Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 26 tháng 11, 2019

HẠNH PHÚC CỦA NHÀ TRUYỀN GIÁO

Suy Niệm TIN MỪNG Lễ Kính Thánh Phanxicô Xaviê
Khi nói Hạnh Phúc của nhà truyền giáo, người viết không chỉ chiêm ngưỡng nhà truyền giáo hạnh phúc trên đường rao giảng Tin Mừng, mà còn mong thấy những người được truyền giáo cũng hạnh phúc như các vị. Và như thế mới đúng ý nghiã của hạnh phúc, khi kẻ cho người nhận, cả hai cùng hạnh phúc !
Vì Lời Chúa là Tin Vui, sứ điệp của Chúa là Tin Mừng (x.Mt 4,23), Hiến Chương Nước Chúa là Hạnh Phúc (x.Mt 5,3-12), kinh nguyện Chúa dạy là niềm Ủi An (x. Mt 6,9-13), Lời Hứa của Chúa là Hy Vọng (x. Lc 1,54-55), Lương thực Chúa ban là Bánh Hằng Sống (x. Ga 6, 26-71), nên khó có thể quan niệm một nhà truyền giáo không hạnh phúc, vì những điều vị ấy loan truyền cho người khác đều là những giá trị tuyệt vời, mang lại kết qủa tuyệt vời. Cũng vậy, người nhận những giá trị này không thể là người bất hạnh, vì có gì tiêu cực trong sứ điệp được loan báo đâu ? Hơn thế nữa, khi đi vào cốt lõi, truyền giáo chính là loan truyền Đức Giêsu, Đấng là Thiên Chúa làm người. Ngài là Đường, Sự Thật và Sự Sống cho nhân loại không còn phải đi trong đêm tối của lầm lạc, và được sống đời đời. Ngài là Hạnh Phúc được loan báo và Hạnh Phúc được đón nhận, vì Ngài đến để ban Bình An của Ngài, Bình An mà thế gian không ban được, và hạnh phúc lớn nhất của con người, đời người, chính là được Bình An.
Nhưng trong thực tế, tình trạng nhà truyền giáo và người được truyền giáo không hạnh phúc cũng không phải là những trường hợp họa hiếm, khó tìm. Vậy đâu là nguyên nhân đưa đến tình trạng đáng buồn, ngược với Tin Mừng này ?
Chúng ta cùng tìm câu trả lời cho vấn nạn này, bằng cách nhìn vào những người được Thiên Chúa gọi, và sai đi trong Kinh Thánh.
Trước hết là Ápraham, cha của những kẻ tin, khi Thiên Chúa gọi ông Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi mà đi đến đất Ta sẽ chỉ cho ngươi. Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn, sẽ chúc phúc cho ngươi (St 12,1) và dòng dõi ngươi sẽ đông như sao trên trời, như cát dưới biển (x. St 15,5-6.10). Nhưng Lời Hứa làm tổ phụ của Ápraham lập tức bị đe dọa bởi giới hạn không thể vượt qua bằng sức người có hạn, đó là hai vợ chồng ông đã già, không còn có thể sinh con, ông  đã một trăm tuổi, bà thì vừa tròn chín mươi (x. St 7,17).
Ápraham và Xara, vợ ông đều nhận ra giới hạn tuổi tác của mình trước Lời Hứa của Thiên Chúa, nên ông đã cúi đầu tủm tỉm cười (St 17,17). Riêng Xara thì sơ ý bật cười trước mặt sứ thần của Thiên Chúa giả làm khách đi đường, khi ngài bảo Ápraham : Sang năm, tôi sẽ trở lại thăm ông, và khi đó, bà Xara, vợ ông sẽ có một con trai (St 18,10). Vâng, chính khi Xara nhận Mình đã cằn cỗi  … và  ông nhà mình lại là một ông lão ! (St 18,11), là lúc Thiên Chúa cho ông bà nhận ra quyền năng vô hạn của Ngài : Nào có điều gì kỳ diệu vượt sức Đức Chúa đâu ? (St 18,14).
Khi gọi và giao phó sứ mệnh giải phóng Ítraen khỏi tay Pharaô, và dẫn dân ra khỏi Ai Cập (x. Xh 3,7-10), Môsê đã nhận ra giới hạn của mình và thưa với Thiên Chúa : Con là ai mà dám đến với Pharaô và đưa con cái Ítraen ra khỏi Ai Cập ? (Xh 3,11). Môsê không chỉ nhận ra giới hạn về nhân thân, gia thế không có gì đáng nói của mình, mà còn biết mình không có khả năng ăn nói, nếu không muốn nói là ăn nói khó khăn, cà lăm, ngọng nghịu (x. Xh 4,10). Và Môsê đã nhận ra quyền năng của Thiên Chúa qua Lời Ngài : Ai cho con người có mồm có miệng ? Ai làm cho nó phải câm phải điếc, cho mắt nó sáng hay phải mù loà ? Há chẳng phải là Ta, Đức Chúa đó sao ? Vậy bây giờ ngươi hãy đi, chính Ta sẽ ngự nơi miệng ngươi, và Ta sẽ cchỉ cho ngươi phải nói những gì (Xh 4,11-12), khi ông biết mình còn nhiều giới hạn.    
Một nhân vật nổi bật của Tân Ước và gần gũi chúng ta là Phaolô, nhà truyền giáo nổi tiếng, vị tông đồ dân ngoại. Ngài đã chia sẻ sống động tâm tình của một nhà truyền giáo và những kinh nghiệm truyền giáo rất qúy báu của ngài. Những tâm tình và kinh nghiệm ấy xoay quanh ơn gọi được sai đi từ Thiên Chúa toàn năng và thân phận yếu đuối, mỏng dòn, với khả năng  giới hạn của người được sai đi loan báo Tin Mừng .
Ngay trong Công Vụ các Tông Đồ, Phaolô đã tự thú hành vi bắt đạo rất bất xứng của mình trước những người Do Thái ở Giêrusalem : Tôi đã bắt bớ Đạo này, không ngần ngại giết kẻ theo Đạo, đã đóng xiềng và tống ngục cả đàn ông lẫn đàn bà, như cả vị thượng tế lẫn toàn thể hội đồng kỳ mục có thể làm chứng cho tôi. Tôi còn được các vị ấy cho thư giới thiệu với anh em ở Đamát, và tôi đi để bắt trói những người ở đó, giải về Giêrusalem trừng trị (Cv 22,4-5).
Trong thư gửi giáo đoàn Rôma, Phaolô tự nhận mình không ngừng phải chiến đấu với chính mình vì tội lỗi trong mình : Vẫn biết rằng Lề Luật là bởi Thần Khí, nhưng tôi thì lại mang tính xác thịt, bị bán làm tôi cho tội lỗi. Thật vậy, làm gì tôi cũng chẳng hiểu : vì điều tôi muốn thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét, thì tôi lại cứ làm… Vậy thật ra không còn phải là chính tôi làm điều đó, nhưng là tội vẫn ở trong tôi. Tôi biết rằng sự thiện không ở trong tôi, nghiã là trong xác thịt tôi. Sự thiện tôi muốn, thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm. Nếu tôi cứ làm điều tôi không muốn, thì không còn phải chính tôi làm điều đó, nhưng là tội lỗi vẫn ở trong tô (Rm 7,14-20).
Nhưng chính khi nhận mình là người bất xứng với ơn gọi tông đồ, vì tay đã nhuốm máu người có Đạo, và bản thân nhiều tội, nhà truyền giáo Phaolô đã nhận ra :
a.   Thiên Chúa đã không cần đến sự tài giỏi, khôn ngoan, khéo léo của thế gian, nghiã là không cần đến khả năng của người được sai đi theo tiêu chuẩn định giá của con người, cho bằng cần người được sai đi nhận ra giới hạn của mình, và vô hạn của Thiên Chúa.
Trong thư gửi giáo đoàn Côrinthô, thánh nhân viết : Qủa thực, Đức Kitô đã chẳng sai tôi đi làm phép rửa, nhưng sai tôi đi rao giảng Tin Mừng, và rao giảng không phải bằng lời lẽ khôn khéo, để thập giá Đức Kitô khỏi trở nên vô hiệu. Thật thế, lời rao giảng về thập giá là một sự điên rồ đối với những kẻ đang trên đà hư mất, nhưng đối với chúng ta là những người được cứu độ, thì đó lại là sức mạnh của Thiên Chúa (1 Cr 1,17-18).
Và ngài mời gọi mọi người cùng ngài nhận ra tiêu chuẩn chọn cộng sự viên truyền giáo của Thiên Chúa : Thưa anh em, anh em thử nghĩ lại xem : khi anh em được Chúa kêu gọi, thì trong anh em, đâu có mấy kẻ khôn ngoan trước mặt người đời, đâu có mấy người quyền thế, mấy người qúy phái. Song những gì thế gian cho là điên dại thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ khôn ngoan, và những gì thế gian cho là yếu kém, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ hùng mạnh ; những gì thế gian cho là hèn mạt không đáng kể, là không có, thì Thiên Chúa đã chọn để hủy diệt những gì hiện có, hầu không một phàm nhân nào dám tự phụ trước mặt Người (1 Cr 1,26-29).        
b.  Thiên Chúa là sức mạnh của nhà truyền giáo.
Nhà truyền giáo làm công việc của Thiên Chúa, khi được sai đi loan báo Tin Mừng cho nhân loại, nên người bảo đảm cho việc loan báo Tin Mừng chính là Thiên Chúa, chứ không là nhà truyền giáo. Vì thế, thiếu ý thức mình chỉ là dụng cụ bé nhỏ, khí cụ thô sơ, đầy tớ vô ích chỉ biết làm việc ông chủ sai, thực hiện ý ông chủ muốn, thì việc truyền giáo không mang lại kết qủa như Thiên Chúa mong muốn, bởi điều quan trọng nhất trong truyền giáo, chính là Thiên Chúa được đón nhận, vinh danh, và yêu mến, chứ không phải bản thân nhà truyền giáo, như phương châm truyền giáo của thánh Gioan Tiền Hô : Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ đi (Ga 3,30). Thế nên, trong mọi việc, mọi hoàn cảnh, nhà truyền giáo tìm sức mạnh ở một mình Thiên Chúa, mà không quy chiếu vào mình, cũng không dựa vào một thế lực nào khác.
Ở bất cứ thời nào đều không thiếu những nhà truyền giáo, vì muốn công việc truyền giáo sớm thành công, dự án truyền giáo chóng được thực hiện đã tìm những giải pháp không xứng hợp với đòi hỏi của Tin Mừng, có khi còn ngược lại Tin Mừng. Điều này không những không đem lại hoa trái thiêng liêng đích thực, mà còn là dịp tội lôi kéo nhà truyền giáo kiêu căng, tự mãn, khi khẳng định mình qua những thành công  bên ngoài, điều mà Xatan rất mong muốn. Trái lại, Thiên Chúa yêu thích tâm hồn đơn sơ, phó thác của nhà truyền giáo biết mình yếu đuối, nhiều giới hạn, để chỉ biết trông cậy vào sức mạnh của Thiên Chúa, như nhà truyền giáo Phaolô đã chia sẻ : Người qủa quyết với tôi : Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối. Thế nên tôi rất vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đức Kitô ở mãi trong tôi. Vì vậy, tôi cảm thấy vui sướng khi mình yếu đuối, khi bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Đức Kitô. Vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh (2 Cr 12,9-10).
Vâng, trên đường truyền giáo, cơn cám dỗ lớn nhất chính là phải làm được việc, nhưng không phải lúc nào cũng được làm việc, để làm được việc. Vì thế, nếu chỉ nghĩ mình khôn ngoan, tài giỏi, có khả năng, mà quên sự khôn ngoan của Thiên Chúa khác xa sự khôn ngoan của người đời ; quên sự yếu đuối của mình  là sức mạnh của Thiên Chúa, quên giới hạn của mình là vô hạn của Đấng sai đi, chúng ta sẽ khó tránh khỏi bất mãn, nản lòng  khi phải chứng kiến bề ngoài thất bại của công việc truyền giáo, bề ngoài bế tắc, đổ vỡ của công cuộc truyền giáo, bề ngoài tan hoang, đổ nát của công trình truyền giáo, và như thế, chúng ta sẽ là những nhà truyền giáo thất vọng với Tin Mừng Hy Vọng, những thừa sai bất hạnh trong sứ vụ loan báo Nước Trời Hạnh Phúc, những người được sai đi sầu buồn, nghi nan trên đường gieo rắc Niềm Vui và  Bình An của Thiên Chúa.
Không chân nhận giới hạn của mình, nhất là khi được gọi vào vai trò trọng yếu của phẩm trật, hoặc được trao trách nhiệm lớn, ngồi ghế cao, khó thay thế, nhà truyền giáo sẽ dễ quên mình chỉ là khí cụ có giới hạn, đầy tớ có thể thay thế, con người bất toàn, mà hậu qủa sẽ là thái độ kiêu căng, loại trừ đối thủ, đối phương ; thái độ cục bộ, khép kín để xây dựng pháo đài, mạng lưới phe cánh, và thái độ độc đoán, độc tài, ra sức củng cố quyền lực. Cơn cám dỗ này thường được  khéo léo ngụy trang dưới nhiều chiêu bài nghe rất êm tai, nhìn rất tốt đẹp, nhưng thực chất chỉ là công trình xây dựng thanh thế cá nhân của nhà truyền giáo, mà quên hẳn việc loan báo, làm chứng Đức Kitô chịu đóng đinh. Và một trong những dấu chỉ của nhà truyền giáo thoái hoá, chính là độc quyền truyền giáo.
Thánh Phaolô, nhà truyền giáo dầy kinh nghiệm đã cảnh báo cám dỗ độc quyền truyền giáo và gương xấu ganh ghét, cạnh tranh trong  truyền giáo giữa những nhà truyền giáo tự cho mình là toàn năng, vô hạn khi nhấn mạnh quyền thánh hoá, đổi mới các tâm hồn là quyền của Thiên Chúa, vì ngoài Thiên Chúa, không ai có thể đổi mới, thánh hoá ai, vì tất cả chỉ là dụng cụ bất toàn, ngay cả các tông đồ tuy được thánh hiến cũng chỉ là những cộng sự viên, những khí cụ, những đầy tớ vô dụng, chỉ biết chu toàn công việc được  ông chủ là Thiên Chúa trao phó.
Như hồi chuông cảnh tỉnh, thánh nhân đã viết cho giáo đoàn Côrinthô : Bao lâu giữa anh em có sự ghen tương, cãi cọ, thì anh em chẳng phải là những con người sống theo tính xác thịt và theo thói người phàm sao ? Khi người này nói : Tôi, tôi thuộc về ông Phaolô, và người khác : Tôi, tôi thuộc về ông Apôlô, thì anh em chẳng phải là người phàm tục sao ? Vậy Apôlô là gì ? Phaolô là gì ? Đó là những tôi tớ đã giúp cho anh em có đức tin, mỗi người đã làm theo khả năng Chúa ban. Tôi trồng, anh Apôlô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên. Vì thế, kẻ trồng hay người tưới chẳng là gì cả, nhưng Thiên Chúa, Đấng làm cho lớn lên, mới đáng kể…. Theo ơn Thiên Chúa đã ban cho tôi, tôi đặt nền móng như một kiến trúc sư lành nghề, còn người khác thì xây trên nền móng đó. Nhưng ai nấy phải coi chừng về cách mình xây cất. Vì không ai có thể đặt nền móng nào khác ngoài nền móng đã đặt sẵn là Đức Giêsu Kitô (1 Cr 3, 3-11).
Thực vậy, nhà truyền giáo chỉ hạnh phúc trên đường truyền giáo khi đặt tất cả thao thức, ước mơ, dự án, kế họach và công trình truyền giáo của mình trên nền tảng đã được đặt sẵn là Đức Giêsu Kitô, nghiã là mọi hy vọng, việc làm, thành qủa truyền giáo đều quy chiếu và thuộc về một mình Ngài, để tâm hồn nhà truyền giáo luôn an bình, hồn nhiên, phó thác, vì biết mình có giới hạn, cho dù được thánh hiến, sai đi ; để cuộc sống nhà truyền giáo luôn rạng ngời, hạnh phúc vì biết yếu đuối của tôi là sức mạnh của Thiên Chúa. Và một khi nhà truyền giáo hạnh phúc trong Chúa, thì người được nghe loan báo Tin Mừng cũng được tràn đầy Bình An, vì họ được đích thân gặp Đức Giêsu qua nhà truyền giáo khiêm nhường biết nhỏ đi để Thiên Chúa lớn lên ; được nghe tỏ tường Lời Đức Giêsu, nhờ nhà truyền giáo biết nhỏ nhẹ, khoan thai, mà không tự đắc oang oang lấn át Lời Hằng Sống ; được lại gần bên Đức Giêsu giầu lòng thương xót, nhân hậu, nhờ nhà truyền giáo biết chạnh lòng, cảm thương mà không gay gắt xua đuổi.
Mừng lễ thánh Phanxicô Xaviê, nhà truyền giáo nhiệt thành của thế kỷ XVI với những bước chân thừa sai làm rực rỡ vườn hoa Giáo Hội Châu Á. Với tinh thần khiêm tốn luôn biết mình chỉ là khí cụ có giới hạn trong tay Thiên Chúa toàn năng vô hạn, và niềm xác tín : Sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối của con (x. 2 Cr 12,9), thánh nhân đã sống một đời truyền giáo Hạnh Phúc, và đem Hạnh Phúc của Tin Mừng Cứu Độ cho hết mọi người trên muôn nẻo đường truyền giáo của ngài để loan báo Đức Giêsu chịu đóng đinh.
Đây cũng là dịp chúng ta cầu nguyện cho các nhà truyền giáo. Xin cho các vị tinh thần khiêm tốn biết mình là khí cụ có giới hạn và luôn dựa vào Thiên Chúa là sức mạnh trong yếu đuối của mình, để không kiêu căng, tự đắc khi thành công, cũng không nản chí, thất vọng khi gặp khó khăn, thất bại trên đường truyền giáo luôn có Đức Giêsu đồng hành.
Jorathe Nắng Tím