Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 3 tháng 12, 2019

VĂN HÓA LƯƠNG THIỆN

Không cần cắt nghiã dài dòng, cũng chẳng cần ngọn nguồn lý giải, mọi người đều hiểu thế nào là trung thực, chân chất và thế nào là xảo trá, lưu manh ; thế nào là lòng ngay, tâm sáng, và thế nào là lòng lang dạ thú ; thế nào là tâm tốt, tâm lành, và thế nào là ác tâm, dã tâm. Hai chữ lương thiện bao gồm hầu như tất cả tinh hoa của con người, cao qúy của nhân cách, tốt đẹp của nhân phẩm. Hai chữ lương thiện nói lên giá trị tuyệt vời ở một con người, đức tính sáng ngời  của một cuộc đời, và nét đẹp không bao giờ tàn phai, héo úa của một đời người đáng sống.
Vì thế, lương thiện không là một đức tính nhỏ, phụ thuộc, như một phụ tùng có cũng được, không có cũng không sao, nhưng là đức tính quyết định, vì lương thiện là nền tảng của đời sống làm người, nguyên tắc căn bản của luật sống, rường cột của sinh hoạt luân lý, đạo đức. Thiếu lương thiện, người ta không thể sống xứng đáng đời làm người ; không lương thiện, tất cả sinh hoạt của đời sống sẽ trở thành phi nhân, phi đạo đức, và người ta không thể thực hiện bất cứ hành vi nhân nghiã, lý tưởng nhân đạo, đường lối nhân ái nào.    
Bởi lương thiện đòi tuyệt đối tôn trọng sự thật của bản thân, nên người không lương thiện sẽ kiêu căng, tự cao tự đại, huyênh hoang thổi phồng những điều tốt đẹp họ không có, và ém nhẹm, giấu diếm, ngụy trang những điều xấu ở họ ; bởi lương thiện là công bình và khách quan nhìn nhận sự thật của người khác, nên thiếu lương thiện, người ta sẽ không nhận điều hay việc tốt của người, mà chỉ xâm xoi nhìn những thiếu sót, khuyết điểm, lỗi lầm, mảng tối cuộc đời của người cùng sống. Kết qủa là sự thật sẽ thay đổi theo cảm tính và nhiệt độ ích kỷ, gian ác của người thiếu lương thiện và sẽ chẳng có sự thật nào tồn tại, vì không được tôn trọng và nhìn nhận cách khách quan, công bình.
Bởi lương thiện là tuyệt đối tôn trọng quyền sống và mọi quyền lợi khác của con người, nên sự sống, đời sống của người khác sẽ chỉ được coi như phương tiện phục vụ tham vọng bất chính và đòi hỏi thuộc bản năng của người thiếu lương thiện ; bởi lương thiện đòi mọi người không làm cho người khác điều mình không muốn người khác làm cho mình, nên khi làm ngược lại đòi hỏi của lương thiện, người ta xâm phạm, làm tổn thương trầm trọng đồng loại bằng nhiều cách, dưới nhiều hình thức ; bởi lương thiện là dấu ấn của người có trí sáng  nhân đạo, có tâm lành nhân ái, nên khi ánh sáng lương thiện lịm tắt, sẽ không chỉ nhân bản, nhân văn, nhân ái, nhân đạo tắt theo, mà cả nhân loại phải chìm  trong biển khổ.
Dìm nhau trong biển khổ khi thiếu lương thiện trong lời nói, để trắng trợn tố cáo oan uổng, trân tráo làm chứng gian, hồ đồ tung tin đồn thất thiệt, ngang ngược thêu dệt những chuyện tầy trời nhằm hạ danh dự, uy tín của người khác ; làm chìm cuộc đời  hạnh phúc của nhau trong biển khổ nhục nhằn, khi không chút lương thiện trong ý nghĩ đen tối, nhơ bẩn, bất công, và mưu đồ, thủ đọan đốn gục hiện tại bình an của người khác ; nhận chìm tương lai của nhau trong biển chết, khi bất cần lương thiện, bất chấp tiếng nói của lương tri, và nhẫn tâm thực hiện những hành động phi nhân, hành vi dã thú trên sự sống con người, mà không chút áy náy, hối hận.            
Tóm lại, khi không còn lương thiện, người ta sẽ tư duy như người không lý trí, phát ngôn như người không trái tim, và hành động như người không nhân tính, bởi một lý do duy nhất : đã làm người thì phải có lòng nhân, như bản vị của nhân tính, phải có lòng tốt như căn bản của loài người, phải trung thực như nền tảng của tương giao nhân vị, mà chúng ta gọi tắt là tính bản thiện, hay bản chất lương thiện.
Thực vậy, nếu các đức tính nhân văn, kể cả nhiều nhân đức siêu nhiên lệ thuộc tính lương thiện, thì lương thiện đòi phải có nền tảng công bằng, bởi không công bằng, lương thiện thiếu chân đứng, bệ phóng xa hơn trong sinh hoạt.
    Công bằng là ý thức luân lý, là đòi hỏi căn bản của đạo đức. Ngay cả người có lòng bác ái, vị tha, xả thân cho đời cũng phải quy chiếu mọi sinh hoạt trên công bằng, và quan tâm để công bằng không bị bỏ quên, bởi có khi yêu người xa lạ thái quá, mà bỏ quên bổn phận công bằng phải yêu thương gia đình, con cái; có khi đêm ngày vất vả ngược xuôi chạy việc cho bàn dân thiên hạ, mà quên nghiã vụ công bằng phải săn sóc, phụng dưỡng cha mẹ già bệnh tật ; có khi vui vẻ đổ hết tiền vào công việc từ thiện ở tận Phi Châu xa tít tắp, nhưng lại sao lãng công bằng với gia đình, khi bực bội, gắt gỏng vì chuyện đóng học phí cho con, đi mua máy sưởi vì đông về, đàn con co dúm, run rẩy vì lạnh.
Vì thế, thiếu công bằng, lương thiện không tồn tại được lâu, vì bước đi của lương thiện chuyệch choạc, chênh vênh, chếnh choáng, khập khiễng, mất thăng bằng. Phải nhận định và đánh giá mọi ý nghĩ, lời nói, việc làm trên nền tảng công bằng, thì lương thiện mới vững chắc và tiến xa hơn.
Nhưng tại sao lương thiện phải tiến xa hơn, và phải tiến đến đâu ?
Thưa vì lương thiện là bản chất của con người, như cha ông ta vẫn nói : Nhân chi sơ, tính bản thiện - con người sinh ra đều tốt lành. Điều này nói lên ảnh hưởng xấu của môi trường sống, cũng như sức mạnh cám dỗ làm điều xấu ở mỗi người, như ngài Phaolô, vị thánh lớn của Thiên Chúa giáo đã viết : Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm (Rm 7,19).
Do đó, để lương thiện không bị sóng thần sự dữ và sự xấu trong cuộc sống  tấn công, khi lương thiện chỉ ở mức vừa phải, đúng mức khi đặt trên nền tảng công bằng là không làm cho người khác điều mình không muốn người khác làm cho mình, lương thiện sẽ tự nguyện đi xa hơn, lên cao hơn bằng thêm một chân nữa là Bác Ái bên cạnh chân Công Bằng, khi làm cho người khác điều mình muốn người khác làm cho mình.
Đứng trên một chân Công Bằng, chúng ta  chỉ lương thiện nửa phần, khi không làm điều ác, điều xấu cho người khác, nhưng lương thiện không chỉ là không vi phạm, không làm tổn thương, không gây thiệt hại, mà còn là làm điều tốt, xây dựng đẹp hơn, làm cho hạnh phúc hơn. Nếu Công Bằng dừng lại ở ranh giới luật lệ, quy tắc bình thường để đảm bảo trật tự của sinh hoạt đời thường, thì Bác Ái  tiến xa hơn, đi vào  chính con người, khi chia sẻ, đồng hành với con người, để lương thiện được thi hành hết chức năng và bản chất của nó.
Vâng, một nền văn hoá lương thiện chính là nền văn hoá Công Bằng và Bác Ái. Có công bằng, con người sống với nhau mà không sợ bị ăn hiếp, bắt nạt, bóc lột, lạm dụng, đàn áp, cáo gian, vu khống, kết án oan uổng ; có bác ái, con người không những không còn sợ, nhưng bình an, hạnh phúc vì được cảm thông, chia sẻ, yêu thương, bao bọc, nâng đỡ, dắt dìu. Có lương thiện trong các tương quan, người không còn là lang sói, dã thú của nhau, nhưng liên đới là niềm vui, liên quan nỗi phấn khởi, liên hệ ngập ủi an, liên lạc nguồn hạnh phúc.
Ước mong nền văn hoá lương thiện ngày càng nẩy mầm, lớn lên, lan toả trên quê hương chúng ta, nơi mà người lương thiện bị coi là lạc hậu, thần kinh ; nơi mà nghĩ tốt, nói tốt, làm tốt bị coi là không bình thường, có vấn đề ; nơi mà không ai còn dám có sáng kiến và can đảm làm việc thiện, vì bị nghi ngờ là có ý đồ, âm mưu ; nơi mà cứu một em bé ba tuổi, nhem nhuốc, một mình hoảng loạn, khóc thét giữa đường phố, tưởng bị lạc cha mẹ, nào ngờ em chỉ là cò mồi, bẫy nhử để cha mẹ em làm tiền người lương thiện bị chụp mũ : bắt cóc trẻ em ; nơi mà cá thịt đã thối rữa chỉ trong mấy phút trở thành tươi ngon nhờ ngâm trong hóa chất độc hại, hoặc chỉ cần vài giọt thần kỳ là đã có ly càphê thơm ngon; nơi mà không có gì thật, từ hạt gạo đến viên thuốc, từ cơm áo qua ngày đến tình yêu đời đời, vĩnh cửu ; nơi mà ai cũng sợ tai bay vạ gió không phải do thiên nhiên, nhưng từ những con người không lương thiện ; nơi mà ngay trong gia đình, hàng xóm láng diềng bên cạnh, đồng nghiệp trong văn phòng đối diện, bạn học ngồi hàng ghế trước sau, tất cả đều có thể bất chợt trở thành người không lương thiện, vì không còn mấy người  giữ được ý thức công bằng, và bác ái trước cám dỗ của danh vọng, quyền thế, tiền bạc.
Tuy nhiên, bên cạnh những mảng tối của bức tranh quê hương đó, vẫn còn nhiều mảng sáng hy vọng, Bạn ạ ! Và ngay hôm nay, cũng trên quê hương yêu dấu này, chúng ta tiếp tục hân hoan chen vai, sát cánh lên đường xây dựng Đất Người Lương Thiện.
Jorathe Nắng Tím

GIÁNG SINH CỦA NGƯỜI TRẺ


Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít. Người là Đức Kitô, Đức Chúa. Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người : anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ” (Lc 2,11-12).
Những người trẻ chăn chiên “sống ngoài đồng và thức đêm chăn giữ đàn vật” trong vùng ấy đã “nhìn thấy vinh quang của Chúa chiếu tỏa chung quanh, khiến họ kinh khiếp hãi hùng. Nhưng sứ thần bảo họ : anh em đừng sợ” (Lc 2,8-9).
Tất nhiên phải “kinh khiếp, hãi hùng”, vì anh em mục đồng là những người trẻ nghèo khó, quê mùa, dốt nát, quanh năm suốt tháng ở ngoài đồng chăn giữ chiên cừu, chưa một lần đến trường, không biết ngồi xe đẹp, ăn nhà hàng, dạo chơi phố xá sầm uất, sang trọng, đông người. Nay bỗng được thấy “ánh sáng vinh quang của Thiên Chúa” giữa đêm khuya, họ hết hồn hết viá, vì ánh sáng làm họ sợ, làm chói mắt họ, những con người bé nhỏ, chịu thua thiệt mọi bề, suốt đời chỉ “leo lét” với  bếp lửa củi than. Ánh sáng cũng làm “thất kinh bát đảo” họ, những người trẻ  ngây thơ, mộc mạc chưa bao giờ dám tự mình nghĩ về Thiên Chúa, hay dám mơ được biết và gặp gỡ Ngài, vì với họ, Thiên Chúa vô cùng cao cả, cao xa, chí công vô tư, và nghiêm khắc thưởng phạt. Ánh sáng  chói chan lan toả khi sứ thần Chúa đến loan báo Tin Vui đã làm  rụng rời chân tay họ,  những người trẻ xuất thân từ gia đình nghèo, vừa chập chững lớn đã đóng chặt cuộc đời vào kiếp “sống ngoài đồng và thức đêm chăn giữ đàn vật” (Lc 2,8).
Qủa thực, đêm ấy, ở cánh đồng Bêlem, những mục đồng trẻ, nghèo khó đã bị đặt trước  những bất ngờ làm hoảng sợ, những biến cố làm hoảng hồn, những sự lạ làm hoảng hốt. Nhưng trước những bất ngờ, biến cố, sự lạ bất thường, và phi thường đó, những người trẻ năm xưa  đã có chọn lựa nào, và phản ứng ra sao ?
1.   Những người  chăn chiên trẻ đã ngồi lại và cùng bàn bạc :
Tin Mừng ghi rõ : “Khi các sứ thần từ biệt mấy người chăn chiên để về trời, những người này bảo nhau : Nào chúng ta sang Bêlem, để xem sự việc xảy ra, như Chúa đã tỏ cho ta biết” (Lc 2,15).
Người già, vì sống lâu, nhiều kinh nghiệm cuộc sống nên ít chịu bàn bạc, lắng nghe người khác, và thường coi mọi người không sành sỏi, hiểu biết để ứng xử khôn ngoan bằng mình ; người có quyền chức, vì vị thế lãnh đạo, tự cho mình biết tất cả, hiểu mọi sự, nắm vững mọi tình huống, nên càng không muốn bàn bạc, lắng nghe ai ; người khoa bảng, ỷ mình thông minh, biết xa hiểu rộng, nên cũng rơi vào tình trạng tự cao tự đại, không thích bàn bạc, lắng nghe, vì coi mình là “bách khoa tự điển”, kho tàng kiến thức của nhân loại. Chỉ người trẻ chưa sống nhiều, chưa làm nhiều, chưa hiểu nhiều, lại non nớt, vụng về, hậu đậu, bồng bột, hay sai phạm, dễ lầm lỗi mới không dám tự mình quyết định, tự mình quyết đoán, tự mình hoạch định, nhưng vui vẻ ngồi lại bàn bạc , lắng nghe ý kiến, lời khuyên, và học hỏi kinh nghiệm của người lớn, hiểu biết hơn mình.
Khi ngồi lại và bàn bạc với nhau, những người trẻ  chăn chiên nghèo ở cánh đồng Bêlem năm xưa đã sống tinh thần khiêm tốn và đồng đội của người trẻ, khi không ai trong họ đã áp đảo, ra lệnh, hay độc tài “cả vú lấp miệng em”, ỷ mạnh lấn át, ép buộc người khác làm theo ý mình, nhưng tất cả đều chân thành hợp tác, tôn trọng và tương trợ nhau, nhẹ nhàng, đằm thắm chia sẻ ý kiến, kinh nghiệm, kiến thức, khả năng để đi đến chọn lựa tốt nhất và cùng thực hiện quyết định chung : lên đường “sang Bêlem” ( Lc 2,12).
2.   Những người chăn chiên trẻ ở Bêlem là những người thiện tâm :
Người thiện tâm là người có lòng ngay, có tâm hồn lương thiện, có trái tim trong sáng. Nói cách khác, người thiện tâm là người không thành kiến, thủ đọan, ác ý, ác tâm ; không nuôi hận thù, đố kỵ, ganh ghét. Nhưng quan trọng nhất, người thiện tâm là người luôn hướng đến Chân - Thiện - Mỹ, nghiã là luôn thao thức đi tìm Sự Thật, khát khao điều Tốt Lành và phấn khởi trước những gì Xinh Đẹp, bởi tâm hồn họ không bị gian ngoa, dối trá thống lĩnh, nên ở đâu có Sự Thật, nơi đó họ tìm đến, đâu có Sự Thật, ở đó có mặt họ. Cũng vậy, tâm hồn lương thiện, ngay chính của họ không để điều xấu, bất chính, bất công xâm nhập biến thành sào huyệt, và trái tim hạnh phúc của họ luôn hướng về Cái Đẹp tuyệt đối, như đoá “hướng dương” luôn tìm kiếm mặt trời.
Vì có tâm hồn ngay chính, trái tim hướng thiện, lý trí và ý chí đi tìm sự thật, nên những người chăn chiên trẻ đã không do dự, ngần ngại, so đo, tính toán hay cân nhắc hơn thiệt trước Tin Vui được sứ thần loan báo, nhưng đã quyết định  lên đường “sang Bêlem, để xem sự việc đã xẩy ra, như Chúa đã tỏ cho ta biết” (Lc 2,15). Chính “thiện tâm” đã cho họ tinh thần sáng suốt, nghị lực dồi dào và niềm vui khôn tả để hăng say cùng  đi Bêlem giữa đêm khuya xem Sự Thật Thiên Chúa mặc khải.
Thực vậy, càng được người khác coi là giỏi giang, giầu có, thế lực, thành công, người ta càng dễ kiêu căng, và khó tin “những gì Chúa  tỏ cho biết”, vì tâm không còn thiện, lý trí không còn bén nhạy trước chân lý, lương tâm không còn ngay thẳng, trong sáng để nhận ra  điều tốt, điều xấu, nhất là ý chí cằn cỗi vì tham vọng, khô héo vì kiêu căng, tàn lụi vì “mưu thâm chước độc” không cho phép chọn lựa đúng và quyết tâm để thực hiện điều lành, việc tốt. Chỉ những con người “có tâm lành, có trái tim hướng thiện, có cõi lòng  khao khát chân lý và  sự công chính  như những mục đồng trẻ ở Bêlem : nghèo nhưng hiền lành, nhân ái ;  thất học nhưng khao khát sự thật ; bần hàn nhưng lương thiện, hồn nhiên mới rộng lòng đón nhận Mầu Nhiệm Thiên Chúa và Nước Trời ; mới phấn khởi, hăng hái lên đường mà không bận bịu, vương víu ; mới trung thực, lương thiện trước Sự Thật được Thiên Chúa mặc khải (x. Mt 11,25-26), và mới thực là những người được huởng ơn Bình An của Thiên Chúa làm người như tiếng hát các thiên thần đêm Giáng Sinh : “Vinh danh Thiên Chúa trên trời. Bình An dưới thế cho người thiện tâm”.
3.     Những người chăn chiên trẻ Bêlem là những người đầu tiên loan báo Tin Mừng Giáng Sinh :
Sau Tin Vui Giáng Sinh được loan báo bởi các sứ thần là đến lượt các người trẻ chăn chiên phấn khởi, hân hoan kể lại cho mọi người, trên đường về từ Bêlem “mọi điều họ đã được mắt thấy, tai nghe” (Lc 2,20). Họ là những người đầu tiên loan báo Tin Mừng Giáng Sinh, như bà Maria Mácđala sẽ là người đầu tiên loan báo Tin Mừng Phục Sinh của Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người.
Tin mừng Luca thuật lại niềm vui của những nhà truyền giáo trẻ, nghèo, xuất thân từ nghề “thức đêm chăn chiên cừu  ở ngoài đồng”. Họ tràn đầy ơn Bình An của Ngôi Lời làm người, mà họ vừa được chiêm ngưỡng, thờ lậy ở Bêlem, đúng như lời sứ thần đã nói với họ : “Họ gặp bà Maria, ông Giuse, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ” (Lc 2,16).
Ở đây, một lần nữa, chúng ta nhận thấy : họ thực là những người thiện tâm trước Chân Lý, bởi nếu không có tâm thiện, lòng ngay, trái tim công chính, trung thực, những người trẻ này khó có thể tin “Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ” (Lc 2,16) lại có thể là Thiên Chúa ; hai ông bà Giusa và Maria nghèo khó lại có thể là thân sinh của Đấng Thiên Sai ; chuồng chiên lừa tanh dơ dáy, tanh hôi lại có thể là nôi cho Thiên Chúa ra đời ; đêm khuya thanh vắng, giữa “đồng không mông quạnh » Bêlem vô danh tiểu tốt lại có thể là vương quốc đón chào Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể dù đã được sứ thần báo trước (x. Lc 2,12).
Thực vậy, rất khó để tin “đây chính là Thiên Chúa”, cực kỳ khó chấp nhận “Thiên Chúa của tôi, của chúng tôi qúa nghèo khó, cơ hàn”, và hầu như hoàn toàn phi lý đến độ bất mãn  trước cảnh  sinh vào đời quá ư bệ rạc của Thiên Chúa toàn năng, toàn thiện, toàn mỹ, Vua trời đất.
Trong hai ngày 19-20 tháng 11/2019 vừa qua, giáo tỉnh Hà Nội quy tụ hơn hai mươi ngàn bạn trẻ công giáo cho Đại Hội Giới Trẻ lần thứ XVII tại đền thánh Phú Nhai thuộc giáo phận Bùi Chu. Một đại hội có tầm vóc đã thành công mỹ mãn, với quang cảnh cảm động và rất ấn tượng, khi các Giám Mục thuộc giáo tỉnh, với sự hiện diện của vị Đại Diện Toà Thánh, cùng các bạn trẻ chăm chú  lắng nghe trong hạnh phúc Hiệp Thông với Giáo Hội toàn cầu thông điệp qúy báu của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi riêng các bạn trẻ đang tham dự đại hội và toàn thể giới trẻ công giáo Việt Nam. Ngài ân cần dặn dò các bạn trẻ hãy yêu mái ấm gia đình, yêu quê hương, dân tộc, yêu gia đình Giáo Hội, và chia sẻ niềm tin, gửi gắm kỳ vọng của ngài ở các bạn trẻ, khi kêu gọi mỗi người hãy trở nên người loan báo Tin Mừng bằng  đời sống chứng nhân có trách nhiệm, trung thực và luôn lạc quan.
Hiệp thông với các bạn trẻ, người viết mạo muội nối kết hình ảnh của những người trẻ chăn chiên cách đây hơn hai ngàn năm ở cánh đồng Bêlem với hình ảnh người trẻ mà Đức Thánh Cha Phanxicô mơ ước gặp được ở giới trẻ công giáo Việt Nam. Đó là  những  người chăn chiên trẻ  vừa đi vừa phấn khởi tôn vinh, ca tụng Thiên Chúa, và kể lại cho mọi người mọi điều họ đã được mắt thấy tai nghe, đúng như sứ thần Chúa ã nói với họ. 
Nhưng để có thể “kể đúng những gì đã được nói với họ”, và “kể đúng những điều đã được mắt thấy tai nghe”, những người  chăn chiên trẻ Bêlem đã sống đời  Thiện Tâm với  Hồn Nhiên, Trung Thực, Bác Ái, Huynh Đệ, và Niềm Vui của Tin Mừng.
Cầu chúc các bạn trẻ thân yêu muà Giáng Sinh tươi trẻ với tinh thần của Trẻ Thơ Giêsu “sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ” (Lc 2,12).          

Jorathe Nắng Tím