Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 20 tháng 9, 2018

Chương X : HUẤN LUYỆN CON BIẾT ĐỨNG LÊN TỪ THẤT BẠI


    Rất ít cha mẹ nghĩ đến việc huấn luyện con mình đối diện với thất bại, và can đảm đứng dậy từ thất bại, mặc dù thất bại là cơm bánh của đời người, bởi có ai làm người mà không nếm mùi thất bại?
    Thất bại là không thành công như lòng mong ước, là sai bét một kế hoạch, là đổ vỡ của công trình đã day công cưu mang, thực hiện. Thất bại do đó là điều không ai chờ đợi, và người ta tìm mọi cách tránh né, tẩy chay. Nhưng thất bại vẫn sừng sững trong cuộc đời, ngang ngược giữa lòng đời, và làm con người ê ẩm, xất bất xang bang. Con cái cũng là người, và như mọi người, con cái không tránh khỏi những lần thất bại, tuy mức độ nặng nề có khác nhau.       Đứng trước thất bại của con cái, cha mẹ có hai thái độ rất khác nhau:
1. Thái độ: không chịu nổi con mình thất bại
      Những cha mẹ nay thuộc hang ngũ chuyên nghiệp làm áp lực trên con, vì muốn con phải hoàn hảo. Thất bại của con với họ là điều không thể chấp nhận, vì trong tâm trí, con cái là những siêu nhân, siêu sao, “siêu quần bạt chúng”, nên không thể lệch đường, lỡ bước; con cái là những thần đồng, thần tượng chỉ biết thành công, thành đạt trong cuộc đời. Vì quá cường điệu và suy tôn con, đồng thời tạo áp lực liên lỉ và nặng nề trên con cái, cha mẹ thuộc diện này đánh mất khả năng chấp nhận con mình thất bại. Thái độ ngạo mạn này của cha mẹ sẽ ảnh hưởng trên con cái, để đến phiên mình, con cái cũng sẽ từ chối thân phận làm người vốn mang nhiều khiếm khuyết và quen thuộc với thất bại để biến thành những người bất mãn, hoặc bất đắc chí khi gặp thất bại. Không chịu nổi sự thật “thất bại” của con, cha mẹ sẽ cho con cảm giác thất bại mà không được ai chia sẻ, ủi an. Rơi vào tâm trạng buồn này, con sẽ rút mình vào vỏ ốc cô đơn, trầm cảm, tự tách biệt khỏi mọi người. Không chấp nhận thất bại của con, vì quá đề cao, tôn thờ con, cha mẹ sẽ cảm thấy mình bị chính con phản bội. Cảm tưởng này dẫn đến thái độ thù nghịch một cách vô ý thức của cha mẹ đối với con cái. Không tiêu hóa nổi thất bại của con, cha mẹ sẽ luôn sống trong bực bội, và khiêu khích chính con mình, bằng la mắng, lãnh đạm, thờ ơ, hoặc xa lạ, không thân thiện.
     Không được cha mẹ chia sẻ, cảm thông, nâng đỡ khi thất bại, bất cứ đứa con nào cũng đều cảm thấy tủi thân, suy sụp tinh thần, vì những ý nghi đen tối về một người cha không còn nhân hậu, một người mẹ không còn thương xót, bao dung. Cha mẹ quên rằng: Bị đẩy vào ngõ tối cuộc đời sau những thất bại, con cái là người buồn nhất, buồn hơn cả cha mẹ, nên rất cần cha mẹ nâng đỡ để có thể trỗi dậy, tiếp tục bước đi. Đường đời ai không vấp ngã? Tình đời ai không một lần cay đắng, rối bời? Chính vì thế, thất bại không xa lạ với kiếp người, và bàn tay yêu thương của cha mẹ mãi mãi cần thiết và quý báu cho đám con nổi trôi, bồng bềnh giữa dòng đời không luôn đẹp như mơ, không êm xuôi, hoàn hảo như gối mộng.

      2. Thái độ: đồng hành với con
     Không lúc nào người ta cần có bạn đồng hành, bàn tay người thân hơn khi ê chề thất bại, bởi thất bại là lúc trơ trọi, chơi vơi, đơn độc, khổ đau nhất. May mắn cho con khi được cha mẹ thấu hiểu nỗi nhục nhằn cay đắng của thất bại, và thương cảm, đồng hành. Sự có mặt của cha mẹ trong những hoàn cảnh bi đát do thất bại là sức mạnh cho con cái trỗi dậy. Sức mạnh ấy mãnh liệt hơn tất cả, và có sức phục sinh con từ mồ sâu thất bại. Cha mẹ sẽ là nguồn sinh lực cho con đang chìm đắm trong nỗi thất vọng, bằng những cử chỉ lặng lẽ, tế nhị như pha cho con ly nước, nắm chặt tay con, yên lặng đi bên con hàng giờ, bởi bất cứ một thể hiện tình cảm nào, dù nhỏ bé, đơn sơ đến đâu của cha mẹ cũng qúy giá và cần thiết cho con trong thử thách của thất bại. Được làm con của cha mẹ biết cảm thông để có mặt đồng hành với con khi con thất bại là diễm phúc lớn lao, và may mắn hiếm có. Những cha mẹ biết thể hiện yêu thương khi con thất bại sẽ qua thất bại:
     a. Dạy cho con ý nghĩa của thất bại trong đời làm người. Đó là ý nghia về giới hạn của thân phận người, những giới hạn mà con người phải can đảm chấp nhận, nếu muốn đời làm người của mình tròn đầy ý nghia, và giá trị.
     b. Dạy con biết bình tĩnh, bình thản, bình an trước thất bại, vì thất bại không là điều ô nhục, càng không là cú đấm nghiệt ngã, định mệnh kết thúc cuộc đời.
    c. Dạy cho con sự thật: Không ai là người hoàn hảo, nhưng giá trị đích thực của “con người hoàn hảo” hệ tại ở cố gắng trỗi dậy liên tục và không ngừng làm tốt hơn.
   d. Dạy con biết tìm ra trong thất bại những giá trị tích cực, như có thất bại mới biết cảm thông người thiếu may mắn, có thất bại mới khiêm tốn, cẩn trọng, có thất bại mới biết mình luôn cần tha nhân.
    e. Dạy cho con khả năng chế ngự nỗi buồn trước những rủi ro, và học hỏi từ thất bại những bai học mới cần thiết để thành công.
Nghiên cứu những yếu tố giúp người trẻ thành công, các nhà tâm lý, xã hội cùng chung quan điểm: cha mẹ là nguồn trợ lực quan trọng và hữu hiệu nhất giúp con vượt qua những thử thách của thất bại để đi đến thành công. Kết quả thống kê khẳng định điều này: 77% người trẻ đã đặt sự nâng đỡ của cha mẹ lên hàng đầu danh sách những yếu tố giúp họ trỗi dậy, đứng lên từ thất bại. Quả thực, thất bại và thành công là hai mặt của thực tế cuộc đời. Cha mẹ giáo dục con để con tự trách nhiệm đời mình, nên không thể bỏ qua lớp học phương cách và thái độ cần phải có khi đứng trưóc thất bại, cũng như thành công. Không biết đón nhận thành công một cách khôn ngoan sẽ biến thành công thành thất bại, cũng như khéo léo chấp nhận thất bại sẽ chuyển bại thành thắng, biến thất bại ra thành công, bởi trong thất bại đã có mầm mống thành công, và trong thành công đã nảy sinh hạt thất bại. Ý thức thất bại là lẽ thường tình, cha mẹ sẽ không dằn vặt khi con thất bại, không đổ tội cho con khi việc không thành, không la rầy, trách mắng vì con hậu đậu làm hỏng việc, không hằn học, lên án nếu chẳng may con lỡ bước sa chân. Tình cha mẹ phải lớn hơn tất cả, cao hơn tất cả, sâu hơn tất cả kể cả yếu đuối, khiếm khuyết, thất bại của con để con không mất niềm hy vọng, và luôn có cơ hội đổi mới, thành công. Thương con khi con thất bại là đưa tay cho con nắm, đưa vai cho con dựa, mở lòng cho con vào nghỉ ngơi, tinh dưỡng. Yêu con khi con thất bại là ân cần, kín đáo băng bó vết thương cuộc đời trong tim con; là thổi vào hồn con cô quạnh, trống vắng ấm áp của tình cha, nồng nàn của tình mẹ. Bênh đỡ con khi con thất bại là không tìm bất cứ giá trị nào khác ngoài con, không nhìn con như vật thể, phương tiện, không coi con như lá chắn, con tin, mà trước sau chỉ một tình thương con vì “con la chính con”. Xã hội bấp bênh kéo theo gia đình chênh vênh. Hệ quả của bấp bênh là một xã hội nhiễu nhương, không có gì bảo đảm, và bên cạnh là gia đình chênh vênh với xác suất tan vỡ ngày càng cao. Trong bối cảnh này, thất bại phải gia tăng, và tuổi đời của nạn nhân sẽ nhỏ hơn. Vì thế, huấn luyện con biết đối diện thất bại, và trang bị cho con một tâm lý vững chắc cũng như thái độ xứng hợp, khôn ngoan để đối phó với thất bại là việc làm cấp bách của cha mẹ. Hầu hết cha mẹ bị ảo tưởng “hoàn hảo” ru ngủ, nên tự trấn an, và tạo cho mình cảm giác an toàn khi giáo dục con cái. Đó là lý do “thất bại” nhanh chóng trở thành một điều cấm ky không được nêu ra, không cần đề cập. Cũng chính vì sự thật về “thất bại” luôn được giấu giếm, ém nhẹm quá kỹ, nên khi thất bại xuất hiện, con cái ngỡ ngàng, bàng hoàng, hoang mang và mau chóng đầu hàng. Tóm lại, huấn luyện con đủ trưởng thành để con hiểu thất bại là gì, và chịu đựng thất bại một cách khôn ngoan và nhân bản, nghia là không để thất bại đánh gục, làm nhụt chí, trái lại, dùng chính thất bại làm bệ phóng cho thành công. Chương trình đao tạo cần nhiều người, nhiều sự, nhưng người cần nhất vẫn là cha mẹ, và thứ không thể thiếu vẫn là tình yêu. Chỉ cha mẹ yêu thương con mới giúp con vượt qua thất bại để thành công.

Quý độc giả vui lòng đọc tiếp chương 11 : http://tinmungduongpho.blogspot.com/search/label/CMYT-chuong11