Thứ Ba, 5 tháng 3, 2019
VĂN MINH SỰ SỐNG
tháng 3 05, 2019
Van-Minh-Su-Song
Với con người, trên bình diện tự nhiên, sự
sống là giá trị cao hơn các giá trị khác, bởi một lý do rất đơn giản : sự
sống không còn, thì chẳng gì còn.
Vì không thể để
mất sự sống vì sự sống qúa qúy báu và là giá trị nền tảng cho mọi giá trị tự
nhiên và nhân bản khác, nên người ta sẵn sàng chịu mất tiền, mất danh, mất lợi,
mất nhiều thứ có giá khác, tùy theo thang giá trị được chọn ở mỗi người để cứu
lấy sự sống khi sự sống bị đe dọa. Và đời sống càng văn minh, người ta càng
nhận thức sự sống là giá trị cấp cao và khám phá nhiều phương tiện để bảo vệ,
phát huy sự sống ấy. Các phát minh khoa học, từ máy bay phản lực, smart phone
đến đồ gia dụng đa năng, từ tổ chức an sinh xã hội ở tầm vóc thế giới đến lãnh
vực quốc gia, từ những phát minh kỹ thuật đến khám phá y khoa, tất cả đều chung
một mục đích phục vụ sự sống, nghiã là làm cho đời sống hạnh phúc hơn, cuộc
sống an nhàn, bình an, và tuổi sống thêm lâu dài.
Nhưng trong thực tế, nền
văn minh sự sống ấy có được mọi người ủng hộ và chung tay cộng tác cho lớn
mạnh, và toả sáng không ?
Nếu nhìn vào những ân
cần với sự sống mới ở nhà bảo sinh, và cố gắng níu kéo sự sống của các y sĩ,
bác sĩ ở phòng cấp cứu, khu giải phẫu, hồi sức, hay những vất vả đầy nguy hiểm
của các chiến sĩ phòng cháy chữa cháy liều thân lao mình cứu sống những em bé,
cụ già bị ngọn lửa khống chế, ta thấy thế giới thật tuyệt vời với nền văn minh
sự sống, ở đó từng sự sống được nâng niu, mỗi sự sống được tận tụy săn sóc và
tất cả sự sống được hữu hiệu bảo vệ.
Nhưng cũng với cái nhìn vào
thực tế, người ta thấy sự sống không luôn được may mắn, nếu không muốn nói là
rất nhiều rủi ro, đe dọa. Có hằng triệu sự sống phút chốc bị rủi
ro ngay trong lòng mẹ, khi vừa mới khai sinh, nẩy mầm, bởi mẹ hoặc vì ích kỷ, e
ngại, hay hèn nhát đã từ chối, không giữ con trong cung lòng yêu thương mẹ
hiền, nhưng trục xuất con ra khỏi đời mẹ, để con trở thành người con bị bức
tử bởi chính cha mẹ mình. Có vô số sự sống thình lình gặp rủi ro khi gươm đao
hận thù, súng đạn ganh ghét nhẫn tâm cắt đứt nguồn sống, như giòng điện đột
ngột bị ngắt ngang, lấy đi ánh sáng sự sống, và nhường chỗ cho bóng tối tử
thần. Có hàng tỷ sự sống liên tục bị đe dọa bởi vũ khí hạt nhân, bom nguyên tử,
và các phương tiện kinh hoàng phục vụ chiến tranh khác. Có hàng hàng lớp lớp
trai trẻ lên đường ra mặt trận mà chẳng có ngày về. Đó là chưa kể con số khổng
lồ nhưng khó kiểm chứng những người bị lấy đi nội tạng, hoặc phải bán nội tạng
với giá rẻ bèo để được sống còn.
Sự sống không còn là
một giá trị phải được gìn giữ, bảo vệ bằng bất cứ giá nào nữa, nhưng xuống cấp
trầm trọng đến nỗi người ta vô cảm trước cảnh bạo lực làm tổn thương, nguy hại
sự sống như đánh ghen đến chết người, hay dửng dưng, bàng quan trước cảnh người
chồng "vũ phu" đánh vợ như đánh kẻ thù, tệ hơn là không hề chạnh
lòng và cảm thấy có trách nhiệm trước đám học sinh lớp bẩy, lớp tám hăng máu
hận thù đang dã man "xử hội đồng" một học sinh khác giữa thanh thiên bạch
nhật, ngay phố xá đông người.
Sự sống không còn là
một giá trị phải phát huy, xây dựng, khi người ta dễ dàng, lạnh lùng chém đứt
cánh tay người không hề quen biết chỉ vì muốn cướp chiếc vòng đeo tay, hoặc hủy
hoại nhan sắc, làm mù loà vĩnh viễn cuộc đời của tình địch bằng cú tạt axít "kinh
thiên động địa".
Sự sống thật rẻ
rúng trong xã hội hôm nay đến độ không mấy ai còn nặng lòng quan tâm đến cảnh
chết đói của người nghèo khổ, cảnh côi cút của những em bé không nơi nương tựa,
những cụ già neo đơn lang thang kiếm ăn đầu đường xó chợ, những người bệnh từ
bản làng cao nguyên khốn khổ nằm chèo queo, co quắp dưới gốc cây trong sân bệnh
viện.
Bên cạnh những sự sống bị
cưỡng bức chiếm đoạt, hủy hoại, cũng có những sự sống tình nguyện tự hủy diệt.
Hơn một triệu người tự tử mỗi năm trên thế giới. Với nhiều lý do, những người
này không còn coi sự sống của mình là một giá trị bất khả xâm phạm, và họ đã tự
kết liễu đời mình bằng hành động tự diệt sự sống.
Nhưng có lẽ nguy cơ đáng lo
ngại hơn cả cho sự sống mà truyền thông thế giới đang xôn xao cảnh
giác các bậc phụ huynh, người hữu trách, đó là hiện tượng trẻ em thi nhau tự tử
vì những trò chơi tìm cái chết, điển hình là trò chơi thách đố tự tử Momo
Challenge.
Đây là trò chơi gieo
sợ hãi và đe dọa. Khuôn mặt của một nhân vật nữ, biến dạng kinh dị
có tên Momo được chạm trổ bởi Midori Hayaski, người nhật, trưng bầy
ở Tokyo năm 2017. Trẻ em chơi trò chơi thách đố tự tử Momo bị cuốn hút vào một
tiến trình của sợ hãi và đe dọa dẫn đến việc hủy hoại thân thể và tự diệt sự
sống của mình. Là trò chơi gieo sợ hãi, Momo Challenge đẩy người chơi đến một
tình trạng ngày càng sợ hãi bằng đưa ra những lệnh phải làm, những việc phải
thực hiện và tất cả đều là những lệnh, những đòi hỏi kinh sợ mang tính giết
người. Nỗi lo sợ ấy sẽ tăng lên dữ dội và nhanh chóng do những đe
dọa liên tục trong quy trình chơi. Đại loại như : "Nếu mày không làm theo
những điều tao hứơng dẫn, tao sẽ cho mày biến khỏi hành tinh này, mà không để
lại một dấu vết".
Báo Buenos
Aires Times của Argentine là cơ quan truyền thông đầu
tiên đã gióng lên tiếng chuông báo động, khi đăng tải tin bé gái Ingeniero
Maschwitz mười hai tuổi đã tự treo cổ vì trò chơi thách
đố tự tử rất nguy hiểm này. Trong những ngày này, tháng 3 năm 2019, tại làng La
Guerche - de - Bretagne, nước Pháp, cảnh sát đã chính thức vào cuộc để điều tra
cái chết của Kendal, cậu bé mười bốn tuổi đã tự kết liễu đời mình cũng bằng
cách treo cổ tại nhà, mà theo cha mẹ Kendal: em là nạn nhân của trò chơi thách
đố tự tử Momo Challenge rất hãi hùng này.
Ở khắp nơi trên thế
giới, nhiều trẻ em biết trò chơi tự tử này và đã có ít nhất ba mươi trường hợp
các em chơi trò chơi này đã tự tử. Người viết tha thiết xin các phụ huynh, thầy
cô và người có trách nhiệm giáo dục đặc biệt quan tâm đến các em khi các em ngồi
trước bàn phím vi tính, và nhậy bén với nguy hiểm của trò chơi thách đố tự tử
Momo Challenge rất phi nhân, quái đản, giết người này.
Tóm lại, sự
sống rất qúy báu, nhưng không phải vì qúy báu mà mọi người đều lo gìn giữ, bảo
vệ; trái lại có nhiều người không biết giá trị sự sống và không quan tâm gìn
giữ sự sống ấy, dù đó là chính sự sống của mình.
Nhưng tại
sao sự sống qúy giá, vì ai cũng chỉ được sống một lần nhưng sự sống lại bị rẻ
rúng, coi thường và dọc lịch sử nhân loại, sự sống đã không ngừng bị hủy diệt ?
Matthew Stein tác giả
cuốn "When Technology Fails" đã đưa ra sáu nguyên nhân làm sự sống
có thể sẽ biến mất khỏi hành tinh :
1. Thay đổi khí hậu
2. Các mỏ dầu cạn khô
3. Sinh vật trong đại
dương chết hết
4. Rừng bị phá toàn
bộ : Hiện nay 50% rừng trên thế giới đã bị tàn phá.
5. Cây thực phẩm không
còn trồng được vì đất cằn cỗi, thiếu nước và khí hậu khắc nghiệt.
6. Nạn nhân mãn trầm
trọng.
Nghiên
cứu của ông được trân trọng, nhưng có lẽ không phải là lý do chính đưa đến tình
trạng loài người bị xóa tên. Lý do chính tiêu diệt loài người là văn minh sự
chết phát sinh từ ganh ghét, hận thù đang hủy diệt loài người, thay vì nền văn
minh sự sống phát sinh từ tình yêu nuôi dưỡng loài người.
Nếu nhìn kỹ vào những
hành động đưa đến sự chết, người ta không thể chối cãi nguyên nhân và động lực
đưa đến những hành vi bạo lực sát nhân đều là hận thù, ganh ghét. Không có ganh
ghét, sẽ không có hận thù ; không có hận thù sẽ không có bạo lực, và không
bạo lực làm sao có sát nhân, tự tử ?
Như thế, một khi ganh ghét
nẩy mầm, thì hận thù được thai nghén, và khi hận thù vươn mình, thì bạo lực
cũng theo hận thù trổ mã để dẫn đến đích tới sau cùng là làm tổn thương, hủy
diệt sự sống, bởi ganh ghét, hận thù là khởi điểm luôn đi tìm đích
điểm là sự chết.
Do đó, văn minh sự chết
chính là văn minh thù hận, một nền văn minh với những phát minh, khám phá mang
lại chết chóc, tự hủy diệt. Nền văn minh hận thù, bạo lực, và sự
chết ấy mang dấu ấn của Satan, vì Satan là kẻ gieo sự chết và hoả ngục, sào
huyệt của Satan và bè lũ ma qủy chính là ganh ghét, hận thù, bạo lực.
Một
thế giới với nền văn minh sự sống chính là thế giới chúng ta phải chung vai sát
cánh kiến tạo và giữ gìn. Nền văn minh sự sống ấy chỉ có thể được kiến tạo và
tồn tại khi xây dựng trên tình yêu. Đức thánh Giáo Hoàng Phaolô VI, ngày 25
tháng 12 năm 1975 lần đầu tiên đã dùng cụm từ "Văn Minh Tình
Thương", mà ngài gọi là dấu chỉ của thời đại, dấu chỉ của tình yêu sinh
ra tình yêu, tình yêu con người dành cho con người không vì một lợi ích nhất
thời, đen tối, nhưng tình yêu được phát sinh từ tình yêu Thiên Chúa, tình yêu
cho Thiên Chúa, và tình yêu ấy được biểu hiện trong nỗi đau khổ và
nhu cầu của tha nhân mà chúng ta chia sẻ, nâng đỡ. Nền văn minh tình thương ấy
vượt xa những đấu đá giai cấp, những ganh ghét hơn thua, những thị phi vu
khống, những cay độc bạo lực, để dẫn đến nền văn minh sự sống và bảo đảm sự
trường tồn của nền văn minh cao đẹp và hạnh phúc này.
Ước
mong sự sống luôn là giá trị chúng ta không thể để mất, và nền văn minh sự sống
sẽ mãi được xây trên nền tảng Tình yêu, vì Thiên Chúa là Tình Yêu và Sự Sống đã
thông ban sự sống cho con người vì yêu thương.
Jorathe Nắng
Tím
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)