Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 7 tháng 7, 2020

VĂN HÓA CẢM THÔNG

Khi nói đến cảm thông, người ta nghĩ ngay đến “thấu hiểu và thương yêu”. Thấu hiểu tâm sự, nỗi niềm, hoàn cảnh của một người và chạnh lòng thông cảm, thương yêu người ấy.
Trước dòng lệ của người khác, người vô cảm sẽ lạnh lùng nghĩ: nước mắt cá sấu, nhưng người có trái tim cảm thông sẽ đặt mình vào hoàn cảnh đau lòng của  người đang khóc, và bùi ngùi thương cảm; đối diện với người ăn xin luôn miệng khẩn khoản lòng tốt của “ông đi qua bà đi lại”, người ki bo, ích kỷ sẽ dửng dưng bịt tai, bỏ đi, khác với người có tấm lòng sẽ  tự nguyện đứng lại để hiểu nỗi ô nhục phải lê lết ăn xin, nỗi đau của cơn đói, nỗi buồn ở thân phận sống nhờ “cơm thừa canh cặn” của bá tánh, và mủi lòng thương xót, chia sẻ; bên cạnh người mù loà, què quặt, người độc ác sẽ “phán” ngay mà không ngượng ngùng: “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước”, mà không chút xót xa cho thân phận tật nguyền rất đáng thương; đối mặt với những người sa cơ thất thế, gặp vận không may, người thiếu cảm thông sẽ chẳng ngại phun ra những lời nguyền rủa đắng đót: “Nhân qủa nhãn tiền”, “đáng đời  tên gian ác bị Trời phạt”.
Trong xã hội hôm nay, những con người kiêu căng, vô cảm, kỳ thị ngày càng nhiều và số đông đó đang làm đổ vỡ nền văn minh tình người, tạo nên một lối sống vô cảm, khi trái tim không còn rung cảm, thông cảm, thương cảm trước bất hạnh, khổ đau, kém may mắn của người khác
Thực vậy, người ta có thể tổ chức hoành tráng những phong trào bảo vệ nhân quyền, những cuộc biểu tình đòi quyền sống cho người phụ nữ, những buổi xuống đường tranh đấu cho quyền lợi của trẻ em, người nghèo, nhưng tất cả sẽ không mang lại kết qủa tích cực nào, nếu bỏ quên giáo dục tâm hồn, và xây dựng nền văn hoá cảm thông.
Bởi tâm hồn là tổng hành dinh điều khiển và quyết định sinh hoạt xã hội của mỗi người, nên chỉ một tâm hồn chai đá, vô cảm, một trái tim không rung cảm, một con người không biết chạnh lòng trước nhu cầu, khốn quẫn của tha nhân cũng đủ làm nhiều người sống chung phải thất vọng, nói chi đến cả xã hội mà phần đông đều vô cảm, vô tình.
Bởi trái tim có biết thấu hiểu, trí óc mới mở ra để hiểu thấu đáo hoàn cảnh đáng thương của người khác; trái tim có cảm thương, đôi bàn tay mới mở ra, cánh tay mới giang rộng chia sẻ, bao bọc, và đôi chân mới đi tới tìm kiếm, đồng hành, nên khi trái tim đóng kín cửa, chính là tình yêu bị cấm vận và tình người bị bức tử.
Để có được tâm hồn biết chạnh lòng cảm thông, và xã hội không còn bị chiếm đóng bởi đa số vô cảm, chúng ta cần can đảm loại bỏ những ý tưởng, quan niệm sai lệch về con người, những phát ngôn không chỉ không phù hợp mà còn xúc phạm nhân phẩm, chống lại con người. Chẳng hạn  như câu nói rất thiếu văn hoá, thiếu tình người, thiếu hiểu biết nhưng rất thường nghe: “Cây độc không trái, gái độc không con”, khi nói về người đàn bà son sẻ.
Câu nói thật tàn nhẫn, ác độc. Câu nói như án lệnh nặng nề trên cửa miệng của nhiều người, kể cả những người có tiếng “đạo đức”, vì  không ý thức tính vô lý và mức độ độc ác của vô cảm, vô đạo đức biểu hiện qua câu nói đầy chì chiết, khinh khi, miệt thị. Đó là những “câu nói” do nhiều người nói nên quen, quen nên  cho là định luật, chân lý, một thứ chân lý, đnh luật sai lạc từ căn gốc được làm nên bởi đám đông không văn hoá cảm thông.
Đám đông thiếu văn hoá cảm thông này thường hời hợt. Vì hời hợt nên không tìm hiểu thấu đáo, nhưng vội vã đưa ra nhưng phán đoán, nhận định lệch lạc, bằng những so sánh kệch cỡm và hoàn toàn thiếu hiểu biết. Kệch cỡm vì hai vế không cùng phạm trù, thiếu hiểu biết vì vô lý tận chân răng, khi chuyện có con hay không có con đâu phải hoàn toàn lỗi của đàn bà, cũng như chuyện sinh con trai hay con gái cũng đâu do đàn bà muốn là được, nhưng tùy thuộc và do hai người đàn ông, đàn bà trong cuộc cộng tác tạo nên.
Đám đông thiếu văn hoá cảm thông còn chịu áp lực khống chế của ích kỷ, vì không ai muốn người khác hơn mình, nên khi có cơ hội nhận chìm người khác, có “cơ may” đạp đổ người chung quanh là người ta mau mắn nhập cuộc, kéo bè kéo đảng thi nhau ném đá, và a dua, đồng loã vùi giập không thương tiếc. Đừng quên: khuynh hướng bạo lực phát sinh từ ích kỷ luôn giữ thế mạnh trong con người, nên khi có dịp là lập tức bùng phát dữ dội.
Tóm lại, để xây dựng một nền văn hoá cảm thông, thiết tưởng mỗi người phải bắt đầu bằng gạt bỏ những thói quen suy nghĩ, thói quen phát ngôn, thói quen ứng xử thiếu hiểu biết thấu đáo hoàn cảnh của người bên cạnh, như thay vì buông những câu phê phán hồ đồ, nặng nề, tàn nhẫn, chúng ta cần tôn trọng và cảm thông nỗi khổ, bất hạnh, kém may mắn của họ với tâm tình của một người hiểu biết, có tình người. Và chắc chắn cuộc sống xã hội sẽ nhẹ nhàng, thoải mái, hạnh phúc hơn rất nhiều, khi mọi người biết tự đặt mình vào hoàn cảnh khó khăn, bế tắc của tha nhân để biết “chạnh lòng thương cảm” và chia sẻ thân phận làm người vốn bất toàn, vô thường của nhau.
Ước gì nền văn hóa cảm thông ngày càng được trân trọng, xây dựng, phát triển trên quê hương, để dân mình bớt tủi, bớt đau, bớt khổ, bớt buồn, vì dù gì chúng ta vẫn còn có nhau để được cảm thông, chia sẻ, khi tang thương tứ phiá từ bao đời đã qúa đè nặng trên dân tộc dễ thương nhưng cũng đáng thương này.
Jorathe Nắng Tím