Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 2 tháng 2, 2019

NĂM MỚI – VƯỢT QUA


   Giây phút đón giao thừa, không ai bảo ai, nhưng muôn người như một hồi hộp, nôn nao, nóng lòng đếm ngược từng giây, đợi chờ phút giao niên, giây phút từ năm cũ vượt qua năm mới, giây phút vượt qua của thời gian, cũng là giây phút vượt qua của lòng người, và đời người.

   1/ Giao thừa : Giây phút vượt qua của thời gian :
   Thời gian cần cho lịch sử, bởi không có thời gian làm sao có lịch sử, và con người cần lịch sử, bởi lịch sử như giòng sông , trên đó, con người xuất hiện, hiện diện, và tan biến. Nhờ giòng sông lịch sử, con người nhận ra dấu vết hiện hữu của mình; nhờ giòng lịch sử, con người định được thâm niên, tuổi tác, ngày chào đời, giờ tạ thế. Và giòng thời gian tưởng cứ mãi vô tình trôi về vô tận, mà không đoái hoài đến cột mốc, bờ ranh, nhưng thực ra, thời gian cũng phải theo định luật của vượt qua, khi vượt từ thời gian của năm cũ qua thời gian của năm mới, nhờ ngưỡng cửa Giao Thừa.

    2/ Giao Thừa : Giây phút vượt qua của lòng người:
    Không lúc nào, người ta biểu lộ ước mơ vượt qua bằng giây phút giao thừa. Người ta muốn vượt qua từ năm cũ sang năm mới, vượt qua từ thiếu sót sang hoàn hảo, vượt qua từ xấu sang tốt, vượt qua từ dang dở sang trọn vẹn, vượt qua từ thất bại sang thành công, vượt qua từ xui xẻo sang may mắn, vượt qua từ bệnh tật sang khỏe mạnh, vượt qua từ yếu đuối sang kiêu hùng, vượt qua từ nghèo đói sang dư dả, vượt qua từ không tiền sang có tiền, vượt qua từ thân nợ nần sang vị thế chủ nhân, vượt qua từ thất vọng sang hy vọng, vượt qua từ khánh kiệt sang phát tài, vượt qua từ thấp hèn sang cao cả, vượt qua từ chết sang sống, vượt qua từ khó khăn sang hạnh thông quan lộ.
    Vì là chuyến vượt qua chất đầy hy vọng, mang nhiều kỳ vọng, ôm ấp trọn ước mơ, nên giao thừa được coi như biến cố có sức đổi đời, sự kiện mang tính quyết định số phận tương lai. Chinh vì thế, đón giao thừa không còn là việc nhỏ, nhưng là việc trọng đại, ảnh hưởng không chỉ trên đời sống của một người, mà tương lai của cả gia đình, gia tộc, đất nước.
    Cũng vì ước mơ “vượt qua” thôi thúc mãnh liệt, mà người ta đón giao thừa như đón một nhân vật thiêng liêng, một thần linh hơn là đón một mấu chốt của thời gian, một giao điểm giữa năm cũ và năm mới. Với tất cả tâm hồn, người ta đón giao thừa bằng việc sửa sang, dọn dẹp tươm tất, và trang trí rực rỡ, sang trọng nhà cửa bên trong bên ngoài. Quần áo, trang sức thì khỏi bàn: ai cũng tươi tắn, mặn mà, đẹp trai, xinh gái. Người ta cũng vượt qua rất nhiều để không cau có, bẳn gắt, khó chịu, nhưng vui vẻ, tươi cười, ngay cả với người không ưa, hay đối thủ ở phút giây giao thừa, hầu tránh tai ương, xui xẻo cho năm mới.
    Cả đến những hành vi hung dữ, ngang ngược như thói quen ngày thường, ở phút giây giao thừa cũng phải được dằn lòng vượt qua và thay bằng tử tế, hiền lành.
    Như thế, giao thừa đã trở thành cơ hội mọi người tập vượt qua bằng vượt qua rất nhiều điều cần phải vượt qua như không nóng giận, chửi thề, nguyền rủa, đánh đấm. Sở dĩ vượt qua được những tật xấu mà ngày thường khó vượt qua vì người ta sợ giây phút vượt qua linh thiêng của giao thừa sẽ kéo theo những điều xấu của năm cũ qua năm mới, những điều xấu mà đa số đều nghĩ chỉ có phút giao thừa kỳ bí mới có sức tháo gỡ, thay đổi.

    3/ Giao thừa : giây phút vượt qua của đời người:
    Vượt qua đời người, vì giao thừa vượt từ trẻ qua già, vượt từ xa đến gần, vượt từ triền núi đi lên bên này qua triền núi đi xuống bên kia, nghĩa là sau giây phút vượt qua của giao thừa, tuổi đời sẽ già hơn, tuổi sống sẽ ngắn hơn, đường đời sẽ rút vắn lại, vì quỹ thời gian sống sẽ hao hụt theo bước chân của thời gian. Như thế, nếu vượt qua của lòng người ăm ắp ước mơ, thì vượt qua của đời người mở ra một thực tế không đẹp như mơ. Không đẹp vì thêm tuổi thêm già, tuổi già lại yếu đau, đưa con người gần hơn đến mộ phần.
Nhưng có thực lòng người đi nghịch hướng của thời gian và đời người ?
    Nếu thời gian chuyển vận theo quy trình một vòng tròn vô tận, thì đúng, nhưng thời gian không vô tận, mà có khởi điểm và đích tới, nghĩa là có đầu và cuối, khởi thuỷ và chung cục, nên tiến trình của thời gian đi theo một đường thẳng và Thiên Chúa là Đấng làm chủ toàn thể thời gian. Ngài ban thời gian cho con người và cùng thời gian, con người được mời gọi đi về Chân - Thiện - Mỹ tuyệt đối là chính Ngài.
    Như thế, thời gian của Thiên Chúa thì vô tận, và là hiện tại vô cùng trước mặt Ngài, nhưng với con người thì thời gian hữu hạn, bằng chứng là con người bị giới hạn bởi thời gian được cắt ra nhiều khoảng khắc làm thành quá khứ, hiện tại, tương lai, đồng thời đời sống mỗi người đều được định đoạt ngắn dài khác nhau bởi một thời điểm sinh ra và một thời điểm lìa đời.
     Cùng một quy trình với thời gian, con người cũng phải vượt qua những mấu chốt như thời gian phải vượt qua từ năm cũ qua năm mới, từ quá khứ qua hiện tại, rồi từ hiện tại qua tương lai, hướng về điểm hẹn cuối cùng là Thiên Chúa của Chân -Thiện - Mỹ tuyệt đối. Nói cách khác, dù muốn hay không, con người không ra khỏi thời gian, nhưng lệ thuộc thời gian, nên phải theo thời gian mà vượt qua không chỉ mỗi năm lúc giao thừa, mà vượt qua từng ngày, từng giờ, từng phút, từng giây, không ngơi nghỉ, bởi giòng thời gian thì không ngừng trôi, và đời người không thể dậm chân tại chỗ.

   Một khi đã chấp nhận vượt qua là đòi hỏi của kiếp người, chúng ta cần xác định lý do của đòi hỏi này :
  a. Điểm tới sau cùng của thời gian đối với mỗi người là sự chết:

   Thời gian không vô tận, nhưng có điểm tới, chỗ ngừng. Một khi biết quỹ thời gian của đời ta không vô tận, nhưng sẽ ngừng ở một điểm, chúng ta sẽ không buông xuôi , thả trôi đời mình cách vô trách nhiệm trên giòng sông thời gian, nhưng sẽ cùng thời gian vượt qua giòng đời.

    b. Vượt qua sự chết, chúng ta phải đối diện vời Đấng là Chân - Thiện -Mỹ tuyệt đối.
    Chính vì Đấng này, mà chúng ta liên lỷ theo thời gian vượt qua : vượt qua gian dối đến với sự thật, vượt qua cái ác đến với cái tốt, vượt qua cái xấu đến với cái đẹp. Và hành trang “mang theo được và được mang theo” của chúng ta qua bên kia ranh giới của thời gian chính là sự thật chúng ta là, những điều tốt đẹp chúng ta sống, và những việc phúc đức chúng ta làm. Và để thực hiện những điều này, chúng ta phải vượt qua rất nhiều, và cái phải vượt qua thứ nhất cũng là cái khó vượt qua nhất chính là “cái tôi” kiêu căng, lười biếng, ích kỷ , hưởng thụ, tham lam.
    Đón giao thừa, mừng năm mới, chúng ta xin Chúa nghị lực và tình yêu để có thể vượt qua những gì của con người cũ, để mặc lấy con người mới trong Đức Giêsu Thiên Chúa, với ơn đổi mới của Chúa Thánh Thần.

  Jorathe Nắng Tím


Suy Niệm TIN MỪNG CHÚA NHẬT 4 Thường Niên, Năm C (Đồng Hương)


    Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay tường thuật cảnh Đức Giêsu về quê Nadarét, như chúng ta đang khấp khởi chuẩn bị về quê ăn tết. Bởi ai cũng có một quê hương, Đức Giêsu cũng có như chúng ta một quê cha đất tổ, ở đó Ngài đã lớn lên, trưởng thành. Hôm nay về thăm lại quê làng, tâm trạng Ngài chắc không khỏi háo hức, bồn chồn như chúng ta về quê ngày Tết.

    Tin Mừng Luca kể chi tiết chuyến về thăm quê lần này của Đức Giêsu: Ngài đã vào hội đường và trước mặt đồng hương đã công bố chương trình mục vụ của mình, mà toàn phần được trích từ sách của ngôn sứ Isai: “Thần Khí Chúa trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Ngài sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” (Lc 4, 18-19).
    Phản ứng tức thời, và tự nhiên của mọi người là “tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người” ( Lc 4, 22). Nhưng ngay sau đó, họ không còn quan tâm đến nội dung bài giảng của Ngài nữa, mà quay nhìn nhau thắc mắc : “Ông này không phải là con ông Giuse đó sao ?” ( Lc 4, 22). Và đoạn cuối của chuyến về thăm quê lần này là “mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ. Họ đứng dậy, lôi người ra khỏi thành, thành này được xây trên núi. Họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực” ( Lc 4, 28-29).
     Tại sao lại có chuyện thay đổi đột ngột và đau lòng như vậy ?
    Trước hết, đồng hương của Đức Giêsu đã không thể nghĩ Đấng Thiên Sai mà toàn dân trông ngóng lại có thể là anh Giêsu, con trai ông Giuse nghèo, không hề “có máu mặt hay nổi đình đám” trong làng; còn bà Maria, mẹ của anh thì càng “vô danh tiểu tốt”, lặng lẽ, âm thầm. Chính vì nghèo và không có gì nổi bật mà đồng hương, dù ngưỡng mộ “lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người” cũng trân tráo đổi mặt chống đối.
Thế mới biết con người thường đánh giá nhau qua những gì thấy được bên ngoài, như gia thế, của cải, chức tước, dáng bộ quyền quý, sang trọng, mà quên hẳn giá trị bên trong, thầm kín, nội tâm.
     Đồng hương còn một lý do sâu sa khác dẫn đến thái độ phẫn nộ, xua đuổi Đức Giêsu, người con của quê hương Nadarét là vì Đức Giêsu đã gián tiếp từ chối làm phép lạ như đã làm ở Caphanaum, khi Ngài lật tẩy ý nghĩ của họ : “Hẳn các ông muốn nói với tôi: Thày lang ơi, hãy chữa lấy mình ! Tất cả những gì chúng tôi nghe nói ông đã làm ở Caphanaum, ông cũng hãy làm tại đây, quê hương ông xem nào !” ( Lc 4, 23). Đây chính là que diêm châm ngòi cơn phẫn nộ của hầu hết đồng hương của Đức Giếu hôm ấy.
     Quả thực, họ muốn Đức Giêsu, vì cùng quê, nên phải thuộc về họ, làm theo ý họ, đi theo đường lối họ đề ra, nhất là phải thi thố tài năng chữa bệnh, đuổi quỷ, cho người chết sống lại ngay tại quê hương, trước mặt họ, để làm “nở này nở mặt” đồng hương, làng nước, theo kiểu “một người làm quan, cả họ được nhờ”.
     Nhưng then chốt của vấn đề chính là thiếu Đức Ái nơi đồng hương Nadaret. Vì thiếu Đức Ái, họ đã không biểu lộ tình đồng hương thân thương, không ân tình đón tiếp người anh em Giêsu của mình, vì thế họ đã không nhận ra ân huệ của Thiên Chúa mà họ đang có nơi Đức Giêsu. Cũng vì thiếu Đức Ái, họ đã kiêu căng, tự đắc, ghen tương, nóng giận, hung dữ khi phỉ báng, xua đuổi, tìm cách hãm hại Đức Giê su, người con tuyệt vời của quê hương Nadaret. 
    Trong thư gửi tín hữu Côrintô, thánh Phaolô đã trình bầy bản chất của Đức Ái và theo Ngài : “Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến” (1 Cr 13, 13).
     Ước mong mỗi lần về thăm quê, chúng ta nhận được tình cảm ấm áp của những người con cùng quê cha đất mẹ, và yêu thương gửi lại quê làng tình người con xa xứ. 
     Trong Đức Giêsu, chúng ta cùng cầu xin cho quê hương, làng xóm được bình an, và đồng hương, thân thuộc biết yêu thương, tương trợ là giây liên kết mọi người trong tình Chúa, tình người, tình đồng hương ngàn đời trân quý.
Jorathe Nắng Tím