Người
nông dân nghèo, bà mẹ quê, cụ già ăn xin, hay bác thợ hồ làm ngày nào ăn ngày
đó, thì chuyện mũ nón là chuyện nhỏ, vì chiếc nón rách bươm đã nhiều năm, cái
mũ cũ mèm mà tuổi thọ có đến một phần tư thế kỷ, hay tầu lá chuối, miếng vải nhựa
được dùng làm mũ nón “che nửa nắng, nửa mưa” cũng đã được coi là “ngon lành”.
Nhưng làm mệnh phụ phu nhân, hoa hậu, người mẫu, đức vua, hoàng hậu, giám mục,
hồng y, giáo hoàng thì mũ nón không là chuyện nhỏ, nhưng là chuyện lớn của người
làm lớn, vì thiếu mũ nón, không ngự giá cho thần dân chầu được ; quên mũ
nón, không thể xuất hiện trước bàn dân thiên hạ, nên chỉ riêng chuyện mũ nón
thôi, người làm lớn cũng phải có nhiều người nhỏ ôm giữ, bảo qủan.
Như
thế, chức vị càng cao, mũ đội càng qúy ; càng làm lớn, càng đội mũ to, và càng
làm chuyện lớn, mũ nón càng nhiều.
Ở
đây, không đề cập đến những mũ cao ngất ngưởng, những nón rộng vành như muốn
che cả mặt trời của ông to, bà lớn, người viết chỉ dám mạn bàn chuyện “chụp mũ”,
mà nhiều người đã là nạn nhân, khi bị đối phương tìm cách đốn ngã, hạ bệ.
Vì
mũ được đặt ở vị trí cao nhất của thân thể, lại không bị che khuất bởi bất cứ
phần thân thể nào, nên mũ là đối tượng dễ thấy, dễ nhận và ấn tượng nhất, chưa
kể khi mũ vút cao, rộng vành, được thêu thùa, sơn vẽ sặc sỡ, lại được gắn thêm chuông
kêu kính koong, hay lục lạc nghe lẻng kẻng thì còn lôi cuốn đến mức nào.
Mũ
thu hút nhanh chóng, vì dễ thấy ; mũ bảo tồn lâu dài hình ảnh vì tạo ấn tượng.
Đó là hai đặc điểm phải khai thác trong chiến thuật tung hê, ủng hộ, hay giập
vùi, chống phá. Đó là cách cho đội mũ có gắn vô số các ngôi sao nhân đức tuyệt
vời, và khả năng tuyệt hảo khi phò người nào, và chụp chiếc mũ gắn đầy gai nhọn
xấu xa của tội lỗi và thói hư tật xấu trên đầu kẻ phải hạ bệ, truy diệt, tấn
công.
Kinh nghiệm thường ngày cho chúng ta biết về hành vi
“chụp mũ” :
1.
Chụp mũ là việc làm hèn nhát, tồi bại của kẻ yếu:
Người
trưởng thành có bản lãnh, có tư cách, có tâm có tầm không bao giờ chơi trò “chụp
mũ”, vì đây là trò chơi ấu trĩ, hèn nhát, tồi bại, không bao giờ được thực hiện
bởi người mạnh, người đạo đức, người trí thức lương thiện có tự trọng và tôn trọng
người khác.
Bởi
không tôn trọng người khác mới giở trò đánh lén, đâm sau lưng bằng “chụp mũ” ;
bởi nếu “quang minh chính đại” thì đã gặp gỡ, trao đổi, thảo luận để cùng tìm
ra chân lý và phương án giải quyết vấn đề nếu có. Trái lại, “chụp” cho ai điều
gì có nghiã là chuyện đó chưa chắc đã có, chưa hẳn đã thật, nếu không muốn nói
là hoàn toàn bịa đặt, ngụy tạo, dàn dựng, cũng như chụp cho ai chiếc mũ nào đó,
chính là hành động lén lút, bất chính, bất minh, khi không dám để người bị chụp
mũ thấy mình, biết mình là ai, khi lén lút chụp mũ họ.
Việc
làm này chẳng khác hành động “chụp giật” của bọn cướp đường, giựt bóp, lừa đảo tiền
bạc, mà dân gian thường gom chung vào một danh xưng : bọn “chụp giật”.
Nếu có khác thì chỉ khác ở một điểm : “chụp mũ” nhắm hạ giá trị tinh thần
như danh dự, uy tín, gia thế, ảnh hưởng… của người khác, và thủ phạm luôn dấu mặt,
trong khi “chụp giật” nhắm đến giá trị vật chất như giây chuyền, hột xoàn, điện
thoại xịn, bóp đầm hàng hiệu, đôla, xe máy… và thủ phạm vì phải trực tiếp “xuống
tay”, “chạy hàng”, nên không thể dấu mặt, mà chỉ “che mặt” và biến nhanh.
Như
thế, người “chụp mũ” và kẻ “chụp giật” đồng hạng trên thang đạo đức, đồng hạng mức
độ nhân văn, đồng hạng tiêu chuẩn văn hóa, đồng hạng thành phần tội phạm, vì
đây chính là trọng tội, vì cả hai đều xâm phạm, làm tổn thương người
khác ; cả hai đều gian ác, bạo lực, hung dữ ; cả hai đều vô tâm, vô cảm,
nhất là cả hai đều hèn và rất yếu trước nạn nhân.
2. Chụp mũ là hành vi trơ trẽn, lố bịch khi sự
thật được sáng tỏ :
Vì
tự thân “chụp mũ” là gán cho người nào đó một hoặc nhiều việc xấu, mà họ không
làm ; gắn vào đời ai đó một hoăc nhiều nhãn hiệu tồi tệ do những tội ác mà
họ không phạm, quy kết cho đối tượng nào đó những ý nghĩ đồi bại, hoặc đường hướng
bất lương, bất chính mà họ không hề theo đuổi, nên nền tảng của công trình “chụp
mũ” được xây trên cát của dối trá, để làm thành một lâu đài ngụy tạo có bài bản,
vu khống hồ đồ, kết án oan sai, hầu thoả mãn lòng ganh ghét, thủ đọan cạnh
tranh không lương thiện, và tính kiêu căng của kẻ vừa dốt nát vừa vênh váo, ngạo
mạn.
Vì
được xây trên cát của dối trá, nên lâu đài “chụp mũ” sớm muộn sẽ sụp đổ tan
tành, và bị cuốn trôi cách bẽ bàng, tang thương. Tang thương khi thời gian trả
lại sự thật cho người bị chụp mũ ; bẽ bàng khi sự thật trả lại danh dự, uy
tín cho nạn nhân, nhưng cùng lúc, thời gian hất tung mặt nạ, kéo xuống khẩu
trang che kín những nham hiểm, trơ trẽn, lố bịch của kẻ gian ác, nhưng hèn nhát
và sự thật sẽ nghiêm khắc định giá hành vi và con người đã “chụp mũ” ấy.
3.
Hậu qủa của “chụp mũ” :
Tất
nhiên hậu qủa trước mắt là nạn nhân bị chụp mũ phải một phen tơi tả, te tua, vì
sức công phá kinh khủng của đòn “chụp mũ”. Họ có thể mất hết : từ danh dự
cá nhân, thế giá dòng tộc, uy tín, việc làm đến bề trên, bề ngang, bề dưới. Nhiều
người “thân bại danh liệt” phải lui vào bóng tối chờ chết. Và trước mắt nhiều
người, họ là người thất bại, thua cuộc vì có tội, bởi chiếc mũ được chụp đúng
qúa, vừa qúa, hợp quá. Đám đông nhẹ dạ, thiếu suy ngfhĩ, phân định, sàng lọc
thông tin, nhất là a dua chạy theo người có quyền, xu nịnh phe nhóm thắng thế sẽ
tấm tắc khen ngợi người “chụp mũ” thật giỏi, thật khéo đã chụp trúng đầu tên tội
đồ, kẻ tội lỗi chiếc mũ dành cho hắn.
Tỷ
lệ nghịch với hậu qủa nạn nhân phải chịu là kết qủa tác giả của chiêu trò “chụp
mũ”. Tác giả phi vụ gian ác, hèn nhát này sẽ vui vì thành công như ý muốn, có
khi ngoài sức y tưởng tượng, và vì say men chiến thắng, y sẽ không còn dấu mặt
nữa, nhưng sẽ xuất đầu lộ diện để kể công, được khen, và nhận thưởng.
Nhưng
đó chỉ là những gì thấy được ở bên ngoài, còn bên trong tâm hồn, ở sâu thẳm nội
tâm, câu chuyện hậu qủa và kết qủa không như vậy.
Không
như vậy, vì hậu qủa và kết qủa đổi chỗ, đổi chủ cho nhau : người bị
chụp mũ, sau cơn chấn động với những mất mát sẽ nhìn rõ hơn, hiểu thấu hơn, cảm
nghiệm sâu sa hơn con người và việc đời, sự thật của con người và sự thật của đời
người để lớn hơn một chút nữa trong tầm cảm của trái tim, để xa hơn một chút nữa
trong tầm nhìn của khối óc, để vững chãi hơn một chút nữa trên nhịp chân, để
đôi tay qủa cảm, can trường và quảng đại hơn một chút nữa để trao ban và đón nhận.
Nhờ
đó, hậu qủa biến thành kết qủa, nạn nhân trở thành hiền nhân khi yên lặng của “an
nhiên tự tại”, bình an của “hiền lành, khiêm tốn”, đơn sơ của “trung tín, thật
thà” giúp họ vượt qua thử thách, chắp thêm cho họ đôi cánh để bay vào niềm vui
sâu lắng dạt dào, vì trong nhà họ không có chỗ cho người khách lạ mang tên Sợ
Hãi, và trong hồn họ không giăng mắc, tơ vương hận thù.
Họ
thực sự hạnh phúc, vì biết mình vượt xa người, và khoảng cách xa đó như những
cây số cần phải đi qua để còn phải tiến rất xa.
Khác
với người bị chụp mũ, sau khi hoàn thành công tác, người chụp mũ ra khỏi thời
gian thinh lặng xây mưu đồ, ra khỏi bí mật những ngày toan tính, thủ đọan, để
bước vào thời kỳ “ăn to nói lớn” hầu phô trương thành qủa “chụp mũ”.
Nhưng
chính trong giai đọan chiến thắng vinh quang này, lương tâm giành phần nói với
họ, lương tâm đòi họ yên lặng để nghe lương tâm nói. Đó cũng là lý do sau khi
làm hại người khác, người ta không thể thinh lặng và ở yên một chỗ. Không phải
họ không muốn thinh lặng, ở yên, nhưng lương tâm không cho họ ở yên, tĩnh lặng.
Họ phải ba hoa chích choè, huyênh hoang bốc phét để khỏi phải nghe tiếng nói của
chính mình ; phải ra khỏi nhà, ra khỏi đời mình để trốn chạy, tránh né
lương tâm, vì hơn lúc nào hết, lương tâm không để họ yên ổn, bình an ; lương
tâm bắt họ phải đối diện, giải trình ; lương tâm lục lại hồ sơ, lật lại
chuyện cũ, chiếu lại cuốn phim tưởng đã có thể xóa bỏ, giấu nhẹm, phi tang.
Vâng,
câu chuyện chụp mũ và bị chụp mũ là câu chuyện cũ như trái đất. Nhưng có một
con người mà ai cũng nghĩ không thể bị chụp mũ, con người hoàn hảo về nhân đức,
nhân văn, nhân bản, lại thương người, giúp người, cứu người. Thế mà con người ấy
lại bị chụp mũ hơn nhiều người, chụp mũ
xấu xa và dơ bẩn hơn nhiều người, chụp mũ nặng nề đến độ phải chịu án tử hình
và đóng đinh vào thập giá.
Người
viết chỉ nêu ra một vài trường hợp trong Tin Mừng để làm chứng : Con Người
ấy đã bị chụp mũ dã man hơn chúng ta.
Con
người có tên Giêsu ấy dễ thương, dễ gần, dễ chạnh lòng trắc ẩn, hay ra tay cứu
giúp, nên được đám dân nghèo đầu đường xó chợ thương, đám bệnh nhân không tiền
đi bác sĩ, bệnh viện mến, đám bụi đi, tệ nạn xã hội bị mọi người nguyền rủa,
khai trừ ngưỡng mộ. Và người ta hay thấy Ngài gặp gỡ thân tình, trò chuyện rôm
rả, uống càphê, ăn cơm với đám người mà giai cấp “có quyền, có tiền, có chức”
thường khinh bỉ gọi là “phường tội lỗi”.
Thánh
sử Mátthêu ghi lại lời than thở của chính Đức Giêsu sau nhiều phen bị những người
tự nhận mình là công chính “chụp mũ” : “Thật vậy, ông Gioan đến, không ăn
không uống, thì thiên hạ bảo : “Ông ta bị qủy ám”, Con Người đến cũng ăn
cũng uống như ai, thì thiên hạ lại bảo : “Đây là tay bợm nhậu, bạn bè với
quân thu thuế và phường tội lỗi”
(Mt 11,18-19). Thật ghê gớm miệng đời !
Khi
chữa lành “một người bị qủy ám vừa mù lại vừa câm” (Mt 12,22), thì đám Pharisêu
lại chụp mũ Ngài : “Ông này trừ được qủy chỉ vì nhờ vào thế của qủy
vương Bêendêbun” (Mt
12,24). Thật kinh tởm lòng người !
Cho
đến lúc này thì Đức Giêsu mới chỉ bị chụp mũ là “tay bợm nhậu, bạn bè của đám
thu thuế và phường tội lỗi”, cũng như chỉ mới ở mức độ “cậy dựa quyền phép của
qủy vương để trừ qủy con, qủy bé” thôi, phải chờ đến khi Ngài làm phép lạ chữa
anh mù từ thuở mới sinh, thì thiên hạ mới tổng tất công “chụp mũ” Ngài.
Họ
tổng tấn công khi chụp mũ Ngài “không thể là người của Thiên Chúa, vì không
giữ ngày sabát” (Ga 9,16). Còn gay gắt và dữ dội hơn, họ dồn hết sức
lực để đốn gục Ngài bằng cú chụp mũ kinh dị, khiếp khủng hơn tất cả, đó là chụp
cho Ngài cái mũ “người tội lỗi”, khi to tiếng lớn miệng tri hô cho mọi người
nghe : “Một ngưòi tội lỗi sao có thể làm được những dấu lạ như vậy ?”
(Ga 9,16), và “Chúng ta biết ông ấy là người tội lỗi” (Ga 9,24). Và để bịt miệng
những ai biện bác lại, họ sẵn sàng chụp luôn cho người ấy cái mũ “người tội lỗi”,
như đã chụp mũ anh mù được chữa lành, khi anh không đồng ý với luận điệu chụp
mũ Đức Giêsu của họ : “Mày sinh ra tội lỗi ngập đầu, thế mà mày lại muốn
làm thầy chúng ta ư ?” (Ga 9,34).
Qủa
thực, đòn ác nhất, chiêu độc nhất, ngón thâm nhất chính là chụp mũ người khác
là người tội lỗi, bởi ai cũng có tội, ai cũng là tội nhân, ai cũng có khả năng phạm
tội, khả thể lầm lỗi, nên chụp mũ “tội lỗi” sẽ dể thổi phồng, dễ thêm thắt, dễ
làm cho tình trạng người khác bị nghi ngờ có tội thành người có tội thật, dễ
cường điệu mức độ nghiêm trọng của tội lỗi, dễ biến tội nhân thành ghê tởm,
đáng nguyền rủa, lên án, trừng phạt. Chụp mũ “tội lỗi” còn lợi thế có thể tiếp
tục chất cao thêm đống tội, khoét sâu hơn vực thẳm tội, và nhận chìm sâu hơn
danh dự, uy tín, cuộc đời người bị chụp mũ bất cứ lúc nào, mà không phải tốn
nhiều công, theo kiểu khuyến mãi : trả một lần, được ăn mãi.
Đàng
khác, khi chụp mũ “là kẻ tội lỗi”, người chụp mũ không mất công truy tìm căn cước
của tội, nghiã là không cần nêu đích danh tội nào, nhưng có quyền gọi tên, và “chụp”
mọi thứ tội nặng nhẹ, mà không vất vả, áy náy, hay bị người nghe hạch hỏi, phản
biện, bởi cái lợi của chụp mũ “kẻ tội lỗi” là tính cách mông lung nhưng phổ
quát, mờ nhạt nhưng để vào đâu cũng khít khao, lỏng lẻo nhưng xếp vào khâu nào
cũng chặt chẽ, mạch lạc. Lợi hại ở chỗ đã chụp cho ai chiếc mũ tội lỗi rồi, thì
kế họach hành hình, thủ đọan thanh toán người ấy mở ra như một vùng oanh kích tự
do, miền đất chết toàn quyền truy diệt.
Tuy
thế, trước toà án Philatô, khi những người tố cáo Đức Giêsu được Philatô hỏi :
“Các ngươi tố cáo ông này về tội gì ?” (Ga 18,29) thì họ lại ú ớ, nhìn
nhau trả lời “lạc đề”, mà chỉ trơ trẽn lấp liếm và cố tạo áp lực trên
Philatô : “Nếu ông này không làm điều ác, thì chúng tôi đã chẳng đem nộp
cho quan” (Ga 18,30). Trấc lấc câu trả lời của môi miệng gian dối, chua
ngoa !
Philatô
đâu có chờ câu trả lời lãng xẹc và vô duyên, vô nghiã đó của họ, vì họ đã trả lời
như không trả lời, bởi không thể tìm ra bất cứ tội danh nào để tố cáo Đức
Giêsu, nên khan giọng hùa nhau la ó, cốt tạo áp lực trên Philatô, để ông giao
Ngài cho họ đem đi đóng đinh.
Vâng,
nếu Đức Giêsu là Đấng chí tôn chí thánh mà còn bị chụp mũ “kẻ tội lỗi”, thì những
chiếc mũ “côn đồ, hoang đàng, dâm đãng” được chụp trên đầu, trên đời chúng ta
nào có thấm thía gì ; nếu Đức Giêsu là Ngôi Lời Thiên Chúa, là Con Thiên
Chúa mà còn bị chụp mũ là “người không thuộc về Thiên Chúa”, thì mũ “rối đạo,
chống cha chống Chúa, con dê nằm vùng giữa đoàn chiên” được gán cho chúng ta tưởng
chẳng nặng ký bao nhiêu ; nếu Đức Giêsu đơn sơ, giản dị, nghèo khó đến độ “con
cáo có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có cả chỗ tựa đầu”, mà còn
bị chụp mũ là tên bợm nhậu, bạn bè với phường tội lỗi, thì mấy cái mũ “đàn đúm
ăn chơi, giang hồ lang bạt” mà thiên hạ “làm đẹp” đời chúng ta chắc phải xếp
vào chuyện nhỏ, chẳng đáng quan tâm.
Nhưng
điều đáng quan tâm, việc lớn phải làm, câu chuyện cần trao đổi, quyết định cần
thực hiện, lệnh truyền cần thi hành, đó là mùa chay đang dần mở ra Tuần Thánh
và Phục Sinh, như mở ra cho tất cả chúng ta, gồm những người chụp mũ, ném đá anh
em, và những người bị anh em ném đá, chụp
mũ những con đường mới.
Đây
là những con đường dành cho những con người yếu đuối mà hôm nay có thể là nạn nhân đáng thương đang
bị chụp mũ, đóng đinh, nhưng tháng tới, có thể biến thành kẻ chụp mũ, lý hình
ném đá, đóng đinh người khác.
Như
Đức Giêsu chịu chụp mũ, ném đá, đóng đinh bởi chính những người mình yêu
thương, cứu giúp, chữa lành, bênh vực, gìn giữ, chúng ta hãy cùng Ngài bắt đầu
lại tất cả, cùng để tất cả lại được bắt đầu bằng lên đường vào sa mạc, ở đó
trong thinh lặng của sa mạc tâm hồn, Thiên Chúa mở lòng, mở trái tim để chúng
ta đủ qủang đại bắt đầu sống lại Giao Ước mới ; chúng ta cũng đi với Chúa
trên đường Thánh Giá của Lòng Thương Xót, để với Chúa chúng ta biết chạnh lòng và
lại bắt đầu Thứ Tha, và con đường sau cùng không biên giới, đang mở ra thênh
thang, bao la, mênh mông, ngút ngàn là đường đến với Muôn Dân, trên đó Thiên
Chúa đồng hành với chúng ta và dậy chúng ta một chân lý quan trọng : chiến
thắng lớn nhất của người môn đệ là mở đường cho người khác bắt đầu lại, cũng
như chính mình lại bắt đầu yêu thương, tha thứ khi ngày mới bắt đầu, như Thiên Chúa đã tha thứ,
yêu thương.
Jorathe
Nắng Tím