Quy luật xã hội, nhất là của một xã hội chịu ảnh hưởng
luân lý Khổng Mạnh, thường định sẵn chỗ đứng của từng nguời và tương quan của
người ấy trong sinh hoạt xã hội. Và mục đích đạt được của xã hội này là một
trật tự bên ngoài được xem như hoàn hảo. Trong ý hướng duy trì một trật tự hoàn
hảo, xã hội ấy cũng đã muốn đặt một quy luật bất biến cho sinh hoạt tình cảm vì
ý thức ảnh hưởng quan trọng của tình cảm trong sinh hoạt trật tự xã hội. Để
thực hiện mục tiêu này, nhiều luật lệ, nhiều hàng rào luân lý đã được dựng lên
nhằm thu nhỏ, chắn ngăn đường tiến của tình cảm. Và kinh nghiệm cho thấy, xã
hội ấy đã thành công cho một trật tự nhìn thấy được; nhưng không mấy thành công
cho một trật tự tình cảm.
Sinh hoạt tình cảm vốn không đơn giản hay dễ be bờ,
đắp đê. Quy luật tình yêu lại không là quy luật xã hội. Nó theo nhịp đập của
tim, tiếng gọi con tim, lý lẽ trái tim. Nhịp đập ấy không cùng nhịp với quy
luật thường; lý lẽ và tiếng gọi ấy không nằm trong những phạm trù, lý luận sẳn
có. Lý luận có hợp lý đến đâu, minh luận có mạch lạc thế nào; con tim cũng chỉ
nghe theo những lý luận của riêng nó. Ngôn ngữ triết học, thần học, luận lý,
luân lý...trước lý lẽ của trái tim cũng chỉ là một mớ ngổn ngang, rỗng tuếch.
Trái tim có những lý lẽ của riêng mình, lý lẽ này nhiều khi ngược hẳn mọi hệ
thống luận lý. Trái tim ấy có những suy nghĩ riêng, những suy nghĩ không thuận
chiều với quy trình chung.Trái tim ấy cũng có khả năng thực hiện ý nghĩ của
mình mà sức cản của xã hội không hẳn luôn hữu hiệu trước những ương ngạnh, gan
lì, liều lĩnh sẵn có.
Những chuyện tình đại loại như "Tóc mây"
của Lệ Hằng, "Vòng tay học trò" của Nguyễn Thị Hoàng là những
chuyện tình không khó thấy trong đời thường. Nội dung là những con đường tình
ngoằn ngoèo, trắc trở. Trắc trở vì không theo luật giao thông chung của xã hội;
ngoằn ngoèo vì từ chối những lộ trình chung sẵn có.
Những người tình trong chuyện tình ngang trái ấy sống
một cuộc sống không giống người khác bởi khác người, khác trong mẫu mực bình
thường: không khép mình vào một hệ thống bình thường, không uốn mình theo giáo
huấn luân thường. "Khác thường" trong tình yêu, họ cũng "khác
người" trong nếp suy tư, trong sinh hoạt đời sống. Dưới mắt người đời,
họ là những người "không giống ai" và họ tự hào vì "không ai giống họ".
Nhưng đó chỉ là bề mặt của một thực tại, cuộc tình trái ngang còn một mặt khác,
khuôn mặt ẩn dấu ấy thường nhăn nheo, sầu buồn hơn người ta tưởng.
Người tình của "trái ngang" thường u
uất cho con nước ngược dòng, cho dòng đời trái chiều của mình. Họ không tự
thoát khỏi xã hội và xã hội cũng không buông tha họ. Họ phải sống một đời
"ngang " giữa một xã hội "dọc". Họ phải lầm
lũi một mình bên trái trong khi đám đông ồ ạt đi bên phải. Ngang không nhìn
dọc; lề phải không muốn can dự gì đến lề trái, nhưng tự bản chất và định nghĩa,
"ngang" luôn đối kháng "dọc" và "trái" không thuận với
"phải". Đây cũng chính là ray rứt của những chiều "ngang
trái" trong thế giới
loài người và họ khổ đau hầu như suốt đời vì nhiều sức ép và độ căng: sức ép
của người khác, độ căng của chính tâm hồn.
Chia sẻ nỗi khổ "trái ngang" của
những mối tình ngang trái này ta thấy rõ hơn mầu nhiệm của tình yêu. Nếu trật
tự xã hội có hệ thống riêng; mầu nhiệm tình yêu cũng có những khó hiểu của nó.
Hướng dẩn tình yêu vào trật tự là điều đáng mong; nhưng bỏ tình yêu vào rọ trật
tự là điều nguy hiểm. Tình yêu là đời sống. Đời sống có những con đường sống
quen thuộc như những đường mòn dễ dãi không phiền muộn; nhưng đời sống cũng có
thêm mỗi ngày những con đường mới mạo hiểm, chông gai hơn.
Là một mầu nhiệm, mỗi đời sống mang nặng những ẩn số
của đời mình mà chỉ chính đời sống riêng ấy mới có thể phần nào lý giải.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét