Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 6 tháng 2, 2020

LÊN THIÊN ĐÀNG, VỀ NƯỚC TRỜI, VÀ0 VƯƠNG QUỐC THIÊN CHÚA KHÓ HAY DỄ ?


Thời Đức Giêsu, những người đi theo Chúa đã hỏi Ngài : Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được hưởng sự sống đời đời ? (Mt 19,16).   
Sự sống đời đời, Vương Quốc của Thiên Chúa, Nước Trời hay Thiên Đàng, tất cả đều chỉ chung một thực tại : Thiên Chúa, nơi có Thiên Chúa ngự, nơi có các thiên thần phụng sự Thiên Chúa, nơi có sự sống và hạnh phúc đời đời dành cho những người đã sống cuộc đời ngay lành được Thiên Chúa yêu thương, chúc phúc (x. Mt 25,31-40).  
Câu hỏi cách đây hơn hai ngàn năm cũng là câu hỏi được viết thành nhạc, mà trong các buổi sinh hoạt, các em thiếu nhi thường hát : Bé muốn lên Thiên Đàng, nhưng bé biết làm sao ? Bé muốn lên Thiên Đàng, nhưng Bé lên thế nào ?.
Bởi chưa ai là người đã lên thiên đàng rồi trở lại sống tiếp trên trần gian, nên mọi người đều trăn trở với vấn nạn : Nước Trời ở đâu ? Lên Thiên Đàng cách nào ? Có gì trong Vương Quốc của Thiên Chúa ?
Bởi chưa người nào từ thế gian đi du lịch Thiên Đàng, nên trước nguy hiểm có thể mất mạng, giữa hiểm nguy sự sống bị treo lơ lửng, người này ngơ ngác hỏi người kia : Mình sẽ lên Thiên Đàng hay đi đâu ?
Bởi chưa bao giờ có tấm hình chụp, hay thước phim ghi lại cảnh thực của Nước Trời, nên giờ lâm tử thường làm bối rối người đang hấp hối.
Bởi không có tài liệu dưới bất cứ hình thức nào về Vương Quốc của Thiên Chúa, nên nói về Thiên Đàng, ai cũng ngần ngại, không dám khoác lác vẽ vời.
Và bởi ngoài Đức Giêsu là Thiên Chúa từ Nước Trời xuống thế làm người và ở giữa loài người vào một thời điểm, và địa điểm chính xác trong dòng lịch sử nhân loại, nên trừ một mình Ngài, không ai đã có thể nói về Thiên Đàng, trình bày về Vương Quốc của Thiên Chúa.
Qủa thực, chỉ có Đấng đã ở trên Trời xuống thế gian làm người mới biết rõ Thiên Đàng và nói với con người về Thiên Đàng, trả lời những câu hỏi của con người về sinh hoạt trên đó ; chỉ có Đấng biết rõ Nước Trời nay ở với con người mới nói đúng những gì thuộc về quê trời cho con người ; chỉ có Đấng làm chủ Thiên Đàng mới có quyền quyết định những điều kiện con người phải có để được nhận vào Thiên Đàng ; và chỉ có Đấng nắm giữ quyền xét xử trên trời dưới đất mới ban phần thưởng Vương Quốc Thiên Chúa cho người này, người kia.
Và Đấng ấy chính là Đức Giêsu Kitô, như Ngài đã khẳng định với ông Nicôđêmô : Nếu tôi nói với các ông về những chuyện dưới đất mà các ông còn không tin, thì giả như tôi nói vói các ông về những chuyện trên trời, làm sao các ông tin được ? Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống. Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời (Ga 3,12-15).
Vậy Thiên Chúa làm người và ở giữa loài người ấy đã nói gì với con người về Thiên Đàng và con đường nào con người phải đi để lên tới Thiên Đàng, để về Nước Trời hằng phúc ?  
1.   Thiên Đàng là địa chỉ con người phải đến :
Đức Giêsu cho chúng ta biết : đích tới của hành trình dương thế sẽ là Nước Trời, điểm hẹn mà tất cả mọi người, không trừ ai đều được Thiên Chúa mời gọi đạt đến, bước vào, như Gioan Tẩy Giả đã rao giảng (x. Mt 3,2), và cũng chính là sứ điệp Đức Giêsu muốn các môn đệ của Ngài lên đường loan báo cho muôn dân : Nước Trời đã đến gần (Mt 10,7).
Nước Trời, hay Thiên Đàng là giá trị phải được ưu tiên tìm kiếm : Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ  khác, Người sẽ thêm cho sau (Mt 6,33), bởi Nước Trời là quê hương đích thực, hạnh phúc trọn vẹn, và sự sống đời đời (x. Tv 144.13) mà con người mơ ước, vì ở đó có Thiên Chúa là Cha nhân từ ngự trị (x. Mt 6,9), Đấng biết rõ con cái ở trần gian cần gì (x.Mt 6,32), và ban những của tốt lành cho những kẻ kêu xin Người (x. Mt 7,11).  
Nước Trời, Vương Quốc Thiên Chúa hay Thiên Đàng không chỉ là ước mơ của con người, nhưng còn là Lời Hứa của Thiên Chúa :
Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em. Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xóa tên như đồ xấu xa. Ngày đó, anh em hãy vui mừng nhảy múa, vì phần thưởng dành cho anh em trên trời thật lớn lao (Lc 6,20.22).   
Nước Trời được Đức Giêsu diễn tả qua nhiều hình ảnh : Nước Thiên Chúa giống như hạt cải, lúc gieo xuống đất, nó là lọai hạt nhỏ nhất trên mặt đất. Nhưng khi gieo rồi, thì nó mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng (Mc 4,31-32).
Nước Trời giống như chuyện gia chủ kia, vừa tảng sáng đã ra mướn thợ vào làm việc trong vườn nho của mình. Sau khi đã thoả thuận với thợ là mỗi ngày một quan tiền, ông sai họ vào vườn nho làm việc (Mt 20,1-2). Rồi nhiều lần trong ngày, ở những thời điểm khác nhau, ông ra ngoài đường nhận thêm người mới vào làm. Cuối ngày khi phát lương, ông trả đồng đều ai cũng một quan tiền, dù là người mới chỉ làm một giờ, hay người làm cả ngày. Khi có người thắc mắc, khiếu nại, ông đơn sơ trả lời : Tôi đâu có xử bất công với bạn đâu. Tôi đã chẳng thoả thuận với bạn là một quan tiền đó sao ? Cầm lấy phần của bạn mà đi đi. Còn tôi, tôi muốn cho người vào làm sau chót này cũng được bằng bạn đó. Chẳng lẽ tôi không có quyền tùy ý định đoạt những gì là của tôi sao ? Hay vì thấy tôi tốt bụng mà bạn đâm ra ghen tức ? (Mt 20, 13-15).
Nước Trời còn giống như Vua kia mở tiệc cưới cho con mình. Nhà vua sai đầy tớ đi thỉnh các quan khách đã được mời trước, xin họ đến dự tiệc, nhưng họ không chịu đến… (Mt 22,1-3). Vì tiệc cưới đã sẵn sàng rồi, mà những kẻ được mời lại không xứng đáng, Nhà Vua cho đầy tớ ra khắp các ngã đường, gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới… (x. Mt 22,9-10).
Và còn nhiều hình ảnh khác nữa Đức Giêsu đã dùng để nói về Nước Trời như mười trinh nữ cầm đèn ra đón chàng rể, với năm cô khờ dại và năm cô khôn ngoan (x. Mt 25,1-13) để diễn tả ngày giờ con người được gọi rời bỏ đời này về đời sau thưòng rất bất ngờ, không  ai được biết trước ; như chiếc lưới thả xuống biển, gom được đủ thứ cá. Khi lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi ngồi nhặt cá tốt cho vào giỏ, còn cá xấu thì vứt ra ngoài (Mt 13,47-48) ; như kho báu chôn giấu trong ruộng, có người kia gặp được thì chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy (Mt 13,44) ; hoặc như nắm men bà kia lấy vùi vào ba thúng bột, cho đến khi tất cả bột dậy men (Mt 13,33).
Như thế, Nước Trời là Vương Quốc của Thiên Chúa luôn thân thiện rộng mở đón tiếp hết mọi người, bất luận giầu nghèo, sang hèn, giỏi dốt, xấu tốt, miễn sao đáp ứng những điều kiện được Thiên Chúa đưa ra. Vương Quốc ấy không khoanh vùng ưu tiên, cũng không phân biệt, kỳ thị bất cứ sắc dân, ngôn ngữ, văn hoá, trình độ, đẳng cấp, vị thế xã hội nào, nhưng tạo mọi điều kiện dễ dàng để mọi người được nhận vào. Và vì là Nước Thiên Chúa, quê hương hạnh phúc đời đời, mà mọi người mơ ước, nên Thiên Đàng là một giá trị vô giá, kho tàng không gì sánh bằng mà bằng mọi giá phải chiếm hữu cho kỳ được.
Nhưng hình ảnh nổi bật hơn tất cả, chính là lòng tốt của Thiên Chúa khi ban phần thưởng Thiên Đàng cho con người, như Đức Giêsu đã khẳng định trong dụ ngôn thợ làm vườn nho Nước Trời, mà ở trên người viết đã cố ý ghi lại hầu như toàn phần bản văn Tin Mừng.
2.   Điều Kiện để vào Nước Trời :
Trong Tin Mừng, Đức Giêsu đã công bố rất rõ ràng những điều kiện phải có để nhận phần thưởng Thiên Đàng, những đòi hỏi phải đáp ứng để được vào Nước Trời, cũng như những bổn phận phải chu toàn để được sống đời đời trong Vương Quốc của Thiên Chúa.
Tin Mừng Mátthêu khẳng định : Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thưở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn ; Ta khát, các ngươi đã cho uống ; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước ; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc ; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng ; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han (Mt 25,31-36). Và Ta bảo thật các ngươi : mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy (Mt 25,40).    
Đoạn Tin Mừng Cuộc Phán Xét chung cho chúng ta thấy điều kiện để có sự sống đời đời, chiếu khán để vào Nước Trời chỉ là yêu thương, phục vụ những người bé nhỏ, hèn mọn. Điều kiện này có nhiều điểm rất đặc biệt từ phiá Thiên Chúa :
a.   Thiên Chúa ban cho mọi người khả năng yêu thương để ai cũng bình đẳng như nhau trước ngưỡng cửa  Nước Trời :
Người ta có thể khác nhau, cách biệt nhau, hơn thua nhau ở những khả năng khác, nhưng khả năng yêu thương thì ai cũng dư thừa, và Thiên Chúa chỉ đòi con người yêu thương nhau, như điều kiện để vào Nước Trời, Vương Quốc của Ngài.
b.   Thiên Chúa chọn đối tượng yêu thương, phục vụ là  những người thấp kém, hèn mọn, xấu số, kém may mắn, vì họ hồn nhiên, đơn sơ, giản dị, dễ thương, dễ gần hơn khó thươn, khó gần : 
Yêu người lớn hơn mình, thương người quyền thế hơn mình, phục vụ người danh giá hơn mình có khi lại là việc khó làm, vì người làm lớn, lắm tiền, nhiều quyền thường không mấy dễ gần, dễ thương, dễ chiều, bởi nhu cầu của họ cao nên ta khó thỏa mãn, đòi hỏi của họ khó nên ta đáp ứng rất vất vả, trong khi người bé nhỏ nhất, nghèo khó nhất, dốt nát nhất, bất hạnh nhất, đáng thương, tội nghiệp nhất bên cạnh chúng ta thường đơn sơ, giản dị để chúng ta yêu thương, và hồn nhiên để chúng ta chia sẻ, phục vụ. Chưa kể với người  giầu sang, quyền thế, vì họ không cần ai, cần gì, nên khi ta lân la đến gần, ta có thể bị họ nhìn như kẻ ăn mày đi tìm của bố thí. Trái lại, khi đến với người  bé nhỏ nhất trong anh em, chúng ta gặp được con người thật, với qủa tim thật của cuộc đời thật.
c.    Thiên Chúa tự đồng hoá mình với những anh em bé nhỏ, hèn mọn nhất, để hành vi bác ái của chúng ta mang giá trị siêu nhiên, tuyệt đối :
Bởi vi yêu thương con người vô cùng, nên Thiên Chúa đã cho con người là thụ tạo tương đối được qưyền yêu Thiên Chúa là Đấng Chủ Tạo tuyệt đối, để hành vi yêu thương vốn tương đối của con người dành cho con người đuợc trở thành hành vi tuyệt đối hướng thẳng đến Thiên Chúa.
Hơn thế nữa, Thiên Chúa còn tự đồng hoá mình với những người anh em bé nhỏ nhất, để những gì bé nhỏ được trở nên vĩ đại, tầm thường trở nên phi thường, thiếu sót trở nên hoàn hảo, yếu đuối trở nên vững mạnh, nhất là con người tương đối  được tháp nhập vào Thiên Chúa tuyệt đối, nhờ tình yêu có giới hạn của  con người được Thiên Chúa thánh hoá và làm cho trở nên vô hạn, vô biên, vô cùng trong Thiên Chúa, như giọt nước nhỏ bé con người được tan biến trong đại dương bao la, vô tận Thiên Chúa.
Điều kiện rất đơn sơ : yêu thương và phục vụ những người bé nhỏ, hèn mọn nhất trong anh em còn được Đức Giêsu nhấn mạnh trong dụ ngôn ông nhà giầu và anh Ladarô nghèo khó của Tin Mừng Luca : ông nhà giầu đã không được vào Nước Trời chỉ vì đã không thương xót người nghèo khó tên Ladarô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng nhà ông, và thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no (Lc 16,20-21).
Như thế, chúng ta có thể nói mà không sợ sai : điều kiện để vào Nước Trời không qúa khó, vì khả năng yêu thương thì ai cũng có, đối tượng yêu thương được Thiên Chúa đề nghị không khó tìm, đúng hơn là nhan nhản khắp nơi, kề cận, có mặt quanh ta, dễ thấy dễ gặp ; nhất là có sự bảo đảm của Thiên Chúa để hành vi yêu thương, phục vụ tha nhân mang giá trị cứu rỗi, khi Thiên Chúa tự đồng hoá với những người bé nhỏ, hèn mọn, yếu đuối, kém may mắn nhất. 
3.   Những Lực Cản làm đường lên Thiên Đàng trở nên khó :
Con đường về Nước Trời, lên Thiên Đàng sẽ không khó, không là cửa hẹp, không vất vả, gian truân, nếu không vì những lực cản làm lệch hướng, sai chiều, có khi đắp mô, cắt đường, cấm vận sau đây :
a.   Lực cản người nghèo khó, hèn mọn, đau ốm, thất thế, cô thân :
Đây là lực cản khó thoát, khi mọi người đều mong thân quen kẻ sang giầu, ao ước làm bạn với người quyền thế để có cơ hội theo họ mà tiến thân, nhờ họ mà được cất nhắc, nép bóng họ để được che chở, bảo vệ, đi bên họ để được nể nang, kính trọng. Chẳng thế mà khi công thành danh toại, chức tước, quyền bính đầy mình thì không còn giờ tiếp khách, không thiếu kẻ tình nguyện điếu đóm, cơm bưng nước rót, và không bao giờ phải lủi thủi một mình, vì ở đâu và lúc nào thiên hạ cũng say mê tìm kiếm, cũng điên cuồng tung hô, cũng bạo miệng thề thốt sống chết trung thành…
Sở dĩ chúng ta có khuynh hướng chạy theo người có chức quyền, tiền bạc, ảnh hưởng vì họ mang lại nhiều cơ hội cho chúng ta thành công, và đi với họ, chúng ta có nhiều cơ may, lợi thế hơn giao lưu với người khố rách áo ôm, nghèo rớt mùng tơi, cơm không có ăn, nói gì đến chuyện làm lợi cho người khác. Chưa kể, đi với người nghèo, ta còn phải tốn kém ; đi với người bệnh Corona, ta dễ bị lây nhiễm ; đi thăm tù nhân, ta có thể bị tình nghi, theo dõi ; đi với người thất thế, sa cơ, ta có thể bị sụp đổ theo họ ; đi với người bị cô lập, tẩy chay, ta có thể bị chụp mũ te tua ; đi với người đang bị tổ chức, cơ chế, bề trên kỷ luật, trừng phạt, có thể ta cũng sẽ bị ăn đòn, lãnh đủ như họ.
Thế nên mấy ai dám xả thân vì người nghèo, dám quên mình vì người cô thân thất thế, dám dấn thân vì người bị vu khống, đàn áp bất công, bởi nguy hiểm luôn rình rập, tai tiếng luôn chực chờ những con người dám hy sinh vì người anh em bé nhỏ nhất.
b.  Lực cản Cái Tôi :
Nói gì thì nói, Cái Tôi với tôi vẫn luôn là cái đẹp nhất, qúy nhất, giỏi nhất, đạo đức nhất, ngon lành nhất, tuyệt vời nhất, nên khi Cái Tôi bị sứt sát, thiệt thòi, thua lỗ, tổn thương thì tim tôi xót xa, hồn tôi bối rối, chân tay tôi bủn rủn, toàn thân tôi rã rời, vì tôi thương Cái Tôi hơn tất cả những cái khác.
Vì thế, quá lo lắng cho mình, ta sẽ không lo được cho ai ; qúa chăm chút mình, ta sẽ chẳng quan tâm đến người nào ; qúa tin ở mình, ta sẽ nghi ngờ mọi người, và qúa yêu mình, không ai sẽ còn là đối tượng để ta yêu thương.
Do đó, khi đến với người khác, ta luôn tính toán mối lợi sẽ thu về cho Cái Tôi ; khi làm việc gì cho tha nhân, ta luôn hoạch tính thế nào để không thiệt thòi cho mình, nên bất cứ ai không có lợi, hay không đem lại cơ hội cho ta tiến thân, tiến chức, tiến nhanh tiến mạnh, ta đều xa tránh họ. Và đó chính là lý do Cái Tôi luôn dị ứng với người nghèo, người yếu, người hết thời, người thất thế, người bị đời bỏ rơi. Đó cũng là lý do Đức Giêsu đã nói với các tông đồ : Thầy bảo thật anh em, người giầu có khó vào Nước Trời. Thầy còn nói cho anh em biết : con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giầu vào Nước Thiên Chúa (Mt 19,23-24), bởi hầu hết người giầu cho đi để có lợi  hơn gấp nhiều lần, bỏ ra một đồng để thu về mười đồng, do lòng tham và chủ nghiã Cái Tôi chế ngự, nên họ khó có thể chia sẻ tấm lòng bác ái đích thực với những người chẳng có gì để họ có thể đầu tư, trục lợi.   
c.    Lực cản thiếu niềm tin :
Không ai có thể chối cãi một sự thật, đó là không mấy hứng thú khi hết ngày này qua tháng nọ phải phục vụ một số đối tượng không quyến rũ, hấp dẫn như trẻ mồ côi, người già neo đơn, người bệnh bị cách ly, người tàn tật, người tỵ nan trong các cô nhi viện, nhà thương, trung tâm xã hội không luôn sạch sẽ, khang trang, ngăn nắp, trật tự. Những đối tượng này, phần vì nghèo, phần vì không được đào tạo, chăm sóc đầy đủ, nên hay ăn nói linh tinh, ăn ở bừa bãi, ăn mặc xốc xếch, luộm thuộm, và hay gây nhiều phức tạp, phiền phức. Vì thế, ở gần họ, không luôn thích thú, và phục vụ họ, không luôn dễ dàng.
Trong Tin Mừng Mátthêu, cả người lành và người dữ trước toà Thiên Chúa phán xét đã cùng một thái độ sửng sốt, ngạc nhiên, và cùng thưa lại với Thiên Chúa : Lậy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống ; có bao giờ đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước ; hoặc trần truồng mà cho mặc ? Có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đau yếu hoặc ngồi tù, mà đến hỏi han đâu ? (Mt 25,37-39 ; x. Mt 25,44).
Tất cả người lành và người dữ, người được chúc phúc và không được chúc phúc đều đã không nghĩ rằng : Thiên Chúa lại ở ngay trong những người nghèo đói, rách rưới, đau ốm, tù đầy, tỵ nan ; không ai trong những người được lên Thiên Đàng và phải xuống hoả ngục đã có thể đoán trước câu trả lời vượt sức tưởng tượng của con người : Ta bảo thật các ngươi : mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy (Mt 25,40), và mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy (Mt 25,45).
Đức tin hệ tại ở nhận ra Đấng Vô Hình qua những thực tại hữu hình ; nhận ra Đấng Toàn Năng, phi thường ở những hữu hạn, tầm thường ; nhận ra Sức Mạnh siêu nhiên trong yếu đuối tự nhiên ; nhận ra Thiên Chúa trong những con người không ra gì, không giá trị, thành tích gì, không quyền thế, vinh dự gì, những người bé nhỏ nhất, nhưng lại được Thiên Chúa yêu thương ở với, được Thiên Chúa cưng chiều và đồng hành, được Thiên Chúa tuyển chọn để với họ Thiên Chúa tự đồng hoá.  
Qủa thực, với con mắt nhân loại, do thúc đẩy của xã hội vật chất, thực dụng, vô thần, với khuynh hướng làm nổi bật cái Tôi vĩ đại, áp lực bởi cám dỗ của ganh ghét, đố kỵ, và não trạng, thói xấu trên đội dưới đạp, đôi mắt đức tin của chúng ta dễ bị lu mờ, có khi đui mù toàn phần, để không còn thấy và tin có Thiên Chúa hiện diện qua dáng gầy liêu xiêu của người mẹ già cô qủa ; có Thiên Chúa ở bên đám trẻ mắt sâu hoẵm, chân tay khẳng khiu, gầy guộc, nhem nhuốc kiếm ăn ở bãi rác thành phố ; có Thiên Chúa trong cô đơn, sầu muộn của người con gái lầm lỡ, bị gia đình ruồng bỏ, trừng phạt ; có Thiên Chúa trong trại giam bi thảm ; có Thiên Chúa trong những con người mang đầy mặc cảm, vì bị chính anh em mình hiểu lầm, nguyền rủa, tẩy chay, khai trừ.    
Vâng, đường về Nước Trời dễ hay khó, đường lên Thiên Đàng khả thi hay không thể thực hiện hoàn toàn tùy thuộc vào tinh thần và thái độ đón nhận của mỗi người. Tinh thần và thái độ ấy đã được Đức Giêsu khẳng định : Thời kỳ đã mãn, và Vương Quốc của Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng (Mc 1,15).
Sám hối tức trở về, và tin vào Tin Mừng là tin vào Đức Giêsu. Trở về từ những kiêu căng, gian tham, ích kỷ, ganh ghét, hận thù, và tin vào Đức Giêsu là Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ duy nhất. Ngài đến để mở đường lên Thiên Đàng cho tất cả những ai thiện tâm sẵn sàng đi theo Ngài ; Ngài có mặt trong thế giới để Nước Trời hiện diện giữa lòng cuộc sống ; Ngài ở giữa mọi người để đồng hành với mọi người thành tâm thiện chí trên đường về Nước Trời ; Ngài giang tay trên Thánh Giá để đón vào Vương Quốc của Ngài tất cả những ai có lòng nhân ái, biết xót thương người đáng thương hơn mình.
Và lời Đức Giêsu kêu gọi các môn đệ bên biển hồ Galilê năm xưa : Các anh hãy theo tôi ! (Mc 1,17) vẫn mãi vang vọng trên đường tìm kiếm Thiên Đàng, Nước Trời, Vương Quốc Thiên Chúa của mỗi người chúng ta.
Jorathe Nắng Tím

TÌNH CHO KHÔNG BIẾU KHÔNG

Chẳng mấy ai đã yêu mà quên những kinh nghiệm "cho không, biếu không", những kinh nghiệm đôi khi phải rùng mình, ớn xương sống cho một số người mỗi khi phải nhớ lại.
Khi yêu nhau, người ta muốn cho và đòi đối tượng cho lại mình. Chữ "cho" được nhắc đến không biết bao nhiêu lần trong những đối thoại giữa hai người yêu nhau: "cho anh hôn nhé, cho anh cưng em đi, cho anh yêu em, cho anh gần em…" hoặc "Em cho anh trái tim, mái tóc, bàn tay, cuộc đời này, cho anh đời con gái, cho anh tuổi học trò, cho anh tình đầu trinh trắng, cho anh tất cả…". Anh chị say sưa, hồ hởi cho nhau, trao tặng nhau từ những vật kỷ niệm mua ngoài chợ đến những giá trị "vô giá" trên chính thân xác mình. Anh chị nhiệt tình gửi trao nhau không chỉ những giá trị thấy được, nắm bắt được mà cả những giá trị thiêng liêng còn mịt mờ trong tương lai xa tầm với. Nghĩ ra điều gì mới là muốn cho nhau ngay; một ý tưởng bất chợt đăng nhập vào ước mơ đã nhanh chóng trở thành quà tặng cho nhau… nên người ta mới dễ trở thành "đại ngôn, ba xạo, nói dóc, thánh tướng" trong tình yêu khi lỡ trớn, được đà hứa cho nhau cả những gì mình chẳng bao giờ có được…
Tình yêu là cho đi. Đó là đòi hỏi của con tim khi yêu. Yêu ai là muốn cho người đó, cho những gì mình có, mình là. Cho những gì mình "có" đã là nhiều, cho cả những gì mình "là" mới đáng sợ. Không sợ sao được khi người ta sẵn sàng cho nhau chính mạng sống, danh dự, uy tín khi yêu nhau; tình nguyện cho nhau cho nhau đến "tận củ tỉ và nguyên con" hiện hữu của mình để chứng tỏ một tình yêu lớn, vượt thời gian. Càng được hiến dâng, hạnh phúc yêu thương càng ngây ngất. Càng được trao tặng, niềm vui càng cất cánh bay cao. Người ta yêu nhau nên cho nhau và khi cho nhau người ta nhận ra mình thật đáng yêu. Đáng yêu nên yêu càng nhiều, cho càng bộn; yêu càng say càng trao ban điên dại, ngông cuồng. Không có tình yêu bo bo, ki cóp, giữ của, vun vén cho riêng mình. Tình yêu thực trước hết phải biết mở tay, mở lòng, mở bóp, mở cuộc đời vì tình yêu sẽ chỉ biết đón nhận hạnh phúc khi biết quảng đại cho đi.
Tình yêu là cho đi, nhưng là cho đi vô điều kiện, cho rất tình, rất điệu: cho không, biếu không. Cho đã là qúy, nhưng "cho không, biếu không, tặng không" mới thực qúy vô cùng. Quý ở chỗ hết tình, hết mình, vô điều kiện. Cho mà không gửi nhẹ một đợi chờ, cho mà không nhét dưới quà tặng một mẩu giấy mong ước hồi đáp, cho mà không mảy may tính toán so đo, cho mà không vấn vương, thấp thoảng một tiếc nuối xa gần. Cho như thế mới thực là "tình cho không biếu không", cho như đòi hỏi của trái tim luôn nôn nao, thao thức, ao ước được cho đi, được dâng hiến trọn vẹn.
 Sở dĩ trong tình yêu, ta có nhu cầu cho đi là vì khi yêu, ta không còn phân chia chủ thể yêu và đối tượng yêu; nhưng cả hai được tháp nhập làm một, đuợc đi vào trong nhau, trở nên "nhau" mật thiết đến độ không một sức mạnh nào có thể tách rời, chia cách. Tình yêu có nhu cầu cho đi vô điều kiện vì chỉ cho đi vô điều kiện, tình yêu mới chứng minh được sự hiệp nhất, gắn bó nên một của chủ thể và đối tượng. Cho đi khi đó chính là động tác cần thiết để nhận ra mình trong đối tượng. Nhận ra mình trong người mình yêu là nét tuyệt vời mà chỉ tình yêu mới có đủ khả năng mang lại… Như thế, khi yêu nhau tha thiết, hai người vừa cho vừa nhận, vì chính khi hiến thân là khi nhận ra mình, khi cho tất cả là nhận về bao la, khi tràn vào đối tượng tình mình là được ngất ngây bơi lội trong biển tình của đối tượng. Cho đi và nhận lãnh trong tình yêu là hai động tác không rời nhau, tự động khởi phát và tác động đồng thời trên cả chủ thể và đối tượng yêu. Chính cái vô điều kiện tinh ròng ấy đã làm nên những tình yêu vĩ đại, đã viết nên những trang tình sử tuyệt vời, bất hủ, đã làm nên những vĩ nhân và cho cuộc sống con người đong đầy, rợp bóng quyến rũ, đam mê.
Nhưng có phải tình nào cũng là tình cho không, biếu không và tình cho không, biếu không nào cũng là tình tuyệt vời, hoàn hào?
Kinh nghiệm cho thấy: thời buổi kinh tế thị trường, "cho không biếu không" là chuyện không bình thường, nếu không nói là hoang đường, huyền thoại. Kinh tế dậy người ta tính toán, bon chen, chộp giựt. Thị trường bắt người ta phải đầu tư cho chính xác: bỏ ra một đồng phải thu về 10 đồng, không có đầu tư vô vị lợi, đầu tư huề vốn, đầu tư thiện nguyện… Làm gì cũng phải tính lời lỗ, hơn thua ở cái buổi kinh tế thị trường này. Tình yêu cũng không thoát khỏi định luật sinh hoạt của thị trường kinh tế, nên cũng trồi sụt tình yêu chứng khoán, dật dờ tình yêu tồn đọng, bức xúc tình yêu ngoại tệ dollar, chao đảo tình yêu đất đai, hay đứng tim vì tình yêu rớt vào dự án treo, quy hoạch. Tình yêu xem ra hết thời nhìn trăng sao, rồi nhìn nhau mơ một mái nhà; hết dáng đứng Bến Tre dễ thương mải mê nhìn anh trai nghèo ôm đàn ca kỉnh; cũng chẳng còn những mảnh tình hồn nhiên đến ngây ngô khi bẽn lẽn nhìn nhau hỏi: "ước mơ gì không?». Tình yêu biến chất, biến hình, biến tướng, biến dạng nhanh và nhiều hơn ta tưởng để rồi hình ảnh đích thực của tình yêu không còn chỗ đứng, sức mạnh đích thực của tình yêu không còn khả năng tác động và diện mạo đích thực của tình yêu bị méo mó, lệch lạc đến thảm thương. Cuộc sống cơm áo gạo tiền vội vã thúc đẩy con người vào cơn lũ đấu tranh, giành dật. Cuộc sống đòi hỏi nhiều và gay gắt quá đã làm tình yêu không kịp có mặt, lên tiếng, nói chi đến tham dự, can thiệp.
Khi không được tích cực can dự, đóng góp trong sinh hoạt con người, tình yêu âm thầm rút vào bóng tối, tìm cho mình một góc nhỏ, ở đây tình yêu ngao ngán nhìn đời người, nguời đời quay cuồng trong cơn lốc từ sinh cho những hơn thua rất nhất thời. Không còn vị thế ưu tiên, tình yêu mất đam mê như sức sống, mất nhiệt tình như lửa đốt nóng ước mơ, tình yêu từ đó mất đi tính hào phóng ngang ngược nhưng hào hùng cố hữu, rất đặc không biếu không", tình yêu rớt xuống vực thẳm trần tục với những đong đo, cân đếm, tính toán, đổi chác hơn thiệt, tình yêu thoái hoá thành một sản phẩm thương mại, một thương hiệu kinh doanh, một tiềm lực kinh tế. Người ta sẽ yêu nhau kiểu kinh tế, thương hiệu, sản phẩm nên sẽ xa lạ với chuyện "tình cho không biếu không" mà tình bây giờ sẽ chỉ là "tình qua lại, trao đổi, đối tác đôi bên cùng có lợi"; người ta sẽ ngần ngại khi phải cho không, dè dặt khi phải biếu không, bởi ở vào thời buổi này, ý niệm cho không biếu không đồng nghiã với dại khờ, ngu muội.
Hoàn cảnh thay đổi tư duy, tình cảm; môi trường biến đổi lối sống; thời thế ảnh hưởng trên lựa chọn, ước mơ, vì con người sống trong một không gian và chịu ảnh hưởng rất nặng nề của không gian, môi trường sống. Khi đề cập đến tình yêu, người ta cũng phải tham chiếu môi trường nơi tình yêu có mặt. Nếu hôm nay, trong xã hội này, tình yêu không còn dễ dàng đạt mức "cho không biếu không" thì ta phải hiểu thêm rằng: xã hội đã làm mất khá nhiều độ nhậy cảm của đam mê trong tình yêu, vì tính thực dụng của một xã hội đang bị cuốn hút trong cuồng phong kinh tế, ở đó chỉ có khách hàng là thượng đế vì chỉ có khách hàng là người biết trả tiền, mà tiền là tất cả, có tiền là có tất cả… kể cả tình yêu.
Nói như thế không có nghiã là không còn những cuộc tình cho không biếu không, nhưng điều muốn trình bầy chính là mức độ rủi ro quá cao đang rình rập những cuộc tình cho không biếu không. Rủi ro cao khi xác xuất thất bại lớn: thất bại khi tình cho không biếu không trở thành tình "mất cả chì lẫn chài", khi tình cho đi vô điều kiện với chút hy vọng nhận ra "nhau" trong hai cái "mình" lại biến thành tình thù, tình phản phúc, tình lừa bịp, tình đào mỏ, tình bốc hốt, tình trấn lột, tình đểu cáng. Những cho không biếu không vô tình trở thành mồ chôn những cuộc tình vu vơ, mây gió hay lò sát sinh giết chết tình cảm của những tình nhân ngây thơ, đam mê, nhiệt tình. Rủi ro qúa lớn khi con người bị ám ảnh bởi vinh quang của một xã hội sặc mùi tiền bạc; rủi ro cận kề khi chủ nghiã thực dụng, duy lợi bao trùm, điều khiển mọi sinh hoạt của con người, kể cả sinh hoạt tình cảm. Nguy cơ lớn tạo nên nỗi sợ lớn. Thất bại vây bủa sát nhà tạo nên nỗi lo dầy đặc, triền miên. Và tình yêu cũng chịu chung nỗi bất hạnh đáng buồn ấy là lo ngại, ngập ngừng… khi phải quảng đại cho đi.
Cũng trong chiều kích xã hội mà tình cho không biếu không khó đạt được điều mong ước như một tình yêu hoàn hảo, tuyệt vời. Tuyệt vời trong tình yêu là vô điều kiện; hoàn hảo trong tình yêu là không so đo, tính toán, vô tư, vô vị lợi, cho nhưng không như nhận nhưng không. Thế nhưng những hệ lụy theo sau những "cho không biếu không" đã làm nát tim không ít người, cầy bới tâm can rất nhiều người, đốn gục cuộc đời của không biết bao nhiêu người, nên không còn mấy ai dám liều mạng cho không biếu không mà không run rẩy, phập phồng, lo âu, băn khoăn, ngờ vực. Tình yêu bỗng làm sợ, làm tăng áp huyết và có nguy cơ dẫn đến nhồi máu cơ tim, những trái tim trót một lần yêu như đam mê mời gọi và "cho không biếu không" như tình yêu muốn.
Đứng trước giằng co của một tình yêu lớn muốn được cho không biếu không và những rủi ro thất bại từ một xã hội thị trường, ta phải làm gì để tình yêu trong ta vẫn giữ được nét đẹp của một tình yêu lớn vì quảng đại vô tư, vì cho đi không tính toán, vụ lợi?
Thiết tường việc phải làm trước hết là đối diện với chính giá trị của ta. Đối mặt với chính mình là nhận ra vị thế thực cùng những giá trị thực của chính mình. Nhận ra mình là điều kiện để nhận ra người. Chủ thể chỉ có thể đánh giá đúng đối tượng khi chủ thể biết mình, đánh giá đúng về mình. Nói cách khác, không nhận ra giá trị của mình, ta sẽ nhận diện sai đối tượng và đây chính là sai lầm lớn nhất trong lựa chọn tình yêu. Khi yêu ai, ta cần biết mình truớc khi biết người mình yêu. Không biết mình, không nhận ra mình là ai, có những giá trị nào ta sẽ mang mặc cảm hoặc tự tôn, hoặc tự ty trước đối tượng. Cả hai thứ mặc cảm đều nguy hiểm và làm đời ta bất hạnh. Chúng như những bảng chỉ dẫn sai làm ta lạc đường, mất hướng. Tự ti đẩy ta xuống vực thẳm, tự tôn nhấc bổng ta lên mây. Vực thẳm hay mây ngàn đều là những điạ chỉ không cần đến, vì nguy hiểm cho sự sống còn của chính bản thân.
Khi nhận ra giá trị của mình, ta sẽ dễ dàng nhận ra đối tượng ta yêu nhờ khả năng phản chiếu của các giá trị. Qua gương phản chiếu các giá trị, ta phán đoán giá trị, tư cách, tính khả tín của đối tượng trong tình yêu. Những phán đóan này sẽ giúp ta chọn lựa đúng những gì ta phải làm, ngay cả chuyện cho đi, dâng hiến, trao tặng. Sở dĩ ta phải đánh giá đối tượng và thẩm định giá trị của con người ấy trước khi ta yêu, ta dâng hiến, ta cho không biếu không là vì trước tất cả, ta đã là một giá trị nào đó cần được trân qúy, tôn trọng, giữ gìn. Phí phạm một giá trị, lạm dụng một giá trị, chà đạp một giá trị là xúc phạm đến người mang những giá trị đó. Tự trọng ở đây bắt ta không được để bất cứ ai, kể cả đối tượng đang yêu xúc phạm nhân vị và phẩm cách của chính mình. Cũng vậy, khi dâng hiến, trao ban vô điều kiện cho người mình yêu, ta đòi nơi họ lòng tôn trọng những gì ta là, ta có như những giá trị không thể hoán nhượng. Nếu đối tượng không đủ khả năng tôn trọng những giá trị ta trao ban, dâng tặng vô điều kiện cho họ, họ không đủ điều kiện xứng hợp để nhận những giá trị ta dâng hiến và chính ta sẽ không được phép trao ban cho họ những giá trị này, dù lòng ta bao dung, quảng đại đến đâu đi nữa, chỉ vì ta có bổn phận tự trọng đối với chính bản thân ta.
Ý thức giá trị của mình và nghiã vụ phải tôn trọng các giá trị đó nơi đối tượng đón nhận sẽ giúp ta biết với ai ta có thể cho, và ta được phép cho đến mức độ nào. Nói cách khác, điều kiện để đón nhận những giá trị từ một người là phải biết nhận ra và trân qúy những giá trị và con người trao ban những giá trị ấy. Thiếu điều kiện này, mọi dâng hiến, trao tặng đều không mang một ý nghiã nào và là tai hoạ khôn lường cho chính người trao ban.
Tình yêu không thể thiếu đam mê. Chính đam mê làm tình yêu thăng hoa, lãng mạn; chính đam mê cho người yêu tự nguyện dâng hiến vô điều kiện, thúc bách "cho không biếu không» như bảo chứng của một tình yêu tuyệt vời, hoàn hảo. Nhưng đừng quên: đam mê không truất phế các giá trị, cũng không đánh đổ lòng tự trọng và nghiã vụ tôn trọng trong tình yêu. Đam mê là một tình cảm mạnh nên cần lực hút là các giá trị. Thiếu giá trị như lực hút, đam mê sẽ biến thành mê muội, mê sảng, mê mệt, mê man không đảm bảo bất cứ một an toàn cỏn con, tối thiểu nào cho cả chủ thể và đối tượng của đam mê.
Yêu ai là muốn cho người ấy hết, cho hết mình, cho hết tình, cho vô điều kiện, cho không biếu không. Ước muốn cho đi đó là khao khát tận đáy sâu tâm hồn, thân xác muốn chứng tỏ hết mình tình mình dành cho người mình yêu. Nhiệt tình trao hiến không tính toán đó là bằng chứng hùng hồn của một tình yêu mãnh liệt, liều mình vì người mình yêu. Vì thế, yêu mà không dâng hiến vô điều kiện thì tình ấy mới chỉ là tình yếu xìu. Yêu mà chưa dám liều cho hết thì yêu ấy xem ra vẫn còn rất phiêu lưu, chưa phân định, ngã ngũ. Nhưng liều mạng, cho hết tình, xẻ chia hết mình mà quên xem lại khả năng đón nhận của đối tượng để rồi "xót xa một đời" lại là "tình mất tiêu".
Quân bình được đòi hỏi của một tình yêu lớn với khả năng dâng hiến lớn nơi chủ thể và đòi hỏi khả năng đón nhận những giá trị dâng tặng nơi đối tượng là một công trình có tầm vóc lớn cần phải được quan tâm xây dựng trong tình yêu. Yêu là cho đi, nhưng cho người không biết giá trị của quà tặng và tấm lòng của người cho là một phí phạm vô lý và xúc phạm trầm trọng. Yêu là cho đi, cho đi như nét đẹp của một tình yêu hoàn hảo, tuyệt vời khi người nhận ở ngang tầm giá trị vì nhận ra quà tặng của tình yêu và trái tim mang đến tình yêu này là một giá trị tuyệt đối, không gì có thể so sánh và bất khả chuyển nhượng.
Ước mơ của người viết là được thấy nở rộ khắp nơi, trong mọi cõi lòng một tình yêu lớn dám quên mình, một tình yêu thần thánh dám chắp cánh vượt qua, một tình yêu hoàn hảo "cho không biếu không".
Ngoài đầu ngõ, có hai người đang sánh vai trong nuớc mắt hạnh phúc. Cả hai vừa cho vừa nhận một món quà vô giá, rất tuyệt vời là "tình cho không biếu không".

TÌNH NHỚ


Trịnh Công Sơn viết “Tình Nhớ” như viết thay mỗi người nỗi nhớ khó nguôi ngoai những cuộc tình đã qua trong đời. Ký ức như một máy chụp, đã chụp vào phim thì mãi mãi vẫn còn đó. Phim nhựa có thể xóa, tiêu hủy, nhưng những thước phim tình trong ký ức đời người là những thước phim đời đời, chẳng bao giờ có thể phôi pha, nhạt mầu.
Càng muốn quên lại càng nhung nhớ. Đó là lời than thở thầm kín của nhiều trái tim khi ký ức gợi nhớ những hình ảnh yêu thương đã qua trong đời. Đã có bao nhiêu ân tình hằn sâu da thịt, bao nhiêu nụ cười, nước mắt đã đỏ thắm làn da, bao nhiêu âu yếm, cưng chiều đã tô xanh mầu mắt và bao nhiêu ray rứt, tiếc nuối, hối hận đã cay đắng những bờ môi.. Qủa là không đếm hết được những kỷ niệm yêu thương của một thời, của nhiều thời trong đời của một người.
Muốn quên nhưng chẳng quên được. Tâm sự kín đáo của nhiều con tim không sao quên được bóng hình người xưa của một thời dấu ái. Thời gian tưởng sẽ là liều thuốc quên thần diệu. Không gian biền biệt tưởng sẽ chia cách tâm hồn, nào ngờ ký ức vẫn cứ ngạo nghễ và hình bóng vẫn mồn một sống động. Dường như người ta có thể quên nhiều chuyện, nhưng riêng chuyện tình thì ít ai có thể quên. Chẳng thế mà hồn ai cũng bâng khuâng một nỗi nhớ người xưa khi trời trở lạnh, cũng xôn xao một kỷ niệm khi lá vàng gọi thu, cũng mênh mang một cảm xúc khi sương đêm nhẹ rơi làm ướt tóc. Nỗi nhớ, niềm đau càng dạt dào, chất ngất hơn, đôi lúc phải nghẹn ngào, nức nở khi khổ đau, bất hạnh tràn ngập, xâm chiếm hiện tại. Tình xưa, người xưa những lúc này trở về như vũ bão từ đỉnh núi, vực sâu, từ đồng bằng, cao nguyên, từ thôn xưa, xóm cũ, từ đất xa xứ lạ. Và nỗi nhớ cứ miên man, se thắt tim gan, làm mê mê tỉnh tỉnh…
Nhớ là một khả năng tâm lý. Ký ức là cơ năng ghi nhận và lưu trữ. Biến cố, sự kiện, nhân vật càng gây ấn tượng, càng được ghi sâu, chụp rõ, lưu trữ lâu dài. Tình cảm càng vũ bão, cảm xúc càng mãnh liệt thì hình ảnh của đối tượng càng được khắc sâu và bảo tồn. Yêu càng nhiều càng khó quên, yêu càng sâu càng khó gột xóa, mà tình yêu có mấy khi không sâu, không đặm, không tha thiết?
Trước ngày lên xe hoa về nhà chồng, người con gái thường nhớ về những cuộc tình xưa với những người tình đã một thời chia sẻ yêu thương. Dù ở mức độ khác nhau, nhưng không một bóng hình đã đi qua trong đời bị quên lãng… Chú rể cũng không khác hơn, ngày cưới vợ cũng là lúc chàng nhớ lại những mảnh tình đã chắp vai. Có những mảnh tình đẹp, mảnh tình không đẹp, nhưng đã là tình là chàng nhớ như những mảng da thịt trên thân thể để xao xuyến, xót xa, nhung nhớ, tiếc nuối, giận hờn.Tạo Hoá cho con người ký ức, không những để nhớ mà còn để tự phản tỉnh và tự hoàn thiện.
Tự phản tỉnh qua ký ức là thấy rõ mình và tư cách của mình. Có những cuộc tình ở đó ta là người đẹp, vì sống đẹp, chơi đẹp, cư xử đẹp. Cũng có nhiều cuộc tình khác, ta đã là người xấu, xấu vì thiếu tư cách, thiếu đạo đức, thiếu phẩm hạnh. Nhớ và nhận ra mình xấu hay đẹp là kết quả của ký ức phản tỉnh, nhờ đó ta nhận diện mình chính xác hơn.
Tự phản tỉnh cũng chính là tự phán xét, phân xử. Hành động xấu phát sinh tình cảm hối tiếc, ân hận. Hành động tốt mang lại bình an, mãn nguyện. Khi hình bóng cũ trở về, ta cũng phải xuất hiện, dù nhiều khi không muốn, với hình bóng ấy để gặp lại chính mình, để phải buồn hay vui, quay quắt, ray rứt hay thanh thản, an bình tùy theo ta đã xấu hay đẹp, đã trọn tình hay phụ tình, đã ăn ở dễ thương hay bạc bẽo. Như thế, ân tình không dễ quên, vì ân tình là một món nợ, nợ tiền bạc còn mong trả, nợ tình biết đến kiếp nào mới thanh toán xong. Hơn một món nợ, ân tình gắn liền với lương tâm, một thứ toà án sâu thẳm riêng tư, nhưng nghiêm khắc hơn tất cả mọi thứ toà án khác. Nó hiện diện ngay trong ta, nên ta không thể lẩn trốn, tránh mặt. Nó thấy mọị ngõ ngách âm u của tâm hồn, đọc được mọi ý nghĩ và thẳng thắn gọi tên, chỉ mặt đến độ trắng trợn, tàn nhẫn. Và ta hiểu tại sao ký ức đôi lần đã làm ta sợ, vì ký ức đã hợp đồng với tiếng nói của lương tâm mỗi khi trở mình, gợi nhớ, nhắc nhở. Vì thế không phải ai cũng can đảm đối diện với ký ức và ai cũng thanh thản rong chơi với tình nhớ.
Tự phản tình, tự phán xét, phân xử, ký ức cũng thúc đẩy tự hoàn thiện. Hoàn thiện được hiểu là trở nên tốt hơn, sáng suốt hơn, trong sáng, nhân bản hơn. Có biết bao lỗi lầm trong quá khứ, bao sai sót, vấp ngã trên đường tình hôm qua. Chưa hẳn vì đường tình nhiều gai góc, chông gai, hiểm trở cho bằng vì ích kỷ, lợi dụng, tham lam, tầm thường, yếu đuối của chính ta đã làm đuờng tình thành "đường đi không đến", thành ngõ cụt, đường chông gai, cạm bẫy. Chưa chắc cuộc tình tự nó đã trắc trở, khó khăn, nhưng vì ta đã đạo diễn cho cuộc tình phải khó khăn để người tình phải chết, phải bỏ cuộc, phải suy yếu, kiệt lực. Và có thể những người tình của "tình nhớ" ấy tuy đã hết tình, hết mình với ta nhưng đến một lúc đành buông tay đầu hàng, ngậm ngùi rút lui trước thủ đoạn tinh vi và ác độc của ta khi ta chỉ lợi dụng tối đa, đào mỏ triệt để mà không muốn nhận vào bất cứ trách nhiệm nào trong cuộc tình.
Có nhiều điều, nhiều vùng tối của những cuộc tình xưa cần được làm sáng tỏ. Dù muốn dù không, ký ức cũng cứ tuân hành lệnh của lương tâm mà thong thả, ung dung gọi ta về vùng quá khứ để tuần tự trả lời những vấn nạn mà chỉ một mình ta biết và có thể trả lời thoả đáng.
Đối diện với tình nhớ, người ta có nhiều thái độ khác nhau. Có thể là tránh né, nếu tình nhớ nhắc nhớ trách nhiệm đã bị lãng quên, nghĩa vụ bị xoá bỏ, bổn phận bị coi thường. Có thể là tiếc nuối vì lỡ một cơ hội hạnh phúc, tuột mất người tình lý tưởng. Có thể là xót xa khi tình cho đi đã không được đáp trả và người tình cũ hôm nay đang ở vào tình trạng bế tắc. Cũng có thể là giận hờn, oán trách nếu tình yêu và giá trị bản thân đã không được người tình trân qúy.
Nhiều thái độ do nhiều cảnh huống đa dạng và đáp số khác biệt. Tuy thế, ta cũng nên có một chọn lựa phù hợp để tình nhớ được mãi là "tình đang nhớ".
Các nhà tâm lý đề nghị chung một thái độ:
1.  Đón tiếp "tình nhớ" bằng một thái độ chân thành. Chân thành có nghiã là chân chính, thành thật. Đừng tô vẽ, hoá trang tình cũ theo quan điểm, nhu cầu lợi ích, thủ đoạn chạy tội, phương án chạy án của ta, nhưng tình đã như thế nào, hãy đón tình như vậy. Thái độ chân thành sẽ giúp ta nhận diện chính mình và nhận ra những ưu, khuyết điểm của mình và của mọi người trong cuộc. Nhận diện đúng đem lại nhận định đúng. Nhờ nhận định đúng, ta có sự thật và chỉ sự thật mới thực sự giải phóng.
2.  Nhờ chân thành, ta có sự thật, người thật. Nhưng chỉ dựa trên sự thật thôi là một nguy hiểm lớn, bởi sự thật lúc này rất có thể sẽ làm bốc lửa căm phẫn; nếu ta không cho sự thật được song hành với lòng bao dung, quảng đại. Bao dung, quảng đại ở đây không chỉ là rộng rãi bỏ qua cho người tình và những người khác trong cuộc, nhưng là thông cảm, tha thứ và rộng lượng cả với chính mình. Có rộng lượng với chính mình, ta mới tha thứ được người khác. Nhờ rộng lượng, bao dung, ta tìm lại bình an của tâm hồn, hồn nhiên, trong sáng của trái tim và ngây thơ, dễ thương của người đối diện. Lòng bao dung, quảng đại mở ra một chân trời yêu thương mới, rất bao la cho phép ta làm lại tất cả một cách tốt đẹp hơn, thành công hơn, đáng yêu hơn. Có một lời hứa trong bao dung, quảng đại: đó là một trời mới, đất mới dang tay đang chờ đón. Với tinh thần bao dung, ta sẽ tha thứ cho chính mình để từ nay gánh nặng ngàn cân của mặc cảm tội lỗi được tháo gỡ; ta cũng biết thương người đã cùng ta làm nên cuộc tình cũ để không một tỳ vết của hận thù được phép vương vấn trên dung nhan và cuộc đời họ. Ở đây, không chỉ là buông tha nhau, mà còn là thứ tha, yêu thương nhau nhiều hơn trong ý nghiã trong sáng nhất của tình yêu là mong đem lại hạnh phúc cho người mình yêu. Như thế, tình nhớ vẫn đáng nhớ suốt đời, vì tình ấy làm lớn hơn tình yêu của ta hôm nay. Tình ấy, vì được tinh luyện trong qủang đại, bao dung, tha thứ, nên tinh ròng, tinh khiết và góp phần làm làm đẹp cuộc tình hiện tại. Đừng nghĩ: tình nhớ sẽ làm quên tình hiện tại. Đúng, nó có thể làm quên, kể cả làm sụp đổ tình hiện tại, nếu nó chưa được thanh luyện trong lò tự phản tỉnh, tự phân xử, đón nhận chân thành và bao dung, quảng đại.
3.  Thái độ sau cùng là nuôi dưỡng lòng tự trọng và lòng tôn trọng người xưa. Thường có nhiều lý do để trách móc nhau khi sự việc không thành, khi tình rơi vào lỡ làng, bế tắc. Trách nhau bao giờ cũng dễ vì tính chủ quan và lý do thường không thiếu; bênh vực nhau mới thực khó, vì đòi lòng tự trọng cao và tinh thần tôn trọng đối tượng. Đây là nét đẹp nhất trong tình yêu của bất cứ một tương quan yêu thương nào. Người ta chỉ có thể yêu nhau và ăn ở hạnh phúc với nhau trọn đời trọn kiếp khi biết tự trọng và biết tôn trọng nhau. Thiếu tôn trọng, không một tình yêu nào có thể đứng vững và phát triển. Nếu đứng cũng chỉ là dáng đứng "thương binh", xiêu vẹo, gượng gạo, bất đắc dĩ. Với tự trọng và tôn trọng nhau, tình nhớ sẽ mãi mãi đáng nhớ vì cả ta và người xưa ấy, không ai bị bôi nhọ, làm nhục, không ai là tội nhân đáng nguyền rủa, khinh khi, không ai là tội phạm, quan toà, nhưng cả hai vẫn là những người bạn đã một thời cùng đi trên những cây số cuộc đời.
Đường đời dài và ta đồng hành với nhiều người. Có người đi với ta một chặng đường, có người vài cây số, có người một phần lớn cuộc đời. Hành trình đời ta dài và rất nhiều người đã góp mặt. Mỗi người một kiểu, mỗi người một thời… nhưng ngắn dài, lâu mau, tất cả đều là bạn đồng hành mà ta đã may mắn được cùng họ sánh vai… Không lẽ hôm qua là bạn đường, hôm nay trở thành người dưng? Năm xưa là người tình, người yêu, năm nay là yêu tinh đáng sợ? Thiếu tự trọng, ta sẽ tàn nhẫn biến người xưa thành kẻ tội đồ. Thiếu tôn trọng, ta sẽ "bôi tro trát trấu" trên dung mạo của người xưa để tiện bề rửa tay và tuyên bố trước bàn dân thiên hạ: "Tôi vô can, vô tội trong máu người này".
"Tình nhớ" ơi, tôi vẫn muốn tình mãi là tình để nhớ, vì tình đã đi qua đời tôi, đã cùng tôi sánh vai, đồng hành ít nhiều, gần xa trên đường đời vạn dặm. Sẽ buồn lắm, nếu cố quên tình chỉ vì tính ích kỷ nhỏ mọn. Sẽ chua chát lắm nếu cố xoá tình, chỉ vì không muốn nhớ những lỗi lầm, thiếu sót xưa. Sẽ đắng cay lắm nếu cố loại bỏ tình ra khỏi cuộc đời chỉ vì muốn xoá hẳn một lý lịch, một quá khứ nghèo khổ, thiếu thốn, ở đó hai đứa đã yêu nhau và chia sẻ đến hột cơm cuối cùng. Sẽ ngậm ngùi lắm nếu cố bạc tình chỉ vì sợ những rủi ro cho tình yêu và sự nghiệp hôm nay. Sẽ xót xa lắm nếu cố vùi dập tình chỉ vì đạo đức giả, vì một màn kịch lương thiện cần vá víu. Sẽ thất vọng lắm nếu cố phớt tình chỉ vì chút hư danh.
 Và sẽ khó quên lắm nếu cứ cố quên một mối tình tự thân, tự danh đã là "Tình Nhớ".

TÌNH BẠN

Châm ngôn Pháp có câu “Ai có được người bạn tốt là có cả kho tàng”.
Mấy ai trong chúng ta đã có được kho tàng qúy giá?
Tình bạn là một thứ tình “thong thả, trong sáng, nhẹ nhàng”. Thong thả vì không có cái vội vã, đam mê rối bời, xuôi ngược của tình lứa đôi; trong sáng vì những cám dỗ của ích kỷ ít có cơ may xuất hiện và phát triển; nhẹ nhàng nhờ không bị ràng buộc, gò bó. Sở dĩ có được những đặc tính này là vì tình bạn là một thứ tình rất tự do.
Tình bạn tự do vì không bị chi phối gắt gao bởi nhu cầu tâm sinh lý. Tình bạn cần, nhưng không là điều kiện sống còn. Nó có những đường nét tự do độc đáo mà không tình nào có được.
Nhìn vào thực tế và qua kinh nghiệm, tình bạn không theo một khuôn mẫu, quy thức nào nhất định: ta có thể có bạn hay không có bạn; ta chọn làm bạn người hợp với ta, ta thích; ta có thể chọn bất cứ ai, không bị hạn chế, khoanh vùng theo tuổi tác, tôn giáo, nghề nghiệp, môi trường và nhất là kiểu chơi với bạn của mỗi người cũng rất phong phú, phóng khoáng, thoải mái, không theo một mô hình, khuôn mẫu nhất định nào... Ai cũng có thể là đối tượng của ta, bởi ai cũng có thể trở thành bạn ta. Chân trời tình bạn luôn mở rộng, không nhất thiết chỉ vài người, ở một vài nơi, thuộc một vài chủng tộc…; nhưng luôn mở rộng đến bao la, bất tận, không dừng ở một ranh giới, phạm trù nào... bởi tình bạn tự thân đã là một tình tự do không biên giới.
Đó là khả thể lớn lao của tình bạn. Khả thể này cho phép ta bay nhẩy, bơi lội trong thế giới tình người. Ở đâu, lúc nào ta cũng có thể tìm bạn, có bạn, gặp bạn, trở thành bạn.
Nhưng cũng chính khả thể lớn lao này mà chọn bạn trở nên phức tạp. Tôi có thể có nhiều bạn, có thể trở thành bạn của nhiều người, nhưng “những có thể “ấy chỉ mở rộng bờ cõi, ranh giới, phạm vi, chứ không là những bảo đảm chắc chắn. Khả thể có bạn, trở thành bạn không thay thế những điều kiện làm sao để có bạn và là bạn thực sự. Khi không nhận diện chính xác và phân biệt rõ rệt “khả thể” và “điều kiện”, ta sẽ rơi vào tình trạng của số đông là đánh gíà thấp tình bạn và biến tình bạn thành những món hàng nhất thời. Tình bạn lúc ấy sẽ bị nhìn dưới lăng kính “thương mại“ và từ đây sẽ nặng nề vì bị đổi chác, cân đong.
Tình bạn chân chính, ngoài tính tự do làm nền tảng, còn đòi một trái tim bén nhậy. Bạn thường là người bén nhậy trong mọi tâm trạng, hoàn cảnh, tình huống của đời ta. Đau buồn, hạnh phúc, thất bại, thành công ta thường chia sẻ với bạn và bạn là người hiểu ta hơn ai hết. Có nhiều vấn đề khó khăn, tâm sự khúc mắc, ta không thể hở môi với người khác dù là vợ, chồng, cha mẹ, anh chị em ruột.. nhưng bạn lại là người giúp ta trút bỏ tâm sự và tìm ra đáp số đúng nhất. Sở dĩ ta nói được tất cả với bạn mà không mắc cở, sợ hãi, ngượng ngùng là vì tình bạn luôn “trong sáng, thong thả, nhẹ nhàng” nên có khả năng đảm bảo một khoảng cách cần thiết để tự do và nhân vị của ta không bị chiếm đoạt, tấn công và khả năng dự phòng một khoảng “không gian tình cảm” cần thiết để lòng tương kính không bao giờ bị xói mòn. Giữa ta và bạn có một tương giao đặc biệt, khác mọi tương giao khác. Đó là tương giao của tự do. Chính tự do làm nên tình bạn, xây dựng tình bạn. Tự do ấy tuy đặt ta trước rủi ro bỏ bạn hay bị bạn bỏ; nhưng có rủi ro như thế, tình bạn mới đẹp, mới tinh ròng nhờ luôn giữ dáng “thong thả, trong sáng, nhẹ nhàng”.
Tôi với bạn, ít nhiều chúng ta đã có bạn và là bạn của nhiều người. Tình bạn nơi ta lắm lúc nhạt nhoà, mờ mịt, lơ mơ, rời rạc như mây khói; nhưng cũng có lúc sôi nổi dữ dội. Nhiều người bạn đã theo ta một quãng đường, người khác một vài cây số, có người đồng hành với ta cả hành trình cuộc đời, bên cạnh cũng không thiếu những người đã bỏ rơi ta khi ta cần họ. Cũng những người bạn ấy, có ngườì đã cho ta hạnh phúc; nhưng cũng có người đã làm ta điên đảo, khổ đau, thất vọng. Thế mới biết, tình bạn cũng là một thứ tình thuộc giòng họ nhà “Tình”, nên không tránh khỏi khổ đau. Tình bạn cũng là một thứ tương giao, một kiểu đường “đi vào lòng nhau”, nên cùng chung tuyến đi vào huyền nhiệm. Huyền nhiệm mời gọi những khai mở bất ngờ, thích thú; nhưng cũng hứa hẹn nhiều thử thách, cam go se lòng...
Ở vào cây số bao nhiêu của cuộc đời đi nữa, ta vẫn luôn cần có bạn. Tình bạn không thay thế những tình khác và cũng không muốn bị thay thế. Nó như những đọt nắng làm ấm lòng và làm sáng cuộc đời. Thiếu nắng, cây vẫn có thể sống; nhưng sống nhợt nhạt. Nắng cho cây rừng xanh lá, cho đồng luá óng ả vàng, tình bạn thật cũng cho đời ta một kho tàng, một trời xuân.

TÌNH TÓC MÂY


Lệ Hằng, tác giả của nhiều tiểu thuyết trong đó có tác phẩm "Tóc mây", một thời làm sôi động giới trẻ Sàigòn qua mối tình nóng bỏng của cha Duy và cô sinh viên.
Lệ Hằng là chị họ, con ông bác ruột, anh lớn của mẹ tôi. Tôi còn nhớ khi viết "Tóc mây", chị có cho tôi đọc một vài đoạn của bản thảo. Chị hỏi tôi có hay không? Tôi chỉ cười và tỏ ý e ngại cho ngòi bút táo bạo của chị. Đúng như tôi dự đoán, bác tôi đã đăng báo từ chị, không nhận chị là con từ dạo ấy.
Chuyện chị viết là chuyện tình của một linh mục với một thiếu nữ, câu chuyện mà bác tôi cực lực lên án. Với các ngài, chuyện đó không thể xảy ra và ngay cả có xảy ra cũng không được đề cập đến, phải ém nhẹm, che đậy, chôn dấu đi, nếu còn muốn là người "có đạo". Và chị tôi đã bị nhiều người trong họ nguyền rủa, trách móc là "phường vô đạo, bôi bác các Đấng, làm ô nhục Hội Thánh".
Tôi không có kinh nghiệm về những mối tình "mây bay, tóc rối " này, nhưng biết một điều là rất nhiều trái tim đã hơn một lần chọn giới nhà tu làm đối tượng yêu.
Thường thì nhà tu mang diện mạo thâm trầm, đạo mạo, đáng kính; nhưng không chỉ đáng kính, đạo mạo, thăng trầm, nhà tu còn có cả một chuỗi dài những đức tính như dễ thương, hiền hậu, tế nhị, nhạy cảm, nhẫn nại, bác ái, vui vẻ, lịch sự, đôn hậu, tận tâm, ân cần… và cả “galant” nữa. Không những họ có đủ đức tính để thành công, họ còn có mọi điều kiện để sống tình, sống một cuộc đời rất tình.
Nhìn vào vị tu sĩ, ta thấy nơi họ toát ra một cái gì rất lôi cuốn, một thứ lôi cuốn lạ lùng, huyền nhiệm như muốn cất bổng ta theo họ ra khỏi cõi ô trọc trần gian. Nơi họ, ta thấy bình an, một thứ bình an không son phấn, nhưng cuốn hút cõi lòng rối bời, xao xuyến của ta. Họ tỏa ra một thứ hương trời, một nét đẹp không diêm dúa phô trương. Họ mang một thân xác trinh nguyên, ấm áp cả cõi trời cao cả. Ở họ, ta có cảm tưởng sẽ gặp được tất cả: Thượng Đế và tất cả những gì đẹp nhất, tinh túy nhất của loài người.
Tìm đến để rồi bị lôi cuốn bởi vẻ đẹp thần thánh nơi họ, ta sẽ không ngần ngại đi theo tiến trình bình thường của tình yêu là chiếm đoạt. Yêu linh mục, có một dạo đã thành cái "mode" thời thượng. Người ta cảm thấy hãnh diện được làm người tình của ông cha, ông thầy. Nhiều cô không yêu ai mà chỉ tìm yêu cha, mong lấy thầy. Tuy biết xã hội không mấy thiện cảm với những người "cám dỗ nhà tu" nhưng xã hội là chuyện của xã hội, tôi có chuyện của tôi. Rồi đâu cũng sẽ vào đó khi tôi đã lấy được thầy, nyêu được cha.
Nhìn vào những cuộc tình kiểu "tóc mây" của Lệ Hằng, ta thấy tình yêu không đến bằng những bước chân âm thầm từ xác thịt, nhưng lượn là trên cao từ những tầng mây xanh thẳm, mơ hồ, huyền diệu, quyện nhẹ theo gió những lọn tóc mây thơm mùi nắng gió. Tình yêu ấy không xâm lấn, chiếm cứ sỗ sàng đối tượng từ những phần xác thịt thơm tho gợi cảm; cũng không điên cuồng, chụp giật; nhưng ngây ngất, ngọt ngào trong lời kinh mầu nhiệm, đam mê, cuồng nhiệt theo tiếng hát giờ kinh đêm. Tình yêu ấy có lúc thoang thoảng như hương trầm, có khi tha thiết như chuông ngân; nhưng dù thoang thoảng hay tha thiết, tình ấy luôn giữ bản sắc thánh thiện.
Bởi mang bản sắc thánh thiện, có hương nến nghi ngút bao che, có mây ngàn diệu vợi gìn giữ nên không mấy khi tình ấy thực sự lộ diện. Nó cứ e ấp, nửa vời để không mất mầu thánh thiện. Nó cứ lẩn quẩn, loanh quanh để tránh tiếng sỗ sàng, xác thịt. Bởi là tình thánh thiện nên phải mang bộ diện thánh và hướng đi thiện. Bộ diện thánh thì không khó nhưng hướng đi thiện quả không dễ chút nào.
Hướng đi thiện ban đầu được đảm bảo bởi bộ diện thánh; nhưng với thời gian, đường đi khó đến sẽ làm lữ khách ngập ngừng, bối rối kéo theo những lỡ nhịp, lỡ trớn của bộ diện. Bởi thời gian không tha ai, không che dấu sự gì nên bộ diện thánh cũng sẽ tơi tả, rớt xuống một ngày khi mà hướng đi không còn thiện.
Hướng đi không còn thiện ở đây phải được hiểu là tình trạng bất nhất của chủ thể. Chủ thể không còn sống thực với chính mình, không còn liên quan thực giữa lý tưởng và đời sống. Cơn bão tình đã làm đảo lộn trật tự đang có, một trật tự cần thiết cho đời sống và lẽ sống đã được chủ thể tự do chọn lựa. Bởi bộ diện và hướng đi không thể không phù hợp, đời sống và lẽ sống không thể tách rời; nên khi trật tự bị lấy đi, đời sống và lẽ sống bị ngăn rẽ, hướng đi và bộ diện không còn hợp nhất thì lập tức có những khoảng không hụt hẫng, bất ổn.
Một trong những bất ổn của cuộc tình này là tính cách ỡm ờ, nửa hư nửa thực của nó. Người trong cuộc nhiều khi cũng không biết mình đang ở đâu, phải làm gì; bởi khó xác định được tình trạng thực của tâm hồn; bởi không rõ và không dám rõ mình đã yêu hay chưa yêu, có thể yêu hay không đuợc phép yêu, dám liều lĩnh yêu hay còn e ngại đủ điều.
Bất ổn còn do chỗ đứng trong xã hội, do dư luận và những đòi hỏi của xã hội. Một linh mục yêu một cô sinh viên hay một cô tín đồ “phải lòng” một linh mục là điều không thể chấp nhận với nhiều người. Người ta không chấp nhận hay không dễ chấp nhận vì tính cách thánh thiện muôn thuở của "con người linh mục" và thành kiến khó phai trên đời người con gái lỡ yêu nhà tu. Xã hội đánh giá, định lượng chuyện tình "tóc mây" bởi xã hội coi chuyện tình này liên quan đến họ, dính dáng đến họ với một lý luận đơn giản: ông cha, ông thầy là nhà tu là người của mọi người, ông ấy thuộc về tất cả chúng tôi.
Trở thành người của mọi người từ dạo làm cha, làm thầy nên nhà tu không còn tự do làm chuyện riêng. Chuyện gì của họ cũng là chuyện chung, chuyện của mọi người, vì mọi người. Ngay cả yêu thương, cũng phải yêu chung, yêu mọi người; nên khi yêu ai hay bị một ai chiếm đoạt làm của riêng, nhà tu lập tức bị tập thể lên án. Họ lên án vì khế ước tinh thần bị đơn phương hủy bỏ. Họ khó chịu bực bội vì có cảm tưởng bị mất mát, bị tước đoạt, bị trắng trợn phản bội.
Đây là then chốt của nhiều căng thẳng giữa nhà tu và giáo dân và nhà tu phải nhận ra họ chỉ được an bình trong đời sống tình cảm khi chịu chia sẻ và chan hòa tình yêu cho mọi người. Chính con đường "chan hòa" ấy cho họ khả năng và chỗ đứng làm cha, làm thầy mọi người. Ngược lại, nếu có những khúc quẹo "riêng tư" của tình cảm, họ sẽ bị mất đi niềm tin, lòng kính trọng.
Như thế, ta thấy khó có thể lèo lái dư luận đi theo chiều "tóc mây", khó có thể yêu một nhà tu mà không bị lên án. Và nếu tình yêu ấy luôn khó khăn, trăn trở, nhiều chướng ngại, thử hỏi làm sao an bình, hạnh phúc được bảo đảm? Chỉ có một chọn lựa cuối cùng là từ bỏ tất cả, quên đi tất cả, làm lại tất cả. Chọn lựa này thường không dễ bởi tự nó đã là một khó khăn hầu như không lối thoát. Nó cũng thường kéo theo nhiều ray rứt, dằn vặt làm mưng mủ nhiều vết thương lòng khác.
Chuyện "Tóc mây" của chị Lệ Hằng viết đã nhiều chục năm nay, tôi không nhớ nhiều những tình tiết trừ một điều còn đậm nét trong ký ức, đó là đoạn kết với "ơn trở về" của cha Duy, nhân vật chính trong truyện, một truyện tình lãng mạn và đẹp như suối tóc của ngàn mây.