Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 31 tháng 8, 2020

QUYỀN CẦU NGUYỆN CỦA CON NGƯỜI LÀ HỒNG ÂN CỦA THIÊN CHÚA

 

Thiên Chúa ban cho con người chan chứa hồng ân, và một trong những hồng ân lớn chính là con người được quyền đi thẳng vào trái tim Thiên Chúa khi tỏ tình, tâm sự, giao lưu, chia sẻ với Ngài bằng nâng tâm hồn lên tới Ngài, hướng lòng trí về Ngài và hiệp thông, hiệp nhất trong Ngài khi cầu nguyện.

Như thế, cầu nguyện là liên lạc trực tiếp với Thiên Chúa ; là đi vào tương quan mật thiết, ân tình với Thiên Chúa ; là nói Chúa nghe và nghe Chúa nói như hai người yêu  nhau ngày đêm trao đổi, gặp gỡ, chia sẻ tâm sự buồn vui và mọi biến cố, sự kiện to nhỏ xẩy ra  từng giờ, từng ngày trong suốt cuộc sống.

Trong Tin Mừng, qua lời giảng dậy và hành động, Đức Giêsu cho chúng ta biết :

1.   Cầu nguyện là hồng ân Thiên Chúa ban cho hết mọi người, không trừ ai :

Nhiều người lầm tưởng : chỉ người đi đạo mới có quyền cầu nguyện, chỉ người có đạo cầu nguyện mới được Chúa nhận lời, chỉ người có đạo mới biết cầu nguyện và cầu nguyện cách xứng hợp, xứng đáng.

Tin Mừng chứng minh ngược lại : bất cứ ai thuộc bất cứ phe phái, tôn giáo, chính kiến nào cũng có quyền cầu nguyện, vì quyền cầu nguyện là hồng ân nhưng không Thiên Chúa ban cho tất cả mọi người, nên có môn đệ là con cái trong nhà xin Đức Giêsu dậy cầu nguyện (x. Lc 11,2-4) ; có những người phong cùi trong đạo Do Thái cầu nguyện với Đức Giêsu xin Ngài chữa lành và Ngài đã cho họ được toại nguyện, đồng thời căn dặn họ hãy đi trình diện tư tế và dâng của lễ như ông Môsê đã truyền (Mt 8,4), để làm chứng cho người ta biết họ đã được sạch ; có viên sĩ quan ngoại đạo cầu nguyện xin Chúa chữa người đầy tớ của mình bị tê bại nằm liệt ở nhà, đau đớn lắm (Mt 8,6), và Ngài đã chữa, đồng thời ca tụng đức tin của ông : Tôi không thấy một người Ítraen nào có lòng tin như thế (Mt 8,10) ; có người đàn bà ngoại giáo miền Canaan cầu xin Chúa chữa con gái bà bị qủy ám khổ sở lắm (Mt 15,22), và Ngài chữa con bà, sau khi thử thách đức tin của bà, và khen ngợi : Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy (Mt 15,28).

Quyền cầu nguyện cũng là hồng ân Thiên Chúa ban cho tất cả mọi người ở bất cứ tình trạng thiêng liêng nào : có những tông đồ thánh thiện cùng đi cầu nguyện với Đức Giêsu (x. Mt 26,36-37) ; có người phụ nữ bị bắt qủa tang đang ngoại tình cúi mặt lặng thinh nhưng biểu hiện tình yêu thống thiết xin Ngài cứu giúp  (x. Ga 8,1-11), và Ngài đã cứu chị ta khỏi bị ném đá đến chết theo luật Môsê ; ấn tượng hơn cả là lời cầu nguyện của người gian phi cùng bị đóng đinh với Đức Giêsu, và Ngài đã hứa với anh : Ngay hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên thiên đàng (Lc 23,43).    

Như thế, cầu nguyện với Thiên Chúa của Đức Giêsu là quyền của mọi người, bất luận họ là ai, thuộc giai cấp, trình độ, quan điểm chính trị, tín ngưỡng tôn giáo, tình trạng luân lý, đạo đức nào, bởi quyền này là Hồng Ân nhưng không của Thiên Chúa ban cho toàn thể loài người là con cái từ tình yêu Ngài sinh ra, một quyền phổ quát như Đức Giêsu đã qủa quyết sau khi làm phép lạ cho người đầy tớ của viên sĩ quan ngoại đạo khỏi bệnh : Tôi nói cho các ông hay : Từ phương đông phương tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc cùng các tổ phụ Ápraham, Ixaác và Giacóp trong Nước Trời (Mt 8,11). Do đó, bất cứ chủ trương triệt tiêu, ngăn cản, hạn chế, cấm vận quyền cầu nguyện của người khác, dù họ là ai đều đi ngược thánh ý Thiên Chúa, và vi phạm quyền thiêng liêng của con người. Đây cũng là điều chúng ta ít quan tâm, nên đôi khi vấp phải một số thiếu sót trên đường truyền giáo, khi vô ý phân biệt một cách thiếu tế nhị giữa người có đạo và chưa có đạo trong những buổi cầu nguyện chung.

2.    Quyền cầu nguyện mọi nơi :

Cầu nguyện nâng bổng, cất cao con người lên tới Thiên Chúa, và cho con người đi vào sự sống của Thiên Chúa, do con người được sinh ra từ Thiên Chúa và sẽ trở về với Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa ban sự sống, đời sống cho con người, nên gắn bó với nguồn sống, con người sẽ không bao giờ khô héo, cằn cỗi, mà cầu nguyện là máng chuyển sự sống, là phương tiện Thiên Chúa ban cho con người để con người kín múc sự sống  từ Thiên Chúa là nguồn sống phong phú đời đời. Vì thế, cầu nguyện là nhu cầu thiết yếu để con người được sống hạnh phúc trong chính hạnh phúc của Đấng tạo dựng nên mình

Đó là lý do cầu nguyện gắn chặt với đời sống, đan quyện trong từng sinh hoạt đời sống để ở đâu, lúc nào, trong bất cứ tình huống, hoàn cảnh, tâm trạng nào, con người cũng có thể cầu nguyện, có quyền cầu nguyện và cần cầu nguyện.

Với quyền cầu nguyện là hồng ân Thiên Chúa ban, con người có thể cầu nguyện ở mọi nơi : trong đền thờ, trước công chúng, giữa phố chợ, với nhiều người hay một mình, đóng cửa lại và cầu nguyện cùng Cha, Đấng thấu suốt những gì kín đáo (Mt 6,6).

3.   Quyền cầu nguyện với Thiên Chúa về mọi vấn đề, mọi sự, mọi biến cố, mọi tâm tư, mọi  ước nguyện :  

Thấy Đức Giêsu, Thầy mình thường xuyên cầu nguyện, một người trong nhóm môn đệ nói với Người : Thưa Thầy, xin dậy chúng con cầu nguyện. (Lc 11,1), và Đức Giêsu đã dậy các ông kinh Lậy Cha : Lậy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, Triều Đại Cha mau đến, xin Cha cho chúng con ngày nào có lương thực ngày ấy ; xin tha tội cho chúng con, vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con, và xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ (Lc 11,2-4).

Đức Giêsu dậy chúng ta cầu nguyện cho Nước Thiên Chúa sớm hiển trị trong mọi tâm hồn để Chúa được vinh danh và mọi người được hạnh phúc đời đời ; dậy chúng ta xin Chúa ban của ăn hằng ngày nuôi thân xác để phụng sự Chúa và phục vụ anh em ; dậy chúng ta xin Chúa ban một tấm lòng khiêm tốn, thống hối, ăn năn để được Chúa thương xót thứ tha ; dậy chúng ta cầu xin ơn đổi mới trái tim để biết thương yêu, bao dung, tha thứ cho mọi người mắc lỗi với mình, và dậy chúng ta cầu xin ơn phù trợ để không sập bẫy của ma qủy, thế gian hằng cám dỗ chúng ta kiêu căng chống lại Thiên Chúa, và ganh ghét, đố kỵ, hận thù anh em.

Ngoài kinh nguyện tuyệt hảo do chính Đức Giêsu dậy trên, chúng ta cũng được Chúa mời gọi nói với Ngài tất cả những gì chúng ta muốn nói, như đứa con bé bỏng  nói với Cha mình, vì không có gì được coi là cấm kỵ giữa tâm hồn mỗi người với Thiên Chúa trong khi cầu nguyện, bởi Thiên Chúa là Cha nhân hậu biết con cái cần gì và là Đấng thấu suốt mọi sự kín đáo tận đáy lòng mỗi người.

Tin Mừng làm chứng điều này, khi có người đàn bà bị băng huyết đã mười hai năm, bao phen khổ sở vì chạy thầy chạy thuốc đã nhiều đến tán gia bại sản, mà vẫn tiền mất tật mang, lại còn thêm nặng là khác. Đươc nghe đồn về Đức Giêsu, bà lách đám đông, tiến đến phía sau Người, và sờ vào áo của Người.Vì bà tự nhủ : Tôi mà sờ được vào áo Người thôi là sẽ được cứu. Tức khắc máu cầm lại, và bà cảm thấy trong mình đã được khỏi bệnh. Ngay lúc đó, Đức Giêsu thấy có một năng lực tự nơi mình phát ra, Người liền quay lại giữa đám ông mà hỏi : Ai đã sờ vào áo tôi ?. Các môn đệ thưa : Thầy coi, đám đông chen lấn Thầy như thế mà Thầy còn hỏi : Ai đã sờ vào tôi ? Đức Giêsu ngó quanh để nhìn người phụ nữ đã làm điều đó. Bà này sợ phát run lên, vì biết cái gì đã xảy ra cho mình. Bà đến phủ phục trước mặt Người. Người nói với bà ta : Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh (Mc 5,25-34).     

Như thế, cầu nguyện không chỉ bằng lời, mà còn bằng nhiều cách khác nữa, như người đàn bà bị băng huyết lâu năm đã cầu nguyện với tâm tư, khát vọng thầm kín của mình bằng tự nhủ : Tôi mà sờ được vào áo Người thôi, là sẽ được cứu (Mc 5,28).

4.   Cầu nguyện với ơn Chúa Thánh Thần và trong Đức Tin :  

Chúng ta được cầu nguyện và cầu nguyện được, vì Đức Giêsu đã đến để chúng ta được nên công chính nhờ đức tin (Gl 3,24). Thánh Phaolô đã khẳng định với cộng đoàn Galát : Nhờ đức tin, tất cả anh em đều là con cái Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô. Qủa thế, bất cứ ai trong anh em được thanh tẩy để thuộc về Đức Kitô, đều mặc lấy Đức Kitô. Không còn chuyện phân biệt Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà ; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Kitô (Gl 3,26-28).

Như thế, không phải tự chúng ta có thể đi vào tình nghiã với Thiên Chúa, đi vào tận trái tim Thiên Chúa khi cầu nguyện, mà là Đức Giêsu đã cứu chuộc chúng ta, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghiã tử (Gl 4,5). Thánh Phaolô quảng diễn chân lý này như sau : Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngư trong lòng anh em mà kêu lên : Ápba, Cha ơi! Vậy anh em không còn phải là nô lệ nữa, nhưng là con, mà đã là con thì cũng là người thừa kế, nhờ Thiên Chúa (Gl 4,6-7).

Đây chính là cốt lõi của cầu nguyện, nền tảng xây dựng việc cầu nguyện, lý do chúng ta phải cầu nguyện, bởi  cầu nguyện không còn là tương quan giữa ông chủ và tôi tớ, giữa cấp trên và cấp dưới, hay tương quan giữa hai người xa lạ, nhưng là tương quan yêu thương giữa cha và con, tương quan huyết thống giữa con và cha, tương quan miêu duệ giữa cha con và dòng dõi mãi đến muôn đời. 

Chính trên nền tảng tương quan Cha con, chúng ta được hạnh phúc gọi tên Thiên Chúa : Ápba, Cha ơi! khi cầu nguyện, vì Thần Khí của Đức Giêsu đã mở lòng chúng ta, tuôn đổ hồng ân đức tin trên chúng ta, để chúng ta cầu nguyện như con với Cha, và như lòng Chúa mong ước.

Ước gì cầu nguyện trở thành lẽ sống của đời mỗi người Kitô hữu, và là món qùa qúy giá của Thiên Chúa phải được chúng ta chuyển giao với ưu tiên hàng đầu  cho những người anh em đang trên đường đi tìm Thiên Chúa.

Jorathe Nắng Tím

THIÊN CHÚA CẦN CHÚNG TA

 

Thiên Chúa là Đấng tạo dựng tất cả từ hư vô, Đấng nắm toàn quyền sinh tử trên muôn vật hữu hình và vô hình, và không sự gì mà Thiên Chúa không làm được, nên mọi loài thụ tạo dù là thiên thần thiêng liêng trên trời, con người có xác hồn trên mặt đất hay thiên nhiên vũ trụ vừa bao la vĩ đại vừa bé nhỏ li ti mắt thường không thể thấy, tất cả đều cần Thiên Chúa để được tồn tại và phát triển, nên  chuyện con người cần Thiên Chúa chính đáng, hữu ích và có lý bao nhiêu, thì chuyện Thiên Chúa cần con người lại khó nghe, khó lý giải, khó chấp nhận bấy nhiêu.

Khó nghe, nghe không vô khi Đấng Chủ Tạo lại cần đến thụ tạo do mình dựng nên, như tác giả thì cần gì đến tác phẩm của mình để tồn tại, vì tác giả phải toàn năng và cao cả gấp bao nhiêu lần tác phẩm do ông đã làm ra ; khó lý giải vì Thiên Chúa vô cùng toàn năng làm được mọi sự mình muốn lại phải cần đến con người yếu đuối, mỏng dòn, bất toàn và nhiều giới hạn trong mọi chiều kích, phương diện ; và khó chấp nhận, vì không hợp với luận lý bình thường, và không có cơ sở khả tín.

Vì thế, khi Thiên Chúa ngỏ lời cần con người cho chương trình của Ngài thì nhiều người không tin và đã từ chối cộng tác với Ngài.

Người ta không tin và từ chối cộng tác với Thiên Chúa, vì cho rằng con người có mặt trong  đời này là do quyết định đơn phương của Thiên Chúa, nên con người hoàn toàn không có trách nhiệm đối với cuộc sống của mình. Và vì không có trách nhiệm, nên Thiên Chúa không thể thưởng phạt chiếu theo tội phúc ; có người không tin và khước từ cộng tác với Thiên Chúa, vì nghĩ rằng Thiên Chúa toàn năng, nên dù con người có cố gắng đến đâu thì kết qủa cũng chẳng là gì, nên tốt hơn là phó mặc hết cho Thiên Chúa, Ngài muốn làm gì thì làm ; lại có người khiêm nhường cực đoan, khiêm hạ qúa khích khi cho ý tưởng Thiên Chúa cần con người là hành vi khinh mạn, xúc phạm nặng nề Thiên Chúa.

Nhưng Đức Giêsu đến trong thế giới, ở giữa nhân loại đã nói với con người những sự thật về Thiên Chúa, vì chính Ngài là Thiên Chúa. Và một trong những sự thật đời đời thuộc về Thiên Chúa ấy chính là không chỉ con người cần Thiên Chúa, mà Thiên Chúa cũng cần con người.

1.   Thiên Chúa cần con người vì Thiên Chúa là Tình Yêu - Hạnh Phúc :

Bởi bất cứ tình yêu đích thực nào cũng đòi thông ban, và không tình yêu chân chính nào khép kín, đóng chặt cho riêng mình, và chỉ nghĩ đến mình vì ích kỷ, nhưng đã là tình yêu thì luôn hướng đến đối tượng ở ngoài mình, tức hướng đến người khác.  Thiên Chúa là Tình Yêu, nên tình yêu của Ngài cũng đòi thông ban, khi hiệp thông, hiệp nhất giữa Ba Ngôi, đồng thời  hướng đến và thông ban cho con người là thụ tạo đã được dựng nên giống hình ảnh Ngài và được Ngài đặc biệt yêu thương.

Bởi khao khát và ước mong của tình yêu là  hạnh phúc của người mình yêu, nên Thiên Chúa cần có con người  để con người được hạnh phúc từ tình yêu của Ngài. Như thế, trong tình yêu, Thiên Chúa thể hiện bảnh tính của mình, và thể hiện khi Thiên Chúa yêu thương thụ tạo của Ngài, trong đó con người là thụ tạo được Ngài yêu thương hơn cả. Đó là lý do khi con người được hạnh phúc trong tình yêu, chính là lúc Thiên Chúa Tình yêu được vinh danh.    

   Tin Mừng đã mặc khải : con người được Thiên Chúa yêu thương vô cùng, không chỉ yêu thương trong tương quan Chủ Tạo với Thụ Tạo, Thiên Chúa với con người, nhưng trong tương quan Cha - Con như thánh Gioan viết : Anh em hãy xem Chúa Cha yêu chúng ta dường nào : Người yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa, mà thưc sự chúng ta là con Thiên Chúa (1 Ga 3,1). Và Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này : không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm lễ đền tội cho chúng ta (1 Ga 4,10).

Như thế, Thiên Chúa  cần có con người, cần có chúng ta để  yêu thương, như bản tính là Thiên Chúa Tình yêu của Ngài. Ngài đã yêu thương chúng ta trước khi chúng ta biết và yêu mến Ngài. Sự thật này minh chứng Thiên Chúa cần con người, cần mỗi người để  tình yêu của Thiên Chúa  là Tình Yêu được thể hiện, thông ban. 

2.                      Thiên Chúa cần con người vì Thiên Chúa đã dựng nên con người với tự do để làm con Thiên Chúa :

Con người được tạo dựng có tự do là hình ảnh sống động của Thiên Chúa Tình Yêu, vì trong tình yêu bao giờ tự do cũng phải có mặt. Thiên Chúa đã không tạo nên con người  như những thụ tạo vô tri, vô giác, và ngay cả được tạo dựng là  người, Thiên Chúa cũng không tạo dựng những con người nô lệ, nhưng Ngài tạo dựng những con người tự do, những người con tự do vì là con của tình yêu đích thực là Thiên Chúa.

Vì thế, con người trước Thiên Chúa là con người tự do, con người có tự do, vì tự do là điều kiện không thể thiếu của tình yêu đích thực từ Thiên Chúa. Cho con người tự do, Thiên Chúa cần ý kiến, lựa chọn, quyết định và hành động tự nguyện của con người, mà không áp đặt, khống chế, làm áp lực cách này cách khác, bởi Thiên Chúa tôn trọng con người như Cha tôn trọng con, yêu con người như Cha yêu con, tín nhiệm con người như Cha tín nhiệm con, để con người được cộng tác với mình như cha con cùng làm việc, cùng chia sẻ gánh nặng.  

Vẫn biết Thiên Chúa yêu thương và hằng ao ước con người hạnh phúc trong tình yêu của Ngài, nhưng không vì thế mà Ngài lấy đi tự do của con người. Bằng chứng là trong dụ ngôn người cha nhân hậu, Đức Giêsu đã mô tả chân dung rất nhân hậu nhưng tuyệt đối tôn trọng tự do của cậu con thứ, khi cậu nằng nặc đòi Cha chia gia tài và cương quyết bỏ Cha, bỏ nhà đi hoang, cho đến khi chính cậu, vì không còn có thể sống sót khi lâm cảnh túng thiếu, phải đi ở đợ đã đứng lên, đi về cùng cha (Lc 15,14.18).

Thái độ tôn trọng và yêu thương con đến cùng của người Cha nhân hậu đã nói lên Thiên Chúa cần con người như người cha cần con mình, không vì hạnh phúc của mình cho bằng hạnh phúc của con do tình yêu  đòi hỏi. Cũng vì là Cha của những đứa con tự do, mà người cha đã cần con cộng tác, cần con đồng tình, cần con đồng ý cho tình yêu của ông đạt mục đích là hạnh phúc của con, bởi không có sự đồng thuận, đồng lòng của con trong chương trình tìm hạnh phúc cho con do tình yêu thúc bách, người cha không thể làm gì cho con, dù yêu con vô cùng và chỉ  mong ước con mình hạnh phúc. Đó là nỗi lòng cay đắng của người cha nhân hậu trong Tin Mừng Luca những ngày tháng con sống hoang đàng, phóng đãng,  phung phí tài sản đến độ trắng tay chỉ còn dám ao ước lấy cám heo mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho, trong khi ở nhà cha, bao nhiêu người làm công cho cha được cơm dư gạo thừa (Lc 15,13.16.17).

3.   Thiên Chúa cần con người để cứu chuộc con người :

Hạnh phúc mà Thiên Chúa chọn cho con người là hạnh phúc làm con Thiên Chúa, nhưng để được nhận làm con Thiên Chúa, con người phải được chính Thiên Chúa chuộc lại ơn làm con mà con người đã làm mất. Đức Giêsu, Ngôi Lời của Thiên Chúa đã đảm nhận sứ mạng xóa tội, cứu chuộc này.

Nhưng sứ mạng cứu chuộc được Ngôi Lời nhập thể thực hiện lại đòi sự cộng tác tích cực của con người, vì Thiên Chúa luôn tôn trọng tự do của mỗi người, bởi đó là chính hình ảnh của Ngài ở nơi con người. Do đó, không có con người tự nguyện đi theo chương trình cứu chuộc loài người của mình, Thiên Chúa sẽ không toại nguyện, vì ơn cứu chuộc vô giá của Ngài sẽ trở nên vô ích cho nhiều người. Nói cách khác, những điều Ngài đợi chờ ở con người như danh thánh Ngài được vinh hiển, triều đại Ngài mau đến, ý Ngài được thể hiện dưới đất cũng như trên trời sẽ không được thực hiện như ý Ngài muốn. Vì thế ;

a.   Thiên Chúa cần con người, khi muốn con người cộng tác với Ngài trong công trình cứu chuộc  bằng đón nhận Tin Mừng Cứu Độ của Ngài qua việc sám hối, trở về :

Gioan Tẩy Giả, vị tiền hô của Đức Giêsu đã khẳng định : Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần, bởi cái rìu đã đặt sát gốc cây : bất cứ cây nào không sinh qủa tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa(Mt 3,2.10), và Đấng đến sau tôi, quyền thế hơn tôi, tôi không đáng xách dép cho Người”, chính Người cầm nia, Người sẽ rê sạch lúa trong sân : thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi (Mt 3,11-12).

b.  Thiên Chúa cần con người khi muốn con người cộng tác với Ngài loan báo ơn Cứu Độ cho anh em :

Vì tôn trọng tự do, và muốn con người thương yêu, lo lắng, giúp đỡ, mưu tìm hạnh phúc cho nhau, nên Thiên Chúa cần đến con người để con người trở thành cánh tay nối dài của Ngài, khi để được Thần Khí của Ngài sai đi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa (Lc 4,18-19).

Ngài còn kêu gọi nhiều người hãy đi theo Ngài để trở thành những kẻ lưới người như lưới cá (Mt 4,9) hầu làm cho mọi người được sống và hạnh phúc đời đời, khi chấp nhận làm môn đệ Ngài, sống yêu thương như Ngài. Ngài rất cần những người ra đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ Ngài, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dậy bảo họ tuân giữ lệnh truyền của Ngài (Mt 28,19-20), bởi Ngài yêu thương và muốn mọi người được hạnh phúc trong tình yêu toàn năng của Ngài.

c.    Thiên Chúa cần con người khi muốn con người công tác với Ngài để cứu rỗi mình và  anh em :

Ngài không áp đặt ơn cứu độ, nhưng muốn con người tự nguyện đến kín múc ơn phúc nhưng không và dồi dào Ngài ban phát. Và để con người ý thức việc mình phải cộng tác vào ơn cứu rỗi chính mình và anh em mình, Thiên Chúa cần mỗi người trở nên người nài xin ơn Chúa qua cầu nguyện, và trở nên của lễ hiệp cùng  Của Lễ thánh thiện của Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người dâng Chúa Cha trên Thánh Giá để mọi người được cứu sống.

Tóm lại, vì ý muốn đời đời của Thiên Chúa là yêu thương và cứu chuộc con người, nên Thiên Chúa cần có con người để yêu thương và thông ban hạnh phúc của Ngài. Vì cần, Thiên Chúa kêu gọi con người đi theo Ngài, dậy dỗ con người sống như ý Ngài muốn, thánh hoá con người để con người được trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài ; vì cần, Thiên Chúa khao khát, trông ngóng, tất tưởi đi tìm chiên lạc, người tội lỗi, và chẳng giấu diếm hạnh phúc của mình, qua miệng Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người : Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất ? Tìm được rồi, người nấy mừng rỡ vác lên vai. Về đến nhà, người ấy mời bạn bè, hàng xóm lại và nói : Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó. Vậy, tôi nói cho các ông hay : trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối, ăn năn (Lc 15,4-7). Thiên Chúa cần tiếng nói của con người để bênh vực, tranh đấu, giữ gìn, phát huy giá trị và quyền làm người, quyền sống của con người ngày càng bị chính con người phủ nhận, chà đạp, triệt tiêu ; Thiên Chúa cần khối óc của con người để làm cho đời sống con người tốt đẹp hơn ; Thiên Chúa cần đôi tay con  người để đổi mới địa cầu, đổi mới những gì cần phải thay đổi, canh tân cho con người được sống xứng đáng hơn với nhân vị, nhân phẩm ; Thiên Chúa cần mồ hôi, nước mắt, với nỗ lực, hy sinh của con người để tháo bỏ xiềng xích, giải phóng con người khỏi gông cùm của ích kỷ, ganh ghét, hận thù, bạo lực ; Thiên Chúa rất cần và đang cần mỗi người để ơn Chúa đến được với mọi người, cho một thế giới mới được Thiên Chúa dủ thương, chúc phúc.      

Vâng, Thiên Chúa vì yêu con người, nên luôn cần con người, do Tình Yêu là bản tính của Ngài thúc đẩy. Nhu cầu của Thiên Chúa ở con người là nhu cầu của tình Cha, là hạnh phúc của con mình, và niềm đau nỗi buồn của cha chinh là nỗi bất hạnh của con. Ngoài ra, người cha nhân hậu ấy không có nhu cầu nào khác, bởi ông chẳng mấy khi nghĩ đến mình, mà chỉ nghĩ đến con, sống cho con, làm tất cả vì hạnh phúc của con, và hạnh phúc của ông là mãi mãi được thấy con sồng tròn đầy hạnh phúc trong tình yêu vô cùng và đến cùng của mình.

Xin Chúa cho chúng ta ý thức giá trị làm con Thiên Chúa, và xác tín Chúa luôn cần chúng ta như chúng ta luôn cần Chúa, để không hững hờ, dửng dưng trước Tiếng Gọi ; không khinh mạn, coi thường sứ mệnh được Chúa trao ; không buông thả, biếng lười cộng tác với Chúa trong công trình cứu rỗi chính mình và anh em, nhất là không lãng quên ân tình và lòng thương xót bao la, cao vời của Cha nhân hậu là Thiên Chúa Tình Yêu, Đấng cần được chúng ta yêu mến, vì hạnh phúc đời đời của chính chúng ta.

Jorathe Nắng Tím

CON YÊU MẸ VÌ MẸ HOÀN TOÀN THUỘC VỀ THIÊN CHÚA

 

Với những con người khác, dù là ai đi nữa, mức độ thuộc về Thiên Chúa cũng bị giới hạn bởi tội của nguyên tổ và của riêng mình, nhưng ở Mẹ, vì được Thiên Chúa gìn giữ đặc biệt với ơn vô nhiễm nguyên tội, nên không một vẩn đục làm lu mờ Thiên Chúa trong lòng Mẹ, cũng như không một khoảnh khắc thời gian dù ngắn, nhỏ đến đâu tách rời đời Mẹ xa khỏi thánh ý Chúa.

Mặc dù Tin Mừng không đề cập, nhưng truyền thống Giáo Hội ngay từ  đầu thế kỷ thứ 2 đã nói đến thân sinh của Mẹ, thánh Anna và Gioakim đã luống tuổi khi hạ sinh Mẹ. Đây là dấu chỉ của những người được Thiên Chúa tuyển chọn cách đặc biệt, như Isaác, Samson, Samuen, Gioan Tẩy Giả, tất cả  đều được sinh ra khi cha mẹ đã già, và không còn khả năng sinh đẻ, như Ápraham đã nghi ngại thưa với Thiên Chúa : “Đàn ông trăm tuổi mà có con được sao ?” (St 17,17), như sứ thần nói với mẹ của Samsôn : “Này, bà là người son sẻ và không sinh con, nhưng bà sẽ có thai và sinh một con trai” (Tl 13,3), hay như mẹ của ngôn sứ Samuen đã than thở , khấn hứa với Thiên Chúa: “Lậy Đức Chúa các đạo binh, nếu Ngài đoái nhìn đến nỗi khổ cực của nữ tỳ Ngài đây, nếu Ngài nhớ đến con và không quên nữ tỳ Ngài, nếu Ngài cho nữ tỳ Ngài một mụn con trai, thì con sẽ dâng nó cho Đức Chúa mọi ngày đời nó…” (1 S 1,11) hoặc như Dacaria đã bối rối, sợ hãi khi sứ thần nói với ông : “Này ông Dacaria, đừng sợ, vì Thiên Chúa đã nhận lời ông cầu xin : bà Êlisabét vợ ông sẽ sinh cho ông một đứa con trai, và ông phải đặt tên cho con là Gioan” (Lc 1,13). Và qủa thực Thiên Chúa đã can thiệp, khi Ngài muốn nơi những người được tuyển chọn “vì đối với Thiên Chúa, không có gì mà không thể làm được” (Lc 1,37).

Truyền Thống của Giáo Hội cũng nói đến việc Mẹ dâng mình cho Thiên Chúa ngay từ tấm bé. Riêng thánh Bônaventura kể cho chúng ta điều Đức Mẹ đã nói với thánh Êlisabét, một nữ tu dòng Biển Đức : “Khi thân sinh của Mẹ dâng mẹ trong đền thờ cho Thiên Chúa, Mẹ đã quyết định chọn Thiên Chúa là Cha và hiến trọn cuộc đời cho Thiên Chúa. Mẹ chỉ muốn làm đẹp lòng Thiên Chúa, và không muốn sở hữu bất cứ sự gì trên thế gian này, nhưng đặt để tất cả ý muốn của Mẹ trong bàn tay Thiên Chúa”.

   Thực vậy, khi trọn vẹn hiến thân cho Thiên Chúa, và khao khát hoàn toàn thuộc về Ngài, và để thực hiện ước mơ thánh thiện này, Mẹ đã sống trinh khiết, khó nghèo, vâng phục như đòi hỏi của Tin Mừng nơi những người sống đời thánh hiến.

1.   Sống trinh khiết :

Vì chỉ dành tình yêu cho Thiên Chúa, Mẹ muốn chứng tỏ tình yêu ấy trọn vẹn, hoàn hảo khi chọn đời sống đồng trinh, khiết tịnh để không chỉ tinh thần hoàn hảo, trọn vẹn, mà cả thể xác cũng trọn vẹn, hoàn hảo  cho duy nhất một tình yêu Thiên Chúa. Chính tình yêu được tận hiến cho Thiên Chúa thúc đẩy Mẹ chọn đời sống đồng trinh, khiết tịnh để ngoài Thiên Chúa, Mẹ không phải chia sẻ tình yêu ấy cho ai, như Mẹ đã qủa quyết với sứ thần Gabrien : “Việc ấy xảy ra thế nào được, vì tôi không biết đến việc vợ chồng” (Lc 1,34).Và lời xác nhận của sứ thần : “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa” (Lc 1, 35) đã cắt nghiã việc Mẹ thụ thai và nói lên mầu nhiệm cao cả của tình yêu Thiên Chúa, mà chỉ có Mẹ mới là thụ tạo  xứng đáng đi vào tình yêu huyền nhiệm này cách trọn vẹn, và đẹp lòng Thiên Chúa.

2.   Sống khó nghèo :

Với Mẹ, Thiên Chúa là kho báu, gia nghiệp duy nhất, nên Mẹ chỉ lo “chiếm hữu” Thiên Chúa. Vì thế, Mẹ luôn giữ trái tim nghèo khó, và không cho bất cứ sự gì chiếm đóng trái tim mình, ngoài một mình Thiên Chúa, Đấng hướng dẫn từng nhịp đập của trái tim và từng bước chân của cuộc đời Mẹ.

Mẹ có một trái tim nghèo khó, khi xác tín rằng : không có Thiên Chúa, Mẹ không làm gì được, nên từng giây phút, Mẹ hằng nài xin ơn phù trợ của Chúa, và không bao giờ quên : nếu trái tim và cuộc đời Mẹ đầy ơn phúc, chính là Tình Yêu Thiên Chúa đã đổ đầy, bao phủ Mẹ, bởi tất cả những gì “Mẹ là, Mẹ có” đều là Hồng Ân, vì “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả” (Lc 1,49).

3.   Sống vâng phục :

Evà đã đưa nhân loại vào tội lỗi vì không vâng phục. Trái ngược với Evà, Mẹ đã đem nhân loại trở về với Thiên Chúa nhờ vâng phục, và Thiên Chúa đã cứu chuộc nhân loại nhờ lời Xin Vâng khiêm hạ của Mẹ.

Sở dĩ tinh thần vâng phục của Mẹ đạt mức độ tuyệt đối, vì Mẹ tuyệt đối phó thác ở Thiên Chúa. Vì phó thác, Mẹ mới có thể thân thưa : “Này tôi là nữ tỳ của Chúa” (Lc 1,38) ; vì tuyệt đối tín thác, Mẹ mới bất chấp mọi biến cố thăng trầm trong chương trình cứu độ nhân loại của Thiên Chúa khi đặt mình hoàn toàn tùy thuộc ý muốn và quyết định của Thiên Chúa : “Xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38).

Với lòng vâng phục, Mẹ chỉ muốn “Xin Vâng” liên lỷ suốt đời mình thánh ý Thiên Chúa, để mọi nơi, mọi lúc, mẹ luôn là khí cụ trong tay Thiên Chúa cho chương trình yêu thương, cứu độ của Ngài. Cũng chính vì vâng phục, Mẹ đã nên bé nhỏ, khiêm nhường để được Thiên Chúa dủ lòng yêu thương, chúc phúc : “Ngài đã đoái thương nhìn tới phận nữ tỳ hèn mọn” (Lc 1,48).

Thực vậy, để thuộc về Thiên Chúa cách trọn vẹn và hoàn hảo, chúng ta không thể bỏ qua ba đòi hỏi nền tảng của Tin Mừng, bởi đó là ba giá trị cao qúy nhất  con người có thể thực hiện để làm đẹp lòng Thiên Chúa : đức khiết tịnh gìn giữ tình yêu luôn tinh ròng, đức khó nghèo bảo đảm độc quyền của Thiên Chúa trên cuộc đời, đức vâng phục để Chúa hoàn toàn làm chủ và hướng dẫn. Đây chính là lý do những người sống đời  tu trì thánh hiến luôn cố gắng thực hiện ba lời khấn khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục, cũng là những gì Đức Mẹ đã sống.

Xin Mẹ thương dậy chúng con biết ngước trông lên Mẹ và học với Mẹ sống khiết tịnh, khó nghèo, vâng phục để thuộc về Chúa mỗi ngày hơn.

Jorathe Nắng Tím

SỬA LỖI ANH EM

 

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật 23 Thường Niên, Năm A


Con người có xã hội tính, nên sống chung và làm thành cộng đoàn, bởi không ai là hoang đảo, không ai có thể sống một mình, mà không cần đến người khác. Nhưng mỗi người lại là một vũ trụ riêng biệt, một thế giới riêng tư, cá biệt, nên đời sống chung không luôn dễ, khi khó tránh khỏi những mâu thuẫn, bất đồng. Vì thế, để hoá giải những bế tắc trong tương quan, để hoà giải những đối kháng, đối nghịch, người ta cần đến thương thuyết, thương thảo, thương lượng, cũng như toà án đủ cấp, đủ ngành, để duy trì một xã hội ở đó con người có thể chung sống hoà bình.

Giáo Hội gồm con người, và cho con người. Hơn nữa, Giáo Hội còn mang tính hiệp nhất, hiệp thông, vì Giáo Hội là một Thân Thể mà mọi tín hữu là  chi thể của Thân Thể có Đức Giêsu là Đầu, nên Giáo Hội là một cộng đoàn sống chung với nhau nhờ một sức sống là Đức Giêsu.

Vì là cộng đoàn, nên những vấn đề của đời sống chung giữa con người với con người trong xã hội bình thường cũng là những vấn đề của cộng đoàn Giáo Hội, chỉ khác một điều là đường hướng cũng như cách thức giải quyết những khúc mắc, bế tắc trong tương quan giữa các thành viên của Giáo Hội sẽ không giống như đường hướng và cách thức của một cộng đoàn xã hội bình thường.

1.   Tình Yêu và Sự Thật :

Sự thật là những thiếu sót, những lỗi lầm, những thái qúa bất cập, kể cả những trọng tội của cá nhân tín hữu ảnh hưởng xấu trên cộng đoàn.

Trước sự thật tội lỗi của người anh em, người tín hữu trước hết phải ý thức : tất cả chúng ta thuộc về một Thân Thể duy nhất, và các chi thể  có trách nhiệm trên nhau nên không có chia rẽ trong thân thể, trái lại các bộ phận đều lo lắng cho nhau. Nếu một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận đều đau. Nếu một bộ phận nào được vẻ vang, thì mọi bộ phận cũng vui chung (1 Cr 12,25-26).

Chính vì không thể sống mà không có nhau, sống mà không thể riêng lẻ, biệt lập, nhưng chỉ là một Thân Thể, mà người tín hữu có trách nhiệm cả trên những sai trái, tội lỗi của anh em mình, và đòi hỏi phải giúp anh em mình sửa đổi, khi trở nên người canh gác để cảnh báo người anh em tội lỗi biết Thiên Chúa muốn họ phải ăn năn sám hối,  như Thiên Chúa đã mặc khải qua ngôn sứ Êdêkien : Nếu Ta phán với kẻ gian ác rằng : Hỡi tên gian ác, chắc chắn ngươi phải chết, mà ngươi không chịu nói để cảnh cáo nó từ bỏ con đường xấu xa, thì chính kẻ gian ác ấy sẽ phải chết vì tội của nó, nhưng Ta sẽ đòi ngươi nợ máu của nó (Ed 33, 8).      

Tuy có nghiã vụ cảnh báo và giúp anh em sửa mình khi có lỗi, người tín hữu không  xử sự với anh em như những người không có đức tin và đức mến, nghiã là việc sửa lỗi anh em không bao giờ được ra ngoài qũy đạo Tình Yêu để biến buổi gặp gỡ chia sẻ với người anh em yếu đuối thành cuộc tố khổ, đấu tố rặc mùi bạo lực khi nhân danh sự thật và công lý của loài người.

Đó là lý do Đức Giêsu đã đưa ra tiến trình sửa lỗi anh em trong Giáo Hội, khi bắt đầu bằng gặp riêng người ấy. Nếu người ấy chịu nghe, thì anh đã chinh phục được người anh em (Mt 18,15). Ở đây, Đức Giêsu dùng động từ chinh phục để diễn tả bầu khí yêu thương và tôn trọng giữa hai người, vì chinh phục khác với khống chế, áp đặt, khi cả người chinh phục và người bị chinh phục đều có tự do, và  chiến thắng sẽ là phần thưởng chung của hai người, vì cả hai đều có tình yêu và sự thật khi cùng đi tìm và cùng tâm phục khẩu phục trước tình yêu và sự thật, trước sự thật được tình yêu bao bọc. 

Bước kế tiếp, nếu người anh em có lỗi không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân (Mt 18,16).

Sách Đệ Nhị Luật đã ghi rõ : Một nhân chứng duy nhất không thể đứng lên buộc tội một người về bất cứ một tội một lỗi nào ; về bất cứ lỗi nào người ấy phạm, phải căn cứ vào lời hai nhân chứng hay căn cứ vào lời của ba nhân chứng, sự việc mới được cứu xét (Đnl 19,15).

Lại một lần nữa, Đức Giêsu lưu ý chúng ta phải tôn trọng người có lỗi. Không chỉ cho người ấy cơ hội trình bầy, tự biện hộ, mà còn phải có nhiều nhân chứng, ít nhất  hai, ba người, vì sự thật ở người yếu thế, ở người bị coi là có tội rất dễ bị quyền lực nhận chìm, bóp chết, và kẻ cầm quyền xét xử dễ lạm dụng vị thế quan toà của mình để ép cung, buộc tội, điều mà người ta phải đau lòng chứng kiến hằng ngày cả trong đạo ngoài đời. 

Sau cùng, nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh. Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại đạo hay một người thu thuế (Mt 18,17). Nói như thế, Đức Giêsu không có ý tạo một công thức dễ dãi để loại bỏ, khai trừ, rút phép thông công người có lỗi, có tội khỏi Giáo Hội, nhưng muốn nhấn mạnh sự kiên nhẫn của đức  ái trong việc sửa lỗi anh em. Một tiến trình nhiều giai đọan, đòi nhiều thời gian cốt để đức ái có cơ hội hoán cải người có tội, và để người có quyền xét xử khiêm tốn nhận ra một nghiã vụ mà không ai được thiếu sót, bỏ qua trong Giáo Hội, đó là món nợ yêu thương mà tất cả chúng ta đều mắc nợ nhau, như thánh Phaolô đã nhắc nhở : Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái ; vì ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật (Rm 13,8). Do đó, quyền tháo buộc cũng chỉ là quyền yêu thương, cứu chữa chứ không bao giờ được biến thái thành quyền tàn phá, tiêu diệt, bởi món nợ bác ái không cho phép bất cứ ai được xử sự cay nghiệt, tàn nhẫn, ác độc với anh em mình, dù họ tội lỗi đến đâu, như câu nói tuyệt vời của Đức Thánh Cha Phanxicô trước những vấn đề nhạy cảm của anh em mình : Tôi là ai mà dám xét xử?.      

2.   Giáo Hội : một cộng đoàn yêu thương cầu nguyện :

Đặc tính cộng đoàn luôn được đề cao trong đời sống Giáo Hội, bởi Giáo Hội là một Thân Thể, không giống như các cộng đoàn nhân loại khác. Sở dĩ Giáo Hội là cộng đoàn hiệp nhất và hiệp thông vì Giáo Hội có Đức Giêsu là Đầu, Đấng đã hứa : Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế (Mt 28,20), và  qủa quyết : Ở đâu có hai, ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy giữa họ (Mt 18,20).   

Thực vậy, đọan Tin Mừng với lời qủa quyết trên đã tiếp liền ngay sau  đọan Tin Mừng về việc sửa lỗi anh em, với lời căn dặn của Đức Giêsu : Thầy bảo thật anh em : nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho (Mt 18,19) như một điểm nhấn quan trọng : khi sửa lỗi anh em, Giáo Hội không chỉ cần đến hai, ba người để tìm kiếm, đào bới nhân chứng, vật chứng hầu luận tội cho đúng, kết án không oan sai, nhưng Giáo Hội mời gọi những người có trách nhiệm  ngồi lại với nhau trước hết và trên hết để cầu nguyện, triệu tập hội đồng để cầu nguyện, quy tụ nhân chứng để cầu nguyện, gặp gỡ những người liên quan vụ việc để cầu nguyện, và cùng toàn thể cộng đoàn dân Chúa cầu nguyện, bởi việc sửa lỗi người anh em có kết qủa hay không, việc thay đổi đời sống của người tội lỗi có đạt mục đích hay không hoàn toàn tùy thuộc ơn Chúa, nên việc cầu nguyện là điều không thể sao lãng, bỏ quên khi sửa lỗi anh em.

Cũng chính vì thiếu cầu nguyện và đặt ra ngoài lề sức mạnh của ơn Chúa, mà nhiều cuộc giải quyết những khúc mắc, sai trái, lỗi lầm của anh em trong Giáo Hội đã đau đớn biến thành những cuộc đấu tố, tra khảo, hạch tội, thanh trừng, truy diệt sắt máu, cạn tình, không mang  dấu ấn của Tin Mừng, hơi hướng của bác ái, sắc diện của tình huynh đệ giữa các chi thể của Thân Thể Hội Thánh.

Vâng, sửa lỗi anh em, cũng như được anh em sửa lỗi là trách nhiệm của mọi thành phần trong Giáo Hội, vì tất cả chúng ta liên đới với nhau. Để công việc khó khăn này được thành tựu tốt đẹp như ý Chúa muốn, chúng ta phải đặt đức ái lên trên tất cả, bởi thiếu đức ái, ngay cả sự thật cũng sẽ trở thành sự thật giết chết, sự thật tàn phá, sự thật làm ngăn cách, chia lià. Với đức ái, chúng ta nhìn người anh em cũng như lỗi lầm và những vấn đề tế nhị, nhạy cảm của họ bằng cái nhìn nhân hậu của Đức Giêsu ; với đức ái, chúng ta có ơn Chúa Thánh Thần là Tình Yêu của Chúa Cha và Chúa Con để có những phương án giải quyết trong yêu thương và sự thật ; với đức ái, chúng ta được chính Đức Giêsu, Đấng ngự giữa chúng ta khi chúng ta tụ họp nhau cầu nguyện và đồng hành với người anh em yếu đuối, lầm lỗi để họ được chữa lành, được nâng đỡ và tiếp tục cùng dân Chúa bước đi, mà không bẽ gẫy, nhận chìm, vùi dập họ.

Ước gì mỗi ngày chúng ta ý thức hơn món nợ tình yêu còn mang nặng đối với anh em, để trong mọi tình huống, ở mọi chức vụ, trách nhiệm, chúng ta đều biết mình phải ứng xử, giải quyết vấn đề của nhau trong đức ái, với ơn Chúa nhờ hiệp thông cầu nguyện.

Jorathe Nắng Tím