NGƯỜI GIẦU CỦA THIÊN CHÚA
Chúng ta thường chỉ nghe “người nghèo của Thiên Chúa”, mà ít nghe,
đúng hơn là chưa hề nghe “người giầu của Thiên Chúa”, phần vì thành kiến
người giầu là người xấu, không được Thiên Chúa thương, phần vì chính người giầu
đa phần dễ ghét, khó thương vì sang chảnh, kênh kiệu, khinh người, chưa kể nhiều
người giầu đã làm giầu bằng mồ hôi, xương máu của người khác với đủ mánh khóe
tham ô, bóc lột.
Qủa thực, ở đâu và thời nào, người nghèo
cũng chiếm đa số, nên thiểu số người giầu luôn là tầm ngắm của số đông cơ cực,
thiếu thốn. Người giầu, vì giầu nên nổi bật, trồi cao, trội hẳn trên đám đông. Người
giầu ở trên cao vì có nhà nhiều tầng chót vót; người giầu ra vào quan cách, vì “phú
qúy sinh lễ nghiã”; người giầu không đi đứng một mình nhưng hoành tráng với “kẻ
đưa người đón”, trống phách, xe con xe lớn; người giầu không bừa bãi, dễ dàng
xuất hiện, nhưng cẩn trọng từng bước đi, nghiêm ngặt từng lộ trình với đội bảo
vệ hộ tống. Nói chung, người giầu là
giai cấp “tiền rừng bạc bể, ăn trên ngồi trước, nhà cao cửa rộng, tiền hô hậu ủng,
vinh sang phú qúy”, nên lời nói của họ là sức mạnh, và ý muốn của họ mọi người
phải nghe theo. Vì thế, người giầu dễ bị đám đông cô lập, và dễ tự tách mình khỏi
đám đông. Điều này đã triền miên tạo nên mâu thuẫn rất khó
hoá giải giữa một nhóm giầu và đa số quần chúng nghèo, dòng dã suốt lịch
sử lâu dài.
Cũng chính vì mâu thuẫn tự phát, tự sinh hầu như tự nhiên và qúa dễ dàng
này, mà những người đầu cơ chính trị đã triệt để khai thác lòng căm thù của người
nghèo đối với người giầu cho mục đích không mấy tốt đẹp của họ, khi thúc đẩy
người nghèo chống lại và tìm cách tiêu diệt người giầu, tạo nên cuộc đấu tranh
giai cấp giầu - nghèo và gây ra những cuộc thư hùng đẫm máu giữa hai giai cấp bị
coi là đối nghịch.
Sống trong xã hội và hít thở bầu khí đấu tranh này, ít nhiều chúng ta
cũng bị ảnh hưởng, khi thành kiến với người giầu, khi đánh giá thấp tất cả người
có của, khi buông thả để lòng căm phẫn nhen nhúm, khi để bộc phát nhanh chóng
phong trào lên án người nhiều tiền, khi sẵn sàng bùng nổ lòng ganh ghét người giầu bằng bạo động, khi
nguyền rủa và tuyên án hoả ngục cho những ai không nghèo như mình.
Nhưng hôm nay, Đức Giêsu đã cho chúng ta một cái nhìn mới về người giầu: “Đi ngang qua trạm thu thuế, thấy một người
tên là Mátthêu đang ngồi tại trạm. Người bảo ông : Anh hãy theo tôi ! Ông đứng
dậy đi theo Người”.
“Khi Đức Giêsu đang dùng bữa tại nhà ông ấy, có nhiều người thu thuế và
tội lỗi kéo đến, cùng ăn với Người và các môn đệ”. Thấy vậy những người Pharisiêu
nói với các môn đệ Người rằng : “Sao Thầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế
và quân tội lỗi như vậy ?” Nghe thấy thế, Đức Giêsu nói : “Người khỏe mạnh
không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Ta muốn lòng nhân chứ không cần lễ tế. Vì
tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi”. (Mt 9,
9-13).
Chắc chắn cái nhìn mới mà Đức Giêsu muốn chúng ta có hôm nay hoàn toàn
khác cái nhìn chúng ta đã bắn thẳng vào người giầu trước đây. Cái nhìn mới ấy đề
nghị chúng ta thay đổi tư duy và thái độ đối với người giầu có mặt quanh chúng
ta, trong đời sống hằng ngày.
Trước hết là thái độ tôn trọng như Đức Giêsu đã tôn trọng người thu thuế
tham ô Mátthêu khi Ngài lên tiếng gọi ông làm môn đệ của Ngài. Không tôn trọng,
Ngài đã không đến gặp ông ở trạm thu thuế và tín nhiệm gọi ông đi theo Ngài.
Không chỉ tôn trọng, tín nhiệm, Đức Giêsu còn gần gũi, hoà đồng, chia sẻ, khi đồng
bàn với cả nhóm thu thuế của ông và nhiều người tội lỗi khác ở nhà ông.
Thái độ không cô lập, xa lánh, tẩy chay, miệt thị, khinh bỉ, hay nguyền rủa,
lên án những người thu thuế và tội lỗi của Đức Giêsu đã nói lên tấm lòng bao
dung, yêu thương và tin tưởng ở “ơn đổi mới” của Ngài. Và để sáng tỏ chọn lựa
nhân từ, nhân ái ấy, Đức Giêsu đã tự nhận mình là thầy thuốc đến để chữa lành
những ai đau ốm, bệnh tật. Đây cũng là bài học Chúa dậy chúng ta: Hãy nhân hậu,
bao dung với người giầu, vì Thiên Chúa luôn bao dung, nhân hậu với ta và với mọi
người, bất kể họ là ai.
Thiết tưởng cuộc đấu tranh giai cấp giầu - nghèo không thể có trong chương trình sống của người Kitô hữu,
và chúng ta không thể như những người đầu cơ chính trị triệt để khai thác những
rạn nứt căng thẳng và nguy hiểm giữa người giầu và người nghèo, nhưng như Đức
Giêsu với lòng nhân từ, với cuộc sống
nhân nghiã, với trái tim nhân ái, với thái độ nhân hậu, chúng ta tôn trọng, đồng
hành và cầu nguyện cho mọi người, trong đó có cả “những người giầu” không nghèo
như chúng ta.
Jorathe Nắng Tím