Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 25 tháng 4, 2020

ĐƯỜNG TRUYỀN GIÁO KHÔNG BIÊN GIỚI (6)


                                                      TRÁI CẤM
Trái Cấm là trái mà Thiên Chúa cấm ông bà nguyên tổ ăn, khi nói với ông bà: “Hết mọi trái cây trong vườn, ngươi cứ ăn, nhưng trái của cây cho biết điều thiện điều ác, thì ngươi không được ăn, vì ngày nào ngươi ăn, chắc chắn ngươi sẽ phải chết” (St 2,16-17).
Lệnh cấm đã kích thích tò mò, và đưa đến  ham muốn “phải biết hết mọi sự như Thiên Chúa”, nên Evà đã quyết tâm thử để biết trái cây bị cấm ấy “thiện, ác” ra sao, ngọt, bùi, chua, cay, đắng, chát thế nào.
Cái hấp dẫn khó chống cự, cái lôi cuốn dường như không thể cưỡng lại chính là Biết, bởi ai cũng muốn biết hết mọi sự, biết những sự của mình chưa đủ, còn muốn biết mọi chuyện của người khác; biết những gì thuộc phạm vi đời mình, gia đình mình, gia tộc, làng xóm mình chưa đã, còn muốn biết việc đại sự quốc gia, chuyện xa xôi quốc tế; biết chuyện dưới đất, chuyện đời chung quanh chưa thoả mãn, còn muốn biết hết chuyện thiên đàng, địa ngục. Vì thế, đứng trước trái cây có khả năng cho biết điều thiện, điều ác, tức biết phân định trái phải, sai đúng, nói chung là biết mọi điều, hiểu mọi thứ, nắm bắt được mọi sự, thì lệnh cấm có nghiêm khắc đến đâu, đến từ đấng bậc cao cả, quyền uy cỡ nào cũng khó ngăn cản được vi phạm. Bằng chứng là Evà đã “hái trái cây mà ăn, rồi đưa cho cả chồng đang ở đó với mình cùng ăn” (St 3,6).
Là con cháu Ađam, Evà, mọi người chúng ta đều muốn biết và bị cái biết lôi cuốn, thôi thúc  rất mãnh liệt.  
Như ông bà nguyên tổ, trái cấm thu hút “khát vọng biết” của mọi người, vì biết là một nhu cầu tự bản chất của hữu thể tri thức, biết là hạnh phúc của bất cứ con người nào.
Là hạnh phúc, vì ai biết nhiều, người ấy là kẻ giầu có; ai hiểu nhiều, người ấy là kẻ chiến thắng, chẳng thế mà “biết người, biết ta, trăm trận trăm thắng”. Vì thế, con người ham biết hơn ham ăn, ham biết hơn tất cả những ham muốn khác, nên tính tò mò là điều không lạ ở mọi người, tuy mức độ có khác do giáo dục. 
Chính vì ham biết, khao khát biết mà những gì cấm biết, những lệnh cấm tìm hiểu, những quy định cấm truy cập đều kích thích, kích động cao độ tính liều lĩnh bất chấp hình phạt, coi thường hậu qủa tai hại, đánh giá thấp nguy cơ sẽ xẩy ra. Trái lại, khát vọng biết luôn tự đánh giá cao khả năng làm chủ mọi hậu qủa, tình huống, và thúc đẩy mọi suy nghĩ, phân định hướng đến mục tiêu biết.
Nhưng quan trọng nhất trong cám dỗ vượt rào, vi phạm lệnh cấm là người ta thấy ở đó nhiều mối lợi đang chờ, nhiều thu hoạch cao, nhiều sung suớng, thoả mãn sắp đạt được, như người phản bội, họ chỉ phản bội khi nhìn thấy ở hành vi phản bội mối lợi to đang chờ sẵn, một tương lai sáng sủa hơn hiện tại, một ông chủ mới dễ khuynh đảo, lấn lướt, lèo lái để thủ lợi, nhất là có được một vị thế tốt hơn, bảo đảm hơn. 
Như mọi người, môn đệ của Đức Giêsu cũng phải đối diện với những cám dỗ của  “Biết”, như nguyên tổ của mình.
1.   Đối diện trước những trái cấm ngon, đẹp, qúy”:
Evà đã “thấy trái cây đó: ăn thì phải ngon, trông thì đẹp mắt, và đáng qúy vì làm cho mình được tinh khôn” (St 3,6). Bà đã tự mô tả giá trị của trái cấm, và bảo mình “tin như thế” trong khi Thiên Chúa nói với bà điều ngược lại: “ngày nào ngươi ăn, chắc chắn ngươi sẽ phải chết” (St 2,17). Ăn trái cây mà phải chết tức là ăn trúng trái độc, hoặc ăn trúng chất độc bị đưa vào trong trái cây, như ngày nay người ta bơm vào trái xanh hoá chất độc hại để trái cây chóng chín và giữ được lâu ngày.
Người môn đệ cũng bị cám dỗ trước những trái cấm mà thoạt nhìn, thoạt nghe, thoạt gặp đã tự quyết đoán là “sờ vào sẽ thích, ăn vào sẽ ngon, biết hết sẽ vô cùng thích thú, chiếm đoạt được sẽ sung sướng tuyệt vời”, nên tiên thiên cho trái cấm là “ngon ngọt, xinh đẹp, cao qúy” như Evà đã ảo tưởng khi nhìn trái cấm.   
Chính vì nhìn với thúc đẩy của lòng ham muốn biết, và quan sát với tính hiếu kỳ muốn khám phá đến ngọn ngành, mà Evà đã đắc ý, đắc chí trước quyết định hái trái cấm ăn và đưa cho chồng cùng ăn.
Sở dĩ trái cấm vừa nhìn đã thấy ngon, đẹp, qúy, vì trái cấm luôn cho ta cảm tuởng ngon hơn, đẹp hơn, cao qúy hơn nhiều lần các trái cây khác, do tính độc đáo “bị cấm”, và tính “mồi chài, hớp hồn” của nó, cũng như “sách cấm” thì nhiều người tìm đọc cho bằng được, “nhạc cấm” thì đổ xô đi nghe, “đồ cấm” thì thi nhau khuân về tích trữ, “vườn cấm” thì bằng mọi giá leo tường, vạch rào vào hẳn bên trong để thoả mãn óc tò mò, niềm háo hức… Và tất cả các loại trái cấm “Danh, Lợi, Thú” mà người môn đệ phải đối diện đều có chung sức quyến rũ: ngon, đẹp, qúy này.
       
2.   Trước trái cấm đủ loại, người môn đệ bị cám dỗ tìm sự ủng hộ, bảo kê của bên ngoài  để ru ngủ, đánh lừa lương tâm:
Evà có Rắn Độc quyến rũ, đồng thời được Rắn Độc bảo kê khi Rắn qủa quyết  với Evà như đinh đóng cột: “Chẳng chết chóc gì đâu! Nhưng Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện, điều ác” (St 3,4-5).
Không nói chuyện với Rắn Độc, không hỏi ý kiến Rắn Độc, không tâm sự ngắn dài với Rắn Độc về chuyện Thiên Chúa cấm ăn, cũng không cho động tới “trái trên cây ở giữa vườn” (St 3,3), thì chưa chắc Evà đã “đủ gan” và dám liều lĩnh vi phạm lệnh Thiên Chúa truyền.
Cũng như người môn đệ, nếu không tự dẫn mình vào dịp tội bằng dễ dãi qua lại với những người, những nơi, những tình huống, những cơ hội tế nhị, nhạy cảm, đáng nghi ngờ, nhiều rủi ro thì tội không có dịp để phạm, tội không được dịp để “lên ngôi”, tội không gặp dịp để khởi nghiã, tội không tiện dịp để trúng mánh, phất cờ, như  Phêrô, nếu không lân la, ngồi giữa những đầy tớ gái “lắm miệng, nhiều chuyện, thích buôn dưa lê”, thì ông đã không “có dịp” chối Thầy, không rơi vào “dịp tội” phản bội.
Thực vậy, nhân tố và những yếu tố của hoàn cảnh bên ngoài rất quan trọng, vì ảnh hưởng không thể chối cãi của nó trên lựa chọn. Vì thế người môn đệ Đức Giêsu cần ý thức mình được sai đi như “chiên đi vào giữa bầy sói” (Mt 10,16), nên không thận trọng sẽ vấp ngã nặng nề trước cám dỗ của các loại trái cấm, từ trái cấm tiền bạc đến trái cấm tình cảm, từ trái cấm danh vọng đến trái cấm quyền lực, từ trái cấm hưởng thụ vật chất đến trái cấm sở hữu người khác, khi bắt họ phục vụ mình. Người môn đệ Đức Giêsu cũng đừng quên: không dễ gặp được người tốt lành, đạo hạnh, hiền nhân quân tử, tri âm tri kỷ để  được chia sẻ, giúp đỡ khi phân định, quyết định trước cám dỗ của trái cấm đủ thể loại, đủ kiểu cách, đủ đẳng cấp, nhưng tất cả đều ở ngoài qũy đạo của Thiên Ý.
Vì thế, khi đi tìm xác minh, chứng thực và ủng hộ từ bên ngoài, người môn đệ đang tự đánh lừa lương tâm  bằng tự trấn an, tự cổ võ, tự an ủi dựa vào khả năng  bảo kê của  người ngoài, khi họ “vô tội vạ” ủng hộ một việc xấu, và vô trách nhiệm khuyến khích  điều không nên làm.
Do đó, người môn đệ khôn ngoan của Đức Giêsu sẽ không tìm ở thế gian bất cứ đồng minh nào để đánh lừa “lương tâm môn đệ” của mình trước cám dỗ của trái cấm, nhờ bài học đắt giá của Evà khi bà chạy đến Rắn Độc để kể lể, chuyện trò, và kinh nghiệm thương đau của Phêrô đã la cà ở chốn nguy hiểm, nhiều rủi ro.
3.   Mất tự do là giá phải trả khi ăn trái cấm:  
Khi gọi các môn đệ, Đức Giêsu đã đưa ra điều kiện: “Bỏ mọi sự mà theo tôi” (x. Lc 14,33). Ngài đòi điều kiện này, vì muốn các ông được hoàn toàn tự do, không bị vướng mắc, trói buộc bởi bất cứ ai, bất cứ quyền lực, định chế nào để tự do đi theo Ngài, tự do loan báo Tin Mừng, tự do làm chứng Nước Trời, tự do “sống chết” với Ngài, mà không phiền đến ai, cũng không để ai bị phiền. Điều kiện này triệt để đến độ: “Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết, còn anh, hãy theo tôi” (Mt 8,22), và điều kiện rất gắt gao ấy đã nói lên tầm quan trọng của tự do ở người môn đệ, nhà truyền giáo.
Qủa thực, tự do là kho tàng vô giá của nhà truyền giáo, người môn đệ, bởi không tự do nhà truyền giáo không thể chu toàn sứ vụ truyền giáo luôn đòi phải dấn thân, liều thân, hiến thân; bởi thiếu tự do, người môn đệ không thể sống uớc mơ: “Thầy ở đâu thì con xin được ở đó với Thầy” và không thể thực hiện lời thề: “Con sẽ thí mạng con vì Thầy!” (Ga 13,37).    
Đàng khác, Đức Giêsu bảo vệ tự do của các môn đệ, vì họ không thuộc về thế gian, dù ở giữa thế gian, nhưng hoàn toàn thuộc về Ngài (x. Ga 17,15-16).  Ngài không để các ông bị ràng buộc, giam hãm, xiềng xích bởi bất cứ cá nhân, tổ chức, thế lực, cũng như thú vui, danh lợi nào của thế gian, để họ sống trọn vẹn hạnh phúc của “con người tự do thuộc về Thiên Chúa” với tất cả quyền lợi của  con cái.
Sau khi ăn trái cấm, ông bà nguyên tổ đã mất tự do của “con người tự do thuộc về Thiên Chúa, và “người con tự do của Thiên Chúa”, vì tự do chỉ thực sự là tự do khi ở trong qũy đạo Thiên Chúa, bởi tự do là “gien” của Thiên Chúa trong con người, khi “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa” (St 1,7). Nói cách khác, vì được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa, nên con người sẽ không “tự do là mình, tự do là chính mình”, nếu ở ngoài Thiên Chúa.
Ông bà nguyên tổ đã mất tự do thong dong đi lại trong địa đàng và trò chuyện thân mật với Thiên Chúa, nhưng sợ hãi, lẩn trốn Thiên Chúa (x. St 3,10), vì không còn tự do để nhận ra mình là người con tự do với quyền thừa kế, người con tự do với quyền cai quản và thụ hưởng mọi loài trên mặt đất (x. St 1,28-30).
Ông bà nguyên tổ đã mất tự do định vị chỗ đứng cao cả của mình trong địa đàng mà Thiên Chúa đã trao ban khi “trốn vào giữa cây cối trong vườn để khỏi giáp mặt Đức Chúa là Thiên Chúa” (St 3,8). Ông bà cũng mất hết tự do xử dụng những quyền lợi của con cái Thiên Chúa trong địa đàng, khi “họ thấy mình trần truồng: họ mới kết lá vả làm khố che thân”, vì xấu hổ (St 3,7).  
Và cái giá của trái cấm đã mắc mỏ đến độ ông bà nguyên tổ phải vất vả, cực nhọc, và “trở về với bụi đất” (x. St 3,16-19).
Qủa thực, cái giá cực mắc đối với người môn đệ khi vô phúc động vào trái cấm và ăn trái cấm chính là không còn bảo toàn được tự do là kho tàng vô giá, rất cần thiết cho đời truyền giáo, bởi dính bén vào bất cứ thứ trái cấm nào dù ngon, đẹp, qúy đến đâu của thế gian mời mọc, người môn đệ cũng bị bế tắc, bị buộc chân, buộc tay, bị qủan chế, canh chừng, khi tự do của người được kêu gọi để hoàn toàn thuộc về Chúa bị “trái cấm thế gian” khống chế, tước đọat.
Tóm lại, trái cấm không thiếu trên đường truyền giáo, và nhà truyền giáo hằng ngày  phải đối diện, đối phó với trái cấm đủ loại, đủ cỡ. Satan rất tinh quái, nên khéo mời mọc, “chào hàng” những trái cấm hợp nhãn nhà truyền giáo, để chỉ thoạt nhìn, nhà truyền giáo vôi vã “quyết đoán” ngay “trái cấm ngon, đẹp, qúy”, để rồi lân la lại gần, tiếp xúc, liều lĩnh dấn thân, bởi mục đích của Satan là lấy đi tự do, “hình ảnh của Thiên Chúa” để nhà truyền giáo không còn nhận ra tương quan cha con giữa Thiên Chúa và mình, không nhận ra vị thế trong nhà Thiên Chúa của mình, không nhận ra ơn huệ mình lãnh nhận từ Thiên Chúa, và tất nhiên không nhận ra giá trị của ơn gọi và sứ vụ loan báo Tin Mừng, do đánh mất tự do của con người được chọn để thuộc về một mình Thiên Chúa, và để làm công việc của Ngài. 
Vâng, khi không còn tự do, không chỉ nhà truyền giáo, người môn đệ, mà bất cứ ai cũng  đều phải sống tâm trạng hụt hẫng, trần trụi, trống vắng,  xao xuyến, lo âu, hoang mang, tiếc nuối, sợ hãi, bởi mất tự do là mất tất cả, bởi có nô lệ nào được an toàn, an ổn, có thân phận tôi đòi nào được hạnh phúc bình an? Chỉ con người tự do trong Thiên Chúa, người con tự do của Thiên Chúa, môn đệ tự do thuộc về Thiên Chúa, nhà truyền giáo tự do trên đường truyền giáo không biên giới của Đức Giêsu - Thiên Chúa làm người mới đem lại Niềm Vui đích thực, niềm vui Vượt Qua thử thách của Từ Bỏ, và nhận được Bình An của trái Cứu Độ “ngon ngọt, đẹp tươi, qúy giá” từ cây Thánh Giá trên đó Thiên Chúa đã làm chứng tình yêu vô cùng và đến cùng của Ngài khi tự nguyện chịu đóng đinh để chuộc lại lỗi lầm đã ăn trái cấm không chỉ của riêng nguyên tổ loài người, mà của toàn thể nhân loại, đồng thời trả lại tự do của con cái Thiên Chúa mà loài người đã làm mất.
Xin Chúa ban ơn khôn ngoan cho các nhà truyền giáo để các vị không “hoa mắt trước những trái cấm đủ mầu sắc “Tình, Tiền, Tài, Danh, Lợi, Thú”, và cũng không “làm hoa mắt” ai khi tự biến mình thành trái cấm “ngon ngọt, xinh đẹp, qúy giá” che khuất Đức Giêsu chịu đóng đinh, lẽ sống của đời người môn đệ và đối tượng của chứng nhân.
Jorathe  Nắng Tím