Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 20 tháng 3, 2019

Này Là Người - “Ecce Homo”

https://www.youtube.com/watch?v=GzUOqAEo9oQ
Tôi có nhiều bạn làm lớn trong đạo ngoài đời. Đi đến đâu, họ cũng được các MC long trọng giới thiệu và nhiều người xúm đến chụp hình, bắt tay, xin chữ ký, địa chỉ, số phôn. Bạn tôi được xếp vào hàng những “nhân vật quan trọng” nên thường được đón tiếp ồn ào như vậy. Tôi không biết nên mừng hay nên lo cho họ… khi suy nghĩ về một con người cũng làm lớn, cũng được long trọng đón tiếp khắp nơi, nhưng cuối đời người ấy bị giới thiệu như tội phạm và bị án tử hình đóng đinh.
Gioan Tẩy Giả đã đóng vai MC thứ nhất khi giới thiệu Đức Kitô với đám đông khi Ngài đến xin ông làm phép rửa bên bờ sông Jorđan: “Đây là Chiên Thiên Chúa, Đấng gánh tội trần gian” (Ga 1,29). Phêrô, người MC thứ hai, thay mặt nhóm môn đệ dưới hình thức tuyên xưng khi trả lời câu hỏi của Đức Kitô “Người ta bảo Thầy là ai?” đã trịnh trọng giới thiệu: “Thầy là Đức Kitô, con Thiên Chúa” (Lc 9,18-20). Tiếp theo là nhiều MC khác có nhân thân và hoàn cảnh khác nhau: MC đồng hương
Nazareth thì đơn sơ tuệch toạc: “Ông ấy là con bác thợ mộc Giuse và bà Maria, ở cùng xóm mình” (Mc 6,3); MC sĩ quan có con gái được Đức Kitô chữa lành thì gián tiếp và quan cách, trịnh trọng: “Xin Thầy khỏi đến nhà, vì tôi chẳng đáng đón tiếp Thầy vào nhà tôi, nhưng xin Thầy phán một lời, thì con tôi sẽ lành bệnh” (Mt 8,8); MC bị quỷ ám thì vừa la hét vừa giới thiệu: “Lạy Con Thiên Chúa, Ngài định làm gì trên chúng tôi vậy?” (Mt 8,29); MC phụ nữ thì ngắn gọn, duyên dáng, nhẹ nhàng: “Lạy Ngài là con vua Đavít” (Mt 15,22); MC mù thì cực kỳ thiết tha: “Lạy con vua Đavít, xin chữa con” (Mt 20,31); đến lượt MC lính gác thì dõng dạc, quả quyết: “Người này đúng thật là Con Thiên Chúa” (Mt 27,54).
Đó là những MC của những ngày truyền giáo tạm gọi là bình thường, nhưng bước vào Tuần Thánh, trong những ngày “không bình thường”, sau cùng đen tối của Đức Kitô, ngoại trừ MC trưởng toán lính canh đã lớn tiếng giới thiệu “Ông này thực là Con Thiên Chúa” khi thấy đất rung động và đá vỡ tung lúc Đức Kitô tắt thở, còn lại tất cả đều giới thiệu Ngài một cách rất bất lợi: MC Giuđa thì mượn cái hôn để giới thiệu Ngài cho lính bắt: “Tôi hôn ai, chính là người ấy”; MC thượng tế thì quát mắng, xỉ nhục: “Chính nó đã phạm thượng khi tự xưng là Con Thiên Chúa” (Mt 26,65) và sau cùng MC sành điệu Philatô tổng trấn đã sợ hãi giới thiệu: “Này là Người” (Ga 19,5) khi giao Đức Kitô cho các trưởng tế và kỳ lão đem đi đóng đinh (Mt 27,26).

Quan sát thái độ và lắng nghe những lời giới thiệu Đức Kitô của những MC trong Tuần Thánh, ta thấy:


1. Các MC đã không trung thực giới thiệu Đức Kitô như Ngài là, nhưng gian dối và ác độc giới thiệu Đức Kitô vì tham vọng cá nhân, tập đoàn. Giuđa đã giới thiệu Đức Kitô cho lính bắt để có tiền. Vì tham vọng làm giàu, ông đã bán đứng Đức Kitô. Thầy thượng tế Caipha đã độc ác giới thiệu Đức Kitô là “tên phạm thượng” vì tham vọng độc quyền tôn giáo. Ông không thể để yên một người nổi hơn ông trong phạm vi tôn giáo, vì ông cho mình là “top”, không ai có thể hơn. Ông có tham vọng độc quyền thờ phượng Thiên Chúa Giavê, nên rất lo ngại trước làn sóng ảnh hưởng của Đức Kitô. Tham vọng độc quyền tôn giáo thúc đẩy ông gian dối, kết tội Đức Kitô, vì tự thâm tâm, ông luôn sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn để gạt bỏ, đốn gục bất cứ ai có ý đồ tranh giành Thiên Chúa với ông. Tham vọng tôn giáo cũng nguy hiểm không kém tham vọng của cải, quyền lực, vì cùng dẫn đến việc sử dụng phương tiện gian dối, độc ác để đạt mục tiêu.

1.   Các MC đã không tôn trọng sự thật về Đức Kitô khi giới thiệu Ngài, vì hèn nhát, khiếp đảm trước quyền lực. Hội Đồng Kỳ Mục đã nhiều lần muốn bắt Đức Kitô nhưng sợ dân chúng (Mt 21,46). Sợ ảnh hưởng quần chúng là cái sợ ngàn đời của người làm chính trị. Các ông thượng tế không những sợ ảnh hưởng chính trị mà còn sợ cả ảnh hưởng tôn giáo, vì đất nước Do Thái lúc bấy giờ chịu ách đô hộ của đế quốc Rôma. Họ sợ quyền lực của Rôma nên bảo nhau: “Nếu cứ để ông ta tiếp tục, mọi người sẽ tin ông ta, rồi người Rôma sẽ đến phá hủy và chiếm hẳn đất nước chúng ta” (Ga 12,48). Sự sợ hãi quyền lực làm các ông bồn chồn, bứt rứt, nên càng điên cuồng muốn giết Đức Kitô. Cách giới thiệu Đức Kitô của đám thượng tế và kỳ mục cho Philatô cũng nói lên nỗi sợ, hèn nhát của các ông trước uy lực của đế quốc Rôma: “Người này tự xưng là vua dân Do Thái”. Họ sợ nhà cầm quyền Rôma sẽ trừng phạt đất nước họ, vì có người tự xưng là vua. Họ lo xa và hèn nhát, dù trong lòng chẳng ưa gì bọn Rôma xâm lược. Họ vẫn nuôi ý chí đánh đuổi ngoại xâm và phục hưng một Israel hùng mạnh, nhưng trong thực tế, khi có người yêu nước nổi dậy cứu nước, họ lại hèn nhát chạy theo ngoại bang vì sợ hãi. Quyền lực của người mạnh, uy lực của giai cấp thống trị luôn làm con người sợ và dễ biến thành nhu nhược, hèn nhát, phần vì không muốn mất những gì mình đang có, phần vì không dám liều lĩnh đổi mạng cho những hứa hẹn chưa nắm chắc trong tay.
Hội Đồng Kỳ Mục Do Thái sợ Philatô, đại diện cho chính quyền đế quốc lấy cớ đàn áp, nhưng chính Philatô cũng sợ đám kỳ mục, thượng tế chụp mũ, tố cáo ông chống lại chính quyền trung ương. Lúc đầu gặp Đức Kitô, ông muốn tha Ngài, vì thấy Ngài vô tội và biết Ngài bị cáo gian, nhưng khi nghe đám thượng tế, kỳ lão và đám đông dức lác, tru trếu: “Nếu ngài tha nó, ngài không còn là bạn của hoàng đế Xêda, vì ai xưng mình là vua thì chống lại Xêda” (Ga 19,12). Lý luận thật khủng khiếp. Lý luận thật đe doạ đã làm Philatô run sợ vì nghĩ đến tai hoạ bị truất quyền, triệu hồi, xử phạt nếu chẳng may lời tố cáo của người Do Thái đến tai hoàng đế Xêda. Ông sợ ghế tổng trấn của ông sẽ lung lay, nếu ông không nhượng bộ đám lãnh đạo tôn giáo của xứ này. Nỗi sợ mất chức, nỗi lo mất việc bắt ông phải ký bản án tử hình người mà chính ông đã công khai tuyên bố vô tội. Để gỡ tội với lương tâm và chứng tỏ mình là “người công chính”, Philatô đã rửa tay trước công chúng và tuyên bố “Ta vô tội trong máu người này”, nhưng cùng lúc ông ra lệnh đem Đức Kitô đi đóng đinh (Mt 27,24-26).
Lo sợ và hèn nhát trong tâm hồn nhu nhược của Philatô đã ép ông phải giới thiệu Đức Kitô như kẻ có tội khi lên tiếng trước dân: “Này là Người - Ecce Homo”, dù lương tâm ông đã ngăn cản: Đừng kết án người vô tội. Kể cả vợ ông cũng một mực can ngăn: “Đừng can thiệp vào việc người vô tội này, vì đêm qua tôi chiêm bao thấy chuyện chẳng lành” (Mt 27,19). Giới thiệu Đức Kitô “Này là Người”, Philatô đẩy Đức Kitô vào tay những người Do Thái đang gào thét đòi đóng đinh Ngài. Qua lời giới thiệu “Này là Người”, ông trút được gánh nặng và đẩy Đức Kitô ra khỏi dinh tổng trấn như cắt đi cục nợ phiền toái, nguy hiểm.
Khi giới thiệu Đức Kitô với nhau, các MC Giuđa, Caipha, Philatô và kỳ mục, thượng tế đều nhắm Ngài như vật tế thần, vì trong tính toán riêng của mỗi MC giải pháp đóng đinh Đức Kitô là thượng sách, sẽ giải quyết được nhiều vấn đề và mang lại nhiều mối lợi cho họ. MC Giuđa sẽ không phải trả lời về hành động phản bội của mình, không sợ bị anh em hỏi tội, báo thù. Thượng tế Caipha và Hội Đồng Kỳ Mục không phải đương đấu nguy cơ mất Đạo, mất dân. Philatô tránh được tình trạng xáo trộn trong vùng. Ai cũng có lợi và ai cũng cần giới thiệu với người khác Đức Kitô là tội phạm; vì chỉ là tội phạm, họ mới biến được Đức Kitô thành vật tế thần mà không day dứt lương tâm, không gây nên những phản ứng bất lợi.
Trong vụ án Đức Kitô, người ta đã viết sẵn bản án tử hình cho Ngài trước khi xét xử, đã liệt kê sẵn tội danh và khôn khéo đẩy đưa nhau cùng đến chung quyết định đóng đinh Ngài. Vụ án không tội ác, không tội danh chính xác, không luật sư biện hộ và can phạm không có quyền lên tiếng. Vụ án mơ hồ không chứng cớ, hồ đồ từ trong căn bản lập luận nên rất vội vàng, cẩu thả, bất chấp thủ tục. Vụ án không cáo trạng, án lệnh viết bằng chữ, chỉ inh ỏi chửi rủa, tố cáo xuông trên miệng. Chung cục vụ án chỉ là những giới thiệu dã man, độc địa, tàn ác của những tham vọng, thủ lợi, hèn nhát đổ trên người vô tội.
Đức Kitô là nạn nhân của hiện tượng giới thiệu vu oan, chụp mũ. Nhiều người cũng là nạn nhân như Ngài. Nhưng ai là những MC của hiện tượng? Không lẽ tôi, bạn?
Đức Kitô chỉ đợi và Ngài đã nhận được lời giới thiệu chân thực, vui mừng từ Thiên Chúa, Cha Ngài: “Đây là Con Ta rất yêu dấu, đẹp lòng Ta mọi đàng” (Mc 1,11). Chỉ một lời giới thiệu đầy yêu thương của Cha từ Trời đã đủ làm đời Ngài hạnh phúc.
Ước gì đó cũng là lời Đức Kitô sẽ giới thiệu mỗi người trước Chúa Cha ngày phán xét. Và để nhận được lời giới thiệu bảo đảm hạnh phúc đời đời ấy, không gì tốt hơn là tập giới thiệu người khác với tinh thần tôn trọng sự thật và trong niềm vui của tình huynh đệ, bác ái ngay từ cuộc sống này.
Trên đường Thánh Giá, Ngài cũng đang tự giới thiệu với ta dung mạo “không còn hình tượng người như khi trước”, dung mạo tơi tả, tơi bời của một người thất thế bị bỏ rơi. Ngài trở nên bất lực, tàn lực trước mắt con người, nhưng dưới mắt Thiên Chúa, Ngài là Thiên Chúa đang cứu chuộc để tất cả những ai vất vả, khó nhọc, khổ đau, bị đời nghiền nát, bị xã hội khinh chê, bị “đồng hương đồng khói” coi thường, bị đồng bào cười nhạo, bị đồng bạn khinh dể gặp được nơi Ngài niềm cảm thông, hy vọng; bởi trong Đức Kitô, Đấng đang bị giới thiệu: “Này là người phải chết” sẽ nảy sinh nguồn sự sống; trong Đức Kitô, người bị giới thiệu: “Này là tên nổi loạn” sẽ có ơn bình an; trong Đức Kitô, con người bị giới thiệu “Này là người điên đã tự xưng là Con Thiên Chúa” có tình xót thương của Thiên Chúa Cứu độ.
Và trong Đức Kitô chịu treo trên thập tự, nhân loại mọi nơi, mọi thời, mọi chủng tộc, văn hoá, mọi cảnh huống, tình trạng gặp được Đấng mà Chúa Cha đã giới thiệu: “Này là Con Ta rất yêu dấu. Hãy nghe lời Ngài” (Mc 9,7).

Đức Maria - Lời Vâng Khiêm Hạ (Lc 1,26-38)

https://www.youtube.com/watch?v=wcmxNqvQVkc
Giữa Mùa Chay và trước Tuần Thánh, Giáo Hội mừng ngày Đức Maria được Thiên Sứ Gabriel hiện đến kính chào và xin ý kiến về việc Thiên Chúa muốn chọn Mẹ làm Mẹ Đức Giêsu, ngôi Lời Thiên Chúa. Sau phút bối rối, sững sờ vì quá bất ngờ, Mẹ đã khiêm tốn thân thưa: “Này tôi là nữ tỳ hèn mọn của Chúa, tôi xin vâng theo lời sứ thần truyền”.
Hai tiếng xin vâng khiêm hạ, đầy phó thác, tin tưởng của Mẹ đã mở đầu chương trình nhập thể của Đức Giêsu và cho phép công cuộc cứu chuộc loài người của Ngôi Hai Thiên Chúa được thực hiện. Hai tiếng xin vâng vô cùng quan trọng của một người nữ đơn sơ, bé nhỏ nhưng tuyệt vời thánh thiện, đầy ơn phúc đã khai mở một kỷ nguyên cứu độ, mở ra một Trời mới, Đất mới ở đó Thiên Chúa đến giữa nhân loại, cắm lều chung sống với con người để yêu thương và cứu độ.
Nhưng hai tiếng xin vâng ấy cũng theo Mẹ suốt cuộc đời để những ngày sắp tới khi Đức Giêsu, con yêu dấu của Mẹ cũng bắt chước Mẹ xin vâng với Chúa Cha đi vào cuộc tử nạn đau đớn, thê lương.
Và cùng với chúa Giêsu, con mẹ, Mẹ sẽ xin vâng trong những giọt mồ hôi pha máu ở vườn cây Dầu; xin vâng trên những lằn roi xối xả; xin vâng trước những nguyền rủa điên cuồng của đám đông; xin vâng trên từng bước nặng nề, yếu nhược của đường dài Thánh Giá; xin vâng trong đau đớn tận cùng giờ hấp hối cô đơn; xin vâng dưới chân Thánh Giá đẫm lệ nhìn con chết tức tưởi; xin vâng khi ôm chặt xác con tơi tả, tím bầm.
Giáo Hội mừng lễ Truyền Tin trong tâm tình biết ơn Đức Maria, vì Ngài đã khiêm tốn xin vâng cho nhân loại được cứu rỗi qua mầu nhiệm nhập thể. Giáo Hội cũng kêu mời mỗi người học xin vâng với Đức Maria trong cuộc sống người Kitô hữu: Xin vâng trước mọi nghịch cảnh, xin vâng trong mọi thử thách, xin vâng giữa những khổ đau và nhất là xin vâng với niềm tin tưởng, phó thác và thái độ khiêm hạ, đơn sơ như Đức Maria trước Thánh Ý Thiên Chúa trong đời thường, để mỗi người sẽ được cùng Mẹ ngợi khen lòng thương xót Chúa vẫn mãi mãi trải từ đời nọ đến đời kia và bao bọc những người kính sợ Chúa.
Mừng lễ truyền Tin vào tuần cuối mùa chay, trước khi vào Tuần Thánh, một cách nào đó Giáo Hội đã đặt Đức Maria như chìa khóa của Thần học Kitô.
Sau Công Đồng Vaticanô II, khuynh hướng xếp Đức Maria xuống hàng môn đệ Đức Kitô có vẻ thắng thế, đặc biệt khối thần học gia Hoa Kỳ. Nhưng họ gặp nhiều khó khăn để chứng minh điều này, bởi Đức Kitô đã biểu lộ một thái độ, một cung cách và tâm tình khác và đặc biệt với Mẹ mình, không như với các môn đệ. Luca trình thuật mấy phụ nữ, môn đệ Đức Kitô như Maria Mađalêna, Gioan và Suzanna theo giúp Đức Kitô trên đường truyền giáo, nhưng không xếp Đức Maria vào nhóm môn đệ nữ này (Lc 8,1-3). Thực ra, một nền thần học chân chính không thể loại vai trò của Đức Maria khỏi công cuộc cứu độ của Đức Kitô và Đức Maria luôn giữ một chỗ đứng quan trọng làm Mẹ trong đời Đức Kitô.


1.   Đức Maria trong mầu nhiệm Nhập Thể: Trong mầu nhiệm này, người ta không thể chối được vai trò làm mẹ của Đức Maria để cho Đức Kitô bản tính nhân loại. Sự có mặt khiêm tốn và vâng phục Thiên Chúa của Mẹ đã làm Mẹ trở thành trung gian giữa Thiên Chúa thánh thiện và con người tội lỗi qua tiếng Xin Vâng. Thiên sứ Gabriel chuyển đến Mẹ đề nghị của Thiên Chúa và Mẹ đã trả lời nhân danh toàn thể nhân loại. Mẹ đồng ý đón nhận bào thai do quyền phép Chúa Thánh Thần và em bé được Mẹ sinh ra sẽ được gọi là Đấng Cứu Thế (Lc 1,33), Con Thiên Chúa Tối Cao (Lc 1,32), Con Thiên Chúa (Lc 1,35). Sự đồng ý của Mẹ là chữ ký trên giao ước giữa Thiên Chúa và loài người, một giao ước không thể sửa đổi, bởi Thiên Chúa với toàn thể ngôi vị đã lập tức đi vào cuộc mạo hiểm với nhân loại bằng nhập thể làm người (Ga 1,14) trong cung lòng Đức Mẹ. Sự đồng ý của Đức Maria làm nhớ lại giao ước Thiên Chúa ký kết với Ápraham (St 15) và Môsê (Xh 24), ở đó Thiên Chúa đề nghị và chờ đợi đương sự đồng ý hay không. Sự đồng ý của Đức Mẹ đã mở ra thời đại Đức Kitô, đã đem Thiên Chúa vào trong không gian và thời gian của nhân loại,hội nhập trong gia đình nhân loại, nhập tịch trong dân Chúa để thực hiện công trình cứu độ. Sự đồng ý của Đức Maria không chỉ cho con người, cho Thiên Chúa, cho công trình cứu độ mà là làm nên thân xác nhân loại của Đức Kitô từ chính thân xác mẹ của mình. Như mọi người mẹ, Đức Maria đã mang thai chín tháng và sinh Đức Kitô từ chính bụng mình. Tình yêu của Mẹ không thể tách rời Đức Kitô, con Mẹ, Đấng đã được các ngôn sứ loan báo là Con Thiên Chúa.
2.   Đức Maria trong nhiệm cuộc Cứu Độ: Đức Kitô là Đấng Trung Gian duy nhất (1Tm 2,5), bởi chính Ngài đã bị kết án, chịu đóng đinh, chết trên Thánh Giá và sống lại. Tuy thế, với cương vị trung gian giữa Thiên Chúa và nhân loại trong biến cố Truyền Tin để Đức Kitô được làm người như mọi người và trở thành Đấng Trung Gian giữa Thiên Chúa và nhân loại trong nhiệm cuộc cứu độ, Đức Maria vẫn giữ một vai trò quan trọng. Sự can thiệp hữu hiệu ở tiệc cưới Cana và sự có mặt của Mẹ dưới chân Thánh Giá đã chứng minh điều này.
Thực ra, Đức Kitô không phải Đấng Trung gian với ý nghĩa trung gian bình thường, nhưng như “cầu nối” Thiên Chúa với con người, ở đó Đức Kitô là Thiên Chúa với Thiên Chúa và là Người với con người. Ở Ngài, trong Ngài, Thiên Chúa và con người kết hợp nên một.
Hiểu Đức Kitô như cầu nối, ta sẽ dễ nhận ra đóng góp tích cực và toàn phần đời mình vào nhiệm cuộc cứu độ của Đức Maria khi xác định những cọc mốc giới hạn ranh giới của thụ tạo đối với Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ là Thiên Chúa trong ngôi vị của mình.
Từ Thánh Giá, Đức Kitô “thấy mẹ mình và môn đệ mình yêu” (Ga 19,26). Trong cương vị làm Mẹ, Đức Maria có mặt với con trên từng cây số và đang đứng đó ngước nhìn con bị đóng đinh. Tình yêu của mẹ phủ kín đời con. Tình thương của mẹ ôm chặt đời con như Đức Mẹ đã ẵm xác Đức Kitô, con mình dưới chân Thánh Giá. Lời Xin Vâng đồng ý ngày Truyền Tin nối dài đến chân Thánh Giá để thêm một lần nữa và như vô số những lần khác, Đức Maria đã can đảm Xin Vâng cùng chết trong tâm hồn với con yêu dấu để cứu độ nhân loại. Mẹ đã tình nguyện, trong cương vị mẹ, dấn thân vào nhiệm cuộc cứu độ của Đức Kitô và dự phần trong tất cả đau thương kinh hoàng và nhục hình kinh dị của Đức Kitô, con Mẹ. Từ tiếng Xin Vâng đồng ý cho Đức Kitô đi vào sự sống con người ngày Truyền Tin, Đức Maria tiếp tục được kêu mời Xin Vâng trong cái chết của Đức Kitô trên núi Sọ, cái chết tang thương, thất bại làm đổ vỡ, tiêu tan tất cả, cái chết mầu nhiệm của Thiên Chúa mà Phêrô và các môn đệ đã không hiểu nổi nên đã đồng loạt bỏ Đức Kitô trốn chạy. Lời tiên báo của cụ già Simêon: “Này bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thấu lòng bà” (Lc 2,34-35) đã hoàn toàn ứng nghiệm nơi Mẹ khi đứng nhìn con hấp hối trên thập tự…
Vai trò đồng công của Đức Mẹ dưới chân Thánh Giá không làm Mẹ trở nên đấng cứu độ khác, một Đức Kitô thứ hai, nhưng là “thông hiệp của mẹ và con, thông hiệp giữa con và mẹ”. Dưới chân Thánh Giá, Đức Maria đã đóng vai trò của một tạo vật, một con người, một nhân loại được chuộc lại và một người đàn bà như Evà mới, khác với Evà cũ (St 3,1.15.16). Bên cạnh Đức Kitô, Mẹ đại diện Giáo Hội, bởi duy nhất một mình, Mẹ đã là Giáo Hội ở thời điểm đó, bởi chỉ một mình Mẹ đã mang Đức Kitô và thông hiệp mật thiết với Ngài.
Nếu Đức Kitô đã qua Mẹ để đến với con người, thì con người cũng nhờ Mẹ mà gặp được Đức Kitô. Chẳng thế mà Đức Kitô đã trối trăn Gioan, môn đệ yêu quý của Ngài cho Mẹ và giới thiệu Mẹ là Mẹ của Gioan (Ga 19,26-27).

3.   Đức Maria trong mầu nhiệm Giáo Hội. Sự hiện diện của Đức Maria trong lễ Hiện Xuống đã nhắc lại vai trò trung chuyển của Mẹ giữa Cựu Ước và thời đại Đức Kitô, đồng thời làm nổi bật chỗ đứng trung gian của Mẹ giữa thời đại Đức Kitô và Giáo Hội của Ngài. Mẹ đã làm nên con người Đức Kitô bằng chính con người: máu thịt mình, thì nay Mẹ cũng giữ phần quan trọng việc khai sinh Giáo Hội là thân thể mầu nhiệm của Đức Giêsu, con Mẹ. Chúa Thánh Thần đã tích cực hoạt động trên Mẹ vì Mẹ luôn sẵn sàng cộng tác với Ngài để cũng một Thánh Thần đã đáp xuống trên Mẹ ngày Truyền Tin cho Đức Kitô nhập thể (Lc 1,8), sẽ đến trên các tông đồ ngày lễ Hiện Xuống khai sinh một Giáo Hội loan báo Tin Mừng (Cv 1,8). Các tông đồ là những “sáng lập viên hữu hình” của Giáo Hội, là nhà truyền giáo, chứng nhân của Tin Mừng, trong khi Đức Maria đã đi trước các ngài, không như nền tảng xây dựng tông đồ đoàn, nhưng từ nguồn cội của công trình cứu độ, là nền tảng của mầu nhiệm Nhập thể và mầu nhiệm đồng tham dự vào Hy Lễ Thánh Giá nhờ Chúa Thánh Thần. Đức Maria có mặt trong những ngày đầu của Giáo Hội như Mẹ của Đấng sáng lập Giáo Hội. Mẹ có mặt để nguyện cầu, bao bọc, chở che, cầu bầu.
Giảm thiểu, cắt xén Đức Mẹ trong thần học Kitô và trong đời sống Giáo Hội là một sai lầm gây thiệt hại lớn cho đời người tín hữu; bởi Đức Kitô và Giáo Hội sẽ “mồ côi Mẹ” và nỗi khổ mồ côi sẽ làm đời sống người tín hữu khô cằn, cứng cỏi, lệch lạc, thiếu quân bình. Có Mẹ trong Giáo Hội, Giáo Hội sẽ vượt qua mọi thử thách. Có Mẹ trong cuộc đời, đời người sẽ bình an. Gioan đã có Đức Maria sát bên cạnh, nên đã không bỏ Thầy, phản bội Thầy, trốn chạy khi Thầy bị bắt, vắng mặt khi Thầy cô đơn hấp hối như các anh em. Gioan bám lấy Mẹ nên được “đem Mẹ về phụng dưỡng”. Đời con có Mẹ khác đời con mồ côi. Đời con có Mẹ ngàn lần hạnh phúc hơn đời con vắng Mẹ, vì mẹ nào chẳng yêu con, mẹ nào chẳng vun xới xây dựng đời con, mẹ nào chẳng tần tảo hy sinh cho con có tương lai, sự nghiệp và mẹ nào chẳng sẵn sàng chết cho con hạnh phúc?
Mừng Mẹ giữa Mùa Chay, trước Tuần Thánh, chúng con tôn vinh Mẹ là Mẹ Đức Kitô, Mẹ Giáo Hội và Mẹ chúng con. Với tâm tình con cái, chúng con cảm tạ Mẹ vì Mẹ đã nhận lời làm Mẹ chúng con, mẹ Giáo Hội, Mẹ Chúa Giêsu. Xin cho đời con luôn yêu Mẹ và không ngừng ca tụng Mẹ yêu dấu.
Ôi Maria, Mẹ tuyệt vời giàu có, bởi đã khiêm hạ, khó nghèo; tuyệt vời cao cả vì nhỏ bé, đơn sơ; tuyệt vời tươi trẻ, ngây thơ vì đã vui lòng làm mẹ; tuyệt vời hồn nhiên, vui vẻ vì đã nếm hết khổ đau làm người; tuyệt vời phúc hậu vì tay luôn sẵn sàng giang rộng; tuyệt vời hạnh phúc vì tim Mẹ đầy ắp Chúa Kitô.
https://www.youtube.com/watch?v=wcmxNqvQVkc

Đức Kitô, Vua Nhân Hậu

https://www.youtube.com/watch?v=UlfnlqhWjT4
Làm Vua thì phải độc quyền, độc tài, độc đoán, vì hiền lành, nhu mì, đơn sơ sẽ dễ bị các quan qua mặt, ăn hiếp, lộng hành, truất phế, chiếm ngôi. Vua là số một, là thiên tử cai trị dân, nên vua phải độc ác cho dân khiếp, phải xa cách cho dân kính, phải nghiêm khắc, tàn nhẫn cho dân sợ. Lịch sử nhân loại nhiều bạo chúa hơn hiền vương, nhiều vua sa đoạ, trác táng, lợi dụng dân hơn minh quân thương dân, quên mình. Vì thế, nói đến vua, người ta ít nghĩ đến đức độ, đặc biệt không bao giờ dám mơ có vua nhân hậu, hiền lành. Ấy thế mà Đức Kitô đã vào thành thánh trong cung cách của một vị vua khiêm nhường, hiền hậu, nhân từ ngồi trên lưng chú lừa con ngây thơ, bé bỏng (Lc 19,35-38).
Chúa Nhật lễ lá với màu đỏ vương triều chói lọi, hoành tráng, với cộng đoàn rạng rỡ tay cầm cành lá, miệng không ngừng hoan hô: “Đức Kitô, Đấng nhân danh Chúa mà đến” (Mc 11,9-10). Ai dám nhân danh Chúa mà đến, nếu không phải là Con Thiên Chúa, người được Thiên Chúa ủy quyền, sai đi?


Đức Kitô đã đến như Thiên Tử, như Con Trời, vì đích thực Ngài là Con Thiên Chúa, Vua Nước Trời. Ngài đến như vua, vì Ngài là vua, nhưng không như vua thế gian với “cung tần mỹ nữ, dinh thự lâu đài, tiền hô hậu ủng”, cũng không oai nghi lẫm liệt, cao sang quyền quý, nhưng “Hãy bảo thiếu nữ Sion: Kìa, Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi, hiền hậu ngồi trên lưng lừa con” (Mt 21,5).
Đức Kitô là vua, như Ngài khẳng định trước mặt quan tổng trấn Philatô: “Đúng như quan nói, tôi là vua” (Ga 18,37). Ngài không chỉ làm vua hiền hậu mấy phút trên lưng lừa vào Giêrusalem, nhưng đã làm vua từ máng cỏ Bêlem khi các Thiên Thần mừng hát, vinh danh, mục đồng thờ lạy, đạo sĩ phương xa bái yết (Lc 2,8-14). Thiên Chúa làm người đã chọn làm vua trong cung điện “ngàn sao”: hang lừa, máng cỏ (Lc 2,7). Ngày xuất đầu lộ diện gặp gỡ dân chúng, rao giảng Tin Mừng chính ra phải hoành tráng khai trương bằng diễn văn nảy lửa, tuyên ngôn hùng hồn, đệ tử xúm xít bu quanh cho thiên hạ nể, cho nổi đình đám, xứng ngôi Thiên Tử, đàng này Ngài khiêm hạ, âm thầm, đằm thắm đến xin Gioan Tẩy Giả rửa tội cho mình như bao người có tội khác. Danh phận Thiên Chúa, ngôi vị đại vương không mảy may dính trên lưng con chiên hiền lành mà Gioan Tẩy Giả đã dùng hình ảnh để giới thiệu Đức Kitô với đám đông: “Đây là chiên Thiên Chúa, Đấng gánh tội trần gian” (Ga 1,29). Có đời nào vua xuống cho thần dân đổ nước xóa tội? Có ở đâu thấy vua chịu làm vật tế thần gánh tội và chết cho dân? Hiếm vô cùng hay chẳng bao giờ có, ngoài vua Giêsu vô cùng nhân hậu, khiêm nhường. Ở vị vua nhân hậu này, thần dân bắt gặp ba đặc tính nổi bật:



1. Nghèo, bé nhỏ
Ngài có cha mẹ nghèo, nếp sống nghèo: “Con cáo có hang, chim trời có tổ, nhưng Thầy không có cả chỗ gối đầu” (Lc 9,58). Người nghèo dù sao cũng cố dựng cho mình túp lều tránh nắng che mưa, còn Đức Kitô chẳng giữ cho mình một mét đất để cắm dùi: sinh trong hang bò lừa, sống lang thang đó đây, chết mượn mồ thiên hạ (Mt 28,57). Khó có ai nghèo hơn ông vua Trời Đất này và cũng khó kiếm được ai thương người nghèo, kẻ cô thân, người thất thế hơn Ngài.
Đức Kitô rất thương người nghèo và bênh đỡ họ. Ngài gọi họ là những người lớn nhất trong Nước Trời (Mt 18,4) và hứa thiên đàng là của họ (Mt 5,3). Ngài công khai nâng cao người hèn mọn, bé nhỏ trước mặt các ông lớn trong đám lãnh đạo tôn giáo: “Lạy Cha, con ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu những sự này và không cho người khôn ngoan, thông thái biết và chỉ tỏ ra cho những người bé nhỏ, hèn mọn” (Lc 10,21). Người nghèo, kẻ hèn, đám dân thấp cổ bé miệng là bạn thân của Ngài và Ngài yêu họ đặc biệt.

2. Khiêm hạ - Nhẫn nhục
Là vua, nhưng trên hết, Ngài là “người tôi tớ trung thành và đau khổ của Thiên Chúa Giavê”. Hình ảnh người tôi tớ đau khổ đã được ngôn sứ Isaia và thánh vịnh 21 cực tả: “Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu và không che mặt khi bị mắng nhiếc, phỉ nhổ” (42,1-9; 49,1-6; Is 50,6) “Thấy con ai cũng chê cười, lắc đầu bỉu mỏ buông lời mỉa mai” (Tv 21,8). Riêng thánh Phaolô đã như xuất thần khi suy niệm về sự khiêm hạ thẳm sâu vô cùng và vâng lời tuyệt đối của Đức Kitô - Thiên Chúa: “Đức Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa đã không nghĩ phải duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Ngài lại còn hạ mình vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá” (Pl 2,6-8).
Như thế, vinh quang của Đức Kitô, vua các vua hệ tại ở lòng khiêm hạ, vâng lời Chúa Cha, chứ không ở vinh quang riêng, quyền lực riêng, tôn ý riêng của Ngài. Sức mạnh của Ngài là thánh ý Chúa Cha và hạnh phúc của Ngài là “thánh ý Cha Ngài được trọn vẹn”. Thánh ý ấy đã đưa dẫn Đức Kitô đến thân phận tôi tớ đau khổ, đã đặt Ngài trên đường Thánh Giá, đã treo Ngài lên thập tự chiều Canvê và đã vùi kín Ngài trong chết chóc mộ phần tối thứ sáu. Thánh ý ấy quả là đòi hỏi quá cao, quá gắt gao, quá cam go, quá khó khăn và quá thương tâm đến nỗi sức người có hạn nơi “nhân tính” của Đức Kitô đã phải ngao ngán, sợ hãi thốt lên: “Lạy Cha, xin cất chén đắng cho con” (Mc 14,36).
Nhưng đó là sứ mệnh của vua Giêsu, sứ mệnh chết cho dân để chuộc tội cho dân và “Thiên Chúa đã siêu tôn Ngài và ban tặng danh hiệu trổi vượt hơn hết mọi danh hiệu để khi vừa nghe danh thánh Giêsu “các tầng trời bừng sáng, các tà thần chạy trốn, khắp trái đất khiếp run” và mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: “Đức Giêsu Kitô là Chúa, là Vua” (Pl 2,10-11).



3. Hiền hậu - Nhân từ
Hiền hậu và nhân từ là huy hiệu của vua Giêsu. Hiền hậu và nhân từ là nhãn hiệu có công chứng của công dân Nước Trời. Đức Kitô hiền hậu đến độ các tông đồ phải phát cáu vì thấy Ngài chẳng nóng nảy gì khi dân làng thuộc vùng Samaria đã không đón tiếp Ngài. Các ông đề nghị một cuộc thanh trừng “ngợp trời khói lửa” bằng xin lửa trời đổ xuống đốt rụi, thiêu hủy họ. Ngài trách các ông đã không đủ từ tâm và nhắc các ông: Ngài đến không phải để tiêu diệt, nhưng để cứu sống loài người (Lc 9,53-56).
Suốt cuộc đời dương thế, Đức Kitô đã cư xử nhân từ, hiền hậu với tất cả mọi người: với người đàn bà nhiều chồng xứ Samaria (Lc 4,6-21), với người đàn bà thống hối (Lc 7,36-49), với bà goá thành Naim có con trai chết (Lc 7,11-15), với gia đình Mátta, Maria, Lazarô (Lc 10,38-42), với người đau ốm bệnh tật (Lc 8,40-48), với người bị quỷ ám (Lc 9,37-43), với ông sĩ quan (Lc 7,1-10), với anh phạm nhân cùng bị đóng đinh, với các môn đệ (Ga 15), với mẹ Ngài. Với ai Ngài cũng nhân hậu, hiền từ, ngay cả với các ông Biệt Phái, Luật Sĩ ngoan cố, cứng lòng, giả hình, gian ác. Tuy thẳng mặt, thẳng tay, thẳng thừng trách mắng gương mù gương xấu của các ông (Mt 23), nhưng Ngài vẫn thương các ông và không cho các môn đệ phán xét, lên án, hận thù (Mt 5, 21-26).
Vị vua nghèo, bé nhỏ, khiêm hạ, vâng lời, nhân từ, hiền lành đã thiết lập vương quốc của mình khi loan báo “Nước Trời đã gần và ở giữa anh em” (Mc 1,4; Lc 3,3; Ga 1,19-23). Như vương quốc thế gian phải có lãnh thổ, dân tộc, hiến pháp. Nước của Đức Kitô, vua nhân hậu, hiền lành cũng gồm đủ ba yếu tố trên.

Đất nước của Đức Kitô là trái tim, là tình yêu trong tâm hồn mỗi người. Đất nước Ngài không thuộc về thế gian như Ngài đã trả lời quan tổng trấn Philatô: “Nước tôi không thuộc về thế gian này, nếu Nước tôi thuộc về thế gian thì quân đội của tôi sẽ chiến đấu, không để cho tôi bị nộp cho người Do Thái. Nhưng Nước tôi không thuộc về thế gian” (Ga 18,36). Chính vì không thuộc về thế gian, nên đất nước ấy không bị khoanh vùng, giới hạn bởi lằn ranh biên giới. Đất nước ấy là tâm hồn mỗi người nên bao la đến tận cùng trái đất, vượt thời gian, không gian, không giới hạn ở ngôn ngữ, sắc tộc, chính trị, văn hoá. Đất nước thiêng liêng nhưng cụ thể, sống động thiết thực trong đời sống con người. Đất nước ấy vô hình nhưng có mặt trên từng cây số của hành trình nhân loại. Đất nước ấy thuộc trời cao, nhưng bám chặt con người có chân đạp đất. Lãnh thổ của vương quốc Đức Kitô là mảnh đất tâm hồn mỗi người được hạt giống yêu thương nảy mầm, lớn lên, đơm hoa kết trái (Lc 8,4-10). Đất nước của Đức Kitô là vườn nho tấm lòng ngọt yêu thương, nồng nàn tình nghĩa. Đất nước của Đức Kitô là men trong bột đời sống (Mt 13,33-35), là hạt cải trên ruộng cuộc đời (Mt 13,31-32), là ngọc quý giấu sâu trên giải đất lòng (Mt 13,44). Cả thân xác mỗi người là lãnh thổ, cung điện, đền thờ của Thiên Chúa, vua Nước Trời (1Cr 3,16-17).
Đất nước ấy cũng lành như vị vua nhân lành và đất lành đã đón chim đàn về đậu, gọi chim trời về làm tổ, quây quần yên vui. Đất lành của Đức Kitô Vua là nơináu thân an toàn cho tất cả mọi tâm hồn sầu thương, đau khổ, tội lỗi. Trên đất lành, Đức Kitô nhân lành sẽ chữa lành tất cả mọi vết thương trên con người và thánh hoá mọi tâm hồn trước đó đã chưa lành thánh. Đất nước an lành của Đức Kitô hiền lành và khiêm hạ là ước mơ hạnh phúc an bình của mọi tấm lòng thiện chí muốn làm công dân Nước Trời.
 Dân tộc của nước Đức Kitô là dân tộc thánh
Thánh vì được thánh hoá bởi chính máu Đức Kitô (Dt 13,2). Dân tộc thánh được Thiên Chúa thánh thiện kêu gọi, tuyển chọn, yêu thương, hướng dẫn, phù trì, che chở như Israel đã được Thiên Chúa Giavê nâng niu, chiều chuộng. Nhưng vượt xa Israel, dân tộc của Đức Kitô gồm tất cả mọi người, không chỉ hạn hẹp cho Israel mà bao gồm cả chiên lạc nhà Israel (Mt 15,24) và các dân ngoại (Mt 10,6; Rm 3,29), nghĩa là hết những ai được Đức Kitô thánh hoá và kêu gọi nên giống Ngài (1Cr 2). Đức Tin nơi Đức Kitô chịu đóng đinh là thẻ căn cước, quốc tịch công dân Nước Trời (2Tm 3,15). Đức Tin nơi Đức Kitô không những cho quyền công dân mà còn bảo đảm quyền lợi làm dân là được ơn cứu độ và hạnh phúc đời đời (Mc 16,16; Ga 3,15-18). Thánh Phaolô đã nhấn mạnh trong thư Rôma: “Bây giờ sự công chính của Thiên Chúa đã biểu lộ ra mà không cần có Lề Luật… Đó là sự công chính mà Thiên Chúa ban cho bất cứ ai tin vào Đức Giêsu Kitô. Không có sự phân biệt nào, vì mọi người đã phạm tội và mất ơn nghĩa với Thiên Chúa. Mọi người sẽ được nên công chính một cách nhưng không bởi ơn Chúa và bởi ơn cứu chuộc chứa chan nơi Đức Giêsu Kitô. Thiên Chúa đã đặt Ngài làm Đấng Cứu Chuộc và Ngài đã đổ máu ra để đền tội. Ai tin thì được tha tội…” (Rm 3,21-25). Và để được tha tội, nên người công chính, công dân của Nước Trời, điều kiện duy nhất là tin vào Đức Kitô, Đấng đã chết để chuộc tội cho nhân loại.
Như thế, làm công dân Nước Trời là tin vào Đức Kitô và con dân của Ngài tất nhiên là hết thảy những ai nhận Ngài là Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ và đi theo Ngài. Ngài biết dân Ngài vì thấu suốt tâm hồn mỗi người. Ngài biết ai tin Ngài vì chính Ngài kêu gọi họ. Là vua nhân hậu, Đức Kitô chăn dắt dân Ngài như chúa chiên lành dắt đàn chiên đến đồng cỏ xanh, đến bờ suối mát để chiên được ăn uống thỏa thuê, an bình, hạnh phúc (Tv 22,1-3).
     Hiến Pháp Nước Trời là Tình yêu
“Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết sức, hết trí khôn và yêu anh em như yêu chính mình” (Mc 12,30-31). Tình yêu Thiên Chúa và tình yêu tha nhân là một và trong tình yêu ấy, ta gặp được chính mình, nghĩa là “mình” cũng được yêu. Đức Kitô đã chẳng bảo: Hãy yêu anh em như yêu chính mình?
Hiến Pháp Tình yêu lấy tình yêu làm lề luật, nên ai không yêu mến, người ấy không giữ luật Thiên Chúa. Hiến Pháp ấy lấy tình yêu làm nguyên tắc sống, tiêu chuẩn chọn lựa, đường lối sinh hoạt, phong cách giao tiếp, cư xử. Hiến pháp tình yêu còn là thước đo khi xét xử: Ai yêu nhiều thì được tha nhiều. Ai không yêu thì bị luận phạt (Mt 25,31-46).
Tình yêu là tất cả trong vương quốc Đức Kitô, một vương quốc gồm những công dân của Tình Yêu và người ta nhận ra họ qua duy nhất dấu chỉ “Yêu thương”. Tình yêu sẽ điều phối mọi việc, giải quyết mọi chuyện, liên kết mọi người, vì Tình Yêu “nhẫn nại, nhân từ, không ghen tị, không khoe khoang, không kiêu kỳ, không tham lam, không tìm tư lợi, không giận dữ, không mưu mô gian ác, không vui trước bất công, chỉ vui với sự thật. Tình yêu tha thứ mọi sự, tin mọi sự, trông cậy mọi sự, chịu đựng mọi sự. Và tình yêu không bao giờ tàn phai…” (1Cr 13,4-8).
Đức Kitô còn ban bố “Bát Phúc” như hiến chương Nước Trời Tình Yêu khi hứa phần thưởng cho tất cả những ai bé nhỏ, khiêm nhường, đơn sơ, trong sạch, nghèo khó trong tình yêu, khóc lóc, sầu buồn cho Tình yêu, bị bạc đãi, bách hại vì tình yêu, hy sinh tận tụy xây dựng, hàn gắn Tình yêu. Ngài chúc phúc và hứa ban Nước Trời làm gia nghiệp, hứa cho vương quốc làm gia sản, hứa cho chính mình Ngài là Tình Cha thương xót cho những ai chọn Yêu Thương làm lẽ sống, lấy Yêu Thương làm chính đạo (Mt 5,3-12).
Nhiều người xin nhập tịch Nước Trời, nhưng chưa biết rõ Nước Trời là gì và vị vua của vương quốc ấy là ai, tính nết thế nào, đường lối trị dân ra sao… Khi gia nhập Giáo Hội, ta đã nhập tịch vương quốc của Đức Kitô và nhận thẻ căn cước “công dân Nước Trời, người mang Đức Kitô”. Danh xưng đã chính xác trên giấy tờ, còn chứng nhân trong đời sống? Liệu ta có để người ngoài nhận xét: “Ối giời, bọn họ chỉ là những công dân trên giấy” như những ông tây, bà đầm giấy da vàng, mũi tẹt, cơm vẫn rưới nước mắm, rau vẫn chấm mắm tôm và chẳng biết gì đến lịch sử, văn hoá, vận mệnh, tiền đồ của nước “đại Pháp”. Người ta gọi họ là “tây giấy, đầm giấy” vì thái độ thờ ơ, bàng quan, hờ hững, vô trách nhiệm của họ đối với quốc gia, dân tộc mà họ đã tự nguyện nhập tịch. Họ như những người tín hữu “hữu danh vô thực”, tuy mang danh Kitô hữu, nhưng chẳng biết Đức Kitô là ai; tuy ở trong Nước Đức Kitô nhưng chưa một lần thắc mắc Nước ấy ở đâu, luật lệ Nước ấy thế nào và tại sao nhập tịch vào Nước ấy?
Tuần Thánh với Đức Kitô, ta sẽ học với Ngài về vương quốc khiêm nhường, dịu dàng, yêu thương và ở với Ngài là vua nhân hậu để căn cước tính “người có Chúa Kitô - Công dân Nước Trời” của ta sẽ không còn là chữ nghĩa lạnh lùng trên văn bản, nhưng trở thành nền tảng sống động cho những bước chân ngập tràn yêu thương trên hành trình đời sống.
Một Giêrusalem mới đã được xây và nhân loại cứ theo dấu chân Thánh Giá tiến vào. Đừng sợ Thánh Giá, vì đó là con đường nhân loại phải đi qua để đến sự sống viên mãn. Đừng sợ, nhưng hãy mở bung cửa to cửa nhỏ của tâm hồn cho Đức Kitô tiến vào như cửa thánh đô đã cất cao đón bước chân vua nhân hậu. Đừng sợ, nhưng hãy mở to mắt để nhìn Đức Kitô hiền lành trên lưng lừa và khiêm hạ trên Thánh Giá. Đừng sợ nhưng hãy gióng tai nghe tiếng hoan hô chúc tụng ngày lễ lá và lời mắng nhiếc, đả đảo đường lên núi Sọ và đừng sợ nhưng hãy quỳ gối, cúi đầu thờ lạy thân xác Thiên Chúa tơi tả, trần truồng chiều thứ sáu tuần thánh… bởi trong thinh lặng mầu nhiệm, Tình yêu sẽ lên tiếng.

THIÊN CHÚA NHÂN HẬU, TỪ BI VÀ KIÊN NHẪN


      Suy Niệm TIN MỪNG Chúa Nhật 3 Mùa Chay, Năm C
       THIÊN CHÚA NHÂN HẬU, TỪ BI VÀ KIÊN NHẪN

   Mùa chay không chỉ là mùa thống hối, trở về từ phía con người, nhưng chính yếu là từ phía Thiên Chúa, Đấng đi tìm con người và tỏ cho con người Ngài là Thiên Chúa nhân hậu, từ bi và kiên nhẫn trước yếu đuối, sa ngã của con người.
   Trong bài đọc một, Thiên Chúa của Ápraham, Isaác và Giacóp là Thiên Chúa đã thấy nỗi thống khổ của dân Ngài, đã nghe tiếng khóc than ai oán của dân Ngài, và đã thân hành xuống để giải phóng dân Ngài khỏi ách thống trị hà khắc, dã man của các vua Ai Cập.
   Trong Tin Mừng Luca, Đức Giêsu nhận định về hai biến cố đẫm máu mới xẩy ra : biến cố quan tổng trấn Philatô ra lệnh giết mấy người xứ Galilê và biến cố mười tám nạn nhân bị tháp Silôê đổ đè chết. 
    Trong cả hai sự kiện, Đức Giêsu đều quả quyết: “Các ông tưởng họ là những người mắc tội nặng hơn tất cả mọi người” ở Galilê và ở Giêrusalem sao ? “Không phải thế đâu” (Lc 13, 2 - 5). 
   Theo Đức Giêsu, những nạn nhân này tuy phải chết, nhưng không phải vì tội lỗi của họ nhiều hơn người khác, và một cách gián tiếp Ngài cho biết : việc phán xét tội phúc của mỗi người không thuộc quyền con người, nhưng thuộc quyền Thiên Chúa. Đi xa hơn, Đức Giêsu nghiêm khắc cảnh cáo : “Nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy” (Lc 13, 5).
   Quả thực, nếu Thiên Chúa của Đức Giêsu không là Thiên Chúa của lòng bao dung, thương xót, không là Thiên Chúa chậm bất bình, và kiên nhẫn trước lỗi lầm, sai phạm của con người, thì hình phạt đã dồn dập kéo tới và những người tội lỗi đều đã phải chết thảm thương. Khi kể dụ ngôn cây vả nhiều năm không sinh trái đáng lẽ đã bị chủ vườn đốn đi, nhưng người làm vườn đã xin với ông chủ : “Xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó. May ra sang năm nó có trái, nếu không thì ông sẽ chặt nó đi” (Lc 13, 8 - 9), Đức Giêsu đã mặc khải lòng thương xót rất kiên nhẫn của Thiên Chúa đối với người có tội, là cây vả không sinh trái.
Vì thế, màu tím của mùa chay sẽ không chỉ là mầu sám hối trơ trọi của con người, nhưng trước hết và trên hết chính là mầu tím nhung nhớ của Thiên Chúa là người cha nhân hậu ngày ngày ra đầu ngõ ngóng bước chân con trở về ; là mầu tím thiết tha của thương xót trong “trái tim mẹ hiền” của Thiên Chúa, cũng là mầu tím tràn trề nước mắt hy vọng được tha thứ và yêu thương của người con hoang đàng trên đường trở về (x. Lc 15, 11 - 32).
   Thực vậy, nếu mùa chay chỉ là mùa của con người tự mình sám hối, tự mình trở về mà không là mùa của Thiên Chúa giàu lòng xót thương, nhân hậu, bao dung, kiên nhẫn, Đấng không chỉ mòn mỏi ngóng đợi, mà còn vội vã, hối hả lên đường đi tìm chiên lạc, chuộc lại phận người khỏi cảnh làm tôi, nô lệ, và cứu sống tội nhân lẽ ra phải chết, thì mùa chay sẽ không trọn vẹn ý nghĩa, bởi ý nghĩa đích thực, quan trọng, nền tảng và cốt lõi của mùa chay là lòng nhân hậu, bao dung và kiên nhẫn của Thiên Chúa trên từng bước chân đi tìm con người trở về.
   Và như thế, mùa chay sẽ là mùa của hạnh phúc được Thiên Chúa yêu thương và thứ tha, như niềm vui của tội nhân được xoá án trong Thánh Vịnh 102 : “Chúa tha cho ngươi muôn ngàn tội lỗi, thương chữa lành các tật bệnh ngươi. Cứu ngươi khỏi chôn vùi đáy huyệt, bao học ngươi bằng ân nghĩa với lượng hải hà, ban cho đời ngươi chứa chan hạnh phúc, khiến tuổi xuân ngươi mạnh mẽ tựa chim bằng” (Tv 102, 3 - 5).
Jorathe Nắng Tím