Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 9 tháng 7, 2019

Truyền Giáo bằng cách nào ?

Suy Niệm TIN MỪNG CHÚA NHẬT XV – XVI Thường Niên, Năm C
Tin Mừng được chọn trong các Chúa Nhật XIV đến Chúa Nhật XVI Thường Niên của Năm C đều xoay quanh sứ vụ truyền giáo, tức loan báo Tin Mừng Cứu độ của Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người, Đấng đã sống, đã chết và sống lại để nhân loại được sống.
Nhiều người cho việc truyền giáo là sứ vụ đặc thù được trao phó cho các giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ, cùng lắm là các giáo lý viên, còn đa số “bàn dân thiên hạ” không chức tước, phẩm hàm, trật ngạch thì được miễn “lao động truyền giáo” ; cũng có người cho rằng mình có được học thần học đâu mà giảng đạo cho người chưa biết Đạo ; lại có người vui vẻ khoán trắng việc loan báo Tin Mừng cho người khác viện cớ là lắm tội, nhiều tai tiếng “nguội lạnh, khô khan”, chưa kể luôn dành đứng đầu sổ “Văn dốt vũ dát” trong cộng đồng, đoàn thể. 
Nhưng lý do làm phần đông chúng ta không dám truyền giáo, ngại rao truyền Tin Mừng, không bạo miệng giới thiệu Đức Giêsu cho người chung quanh chính là chúng ta không biết truyền giáo thế nào, rao giảng làm sao cho thuyết phục ?
Thực ra, khi chọn và sai các môn đệ lên đường truyền giáo, giảng đạo, Đức Giêsu đã tiên liệu tất cả, và điều quan trọng nhất Ngài căn dặn, nhắn nhủ các thừa sai, nhà truyền giáo, sứ giả, tông đồ là cách thức loan báo Tin Mừng, phương thế giới thiệu Ngài cho muôn dân.
Trong Tin Mừng Luca, sau khi nhắc lại và nhấn mạnh truyền giáo là việc làm cấp bách, khẩn trương vì “lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít” (Lc 19,2), và điều kiện đi theo Ngài trên đường truyền giáo là phó thác tuyệt đối, phó thác đến độ không cần biết ăn đâu ngủ đâu, vì “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” (Lc 9,58), đồng thời từ bỏ cả những điều được phép như câu trả lời của Đức Giêsu cho người xin phép về nhà chôn cất cha mình trước đã, rồi trở lại theo Đức Giêsu : “Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết. Còn anh, anh hãy đi loan báo Nước Thiên Chúa” (Lc 9,60), Đức Giêsu đã nêu rõ những điểm mà người môn đệ phải thực hiện khi rao giảng, giới thiệu với người khác về Ngài :
1.     Người tông đồ truyền giáo bằng cách khi vào nhà nào, trước tiên hãy nói : “Bình An cho nhà này” (Lc 10,5).
Chúc bình an cho mọi người là cách rao giảng hữu hiệu nhất, vì bình an là hoa trái tuyệt hảo của Tình Yêu, là ơn sủng của Chúa Thánh Thần, là món quà quý giá của Đức Giêsu phục sinh, là khao khát của mọi con người sống trên thế gian đầy bất an, bất ổn.
Vì thế, khi chúc bình an cho người khác chính là trao ban bình an của Đức Giêsu, Đấng đã yêu thương và chết cho mọi người để mọi người được hạnh phúc bình
an. Và sẽ không thể hiểu nổi nếu người được sai đi loan báo một Thiên Chúa của tình yêu lại không đem đến bình an là kết quả tất yếu của tình yêu, nhưng lại gây chia rẽ, bất hoà, xáo trộn, lo sợ, hoang mang, ngờ vực. Người nghe Tin Mừng sẽ chói tai và không thể chấp nhận người được sai đi làm chứng Thiên Chúa là tình yêu thương xót, Đấng Cứu Độ lại không có thói quen, hoặc thiếu khả năng làm cho người khác được bình an, nhưng lai giỏi giang, tinh xảo, nhuần nhuyễn trong chuyện khích bác, đâm thọc, vu khống làm mọi người đảo điên, hoảng loạn.
Do đó, nhìn một người Kitô hữu hiền lành, khiêm nhu, biết chạnh lòng thương xót và thao thức kiến tạo hoà bình (x. Mt 5,4.7.9), người ta sẽ dễ dàng nhận ra Đức Giêsu mà người ấy đang giới thiệu.
Nhưng để bình an là bình an thực, không là bình an “đầu môi chót lưỡi”, bình an “bánh vẽ”, nhà truyền giáo phải nhận từ Đức Giêsu bình an này, vì là bình an của Thiên Chúa, bình an mà thế gian không ban được (x. Ga 14,27).
2.     Người truyền giáo phải làm chứng Đức Giêsu bằng biết chạnh lòng thương xót.
Không phải vô tình, vô ý mà Đức Giêsu đã đặt thầy tư tế và thầy Lêvi, là hai vị thuộc hàng chức sắc vào hai nhân vật bị coi là không đáng bắt chước, noi gương trong dụ ngôn “người Samari tốt lành” được chọn cho chúa nhật XV Thường Niên (Lc 10,25-37).
Sở dĩ Đức Giêsu “chiếu tướng” các vị này bởi Ngài biết các chức sắc trong Đạo vì thuộc cơ chế, nên dễ rơi vào tình trạng quá chăm lo bảo vệ cơ chế mà quên “chạnh lòng thương” người bất hạnh ; vì gắn liền với cơ cấu tổ chức nên bận rộn tổ chức cho cơ cấu luôn nhịp nhàng, hoà điệu mà mất chú ý, quan tâm đến những “lạc cung, lỗi nhịp”, thiếu quy củ, trật tự của đám dân nghèo mà tai ương chồng chất, dồn dập không buông tha ; vì quá chăm chút từng chấm nhỏ li ti của lề luật mà mất tầm nhìn về phía người xấu số bị đời khinh khi, dầy xéo ; vì quá cẩn trọng tuân giữ nội quy, điều lệ, giờ giấc của đoàn thể, hội, nhóm mà vô tình, vô cảm trước người anh em vừa bị “rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết” (Lc 10,30), nhưng cả hai vị tư tế và thầy Lêvi “khi trông thấy người này” đều “tránh qua bên kia mà đi” (Lc 10,31) đề khỏi bị phiền phức, liên lụy, khỏi mất thời giờ, tốn kém, lỡ việc bề trên giao, và xáo trộn quy trình bổn phận tế lễ. 
Chỉ tiếc một điều, nhưng lại là điều quan trọng không thể thiếu, đó là hai vị đã “không thực thi lòng thương xót đối với người bị nạn” như người Samari không là chức sắc, cũng chẳng có đạo nhưng tốt lành, nhân hậu. Và Đức Giêsu đã kết luận dụ ngôn khi nói với thầy thông luật đã chất vấn Ngài : “Tôi phải làm gì để được sự sống đời đời ?” (Lc 10, 25) “Ông hãy đi và cũng hãy làm như vậy” (Lc 10,37).
“Hãy làm như vậy” là làm như người Samari biết chạnh lòng thương xót, để có thể làm chứng cho anh em Thiên Chúa là Đấng Cứu Độ đầy lòng thương xót mà chúng ta yêu mến, tôn thờ, phụng sự.
“Hãy làm như vậy” là làm như người Samari quảng đại chịu mất thời giờ, mất sức lực, mất tiền bạc, mất cả trật tự, nguyên tắc của cơ cấu tổ chức, cả lập trình đã được kỹ lưỡng tính toán trong công việc để lo cho người bất hạnh không quen biết tình cờ trông thấy trên đường, bởi có chịu mất như thế thì lời rao giảng về Đức Ái Kitô giáo, về Giới luật yêu thương, về một Giáo Hội là Mẹ nhân lành, về Nước Trời dành cho những người thực thi lòng thương xót của nhà truyền giáo mới xác thực và thuyết phục, ngược lại, tất cả sẽ chỉ là chuyện tào lao của tên nói láo không làm chứng được gì, không thuyết phục được ai, vì không đáng tin khi “ngôn hành bất nhất”.
3.     Người truyền giáo phải truyền giáo bằng gắn bó, sống với, ở lại trong Đức Giêsu, Đấng sai mình.
Tin Mừng Chúa hật XVI thường niên Năm C tường thuật câu chuyện Đức Giêsu đến nhà hai cô Mátta và Maria. “Cô Mátta thì tất bật lo phục vụ” (Lc 10,40), trong khi đó “cô Maria cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dậy” (Lc 10,39). Và khi cô Mátta tỏ ý bực bội “xin Thầy bảo em con giúp con một tay” (Lc 10,40), thì Đức Giêsu làm Mátta bất ngờ khi trả lời cô : “Con băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá ! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi, Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi” (Lc 10,41-42).
Vì truyền giáo là giới thiệu Đức Giêsu cho người khác bằng làm chứng về Ngài. Nhưng sẽ làm chứng thế nào và làm chứng điều gì về Ngài, nếu ta không biết gì hay biết qua loa về Đấng ta phải làm chứng ? Vì truyền giáo là thuyết phục người khác tin những gì mình nói, chấp nhận điều mình chứng thực, “tâm phục khẩu phục” điều mình kể về người mình yêu mến là đúng, nên khi không đủ hiểu biết và tình cảm dành cho con người ấy thì quả thật sẽ rất khó lòng làm cho người khác tin.
Đó là chưa kể điểm cốt yếu trong việc truyền giáo là “người được sai đi” chỉ là khí cụ của “người sai đi” là Đức Giêsu, nên công cuộc tác động, đổi mới, thánh hóa, kêu gọi con người không thuộc thẩm quyền của khí cụ, người được sai đi, nhưng do một mình Thiên Chúa.
Vì thế, khi nhà truyền giáo cắt đứt liên lạc với Chúa, cắt thông tin với Chúa, cắt hiệp thông với Chúa thì chẳng khác gì cành nho tự tách khỏi cây nho để trở nên khô héo, không thể tồn tại, nói chi đến chuyện chuyển tải nhựa sống từ thân cho lá, như Đức Giêsu đã quả quyết : “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5).
Tóm lại, truyền giáo là ơn gọi của tất cả mọi người thuộc về Đức Giêsu qua bí tích rửa tội, và công việc ấy khẩn trương, cấp bách. 
Tin Mừng còn quả quyết tất cả mọi người đi theo Đức Giêsu đều có khả năng truyền giáo, và phải truyền giáo, vì truyền giáo hệ tại ở việc sống mầu nhiệm Đức Giêsu khi người Kitô hữu :
4.     Là khí cụ bình an của Thiên Chúa Tình Yêu :
Là khí cụ bình an của Chúa khi “vui với ai mừng vui, và khóc với ai đang khổ sầu” ; khi cảm thông, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, thành công, thất bại, công danh thành đạt hay tai ương, thất thế với anh chị em cùng sống ; khi trở thành nụ cười an ủi, nâng đỡ người cô đơn, hy vọng cho trái tim tuyệt vọng, nắng ấm rạng rỡ cho tâm hồn băng giá, sầu buồn.
4.1            Sống triệt để lòng thương xót như Cha trên trời là Đấng giầu lòng xót thương.
4.2            Gắn bó thiết thân, và ở lại trong Đức Giêsu bằng đời sống bí tích và cầu nguyện.
Được như thế, tất cả chúng ta sẽ hân hoan, hớn hở như nhóm Bẩy Mươi Hai môn đệ trở về sau những ngày truyền giáo, khi nghe Đức Giêsu nói : “Anh em hãy vui mừng vì tên anh em đã được ghi trên trời” (Lc 10,20).
Jorathe Nắng Tím