Thứ Ba, 10 tháng 11, 2020
CON CÁI TỰ DO CỦA THIÊN CHÚA
Tin Mừng của Đức Giêsu là Tin Mừng giải phóng, vì Đấng
là Tin Mừng chính là Đấng Cứu Độ, Đấng loan báo Tin Mừng là Đấng giải cứu, mà sứ
vụ của Ngài là mang lại Tự Do cho mọi người, khi “loan Tin Vui cho kẻ nghèo hèn,
công bố cho kẻ giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, và
công bố năm hồng ân xóa nợ của Chúa cho mọi người” (Lc 4,18-19).
Như thế, không ai có thể chối cãi Đức Giêsu là nhà giải
phóng, không những giải phóng người cùng khổ khỏi cảnh bị khinh miệt, bóc lột,
tù nhân khỏi xiềng xích giam cầm, người đau ốm khỏi trói buộc của bệnh tật, nhưng
còn giải phóng con người khỏi ách thống trị của thần dữ, khỏi gánh nặng vô song
của tội lỗi và khỏi nỗi lo sợ triền miên, kinh hoàng của sự chết, khi ban lại
cho con người quyền làm con cái tự do của Thiên Chúa.
Khi tạo dựng, Thiên Chúa đã tạo nên con người giống hình
ảnh Ngài, và hình ảnh Ngài chính là Tự Do. Cũng vì giống Thiên Chúa ở tự do, giống
Thiên Chúa khi được là thụ tạo có tự do, mà con người đã có thể nói “không” với
Thiên Chúa, như ông bà nguyên tổ đã bất tuân
lệnh cấm ăn trái cấm của Ngài.
Công trình cứu chuộc của Đức Giêsu, vì thế, cũng chỉ
nhằm mục đích chuộc lại tự do đã mất của con cái Thiên Chúa, vì chỉ với tự do Đức
Giêsu chuộc lại, con người tội lỗi mới nhận ra mình giống Thiên Chúa, nhờ thế mới
có thể hiệp thông với Ngài trong sự sống và vinh quang đời đời của Ngài.
Kinh Thánh cho chúng ta biết Thiên Chúa là Đấng tự
do : Ngài dựng nên muôn vật hữu hình và vô hình như Ngài muốn (x. St
1) ; Ngài tự do “thương ai thì thương, xót ai thì xót” (Xh 33,19) ; “Người
quyết định rồi, ai làm Người đổi ý, điều lòng Người muốn, ắt Người sẽ thi hành”
(G 23,13) ; “Ngài tự do chọn lựa mà không dựa vào việc người ta làm”, nhưng
dựa vào ý muốn của Ngài, nên “người ta được chọn không phải vì muốn hay chạy vạy,
nhưng vì được Thiên Chúa thương xót… Vậy Thiên Chúa thương xót ai là tùy ý Người,
và làm cho ai ra cứng cổ cũng tùy ý Người” (Rm 9,12.16.18). Chính Đức Giêsu cũng
cho các môn đệ biết “Ngài gọi đến với Người những kẻ Người muốn” (Mc 3,13).
Trong Tin Mừng Gioan, Đức Giêsu cho chúng ta thấy thế
nào là con cái tự do của Thiên Chúa : “Đức Giêsu nói với người Do Thái đã
tin Người : Nếu các ông ở lại trong lời của tôi, thì các ông thật là môn đệ
tôi ; các ông sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các ông”. Họ đáp :
“Chúng tôi là dòng dõi ông Ápraham. Chúng tôi không hề làm nô lệ cho ai bao giờ.
Làm sao ông lại nói : các ông sẽ được tự do?” Đức Giêsu trả lời : “Thật,
tôi bảo thật các ông : hễ ai phạm tội, thì làm nô lệ cho tội. Mà kẻ nô lệ
thì không được ở trong nhà luôn mãi, người con mới được ở luôn mãi. Vậy nếu Con
Người có giải phóng các ông, thì các ông mới thực sự là những người tự do” (Ga
8,31-36).
Như thế, không ai trong chúng ta là người con tự do, nếu
không được Đức Giêsu, Con Một Thiên Chúa chuộc lại quyền làm con tự do của Thiên
Chúa đã mất vì tội. Và đây chính là Sự Thật có khả năng giải phóng chúng ta, có
sức mạnh kéo chúng ta ra khỏi vực sâu nô lệ, có quyền năng làm cho chúng ta trở
lại tình trạng được ân nghiã với Thiên Chúa như con cái với Cha mình. Và Sự Thật
ấy chính là Đức Giêsu, Đấng là “Đường, Sự Thật và Sự Sống” (Ga 14,6). Ở Đức Giêsu,
chúng ta có Sự Thật, và Sự Thật giải phóng chúng ta khỏi mọi ách thống trị, mọi
gánh nặng nô lệ, mọi xiềng xích ngục tù để chúng ta được là những đứa con hoàn
toàn tự do của Thiên Chúa.
Thánh Phaolô cắt nghiã về tự do của con cái Thiên Chúa
trong các thư của Ngài, khi viết : “Chính để chúng ta được tự do mà Đức
Kitô đã giải thoát chúng ta” (Gl 5,1) ; “Chúa là Thần Khí, và ở đâu có Thần
Khí của Chúa, thì ở đó có tự do” (2 Cr 3,17) ; “Anh em không còn là nô lệ
nữa, nhưng là con, mà là con thì cũng là người thừa kế, nhờ Thiên Chúa” (Gl
4,7).
Thánh Gioan Tông Đồ còn mạnh mẽ qủa quyết : “Người
đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận. Còn những ai đón nhận, tức
là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa”
(Ga 1,11-12).
Tóm lại, để được trở thành con cái tự do của Thiên Chúa,
chúng ta phải tin và đón nhận Đức Giêsu, Đấng giải phóng chúng ta khỏi tội lỗi,
Đấng giải thoát chúng ta khỏi sự chết để ban lại cho chúng ta hạnh phúc của con
người tự do, niềm vui của người con tự do.
Nhưng để tin và đón nhận Đức Giêsu, Thiên Chúa đòi chúng
ta phải trở thành con cái của Sự Thật và con cái của Tình Yêu, khác với ma qủy,
chúng có những đứa con của Dối Trá và những đứa con mang tên Ganh Ghét, Hận Thù.
Là con cái của Sự Thật, khi có trong cuộc đời Sự Thật
của Thiên Chúa là Đức Giêsu, vì chỉ trong Ngài là Sự Thật của Thiên Chúa, chúng
ta mới có Sự Sống của Thiên Chúa, bởi sự sống của Thiên Chúa chỉ thông ban cho
con cái của ánh sáng, như thánh Phaolô đã khuyên dậy tín hữu Thêxalônica :
“Thưa anh em, anh em không ở trong bóng tối, để ngày ấy như kẻ trộm bắt chợt
anh em. Vì tất cả anh em là con cái ánh sáng, con cái của ban ngày. Chúng ta không
thuộc về đêm, cũng không thuộc về bóng tối” (1 Tx 5,4-5). Trong văn hoá Do Thái,
đêm và bóng tối biểu hiệu thời điểm thống trị của Thần Dữ, và vương quốc của sự
chết, nên chỉ ai “thuộc về ban ngày”, “mới có niềm hy vọng được cứu rỗi” và được
sống (x. 1Tx 5,8).
Trong Tin Mừng Gioan, Đức Giêsu đã khẳng định với đám đông :
Ngài là Ánh Sáng : “Ánh sáng còn ở giữa các ông ít lâu nữa thôi. Các ông hãy bước
đi, bao lâu các ông còn có ánh sáng, kẻo bóng tối bắt chợt các ông. Ai bước đi
trong bóng tối, thì không biết mnìh đi đâu. Bao lâu các ông còn có ánh sáng, hãy
tin vào ánh sáng, để trở nên con cái ánh sáng, và con cái ánh sáng chính là con
cái của sự thật” (Ga 12,35-36).
Bên cạnh đòi hỏi phải trở nên con cái của Ánh Sáng Sự Thật,
con cái tư do của Thiên Chúa còn phải là con cái của Tình Yêu, như thánh Phaolô
đã viết : “Anh em đã được gọi để hưởng tự do. Có điều là đừng lợi dụng tự
do để sống theo tính xác thịt, nhưng hãy lấy đức yêu thương mà phục vụ lẫn
nhau. Vì tất cả Lề Luật được nên trọn trong điều răn duy nhất này là :
Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Nhưng nếu anh em cắn xé nhau, anh
em hãy coi chừng, anh em tiêu diệt lẫn nhau đấy!” (Gl 5,13-15).
Cũng trong thư gửi giáo đoàn Galát, thánh tông đồ dân
ngoại nhấn mạnh : con cái tự do của Thiên Chúa là những người ở với
Thần Khí của Chúa, “để cho Thần Khí hướng dẫn” (Gl 5,18), và được hưởng “hoa trái
của Thần Khí là : bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm,
trung tín, hiền hoà, tiết độ” (Gl 5,22-23). Tất cả hoa trái vừa kể đều được cưu
mang, nuôi lớn từ tình yêu, mà Thánh Thần là Tình Yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa, và
nhờ đón nhận Thánh Thần, “chúng ta được ở lại trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở
trong chúng ta” (x. 1 Ga 4,13).
Thực vậy, người con tự do của Thiên Chúa là người có sự thật và tình yêu. Có sự thật
khi người mang sự thật được tự do nói lên sự thật, tự do làm chứng sư thật, mà
không sợ bất cứ ai, bất cứ sự gì, bất cứ quyền lực, thế lực nào đe dọa ; có
tình yêu khi người mang tình yêu được tự do yêu thương, tự do gieo rắc yêu thương,
tự do vun trồng, chia sẻ yêu thương với mọi người mà không phân biệt, kỳ thị.
Như thế, Sự Thật và Tình Yêu ở con người tự do, ở người
con tự do của Thiên Chúa cùng lúc vừa là điều kiện để là người tự do, vừa là việc
làm của tự do, vừa là mục đích của tự do, bởi Sự Thật, Tình Yêu là chính Thiên
Chúa, Đấng cho chúng ta được trở nên con cái tự do của Ngài, và được thừa hưởng
gia nghiệp đời đời Chúa Cha trên trời dành cho con cái tự do trong Sự Thật và Tình
Yêu của Ngài.
Jorathe
Nắng Tím
NGÔN SỨ GIẢ, THỢ VẼ
Chúng ta đang sống ở thời đại mà Đức Giêsu đã cảnh báo : “Anh em hãy coi chừng, đừng để ai lừa gạt anh em, vì sẽ có nhiều người mạo danh Thầy đến nói rằng : Chính Ta đây là Đấng Kitô, Bấy giờ sẽ có nhiều người vấp ngã. Người ta sẽ nộp nhau và thù ghét nhau. Sẽ có nhiều ngôn sứ giả xuất hiện và lừa gạt được nhiều người. Vì tội ác gia tăng, nên lòng yêu mến của nhiều người sẽ nguội đi. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát” (Mt 24,4-5.10-12).
Nhưng
ngôn sứ giả là những ai, và chiêu trò lừa đảo, gạt gẫm là những chiêu trò nào?
Ngôn
sứ giả là những người nhân danh Thiên Chúa, nhân danh là người của Thiên Chúa chọn và sai đi để tung
tin vịt, gieo rắc tin đồn thất thiệt làm hoang mang, nao núng niềm tin của dân
chúng. Họ không nói điều Thiên Chúa muốn nói, nhưng nói điều họ muốn nói vì có
lợi cho bản thân ; họ không được Thiên Chúa chọn, nhưng tự chọn và tự tấn
phong ; họ không nhận từ Thiên Chúa sứ điệp để chuyển tải cho dân, nhưng lừa
đảo dân bằng sứ điệp được sọan ra bởi chính họ. Tóm lại, họ tự phong cho mình
chức ngôn sứ, tự gán cho mình quyền phát ngôn viên của Thiên Chúa, tự cho mình
là gạch nối giữa Thiên Chúa và dân Ngài, trong khi tất cả đều không có thực, nhưng
do ý nghĩ hoang tưởng, tham vọng bất chính, và khả năng lừa đảo của họ thực hiện,
dàn dựng.
Nhưng
làm thế nào để phân biệt ai là ngôn sứ thật và ai là ngôn sứ giả?
Câu
chuyện tranh cãi giữa ngôn sứ Khanania và ngôn sứ Giêrêmia trong Cựu Ước cho chúng
ta thấy phân định ngôn sứ giả và ngôn sứ thật là một công việc không dễ chút nào :
Khi ấy ngôn sứ Khanania tuyên sấm rằng : “Đức Chúa các đạo binh, Thiên Chúa
Ítraen phán như sau : Ta sẽ bẻ gẫy ách của vua Babylon. Còn hai năm nữa,
Ta sẽ đem về nơi này mọi đồ dùng trong nhà Đức Chúa, mà Nabucôđônôxo, vua
Babylon đã lấy ra khỏi nơi này đưa sang Babylon… Cả những người Giuđa bị lưu đày
sang Babylon, chính Ta sẽ dẫn chúng về nơi đây, sấm ngôn của Đức Chúa, vì Ta sẽ
bẻ gẫy ách của vua Babylon!”. Bấy giờ ngôn sứ Giêrêmia trả lời ngôn sứ Khanania… :
Ước gì Người thực hiện các điều ông vừa tuyên sấm… Nhưng xin ông lưu ý đến những
lời tôi sắp nói cho ông và toàn dân nghe đây : Các ngôn sứ có trước tôi và
ông từ ngàn xưa đã tuyên sấm về nhiều xứ sở và vương quốc hùng mạnh, là sẽ có
chiến tranh, tai ương và ôn dịch ; còn ngôn sứ nào tuyên sấm có bình an,
thì chỉ khi nào lời ngôn sứ ấy ứng nghiệm, ông mới được nhìn nhận là ngôn sứ Đức
Chúa sai đến thật sự!” (Gr 28,2-9).
Sau
đó, ngôn sứ Khanania bẻ gẫy cái gông bằng gỗ ra khỏi cổ ngôn sứ Giêrêmia, như dấu
chỉ Đức Chúa sẽ bẻ gẫy cái ách của Nabucôđônôxo, vua Babylon đè trên mọi dân tộc.
Nhưng ngay sau đó, Đức Chúa phán với ngôn sứ Giêrêmia : “Hãy đi nói với
Khanania như sau : Ngươi đã bẻ gẫy những cái gông bằng gỗ, thì hãy làm những
cái gông bằng sắt thế vào!”, vì Đức Chúa không tháo ách thống trị của vua
Babylon trên các dân tộc (x. Gr 28,12-14).
Ngôn
sứ Giêrêmia liền đi nói với ngôn sứ Khanania : Ông Khanania, hãy nghe đây,
Đức Chúa chẳng hề sai ông, thế mà ông lại làm cho dân này tin vào điều dối trá.
Bởi thế, Thiên Chúa phán như sau : “Này, Ta sẽ bứng ngươi ra khỏi mặt đất :
Ngay năm nay, ngươi sẽ phải chết, vì ngươi đã hô hào nổi loạn chống Đức Chúa. Ngôn
sứ Khanania đã chết vào tháng bẩy năm ấy” (Gr 28,15-17).
Cuộc
tranh cãi giữa hai ngôn sứ chắc chắn đã tạo thành hai phe chống nhau kịch liệt và
tạo nên tình trạng chia rẽ rất trầm trọng trong Ítraen : một bên chuẩn bị
hoà bình, vì Đức Chúa sắp bẻ gẫy gông cùm nô lệ của vua Babylon áp đặt trên dân
theo sấm ngôn của ngôn sứ Khanania ; một bên biết mình phải tiếp tục sống
cảnh nô lệ, lưu đầy vì Đức Chúa chưa tháo ách cho dân tộc này theo sấm ngôn của
ngôn sứ Giêrêmia.
Đặt
mình vào vị trí của dân Ítraen lúc bấy giờ, hầu hết chúng ta sẽ phấn khởi đứng
về phiá ngôn sứ Khanania với sấm ngôn hoà bình sắp được tái lập, và ách nô lệ sắp
được bẻ gẫy, hơn là nghe theo ngôn sứ Giêrêmia với sấm ngôn Ítraen phải tiếp tục
chịu cảnh nô lệ, lưu đầy. Nhưng rất tiếc, sấm ngôn “tai hoạ” mới lại là điều
Thiên Chúa muốn nói với dân.
Sự
phân định còn rất khó, khi có những ngôn sứ không xuất hiện từ cơ chế tôn giáo
luôn được coi là đáng tin cậy, mà xuất phát hoàn toàn ngoài cơ chế, và độc lập,
tách biệt, đối nghịch với cơ chế.
Vì
ở “ngoại vi cơ chế”, lại không chịu sự giám sát của vua chúa, tư tế, quan án, nên
các ngôn sứ này bị coi như đối thủ của giai cấp và bộ máy lãnh đạo, nên gặp rất
nhiều khó khăn, o ép từ cơ chế quyền lực.
Câu
chuyện vua Giuđa và vua Ítraen, cả hai hợp đồng tiến đánh vua Aram để chiếm lại
miền Ramốt Galaát. Trước khi quyết định tổng tấn công vua Aram, hai vua này đã
tập họp khoảng bốn trăm ngôn sứ và hỏi ý kiến : “Ta có phải đi đánh Ramốt
Galaát không hay là phải ngừng lại?”. Tất cả bốn trăm ngôn sứ “thuộc cơ chế” đồng
thanh thưa : “Xin vua cứ tiến đánh, Chúa sẽ trao thành ấy vào tay vua”. Nhưng
để nắm chắc phần thắng, vua Giuđa hỏi vua Ítraen : “Ở đây có còn ngôn sứ nào
khác của Đức Chúa, để chúng ta nhờ ông thỉnh vấn Đức Chúa không?” Vua Ítraen trả
lời : “Còn một người nữa chúng ta có thể nhờ thỉnh vấn Đức Chúa được, nhưng
tôi ghét ông ta, vì ông ta không hề tiên báo cho tôi điều lành, mà chỉ toàn điều
dữ”. Và người ta cho mời ngôn sứ Mikhagiơhu.
Vị
ngôn sứ không được cơ chế “sủng ái, trọng dụng” này đã tuyên sấm hoàn toàn ngược
lại : “Tôi đã thấy toàn thể Ítraen tán loạn trên núi như chiên không người
chăn, Đức Chúa phán : chúng không còn chủ nữa”.
Vì
tuyên sấm trái ý vua, với điềm dữ là cảnh bại trận, ngôn sứ Mikhagiơhu đã bị vua
Ítraen ra lệnh : “Giam tên này vào nhà tù và cho nó ăn uống ít thôi, cho tới
khi ta về bình an”. Nhưng khi lâm trận tại Ramốt Galaát, vua Itraen đã bị thương,
máu ra nhiều “chảy cả vào lòng xe”, và vua chết ngay buổi chiều hôm đó (x. 1 V
22,1-38).
Đó
là sự thật lịch sử của dân Thiên Chúa được ghi lại trong Cựu Ước. Qua đó, chúng
ta nhận ra phần nào những khó khăn khi phải phân định ai là ngôn sứ giả và ai là
ngôn sứ thật của Thiên Chúa, và những khó khăn của dân Chúa ngày xưa đó cũng là
những khó khăn của Giáo Hội ngày nay, khi nhiều luồng sấm ngôn khác nhau, đối
nghịch nhau đang làm hoang mang tinh thần của dân Chúa.
Tạm
gác ra một bên những hiện tượng lạ nổi lên như nấm khắp nơi trong Giáo Hội làm nhiều
người Kitô hữu rơi vào tình trạng “bán tín bán nghi” giáo lý đức tin và nghi ngờ
chính đức tin của mình, người viết chỉ tập trung trình bày một vấn đề then chốt,
đó là tình trạng “vẽ Giáo Hội của nhiều thợ vẽ”, hiện thân của ngôn sứ giả của
thời đại mới.
Tất
nhiên những thợ vẽ này không vẽ tác phẩm của mình, cũng không tô lại cho đậm,
hay vẽ lại cho đúng tác phẩm của người khác, nhưng lạm dụng tài vẽ của mình để
làm hỏng tác phẩm của người khác bằng bôi lem luốc, vẽ nguyệch ngoạc, tô bừa bãi,
thêm thắt, cắt xén lung tung theo ý mình, mà không chút ngượng ngùng trước tác
giả, cũng như tác quyền bất khả xâm phạm.
Trước
hết, những thợ vẽ này tự nhận mình là người của Thiên Chúa sai đến để vẽ lại Giáo
Hội, vì có những người trong số họ có chân trong cơ chế Giáo Hội, có khi lại giữ
những vai trò trọng yếu, và có toàn quyền quyết định. Họ nhân danh Đức Giêsu để
vẽ một Giáo Hội khác Giáo Hội của chính Ngài đã thiết lập trên nền móng Tông Đồ,
như những ngôn sứ giả đã nhân danh Đức Chúa để tuyên sấm ý riêng mình, hay ý của
một nhân vật, một đoàn thể, một tổ chức có “đơn đặt hàng” với họ, như bốn trăm
ngôn sứ Ítraen đã đồng thanh tuyên sấm “chiến thắng” để làm vui lòng vua, hoặc
sợ vua trừng phạt, hãm hại, nếu nói ngược ý vua.
Như
những ngôn sứ giả có thể xuất thân từ đâu đó, hoặc ngay từ trong cơ chế Giáo Hội,
những thợ vẽ này đã vẽ lại một giáo hội không có Đức Giêsu, là dung mạo đích thực
của Chúa Cha giầu lòng thương xót, nhưng thay thế dung mạo yêu thương, bao
dung, rộng lượng khoan hồng của người cha nhân hậu bằng dáng mạo của một ông chủ
khó tính, khó gần, một quan chức hống hách, cửa quyền, một ông vua chỉ biết xây
dựng, bảo vệ bằng mọi giá quyền bính, ngai vàng, và chẳng thiết tha gì đến hạnh
phúc của dân ; những thợ vẽ tinh ma tráo đổi sự thánh thiện của Thiên Chúa
không còn là lòng thương xót, nhưng đặt trên hoàn hảo của tổ chức, chặt chẽ của
cơ cấu, kỷ cương, vỏ bọc hoành tráng, sức mạnh bành trướng bên ngoài ; những
thợ vẽ tinh xảo đánh tráo Đức Giêsu hiền lành, khiêm nhường và thay bằng một
thiên chúa khác toàn năng, toàn quyền sinh sát, thích trừng phạt hơn giáo huấn,
tìm tiêu diệt hơn cứu sống, chữa lành.
Như
những ngôn sứ giả, những thợ vẽ đã gian xảo gột bỏ, tẩy xóa những mầu sắc “phúc âm” của Hiến Chuơng Nước Trời,
và thay thế tâm hồn nghèo khó bằng lòng dạ tham lam, trái tim hiền lành bằng lòng
trí kiêu căng, khao khát công chính bằng bon chen bất chính, yêu mến hoà bình bằng hơn thua đấu đá, phần thưởng Nước Trời bằng hư
danh trần thế.
Và
như những ngôn sứ giả, những thợ vẽ đã trắng trợn biến sứ vụ “được sai đi để phục
vụ” như Đức Giêsu đã được Chúa Cha sai đến trong thế gian “không phải để được
người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn
người” (Mt 20,28), thành đường lối của lãnh tụ thế gian dùng uy quyền mà thống
trị, lấy bạo lực mà trấn áp.
Với
cây cọ nhớp nhúa, trong bàn tay phù thủy của những anh thợ vẽ không còn tin, Giáo
Hội của Đức Giêsu không còn có Đức Giêsu, Thiên Chúa của lòng thương xót, không
còn Hiến Chương Nước Trời với Đất Hứa làm gia nghiệp, Thiên Đàng là phần thưởng, với niềm ủi an cho
người sầu khổ, hạnh phúc được nhìn thấy Thiên Chúa cho tâm hồn trong sạch, niềm
vui được thưong xót cho người biết xót thương, và vinh dự được làm con Thiên Chúa
cho người xây dựng hòa bình, và tương lai hằng phúc trong Vương Quốc đời đời cho
những ai khao khát sống công chính và chịu sỉ vả, vu khống vì Đức Giêsu.
Khi
kê ra việc làm của những người thợ vẽ Giáo Hội, chúng ta đừng xem đó là câu
chuyện phiếm “vô thưởng vô phạt”, và cũng đừng vội vàng lên án là cường điệu qúa
đáng những gì được mô tả, vì trong thực tế, người thợ vẽ còn tồi tệ, nguy hiểm nhiều lần hơn, khi không
để bị bại lộ hành vi thay thế hình ảnh, tráo đổi mầu sắc, giả mạo dung nhan Đức
Giêsu và Giáo Hội. Họ là những thợ vẽ có tài, nên chỉ cần một thay đổi nhỏ thôi,
Đức Giêsu không còn là Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa làm người, Giáo Hội không còn
là Giáo Hội của Đức Giêsu thiết lập, mà bản chất và sứ mệnh của các chi thể của thân
thể mầu nhiệm Giáo Hội là hiệp thông, hiệp nhất, “có Đức Giêsu trong cuộc đời”,
làm chứng Đức Giêsu là Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ bằng yêu thương, phục vụ.
Họ
cũng là những sứ ngôn giả và Thiên Chúa cũng sẽ hạch tội họ như đã hạch tội các
ngôn sứ giả trong Cựu Ước : “Ta sẽ ra tay trừng phạt hạng ngôn sứ thấy thị
kiến hão huyền và nói lời sấm dối trá… Bởi vì chúng đã làm cho dân Ta lạc đường,
khi nói rằng : ‘Hoà Bình’, mà thực ra chẳng có hòa bình ; trong khi dân
xây tường, thì chúng lại trát vôi lên tường...” (Ed 13,9.10).
Thực
vậy, khi Giáo Hội bị vẽ lại, tô lại, hoạ lại bởi những thợ vẽ của thế gian và
Satan, thì không ít người sẽ rơi vào lầm lạc và
không còn tin vào Đức Giêsu, cũng như Giáo Hội của Ngài nữa. Vì thế, chúng
ta cần thận trọng và khôn ngoan phân định để không rơi vào cạm bẫy các ngôn sứ
giả của thời đại thường đội lốt những thợ vẽ “có tài”, bởi từ chính họ “mà sự vô
đạo đã lan tràn khắp xứ” (Gr 23,15), như Lời Thiên Chúa phán : “Đừng nghe
lời các ngôn sứ tuyên sấm, chúng phỉnh phờ các ngươi, điều chúng nói chỉ là thị
kiến do tưởng tượng, chứ không phải do miệng Đức Chúa phán ra”, vì “Ta đã không
phái các ngôn sứ ấy đi, thế mà chúng lại đi! Ta đâu có bảo chúng, thế mà
chúng lại nói tiên tri!” (Gr 23,21), cũng như chẳng ai nhờ thợ vẽ “tô vẽ lại” dung
mạo Đức Giêsu và Giáo Hội của Ngài, hiện tượng đang làm nhiều người hoang mang,
mất hướng.
Nhưng
có thực chúng ta chỉ là nạn nhân của hiện tượng ngôn sứ giả, mà không là tác nhân
của hiện tượng “nhảm nhí nói tiên tri”, và nhiều người đang là nạn nhân của chúng ta? Có thực chúng
ta chỉ là những người chịu hậu qủa tai hại của những anh thợ vẽ đang bôi bác, bôi
nhọ, “bôi tro trát trấu” khuôn mặt Đức Giêsu, mà không là chính thợ vẽ đã vẽ lại
Giáo Hội và gây tai hoạ khủng khiếp cho nhiều người, khi đẩy họ đến tình trạng ngao
ngán Giáo Hội, từ bỏ Giáo Hội, lên án Giáo Hội, vì Giáo Hội không còn “nguyên hình
nguyên trạng” như chân dung Giáo Hội do chính tay Đức Giêsu vẽ nên? Có thực chúng
ta chỉ là ngôn sứ đích thực do ơn sủng và sứ vụ nhận được từ bí tích Rửa Tội, mà
không là ngôn sứ giả đã bừa bãi tuyên sấm vì mị dân, vì cơ đồ cá nhân, vì để được
lòng bề trên, lãnh đạo? Và có thực chúng ta ý thức về đời sống kiêu căng, giả hình,
gian ác, tham lạm, hưởng thụ, ăn không nói có, thiếu bác ái, từ tâm, bừa bãi
quyết đoán, dễ dàng chụp mũ, vu khống, đổ tội cho người khác, không quan tâm đến
người nghèo, không phục vụ như sứ vụ được trao, không coi việc loan báo Tin Mừng
là căn tính của người Kitô hữu, nhất là không lương thiện, trung thực trong khi
hành xử quyền bính, bởi đây chính là những việc làm của ngôn sứ giả, những đường
sơn, nét bút của người thợ vẽ đang làm hoen ố dung mạo Đức Giêsu, và suy yếu thân
thể mầu nhiệm là Giáo Hội?
Vâng,
ngày xưa hay ngày nay đều có những ngôn sứ giả, những anh thợ vẽ, nhưng ai là
ngôn sứ giả, ai là thợ vẽ, thì qủa thực rất khó nhận diện. Chỉ với ơn của Chúa
Thánh Thần, chúng ta mới có thể phân định, vì những con người giả dối, giả hình,
giả danh, giả dạng, giả mạo, “giả nhân giả nghiã” này rất ma mãnh, khéo léo và
tài tình đến mức kinh dị khó lường.
Chúng
ta cầu nguyện cho Giáo Hội trong cơn lốc xóay của nhiều thế lực Satan và thế
gian trong đó hiện tượng ngôn sứ giả và thợ vẽ đang góp phần không nhỏ làm tăng
tốc lốc xoáy và đè nặng hơn trên Giáo Hội sức nặng chia rẽ, phá họai.
Jorathe
Nắng Tím