Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 20 tháng 9, 2018

Chương X : HUẤN LUYỆN CON BIẾT ĐỨNG LÊN TỪ THẤT BẠI


    Rất ít cha mẹ nghĩ đến việc huấn luyện con mình đối diện với thất bại, và can đảm đứng dậy từ thất bại, mặc dù thất bại là cơm bánh của đời người, bởi có ai làm người mà không nếm mùi thất bại?
    Thất bại là không thành công như lòng mong ước, là sai bét một kế hoạch, là đổ vỡ của công trình đã day công cưu mang, thực hiện. Thất bại do đó là điều không ai chờ đợi, và người ta tìm mọi cách tránh né, tẩy chay. Nhưng thất bại vẫn sừng sững trong cuộc đời, ngang ngược giữa lòng đời, và làm con người ê ẩm, xất bất xang bang. Con cái cũng là người, và như mọi người, con cái không tránh khỏi những lần thất bại, tuy mức độ nặng nề có khác nhau.       Đứng trước thất bại của con cái, cha mẹ có hai thái độ rất khác nhau:
1. Thái độ: không chịu nổi con mình thất bại
      Những cha mẹ nay thuộc hang ngũ chuyên nghiệp làm áp lực trên con, vì muốn con phải hoàn hảo. Thất bại của con với họ là điều không thể chấp nhận, vì trong tâm trí, con cái là những siêu nhân, siêu sao, “siêu quần bạt chúng”, nên không thể lệch đường, lỡ bước; con cái là những thần đồng, thần tượng chỉ biết thành công, thành đạt trong cuộc đời. Vì quá cường điệu và suy tôn con, đồng thời tạo áp lực liên lỉ và nặng nề trên con cái, cha mẹ thuộc diện này đánh mất khả năng chấp nhận con mình thất bại. Thái độ ngạo mạn này của cha mẹ sẽ ảnh hưởng trên con cái, để đến phiên mình, con cái cũng sẽ từ chối thân phận làm người vốn mang nhiều khiếm khuyết và quen thuộc với thất bại để biến thành những người bất mãn, hoặc bất đắc chí khi gặp thất bại. Không chịu nổi sự thật “thất bại” của con, cha mẹ sẽ cho con cảm giác thất bại mà không được ai chia sẻ, ủi an. Rơi vào tâm trạng buồn này, con sẽ rút mình vào vỏ ốc cô đơn, trầm cảm, tự tách biệt khỏi mọi người. Không chấp nhận thất bại của con, vì quá đề cao, tôn thờ con, cha mẹ sẽ cảm thấy mình bị chính con phản bội. Cảm tưởng này dẫn đến thái độ thù nghịch một cách vô ý thức của cha mẹ đối với con cái. Không tiêu hóa nổi thất bại của con, cha mẹ sẽ luôn sống trong bực bội, và khiêu khích chính con mình, bằng la mắng, lãnh đạm, thờ ơ, hoặc xa lạ, không thân thiện.
     Không được cha mẹ chia sẻ, cảm thông, nâng đỡ khi thất bại, bất cứ đứa con nào cũng đều cảm thấy tủi thân, suy sụp tinh thần, vì những ý nghi đen tối về một người cha không còn nhân hậu, một người mẹ không còn thương xót, bao dung. Cha mẹ quên rằng: Bị đẩy vào ngõ tối cuộc đời sau những thất bại, con cái là người buồn nhất, buồn hơn cả cha mẹ, nên rất cần cha mẹ nâng đỡ để có thể trỗi dậy, tiếp tục bước đi. Đường đời ai không vấp ngã? Tình đời ai không một lần cay đắng, rối bời? Chính vì thế, thất bại không xa lạ với kiếp người, và bàn tay yêu thương của cha mẹ mãi mãi cần thiết và quý báu cho đám con nổi trôi, bồng bềnh giữa dòng đời không luôn đẹp như mơ, không êm xuôi, hoàn hảo như gối mộng.

      2. Thái độ: đồng hành với con
     Không lúc nào người ta cần có bạn đồng hành, bàn tay người thân hơn khi ê chề thất bại, bởi thất bại là lúc trơ trọi, chơi vơi, đơn độc, khổ đau nhất. May mắn cho con khi được cha mẹ thấu hiểu nỗi nhục nhằn cay đắng của thất bại, và thương cảm, đồng hành. Sự có mặt của cha mẹ trong những hoàn cảnh bi đát do thất bại là sức mạnh cho con cái trỗi dậy. Sức mạnh ấy mãnh liệt hơn tất cả, và có sức phục sinh con từ mồ sâu thất bại. Cha mẹ sẽ là nguồn sinh lực cho con đang chìm đắm trong nỗi thất vọng, bằng những cử chỉ lặng lẽ, tế nhị như pha cho con ly nước, nắm chặt tay con, yên lặng đi bên con hàng giờ, bởi bất cứ một thể hiện tình cảm nào, dù nhỏ bé, đơn sơ đến đâu của cha mẹ cũng qúy giá và cần thiết cho con trong thử thách của thất bại. Được làm con của cha mẹ biết cảm thông để có mặt đồng hành với con khi con thất bại là diễm phúc lớn lao, và may mắn hiếm có. Những cha mẹ biết thể hiện yêu thương khi con thất bại sẽ qua thất bại:
     a. Dạy cho con ý nghĩa của thất bại trong đời làm người. Đó là ý nghia về giới hạn của thân phận người, những giới hạn mà con người phải can đảm chấp nhận, nếu muốn đời làm người của mình tròn đầy ý nghia, và giá trị.
     b. Dạy con biết bình tĩnh, bình thản, bình an trước thất bại, vì thất bại không là điều ô nhục, càng không là cú đấm nghiệt ngã, định mệnh kết thúc cuộc đời.
    c. Dạy cho con sự thật: Không ai là người hoàn hảo, nhưng giá trị đích thực của “con người hoàn hảo” hệ tại ở cố gắng trỗi dậy liên tục và không ngừng làm tốt hơn.
   d. Dạy con biết tìm ra trong thất bại những giá trị tích cực, như có thất bại mới biết cảm thông người thiếu may mắn, có thất bại mới khiêm tốn, cẩn trọng, có thất bại mới biết mình luôn cần tha nhân.
    e. Dạy cho con khả năng chế ngự nỗi buồn trước những rủi ro, và học hỏi từ thất bại những bai học mới cần thiết để thành công.
Nghiên cứu những yếu tố giúp người trẻ thành công, các nhà tâm lý, xã hội cùng chung quan điểm: cha mẹ là nguồn trợ lực quan trọng và hữu hiệu nhất giúp con vượt qua những thử thách của thất bại để đi đến thành công. Kết quả thống kê khẳng định điều này: 77% người trẻ đã đặt sự nâng đỡ của cha mẹ lên hàng đầu danh sách những yếu tố giúp họ trỗi dậy, đứng lên từ thất bại. Quả thực, thất bại và thành công là hai mặt của thực tế cuộc đời. Cha mẹ giáo dục con để con tự trách nhiệm đời mình, nên không thể bỏ qua lớp học phương cách và thái độ cần phải có khi đứng trưóc thất bại, cũng như thành công. Không biết đón nhận thành công một cách khôn ngoan sẽ biến thành công thành thất bại, cũng như khéo léo chấp nhận thất bại sẽ chuyển bại thành thắng, biến thất bại ra thành công, bởi trong thất bại đã có mầm mống thành công, và trong thành công đã nảy sinh hạt thất bại. Ý thức thất bại là lẽ thường tình, cha mẹ sẽ không dằn vặt khi con thất bại, không đổ tội cho con khi việc không thành, không la rầy, trách mắng vì con hậu đậu làm hỏng việc, không hằn học, lên án nếu chẳng may con lỡ bước sa chân. Tình cha mẹ phải lớn hơn tất cả, cao hơn tất cả, sâu hơn tất cả kể cả yếu đuối, khiếm khuyết, thất bại của con để con không mất niềm hy vọng, và luôn có cơ hội đổi mới, thành công. Thương con khi con thất bại là đưa tay cho con nắm, đưa vai cho con dựa, mở lòng cho con vào nghỉ ngơi, tinh dưỡng. Yêu con khi con thất bại là ân cần, kín đáo băng bó vết thương cuộc đời trong tim con; là thổi vào hồn con cô quạnh, trống vắng ấm áp của tình cha, nồng nàn của tình mẹ. Bênh đỡ con khi con thất bại là không tìm bất cứ giá trị nào khác ngoài con, không nhìn con như vật thể, phương tiện, không coi con như lá chắn, con tin, mà trước sau chỉ một tình thương con vì “con la chính con”. Xã hội bấp bênh kéo theo gia đình chênh vênh. Hệ quả của bấp bênh là một xã hội nhiễu nhương, không có gì bảo đảm, và bên cạnh là gia đình chênh vênh với xác suất tan vỡ ngày càng cao. Trong bối cảnh này, thất bại phải gia tăng, và tuổi đời của nạn nhân sẽ nhỏ hơn. Vì thế, huấn luyện con biết đối diện thất bại, và trang bị cho con một tâm lý vững chắc cũng như thái độ xứng hợp, khôn ngoan để đối phó với thất bại là việc làm cấp bách của cha mẹ. Hầu hết cha mẹ bị ảo tưởng “hoàn hảo” ru ngủ, nên tự trấn an, và tạo cho mình cảm giác an toàn khi giáo dục con cái. Đó là lý do “thất bại” nhanh chóng trở thành một điều cấm ky không được nêu ra, không cần đề cập. Cũng chính vì sự thật về “thất bại” luôn được giấu giếm, ém nhẹm quá kỹ, nên khi thất bại xuất hiện, con cái ngỡ ngàng, bàng hoàng, hoang mang và mau chóng đầu hàng. Tóm lại, huấn luyện con đủ trưởng thành để con hiểu thất bại là gì, và chịu đựng thất bại một cách khôn ngoan và nhân bản, nghia là không để thất bại đánh gục, làm nhụt chí, trái lại, dùng chính thất bại làm bệ phóng cho thành công. Chương trình đao tạo cần nhiều người, nhiều sự, nhưng người cần nhất vẫn là cha mẹ, và thứ không thể thiếu vẫn là tình yêu. Chỉ cha mẹ yêu thương con mới giúp con vượt qua thất bại để thành công.

Quý độc giả vui lòng đọc tiếp chương 11 : http://tinmungduongpho.blogspot.com/search/label/CMYT-chuong11

NHỮNG BẤT NGỜ Ở CỬA THIÊN ĐÀNG


                                      
      
   Đời ai chẳng có những bất ngờ, bất ngờ vui và bất ngờ buồn, bất ngờ may mắn không dám mơ, và bất ngờ xui xẻo chẳng dám nghĩ. Có những bất ngờ làm cuộc đời bỗng chốc lên hương, và những bất ngờ chỉ một phút làm tan vỡ cả một đời. Bay bổng theo cơn gió bất ngờ, tôi mường tượng một bất ngờ mà gần hết cuộc đời cũng chưa bao giờ nghĩ : “bất ngờ ở cửa thiên đàng”.
     Nghe đến bất ngờ ở cửa thiên đàng, có bạn sẽ cười và nói: có chắc được lên thiên đàng không, mà mơ với ngờ ? Tôi vốn lạc quan, nên tin tưởng: Chúa sẽ khó khước từ thiên đàng với những ai đi theo Ngài, dù họ tội lỗi. Và tôi, người Kitô hữu bất xứng, nhưng biết mình đang đi theo Đức Kitô.
    Vừa chợt thấy cửa thiên đàng, bất ngờ tôi thấy nhiều người rất quen như ông bảo vệ già khó tính, bà cụ cuối xóm nằm liệt nhiều năm với đứa con gái mù lòa bẩm sinh, nhất là anh chàng độc thân  hâm hâm, dở dở cứ nhà ai có việc là lao vào làm không công, bất kể chủ nhà có muốn hay không. Giúp không công đã đành, anh còn  làm không ăn, nên cứ đến giờ cơm là thong thả về nhà lục cơm nguội, rồi trở lại hùng hục “vác tù và hàng tổng”.
    Vừa đến cửa thiên đàng, bất ngờ tôi nhận ra trong đám đông các thánh của Thiên Chúa người hàng xóm đông con, nghèo nàn, làm nghề hốt rác, mà quanh năm suốt tháng chỉ ăn cơm độn, với rau muống luộc chấm nước muối. Nghèo đến độ cả hai vợ chồng khi chết, lối xóm phải đóng góp mua hòm, lo liệu hoả thiêu.
    Vừa vào cửa thiên đàng, bất ngờ tôi nghe có người  réo tên tôi với niềm vui khôn tả. Thôi đúng rồi, chị ấy là người tôi ghét nhất ở thế gian.Tôi ghét vì chị vô duyên và chẳng bao giờ tỏ ra thân thiện với tôi, nhưng hở ra là sửa lưng, lên lớp, giáo điều, chỉ bảo, trách mắng. Nhưng hôm nay, sao chị  rực rỡ, tươi tỉnh , thân thương, trìu mến đến như vậy ?   
     Vừa qua ngưỡng cửa thiên đàng, bất ngờ tôi được cả đám đông chực sẵn uà ra đón. Ai nấy đều vui như tết, và  không giấu được xúc động khi thấy tôi. Tôi nhận ra từng người và tất cả đều là những người tôi không thích, từ chối giao du khi còn sống, bởi với tôi, họ là những người xấu, từng ra vào nhà tù, trại cải tạo, trung tâm Phục Hồi Nhân Phẩm, cả đến ba mẹ tôi cũng  khinh họ ra mặt, và xếp họ vào thành phần bất hảo, tệ đoan xã hội, phá làng phá xóm và công khai cấm tôi liên hệ. 
    Vừa lọt sau cánh cửa thiên đàng, bất ngờ tôi gặp những người lương dân ở Xóm Chùa mà sáng nào tôi cũng gặp trên đường đi làm. Bên cạnh họ, tôi còn bất ngờ hơn khi thấy nụ cười rạng rỡ hạnh phúc của người thanh niên bị người yêu bỏ đi lấy chồng đã thắt cổ tự tử  hôm nào, người mà cả xóm đạo đều qủa quyết  “mất linh hồn, sa hoả ngục”, và cha xứ đã không cho đem xác vào nhà thờ.
    Vừa bước lên thềm cửa thiên đàng, bất ngờ tôi thấy ông Tám bán vé số, người đã được mấy chị trong hội Đạo Binh Đức Mẹ rửa tội tại nhà ít phút trước giờ chết, được hội thiện nguyện Phật Tử cho hòm chôn, nhưng lại bị ông chủ tịch Hội Đồng Giáo Xứ giật phăng miếng bảng nhỏ ghi  hàng chữ : “Cầu cho Linh Hồn Giuse” gắn ở đầu quan tài, vì theo ông: “rửa tội kiểu này thì không thành”. Và đã không thành thì làm sao được mang tên thánh ? 
  Thật  nhiều bất ngờ với tôi ở cửa thiên đàng.Có những người tôi tưởng ở hoả ngục thì nay đang ở đây, tươi cười, thân thiện đón tiếp tôi. Có những người tôi nghĩ đã bị Chúa phạt từ đời nào, thế mà hôm nay tôi lại gặp họ rạng rỡ, hân hoan ân cần dắt tay tôi vào thiên đàng. Có những người tôi đoán không thể mon men đến cửa thiên đàng được, vì cha xứ đã nhiều lần công khai ra “vạ tuyệt thông”, dân xứ xa lánh, chết không kèn trống, không hội đoàn tiễn đưa, thế mà họ lại ở đây vui mừng, hạnh phúc. Có những người vô danh tiểu tốt, không nổi đình đám, suốt đời chẳng được ai tuyên dương, nhắc nhở, thế mà họ lại chiếm đa số cư dân thiên đàng. Nhìn họ sung sướng, mà lòng tôi khấp khởi vì qúa nhiều niềm vui bất ngờ !
   Nhưng bất ngờ lớn nhất mang lại niềm vui vĩ đại khôn lường, đó là tất cả mọi người ở đây đều rất vui, rất hiền, rất thân thiện, rất yêu thương. Ai cũng phấn khởi, mừng rỡ với niềm vui tròn đầy, tuyệt đối. Nét mặt ai cũng sáng ngời, tươi rói một niềm vui chung. Họ vui với nhau, hiền hậu với nhau, thân thiện với nhau trong một thứ tình yêu kỳ diệu, bao la, không thể tả. Và tất nhiên, ai nấy đều vô cùng hạnh phúc !
    Hạnh phúc ấy họ chia sẻ hết với tôi, khi tay bắt mặt mừng, chuyện trò rôm rang. Tôi càng bất ngờ hơn, vì ở đây ai cũng  yêu thương tôi, dù tôi là lính mới. Những người ngày xưa ở dương thế đã không thiện cảm, nhưng kiếm chuyện, ganh ghét, từ bỏ tôi cũng không giả ngơ, làm mặt lạnh, xa lánh, nhưng ân tình, niềm nở chia sẻ hạnh phúc với tôi. Cả những người tôi “ghét cay ghét đắng”, đã  nhiều lần thề “không đội trời chung” cũng không chấp nhất gì, nhưng dễ thương và ân cần đón tiếp. Tôi thật sự bất ngờ, vì qiá nhiều bất ngờ dồn dập, những bất ngờ kỳ diệu, những bất ngờ hạnh phúc, những bất ngờ yêu thương.
      Vào hẳn cửa thiên đàng, tôi tột cùng bất ngờ khi Thiên Chúa Ba Ngôi ôm lấy tôi, như người cha nhân hậu đã ôm chầm đứa con hoang đàng ngày trở về. Tôi chỉ còn biết sụp xuống chân Thiên Chúa mà hạnh phúc kêu lên: Lậy Chúa là Thiên Chúa của con !
     Thiên Chúa của con đã không là thiên chuá chấp tội, nhưng khoan dung, nhẫn nại đợi chờ. Thiên Chúa của con đã không là thiên chúa đoán phạt, nhưng xót thương, cứu độ. Thiên Chúa của con đã không là thiên chúa quên lời hứa cứu độ và nhớ tội lỗi xưa, nhưng là Thiên Chúa nhớ lại Lời xưa Giao Ước và quên hết mọi lỗi lầm.
  Vì thế mà con đã đi từ bất ngờ này đến bất ngờ kia, khi đến cửa thiên đàng, và chỉ ở đây, con mới biết Thiên Chúa nhân hậu dường nào và yêu thương biết bao !
Jorathe Nắng Tím

THÁNH MAT-THÊU,TÔNG ÐỒ,TÁC GIẢ SÁCH TIN MỪNG


          
NGƯỜI GIẦU CỦA THIÊN CHÚA
       Chúng ta thường chỉ  nghe “người nghèo của Thiên Chúa”, mà  ít nghe,  đúng hơn là chưa hề nghe “người giầu của Thiên Chúa”, phần vì thành kiến người giầu là người xấu, không được Thiên Chúa thương, phần vì chính người giầu đa phần dễ ghét, khó thương vì sang chảnh, kênh kiệu, khinh người, chưa kể nhiều người giầu đã làm giầu bằng mồ hôi, xương máu của người khác với đủ mánh khóe tham ô, bóc lột.
      Qủa thực, ở đâu và thời nào, người nghèo cũng chiếm đa số, nên thiểu số người giầu luôn là tầm ngắm của số đông cơ cực, thiếu thốn. Người giầu, vì giầu nên nổi bật, trồi cao, trội hẳn trên đám đông. Người giầu ở trên cao vì có nhà nhiều tầng chót vót; người giầu ra vào quan cách, vì “phú qúy sinh lễ nghiã”; người giầu không đi đứng một mình nhưng hoành tráng với “kẻ đưa người đón”, trống phách, xe con xe lớn; người giầu không bừa bãi, dễ dàng xuất hiện, nhưng cẩn trọng từng bước đi, nghiêm ngặt từng lộ trình với đội bảo vệ  hộ tống. Nói chung, người giầu là giai cấp “tiền rừng bạc bể, ăn trên ngồi trước, nhà cao cửa rộng, tiền hô hậu ủng, vinh sang phú qúy”, nên lời nói của họ là sức mạnh, và ý muốn của họ mọi người phải nghe theo. Vì thế, người giầu dễ bị đám đông cô lập, và dễ tự tách mình khỏi đám đông. Điều này đã triền miên tạo nên mâu thuẫn rất  khó  hoá giải giữa một nhóm giầu và đa số quần chúng nghèo, dòng dã suốt lịch sử lâu dài.
     Cũng chính vì mâu thuẫn tự phát, tự sinh hầu như tự nhiên và qúa dễ dàng này, mà những người đầu cơ chính trị đã triệt để khai thác lòng căm thù của người nghèo đối với người giầu cho mục đích không mấy tốt đẹp của họ, khi thúc đẩy người nghèo chống lại và tìm cách tiêu diệt người giầu, tạo nên cuộc đấu tranh giai cấp giầu - nghèo và gây ra những cuộc thư hùng đẫm máu giữa hai giai cấp bị coi là đối nghịch.
     Sống trong xã hội và hít thở bầu khí đấu tranh này, ít nhiều chúng ta cũng bị ảnh hưởng, khi thành kiến với người giầu, khi đánh giá thấp tất cả người có của, khi buông thả để lòng căm phẫn nhen nhúm, khi để bộc phát nhanh chóng phong trào lên án người nhiều tiền, khi sẵn sàng bùng nổ  lòng ganh ghét người giầu bằng bạo động, khi nguyền rủa và tuyên án hoả ngục cho những ai không nghèo như mình.
    Nhưng hôm nay, Đức Giêsu đã cho chúng ta một cái nhìn mới về người giầu:  “Đi ngang qua trạm thu thuế, thấy một người tên là Mátthêu đang ngồi tại trạm. Người bảo ông : Anh hãy theo tôi ! Ông đứng dậy đi theo Người”.
     “Khi Đức Giêsu đang dùng bữa tại nhà ông ấy, có nhiều người thu thuế và tội lỗi kéo đến, cùng ăn với Người và các môn đệ”. Thấy vậy những người Pharisiêu nói với các môn đệ Người rằng : “Sao Thầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi như vậy ?” Nghe thấy thế, Đức Giêsu nói : “Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Ta muốn lòng nhân chứ không cần lễ tế. Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi”. (Mt 9, 9-13).
    Chắc chắn cái nhìn mới mà Đức Giêsu muốn chúng ta có hôm nay hoàn toàn khác cái nhìn chúng ta đã bắn thẳng vào người giầu trước đây. Cái nhìn mới ấy đề nghị chúng ta thay đổi tư duy và thái độ đối với người giầu có mặt quanh chúng ta, trong đời sống hằng ngày.
    Trước hết là thái độ tôn trọng như Đức Giêsu đã tôn trọng người thu thuế tham ô Mátthêu khi Ngài lên tiếng gọi ông làm môn đệ của Ngài. Không tôn trọng, Ngài đã không đến gặp ông ở trạm thu thuế và tín nhiệm gọi ông đi theo Ngài. Không chỉ tôn trọng, tín nhiệm, Đức Giêsu còn gần gũi, hoà đồng, chia sẻ, khi đồng bàn với cả nhóm thu thuế của ông và nhiều người tội lỗi khác ở nhà ông. Thái độ không cô lập, xa lánh, tẩy chay, miệt thị, khinh bỉ, hay nguyền rủa, lên án những người thu thuế và tội lỗi của Đức Giêsu đã nói lên tấm lòng bao dung, yêu thương và tin tưởng ở “ơn đổi mới” của Ngài. Và để sáng tỏ chọn lựa nhân từ, nhân ái ấy, Đức Giêsu đã tự nhận mình là thầy thuốc đến để chữa lành những ai đau ốm, bệnh tật. Đây cũng là bài học Chúa dậy chúng ta: Hãy nhân hậu, bao dung với người giầu, vì Thiên Chúa luôn bao dung, nhân hậu với ta và với mọi người, bất kể họ là ai.    
     Thiết tưởng cuộc đấu tranh giai cấp giầu - nghèo  không thể có trong chương trình sống của người Kitô hữu, và chúng ta không thể như những người đầu cơ chính trị triệt để khai thác những rạn nứt căng thẳng và nguy hiểm giữa người giầu và người nghèo, nhưng như Đức Giêsu với lòng nhân từ, với cuộc sống nhân nghiã, với trái tim nhân ái, với thái độ nhân hậu, chúng ta tôn trọng, đồng hành và cầu nguyện cho mọi người, trong đó có cả “những người giầu” không nghèo như chúng ta.
Jorathe Nắng Tím

Chương IX : CHA MẸ HIỀN LÀNH ĐỂ ĐỨC CHO CON


    Có một điều không cha mẹ nào nói ra, nhưng tất cả đều ưu tư, lo lắng, đó là đạo đức của chính mình, nhất là tuổi già khi sồng sộc đến, và con cái ngày càng lớn khôn.
   Lý do của ưu tư, lo lắng, băn khoăn, kể cả hối tiếc về  đạo đức, chính là cái nhìn của con, thái độ của con, và  tương lai của con.
1.  Cái nhìn của con 
    Ngày xưa khi con còn bé bỏng, cha mẹ sống thế nào cũng được, nhưng con càng lớn, cái nhìn “đặt vấn đề,  nhận định vấn đề, phân tích vấn đề, phán đoán vấn đề” của con không cho phép cha mẹ sống tự do “như ý” nữa, nhưng phải theo một khuôn khổ đạo đức. Nhìn cha bê tha rượu chè, ngất ngưởng say xỉn sáng chiều ở quán  nhậu, con sẽ nhìn cha bằng đôi mắt trách móc rất buồn. Thấy mẹ bon chen, gian dối, con sẽ tủi thân, xấu hổ, coi thường. Cái nhìn của con cái là điều cha mẹ ngại  hơn tất cả. Người đan ông không sợ cái nhìn của vợ khi  ông phạm tội, nhưng run rẩy trước cái nhìn của con ông,  cũng như người mẹ có tội không kinh hãi gì cho bằng cái  nhìn chất vấn của con bà, bởi con cái là tấm gương, qua  đó cha mẹ thấy mình rõ nhất, nghiêm minh nhất, đáng  sợ nhất. Đó là tấm gương trung thực, chính xác, nhưng  cũng tinh vi, tường tận có sức làm cha mẹ ngã gục trước  ngây thơ, trong sáng của con.
2. Thái độ của con 
     Cha mẹ thiếu đạo đức thường né tránh con, vì thái  độ của con như gai nhọn làm nhức nhối lòng cha mẹ,  khi cha mẹ không đạo đức. Ai cấm con cái tỏ thái độ  vui, buồn, đồng tình, phản đối trước hành vi của cha mẹ. Nếu cha mẹ đạo hạnh, thái độ của con sẽ là yêu mến,  kính trọng; trái lại, cha mẹ vô trách nhiệm, lười biếng,  gian tham, lừa lọc, bạo hành, bất trung, bất nghia sẽ bắt  buộc con có thái độ không tin tưởng, dè dặt, kể cả khinh  thường và xa tránh. Thái độ của con cái nói lên yếu tính  “đạo đức” của ơn gọi làm cha mẹ, vì đã làm cha mẹ,  người ta không thể chối bỏ đạo đức, bởi một trong những  nghia vụ hàng đầu của cha mẹ là giáo dục, huấn luyện  con thành những người tử tế, đạo đức, đạo hạnh. Thử hỏi  không đạo đức, cha mẹ có chu toàn được bổn phận của  nhà giáo dục?
     Đàng khác, con cái cần nơi cha mẹ một tấm gương, một đuốc sáng, một ngọn hải đăng để sống và tiến bước mà không sợ lạc đường, mất hướng trên hành trình cuộc đời. Mất cha mẹ “đạo đức”, con cái bị thiệt thòi, và hụt hẫng trước vô vàn những cám dỗ, cạm bẫy nguy hiểm của tội ác, sa đọa trên đường đời.
  3. Tương lai của con 
    Tương lai của con là ẩn số lớn đối với cha mẹ. Tương  lai ấy không chỉ hệ tại ở khả năng học hành, tháo vát, khôn ngoan trong ứng xử của con, mà còn tùy thuộc  không ít vào đạo đức của cha mẹ. Có được cha mẹ đạo đức, con cái không chỉ an tâm, hạnh phúc, mà còn hãnh diện với mọi người, nhất là bạn  bè cùng trang lứa. Con sẽ vui mừng biết bao khi được  mọi người kính trọng, vì là con của cha mẹ có tiếng đạo  hạnh, tử tế. Con sẽ vinh dự biết bao khi được nghe người  khác ca tụng công đức của cha mẹ mình. Con sẽ phấn  khởi thế nào khi đi đến đâu cũng được nhiều người giúp đỡ, trân trọng, chỉ vì là con của cha mẹ đáng phục, đáng  yêu, đáng kính bởi mọi người. Và con sẽ dễ dàng thành công trong cuộc sống gấp nhiều lần người khác, vì xuất  thân từ gia đình tốt, cha mẹ đức độ, con cái hiếu thảo, anh chị em hiền hậu, thương yêu nhau. Đạo đức của cha mẹ kéo theo đạo đức của cả nhà, là đầu tàu cho cả dòng dõi con cháu đức độ. Vì thế, khi cha mẹ không đạo đức, cả con tau gia đình sẽ chìm, và nhiều  thế hệ con cháu sẽ chơi vơi, chao đảo. Đó là lý do mà người ta thường cho rằng: “đời cha ăn  mặn, đời con khát nước”. Thực ra thì ai ăn mặn, người ấy  khát nước, nhưng vì tương quan cha mẹ - con cái là một  tương quan rất đặc biệt vì khăng khít huyết thống, gắn bó dòng dõi, nên ảnh hưởng lớn và chặt trên nhau. Cha mẹ sinh ra con, nên máu huyết con là máu huyết cha mẹ;  cha mẹ tạo nên hình dạng con, nên trong con có tất cả  “chất liệu” của cha mẹ. Vì thế, không một liên đới nào  gần gũi, sâu sát, mật thiết hơn liên đới cha mẹ - con cái. Cũng vì ảnh hưởng nhiều và mạnh mẽ trên nhau, nên đời  con khó ra khỏi đời cha mẹ, và việc làm tốt xấu của cha mẹ luôn gây âm vang lớn, chấn động cao trên đời con.  Khi đề cập đến một thành viên của gia đình, người  ta không thể gạt bỏ ảnh hưởng của cha mẹ, vì bất cứ ai,  ở bất cứ nơi nào, khi thiết lập một quan hệ với một người  mới, người ta luôn tìm về nguồn cội của người này, và  nguồn cội phải tìm trước hết chính là cha mẹ. Nếu cha  mẹ hiền lành, con cái khó có thể hung dữ. Nếu cha mẹ  thuộc giai tầng “đá cá lăn dưa” thì lấy đâu con thuộc  hàng “trâm anh, thế phiệt”? Không hẳn: “Con vua thì  lại làm vua, con ông sãi chùa lại quét lá đa”, nhưng thực tế cũng không mấy xa “kinh nghiệm nhân gian” này, khi con cái của cha mẹ đạo hạnh luôn là những đứa con  thành nhân trong xã hội, thành công trong hôn nhân,  cũng như thành đạt trong đời sống nghề nghiệp.
    Thực ra, khi làm cha mẹ, không ai không băn khoăn về hạnh phúc của con mình, và băn khoăn ấy tăng gấp bội khi vấn đề đời sống cá nhân của cha mẹ được đặt ra. Cha mẹ đặt ra vấn đề đạo đức cho chính mình, vì đó là tiếng nói của lương tâm, đặc biệt lương tâm của người mang ơn gọi làm cha mẹ, người giáo dục. Lương tâm  hối thúc cha mẹ nhìn lại mình, kiểm tra lại đời mình, kiểm điểm nếp nghi, nếp nhà “quá khứ” của mình, vì  hạnh phúc của con, bởi cha mẹ thừa biết: Con cái sẽ tủi  hổ khi thấy cha mẹ thiếu đạo đức, khi nghe thiên hạ đồn  thổi tiếng xấu về cha mẹ mình, khi cảm nghiệm cha mẹ không xứng đáng với thiên chức “Đấng sinh thành”, khi  linh cảm một ngày mai không mấy tươi sáng, vì nếp nhà  đạo đức ngày càng xuống cấp, dột nát, suy sụp. Cha mẹ đặt lại vấn đề đạo đức cho chính mình, vì con cái không “buông thả” cha mẹ trong những thói quen  không đạo đức, bởi chính lương tâm của con cái réo gọi,  đòi hỏi. Nhiều cha mẹ mất hẳn thế đứng “rường cột” của gia đình, vì mặc cảm tội lỗi khi biết mình không xứng  đáng với chỗ đứng và bổn phận làm cha mẹ. Không thiếu  những cha mẹ ngậm đắng nuốt cay phải “bó tay đao ngũ” khỏi cương vị “cầm cân nẩy mực” của người lãnh đạo gia đình, vì không chịu nổi những cái nhìn “chất vấn” của con cái. Đây là thảm kịch tinh thần đau đớn nhất mà cha mẹ phải gánh chịu, nếu chẳng may rơi vào tình trạng  thiếu đạo đức trong đời sống. Nhiều người trốn gia đình, bỏ con cái đi biệt tăm không phải vì không thương con, cho bằng vì không chịu nổi đắng đót, cay nghiệt từ thái  độ “không còn kính trọng” của con cái. Cha mẹ tự đặt vấn đề đạo đức của mình, khi cảm  nghiệm một cách siêu nhiên ảnh hưởng của mình trên con cái, như khi cha mẹ ăn chơi, sa đọa thì con cái học hành xuống dốc, bầu khí gia đình lộn xộn, căng thẳng; trái lại, khi đạo đức, chuyên chăm cầu nguyện, bác ái, vị tha thì con cái thành công mọi mặt, và phúc lộc như đổ  xuống trên mọi người trong nhà. Cha mẹ tự đặt lại vấn đề đạo đức, vì đến lúc không  muốn cũng phải chấp nhận: trách nhiệm đầu tiên của đời cha mẹ là trở nên tấm gương đạo đức cho con. Không  đạo đức, cha mẹ sẽ như kẻ có tâm điạ xấu lén gieo cỏ  dại, cỏ gai, cỏ lùng và hạt độc trên thửa ruộng đời con, khác với sống đạo đức là gieo trong con những hạt giống tốt, những hạt giống sẽ nảy mầm hạnh phúc, thành công. Cha mẹ đặt vấn đề đạo đức của mình cũng là dấu  hiệu đến khúc quanh cuộc đời, khi tất cả đã có, đã trải  qua, nhưng có một cái bỗng dưng thấy rất cần, nhưng  chưa có, đó là gia sản đạo đức không thể thiếu cho mình  và cho con. Cho mình vì quỹ thời gian đời mình không còn nhiều; cho con vì tương lai của con đang mở ra như  một thách đố.  Sẽ đến một lúc cha mẹ không muốn tin cũng phải  tin sức mạnh vô song của đạo đức trong việc giáo dục  con cái. Chỉ sợ khi khám phá sức mạnh để tin, thì mọi sự đã quá muộn. Vì thế, ngay khi có thể, cha mẹ nên xem  lại đạo đức của mình, không những để ổn định đời sống tinh thần, bảo đảm bình an tâm hồn, mà còn giải quyết  những lấn cấn, khúc mắc trong tương quan giữa mình  và con cái, khi đạo đức là chìa khóa vạn năng cho tất cả  mọi nan đề. Ngôn ngữ bình dân rất thâm thúy khi tóm tắt đạo đức  ở “lòng nhân”. Lòng nhân là lòng người, khác với “lòng lang dạ thú”. Lòng nhân là trái tim người biết chạnh lòng thương người, là tâm hồn người biết mở rộng đón tiếp người, là bàn tay người sẵn sàng nối dài giúp đỡ người, là bàn chân người lặn lội tìm đến với người cần cứu giúp, là ánh mắt người bao dung, chia sẻ, là tiếng nói người an ủi, khuyến khích, yêu thương, là óc não người thao thức kiếm tìm hạnh phúc cho mọi người. Lòng nhân làm cho con người thật sự là người, người cao thượng, người đạo đức, người thánh thiện, người đáng kính, người lý tưởng,  người tuyệt vời. Lòng nhân đem lại hạnh phúc cho chính  mình và mọi người chung quanh đang cùng sống. Thế giới loài người không thể thiếu những con người có “lòng nhân”; nếu không, thế giới sẽ bùng nổ tức khắc  vì hận thù; sẽ đóng băng lập tức, vì thiếu lửa hy sinh; sẽ  đột tử thình lình vì không còn tình thương làm khí thở.  Lòng nhân làm cho đời người mang chất người, làm cho  ngày mai của người thành ngày mai hy vọng. Lòng nhân  biến quá khứ của người thành ký ức đáng nhớ, dễ yêu, cho phép người gọi tên nhau bằng tình người, và liên kết  mọi người thành một xã hội nhân loại hạnh phúc, an lạc.
    Tóm lại, đạo đức là có lòng nhân, và lòng nhân là thương người, quý người, giúp người. Người là đối tượng của tình yêu, đồng thời cũng là lề luật của tình yêu, nên lòng nhân trở thành điều kiện của đạo đức. Cha mẹ có lòng nhân sẽ dạy con thành người nhân nghĩa. Nhân nghĩa là thước đo người đạo đức, và là nấc thang cần thiết cho cuộc đời hạnh phúc, thành công. Tuy thế, để lòng nhân mãi bền vững, người đạo đức cần quy chiếu đời sống đạo đức của mình vào một lý tưởng siêu nhiên, hay một Đấng thiêng liêng nào đó. Niềm tin tôn giáo không thể thiếu trong đời sống đạo đức, vì đó là căn bản và là đích tới của mọi đạo đức nhân loại. Người viết đã làm việc trong nhiều nha dưỡng lão, bên các cụ ông, cụ bà rất cao tuổi ở Áo và Pháp thời còn đi học. Qua nhiều tiếp xúc, và chia sẻ thân tình, người viết biết rõ một điều: Nỗi buồn sâu lắng và không ngừng day dứt tâm hồn các cụ là đời sống đạo đức của quá khứ. Nhiều cụ đêm nào cũng khóc, vì tiếc nuối đã không sống đạo đức, để con cái hư hỏng. Có cụ thở dài trách mình đã  trác táng, sa đọa thời trai trẻ, để lại một gánh nặng tinh  thần trên đời con cái. Cũng có trường hợp tự tử vì không  chịu nổi những cắn rứt của lương tâm về cuộc sống quá  khứ không đạo đức, và đáng thương hơn là nhiều cụ đã hóa điên vì không đủ bao dung tha thứ cho quá khứ nhầy nhụa, hư đốn của mình. Sau nhiều năm thực tập bên các  người già, người viết nghiệm ra một điều: Đạo đức là ám ảnh khôn nguôi, đáng sợ nhất ở tuổi già, khi quá khứ như những thước phim cứ tuần tự trở về. Mỗi chợt  thoáng nhớ con là gọi về nỗi buồn đời không đạo đức;  mỗi vu vơ chợt tỉnh là nghe hồn nặng triu xót xa thời sa  đọa; mỗi choáng ngợp của thời gian là rùng mình sợ hãi  khi hành trang đạo đức còn lỏng lẻo, nhẹ tênh; mỗi trở mình khó ngủ là trăn trở, nghẹn ngào vì dĩ vãng nhiều  lầm lỗi. Và chính ở tuổi “gần đất xa trời”, người ta mới  nghiệm hết cái giá trị không thể thiếu của một đời đạo đức, có lòng nhân. Ước gì cha mẹ ý thức đạo đức là đòi hỏi không thể  thiếu cho hạnh phúc của con cái, và của chính bản thân, để mỗi ngày thêm một bước có thể rất ngắn, rất nhỏ, nhưng luôn quy hướng “lòng nhân”, đi tới lý tưởng một  đời làm cha mẹ đạo đức.


Quý độc giả vui lòng đọc tiếp chương 10 : http://tinmungduongpho.blogspot.com/search/label/CMYT-chuong10