Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 28 tháng 2, 2020

Thay Lời Kết (Lặng Lẽ Yêu Thương)

Trên đây là những dòng tâm sự không đầu không đuôi, những cục “xì-trét” to đùng, những phụng phịu, hờn dỗi, những giận dữ bất ngờ, những xót xa đột xuất, những mơ ước bâng khuâng, những mòn mỏi đợi chờ… của hai người đã một thời tha thiết yêu, nay vẫn còn yêu nhưng dật dờ, cô đơn, lặng lẽ.
Bạn đọc gặp ở đây tâm sự buồn, rất buồn, vì tâm hồn hai người đang ngổn ngang trăm nỗi, không khúc chiết, phân đoạn, vì trái tim họ đang rối rắm, hoang mang, sục sôi u uất.
Đây là cảnh sống của không ít hôn nhân đang khủng hoảng, là tâm sự của số đông đôi lứa trong thử thách. Thử thách, khủng hoảng là những thách đố cần thiết của đời người. Riêng với hôn nhân, thử thách, khủng hoảng không chỉ là thách đố, mà còn là “lương thực hằng ngày”.
Những chia sẻ không lớp lang của hai người đang vừa lặng lẽ yêu thương, vừa lặng lẽ rẽ đường, đổi hướng nhắc nhở người trong cuộc ý thức cái chênh vênh phức tạp của khúc quanh đời vợ chồng.
Chính trong vô trật tự của cảm xúc, trong xáo trộn của ký ức, trong hỗn mang của quay quắt khát khao, trong miên man vô tận của thao thức mà người ta nói thật, viết thật, nghĩ thật, chia sẻ thật; cũng như khi rớt xuống đáy sâu của hiện hữu, con người sẽ tự nguyện tháo bỏ mọi mặt nạ.
Những sự thật tình cảm trên có thể là sự thật của bạn. Rất có thể, hoàn cảnh của nhân vật Chàng và Nàng cũng là tình trạng của nhiều người không tên, và sự thật của cặp vợ chồng “Chàng - Nàng” cũng là sự thật của nhiều hôn nhân, gia đình.  
Tình yêu đôi lứa ở vào độ tuổi bốn mươi, năm mươi là tình giữa trưa hè nắng cháy nên hay choáng váng, mệt nhoài khi bước chân nặng nề, vòng tay buông lơi, môi hôn hờ hững. Cũng vào thời điểm này, nhiều căng thẳng phát sinh làm cho tình yêu  trở nên ươn lười, lặng lẽ.
Mục đích của người viết là chia sẻ những khó khăn của thời vợ chồng “khó ăn khó ở”, vì hằn sâu nhiều hiểu lầm, lấn cấn nhiều tiêu cực, chất chồng nhiều lầm lỗi, bởi có mấy vợ chồng tránh khỏi lục đục, và mấy cặp đôi được coi là hoàn hảo, có chăng là trên màn ảnh, sân khấu, tivi…
Đời vợ chồng giăng mắc nhiều vấn đề, vì là đời của nhiều người cùng lúc phải gắn với nhau: đời vợ, đời chồng, đời cha mẹ, con cái, đời thân sinh hai bên.. Tất cả đan quyện, chằng chịt như màng nhện, nên lắm lúc lôm côm, rối ren đến nhức đầu.
Có nhiều thái độ trước  hôn nhân lặng lẽ: Có người coi chuyện “không muốn nói với nhau” là chuyện nhỏ, không cần quan tâm. Một khi rơi vào tình trạng lặng lẽ lạnh lùng rồi, thì người chồng thường tiên phong để cuộc tình trôi luôn, mà không nặng lòng tìm phương án cứu chữa; có người đợi chờ thời gian như thần dược sẽ vực dậy hôn nhân đang hấp hối; nhiều người khác “án binh bất động”, không phải vì không biết phải làm gì, nhưng vì không muốn làm gì, vì tự ái, sĩ diện.
Tự ái, sĩ diện là hai kẻ thù lớn trong khủng hoảng hôn nhân. Thực ra, hai người tận đáy sâu tâm hồn đều muốn “tái lập hoà bình, ổn định ân ái”, nhưng tự ái to đùng, sĩ diện vĩ đại, nên cả hai không ai mở lời, làm bước chân thứ nhất. Cứ thế cho đến khi cả hai không còn nhận ra nhau, vì lặng lẽ đã giết chết tình yêu trong họ từ lúc nào.   
Tự ái làm hai người xa nhau, vì khi tự ái cả hai không nhìn nhau, không hướng về nhau, không nghĩ đến hạnh phúc, nhu cầu của nhau, nhưng mỗi người chỉ nhìn mình, nghĩ về mình, tìm chính mình. Trong hôn nhân, càng tìm mình, càng mất nhau; càng lo cho mình, càng xa nhau; càng củng cố pháo đài bản thân, càng làm đổ vỡ lâu đài “hôn nhân”. Bởi chấp nhận  cưới vợ, lấy chồng là chấp nhận quên một phần hay nhiều phần đời mình, có khi phải quên cả cuộc sống riêng cho hạnh phúc chung của hai người. Khư khư giữ cho mình tất cả từ định kiến, đam mê, thói quen, nếp sống, nhu cầu… e rằng sẽ chẳng có nhau lâu.  
Lặng lẽ vì thế không mang tính tích cực nào, nhưng rất nguy hiểm khi trở thành một loại siêu vi trùng âm thầm, êm ả, nhẹ nhàng, kín đáo đục khoét cơ thể Hôn Nhân. Vợ chồng bắt đầu bằng ngao ngán cái im lặng nặng nề, nhưng rồi sẽ quen và cho rằng: “im lặng là vàng”, khi mỗi người một góc đời riêng, một góc phòng riêng, một góc tình riêng, một góc phố riêng, mà tự nhiên và đương nhiên chẳng ai còn quyền đá động, can thiệp trên ai. Cả hai thấy mình được tự do chắp cánh … cho đến lúc một tờ ly dị có chữ ký vội vã, nguyệch ngoạc của hai người để hợp thức hoá tình trạng “đời riêng, riêng đời” từ lâu đã thành nếp.
Nêu lên những cạm bẫy của “lặng lẽ ” trong hôn nhân, người viết không bi quan, đầu hàng, thỏa hiệp nhưng cùng bạn đọc tìm những phương án hữu hiệu để trả lại cho hôn nhân tiếng nói cười rạng rỡ, và chia sẻ yêu thương rộn ràng.
1. Trước hết, cả hai cần khiêm tốn trở về :
Nghe hai chữ khiêm tốn, người đang giận sẽ khó có thể chấp nhận, vì cho rằng: khiêm tốn là thua, khiêm tốn là đầu hàng, là lép vế, là “sợ vợ, lụy chồng”, khiêm tốn sẽ làm cho đối phương “thừa thắng xông lên”,  mở đường cho “địch ” thừa cơ hội lấn lướt, ra điều kiện, yêu sách.
Đúng vậy, người ta sợ khiêm tốn sẽ trở thành cái cớ, cơ hội cho đối phương “thừa thắng xông lên” để thêm một lần nữa mình bị vùi dập. Như “gà phải cáo”, người trong cuộc biết sợ, và “nhất cử, nhất động” sẽ e dè, ngần ngại dấn thân. Cũng vì ngần ngại mà cả hai không tỏ ra khiêm tốn trước nhau. Cũng vì e dè, mà chẳng bên nào chịu nhún nhường, “xuống nước”, nhưng nuôi dưỡng một tình hình luôn căng thẳng, đối đầu !
Vì trở về là trở về với nhau, nên hai người phải cùng khiêm tốn, cùng có thiện chí trở về. Đó là chià khoá tháo cởi tranh chấp, gỡ mở đối kháng đang  âm ỉ trong lặng lẽ chờ ngày bùng nổ.
Trở về với nhau đòi ước muốn trở về của cả hai người, bởi một người không muốn thì làm sao có nhau để trở về? Thiện chí là lòng muốn, thiện chí là khao khát, thiện chí là ước ao, nên đường về với nhau sẽ mãi là “đường đi không đến”, nếu chỉ một người thiện chí, còn người kia cố chấp, ngoan cố; chỉ một bên “xuống nước”, còn bên kia cứ ào ạt tấn công. Thiếu thiện chí của một người, mọi cố gắng đều sẽ không đem lại kết qủa xây dựng, hàn gắn hôn nhân của hai người.
Phải cả hai, vì hôn nhân được hình thành bởi hai người. Có những công việc rất khó, nhưng chỉ cần một người thiện chí đã đủ tái tạo, hình thành, cứu vãn, nhưng riêng hôn nhân, vì là đời chung của hai người, là tập hợp của riêng hai người, nên không thay đổi được gì, nếu cả hai không cùng cộng tác. Đã không thiếu những người vợ, người chồng đơn phương “khiêm tốn trở về”, những người vợ sẵn sàng xuống sâu tận bùn để cứu hôn nhân đang đổ vỡ, vớt gia đình đang chết chìm, nhưng thiện chí ấy cuối cùng cũng đành bó tay trước người chồng cứng cỏi, mù quáng và  thách thức, ngông cuồng.
Cái khó của hôn nhân là làm gì cũng phải cả hai, nên đơn phương hoạch định, đơn phương hành động đều không mang lại kết qủa mong muốn. Tính cách “cộng thể, tập hợp, hiệp nhất nên một” trong hôn nhân đã thực sự đặt vợ chồng đang có vấn đề trước một khó khăn rất nhiêu khê, phức tạp, đó là “phải cùng nhau bắt đầu lại”.
2. Can đảm bắt đầu lại:
“Bắt đầu lại” mới nghe tưởng dễ, nhưng cực kỳ khó khăn khi phải bắt tay xây dựng lại mọi sự từ đống tro tàn lạnh lẽo. Không dễ chút nào khi phải đứng dậy và làm lại tất cả từ đổ vỡ hoang tàn. Nhìn lại quá khứ bẽ bàng, nhìn lại tháng ngày lặng lẽ, nhìn vào sinh hoạt căng thẳng, nhớ lại những trận cuồng phong “đấu đá” kiểu chiến tranh “lúc nóng, lúc lạnh”, người ta nghi ngờ hạnh phúc ở tương lai, và chột dạ lo lắng: ngày mai  sẽ chẳng có gì khá hơn, có khi còn tệ hơn gấp bội. Vì thế, tâm trạng chung của  những cặp vợ chồng đang có vấn đề là không tin ở một tương lai sáng hơn.   
Chính niềm tin đang rất yếu đuối như tình yêu đang bấp bênh, chao đảo làm cho hai người không dám tin ở nhau, và không đủ can đảm bắt đầu lại.
Nhưng nếu không bắt đầu lại, thì cuộc tình sẽ tan vỡ, hôn nhân sẽ chết dần mòn, và gia đình sẽ ly tan. Có những trái tim đã vỡ toang khi nghĩ đến thảm họa ly dị, nhưng lại không đủ can đảm để cùng người ấy bắt đầu lại. Có những tâm sự đắng đót, chua cay khi mường tượng đám con mỗi đứa mỗi ngả, rười rượi buồn bỏ tổ ra đi, nhưng bắt đầu lại thì không đủ nghị lực, và liều lĩnh.
Người trong cuộc không can đàm, thiếu nghị lực phần lớn vì không tin vào sức mình, khi người kia vẫn hờ hững, dửng dưng, lạnh lùng, lặng lẽ. Bắt đầu lại trong hôn nhân không những đòi can đảm, mà còn đòi hợp tác, vì  hôn nhân không là chuyện riêng, việc riêng, đời riêng của một người, nhưng là đời hai người cộng chung, việc hai người gom lại, chuyện hai người cùng kể, lịch sử của hai người cùng viết. Cái khó của hôn nhân là cái gì cũng chung, việc gì cũng làm cùng, vì thế mà  dễ ”bất thành” khi thiếu một trong hai, dễ “bất công” nếu chỉ một trong hai hưởng, dễ “bất nhân”, nếu một trong hai bị loại trừ, khinh miệt, coi thường.
Tuy thế, vẫn luôn cần một bàn chân bước trước, một bàn tay tiên phong  để bàn chân kia bước theo, bàn tay khác bám vào. Phải can đảm làm lại bằng liều lĩnh, xâm mình làm bước chân thứ nhất tuy rất ngượng ngùng, khó khăn. Ngượng ngùng vì lâu ngày không làm cho nhau, nay “bắt đầu lại” tự nhiên thấy “kỳ kỳ”. Khó khăn vì lâu nay bỏ quên, nay “làm lại” thấy “lạ lạ, không quen”. Nhiều khi rất muốn, nhưng vì ngượng ngùng lại thôi, nhiều lần đã sẵn sàng nhưng thấy khó lại bỏ cuộc. Tâm lý chung của con người là thế: không làm chưa hẳn là không muốn làm, nhưng phần lớn vì ngượng ngùng, khó khăn nên bỏ không làm.
Hiểu được điều này, hai người một khi đã có cùng thiện chí hàn gắn sẽ mau mắn và tinh tế tiếp tay bắt đầu lại. Chỉ cần một cử chỉ nhẹ nhàng, một nụ cười chúm chím, một ánh mắt thông cảm, một bàn tay thân yêu đã đủ để hai người “thiện chí” tìm về chung lối.
Bắt đầu lại cũng đòi tin tưởng vào tương lai. Cơn cám dỗ đời đời của con người là nghi ngờ tương lai trước mặt. Nghi ngờ tương lai sẽ ngăn cản bước chân đi tới, bàn tay bắt đầu làm lại. Nghi ngờ tương lai cụ thể trong hôn nhân là nghi ngờ thiện chí của người bạn đời, nghi ngờ khả năng trở về, đổi mới của vợ hoặc chồng. Chính vì nghi ngờ mà người ta không bao giờ dám bắt đầu lại từ hoang tàn, đổ nát của qúa khứ.
Hãy can đảm nhìn tương lai với đôi mắt hy vọng. Phải có hy vọng, dám hy vọng, tương lai mới ló dạng. Phải liều lĩnh với hy vọng, thì hạnh phúc ở ngày mai mới xuất hiện. Hôn nhân là đời sống nhìn từ bên ngoải tưởng dễ, nhưng rất khó nếu phải sống, mà chỉ ở trong cuộc mới biết, và thấm thiá cảm nghiệm.
Tóm lại, “bắt đầu lại” là chuyện phải tính, việc phải làm, nếu không muốn khai tử hôn nhân một khi hôn nhân đang bên bờ vực thẳm. Tuy bắt đầu làm lại là một việc khó, đòi can đảm và nhiều hy sinh, nhưng không bắt đầu lại, hai người sẽ chẳng bao giờ gặp lại nhau trên cùng tuyến đường đời.
Thực ra, không phải chỉ “bắt đầu lại” khi hai người rơi vào khủng hoảng trầm trọng và sắp chia tay, nhưng mỗi ngày sống với nhau là mỗi ngày phải cùng nhau bắt đầu lại. Những cặp vợ chồng ý thức cuộc sống chung luôn có nhiều bất đồng, trái ý thuờng nhắc nhau phải bắt đầu lại mỗi ngày để không bao giờ một trong hai người trệch hướng, lạc đường. Bắt đầu lại trong ý nghiã này chính là cùng nhìn lại từng ngày sống chung để cùng nhau chỉnh sửa cho tốt đẹp hơn, hoàn hảo hơn, tình nghiã hơn đời hôn nhân.
Can đảm làm lại còn đòi ý thức về thời gian và hạnh phúc. Thời gian thường làm người ta sợ, có khi sợ vì dài qúa, lâu qúa, nhưng cũng có khi sợ vì ngắn quá, nhanh qúa. Khi can đảm làm lại, hai người không nên quá chú tâm vào thời gian, nhưng nên đặt trọng tâm vào chính hạnh phúc như giá trị đời đời vượt trên thời gian. Có như thế, hai người mới không so đo tính toán với thời gian ít nhiều, mà chỉ đồng tâm nhất trí cùng đạt hạnh phúc khi cùng đi tìm hạnh phúc như giá trị đời đời.
Can đảm bắt đầu lại không bằng tìm những việc lớn, như đã từng làm lớn chuyện gây khổ cho nhau, không đợi những dịp lớn, như đã từng chớp cơ hội làm lớn những chuyện nhỏ không đáng nói của nhau, cũng không cần sự có mặt của đám đông như đã từng mượn sự hiện diện của người này người nọ để diễu cợt, nói xấu, lên án nhau, nhưng bắt đầu lại bằng những chuyện nhỏ, rất nhỏ để tạo lại từng ngày niềm tin đã mất hay đang mất, bằng chắt chiu từng cử chỉ thân thương, từng hành động quan tâm đến nhau, từng giọng nói, nụ cười chia sẻ, giao hoà.
Cuộc tình đã vỡ, như chiếc bình thủy tinh qúy giá rơi bể trên sàn nhà, muốn hàn gắn phải nhặt từng mảnh vụn, và kiên nhẫn, tinh tế, tỉ mỉ sắp xếp. Không nên vội vàng, ồ ạt, xô bồ, trái lại, phải tế nhị, nhỏ bé, đơn sơ, và kiên trì, nhẫn nại. Bởi mỗi đổ vỡ, mỗi rạn nứt tình cảm có độ dài, độ sâu, độ rộng của nó, như những nét gấp của lịch sử. Phải nhẹ nhàng đừng làm thức giấc nỗi đau, nhưng đồng thời phải can đảm đối diện để vết thương được chữa lành.
Can đảm làm lại là cố gắng phi thường của con người, và chỉ con người mới có sức mạnh thần thánh để cứu vớt, chữa lành tình yêu đã đổ vỡ, bị tổn thương.           
Có những việc rất khó làm, những cản trở rất khó vượt qua, nhưng không làm, không vượt qua, người ta sẽ không còn cơ hội nào khác. Sửa sai, hàn gắn đều là những việc rất khó, khó đến nỗi ít người dám nghĩ, dám làm. Ở vào tình trạng lặng lẽ ngày càng lạnh lẽo, việc rất khó nhưng phải làm chính là can đảm bắt đầu lại những bước chân đã cùng đi bên nhau trên đường tình ngày nào, bắt đầu lại những ước mơ ngày xưa hai đứa cùng dệt, bắt đầu lại những “tay trong tay, vai kề vai, má áp má” của ngày xưa thân ái. Bắt đầu lại như em bé quên mình đã phạm lỗi trong vòng tay của  mẹ. Bắt đầu lại như ngày mai mới thực là ngày đầu biết yêu, biết sống.
“Bắt đầu lại” còn đòi nhìn quá khứ trong toàn thể đời sống, để không quên, cũng không phủ nhận, nhưng lương thiện đón nhận qúa khứ như một phần đời có buồn có vui, có cố gắng, ngã qụy, có nước mắt, tiếng cười, có khổ cực, sướng vui, có nhục nhằn, vinh dự. Không phủ nhận những thất bại trên đường tình, nhưng không cắt đường tình vì thất bại, bởi đã là đường sao tránh khỏi những gai góc, cỏ rả, bùn lầy, hố rãnh. Con đường của con người phải được hiểu là con đường chưa hoàn hảo, đúng hơn là không bao giờ hoàn toàn êm ả, yên hàn, không sự cố, bởi bao lâu còn là người, còn đi trên đường đời, bấy lâu còn vất vả, khó nhọc, khổ đau. Phận làm người là thế, đời con người là thế, nên cầu toàn, muốn người của mình toàn hảo, đời hôn nhân không sóng gió, tình yêu không thử thách là tự ru mình vào ảo tưởng nguy hiểm nhất.
Cầu toàn và tuyệt đối hoá là kẻ thù của “đường về”, và  của “bắt đầu lại”, bởi người cầu toàn sẽ bị ám ảnh bởi một cuộc sống còn thiếu sót, ở đó người yêu sẽ tiếp tục lỗi lầm, vợ, chồng sẽ còn trái ý, hục hặc, và đường đời sẽ còn quanh co, gập ghềnh. 
Nói cách khác, vợ, chồng bên bờ vực thẳm chia tay, trong tình huống xem ra không thể cứu vãn thường yếm thế đầu hàng trước lần ra trận sau cùng, thất vọng trước khi hành động, buông xuôi trước khi bắt đầu lại, bởi một nỗi lo về khả năng đổi mới của người kia, hơn là khả năng thay đổi của mình. Ý nghĩ “người kia sẽ rất khó thay đổi” làm người ta ngao ngán một lần làm lại, và lo sợ thất bại sẽ ê chề hơn. Vì thế, đế làm lại, bắt đầu lại, nối lại tơ hồng hôn nhân đã đứt tưởng không gì cần thiết hơn là tin ở phép lạ tình yêu. 
3. Tin ở phép lạ tình yêu:
Thời gian lặng lẽ giữa hai người càng dài, tình yêu giữa họ càng bị rút ngắn. Lặng lẽ càng nặng nề, yêu thương càng vơi nhẹ. Lặng lẽ càng bao phủ, niềm tin cho nhau càng lã chã rơi rụng. Đó là hiện tình của những cặp đôi không còn nồng nàn, tha thiết để sống với nhau hết tình, hết mình.
Nguyên nhân chính đưa đến “lặng lẽ” dù tình rất cần xôn xao hạnh phúc, náo nhiệt niềm vui, líu lo ân ái, ồn ào chia sẻ là vì hai người đã mất niềm tin ở nhau. Đọc những tâm sự rất buồn của Chàng và Nàng ở phần trên, chúng ta thấy họ rất buồn, buồn vì không còn tin nhau. Nàng không còn tin Chàng vì những chuyện ngoài luồng, Chàng cũng không tránh khỏi tình trạng mất niềm tin, vì những chuyện “không đâu” của Nàng. Hai người không còn tin nhau, dù trước đó đã trao nhau niềm tin trọn vẹn. Hai người không còn dám “thật” với nhau, dù ngày xưa không dấu nhau một chuyện nhỏ li ti, một phân li sự thật.
Như Ađam, Evà thấy mình trần truồng sau khi phạm tội nên ngượng ngùng, mắc cở, lấy lá che thân, hai người cũng lấy đủ thứ để chống chế, che đậy sự thật bẽ bàng về mình khi không còn nồng nàn thương nhau, trọn vẹn tin nhau, dù trước đó họ chẳng hề che đậy, dấu diếm nhau “cái mình” chân thật.
Thảm kịch của con người là mất niềm tin, vì niềm tin là tất cả, cho dù mọi sự đã vụt mất, tiêu tan. Mất niềm tin, người ta không còn chỗ dựa, không còn hướng đi, bởi niềm tin tự nó đã là chỗ ở, bến bờ trông đợi của đời người. Đánh mất những cái khác còn hy vọng tìm lại, vì còn niềm tin bảo kê, chuộc lại, nhưng mất niềm tin thì chẳng còn gì để tìm, vì tất cả sẽ theo niềm tin tan biến.
Nhưng không lẽ hôn nhân sẽ lặng lẽ chết vì không thể tìm lại niềm tin ?
Cứ bình thường là thế, nghiã là hai người sẽ phải chia tay, nghìn trùng xa cách, vì không thể mãi mãi ngột ngạt bên nhau. Giải pháp được ưu tiên cho hai người hết thương nhau sẽ là “đường ai nấy đi, đời ai nấy sống”, và hôn nhân sẽ kết thúc lặng lẽ, không trống không kèn như đã được chuẩn bị, báo trước bằng chuỗi ngày lặng lẽ yêu thương. Thực ra, trong lặng lẽ, hai người đã quay quắt đặt lại vấn đề tình yêu của họ. Hai chữ yêu thương đi liền “lặng lẽ” từ lâu đã được hiểu trong ý nghiã truy cứu, xem lại, phản biện này.  
Để cứu vớt tình yêu đang lặng lẽ chết, hai người phải tin một điều: tình yêu là một mầu nhiệm mà cho đến tận cùng đời sống, người ta cũng không hiểu hết căn tính, ý nghiã và giá trị của tình yêu. Tình yêu có sức mạnh kỳ diệu, có khả năng biến đổi, có những sáng kiến lạ lùng mà bất cứ ai đã một lần yêu đểu cảm nghiệm.
Tình yêu không như những thực thể bình thường khác, nhưng nhiệm lạ, tuyệt vời bởi có quyền năng biến không thành có, chuyển bại thành thắng, đánh thức trái tim đang ngủ, phục sinh đời người đã chết. Tình yêu như ánh sáng làm sáng rực căn phòng tăm tối, và ánh sáng kỳ diệu của tình yêu xua ngay đêm tối hận thù, đuổi hẳn đêm đen đố kỵ, diệt tận gốc mù u ngờ vực. Ánh sáng toàn năng ấy làm sáng toàn diện, toàn phần. Ắnh sáng không đội trời chung với đêm đen, không đồng lõa cùng tăm tối, nhưng quyết liệt, dứt khoát, mạnh bạo dành lại toàn phần lãnh thổ tâm hồn, toàn quyền thống trị trái tim.
Khi ý thức tình yêu là phép mầu nhiệm lạ, phép mầu kỳ lạ làm con người hết xa lạ, thôi lơ là, hai người đang lặng lẽ sẽ lấy lại niềm tin bằng tin vào tình yêu nhiệm lạ, tin vào khả năng làm phép lạ của tình yêu.
Qủa thực, khi tình yêu đã kề bờ vực thẳm thì người ta chỉ còn trông cậy vào phép lạ, vì ngoài phép lạ không gì có thể cứu sống được tình yêu đang hấp hối, ngoài chính tình yêu. Bệnh yêu  chỉ có thể chữa bằng thuốc yêu, và người chết vì thiếu thốn,  cạn kiệt tình yêu sẽ chỉ  được hồi sinh nhờ yêu và được yêu.
Vì thế, để tình yêu hôn nhân thôi hết lặng lẽ “chết chóc”, hai người phải dám làm cho nhau những  phép lạ tình yêu, những phép lạ mang lại ơn cứu sống, ơn phục sinh, ơn đổi mới, ơn hoà giải, ơn bình an. Chỉ có những phép lạ của tình yêu mới vực dậy được tình yêu suy sụp. Chỉ phép lạ của tình yêu mới trả lại da thịt hồng hào cho tình yêu đang chết. Chỉ phép lạ của tình yêu mới lấy hai người ra khỏi cơn khủng hoảng tàn phá của buồn tủi, hờn giận, trách móc, nhất là của sợ hãi, khinh miệt. Chỉ phép lạ của tình yêu mới ngăn được cơn giông phẫn nộ “đòi nợ tình” của hai người đang căm tức vì lỡ làng, thiệt hại do bởi đã yêu nhau. Chỉ phép lạ của tình yêu mới làm nguôi ngoai bão táp hận tình của hai trái tim đang rực lửa tình thù. Chỉ phép lạ của tình yêu mới tái lập trời mới, đất mới, ngày mới với bầu trời quang đãng bình an. Chỉ phép lạ của tình yêu mới trả hai người về giòng sông hiền hòa, đại dương tha thứ. Chỉ phép lạ của tình yêu mới làm cho hai người thôi tính sổ đời, và quên hết lỗi lầm của nhau.
Phép lạ tình yêu là những bé nhỏ kín đáo gửi trao nhau, những quan tâm tế nhị dành cho nhau, những thân thương  nhẹ nhàng, những thấp thoáng trải lòng, những tâm sự hối lỗi, những thao thức đợi chờ, những khắc khoải vươn lên. Phép lạ tình yêu cần những  bé nhỏ, đơn sơ, chân thực để xóa những cồng kềnh, nặng nề, phức tạp, dối gian của qúa khứ. Phép lạ tình yêu cần nhau, hơn cần những trung gian, cố vấn. Cần có nhau trong thỏ thẻ đối thoại, cần có nhau trong trầm lắng ăn năn, để không ai ở ngoài nhau, không gì ở bên lề cuộc tình có thẩm quyền điều khiển, chi phối sự thật của nhau. Chính sự thật sẽ giải phóng hai người khỏi nhà tù lặng lẽ, và sự thật sẽ thực sự có mặt khi hai người cùng cho phép tình yêu trong họ làm phép lạ.     
Làm phép lạ tình yêu để lấy lại niềm tin ở nhau đã mất. Làm phép lạ tình yêu để cả hai không còn cay đắng dằn vặt. Làm phép lạ tình yêu  là “tập yêu nhau” như ngày xưa  ngây thơ, khờ dại.
“Tập yêu lại” trong tình trạng tình yêu xuống cấp, đổ dốc không phanh tưởng là chuyện viển vông, hoang đường, nhưng thực ra là việc khẩn cấp phải thực hiện, bởi không còn phương án nào tốt hơn để cứu một cuộc tình sắp chết là mau chóng đem tình yêu trở lại bằng bắt đầu tập yêu.
Tại sao phải nói đến tập yêu khi cả hai đã dầy kinh nghiệm xương máu vì yêu?
Thưa vì cả hai đã yêu, nhưng chưa nhận ra tình yêu là một mầu nhiệm, nên đã không yêu nhau như những mầu nhiệm. Cũng vì giản đơn tình yêu, hai người đã giản đơn đời mầu nhiệm của nhau, vì thế mà hai người cứ mãi hiểu lầm, ngờ vực, căng thẳng, mẫu thuẫn, đối kháng trong đời sống chung. Vì không nhìn tình yêu, hôn nhân, và đời nhau như những mầu nhiệm, nên người ta dễ dàng tự cho phép giải quyết hôn nhân như giải quyết những vấn đề thấy được, kiểm chứng được. Vì hôn nhân mầu nhiệm bị xếp xuống hàng vấn đề có thể đo lường, nghiệm thu, nên hôn nhân khó cất được đôi cánh huyền diệu, thần thánh của mình.
Như thế việc phải tập đầu tiên là nhìn tình yêu hôn nhân như mầu nhiệm để rồi tập yêu “người yêu” như yêu một mầu nhiệm. Ý niệm mầu nhiệm có thể làm người ta sợ, không dám yêu, nhưng nếu không yêu con người như yêu một mầu nhiệm, người ta sẽ không bao giờ biết yêu người. Và vì không biết yêu như phải yêu, không biết yêu như con người đáng yêu mà hôn nhân mãi mãi nhiêu khê, lấn cấn.           
Tập yêu người như yêu một mầu nhiệm sẽ không còn làm con tim nhức nhối, lòng dạ xót xa vì tình lỡ, tình phụ, bởi tình yêu mầu nhiệm không ngừng mở ra những cánh cửa mầu nhiệm mới, dẫn vào đường tình mầu nhiệm xa tít tắp, và dắt đến khung trời mầu nhiệm mênh mông, vời vợi sau những vấp ngã, thất bại. Tình yêu mầu nhiệm sẽ không bị hạn hẹp trong thời gian, không tính bằng năm tháng, không đo lường bằng thành công, thất bại, nhưng  sâu thẳm, bao la, cao vời, tuyệt đối. Đời người nhờ mầu nhiệm tình yêu làm thăng hoa sẽ phong phú vô tận, cao cả vô cùng, trải rộng vô biên.
Tập yêu người như yêu một mầu nhiệm còn là một thách đố chỉ có ở con người cao cả. Thách đố trước vận mệnh cuộc đời, thách đố trước thử thách của tình yêu là thách đố hiện sinh vĩ đại nhất. Con người vốn vĩ đại, cao cả, nhưng chỉ qua thách đố, con người mới nhận ra mình cao cả, vĩ đại.     
Tóm lại, có tin tình yêu hôn nhân là mầu nhiệm, hai người mới vượt nổi những sóng gió của thử thách, khủng hoảng, vì mầu nhiệm sẽ đưa hai người vào một viễn tượng mới của tình yêu tuyệt đối. Có tin vào mầu nhiệm, tình yêu hai người mới đủ sức vượt hữu hình, vượt tự nhiên để đến một thế giới siêu hình, siêu nhiên mang tầm tuyệt đối. Ở tuyệt đối, tình yêu gặp chính mình, nhận diện chính mình. Nhờ thế, những mâu thuẫn giữa hai người ở bình diện tự nhiên, hữu hạn sẽ được hoá giải để cả hai cùng mở lòng, tung cánh cho tình yêu hôn nhân của họ bay cao tít tắp đến tận Đấng là TÌNH YÊU Tuyệt Đối, Vĩnh Cửu.      
 Paris, Muà hè 2014
 Nắng Tím - Mây Đen

NÀNG (Lặng Lẽ Yêu Thương)


Mình ơi !
Hai tiếng thân thương ngày xưa mình vẫn dùng để âu yếm gọi nhau không biết đã rủ aó ra đi khỏi đời chúng mình từ khi nào ? Hai từ đơn sơ nhưng ấm áp, mộc mạc nhưng nồng nàn mà một thời chỉ cần nhìn thấy nhau là môi miệng mình đã dễ dàng thốt ra trao tặng. Hai từ quá đỗi thân quen hầu như không thể thiếu trong đời sống hằng ngày của chúng mình. Quá quen thuộc, quá cần thiết và quá dễ dàng tự nhiên trao nhau như hơi thở. Thế mà hôm nay, cũng hai từ đó nhưng sao lại hiếm hoi, xa lạ, ngượng ngùng và khó khăn quá?
Cũng có đôi lúc em muốn được gọi lại anh bằng hai tiếng yêu thương ngày đó nhưng lưỡi em tự dưng tê cứng, môi miệng em bỗng ngại ngùng khó thốt khi chợt nghĩ liệu mình có còn « tuy hai mà một »  để hai từ « mình ơi » đó nói lên được sự hợp nhất gắn bó đời nhau ? Người ta gọi nhau là « mình ơi »  khi cả hai xem nhau là một, người này là xương thịt, là « mình » của người kia. Nhưng em và anh, mình đã không còn là « một »  kể từ khi anh chọn cho mình cách sống « chuyện ai nấy biết, đời ai nấy lo », cả hai hoàn toàn « ngoài vùng phủ sóng » của nhau.
Và em đã xót xa lặng lẽ nuốt vào lòng hai tiếng « mình ơi » thân quen, dung dị nay đã thành xa xỉ với chúng mình…
Không biết đã là đêm thứ bao nhiêu em nằm cô đơn trên chiếc giường đôi của chúng mình. Em chợt nhớ đến thời hai đứa còn  thiếu thốn, chỉ một chiếc giường đơn chật hẹp, một tấm chăn bé nhỏ nhưng sao tình mình trải rộng đến ngút ngàn, vòng tay anh ấm áp ôm trọn lấy người em run rẩy trong những đêm đông gió lạnh. Giờ đây, đầy đủ chăn êm, nệm ấm, gối nhung nhưng em lại cảm thấy lạnh hơn bao giờ hết. Tình nồng một thời của chúng mình đã bốc hơi từ khi nào để bây giờ cả hai đều cô đơn lẻ bóng với gối chăn riêng mình ? Thiên đường hạnh phúc của hai đứa mất hút từ bao giờ để thay vào một địa ngục lạnh lẽo mỗi người một góc ?
Nguyên nhân nào để nồng nàn nên lạnh lẽo, yêu thương hóa hững hờ, thân thương thành xa lạ, gần gũi bỗng cách xa ?  Lỗi ở sự xuất hiện của người xưa, lỗi vì anh thiếu chung thủy hay lỗi ở em đã vụng về không biết níu giữ bước chân anh ? Trách người, trách anh, hay tự trách mình có thay đổi được gì một khi tình mình đã rơi vỡ, yêu thương đã đi vào lặng lẽ…
Em lặng lẽ yêu anh, lặng lẽ nhớ anh… bởi giữa hai đứa từ ngày nói với nhau những lời cuối : « không làm phiền nhau nữa » đã không còn chung vùng phủ sóng… nên thiếu những thanh âm rạo rực, vắng những xúc động xôn xao, và khi đêm về, mỗi tâm hồn là một không gian khép kín.
Lỗi ở ai ? Em không dám trả lời câu hỏi; bởi trả lời là gọi về những kỷ niệm buồn nhiều hơn vui; là khơi dậy nỗi đau « chúng mình có mặt trong đời nhau để làm khổ nhau »; là hằn sâu hơn vết thương lòng; là làm cho tháng ngày còn lại nặng nề, lặng lẽ hơn.
Hôm nay ngồi xem lại những bức ảnh ngày xưa và những bức hình mình mới chụp, em mới nhận rõ hơn lẽ « vô thường » của đời sống…Những vòng tay ngày nào quấn quít ôm chặt lấy nhau trong từng bức ảnh đã dần buông lơi với thời gian để đến hôm nay mình chỉ cho ra đời những bức ảnh vô hồn trong đó hai người đứng cạnh nhau là hai khoảng trời riêng biệt…
Cũng miệng cười đó, cũng bóng dáng thân yêu ngày nào nhưng trong từng bức ảnh cạnh nhau bây giờ dường như đã hình thành một vách ngăn vô hình giữa hai đứa để vòng tay mất hút vòng tay, để môi cười không còn tươi, mắt nhìn thôi  rạng rỡ.
Cái lẽ vô thường đã chi phối quá nhiều trong tình yêu của chúng mình phải không anh ? Vì vô thường nên yêu thương đầy ắp trở thành vơi, vòng tay siết chặt trở nên buông lỏng, ánh mắt nồng nàn hóa xa xăm, môi cười đắm đuối thành hờ hững.
Cũng vì hiểu được lẽ vô thường nên em đành để tình mình vào một góc khuất trái tim, nơi đó em một mình hoài niệm về quá khứ để nhớ thương, tiếc xót và để chạnh lòng nhận ra mình vẫn còn yêu ; một thứ tình yêu không tiếng nói, chẳng tiếng cười, không ồn ào cháy bỏng nhưng lại rất đậm sâu, da diết trong từng tiếng thở dài của một thứ tình đã phôi pha, lặng lẽ…  
« Anh có tự do của anh. Anh muốn đi đâu, làm gì là quyền của anh, không ai có thể ép buộc anh, kể cả em. » Trong suốt thời gian sống với nhau em được nghe rất nhiều lần lời tuyên bố hùng hồn này của anh, và lần nào em cũng chỉ gật đầu không ý kiến. Im lặng để hai đứa khỏi tranh cãi, tán thành để gia đình được an vui. Nhưng anh có biết khi xác định cái quyền tự do tuyệt đối của mình như thế vô tình anh đã phủ nhận khế ước sống chung của nhau không ?
Yêu nhau, chấp nhận đến với nhau cũng đồng nghiã với việc mình sẽ phải mất đi một phần tự do của đời sống độc thân, phải bớt đi « cái tôi » của riêng mình mà hoà vào cái chung của đời nhau. Hôn nhân là một ràng buộc, mà đã gọi là ràng buộc thì không thể có trọn vẹn tự do được mà ít nhiều người này phải lệ thuộc người kia. Lệ thuộc không có nghiã là phải qụy lụy nhau nhưng là trách nhiệm trên nhau, với nhau và vì nhau ; chồng có trách nhiệm với vợ, vợ có trách nhiệm với chồng và cả hai có trách nhiệm với con cái để xây dựng một mái ấm hạnh phúc. Thiếu trách nhiệm, sớm muộn tự do sẽ trở thành phóng túng và lửa yêu thương sẽ lụi tàn bởi những cơn mưa tình phóng đãng ngoài mái ấm.
Khi tuyên xưng quyền tự do tuyệt đối của mình, có lẽ « cái tôi » của riêng anh đã được khẳng định, được vuốt ve thỏa mãn, nhưng cùng lúc hình ảnh người đàn ông có trách nhiệm, cây cao bóng cả của gia đình, cũng đang mờ nhạt dần trong mắt em…
Lại một đêm nữa mình nằm cạnh nhau nhưng « đồng sàng dị mộng ». Chung giường, chung chăn, chung gối nhưng con tim đã không còn chung nhịp đập vì đường tình đã không còn  chung lối mộng. Mình nằm cạnh nhau, thật gần nhưng cũng rất xa. Cả hai đứa đều thức nhưng tình mình thì đã ngủ vùi từ rất lâu. Anh trách em « cấm vận » anh trong đời sống tình dục mà không thông cảm cho nỗi đau đớn tâm lý khi phải ăn nằm với nhau, không hiểu được cái cảm giác « ghê sợ » của em bây giờ mỗi lần anh chạm vào người em. Làm sao em có thể tìm lại được cảm giác hạnh phúc ngày nào, làm sao em có thể đạt được tột đỉnh của khoái cảm khi trong đầu em luôn hình dung cảnh anh đã chung chạ với người phụ nữ khác? Có thể anh cũng như đa số đàn ông, xem chuyện ăn nằm « ngoài luồng » là bình thường miễn sao vẫn chăm lo vợ con, chu toàn trách nhiệm là được; nhưng với phụ nữ như em thì điều đó đã xúc phạm đến lòng chung thủy trong đời sống lứa đôi và nhất là đã làm tổn thương đến tình yêu của hai đứa. Dù không còn hờn trách gì chuyện đã qua, không còn buồn giận gì anh nhưng vết thương lòng vẫn còn đó, nỗi đau vẫn còn đó, tuy âm ỉ nhưng lại có sức tàn phá mãnh liệt chuyện ân ái của chúng mình.
Anh nằm bên em, vẫn hơi thở, vẫn mùi thịt da quen thuộc nhưng đâu rồi những nồng nàn yêu thương một thửơ ? Lắm lúc em cũng muốn được quay sang ôm lấy người anh như ngày nào nhưng điều gì đã ngăn cản vòng tay em? Nhớ lắm, khát khao lắm những nụ hôn nồng cháy ngày xưa nhưng sao môi má cứ mãi trơ lì băng giá ? Thèm lắm được nằm gọn trong vòng tay, được yêu thương đắm đuối nhưng sao tay chân cứ ngượng ngùng, buông lơi thừa thãi ? Và đâu rồi những cảm xúc yêu thương khó tả khi hai cơ thể chạm vào nhau qua từng cái trở mình ?
Em tự hỏi. Anh lặng lẽ đi vào giấc ngủ. Em lặng lẽ nhìn anh,  như tình mình đang lặng lẽ trôi về hai hướng… 
Sáng nay nghe anh bảo lâu rồi chưa ăn bánh rán, và em lại lui cui vào bếp làm bánh rán cho anh như bao lần khác. Em vẫn còn yêu anh, chiều anh nhiều đến vậy sao? Lẽ nào với từng ấy thời gian tình mình rơi vào lặng lẽ, tình yêu vẫn âm ỉ tồn tại trong em? Hay chỉ là một thói quen, một nếp sống đã hằn sâu, in đậm? Cái thói quen yêu anh, chiều anh, không nghĩ ngợi, không toan tính. Cái nếp sống chỉ biết sống cho anh, vì anh mà không nghĩ đến mình. Kể từ khi mới yêu nhau cho đến bây giờ, mình luôn sống trong nếp sống đó phải không anh? Một nếp sống trong đó em yêu anh đến quên mình, em chiều anh không giới hạn và anh chỉ việc vô tư, an nhiên tự tại tận hưởng hạnh phúc được yêu, được chiều. Vô tư nên anh không cần để ý, chẳng phải nghĩ ngợi. Tự tại nên với anh, mọi yêu thương đều bình thường, mọi chiều chuộng đều đương nhiên. Bình thường như bao thứ bình thường khác, tự nhiên đến, tự nhiên có nên anh không cần trân quý, chẳng bận tâm gìn giữ.
Hôm nay em lại làm bánh rán cho anh. Em lặng lẽ nhồi bột, lặng lẽ vo tròn từng chiếc bánh trong cái lặng lẽ của tình mình đang xuống cấp. Cũng là những chiếc bánh rán tự tay em làm như ngày nào nhưng không biết hôm nay anh có nhận ra được hương vị đã không còn ngon ngọt, đậm đà như xưa ? Thiếu ngọt ngào, mất hương vị bởi lẽ em chỉ làm như một quán tính, một thói quen mà không còn niềm vui phục vụ, hạnh phúc trao ban. Ngày xưa em gửi yêu thương trong từng chiếc bánh, ngày nay mỗi chiếc bánh gói theo một tiếng thở dài của em xót xa cho tình mình đã rơi vào lặng lẽ…
Bữa tiệc đã tàn, bạn bè đều đã ra về…Em lui cui dọn dẹp bát điã ngổn ngang như lòng em cũng đang ngổn ngang trăm mối.
Em tự hỏi liệu mình có đang vui như những tiếng cười dòn tan trong bữa tiệc ? Tình yêu mình có tuyệt vời như những cái nhìn ngưỡng mộ của bạn bè ? Mình có thật sự hạnh phúc như những lời trầm trồ tán thưởng của mọi người ? Hay tất cả chỉ là một màn kịch vừa chấm dứt?
Không biết từ lúc nào chúng mình đã bất đắc dĩ trở thành những kịch sĩ đại tài trước gia đình hai bên, trước bạn bè, đồng nghiệp của hai đứa. Mọi người nhìn vào cứ nghĩ mình là « cặp đôi hoàn hảo » mà có ai biết được khi sân khấu hạ màn, khi không còn khán giả, hai đứa lại trở về đời thực với hai khoảng trời riêng, trống trải, cô đơn của hai tâm hồn không còn nhìn về một hướng, hai con tim đã lỗi nhịp yêu thương.
Anh nghĩ gì khi phải nhập vai người chồng tuyệt vời, em khó khăn ra sao khi phải đóng vai người vợ hạnh phúc ? Tại sao lại không là « thật » như ngày xưa tình mình rất đẹp, đời mình rất thật hả anh ? Tại sao gian dối đã có mặt, phản bội đã xen vào để tình mình hết thật và đời mình trở thành sân khấu ? Tại sao và tại sao ?
Mình sẽ còn phải đóng kịch đến bao giờ ? Và liệu có phép mầu nào để những chuyện cổ tích trong kịch trở thành hiện thực cho mình có thể tìm lại được hạnh phúc thật của ngày xưa dấu ái không anh ?...
“Nếu em có con với anh ấy chị có buồn, có giận em không?...”
Khi nghe người đàn bà “một thời yêu anh” hỏi em câu đó, không hiểu sao em không buồn, không giận cũng chẳng ghen tuông mà chỉ thấy một sự tiếc xót trào dâng. Tiếc cho cô ấy, tiếc cho người chồng, tiếc cho anh và tiếc cho cả chính em.
Tiếc cho cô ấy cả một thời con gái vất vả mới tạo dựng được hạnh phúc, để rồi hôm nay, ở cái tuổi không còn trẻ để bồng bột yêu thương hay đúng hơn là đã xế chiều đủ để chín mùi trong suy nghĩ, vậy mà vẫn không kềm chế được cảm xúc đã lăn xả vào vòng tay anh, phản bội chồng con, đánh đổi hạnh phúc hiện thực cho một thứ tình xưa ảo tưởng.
Tiếc cho người chồng đã quá yêu thương, tin tưởng vợ mình nên chẳng những không ngăn cản, không hờn ghen mà còn vui vẻ, cao thượng tạo điều kiện cho cô ấy gặp lại người xưa.
Tiếc cho anh, người đàn ông giỏi giang nhiều tài, thần tượng của em và của nhiều người đã tự đánh mất hình ảnh đẹp của chính mình chỉ vì chút giàu có của người đàn bà đó.
Tiếc cho em, đã “tự tin quá đáng” vào một thứ tình yêu vĩnh cửu. Em ngu ngơ cứ ngỡ chỉ cần chân thật yêu nhau, sống cho nhau, vì nhau đã đủ để có nhau và giữ nhau mãi, không ngờ tình yêu cũng chỉ là một thứ không nằm ngoài qui luật của “vô thường” nên cũng dễ đổi thay, nay còn mai mất.
Giá mà cả bốn người chúng ta đều hiểu được tính bất định của tình yêu để đừng quá ảo tưởng, quá tự tin thì vợ chồng cô ấy đã không phải chia tay và anh với em đã không rơi vào tình trạng lặng lẽ bên đời nhau như bây giờ…
Cả tuần nay, cả hai chúng mình đều đi công tác nên đã phải gửi con ở nhà chị em. Hôm nay đón con về, anh tỏ vẻ không hài lòng khi thấy con không được sạch sẽ như ý muốn. Rồi khi nghe con kể về những bữa ăn thiếu thốn ở nhà dì, cơn bực bội trong anh chợt bừng lên như ngọn lửa. Anh so sánh về sự sạch sẽ, kỹ lưỡng, về điều kiện sung túc của em gái anh với chị em. Và anh đã thốt ra những lời không hay về chị em…
Là mẹ, em cũng xót xa khi thấy con không được chăm sóc chu đáo như mong muốn nhưng thử hỏi mình có cách giải quyết nào tốt hơn không ? Các em gái anh còn trẻ, chăm sóc con mình chắc chắn sẽ chu đáo hơn người chị lớn tuổi của em nhiều. Em rất hiểu vấn đề, biết rất rõ con sẽ đầy đủ, sung sướng hơn khi ở với ai nhưng mình làm gì có cách giải quyết khác hơn là phải gửi con ở nhà dì hở anh ? Khi lớn tiếng trách móc, nặng lời với chị của em sao anh không chịu nhớ tới chuyện các em gái anh đã từ chối nhận lời trông cháu ?  Giữa một người không đủ khả năng nhưng rộng lòng giúp mình với một người dư khả năng, đủ điều kiện mà thiếu thiện chí thì ai đáng trách hơn ?
Mẹ luôn dạy em con gái lập gia đình phải xem gia đình chồng là gia đình mình thì vợ chồng mới hạnh phúc lâu dài được nên em chưa bao giờ nghĩ đến chuyện hơn thua, phân biệt gia đình anh, gia đình em; vậy nên hôm nay em rất buồn khi nghe những lời không hay của anh dành cho chị em thay vì cám ơn chị đã thương vợ chồng mình mà giúp đỡ dù khả năng chị rất hạn hẹp.
Tối nay khi cơn nóng giận dịu xuống, em mong anh sẽ suy nghĩ lại mọi chuyện để đừng vì những lời thiếu tự chủ trong lúc nóng giận mà vô tình đẩy yêu thương xa hơn về hai hướng anh nhé…
Hôm nay dọn dẹp lại kệ sách, tình cờ bản nhạc « một đời yêu » anh viết tặng em rơi xuống đất. Và một chuỗi ký ức lại hiện về trong em…
Ngày đó, một ngày chủ nhật đẹp trời, anh đầy cảm hứng ngồi vào  đàn và sáng tác một lúc nhiều bài nhạc, trong đó « một đời yêu » anh dành tặng riêng em. Em ngập tràn niềm vui ngồi nghe anh vừa đàn vừa hát. Từng chữ, từng câu, từng giai điệu đã ru hồn em lạc vào thế giới lung linh muôn màu của tình yêu ; lòng em đong đầy hạnh phúc theo tiếng đàn giọng hát của anh. Mình đã cùng nhau hợp tâm, hiệp ý để đặt lời sửa chữ ; và anh đã vội vã rủ em cùng đi sang nhà một người bạn nhạc sĩ để nhờ họ hòa âm phối khí cho chỉnh những sáng tác còn ướt mực của anh.
Từ nhà người bạn về, em mới hiểu cảm hứng của anh, nhiệt huyết của anh hôm đó không dành cho em mà mục đích chỉ dành riêng cho người khác, một người bạn thân của anh. Hóa ra cảm hứng của anh ngày hôm đó là để dành cho bạn anh, sự vội vàng nhờ hòa âm là để kịp ngày mừng sinh nhật người ấy. « Một đời yêu » hay những bản nhạc khác chỉ là chút cảm hứng dư thừa sót lại trong anh hôm đó. Vì dư thừa nên không cần  nhờ chỉnh sửa ; vì thứ yếu nên chỉ làm rồi vứt đó. Giá mà anh nghĩ đến bạn nhưng cũng đừng quên em, phải chi anh trân quý tình bạn nhưng cũng đừng xem nhẹ tình chồng vợ…Trong đời sống vợ chồng, một chút vô tình tưởng chừng nhỏ nhặt nhưng lại có ảnh hưởng rất lớn trong việc nuôi dưỡng hay làm héo úa tình yêu, anh có biết không ?
Hôm nay bản nhạc lại vô tình rơi xuống đất, nhìn tờ giấy đã ngả vàng, một chút ngậm ngùi khi chợt nghĩ bản nhạc đã bị quên lãng một thời gian cũng như tình mình đã rơi vào lặng lẽ từ rất lâu…
« Ở hai đầu nỗi nhớ, yêu và thương sâu hơn… »
Câu hát nào văng vẳng từ chiếc máy của người hàng xóm bổng khiến em chạnh lòng. Ngoài trời đang mưa, và em đang ngồi trong nỗi nhớ. Không phải nỗi nhớ trong hạnh phúc, nhớ « ở hai đầu » như những người yêu nhau đang xa cách ; nhưng là nhớ một mình, nhớ âm thầm, nhớ xót xa bởi em và anh, mình đã lặng im đi bên đời nhau lặng lẽ.
 Sao mình không thể giữ mãi được tình yêu như ngày đầu ? Cái thửơ mà ngồi sát cạnh nhau mình vẫn thấy chưa đủ gần, vừa rời nhau một bước, nhớ nhung đã đong đầy? Nguyên nhân nào đã  đẩy tình mình đi quá xa để bây giờ tuy không « ở hai đầu » nhưng giữa hai đứa lại tồn tại một khoảng cách để đôi lúc ngồi thật gần nhau nhưng tâm hồn lại xa nhau vời vợi ? Đời sống lứa đôi khó khăn, phức tạp đến thế sao anh?  Yêu anh hết tình, chiều anh hết lòng, chăm lo anh hết sức vẫn không thể giữ được nhau. Có lẽ vì tình em trao anh quá dễ dàng, quá trọn vẹn, quá tròn đầy nên anh không thấy quý như một câu người ta vẫn nói “tình yêu phải để cho đói, no quá nó sẽ chết”. Và có lẽ đôi lúc vẫn cần một cơn nắng gắt, một làn gió mạnh, một chút mưa sa để hoa trái  tình yêu phát triển viên mãn hơn là nuôi dưỡng tình yêu trong cái bình lặng nhàm chán phải không anh? 
Và câu hát  “ở hai đầu nỗi nhớ, yêu và thương sâu hơn…”  lại văng vẳng bên tai em…                                                                                                                                        
Em chết điếng người, đứng yên như trời trồng khi đọc được những dòng tin nhắn âu yếm tình tứ của ai đó trên điện thoại của anh. Một cú « nóc ao » trên võ đài chắc cũng chỉ làm điếng người đến thế, một cú đấm trời giáng chắc cũng chỉ tối tăm mặt mũi đến vậy. Và hôm nay anh đã tặng em một đòn chí tử hạ gục em ngay trên trận địa tình yêu. Còn gì nữa không anh ? Một lần phản bội nhau, một vết thương nát hồn nhau vẫn chưa đủ sao anh ? Anh còn muốn xoáy vào tim em bao nhiêu lần nữa mới vừa ?
Anh đó sao ? Tình yêu của em, người đàn ông lịch lãm, tài năng em vẫn ngưỡng mộ tôn thờ đó sao ? Không lẽ cứ là đàn ông thì phải ham vui, thích của lạ, thèm phở chê cơm ? Và chẳng lẽ hai chữ « thủy chung » luôn là thứ hàng quý hiếm, khó tìm đối với cánh đàn ông các anh ?
Thiếu chung thủy đã đành, các anh còn nhẫn tâm hơn khi luôn nói xấu vợ nhà để tạo hoàn cảnh éo le, khơi dậy lòng trắc ẩn nơi các « em gái ». Bữa cơm nhà ngày nào cũng tươm tất sốt nóng khói yêu thương ; từng chiếc quần tấm áo, cả đến cái cà vạt khăn tay cũng được giặt là, xếp cất cẩn thận. Một cái hắt hơi, một thoáng đau đầu đã đủ để cuống cuồng xiêu vẹo bước chân em.Thế mà trong tin nhắn nào, trong e-mail nào gửi các « bé yêu » anh cũng than thở thân anh khốn khổ cô đơn, phải tự lo cho bản thân, nay đói mai đau mà vợ con chẳng đoái hoài…Có bạc bẽo quá không ? Có vô ơn quá không và có nghịch lý quá không khi anh phủ nhận mọi yêu thương, tình nghĩa chỉ để tìm kiếm một thứ tình cảm khác, tuy mới lạ, nóng bỏng rừng rực lửa yêu thương lúc này nhưng liệu có chắc sẽ đậm sâu hy sinh như tình chồng vợ, thăm thẳm nghĩa sắt son hai chữ phu thê? ….
Hôm nay xem lại chồng thư cũ, em chợt giật mình nhớ lại mình cũng đã từng có một thời yêu nhau nồng nàn sâu đậm đến thế. Hóa ra cái lặng lẽ yêu thương mà bấy lâu nay mình vẫn cho là bình thường chỉ là một sự biến dạng, thoái hóa chứ từ khởi thủy tình yêu mình cũng ngập tràn màu hồng hạnh phúc phải không anh ? Những lời lẽ yêu thương, âu yếm ; những nhớ nhung mong đợi mà bây giờ anh đang trao cho người khác cũng chính là những gì mà ngày xưa em từng đón nhận. Vậy thì tại sao chủ thể vẫn chỉ là anh mà đối tượng không còn là em nữa ? Lỗi ở anh, ở em hay lỗi tại cả hai chúng ta đã không biết nâng niu gìn giữ hạnh phúc để bây giờ cung đàn phải lỗi nhịp cho bản nhạc tình thôi thánh thót du dương?
Trách anh đào hoa, bay bướm, thiếu thủy chung, em cũng tự trách mình không đủ dịu dàng, bao dung, nhẫn nhịn để giữ chặt tay anh. Lẽ ra khi nhìn vào chiếc nhẫn mình trao cho nhau ngày trước em phải tự nhắc mình nhớ nhiều hơn đến chữ “nhẫn”, để biết cách chịu đựng, nhẫn nhục, ôn hòa hơn là những giận hờn, trách móc, mỉa mai, nặng lời. Có muộn quá không anh để mình cùng nhìn lại, cùng nhận ra lỗi lầm, cùng bao dung tha thứ cho nhau và có còn khả thể không anh để khơi dậy lại ngọn lửa tình yêu lâu nay đang âm thầm lịm tắt bởi những cơn sóng lạnh lẽo của tình mình lặng lẽ ? 
« Ở nhà em xem anh không ra gì chứ ra ngoài anh vẫn còn có giá lắm.. »
Khi nói với niềm kiêu hãnh và có chút trách móc em như thế có bao giờ anh chịu khó nhìn lại mình, xem « anh ở gia đình » và « anh ngoài đường » có giống nhau không ? Ra ngoài thì lúc nào anh cũng hào hoa, ăn nói duyên dáng, luôn biết phục vụ, đưa vai giúp đỡ, đúng nghĩa một người đàn ông ga lăng lịch lãm thì thử hỏi sao người ta không cảm phục tán dương anh chứ ? Về đến nhà nếu không say xỉn thì anh chỉ biết chúi đầu vào chiếc máy vi tính hay dán mắt vào chương trình truyền hình không cần biết đến con cái học hành ra sao, nhà cửa thế nào. Cơm nước dọn lên cũng phải chờ đợi, nhiều lúc bữa cơm nguội lạnh hâm lại mấy lần mới thấy anh ngồi vào bàn.  Em chưa bao giờ có ý xem thường anh nhưng chỉ chọn cho mình cách im lặng, « không là gì của nhau » cũng vì tôn trọng anh đấy thôi. Từ lúc nào chẳng biết, nguyên nhân nào chẳng rõ, anh không còn bàn bạc, chẳng chia sẻ, và cũng hết tâm sự với em. Không bàn bạc vì tiếng nói, ý kiến đã không còn giá trị , không chia sẽ là biểu hiện của niềm tin vắng bóng và không tâm sự có nghiã từ nay mỗi đứa « riêng một góc trời » không còn ở trong quỹ đạo của đời nhau nữa. Là vợ chồng nhưng mình không còn « chung một đời riêng »  mà anh đã tự chọn « riêng một đời chung » thì em có tôn thờ, thần tuợng hay tán dương, khen ngợi liệu có còn ý nghĩa gì không đối với anh ?...
Sáng nay con rất vui được gặp lại anh và lòng em ngập tràn hạnh phúc mừng đón anh về sau một thời gian dài anh về thăm quê. Niềm vui chưa nói hết, nỗi mừng chưa kịp trọn, em đã nghe câu than thở vô tình của anh: «  về đây buồn quá… »
Thật vậy sao anh ? Mái ấm gia đình, tình vợ chồng, nghĩa cha con, nỗi nhớ thương, mong đợi của em và con không còn chút giá trị gì sao? Lý do nào khiến anh vừa về đến nhà chưa hết một ngày đã chồn chân muốn trở gót ra đi ? Điều gì ở quê nhà đã hấp dẫn và cuốn hút anh đến quên cả lối về ? Hay vì tình yêu lặng lẽ của em đã không còn đủ sức nắm giữ tay anh ?
Lặng lẽ yêu, lặng lẽ chiều, lặng lẽ nhớ mong…em cứ nghĩ mình cũng sẽ mãi được yêu thương trong lặng lẽ như thế. Nhưng bây giờ em mới hiểu cái « lặng lẽ » đó đã dần biến thành « lạnh lẽo », đưa tình mình đến « lạnh lùng » đáng sợ và đau xót hơn, hôm nay chúng ta đã trở thành « lạ lẫm » không còn nhận ra khuôn mặt tình yêu của nhau nữa. Chẳng lẽ tình mình đã đi đến kết thúc rồi sao anh ? Anh phải làm gì ? Em phải làm sao ? Em và anh,  ai sẽ là người đi những bước đầu để đưa tình mình ra khỏi tình trạng yêu thương lặng lẽ quá nguy hiểm này ???
Hôm nay mình trở lại thăm biển sau bao nhiêu năm bỏ quên cái thú ngắm hoàng hôn, nhìn mặt trời khuất dần bên kia biển. Có quá nhiều sở thích, thú vui chung đã bị mình lãng quên kể từ khi chúng ta lặng lẽ đi bên đời nhau phải không anh ?
Biển ngàn đời vẫn vậy, nhưng mình hôm nay đã khác. Em nhớ lần đầu tiên cùng nhau ra biển, hai đứa đã rất tâm đắc với một bài hát và tự nói với nhau mình sẽ mãi như « thuyền và biển »  Nhưng  cái thửơ « chỉ có biển mới biết thuyền đi đâu về đâu » đã thuộc về quá khứ  và những ngày không gặp nhau bây giờ biển đã không còn bạc đầu thương nhớ, lòng thuyền cũng chẳng còn đau rạn vỡ nữa bởi hôm nay mình đã không còn nằm trong quỹ đạo của đời nhau . Đã xa rồi những tối nằm tâm sự, chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống. Đã hết rồi những sáng ngồi bàn bạc, toan tính chuyện tương lai. Không bàn bạc, hết sẻ chia vì anh có những « khoảng trời riêng » cần che đậy, dấu giếm. Chẳng muốn tâm sự, chẳng buồn lo tính chuyện ngày mai bởi em quá mệt mỏi với niềm tin đã từng vụn vỡ . Và như thế, dù không phải cách xa nhau nhưng lòng hai đứa vẫn chỉ còn “sóng gió và bão tố”. Sóng gió của dối gian và bão tố của niềm tin bị bội phản.
Hôm nay nhìn lại biển, em chợt thấy mình như những cơn sóng nhỏ lăn tăn còn anh là bờ cát rộng. Sóng cứ miệt mài chung thủy trôi vào bờ để được ôm lấy cát mặc cho cát cứ vô tình đẩy sóng ra xa, để rồi có những lúc quá mỏi mệt sóng không còn đủ sức vào bờ với cát, cát lại chực chờ đợi gió đến cuốn bay…
Bao giờ thì biển yên, gió lặng để tình ta có thể trở lại như xưa ?
Ngồi ôn lại những kỷ niệm thời con gái và nhớ lại ước mong con cái « yên bề gia thất » của Bố Mẹ ngày xưa, em chợt cười một mình. Liệu có bao giờ gia thất được yên ổn như cha mẹ thường mong đợi hay đời sống gia đình luôn bấp bênh, sóng gió ? 
Ở cái tuổi chưa quá già để nghĩ đến sự chết nhưng cũng không còn trẻ để mơ mộng, ảo tưởng về một thứ tình yêu vĩnh cửu ; cái tuổi đủ để cảm nhận được « vô thường » luôn hiện hữu, em chợt tiếc nuối thửơ độc thân. Cũng vẫn là cô đơn, cô độc, cô liêu ; cũng vẫn  một mình đi, một mình về, một mình ăn, một mình ngủ, nhưng dường như trong cái lẻ loi, đơn độc của đời độc thân vẫn tiềm tàng một niềm an vui tự tại chứ không đắng đót vị bẽ bàng, ngỡ ngàng, phũ phàng và lỡ làng của đời lứa đôi thất bại.
Nếu biết trước được hạnh phúc quá bé nhỏ trước cái mênh mông của vô thường, có lẽ em đã không chọn đời hôn nhân đầy thách đố. Người ta thường nghĩ đời sống ngắn ngủi nên thường vội yêu, vội hứa, vội thề nguyền nhưng thật ra đời người lại quá dài đủ để trải rộng, phơi bày hết mọi dối gian, mọi phản bội, vong thề. Và phải chăng « Tu là cội phúc, tình là dây oan » mới thực là chân lý của hạnh phúc ?
Một tình cờ ngẫu nhiên lại khiến em phát hiện thêm những gian dối của anh, và cũng như bao lần khác em lại yên lặng không nói gì, mặc cho anh cứ ung dung tự tại nghĩ mình đã che dấu được mọi điều. Chính sự an nhiên bình thản của anh đã làm em chán chường, mệt mỏi. Chán chường vì anh nói dối mọi chuyện, mọi lúc, mọi nơi đến nỗi bây giờ chuyện nói dối đã trở thành như hơi thở không thể thiếu đối với anh. Mệt mỏi khi cứ phải giả ngây giả ngô trước những lời dối trá. Sự thật không còn, niềm tin vắng bóng liệu có còn chổ nào cho tình yêu trú ngụ?
“Em muốn nghĩ sao thì nghĩ tùy em, anh không nói nữa..”
Cứ mỗi lần tranh cãi, khi không thể giải thích được những vấn đề em nêu ra, trước những chứng cứ cụ thể, anh lại dùng đến biện pháp bất cần, ngang ngược cố hữu để khóa miệng em. Mỗi khi chứng tỏ bản lĩnh “bất cần đời” bằng cách bỏ đi khi tranh cãi như thế, anh cứ nghĩ mình đã thành công trong việc trấn áp cho qua chuyện bởi lẽ anh biết chắc một điều là “em rất yêu anh”.
Và cứ như thế, anh thường xuyên áp dụng phương pháp độc tài “ngang hơn cua” để cắt đứt đối thoại, “bịt mồm, khóa miệng” này hầu che đậy những chuyện lăng nhăng gian dối  của mình.
Và cứ như thế, vì yêu anh, em luôn cam chịu bị lừa dối, bị lép vế, bị xử ép, bị tổn thương…
Để đến hôm nay, cái khối u ác tính do anh quá “lạm dụng vào tình yêu, vào lòng tin” đã vỡ toang đưa căn bệnh ung thư của tình mình đến giai đoạn “di căn tòan bộ”: niềm tin bị hủy hoại, lòng tự trọng bị xoáy mòn, tình yêu bị tổn thương.
Đã thật sự “hết thuốc chữa” rồi phải không anh? Hay vẫn còn đâu đó một “phép mầu”  có thể cứu chữa được tình ta ?
Hôm nay em đã phải thú nhận với gia đình là hai đứa đang trong tình trạng “ly thân” để nhìn lại mọi vấn đề. Lẽ ra em không nói sự thật đau lòng này nhưng em cũng không thể tránh né mãi trước những thắc mắc của gia đình về tình trạng lặng lẽ hiện tại của chúng mình.
Trước những câu hỏi của mọi người về một tình trạng “không bình thường” của anh, em phải trả lời như thế nào đây? Chẳng lẽ em lại nói anh không về thăm Má được vì đang bận đóng vai “con rể” với gia đình của “em yêu”? Hay em phải giải thích anh không đến chơi nhà các anh chị được vì còn phải bận bịu chăm lo cho đứa con riêng còn nhỏ dại của cô “em gái” khác cha khác mẹ ? Nghịch lý quá phải không anh? Bổn phận thật thì anh không nhớ nhưng lại xuất sắc chu toàn những bổn phận không phải của mình.
Nhớ ngày xưa khi con còn nhỏ, mỗi lần em bận việc nhờ anh chơi với con thì anh viện cớ không có khiếu, không đủ kiên nhẫn chơi với trẻ con; nhưng bây giờ anh lại sẳn sàng tình nguyện ngồi giờ này qua giờ khác để trả lời những thắc mắc, chịu đựng sự nghịch ngợm của con riêng cô bồ nhí. Má em đau, anh lấy lý do ở xa, bận việc không về thăm được; nhưng Ba cô ấy nằm bệnh viện thì anh cuống quít chạy gửi gắm khắp nơi, vào ra thăm viếng…
Bạn bè biết chuyện ai cũng hỏi em sao cứ mãi im lặng chịu đựng những nghịch lý như thế. Nhưng thử hỏi ở cái tuổi của không còn trẻ của chúng mình chẳng lẽ lại ghen tuông ầm ĩ té tát cả lên hay hất tung đạp đổ mọi thứ? Để làm gì và có ích gì khi mà “yêu nhau” và “giữ được nhau” là hai phạm trù hoàn toàn khác biệt, độc lập với nhau ? Bây giờ em mới “ngộ” ra tình yêu là thứ vô thường nhất trong các vô thường của cuộc sống. Có yêu nhau nhiều đến đâu, có nuôi dưỡng tình yêu thế nào cũng không thể nắm giữ được một khi tình đã muốn ra đi Giải pháp tốt nhất chỉ là im lặng đi bên đời nhau như mình đã từng lặng lẽ bên nhau từ rất lâu…
Dịp về quê lần này, mình lại có dịp “sống bên nhau” như những ngày tình mình chưa rơi vào lặng lẽ. Cũng chỉ là “đóng kịch” trước gia đình hai bên, bạn bè hai đứa như mọi khi nhưng trong những màn kịch đó, thỉnh thoảng lại có những lúc em thấy chúng mình diễn thật, thật như ngày xưa mình rất thật bên nhau. Nhưng rồi em lại xót xa nhận ra trong cái khoảnh khắc rất thật đó vẫn tồn tại một chút ngượng ngùng, nghi ngại.  Lẽ nào cái bóng đêm dối trá bao phủ tình mình bấy lâu, đã chặn đứng mọi nẻo không cho sự thật được trở lại, tình mình được quay về?  Có yếm thế lắm không khi em không còn dám tin “sau cơn mưa trời lại sáng” bởi lẽ tình mình đã phải sống quá lâu trong đêm đen của gian dối, phản bội ? Có bi quan lắm không khi em không còn dám mơ đến sự hồi sinh của một tình yêu đã chết? Và liệu có phép mầu nào có thể khơi dậy được ngọn lữa yêu thương trong đống tro tàn của tình yêu lặng lẽ không anh? 
Tình cờ đọc được trang blog của con trên mạng, em mới giật mình nhận ra tình trạng lặng lẽ bấy lâu của chúng mình đã kéo theo quá nhiều thứ lặng lẽ khác mà nguy hiểm hơn cả là tình trạng im lìm, khép kín của con. Bây giờ em mới hiểu tại sao con đã phải tìm đến thuốc lá để xả stress. Người ta hút thuốc cho đỡ lạnh thân xác, còn con đã phải nhờ đến khói thuốc để quên đi không khí lạnh giá của gia đình. Hóa ra cái lặng lẽ từ lâu mình vẫn xem là bình thường, không đáng chú ý lại ảnh hưởng sâu xa vào tâm lý tuổi mới lớn của con đến thế. Em cứ tưởng chỉ cần yên lặng bên nhau, không gây gổ lớn tiếng, không xô xát ồn ào là đủ che dấu tình trạng “xuống cấp” của tình mình, đủ giữ bình an hạnh phúc cho con. Em quên rằng con đã lớn không còn ngây thơ nhỏ dại để dễ dàng chấp nhận những giải thích lấp liếm của em về sự vắng mặt thường xuyên, dài ngày của anh: “ Ba bận đi công tác xa”. Mình đã từng thành công trong những “màn kịch” với bạn bè, đồng nghiệp nhưng đã không che dấu được tình trạng “tình yêu bên bờ vực thẳm” trước mặt con. Và nỗi lo sợ chia tay, đổ vỡ của ba mẹ đã dẫn con đến tình trạng trầm cảm, ít nói như hiện nay.
Ngồi hằng giờ trước trang blog của con, em tự hỏi liệu giải pháp “lặng lẽ yêu thương” của mình có phải là cách giải quyết tốt nhất cho hạnh phúc của con? Có nên chăng kéo dài tình trạng lặng lẽ như hiện nay hay mình cần một lần can đảm ngồi trước mặt con, cùng nhau “mổ xẻ” cái khối u đang hoành hành và đe dọa sự sống của tình yêu hai đứa?

 Nắng Tím - Mây Đen      

CHÀNG (Lặng Lẽ Yêu Thương)

Giật mình tỉnh dậy, anh thấy mình nằm co trên ghế trong phòng khách, đèn bật sáng, tivi vẫn nheo nhéo tiếng cô xướng ngôn viên, bên ngoài hình như trời đang mưa và đồng hồ chỉ hơn hai giờ sáng.
Không biết đêm nay là đêm thứ bao nhiêu, anh đã nằm ở đây, còn em nằm trong phòng của chúng mình trên lầu. Không nhớ được là đêm thứ bao nhiêu đồng nghiã với « anh đã quen với những đêm ngủ một mình ở phòng khách » mà từ rất lâu, chắc có đến hơn bốn năm, nếu anh nhớ không lầm, chúng mình đã không còn ngủ chung…và cuộc sống lứa đôi  ngày càng nặng nề, lặng lẽ.
Nặng nề từ  ngày em nghi anh có bồ nhí, và lặng lẽ từ ngày em hỗn láo với bố mẹ anh để rồi  từ  đó, chúng mình ít nói với nhau và  từ sáng sớm cho đến khuya khuyắt, nhà mình không còn tiếng cười, nhưng thay vào  là những  trách móc, thở than, nhiếc mắng, tra hỏi.
Em tra hỏi, anh trả lời, lúc đầu còn nhẹ nhàng phiá người hỏi, và thành thật phía người thưa; nhưng càng về sau càng gay gắt, căng thẳng: em trở thành chấp pháp, quan toà, và  anh miễn cưỡng trả lời câu thật, câu dối, nửa có nửa không. Kết qủa là cả hai cùng khâu môi, khoá miệng, vì không ai tin ai, không bên nào chịu thua bên nào. Kết qủa là thông tin bị cắt, thông cảm bị triệt, thông giao tắc nghẽn và hậu qủa là đêm về không còn đồng sàng, cùng gối cùng chăn; nhưng em trên lầu, anh dưới phòng khách như thưở đất nước còn chiến tranh khi « em hậu phương, còn anh nơi tiền tuyến ».
Ngày mới quen nhau, bàn chân anh nhanh nhẹn, dáng đi em đon đả, môi em thắm, mắt anh xanh. Cả hai là tình yêu trong nhau, hy vọng cho nhau, hạnh phúc của nhau, dù đường tình có lúc không hạnh thông vì gia đình hai bên đã không ủng hộ, vun xới. Nhưng ngày ấy, vì yêu nhau  tha thiết, vì mến nhau nồng nàn, em đã chẳng ôm cổ anh mà thì thào : «Em muốn yêu anh dài lâu. Em sẽ yêu anh đậm sâu » sao ?
Hôm nay thì một lời em chẳng nói, một tiếng em không buông, một câu em không hỏi, nói chi đến đậm sâu với dài lâu, mong chi đến thuở răng long, bạc đầu ?
Đêm nay là đêm thứ bao nhiêu anh đã nằm trên chiếc ghế này, chiếc ghế dài của bộ salông được mua về để mời khách ngồi ngày chúng mình ra nhà mới. Có bao giờ mình đã nghĩ ghế ngồi của khách ban ngày đã trở thành giưòng nằm của chồng ban đêm ? Là đêm thứ bao nhiêu của năm thứ tư anh cuộn mình buồn tủi trong túi ngủ mầu xanh khi con cái lên phòng, và em cũng  ung dung lên phòng như bà chủ « ngự giá » trong thiên đàng cũ của chúng mình ? Một mình trong « thiên đàng cũ » vắng vẻ, im lìm không biết em có nhớ những buổi tối rộn rã tiếng cười, ngọt ngào lời ca, chan hoà hạnh phúc ?
Ngoài trời, cơn mưa dồn dập, nặng hạt, anh không biết mình nên ngủ lại hay nên thức…
Thở dài, anh tự hỏi: không lẽ mình sẽ mãi ngủ vùi trong « lặng lẽ yêu thương » ?   
Hôn nhân bao hàm tình yêu và tính dục, nên từ chối ngủ chung là dấu hiệu hôn nhân bắt đầu rạn nứt. Người ta có thể phản biện: ngủ riêng quen rồi, nên nằm chung khó ngủ.
Nhưng hôn nhân không là đời độc thân nối dài, mà là bước rẽ sang ngang, qua hẳn con đường khác, một « đoạn tuyệt » với nếp sống độc thân, cô đơn trước đó.
Khi đã kết hôn, người chồng không còn tự do rong chơi, la cà suốt đêm ngoài qúan xá; người vợ không còn thong dong bay nhẩy hết tiệc này đến tiệc kia, chỉ vì cả hai đã tự nguyện bỏ nếp sống độc thân để « chung nhau » một nếp sống mới của đời vợ chồng.
Bởi hôn nhân bao hàm tình yêu và tính dục. Tình yêu bắt nguồn từ vẻ đẹp tinh thần và tính dục bắt nguồn từ vẻ đẹp thể xác, nên hôn nhân phải bắt nguồn từ cả hai vẻ đẹp tinh thần và thể xác. Loại bỏ  vẻ đẹp của tinh thần, hôn nhân sẽ là hôn nhân không tình yêu và thoái hoá thành hôn nhân điếm đàng, sa đoạ. Loại bỏ vẻ đẹp của thân xác, hôn nhân sẽ là hôn nhân không tính dục, và teo lại thành hôn nhân bệnh hoạn, vô nghiã. Chính vì đòi cả hai vẻ đẹp tinh thần và thể xác mà vợ chồng không thể không ngủ chung để chiêm ngắm và chung hưởng vẻ đẹp thân xác của nhau; đồng thời cho phép thân xác hai người được hoà quyện trong nhau, và trở nên một.
Khoái lạc tình dục phải được vợ chồng trân trọng và hiểu là chút phần thưởng Thượng Đế dành cho đời sống hôn nhân để đền bù trách nhiệm cao cả và nặng nề là cộng tác vào công việc sáng tạo nhân loại của Ngài. Vì thế, vợ chồng cùng nhau đón nhận phần thưởng  « khoái lạc tình dục » là điều chính đáng.
Cũng vì chính đáng, nên khi không còn hào hứng đem lại cho nhau khoái lạc tình dục qua thái độ lạnh lùng, từ chối  nhau hạnh phúc chăn gối, vợ chồng đã biểu lộ tình trạng  xuống cấp trầm trọng của tình yêu. Tất cả những đổ vỡ  trong hôn nhân xem ra đều bắt đầu từ việc không ngủ chung nghe như rất quen thuộc này.
Khi không còn cảm thấy gần nhau mới ngủ được, có nhau mới ngon giấc, bên nhau mới có những giấc mơ đẹp, vợ chồng bắt đầu lặng lẽ yêu thương… Chưa hẳn không ngủ với nhau là hết yêu nhau, nhưng là yêu nhau, thương nhau trong những bước chân lặng lẽ mỗi người đi về chỗ ngủ riêng, về ngõ riêng, về góc riêng, về thế giới riêng. Những cái riêng của tình yêu lặng lẽ ấy sẽ dần lấy đi cái chung của vợ chồng và mở đầu những ngày rạn nứt, chờ ngày vỡ  toang để đôi đời  trở lại đôi bến « mỗi người một góc trời, mỗi người một góc nhỏ, mỗi người một đời riêng, mỗi người một chăn một gối ».    
Cuộc đời là con đường. Đường tình là đường hai người yêu nhau cùng đi, đồng hành về một hướng, đến chung một bến bờ.
Ngày mới yêu nhau, hai chúng mình ít nhìn nhau, có lẽ vì e thẹn, ngại ngùng. Thay vì nhìn nhau, mình đã nhìn chung  một hướng ; nhờ thế mà những khuyết điểm của anh đã không bị em phát hiện, và thiếu sót của em anh cũng không quan tâm. Có lẽ vì  không nhìn nhau qúa kỹ mà chúng ta đã tránh được nhiều mâu thuẫn những ngày đầu mới yêu nhau.
Hôm nay thì mình biết nhau qúa rõ, biết nhau từng đường tơ kẽ tóc, biết từ đỉnh đầu đến gót chân, biết tính tình, ước mơ, thao thức, biết tường tận chi li từng lỗi lầm, yếu đuối.
Và những cái biết về nhau ấy không ngờ đã trở thành trái đắng cho nhau. Em biết nhiều nên đay nghiến, dằn vặt. Em biết rõ nên cau có, giận dỗi. Chuyện em biết về anh đã đành, cả những chuyện về cha mẹ, gia đình, gia tộc của anh cũng làm em bực bội, nổi khùng. Em quên một điều: gia đình nào chẳng có những bí mật đáng buồn cần phải giữ kín, và con cái có được quyền chọn cho mình cha mẹ, anh chị em đâu ?  Em biết không, những châm biếm đầy ác ý, những thiã bãi thiếu tính nhân văn, những thái độ khinh mạn cha mẹ chồng, những lườm nguýt đám em chồng nghèo túng khi chúng từ quê ra thăm anh trai, chị dâu. Tất cả đã đẩy anh dần lui vào bóng tối lặng lẽ, kéo anh vào vỏ ốc « an toàn » và anh trở thành người tù của chính người mình yêu, mà tù nhân thì có ai không cô đơn, đau buồn, lặng lẽ ? 
Nếu biết nhau để yêu nhau hơn như  tiền nhân nhắc nhở :« Vô tri bất mộ » thì đường tình chúng mình không lặng lẽ đến thế. Chính vì biết, và chỉ tìm biết những tiêu cực của nhau, chỉ khai thác những phần yếu của gia đình nhau, chỉ moi móc những sơ hở, đáng trách của nhau, mà quên biết hay cố tình không biết, không đếm xiả đến  những tích cực, phần mạnh, điểm tốt, điều hay ở nhau, nên đời sống vợ chồng của chúng mình ngày càng lặng lẽ vì mất ý nghiã chia sẻ của đời sống chung. Không còn cảm thông, làm sao có chia sẻ. Không chia sẻ làm sao chung được một đời ?
Những vô nghiã từ đó cứ đua nhau kéo về biến cuộc sống hai đứa thành bãi chiến trường của cuộc chiến tranh lúc lạnh lúc nóng và kết thúc bằng hoà ước mang tên lặng lẽ « yêu thương ». Hai chữ yêu thương còn  đó, nhưng mức độ yêu thương còn được đến đâu ? Ngay cả hai người đang lặng lẽ yêu nhau cũng không biết được tình trạng thực của thứ tình cứ từng ngày lặng lẽ xuống cấp này.    
Trên đường đời không có những chặng đến đích, chỉ có những chặng nghỉ chân. Ấy thế mà những chặng nghỉ chân trên đường tình của hai đứa đang có nguy cơ  biến thành đích đến. Ngày mới cưới, chúng mình chỉ nghĩ đến một đích đến ở cuối đường  khi hai đứa xuôi tay, nhắm mắt với hạnh phúc viên mãn. Nhưng hứa hẹn, thề thốt đi với nhau đến cùng đường, tận cây số cuối đường đời đã lặng lẽ phai mờ, phiêu dạt lúc nào không hay. Những chặng nghỉ chân vì đường tình dài vất vả, những trạm dừng thư giãn vì sống chung có những chuyện không vui cần sẻ chia, giải quyết đang được em  biến thành chặng chót, đích tới như  « gánh gẫy giữa đàng ».
Em đã không đủ kiên nhẫn ngồi xuống để đối thoại… Nguyên  việc nói với nhau một cách ôn tồn, nhẹ nhàng, đằm thắm thôi, em cũng đã không làm được. Em thích hét, thích la, thích té tát, và lắng nghe là điều em chưa bao giờ quan niệm, nói chi đến thực hiện.
Và ngày tháng trôi dần lặng lẽ. Cái lặng lẽ nặng nề, ngộp thở. Cái lặng lẽ cô đơn ứ nghẹn. Cái lặng lẽ của hai người yêu nhau đang đi vào ngõ cụt.    
Có rất nhiều lý do để tình yêu ngày càng lặng lẽ.
a.  Những xich mích, đụng chạm không được xóa sẽ tích tụ thành khối u ác tính:
Cũng như bệnh ung thư đến thời di căn, những chuyện cũ không vui; nếu không được giải quyết một lần rành rẽ, chân thành và được tẩy xóa bằng cảm thông, tha thứ sẽ lan kín cuộc sống và hủy hoại toàn bộ sinh hoạt. Những ức chế vì bị xử ép, hay những tổn thương vì bị xúc phạm luôn nằm đó, tuy im lìm nhưng không ngừng lớn từng ngày. Khi cơ hội đến, tất cả sẽ nhất loạt bùng nổ.
b.  Những bí mật « phiền phức »:
Không ai không có những bí mật riêng cần dấu kín; nhưng không mấy ai che dấu được thời gian, vì với thời gian, không gì sẽ mãi là bí mật. Khi những bí mật không đẹp của nhau bị huỵch toẹt phơi bầy, người ta dễ rơi vào hai tâm trạng: bàng hoàng và mất niềm tin. Bàng hoàng khi « vỡ lẽ » biết những sự thật đau lòng ngoài sức tưởng tượng. Mất hết niềm tin khi bất ngờ thần tượng hiện nguyên hình. 
Niềm tin cần cho tình yêu, như hơi thở cần cho sự sống. Không tin nhau sẽ dẫn đến hết thương nhau. Tuy thế, nguyên nhân đưa đến mất niềm tin thì đa dạng và phức tạp; bởi có thể chỉ là những hiểu lầm nhỏ, những thiếu sót không đáng trách, những sơ sẩy rất « người » và đáng thứ tha; nhưng vì không được khai thông đã ứ đọng làm thành ao tù những ức chế, hờn giận khiến tình yêu biếng ăn biếng ngủ, đau yếu, hao mòn.
c.  Những gánh nặng ngày càng nặng thêm:
Sở dĩ khi bước vào tuổi bốn mươi, năm mươi, vợ chồng  cảm thấy không còn hào hứng, phấn khởi khi yêu nhau, một phần cũng vì những gánh nặng con cái, kinh tế, xã hội vốn đã nặng nay càng nặng thêm, tỷ lệ thuận theo tuổi đời. Ngày xưa con là nỗi khổ khi chào đời,  nay là nỗi lo khi con dậy thì, và ngày mai là mất mát khi con trưởng thành rời xa tổ ấm. Vợ chồng còn thấm thiá hơn nỗi buồn đời làm cha mẹ khi con cái không nên người như mẫu người mình mong ước. Và chỉ riêng một gánh nặng con cái cũng đã đủ làm ê vai hai người, thêm những gánh nặng khác hỏi làm sao chân không chùn, bước đi không lảo đảo và  dễ đưa đến lặng lẽ xa nhau ?
d. Hình ảnh mình trong người yêu bị phai mờ:
Những ngày mới quen nhau, yêu nhau thì hình ảnh em không chỉ được đặt trên bàn, đầu giường, mà còn có trong bóp, trong tim, trong ý thức, cả trong vô thức, tiềm thức. Hình ảnh ấy với thời gian sẽ  phai mờ nếu không được tô lại mỗi ngày. « Mờ » vì sự muộn phiền như con mọt gặm nhấm tuy chậm rãi, nhưng rất hiệu nghiệm  tình yêu  đôi lứa. « Phai » vì hai người không còn nói được những lời năm xưa : « Tôi mới chỉ là năm mươi phần trăm của riêng tôi; còn vợ, chồng tôi mới là  năm mươi phần trăm khác của chính tôi » để thay vào một câu khác có sức tàn phá tình yêu rất ghê gớm: « Tôi là tôi; còn anh chẳng là gì nữa đối với tôi » khi hai người tranh giành từng phân ly ảnh hưởng, quyền lực và từ chối nhận ra « phân nửa mình » trong người mình yêu. Để rơi vào tình trạng bi đát này, hai người trước đó đã chỉ cho mình là quan trọng và cố ra vẻ quan trọng. Cả hai đã quên hậu qủa của chủ trương « thần tượng cái tôi » mà Sigmund Freud đã phân tích, đó là thế giới sẽ hỗn loạn vì nạn tranh quyền. 
e.  Cả hai quên mình đang cùng hát đồng ca:
Đời sống hôn nhân là bài hát có hai bè: bè trầm và bè cao; vợ hát bè cao, chồng hát bè trầm, và Thượng Đế là nhạc sĩ, nhạc trưởng. Nếu hát vững và đúng bè, cả hai sẽ thành công với khúc ca tuyệt vời. Nhưng nếu bỏ bè mình để hát sang bè khác vì hát dở hoặc nghĩ rằng bè mình không hay bằng bè kia, hoặc cung điệu bè mình kém sôi nổi, lãng mạn, tình tứ  là phá vỡ bản nhạc, làm hỏng khúc hát, giảm  giá trị của  bài ca và nhất là khinh thường nhạc trưởng và tài năng của nhạc sĩ.
Hôn nhân là bản  đồng ca mà cả hai ca sĩ trình bầy phải giữ vững bè riêng của mình. Giữ vững bè của mình là phát huy khả năng riêng của mình và trân trọng khả năng của người phối ngẫu. Nếu mọi người đều biết: khả năng cao cả nhất của đàn ông là sáng tạo, và khả năng cao cả nhất của đàn bà là yêu thương và tôn trọng khả năng của nhau thì hạnh phúc gia đình chan hoà và bình an có mặt trong đời sống.     
Lặng lẽ mỗi người một góc là khi đánh mất ở nhau nụ cười. Có người nào đã yêu  mà không mỉm cười với người mình yêu ?  Nụ cười tình yêu nào cũng đẹp và đôi môi nào cười cũng xinh; vì nụ cười là nhịp cầu của hai trái tim, hai tâm hồn, hai người đang yêu nhau.
Không cười với nhau là tình yêu trong nhau đã chết một nửa, nửa còn lại  đang hấp hối. 
Nhưng dù  hấp hối, tình yêu vẫn có sức hồi sinh nhờ nụ cười; vì nụ cười là tia lửa bắt cháy cả cánh đồng tình cảm đã khô chồi từ lâu.
Buổi trưa của tình yêu hôn nhân là thời kỳ của nhiều thử thách, và thử thách nặng nề nhất chính là kinh nghiệm hạnh phúc.
Khi mới yêu, ta có hạnh phúc trước mắt. Sau nhiều năm chung sống, hạnh phúc lại như sợ hãi trốn chạy.
Có thật hạnh phúc trốn chạy tình yêu hay hai người yêu nhau đã không nhận ra hạnh phúc chỉ vì hạnh phúc ở qúa gần, không trước mặt nữa, nhưng ngay trong con người, trên da thịt.
Chính vì nơi ở của hạnh phúc qúa đơn sơ, mà ta lại thường  tìm nó ở những nơi cầu kỳ, nên gặp được nó, ta tưởng là ngẫu nhiên, tình cờ. Đi tìm hạnh phúc như ngẫu nhiên, tình cờ, bao giờ ta mới gặp? 
Có thể, chúng mình đang  mải mê đi tìm hạnh phúc ở những nơi hạnh phúc vắng mặt. Thực ra hạnh phúc đang ở trong em, trong anh khi chúng mình chấp nhận những gì mình đã từng có, đang có, sẽ có hoặc không có. Nếu tính  hết những gì vừa kể, chúng mình  có nhiều lắm và chấp nhận sẽ là hạnh phúc của đôi ta.
Tình yêu là hạt giống  của hạnh phúc. Nhưng để hạt giống mãi trong kho, hạt giống không nẩy mầm được. Phải gieo hạt giống trong đất, hạt giống mới cho hoa trái xum xuê.
Tình yêu từ chối hy sinh cũng như hạt giống chối từ đất. Không chấp nhận vào đất tăm tối, bụi bặm, hạt giống tình yêu không thể mang lại mầu trong xanh, tươi tắn của hạnh phúc.
Đã nhiều năm mình nắm chặt tình yêu của nhau  như  giữ kỹ viên kim cương qúy giá, và khuynh hướng sở hữu đã làm cho cả hai mệt mỏi, chán chường ngay chính tình yêu mình đang cần. Mình đã quên tình yêu là sự sống, nên cần không khí để thở; quên tình yêu là đời sống nên cần không gian để hoạt động, để rồi gò bó, kềm kẹp, trói chặt tình yêu  trong ích kỷ sở hữu của « cái tôi » thống trị.
Có muộn qúa không em cho tình yêu được giải phóng ? Có trễ qúa không em cho tình mình được hồi sinh ?
Con người thường hay mâu thuẫn với chính mình. Có những việc tốt muốn làm lại không làm, những chuyện xấu biết phải tránh lại lăn xả vào. Tình của chúng mình cũng không đi ngoài cái vòng mâu thuẫn ấy khi chung nhau một mái nhà  thì thấy nóng bức, ngột ngạt; nhưng khi bỏ đi mới cảm thấy thế giới bên ngoài qúa  mênh mông, lạnh lùng.
Nhiều đêm anh đã bỏ nhà đi, vì không chịu nổi những càm ràm nhức óc của em. Quán bia đã làm dịu cơn giận của anh và tất nhiên khuôn mặt son phấn của các cô tiếp viên trẻ đẹp đã làm phôi phai ít là trong lúc đó hình ảnh em trong anh.
Nhưng rồi đêm càng về sâu, mưa càng nặng hạt, anh càng thấy lòng mình hắt hiu, cô độc. Trên đường chuyếnh choáng say gần về sáng, anh mơ hồ thấy dáng em lặng lẽ tránh đôi mắt đỏ ngầu nửa tỉnh nửa say.
Hạnh phúc hôn nhân không là một khối cẩm thạch tinh tuyền, đồng dạng có sẵn; nhưng do nhiều mảnh vụn thủy tinh  nhiều mầu sắc xếp chồng lên nhau. Những mảnh vụn thủy tinh này là những khác biệt giữa hai người. Không khéo xếp sẽ đổ vỡ; nhưng khéo xếp  những xung khắc nhỏ nhặt của đời thường  sẽ tạo nên khối kim cương vĩ đại, tuyệt đẹp, tức là tạo được hạnh phúc tràn đầy cho đời đôi lứa.
Xung khắc là thức ăn, bất đồng là nước uống. Có đời sống nào không động ?  Đã  có động tất có chạm, và chạm thì phải sứt sát, làm đau. Vì thế, chấp nhận sống chung là chấp nhận ít nhiều bị tổn thương, vì không tránh được đụng chạm.
Anh với em, tuy chưa một lần đấm đá thử sức, nhưng đấu khẩu thì thường xuyên như cơm bữa. Nhiều người bảo đôi ta khắc khẩu. Anh cũng đã cố tin và tìm lý do khiến mình khắc khẩu; bởi sau mỗi lần đấu khẩu, em lại lặng lẽ khóc; còn anh thui thủi một mình uống rượu giải sầu, và nhà mình lại im lìm lặng lẽ…
Trách em “già hàm”, anh cũng tự trách mình cố chấp. Giá như anh cứ thả cho em thắng hết bàn này đến bàn khác, đừng để cho em đuối lý, đầu hàng thì nhà mình có lẽ bớt lặng lẽ, im lìm hơn. 
Anh bực nhất mỗi lần em trách anh không bằng người này, người nọ. Cảm tưởng trong anh lúc đó là em không còn trọng anh, và đang coi anh như một công cụ, phương tiện. Em đã quên: hôn nhân là sự hoà hợp được thành hình do người này bù đắp cho người kia; vì thế khi lấy nhau, em và anh đã đồng ý chấp nhận có khả năng bù đắp, và hạnh phúc được bù đắp cho nhau.
Có thiếu mới cần đắp thêm, có dư mới bù cho người khác được. Em có dư mà cũng thiếu, anh thiếu mà cũng có dư, nên cả hai  cần nhau để bù qua sớt lại cho đầy đủ, hoà hợp. Chỉ trách anh thiếu, mà quên anh dư là đối xử bất công với người đã chấp nhận chung sống với em để cả hai cùng  bù đắp cho hạnh phúc hôn nhân được no tròn.
Bây giờ thì cả hai ta cùng thiếu: thiếu những buổi chiều đan tay dạo chơi tâm sự, thiếu những đêm hè chung võng kể chuyện ngày mới quen nhau, thiếu  môi hôn nồng nàn, thiếu vòng tay ấm áp, thiếu âu yếm ngọt ngào, thiếu rạo rực thiết tha. Thiếu nhiều và thiếu nhiều lắm những bữa cơm gia đình có anh có em bên các con, thiếu những cuối tuần vợ chồng cùng đi mua sắm, thiếu tiệc tùng hai đứa cùng đi, thiếu ngày mai những bước chân cùng sánh bước.
Thế là vỡ mộng hôn nhân no tròn hạnh phúc khi không ai « đắp » cho ai, mà cũng chẳng ai ngó ngàng đến chuyện « bù » cho  người  phối ngẫu  những phần người ấy thiếu.
Anh cứ ngỡ sự gì rồi cũng có thể quên, và nếu quên được thì tha thứ được. Nhưng thực tế không như mơ khi anh không quên được hình ảnh hung dữ của em khi em té tát chửi rủa anh một lần trước mặt hàng xóm, lần khác ngay tại nơi anh làm việc. Anh không nhớ anh đã làm gì, nhưng dù có làm gì đi nữa, anh nghĩ: em cũng không có quyền công khai mạ lỵ, hạ nhục anh. Em đã giận qúa nên quên ranh giới không bao giờ được phép vượt qua. Bây giờ thì hình ảnh không đẹp ấy cứ lởn vởn trong anh và mỗi lần nhớ đến em, anh lại bị hình ảnh kinh hoàng kia ám ảnh.
Có những chuyện buồn xẩy ra đã lâu, và anh đã cố quên để hàn gắn những rạn nứt giữa chúng mình, nhưng xem ra những cố gắng này không đủ để anh và em vượt qua hố sâu mặc cảm.
Anh mang mặc cảm bị vợ “dũa thê thảm” trước mặt người khác. Đàn ông ở cái xứ  này mà bị vợ coi thường thì qủa thực rất khó sống, không như đàn ông ở các nước phương Tây… Nhưng rất may ở những nước văn minh, đàn bà không mấy đanh đá, chanh chua…Cái mặc cảm của một người chồng bị vợ chà đạp danh dự rất khó xoá nhoà em ạ ; bởi như anh đây, ngày lại ngày, trong anh vẫn hiện nguyên hình em: người đàn bà hung dữ đang xấn xổ, tấn công chồng.   
Ký ức là bộ nhớ tinh vi và lưu trữ lâu dài mọi hình ảnh, tiếng nói, sự kiện, nên bất cứ chyện gì đã rơi vào bộ nhớ sẽ khó phôi pha. Chẳng thế mà người ta thường nói: tha thứ nhưng không quên. Riêng anh thì  phải quên  mới tha thứ được.
Chính vì khó quên mà anh cứ mãi mỏi mòn, rồi “hao tâm kiệt tình” đến nỗi dửng dưng, ơ hờ trước âu yếm của em; bời anh cứ ngờ ngợ sao đó con người của em … không hiền, không thật.
Hạnh phúc thật non nớt, khó nuôi, nên chỉ sơ ý là hạnh phúc đau bệnh, xuống sức. Cũng vì sơ ý té tát chuyện riêng của nhau cho hàng xóm, cũng vì bôi bác nhau cho thiên hạ trông thấy mà khinh nên hôm nay anh với em lặng lẽ mặc cảm. Tuy mình vẫn thương nhau, nhưng nồng nàn không còn, tha thiết đã vơi, say mê đã cạn, mà chỉ còn những bước rất chậm và rụt rè lặng lẽ bên nhau.
Anh tình cờ gặp lại mấy người bạn mà hơn sáu tháng nay “biệt tăm biệt tích” không lý do. Vặn hỏi, anh mới biết: tất cả bạn bè của anh đều nhận được thư riêng  em gửi tố cáo “tội ác” của anh. Mà có gì để gọi là tội ác đâu ?  Tất cả cũng chỉ vì cái tội có hiếu với cha mẹ già, đau bệnh.
Em không làm dâu cha mẹ anh ngày nào, cũng không bao giờ bị gia đình anh rầy la dù một tiếng, nhưng không hiểu sao em không mấy thiện cảm với bố mẹ chồng, anh chị em bên chồng. Anh thắc mắc hỏi, em lạnh lùng buông thõng : “Tại họ không tốt !”.
Nhưng thế nào là tốt hả em ? Có phải tốt là hằng tuần gửi qùa cho con mình ? Tốt là sắm áo mới, quần đẹp cho em hàng tháng ? Tốt là bán nhà chia  cho em một cục ? Tốt là đến ở và làm ôxin không lương cho em ? Anh thấy quan niệm tốt - xấu của em thật kỳ lạ. Nó chẳng được xây dựng trên một nguyên tắc triết học hay đạo đức nào. Tính em hay thay đổi, lại thích được tâng bốc, khen ngợi, nên những ai khéo  nịnh đều được em ngưỡng mộ, còn những ai ít mồm miệng, không luồn cúi, em đều gạt phăng và xếp vào loại người “không biết điều”. Và gia đình anh đứng đầu danh sách những người bị  em cho là  “không biết điều” ấy.
Tuy em không dám lớn tiếng chỉ trích ba mẹ anh, nhưng em hằn học, bất mãn. Càng “ghim” gia đình chồng, em càng đẩy anh xa em.
Và hôm nay, sau nhiều năm chung sống, anh thấy mình thực sự rất xa em, dù vẫn ở chung nhà. Không gian tâm lý ôi sao mà diệu vợi, hun hút, ngút ngàn. Vẫn ra vào thấy nhau đấy, nhưng sao xa xôi cách trở ? Ngay một lời hỏi thăm, tiếng chào buổi sáng cũng không thể vượt tường rào vô hình  ngăn cách. Vẫn quanh quẩn bên nhau đấy, nhưng sao thấp thoáng, mịt mờ đến rợn người như hai bóng ma không giao lưu, qua lại. Không gian tâm lý qủa thực kinh khủng. Nó xa tít mù và sâu thăm thẳm gấp ngàn lần khoảng cách điạ lý. Thế mới biết: đâu phải cứ ở bên nhau là gần nhau đâu ?
Ngày chưa cưới, anh đã cùng em lướt nhanh về mọi vấn đề của tương lai, trong đó có gia đình hai bên, và hai đứa đã đồng ý nhận cả hai bên gia đình là gia đình ruột của mình và đồng đều đối xử. Ngày ấy, anh tin tưởng và vui mừng vì ba mẹ sẽ hài lòng vì có dâu thảo. Nhưng không lâu mộng đẹp vỡ tan và em trở thành một nàng dâu hỗn láo, xấc xược. Em đối xử “không ra gì” với gia đình anh và đặt anh vào thế kẹt không thể thoát ra với tiếng đời cay nghiệt, đắng đót: thằng không biết dậy vợ.
Gia đình đâu có hiểu cho anh: làm sao dậy em được khi em ngang ngược, độc đoán hầu như “bẩm sinh”. Cái ngu của anh và cũng là cái dại của em khi nhà độc tài và kẻ bất khuất chấp nhận chung sống, thế nên chẳng ai nghe ai, chẳng ai phục ai và chiến tranh cứ đằng đẵng vô tận.
Đến hôm nay thì ngưng tiếng súng, nhưng cũng tắt hẳn tiếng nói cười, chỉ còn lại trong nhau chút tình rất lặng lẽ. 
 Bạn bè của hai đứa rụng đều như sung, chỉ còn  lại chị Liễu, anh Cầm. Cả hai than : “mệt qúa ông bà ơi, cứ điệu này chắc tôi chết mất và phải biến thôi”.
Tốt như anh Cầm, người có mặt với hai đứa  từ thời trung học mà còn phải than “mệt qúa, muốn biến”. Kiên nhẫn như chị Liễu mà cũng phải thở dài: “điệu này chắc chết, ông bà ơi!” thì hỏi ai sẽ là bạn tri âm tri kỷ của chúng mình?
Bạn bè bỏ dần, vì họ không thể ở mãi giữa hai lằn đạn, không thể mãi mãi phải nghe chuyện không vui của gia đình mình, nhất là phải là cái máy nghe những lải nhải vô nghiã, nạp những lên án hồ đồ, thâu những quyết đoán bất công, vô lý. Họ muốn là bạn chứ không muốn là quan toà, người trung gian “đời đời”, nên tìm đường thoát thân, bởi chuyện dài của hai đứa dường như không bao giờ có hồi kết.
Lúc đầu chỉ là những cú phôn than thở, “nhờ nói lại” kéo dài dăm ba phút, nhưng bất ngờ, em trở thành người quấy rầy chuyên nghiệp có khả năng đánh thức bạn bè giữa đêm khuya để nghe em kết tội chồng, rồi nức nở khóc ngon lành; hoặc năn nỉ bạn bè cầm máy trong giờ làm việc để nghe em kể lể lê thê, tả thương tả oán hằng giờ. Em  bỗng chốc trở thành nỗi đe doạ của bạn bè, vì họ bị tra tấn bởi những cú điện thoại dài như đời người, và nặng nề, chán ngán như án tù khổ sai. Bạn anh, bạn em, tất cả đều không muốn chết oan, “bị văng mảnh” vì mâu thuẫn của hai đứa, nên tế nhị lảng tránh, giả bộ không nghe, không  biết, không thấy gì. 
Em làm mất bạn vì không ai chịu nổi em, sau khi anh không còn chịu nổi người vợ yêu qúy. Thế là em cô đơn, thui thủi, ra vào căng thẳng, nhưng đành cắn răng lặng lẽ vì chẳng còn người lắng nghe …
Vì tính nói dai, nói dài, nói sai cho chồng, bạn bè người trước kẻ sau đã tìm cách tránh em: không nhận điện thoại, không ghé nhà, không giao lưu. Và em giật mình vì đánh mất tháng ngày xưa rộn rã với bạn hữu xa gần !
Em “căn me”, rình mò anh đủ kiểu để xem anh có kế hoạch gì riêng với con. Em không còn nhìn con cái như hoa trái của tình yêu hai đứa, nhưng biến chúng thành một lực lượng quân sự trong trận chiến thư  hùng giữa anh và em. Em nói xấu anh, kể tội anh, bôi bác gia đình anh, phê bình đời sống của anh chị em bên chồng với các con cốt để kéo chúng về phe mình, trở thành đồng minh có thực lực nhằm đánh bại, đè bẹp anh.
Anh không ngờ em tận dụng, khai thác con cái đến thế. Chúng trở thành “con tin”, con cờ, con rối trong tính toán, mưu đồ của em mà mục tiêu duy nhất là đánh gục anh. Nhưng đánh gục anh để làm gì ? Đây là câu hỏi mà ít khi em dám thinh lặng với chính mình  để tìm ra đáp số đúng.      
Tấn công anh để anh  mất việc, em và các con sẽ được gì ? Bôi bác anh để anh mất hết danh dự, vị thế xã hội, em và con sẽ hạnh phúc hơn ? Khống chế anh để anh trở thành tên tù trầm cảm, yếu đuối, em và con sẽ vui hơn ? Triệt hạ anh để anh không còn muốn sống đời làm chồng, làm cha, em và con sẽ bình yên hơn dưới mái nhà ?
Chắc chắn là em đang giải một bài toán không bao giờ có đáp số đúng, bởi em đã không giải bằng định lý Công Bằng, định đề Yêu Thương, công thức Tương Kính, nhưng em đã chọn Ghen Tuông, Ích Kỷ, Hận Thù, Kiêu Căng làm phương án, lời giải. Chỉ tội nghiệp cho các con. Chúng nó vô tội, nhưng lãnh đủ hậu qủa tai ác của tội. Chúng nó vô tư, nhưng phải chọn cha, mẹ làm đồng minh hoặc đối thủ. Chúng nó đơn sơ, nhưng từ nay phải vò đầu, bóp trán tìm nguyên nhân đưa đến chiến tranh  giữa hai đấng sinh thành… mà có lẽ đến hết đời, chúng vẫn không hiểu tại sao.
Sinh nhật anh thì anh lấy cớ bận họp, bận công tác đi xa để không phải đóng kịch trước mặt các con khi phải thổi nến, cắt bánh sinh nhật. Sinh nhật em thì anh miễn cưỡng làm trọn nghiã vụ, thủ tục, nghi lễ… nhưng hồn thì lạnh cóng, tay chân ngượng ngùng, môi miệng nứt khô.
Nhớ những sinh nhật của hai đứa ngày xưa khi em còn ngoan hiền, thùy mị, dễ thương, ít nói, hay mỉm cười. Hai đứa không đủ tiền mua bánh sinh nhật cũng kiếm cho ra hộp bánh biscuit rẻ tiền rồi thổi nến, hát mừng nhau thêm tuổi. Có một năm, khi anh vừa được lên chức, anh đã có sáng kiến mời  cả hai gia đình nội, ngoại mừng sinh nhật em trên sông. Hôm ấy mọi người đều rạng rỡ hạnh phúc quanh bàn tiệc, trên du thuyền ngắm Sàigòn về đêm. Hôm nay thì thôi rồi những niềm vui lớn ấy và giữa hai đứa chỉ còn lại những sinh nhật buồn tẻ với lặng lẽ yêu thương.
Thực ra, tâm hồn lặng lẽ, dáng dấp lặng lẽ, khung cảnh lặng lẽ mà chúng mình đang sống không ngẫu nhiên đến và tình cờ xuất hiện; trái lại, nó là kết qủa không thể tránh của những thái quá trong lời nói. Cái gì cũng có hậu qủa ngược lại của nó như ăn nhiều qúa sẽ bội thực, tiêu xài hoang phí sẽ có ngày khánh kiệt, “nghèo rớt mùng tơi”. Em và anh đã qúa lời cãi cọ nhau, quá lời chê  bai nhau, qúa lời chỉ trích nhau, qúa lời nói xấu nhau, qúa lời nguyền rủa nhau nên bây giờ cạn lời, hết ý và rơi vào lặng lẽ.
Lặng lẽ trở thành phản ứng của “lắm miệng nhiều lời”; lặng lẽ là thái độ phủ nhận “lời qua tiếng lại”; lặng lẽ là cách tránh  đối đầu, gặp mặt; lặng lẽ là chọn lựa sống một mình, cho riêng mình, chỉ một mình. Bởi người ta đã ngao ngán nghe, chán ngán đối đáp khi ngôn ngữ, ngôn từ không còn tốt đẹp, nhân nghiã, tình tứ, xây dựng.
Từ chối nói và nghe, hai người không còn đối thoại. Thiếu đối thoại thì mọi công trình đều sẽ phải đổ vỡ, thất bại. Câu chuyện tháp Babel là thí dụ điển hình khi con người không còn thông tin được cho nhau, thì mọi kế hoạch đều sẽ dang dở, tan tành.
Lặng lẽ yêu thương là những bước cuối dẫn đến im lặng chia lià, vì tuy còn yêu thương đó, nhưng là yêu thương ngập ngừng, yêu thương ngượng ngùng, yêu thương nghi ngại. Nghi ngại vì không còn dám tin vào người mình yêu; ngượng ngùng vì gút buộc hai đầu giây đứt vẫn còn đó; ngập ngừng vì mặc cảm do những hình ảnh tiêu cực ám ảnh. Hai người lặng lẽ yêu thương không khác hai bóng mờ trong sương đêm để sương càng dầy, đêm càng khuya, lặng lẽ càng  sâu, sâu đến tận cùng buồn tẻ, thất vọng.
Anh chính thức xin ban giám đốc cho đi công tác xa và dài hạn. Tại sao thì em biết rồi.
Lặng lẽ tuy không ồn ào, rát tai như bom đạn, nhưng cháy dạ, đốt lòng. Em không thấy anh như thằng điên mỗi khi về nhà để phải chịu đựng những hằn học, hậm hực, hỏi han khiêu khích, châm chọc của em ? Em không thấy anh về vội rồi vội đi ngay, không phải vì không muốn ở nhà, nằm nghỉ, thư giãn bên em bên con, nhưng vì không thể kiên nhẫn hơn với những âm thanh “giận cá chém thớt” rất nhức buốt phát ra từ nhà bếp, nơi em đang trút hết căm thù, giận dữ. 
Như thế, lặng lẽ cuối cùng chỉ là thái độ hèn nhát anh phải chọn cho yên nhà yên cửa; lặng lẽ chỉ là phương thức cần thiết để tránh những đụng độ “long trời lở đất” bất cứ lúc nào cũng có thể xẩy ra. Anh chọn lặng lẽ như kẻ hẻn nhát chọn “đào vi thuợng sách”, nhưng thử hỏi em: không bỏ nhà đi hoang cho “hạ hoả” làm sao anh chịu nổi những lời cay độc và thái độ thách thức, khiêu chiến của em?; không bỏ nhà đi lang thang cho khuây khỏa làm sao nóc mái ngôi nhà còn yên vị để con cái còn chỗ trốn nắng, tránh mưa?  Xét cho cùng, trong anh vẫn còn chút máu “anh hùng” khi dám can đảm dứt gót bỏ nhà ra đi cho êm chuyện.
Phần em, những phi vụ bỏ nhà đi ngày càng tăng và san sát của anh được em triệt để khai thác và rộng rãi quảng bá, tuyên truyền. Em ghi rất rõ, nhớ rất chính xác ngày giờ anh đi, thời gian vắng mặt để biện hộ cho “Công, Dung, Ngôn, Hạnh” của em và chứng minh luận đề: một tay em nuôi con, lo cho con ăn học, còn chồng chỉ đi chơi.  Chứng minh luận đề không khó, nhưng không cho ra sự thực, và người nghe sẽ nhận ra những lỗ hổng ngờ nghệch, khờ khạo của em, vì em quên khuấy yếu tố quyết định: tiền ở đâu để mẹ con em sống, các con ăn học, nếu không phải là đồng lương mồ hôi nước mắt của chồng em và bố các con. Thỉnh thoảng có người hỏi vặn lại và đạt vấn đề tiền ở đâu ra, em lại ngượng chín mặt và vội vàng vờ vĩnh “đánh trống lảng”.
Anh tiếc cho em đã đánh mất thiên đàng trong tay, chỉ vì em qúa ngạo mạn, coi mình là số một; tự hào thuộc dòng dõi trâm anh, danh gia vọng tộc. Bám víu những  danh dự  không thuộc về mình đó, em không thể hoà nhập vào đời sống con nhà nghèo, gốc nông dân của anh; càng không chia sẻ được những ước mơ, thao thức của một người chồng tự mình làm nên sự nghiệp mà chưa nhờ vả một xu của gia đình vợ. Bám víu những danh ảo, tước hão, vinh quang cũ kỹ đó, em sẽ chỉ làm nặng thêm cuộc sống vốn đã qúa nặng với đủ đòi hỏi, thách đố. Bám víu những điều qúa phụ thuộc của qúa khứ, em đã quên giữ cho mình điều thiết yếu khác, đó là hạnh phúc của hiện tại.
Thay vì tìm những gì có thể thấy, có thể gặp, và nắm bắt, em bới trong đống gạch vụn qúa khứ tàn dư chẳng đem lại lợi ích gì cho ai. Thay vì chăm bẵm tình yêu hôm nay, em lo nâng niu những mảnh giấy khen vô ích, vô dụng. Thay vì vun xới, xây dựng hạnh phúc lúc này và ở đây, em lo tiếc nuối ngày xưa “ra vào có kẻ hầu người hạ” khi  gia đình em còn  hưng thịnh.
 Quả thực em đã “thả mồi bắt bóng”, mơ giữa ban ngày để những gì hôm nay em cần làm đã buồn bã nối đuôi nhau đi vào dĩ vãng, trở thành chuyện qúa khứ, việc hôm qua: hết thời, hết cơ hội, hết hy vọng, hết cửa, hết thuốc chữa, trong đó có tình yêu và hạnh phúc của hai đứa.
Em đã bỏ lỡ nhiều cơ hội nắm bắt hạnh phúc trong hiện tại tầm tay, trong hiện tại khả thể, trong hiện tại thực tế để suốt đời em chỉ toàn là giận dỗi, tức bực, oán trách, thở than; bởi người ta chỉ thở than, oán trách, tức bực, giận dỗi  những gì không  thực hiện được vì đã vụt khỏi tầm tay.
Bỏ đi lang thang, anh muốn phá vỡ cái lặng lẽ nặng nề, ngột ngạt  khi tình yêu xuống đến mức tồi tệ. Tình yêu mà để đói khát, rách rưới đến mức tồi tệ thì không còn là tình yêu. Chính trong hoàn cảnh bi đát này, bi kịch chia tay  trở thành hiện thực.
Em nói với mọi người: gia đình em không có cái máu bỏ chồng; nhưng sống bên nhau mà không nói với nhau còn khủng khiếp hơn ly dị. Em trách anh “say nắng đàn bà”, nhưng sao em không là đàn bà tốt, đàn bà dễ thương, đàn bà hiền hậu, đàn bà đảm đang để anh say nắng ? Trái lại, em vừa trách anh “say nắng” con gái ngoài quán bia ôm, hay đồng nghiệp nữ trong sở làm, em vừa trâng tráo, thô bỉ, hợm hĩnh, “mồm loa mép giải” nên có căng to mắt  cũng  không nhận ra em là đàn bà, nói chi đến  chuyện là người đàn bà tạo cho đàn ông cơn say.
Thật tiếc cho em, người vợ ngày xưa có nhiều nét đẹp, không chỉ đẹp thân xác mà còn đẹp tinh thần, nhưng nay thỉ chỉ còn ở em thân hình đẹp, còn tinh thần đẹp đã biến đi lúc nào không hay. Em trở nên xấu xí vì ích kỷ, tham lam. Em không còn tâm hồn cao thượng, bao dung, chân thực. Em tưởng tiền bạc, của cải mua được tất cả, nên “trọng phú khinh  bần”, chảnh choẹ, kiêu căng. Hậu qủa là tính xấu đã làm xấu  thân hình em đang đẹp để em phải mang tiếng là người không sống đẹp với mọi người và với cả chồng em…
Sống đẹp làm con người trở nên đẹp.  Đẹp mới quyến rũ, lôi cuốn người khác. Sống đẹp khác với  thân xác đẹp, vì đẹp thân xác chỉ là bộ cánh bên ngoài, trong khi đẹp của đời sống là đẹp căn tính, đẹp bản chất, đẹp bền lâu, đẹp của cả kiếp người.
Em sống không đẹp khi nghĩ xấu, nói xấu, làm điều xấu. “Nghĩ, nói, làm” đều ở em, do em, tự một mình em thực hiện, nên em không thể đổ lỗi cho người khác.Nếu em đã nghĩ tốt, nói tốt, làm tốt cho một người, ngay cả người ấy rất xấu, anh nghĩ: người này trước sau cũng sẽ “tâm phục khẩu phục” và yêu mến, biết ơn em; bởi không ai không mong ước được người khác nghĩ tốt, nói tốt, làm tốt cho mình. Lấy phúc trả oán, lấy tình thương xóa bỏ hận thù, đem ánh sáng vào nơi tối tăm, đem an bình vào nơi bất hoà là vậy đó em!
Nhưng không có gì là qúa muộn, bao lâu hai đứa còn sống. Và có khi nào em nghĩ sẽ không nghĩ xấu, nghĩ xấu, làm xấu đối với chồng

Không quá muộn, nếu em thôi càm ràm, hậm hực, lườm nguýt mỗi khi anh về nhà sau một ngày dài căng thẳng ở sở làm để mái ấm gia đình còn chỗ  cho anh nghỉ ngơi, bữa ăn chiều còn rộn ràng tình nghiã và lòng em còn là bờ bến cho đời anh ở lại.
Không qúa muộn, nếu em thôi quảng cáo cuốn băng ca cẩm đã cũ rích mà nội dung là phiên toà, ở đó em ngồi ghế chánh án muôn năm, còn anh là bị cáo muôn thuở.
Không qúa muộn, nếu em dừng tay chặt chém danh dự, uy tín của gia đình chồng bằng cách ngưng lợi dụng búa rìu dư luận và tính dễ tin, hiếu kỳ, a dua, thích bới lông tìm vết của đám đông, quần chúng.
Không qúa muộn, nếu em bớt “ăn thua đủ” với chồng và đối diện với sự thực khách quan để thấy mình đã không lương thiện và công bằng đối với chồng.
Không qúa muộn, nếu em dám ghìm mình khiêm tốn một chút để giọng em bớt chanh chua, tiếng em bớt the thé, dáng em bớt xâm lăng, cung cách em bớt độc tài, thống trị.
Không qúa muộn, nếu em biết khôn ngoan chọn mặt gửi vàng, chọn người tốt để trao gửi tâm sự, chọn bạn hiền để xả xì-trét hơn là oang oang tru trếu vô trách nhiệm làm tổn thương  chồng con và gia đình hai bên.
Không qúa muộn, nếu em  biết mình không làm được tất cả, cũng như tất cả những gì đang có không phải do một mình em tạo ra, nhưng phải có sự cộng tác của anh. “Của chồng công vợ” là thế, khác với định kiến nhỏ hẹp, lệch lạc của em: một tay vợ làm nên tất cả. Anh ngạc nhiên  khi em tuyên bố điều này như một sự thật hiển nhiên mà không mắc cở. Không lẽ giận qúa mất khôn, và mất luôn cả giây thần kinh trơ trẽn ?
Không qúa muộn, nếu em biết nhìn những bước chân anh ngày càng lặng lẽ, đi về không ai biết, ra vào không ai hay, sống chết không ai bận trí, quan tâm. Em có nghĩ sẽ đến một ngày, ngay cả những bước lặng lẽ, em cũng sẽ không còn thấy dấu chân ?
 Lặng lẽ lúc này không còn là lặng lẽ yêu thương, nhưng có khuynh hướng chuyển mình thành lặng lẽ đe doạ. Cũng như chiến tranh có  nóng có lạnh, lặng lẽ là một kiểu đóng băng tình yêu, cấm vận hạnh phúc bằng yên lặng.
Một trong những nhu cầu của tình yêu là đối thoại. Nhờ đối thoại mà hai người biết nhau, hiểu nhau, cảm thông và yêu nhau. Đối thoại dưới dạng thức, hay cách thức nào cũng là giao lưu giữa hai người, cảm thông của hai trái tim, chia sẻ của hai người. Đối thoại tự thân là nhịp cầu cho  tư tưởng, tình cảm, cuộc đời hai người hay nhiều người qua lại được. Thiếu đối thoại, tất cả sẽ bị tắc nghẽn, ứ đọng.
Lặng lẽ thuộc dạng thiếu đối thoại, nhất là khi lặng lẽ đồng hành với giận dữ, căm thù. Vợ chồng có thể giận dỗi nhưng không giận dữ, nên khi tuột dốc, truợt chân đến biên giới căm thù thì tình gì cũng phải tiêu tan, nói chi đến tình chồng vợ, nghiã phu thê.
Vì thế, lặng lẽ yêu thương cũng chỉ là phần đầu của hành trình mà đọan cuối thường được kết bằng lặng lẽ xa nhau.
Lặng lẽ xa nhau khi hai người không còn chịu đựng được sự có mặt im lìm của nhau. Đó là sự có mặt với bộ diện vô cảm, lạnh lùng, dửng dưng, bất cần, thách thức.Yêu thương trong trường hợp này đành phải nhường chỗ cho tủi buồn, uất ức như tiền đề cho giải pháp xa nhau.
Xa nhau là sự bùng nổ của lặng lẽ khi lặng lẽ không còn đứng vững một mình vì thiếu yêu thương. Vì yêu thương không còn như chút tàn hơi cho lặng lẽ sống, người ta bắt buộc phải khai tử lặng lẽ bằng bỏ lại sau lưng tất cả những gì đã gây nên thứ lặng lẽ đáng sợ này.
Gọi là lặng lẽ đáng sợ, dù là lặng lẽ yêu thương, vì lặng lẽ không là thuốc chữa tình yêu đang lâm bệnh, lặng lẽ không tiếp tay làm cho tình yêu sống lại, lặng lẽ không tiếp sức giúp cởi trói tình yêu ; nhưng lặng lẽ như viên thuốc an thần, liều thuốc morphine giảm đau cho bệnh nhân cảm tưởng bệnh sắp hết, bệnh thuyên giảm, nhưng thực ra bệnh vẫn trầm kha, bệnh vẫn thêm nặng. Vì thế, khi rơi vào tình trạng lặng lẽ, người ta hiểu đã đến lúc phải chuẩn bị bước cuối chia tay. Lặng lẽ không khác hành lang đưa người tử tội lầm lũi từng bước nặng nề ra sân bắn.
Lặng lẽ rất đáng ngại, vì lỡ lạc vào chốn lặng lẽ, vắng vẻ này, người ta không còn biết đường ra. Không biết đường ra vì không ai sẽ là người lên tiếng trước để phá vỡ ngục tù im lặng chết chóc. Không biết đường ra, vì không người nào đủ khiêm tốn đốt cây diêm « xin lỗi » còn sót lại trong tim. Không biết đường ra, vì không dễ mở lời xin một bàn tay nâng đỡ. Không biết đường ra, vì chẳng ai dám nhận mình bất toàn và cần được thứ tha. Không biết đường ra, vì tự ái ru ngủ cơn say chiến thắng và mơn trớn lòng kiêu hãnh. Không biết đường ra, vì không ai muốn mở lòng, để không thêm một lần thất vọng, và mang thêm một gánh sầu mới.
Cứ thế loanh quanh, lẩn quẩn và ngày lại ngày, hai người lặng lẽ cô đơn, hai người cô đơn trong lặng lẽ.       
 Lặng lẽ không cởi trói, nhưng trói chặt hơn bằng giây xích vô cảm, như hai người không còn yêu nhau phải ở với nhau. Cuộc sống không tình yêu như ngục tù với xiềng xích cứ lặng lẽ  trói chặt mỗi ngày hy vọng, tương lai, hạnh phúc của hai người. Ngục tù thì ngột ngạt, thiếu dưỡng khí. Xích xiềng thì gò bó, kềm kẹp. Hỏi làm sao tình yêu cất cánh  trong trời rộng của hạnh phúc lứa đôi ?
Ít ra thì em cũng được nói hết và anh cũng được xả sạch, dù chưa dám chắc : em sẽ hiểu anh,  anh sẽ hiểu em hay không  ai hiểu ai.
Nói ra được điều mình muốn nói với người không muốn nghe, tuy chưa đạt mục đích, nhưng ít nhiều cũng làm nguôi ngoai và nhẹ đi bầu tâm sự.
Sở dĩ hai chúng ta kẹt vào thế cờ lặng lẽ : không ai nói ai nghe, là vì trước đó đã không ý tứ trong lời nói.
Không ý tứ nên mới nói khi không cần nói, nói điều không đáng nói,  chưa cần nói. Không ý tứ nên mới nói chuyện mình không biết, tuyên truyền điều mình chưa thông, tuyên bố việc mình không có trách nhiệm. Vì thế mà gia đình xáo trộn, niềm tin ở nhau giẫy chết, hạnh phúc cho nhau úa tàn.
Không ý tứ nên mới tranh giành nói, chặn họng không cho vợ lên tiếng, xiết cổ không cho chồng phân minh, bộc bạch. Vì thế mà đối thoại bị triệt tiêu, cây cầu thông tin, thông cảm bị đánh sụp.
Không ý tứ nên mới khủng bố người khác bằng nói nhiều, tra tấn nhau bằng nói lớn, nói to, xử tội nhau bằng la ó inh ỏi. Vì thế mà đời sống chung biến nhanh thành hoả ngục.    
Bây giờ thì cả hai cùng yên lặng, vì chẳng còn gì để nói cho nhau, vì không ai cần nghe ai; cũng chẳng còn gì nói cho người khác về nhau, vì hai người đã tàn nhẫn lột trần cuộc đời nhau  trước thiên hạ. Chỉ còn lại duy nhất « lặng lẽ » như dấu vết in sâu một thời giông bão.              
Hôn nhân như sợi giây thung hai người nắm hai đầu : bên này kéo mạnh qúa, bên kia sẽ chúi đầu mất thăng bằng và không còn ở vị trí phải có ; hoặc một bên  không kéo, nhưng thả lỏng, buông lơi, thì bên còn lại có muốn cũng không làm cho sợ giây căng đẹp được ; nhưng tệ hơn là một bên kéo thật căng, thật mạnh rồi bất ngờ buông tay để bên kia vỡ mặt … 
Nhưng em ơi, có thật : sau cơn mưa trời lại sáng ? Hay mình  lại phải đối diện với một sự thật thê thảm hơn: sau cơn mưa trời lại tối ?
Anh không dám tin mình sẽ mau chóng ra khỏi lặng lẽ nặng nề, nhưng cũng không chủ bại đầu hàng. Anh muốn em cùng suy nghĩ và cả hai cùng tìm chung đáp số cho bài toán lặng lẽ khó giải này.
Em có nghĩ tình cờ hai đứa cùng lén nhìn nhau, rồi cùng âu yếm mỉm cười thông cảm ? Em có nghĩ bất chợt anh khẽ gọi tên em ? Và em có ước mơ mình lại sánh vai đi chung trên con đường xưa có hoa trinh nữ e ấp, có cỏ « mần trầu » đón gót hồng em yêu ?
Em có nghĩ, có mơ thì lặng lẽ mới có lối ra, mới có đường thoát, mới có nắng thiên đàng lọt qua song cửa. Em phải nghĩ, phải mơ thì ngày mai lặng lẽ mới trở mình thức giấc, mới rạo rực, khát khao, mới dấu yêu, trìu mến. Em có nghĩ, có mơ thì tình yêu mới có sức phục sinh từ mồ chôn lặng lẽ, mới ngoi ngóp sống lại từ lặng lẽ vực sâu.
Nghĩ và mơ chưa đủ, em với anh còn phải nhớ và thương. Mình nhớ  những ngày hai đứa không đủ ăn đủ mặc, xe đạp đèo nhau đi làm. Nhớ căn hộ thuê rẻ ở chung cư, ra vào phải lách mình, khom lưng. Nhớ đồng lương chết đói, thế mà hai đứa vẫn tằn tiện để sắm cho nhau áo đẹp và đưa nhau đi ăn hủ tíu cuối tuần. Nhớ ngày sinh đứa con đầu, mình còn nghèo nên không mua được cho con  chiếc xe đẩy. Nhớ ngày đầu tiên con đi nhà trẻ, hai đứa lo lắng, xốn xang đến bật khóc. Nhớ những buổi sáng anh đưa con đi học, rồi đưa em đi làm, buổi chiều em về sớm đón con, anh tăng ca về muộn với mẹ con em bên cơm canh nóng hổi. Nhớ cả những lần anh đưa mẹ con em đi chơi sở thú, vườn bông và con mình tung tăng hạnh phúc.
Em nhớ và giúp anh nhớ để đừng vội quên ân tình mình đã tha thiết và tận cùng trao nhau. Em nhớ và giúp anh đừng quên tháng ngày mình có nhau trọn vẹn trước khi giông bão ập tới, khi  cơn say nắng làm anh nửa mê nửa tỉnh.
Em nhớ, anh nhớ và chúng mình cùng thương những con người đã hy sinh và đặt niềm tin, hy vọng ở chúng mình. Nhớ để thương con mới bi bô, bập bẹ đã khéo nhắc nhở : « Con muốn ba mẹ ôm nhau ». Con sớm ý thức phải có cả cha và mẹ để lớn hay con linh tính chúng mình sẽ xa nhau ? 
Nhưng em ơi, yêu thương thôi chưa đủ, mình còn phải xót thương nhau. Có xót thương mới tha thứ được cho nhau, vì lầm lỗi của cả hai theo năm tháng chất đầy đã làm tổn thương rất nhiều tình yêu và hạnh phúc. Chính vì lầm lỗi ngút ngàn, tội lụy chứa chan mà chúng mình cần đến lòng thương cảm, và réo gọi ở nhau lòng thương xót. Hãy rộng lượng thương xót nhau, cũng như rộng tình dung thứ cho nhau để lặng lẽ không còn là độc dược ru ngủ, đánh lừa con bệnh tình yêu, không làm rã rời, bại liệt đôi chân tình yêu, không làm chết dần mòn hy vọng sống lại của tình yêu.
Em ơi, đêm  nay  anh muốn gửi em lời xin lỗi và đợi em nở nụ cười « Lặng Lẽ Yêu Thương ».  
Nắng Tím - Mây Đen