Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 23 tháng 4, 2019

CHIẾN TRANH TÔN GIÁO SẼ CÓ HAY KHÔNG ?


      Lại một lần nữa, dư luận thế giới cực lực lên án hành vi bạo lực sát nhân rất đáng ghê tởm và hèn nhát của một số người Hồi Giáo cuồng tín, qúa khích đã đánh bom vào thứ hai, 22 tháng Tư năm 2019 tại ba nhà thờ Công Giáo, một ngay tại thủ đô Colombo của Sri-Lanka và hai nhà thờ khác ở Dehiwala không xa thủ đô, tất cả đều đang tham dự thánh lễ Phục Sinh, mừng Chúa sống lại. Cùng chung số phận với ba nhà thờ Công Giáo là bốn khách sạn khác. Con số tử vong lên đến 310, và bị thương 500 người theo thống kê cuối cùng của cảnh sát Sri-Lanka sáng thứ Ba, 23 tháng Tư. Tổ chức thực hiện cùng lúc 8 vụ đánh bom khủng bố này là NTJ (National Thowheeth Jama‘ath), một tổ chức Hồi Giáo quốc gia qúa khích.

Tất nhiên cảnh tượng chết chóc đã vô cùng kinh hoàng, khủng khiếp khi hàng trăm tín hữu công giáo chết tại chỗ và gấp đôi số đó đang quằn qụai, rên rỉ, la hét vì đau đớn và hoảng loạn. Đô trưởng của Colombo đã thảng thốt nghẹn lời khi ông bước vào nhà thờ vừa bị đánh bom khủng bố : Thật là một biển máu !.

 Biển máu ấy đã có cùng nguyên nhân, cùng động lực, cùng nạn nhân, cùng phương tiện từ rất nhiều năm qua, và ngày càng nhiều và tang thương, khủng khiếp hơn. Chính vì mức độ leo thang đó mà người ta phải nghĩ đến một cuộc chiến tranh tôn giáo có thể xẩy ra cho thế giới.

Chiến tranh tôn giáo là điều không mới mẻ, bởi dọc lịch sử nhân loại, con người đã nhân danh thiên chúa, thần linh, tôn giáo của mình để dùng bạo lực đàn áp, tiêu diệt tín hữu của các tôn giáo khác, mà họ cho là tà đạo. Những thời tử đạo, những cuộc thánh chiến đẫm máu mang tầm vóc thế giới, những cuộc sát phạt người khác tôn giáo dưới nhiều hình thức và ở những cấp độ khác nhau, cũng như những chủ trương, đường lối hoặc công khai, hoặc bí mật kỳ thị, bài xích các tôn giáo không phải của mình là những trang sử buồn, và tiếp tục đến hôm nay, tuy cách thức có tinh vi, khéo léo hơn đang đem nhân loại  đến gần vực thẳm của chia rẽ, hận thù, tự diệt.

Tại sao hậu qủa tai hại như vậy ?

Thưa vì không có cuộc chiến nào, dù là cuộc chiến bảo vệ lãnh thổ quốc gia, cuộc chiến dành độc lập, hay cuộc chiến ý thức hệ có thể thôi thúc khí thế con người lên nhanh, lên mạnh với tốc độ cực kỳ khủng khiếp tới đỉnh của cao trào đấu tranh khi dấn thân liều lĩnh, quyết tâm hy sinh, và  qủa cảm không  sợ chết  bằng cuộc chiến  bảo vệ và bành trướng tôn giáo, bởi cuộc chiến tôn giáo không giống các cuộc chiến khác khi có thiên chúa chứng thực, chỉ huy, có thần thánh bênh đỡ, có thượng đế khen thưởng, có thần quyền bảo kê công phúc mai hậu.

Trong cuộc chiến này, người  tín hữu  bất ngờ trở thành người chiến sĩ dũng cảm của tôn giáo, khi ôm bom khủng bố tín đồ tôn giáo khác ; người đi theo tôn giáo cho một niềm tin thuần khiết bỗng biến thành kẻ sát nhân không gớm tay, vì cuồng tín ; người theo đạo để được giác ngộ và giải thoát, nghiã là được thoát khỏi thị phi, đố kị và đạt đến trạng thái bình an đột nhiên biến dạng thành những tay đồ tể khát cả máu trẻ em vô tội, yếu đuối ; người có một tôn giáo dậy ăn ngày ở lành, thương tha nhân và làm phúc cho người bất hạnh, kém may mắn  bất ngờ thay mặt đổi lòng để tay cầm dao, cầm súng lao  vào tàn sát đám đông không cùng tôn giáo với mình.

Những con người bị bạo lực biến thái này chính là những tín đồ  mê muội về giáo lý của tôn giáo mình  đã khoán trắng đời mình trong tay những người lãnh đạo tôn giáo cuồng tín, qúa khích, đầy tham vọng bất chính, để điên cuồng khủng bố, tàn sát người vô tội, trong khi giáo lý chính thống của bất cứ tôn giáo nào đều dậy ăn ngay ở lành, bác ái, vị tha, từ tâm, nhân hậu, qủang đại chia sẻ, giúp đỡ  tha nhân. Những con người biến thái đáng sợ này đã là những tín hữu sốt mến sống niềm tin tôn giáo, hăng say với đạo lành, nay bị  lòng ganh ghét tôn giáo kích động đã buông bỏ con người tôn giáo của mình, để trở thành công cụ bạo lực của những chức sắc lòng đầy tham, sân, si và nuôi mộng thống trị, bá chủ  thế giới bằng xóa bỏ sự sống của những người không theo tôn giáo của mình.

Như thế, điểm yếu thứ nhất ở tín hữu, tín đồ, đó là không nắm vững giáo lý tôn giáo mình theo, nên niềm tin không có nền tảng vững chắc, để bất cứ ai, nhất là những người nắm giữ thần quyền không đủ đức độ trong tôn giáo đều có thể làm lung lạc niềm tin và lôi kéo vào những hành vi đi ngược điều giáo lý dậy, và Đấng sáng lập tôn giáo muốn.

Không có kiến thức về tôn giáo mình theo đồng nghiã với không có niềm tin đúng nghiã, bởi tôn giáo sẽ vô nghiã hoàn toàn, nếu cá nhân không có một tương quan , tâm hồn mỗi người không giao lưu, gặp gỡ với Đấng mình tôn thờ, yêu mến, bởi tin là tín thác với lòng yêu mến vào Đấng mình tôn thờ ; nói cách khác, không ai tin thay ai được, cũng như không ai có thể chết và chịu thưởng, phạt đời sau thay cho người khác, nên tôn giáo không thể và không bao giờ có thể loại bỏ niềm tin cá nhân của từng tín hữu,  lòng tín thác của mỗi tín đồ nơi Đấng mà họ tôn thờ trong tôn giáo đã chọn.

Do đó, tôn giáo nào, hay lãnh đạo tôn giáo nào chủ trương tich biên niềm tin cá nhân của tín hữu, hay xóa bỏ tương quan riêng tư của mỗi tín đồ với Đấng thiêng liêng chắc chắn không thể là một tôn giáo đích thực, và không xứng đáng là ngưòi lãnh đạo tôn giáo đáng tin.

Điểm yếu thứ hai là cuồng tín.
Chúng ta biết, niềm tin chân chính hoàn toàn khác cuồng tín, mặc dù hầu hết người cuồng tín trước đó đã là người có niềm tin. Niềm tin chân chính  ở bất cứ Đấng thiêng liêng nào cũng là một mời gọi đến với Chân, Thiện, Mỹ tuyệt đối, vì chính Đấng thiêng liêng ấy là Chân - Thiện - Mỹ tuyệt đối, nên điểm khác biệt căn bản giữa người có niềm tin chân chính và người cuồng tín là một bên luôn hướng tới và đi tìm sự thật, cũng như những gì tốt đẹp, trong khi bên kia chấp nhận gian dối và nghiêng ngả về những điều không tốt, không đẹp, mà điển hình nơi người cuồng tín là :

- Thái độ nghi kị, khinh bạc, diễu cợt Đấng sáng lập và giáo lý của các tôn giáo khác.

- Chủ trương độc quyền niềm tin, và đường lối bắt mọi người phải gia nhập tôn giáo của mình.

- Bành trướng lòng ganh ghét, tị hiềm, đố kị đối với những người không cùng tôn giáo.

- Thực hành  tiêu chí kỳ thị, tẩy chay, cô lập trong sinh hoạt đời sống bất cứ ai không cùng tôn giáo.

- Sẵn sàng sử dụng bất cứ thủ đọan, phương tiện nào, kể cả sát nhân, phá hoại, khủng bố để bảo vệ và làm nổi bật tôn giáo mình theo. 

Nhìn vào một số tính cách và hoạt động cuồng tín điển hình vừa kể, chúng ta thấy tất cả đều không hướng đến sự thật và những gì Tốt, Đẹp mà đã là người, ai cũng phải chân nhận như lòng kính trọng Đấng thiêng liêng, không được xúc phạm đến thần thánh, phải tôn trọng quyền của con người, quyền tự do tin và không tin ; chưa kể phải có lòng nhân, không được gian dối, ghen ghét, hận thù, đàn áp, khống chế, tiêu diệt người khác, dù họ là ai, thuộc sắc tộc, tiếng nói hay theo tôn giáo, chính kiến nào, nhất là không được dùng bạo lực để làm tổn thương, hãm hại, giết chết người khác. Sự công bình và bác ái, vị tha phải là thước đo giá trị đạo đức, mà bất cứ  giáo lý nào, Đấng sáng lập tôn giáo nào cũng đều khuyên dạy, đồng thời sự bình an trong tâm hồn, bình an trong gia đình, xã hội luôn là niềm ước mong của tất cả các tín hữu, tín đồ bất kể khác biệt tôn giáo. 

Chính vì thế, niềm tin không còn là niềm tin khi tín đồ bịt mặt, ôm bom khủng bố để hàng trăm nạn nhân vô tội  mất mạng sống ; tín hữu không còn là người có đức tin khi trái tim rực lửa hận thù  và tay nhuốm máu các tín đồ tôn giáo khác ; giáo dân không còn là người công chính, người có lòng nhân khi miệng  vừa oang oang nhân danh thiên chúa chí thánh, chí tôn, vừa sặc sụa lời nguyền rủa, thề thốt tru diệt những ai không đi theo đạo mình.

Và qủa thực, đã không gì phi lý, phi nhân hơn khi nhân danh niềm tin để giết chết người không tin như mình, nhân danh thiên chúa nhân hậu để tra tấn, cắt cổ, bắn giết những con người cũng  như mình được dựng nên từ cung lòng Thiên Chúa yêu thương.

Như thế, ta có thể nói : khi niềm tin đi tìm bạo lực là sự xấu trong các sự xấu đáng kinh tởm nhất, xuất phát từ lòng ganh ghét, hận thù và  hoàn toàn trái ngược với lòng nhân,  tinh thần vị tha, đòi hỏi bác ái, và khao khát an bình thì niềm tin không còn tồn tại, nhưng phải lặng lẽ ra đi, nhường chỗ cho tai họa của cuồng tín bạo lực.

Do đó, chiến tranh tôn giáo có  xẩy ra hay không sẽ tùy thuộc mức độ mê muội, cuồng tín đưa đến kỳ thị, đố kỵ, hận thù, bạo lực giữa tín đồ, tín hữu các tôn giáo. Nếu không có những bài giảng, những buổi thuyết pháp sặc mùi đấu tranh tôn giáo, hừng hực hận thù đối với những ai không cùng niềm tin với mình, và đằng đằng sát khí trước cao trào thánh chiến, độc quyền tôn giáo thì cơ hội chiến tranh tôn giáo sẽ không còn. Nếu các chức sắc của các tôn giáo dùng uy tín và ảnh hưởng của mình quyết liệt lên án bạo lực, quyết tâm khước từ phương án bạo động, và kịch liệt đả phá những lời nói, việc làm  mang tính khích bác, mạ lị, tấn công các tôn giáo khác, thì tín đồ, tín hữu của các tôn giáo sẽ chẳng bị đẩy vào vùng lửa máu khủng bố, hoặc đóng vai đồ tể hoặc bị là nạn nhân. Nếu tôn giáo sống đúng sứ mệnh giải thoát chúng sinh, cứu độ con người của mình bằng thực hiện giáo lý công bình, bác ái, hỉ xả, bình an, thì không bao giờ có những cuộc đánh bom khủng bố tín hữu công giáo đang dự lễ trong thánh đường, tàn sát tín đồ phật giáo đang tụng kinh, niệm phật ở chùa, giáo dân Tin Lành không bị khủng bố trong nhà thờ, giáo hữu Do Thái không đổ máu trong hội đường, và hằng trăm tín đồ Hồi Giáo không bi thương giẫy dụa trong vũng máu giữa đền thờ bởi những người cuồng tín, quá khích, độc quyền tôn giáo cách man rợ .

Họ là những người cuồng tín đã nhân danh tôn giáo để giết chết những con người cũng có tôn giáo như họ. Họ là những người cực đoan đã nhân danh niềm tin để hủy hoại những người cũng đang sống niềm tin. Họ là những người mê muội nhưng qúa khích đã nhân danh thiên chúa, Đấng dựng nên con người để hành hạ, giết lát con người. Họ là những đã nhân danh quyền của thiên chúa để tước đọat quyền chính đáng và cao qúy của con người. Họ đã không sống như con người phải sống, tin như niềm tin dậy, thực hành tình yêu thương, tương trợ với đồng loại như đòi hỏi của giáo lý, chỉ vì lòng ganh ghét đã làm họ mất khả năng chấp nhận quyền tự do tin của người khác, và sự phong phú của các giá trị khác biệt trong các tôn giáo.
Tưởng nhớ các nạn nhân vô tội vì nhóm người cuồng tín, người viết xin được gừi đến bạn một ước nguyện : Ước gì mỗi người chúng ta khi tha thiết sống niềm tin của mình cũng biết trân qúy và tôn trọng niềm tin của người khác.

Jorathe Nắng Tím