Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 19 tháng 12, 2018

NỢ ĐỜI

Cuối năm là lúc tính sổ để đòi nợ, trả nợ. Chủ nợ  thì tìm gặp con nợ, con nợ thì ngại ngùng né tránh, năn nỉ khất lần. Và ít khi nợ nần được thanh toán gọn nhẹ, sòng phẳng, vui vẻ giữa hai bên. 
Có nhiều món nợ, từ nợ tiền đến nợ tình, nợ cơm gạo đến nợ nhà đất, nợ danh dự đến nợ ơn nghĩa. Nhưng trong tất cả, nợ tình, nợ ơn nghĩa là món nợ vừa nặng nhất vừa nhẹ nhất. 
Nợ tình nhẹ với người vô ơn, vô tình; nợ ơn nghĩa nhẹ với người vô cảm, vô tâm vì họ coi nhẹ ân sâu nghĩa nặng, xem thường giá trị tình cảm, và dửng dưng với giá trị các tương quan. Người coi nhẹ nợ tình thường là người kiêu căng, bất cần đời, nên bất cần cả những người dầy công khó nhọc xây dựng cuộc đời mình. Họ cũng là người gian dối và bất công khi phủ nhận người ơn bằng xoá hẳn hình bóng họ trong đời. Vì coi nhẹ nợ tình nên họ không nặng lòng hay quan tâm đến chuyện thanh toán, trả nợ, và nợ tình với họ đương nhiên trở thành món nợ không cần phải trả, cũng chẳng cần phải nghĩ ngợi, phân vân. 
Trái lại nợ tình là món nợ rất nặng đối với  những con người tử tế, cao thượng. Họ ý thức nợ tình là món nợ nặng nhất, khó trả nhất mà đã làm người thì không ai không mang. Nợ cha mẹ tình yêu sinh thành, dưỡng dục; nợ đất nước quê hương, họ hàng gia tộc; nợ thầy cô, bạn hữu, và ân nhân đã cứu giúp mình trong đủ hoàn cảnh, tình huống. Ngoài ra, còn những mối tình ăn rễ sâu trong đời và làm thay đổi cả cuộc đời, như những mối tình duyên nợ vợ chồng, tình nhân ... 
Người nặng lòng với nợ tình không xem thường ân nghĩa đã nhận, không coi điều tốt lành người khác làm cho mình là chuyện nhỏ, không đáng để tâm và không cần đền đáp, nhưng trân quý, nâng niu, giữ gìn và mong được đền đáp, tri ân. Họ không trân tráo nghĩ rằng: không làm cho mình, ngườiấy cũng làm cho người khác. Đây là kiểu ngụy biện dễ dãi và tiện lợi mà người vô ơn thường dùng để xù món nợ tình khó trả. 
Quả thực, nợ gì thì cũng có thể trả, nhưng nợ tình thì thật khó trả. Khó trả vì là nợ tình, vì tình không hình dáng, kích thước, không mầu sắc, mùi vị, không định vị, cân đo đong đếm. Chính vì thế, không biết thế nào mà định lượng, trả giá. Một chút ân cần, quan tâm, một quãng đường nhỏ sát cánh, đồng hành cũng có thể đã là biển tình bao la; một xiết tay cảm  thông, một ánh mắt trìu mến động viên cũng trở thành món nợ thiên thu, vĩnh cửu. Người ơn nghĩa thì chôn giữ tận đáy lòng từng món nợ tình nghĩa, dù dưới mắt người đời, đó chỉ là những tình cảm mưa bay, vụn vặt. 
Thánh Phaolô đứng vào hàng ngũ những người coi trọng nợ tình khi nhắc nhở tín hữu: “Anh em chớ mắc nợ ai điều gì, ngoài nợ tình thương mến” (Rm 13, 8). Thánh nhân khuyên chúng ta đừng nợ ai tiền bạc, của cải, càng tránh mắc nợ người khác những món nợ tinh thần như uy tín, danh dự, nhưng muốn mọi người biết mình luôn mang nặng món nợ Đức ái đối với người khác. 
Nợ yêu thương anh em chính là món nợ Thiên Chúa muốn chúng ta mang suốt đời làm con Chúa ở trần gian. Với lệnh truyền : “Anh em hãy thương yêu nhau” ( Ga 13,34). Thiên Chúa đặt chúng ta thành những con nợ tình của nhau suốt đời, không chỉ một thời gian như món nợ có thời hạn, nhưng vô hạn và chỉ hết nợ nhau khi tính sổ yêu thương trước mặt Chúa giờ phán xét. 
Vì nợ tình yêu chỉ có thể trả bằng tình yêu, nên Thiên Chúa đề nghị hai cách trả nợ tình yêu bảo đảm, hữu hiệu nhất, đó là tha thứ và phục vụ. 
Tha thứ cho anh em trong tư thế con nợ của anh em, chúng ta sẽ không mặc cảm tự tôn, coi anh em là người có lỗi, có tội, có nợ chúng ta cho bằng chính chúng ta đang trả nợ anh em bằng tình yêu hoà giải, giao hoà, như Chúa dậy : “Nếu khi anh sắp dâng lễ vật mà sực nhớ có người anh đang bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em đó đã, rời trở lại dâng lễ vật của mình” ( Mt 5, 23-24). 
Bên cạnh bổn phận tha thứ là nghĩa vụ phục vụ. Phục vụ như Chúa "đến không phải để người ta phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến mạng sống để làm giá cứu chuộc muôn người" ( Mt 20,28). Nếu Thiên Chúa là Đấng chẳng bao giờ mắc nợ ai, mà còn đến để phục vụ thì chúng ta lẽ nào bắt người khác phục vụ mình. Đàng khác, đạo của Chúa là đường tình yêu đến với người khác, nên phục vụ là những bước chân trên đường tình này. Nói đúng hơn, không phục vụ, đối với Chúa, chúng ta chỉ là những người đứng lì một chỗ mà không bước đi, dù ở trên đường và phải đi về đích. 
Đích tới chính là buổi họp tính nợ có Chúa hiện diện, ở đó, Chúa sẽ hỏi tình hình nợ tình yêu của ta đối với người khác, nhưng đúng ra là nợ tình của ta với Chúa được hạch toán trên phục vụ: “ Khi xưa Ta đói, ngươi đã cho ăn, khát đã cho uống, rách rưới đã cho mặc, khách lạ đã đón tiếp, tù đầy đã thăm nuôi, bệnh hoạn đã chăm sóc, dốt nát đã chỉ dậy, khổ đau đã ủi an, thất vọng đã động viên, quỵ ngã đã nâng dậy, thập tử nhất sinh đã hồi sinh cứu tử ( x. Mt 25, 31-46). 
Quả thực, Thiên Chúa đã nhận việc ta phục vụ ngươi khác là phục vụ Ngài, yêu mến người khác là yêu mến Ngài, như đã đặt ta là con nợ của người khác trong khi ta mắc nợ rất nhiều và rất nặng với Ngài.
 Để kết thúc, người viết xin mượn lời của thánh Fulgence : “Nếu bạn muốn có được gia tài của Cha trên trời, thì bạn hãy trả món nợ tình yêu của bạn không chỉ với bạn hữu mà còn với cả kẻ thù”.
Jorathe Nắng Tím

Sống Như THIÊN CHÚA MUỐN


Nhiều khi chúng ta hoang mang không biết thế nào là sống như Thiên Chúa muốn, nhất là khi trước mặt là cả một rừng lề luật mà luật nào cũng trọng, lề phép nào cũng phải giữ. Đó là chưa kể những áp lực của cơ chế, cộng đồng. Trong Tin Mừng, Đức Kitô quả quyết : “ Ai yêu mến Ta thì giữ điều Ta dậy” ( Ga 14,15), mà điều Thiên Chúa dạy chính là mến Chúa và yêu người như mình.

A. Yêu mến Thiên Chúa.
Yêu mến Thiên Chúa đòi tin Chúa là Đấng giầu lòng thương xót, bởi không  tin Chúa là Đấng đến để thương xót, chúng ta không thể yêu mến Thiên Chúa như Thiên Chúa muốn, vì Chúa muốn chúng ta nhận ra dung mạo của Ngài là Thiên Chúa của lòng thương xót, mầu nhiệm chỉ có trong Thiên Chúa của Đức Giêsu. Nói cách khác, Thiên Chúa được mặc khải trong Đức Giêsu là Thiên Chúa xót thương con người. Xót thương con người mới tạo dựng và cứu độ, mới đến để cứu những gì đã hư mất, mới tha thứ xoá tội và hiến mạng sống cho muôn người được sống và sống dồi dào (Ga 10, 10). Xót thương vì thế chính là sự thánh thiện của Thiên Chúa, mà bỏ đi sự thánh thiện này, Đức Giêsu không còn là dung mạo đích thực của Thiên Chúa Cha như tiếng Chúa Cha phán khi Đức Giêsu chịu phép rửa: “ Đây là Con Ta rất yêu dấu, đẹp lòng Ta mọi đàng” (Mt 3, 17). Yêu mến Thiên Chúa đòi hiệp thông, nên một với Chúa, vì Chúa muốn chúng ta trở nên giống Chúa hơn mỗi ngày trong tư tưởng, lời nói, việc làm. Đức Giêsu đã mong ước tất cả những ai yêu mến Ngài hãy ở trong Ngài như Ngài ở trong Chúa Cha. Hiệp thông trong Chúa là hiệp thông với Giáo hội trong kinh nguyện và các bí tích.

B. Yêu mến tha nhân.


Yêu tha nhân như mình đòi không nghĩ xấu cho ai, không cư xử bất công cho ai, không làm tổn thương uy tín, danh dự, quyền lợi tinh thần, vật chất của người nào. Nhưng Đức ái không dừng lại ở đó, mà đòi phải tích cực đóng góp xây dựng người khác bằng tha thứ, chia sẻ, phục vụ hết mình, hết tình mọi người, đặc biệt những người kém may mắn. Yêu tha nhân như thế chính là yêu như Chúa yêu, giúp đỡ như Chúa giúp đỡ, tha thứ như Chúa thứ tha, cho đi như Chúa hiến mình, và phục vụ như Chúa hạ mình hầu hạ, rửa chân các môn đệ của Ngài. 
Bổn phận sau cùng của yêu mến tha nhân là loan  báo và làm chứng Tin Mừng. Bởi yêu ai, ta muốn chia sẻ niềm vui, hạnh phúc với họ. Tin mừng của Thiên Chúa là sứ điệp ban niềm vui, bình an, hạnh phúc, không lẽ yêu thương nhau mà không trao cho nhau hạnh phúc, niềm vui, an bình? Vì thế khi lắng nghe, suy gẫm, sống và làm chứng Tin Mừng chính là lúc ta yêu mến người khác rất nhiều, vì Tin Mừng bằng nhiều cách và dưới nhiều dạng đang được gieo vào tâm hồn người anh em với tình yêu, và ơn bình an của Thiên Chúa qua tình yêu chia sẻ và phục vụ Tin Mừng của ta. Như thế, sống như Thiên Chúa muốn là sống giới luật yêu thương đối với Thiên Chúa và đối với anh em đồng loại một cách đơn sơ nhưng triệt để, nhẹ nhàng nhưng sâu sắc, nhỏ bé nhưng cao quý, nhân bản nhưng thánh thiêng, vì trong tình yêu có Thiên Chúa, trong Thiên Chúa có tình yêu con người, trong con người có tình yêu Thiên Chúa, bởi Thiên Chúa là Tình Yêu. Sống như Thiên Chúa muốn cũng là để lòng thương xót bao trùm mọi sự, kể cả lề luật, bởi luôn luôn có một luật trừ sau cùng là luật trừ của tình yêu. Luật trừ của tình yêu sẽ giải quyết mọi khó khăn, kể cả những khó khăn tưởng như không tìm được đáp án. Đồng thời tất cả mọi sự, mọi việc phải quy hướng về tình yêu, bởi Đức ái đứng trên tất cả, kể cả Đức Tin và Đức Trông Cậy. 
Tóm lại, sống như Thiên Chúa muốn, chúng ta sẽ được tình yêu Thiên Chúa biến đổi khi chúng ta yêu thương nhau, bởi Thiên Chúa đã quảng đại đón nhận tình yêu ta dành cho nhau, như  tình yêu dành cho chính Ngài.
Jorathe Nắng Tím