Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 21 tháng 7, 2020

ƠN BÌNH AN CHO NGƯỜI KHIÊM HẠ

Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do Thái. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em!”. Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. Người lại nói với các ông: “Bình an cho anh em! Như Chúa Cha sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em. Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20,19-22).
Tin Mừng trình bầy cảnh gặp gỡ rất thân tình và cảm động giữa Đức Giêsu và các môn đệ: Đức Giêsu thì mới chịu khổ hình và đóng đinh cách đây ba ngày, vừa  sống lại và hiện ra với các môn đệ  với đầy đủ thương tích Thánh Giá trên mình; các môn đệ thì vửa trải qua những ngày tang thương khi Thầy bị đóng đinh, cơ đồ Cứu Thế hoàn toàn sụp đổ, ước mơ làm lớn trong Vương Quốc của Thầy tan thành mây khói, chưa kể những mất mát, thua lỗ, thiệt thòi sau ba năm “bỏ cha mẹ, vợ con, sự nghiệp, của cải” để đi theo Đức Giêsu, và dấu vết của những ngày khủng hoảng  kinh hoàng vẫn còn đọng trên những đôi mắt ngơ ngác vì lo lắng, sợ sệt. Bằng chứng là “các cửa nơi các ông ở đều đóng kín”.
Như thế, Đức Giêsu đã hiện ra giữa các môn đệ với hình hài một người Thầy khiêm hạ vừa chịu khổ hình và đóng đinh, mà các dấu đinh trên tay chân và vết thương do lưỡi đòng đâm sâu ở cạnh sườn còn mở toang rỉ máu. Ngài đã đến với các môn đệ với thân xác của một con người khiêm hạ, không mang vinh quang, chiến thắng của ngày phục sinh khải hoàn. Ngôn từ và thái độ của Ngài cũng nhẹ nhàng, dịu dàng, thân tình, đằm thắm, chứ không sặc mùi huyênh hoang, ồn ào,  thách đố, máu lửa của người kiêu căng, hãnh tiến. Ngài đã đến sau khi sống lại với con người Thiên Chúa rất khiêm hạ.  
Về phiá các môn đệ, các ông cũng đang ở trong tình trạng và mang tâm trạng của những người khiêm hạ, khi nhận ra mình rất bé nhỏ, bất lực, nhiều giới hạn đang run rẩy trước nhiều nỗi lo sợ. Các ông không chỉ sợ người Do Thái truy lùng bắt bớ để nhổ tận rễ, bứng tận gốc “nọc độc Giêsu” với thứ tin mừng phạm thượng Thiên Chúa Giavê, chống báng Luật Môsê, đả kích hàng Tư Tế, Kỳ Mục, và làm xáo trộn mọi sinh hoạt xã hội, tôn giáo, mà còn sợ tương lai đen tối, mù mịt, sợ ngày mai không điểm tựa, lối thoát, sợ  đường dài trước mặt  hoang vắng, bẽ bàng,  đơn độc.
Trong căn phòng đóng chặt cửa vì sợ hãi ấy, Đức Giêsu khiêm hạ đã đến giữa các môn đệ khiêm hạ của Ngài, và ban Bình An phục sinh của Ngài cho các ông.
Ngài đã ban Bình An của Ngài là “tôi trung Thiên Chúa” sau khi đã khiêm hạ vâng lời Chúa Cha “hoàn toàn trút bỏ vinh quang” của Thiên Chúa, và nhất quyết từ giã “địa vị ngang hàng với Thiên Chúa” của mình, để xuống thế làm người, sống kiếp phàm nhân như mọi nguời; Ngài đã ban Bình An của Ngài là “Chiên Thiên Chúa” sau khi đã khiêm hạ thực thi ý muốn của Chúa Cha là “bằng lòng chịu chết trên cây thập tự” như kẻ có tội để chuộc tội người khác.
Qủa thực, Đức Giêsu đã chờ cho đến khi thực hiện xong sứ vụ rất khiêm hạ của người Tôi Tớ trung tín và của Con Chiên chịu hiến tế mới chính thức ban Bình An của Ngài cho các môn đệ và mọi người, bởi Bình An của Ngài là hoa trái của Khiêm Hạ, Bình An của Ngài là Bình An mà thế gian không ban được do được cưu mang, nuôi dưỡng bằng máu, nước mắt của một Thiên Chúa khiêm hạ vô cùng, Bình An đến từ đinh sắt, lưỡi đòng, mão gai đã hằn sâu trên thân xác đẫm máu, rũ liệt trên Thánh Giá của một Thiên Chúa khiêm hạ đã xuống tận đáy sâu của thân phận phàm nhân tội lỗi vì yêu thương.
Đức Giêsu đã ban Bình An với thân xác phục sinh khiêm hạ còn thương tích, vì Bình An đích thực, Bình An viên mãn, Bình An đời đời, Bình An mà không ai ban được, cũng không người nào có quyền lấy đi ấy đến từ trái tim của một Thiên Chúa vô cùng khiêm hạ đã hạ mình làm người và chịu chết. Đó là lý do Chúa Cha “đã siêu tôn Người và ban tặng danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vạt phải bái qùy; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: Đức Giêsu Kitô là Chúa” (Pl 2,9-11).
Nhưng nếu Bình An đã được ban bởi một Thiên Chúa khiêm hạ là Đức Giêsu, thì người nhận ơn Bình An tuyệt vời ấy cũng phải là những con người có tấm lòng khiêm hạ, bởi Bình An của Thiên Chúa khiêm hạ không thể đến và ở lại trong tâm hồn của kẻ tự cao, kiêu ngạo, vì Thiên Chúa chống lại và “dẹp tan phường lòng trí kiêu căng, hạ bệ những ai quyền thế” (Lc 1,51-52).
Khi được Đức Giêsu ban Bình An, các môn đệ ở trong tình trạng sẵn sàng để đón nhận Bình An của Thầy mình, bởi các ông là những người khiêm hạ, và càng khiêm hạ hơn sau những ngày dồn dập nhiều biến cố đau thương, vô vàn đổ vỡ ê chề, chồng chất những thất bại đắng lòng, xót xa.
Một điều chúng ta cần ghi nhận ở đây, đó là Đức Giêsu đã không ban Bình An của Ngài cho các môn đệ để các ông tiếp tục ở lỳ trong phòng đóng chặt cửa, lấy cớ “còn sợ người Do Thái”, nhưng Ngài thổi hơi để các ông nhận ơn Chúa Thánh Thần hằng ban cho những con người khiêm hạ và sai các ông đi, như Chúa Cha đã sai Ngài xuống thế gian làm con người khiêm hạ, chết khiêm hạ trên thập giá để cứu những người khiêm hạ nhận mình có tội và cần đến lòng Chúa xót thương.
Như thế, để nhận ơn Bình An của Đức Giêsu, Thiên Chúa khiêm hạ, chúng ta cũng phải như các môn đệ đã khiêm hạ nhận mình yếu đuối khi “sợ hãi đóng kín các cửa”, biết mình nhiều khiếm khuyết, bất toàn và luôn cần được xót thương, bởi chính tinh thần khiêm hạ là điều kiện để ơn Bình An của Đức Giêsu phục sinh ở lại với chúng ta; chính tâm hồn khiêm hạ là “căn phòng” Đức Giêsu muốn đến và ban Bình An của Ngài; chính trái tim  khiêm hạ là Đền Thờ Đức Giêsu muốn ngự, và là Mái Ấm Bêtania Ngài muốn ở lại dùng bữa, và nghỉ ngơi.
Là người được sai đi với sứ vụ loan báo Tin Mừng, chúng ta cũng như các môn đệ năm xưa cần ơn Bình An của Đức Giêsu phục sinh, bởi không có ơn Bình An từ đường Thương Khó và Thánh Giá khiêm hạ của Đức Giêsu, không có sức mạnh của Chúa Thánh Thần trên người môn đệ biết khiêm hạ, chúng ta sẽ không đủ tình yêu để “bỏ mọi sư” khi được Đức Giêsu kêu gọi, càng không đủ niềm vui để lên đường khi được Ngài sai đi, bởi chỉ người có tâm hồn khiêm hạ mới có được tình yêu và niềm vui của người môn đệ, nhờ được đón nhận trong khiêm hạ ơn Bình An phục sinh của Ngôi Lời vô cùng khiêm hạ.
Xin Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người khiêm hạ ban cho các tôi tớ của Chúa ơn  khiêm hạ để làm chứng Nước Trời đang ở giữa mọi người bằng sống Niềm Vui của Tin Mừng, Hy Vọng của Lời Hứa và Lòng Thương Xót của Thiên Chúa nhân hậu.
Jorathe Nắng Tím