Trong
bối cảnh xã hội, chính trị hiện nay, người ta ngao ngán khi nghe hai chữ “vua
chúa”, vì càng ngày “vua chúa” càng chen chúc nhau mọc lên như nấm làm đám dân
lành đã khổ nay càng khổ hơn.
Hiện
tượng vua một vùng, chúa một cõi, bất kể vùng ấy bé như thôn ấp, chẳng trừ vùng
ấy chỉ to bằng khu phố nhỏ đã làm nhiều người dị ứng với hai từ Vua - Chúa.
Chính trong tâm trạng ngán ngẩm, sợ hãi cảnh vua chúa xưng hùng xưng bá, tham
ô, trấn lột, đàn áp đám dân đen nghèo khổ, thấp cổ bé miệng, mà chúng ta mừng lễ
Chúa Kitô, Vua vũ trụ, Vua các tâm hồn.
Một
chi tiết mang tính lịch sử đó là lễ Chúa Kitô vua đã được Giáo Hội thiết lập
vào năm 1925, thời điểm mà nhiều chế độ vua chúa ở Âu Châu đột nhiên đồng loạt
biến mất, cũng là lúc Kitô giáo bị nhiều học thuyết vô thần tấn công dữ dội.
Chính trong bối cảnh này lễ Chúa Kitô Vua được cử hành với hình ảnh Đức Kitô
Vua là Mục Tử nhân lành, Vua nhân hậu giầu lòng thương xót, Vua khiêm hạ “đến để
phục vụ và hiến dâng mạng sống vì mọi người”, một hình ảnh Vua hoàn toàn khác
các vua chúa thế gian chỉ “dùng uy mà thống trị, dùng quyền mà cai quản” (Mt
20,25).
1.
Vua Giêsu như Mục Tử nhân
lành :
Ngôn
sứ Êdêkien đã mô tả chân dung Mục Tử nhân lành là Đức Giêsu : “Chính Ta sẽ
chăm sóc chiên của Ta và thân hành kiểm điểm... Ta sẽ kéo chúng ra mọi nơi
chúng đã bị tản mác, vào ngày mây đen mù mịt… Ta sẽ tập hợp chúng… Ta sẽ chăn dắt
chúng trong đồng cỏ tốt tươi, và chuồng của chúng sẽ ở trên các núi cao Ítraen.
Tại đó chúng sẽ nằm nghỉ trong chuồng êm ái, sẽ đi ăn trong đồng cỏ mầu mỡ trên
núi non Ítraen. Chính Ta sẽ chăn dắt chiên của Ta… Con nào bị mất, Ta sẽ đi
tìm ; con nào đi lạc, Ta sẽ đưa về ; con nào bị thương, Ta sẽ băng
bó ; con nào bệnh tật, Ta sẽ làm cho mạnh…” (Ed 34,11-16).
Trong
Tân Ước, chính Đức Giêsu đã nhận mình là “Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống
mình cho đoàn chiên” (Ga 10,11).
2. Vương
quyền của Vua Giêsu là lòng thương xót :
Vương
quyền của Chúa Giêsu Vua đến từ Thiên Chúa Cha, Đấng giầu lòng thương xót đã
ban cho Ngài mọi quyền “cho đến khi Thiên Chúa đặt mọi thù địch dưới chân Người.
Thù địch cuối cùng bị tiêu diệt là sự chết”. Ngài đã tiêu diệt sự chết khi sống
lại vinh quang, để “mọi người, vì liên đới với Ađam mà phải chết, thì mọi
người, nhờ liên đới với Đức Kitô, cũng đuợc Thiên Chúa cho sống” (1Cr 15,22).
Như
thế, vương quyền của Vua Giêsu là để thương xót, cứu chuộc mọi người khỏi án tử
đời đời do tội lỗi mang lại. Chính lòng thương xót của Chúa Cha đã phong vương
cho Ngài, để Ngài trở nên Vua Cứu Độ nhân hậu, mà nhờ sự chết và phục sinh của
Ngài, tất cả những ai phải chết vì một người đã đem tội lỗi vào thế gian sẽ được
Ngài cứu sống. Nói cách khác, Đức Giêsu là dung mạo đích thực của Thiên Chúa giầu
lòng thương xót và chính Ngài đã thực hiện lòng thương xót ấy trên nhân loại, với
vương quyền của Thiên Chúa Cha khi bắt thù địch cuối cùng là sự chết phải quy
phục dưới chân Ngài.
Một
Đức Vua đã dùng vương quyền để cứu sống con dân bằng hiến mình làm Của Lễ chuộc
tội dân hẳn phải là Đức Vua vô cùng nhân hậu và bao la lòng thương xót.
3.
Đức Giêsu là Vua Tình
Yêu :
Quang
cảnh ngày phán xét chung trong Tin Mừng Matthêu được bao trùm bởi Công Lý tình
thương, khi “Con Người đến trong vinh quang của Người” (Mt 25,31) để xét xử mọi
người về tình yêu của họ, về nén bạc yêu thương Thiên Chúa đã trao cho mỗi người.
Đức
Vua Giêsu đã không hỏi bất cứ ai về bất cứ sự gì, ngoài những việc làm của tình
yêu trong suốt cuộc đời dương thế, những việc làm thường ngày, những đối tượng
thường gặp, những con người thường thấy. Không có gì xa lạ, xa xôi, trắc trở,
nhưng tất cả đều gần gũi, quen thuộc, kề bên. Chỉ có một điều, một tiêu chuẩn để
quyết định đó là việc sử dụng khả năng yêu thương để yêu thương.
Khi
nói đến “khả năng yêu thương để yêu thương” là nói đến phục vụ, vì phục vụ là
hành động cụ thể, thiết thực của tình yêu, như đôi tay là hành động biểu lộ ý
muốn và quyết định chọn lựa của tim óc.
Phục
vụ tha nhân, phục vụ người thân, phục vụ nguời bần hàn, cơ nhỡ. Tất cả là mục
tiêu của lệnh truyền “Hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương chúng con” (Ga
15,12), mà ngày phán xét, mỗi người sẽ phải trả lời về việc thực hiện nghiã vụ
yêu thương không thể bỏ qua này.
Cũng
chính vì yêu Thương là khả năng Thiên Chúa ban cho hết mọi người, nên ai cũng
có thể yêu, người nào cũng có thể phục vụ. Chẳng thế mà những người lành đã ngỡ
ngàng, chưng hửng khi Đức Giêsu nói với họ : “Nào những kẻ Cha Ta chúc
phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo
thiên lập địa. Vì xưa Ta đới, ccá ngươi đã cho ăn ; Ta khát ; các
ngươi đã cho uống ; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước ; Ta trần
truồng, các ngươi đã cho mặc ; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng ;
Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han” (Mt 25,34-36). Và tất nhiên, kẻ dữ đứng bên
trái cũng giật mình hốt hoảng khi bị luận phạt, vì đã không làm như những người
lành.
Thực
vậy, cả người lành và kẻ dữ đều ngạc nhiên, sững sờ vì không một ai trong họ đã
có thể ngờ : khả năng yêu thương được Thiên Chúa ban, cũng như nén bạc
Tình Yêu được trao phó lại quan trọng đến thế!
Là
Vua Tình Yêu, Đức Giêsu muốn thần dân của Ngài tiếp tay với Ngài để biến đổi thế
giới hận thù, bạo lực thành thế giới yêu thương, an bình. Ngài muốn xây dựng một
thế giới mới của Tình Yêu, một thế giới, ở đó mọi người nhận biết nhau là anh
em, con cùng một Cha trên trời, một thế giới của lòng thương xót được chính
Thiên Chúa giầu lòng xót thương qủan cai, chăm sóc như Mục Tử chăm sóc, quản
cai đòan chiên yêu qúy của mình.
4. Đức
Giêsu là Vua khiêm hạ :
Đức
Giêsu đến trong thế gian để làm Vua, như Ngài đã khẳng định trước quan Philatô
(x. Mt 27,11), nhưng Vương Quyền của Ngài không như vương quyền của các vua chúa
thế gian, vì Ngài làm Vua “không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục
vụ và hiến mang sống làm giá cứu chuộc muôn người” (Mt 20,28). Sứ vụ “Đức Vua”
của Ngài thật khác “một trời một vực » với việc làm của các vua chúa thời
nay : tham lạm, hưởng thụ, lợi dụng chức quyền hà hiếp, bóc lột dân đến tận
xương tủy đến vô cảm, vô tâm, vô đạo đức…
Sự
khiêm hạ của Vua Giêsu còn đuợc biểu hiện qua cung cách, thái độ bên ngoài như
qùy xuống rửa chân cho môn đệ, ngồi trên lưng lừa con bé nhỏ, đơn sơ tiến vào
thành thánh giữa rừng người dậy sóng “Hoan hô, chúc tụng Đấng ngự đến
nhân danh Đức Chúa!” (Mc 11,9) như ngôn sứ Dacaria đã tuyên sấm : “Hỡi thuếu
nữ Giêrusalem hãy vui sướng reo hò! Vì kià Đức Vua của ngươi đang đến với
ngươi. Người là Đấng Chính Trực, Đấng Toàn Thắng, khiêm tốn ngồi trên lưng lừa,
một con lừa con vẫn còn theo mẹ” (Dc 9,9) ; và đặc biệt hơn cả là
Ngài đã khiêm hạ “tự đồng hoá mình” với
những người nghèo đói, đau ốm, tù đầy, tha hương, bị bạc đãi, bỏ rơi, bị khước
từ, nguyền rủa, như Ngài đã qủa quyết trước những người lành đã yêu thương, phục
vụ anh chị em bất hạnh, kém may mắn của họ : “Ta bảo thật các ngươi :
mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta
đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40).
Thời
nay, dân được gặp quan huyện, quan xã đã là chuyện hiếm hoi, qúa khó, nói gì đến
Vua Chúa xuống với dân. Thế mà Đức Vua “Ngôi Lời” đã khiêm hạ tự nguyện xuống thế
làm người, mà còn làm người yếu đuối, nghèo nàn, hèn mọn nhất trong những người
hèn mọn, nghèo nàn, yếu đuối…
Xin
Đức Giêsu, Vua nhân hậu, Vua khiêm hạ, Vua tình yêu, Vua Lòng Thương Xót ban
cho Giáo Hội nhiều mục tử có trái tim của Chúa để dân Chúa ngày càng được “sống và sống dồi dào”
như đoàn chiên “chẳng thiếu thốn gì, được nằm nghỉ trong đồng cỏ xanh tươi, bên
dòng nước trong lành” (Tv 22,1-2), vì “có lòng nhân hậu và tình thương Chúa ấp ủ
suốt cuộc đời, và được ở đền Người những
ngày tháng, những năm dài triền miên” (Tv 2,6).
Jorathe
Nắng Tím