt trái, mặt phải của bàn tay thực dụng. Cả hai  rất xứng đôi vừa lứa, dựa dẫm nhau đi lên trong sinh hoạt của thế giới thực dụng .
Nhìn lại thảm cảnh tội ác gia đình, chúng ta thấy hầu hết đều chung một nguyên nhân vật chất, đó là mâu thuẫn tiền bạc, tranh chấp của cải, đất đai. Ở Đan Phượng, anh Nguyễn Văn Đông đã chém chết em trai và nhiều người chỉ vì nửa thước đất ; anh Bùi Xuân Hồng thảm sát em gái cũng vì món nợ ba tỷ ; cả hai vụ thảm sát do Lưu Văn Nghiã giết cha mẹ vợ và La Thị Thức giết con riêng của chồng cũng có nguyên nhân xa từ chuyện tiền bạc.
Thực vậy, khi tiền bạc, của cải trở thành giá trị duy nhất trong xã hội  thực dụng thì bạo lực có chỗ đứng quan trọng và nắm giữ vai trò quyết định, bởi vì thực dụng, nên khi có mâu thuẫn, va chạm, đụng độ trong cuộc sống, người ta không biết dùng đến phương tiện nào khác, không quen tìm đến giải pháp nào khác ngoài bạo lực, chỉ vì không còn ý thức và khả năng quy chiếu vào những giá trị đạo đức, nhân văn cao đẹp khác.       
c.     Vắng bóng  giá trị tâm linh :
Giá trị tâm linh rất quan trọng, vì giá trị này tạo quân bình cho đời sống. Không niềm tin vào Đấng Thiêng Liêng có quyền trên sự sống, sự chết của con người ; có quyền thưởng phạt những hành vi tốt xấu, thiện ác, lành dữ của từng cá nhân, người ta sẽ bất chấp tội ác, và tự cho mình quyền làm tất cả những gì mình muốn, dù đó là những việc làm vi phạm luật tự nhiên, luật luân lý, luật dân sự. Tội ác sẽ trở thành chuyện bình thường, và người ta thực hiện tội ác mà không gớm tay, rùng mình, vì không tin vào  Đấng thiêng liêng, khi cho rằng : đời người sẽ kết thúc ở hư vô : người tốt, kẻ xấu, người sống ngay lành, lương thiện, hay tội đồ, ác nhân, tất cả đều trở về hư vô, cát bụi , nên sẽ chẳng có công phúc, thưởng phạt, hay sướng khổ gì, bởi hoá thân hư vô thì làm gì  còn trách nhiệm trả lời về việc làm của mình ; bởi con người thuần vật chất, thì làm gì có thế giới đời sau, có linh hồn bất tử để chịu phạt vì đã làm tội ác.
Chủ trương con người không linh hồn, không bất tử, không đời sau, không nhân qủa, không thưởng phạt rất dễ đưa con người đến hành vi tội ác. Đó là kết qủa quyết của các nhà tâm lý và tội phạm học.    
3.   Chúng ta phải làm gì để ngăn chặn tội ác xâm nhập phá hoại gia đình ?

a.   Chúng ta làm gương sáng:
Nhân chi sơ, tính bản thiện, nhưng tính bản thiện sẽ phôi pha, mờ nhạt, nhường chỗ cho gian ác, bạo lực, nếu tính bản thiện không được phát huy nhờ gương sáng. Gương sáng nhân hậu, từ tâm, hiền lành, bao dung, quảng đại, vui tươi của cha mẹ xây dựng tâm hồn hiền hoà, uốn nắn trái tim nhân ái của con cái ; gương sáng nhẫn nhục, không ghen tương, không nóng giận, không vênh vang, tự đắc, không nghênh ngang côn đồ,  không thô tục chửi rủa, nhưng thái độ dĩ hoà vi qúy, yêu chuộng hoà bình, cởi mở đối thoại, thân thiện, hoà nhã của người lớn trong gia đình sẽ tạo nên nếp nghĩ, nguyên tắc phân định, và tiêu chuẩn chọn lựa  đầy tính nhân văn, đạo đức nơi các em nhỏ trong nhà.
Gương sáng luôn đánh động, vì gương sáng sống động và tác động mạnh mẽ trên nhân cách người thấy gương sáng. Một gia đình có cha mẹ biết làm gương sáng sẽ có đàn con ngoan ngoãn, đạo hạnh. Trái lại, thiếu gương sáng trong gia đình, mọi nết xấu sẽ thi nhau đổ vào biến gia đình thành hang ổ của tội ác.
b.   Chúng ta giáo dục tâm hồn con em:
Tuổi thơ như  búp măng non, nếu không uốn nắn, sẽ thành tre cứng cỏi, ngang ngược. Giáo dục rất cần thiết, vì con người cần được giáo dục, nếu không sẽ không thành nhân, nhưng thành bất nhân ; không thành người thiện tâm, nhưng thành người ác tâm ; không thành người xây dựng, nhưng thành người phá hoại gia đình, xã hội ; không thành người mang lại hạnh phúc, nhưng thành kẻ gieo tai hoạ cho mình và người khác.
Giáo dục tâm hồn hệ tại  gieo vãi hạt giống yêu thương, tôn trọng, biết ơn người khác, nhất là những người có công sinh thành, nuôi dưỡng, làm nên cuộc đời mình ; là vun trồng lòng trân qúy sự sống của mình và của người khác, và bằng mọi giá bảo vệ và phát huy sự sống ấy ; là xây dựng một lương tâm trong sáng, không gian dối, nhưng tôn trọng sự thật ; là làm chan hoà niềm vui sống, tinh thần lạc quan ; là đào tạo trái tim biết yêu thiên nhiên, thương thú vật, bảo vệ môi sinh. Được như thế, con người sẽ quân bình với nếp sống có trách nhiệm và nhân ái. Nhờ đó, tội ác sẽ không có cửa lọt vào gia đình, và thảm cảnh cha mẹ giết con, anh em chém nhau, con rể đâm chết bố mẹ vợ sẽ không còn làm tan nát cõi lòng người thân, phá nát mái ấm yêu thương, và thiêu rụi nhiều thế hệ tương lai của gia đình.  
Hy vọng tâm tư trên của người viết đã được bạn ít nhiều chia sẻ. Xin được cùng Bạn ước mong và nguyện cầu cho tất cả các gia đình Việt Nam chúng ta được bình an giữa cuộc sống nhiều thách đố cam go.
Jorathe Nắng Tím