Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 27 tháng 4, 2020

VƯỜN HOA THÁNG NĂM CỦA MẸ

Trời chưa sáng Mẹ đã ra vườn, và luôn tay luôn chân, hết việc này đến việc nọ  cho đến khi trời tối.
Mẹ thương vườn của Mẹ lắm, vườn do chính tay Mẹ dọn sạch từ một miếng đất bỏ hoang, xơ xác những bụi cỏ gai và những gốc cây to bị đốn nham nhở và đốt cháy dở dang.
Mẹ trồng đủ thứ hoa, nhiều vô kể, hầu như không thiếu thứ hoa nào mà Mẹ biết, Mẹ gặp. Cứ hoa là Mẹ đem về vun trồng, chăm sóc. Không một cây nào, dù bé bỏng, gầy gò, yếu đuối đã bị Mẹ bỏ, nhưng tất cả đều được Mẹ xít xoa, trầm trồ, khen lấy khen để đẹp qúa, xinh qúa, thơm qúa, dễ thương qúa… và ân cần chăm bón sáng chiều.
Phải nhìn Mẹ nhẹ nhàng tiả từng nhánh cúc, cẩn thận rửa từng cánh hồng e ấp, nâng niu từng nụ qùynh mới nở, rón rén đánh thức từng khóm huệ mới đơm bông  mới thấy tình Mẹ dành cho vườn hoa, cho từng bụi hoa, từng cây hoa, từng cánh hoa lớn và sâu đậm thế nào.
Mẹ thương vườn hoa như kho tàng không thể để mất, nhớ vườn hoa như nhớ con, nhắc vườn hoa như niềm tự hào, hãnh diện, và hạnh phúc  của Mẹ là ra vườn  chăm nom, săn sóc, chữa lành ngàn hoa muôn sắc.
Nhưng từ mấy tháng nay, con thấy Mẹ đăm chiêu mỗi sáng ra vườn, và trầm tư từng bước về nhà buổi tối. Biết Mẹ không vui, biết Mẹ có nỗi buồn, biết Mẹ có niềm u uất, khi đôi mắt Mẹ không còn giấu được nhạt nhoà bên những nụ hồng bị sâu cắn, những gốc mai sần sùi bị kiến đào, những cành lan rũ rượi thiếu nắng. Trước cơn bệnh của hoa, Mẹ đôn đáo, tất bật tìm thuốc diệt sâu, trừ kiến; Mẹ  ngược xuôi chạy chữa khi hoa trong vườn theo nhau chết yểu; Mẹ lo lắng, bồn chồn trước nguy cơ vườn hoa bị kẻ gian phá hoại. Và mọi người thấy mắt Mẹ quầng thâm, tóc Mẹ điểm thêm nhiều sợi bạc. Riêng con, nghe  được tiếng Mẹ thở dài thương xót vườn hoa qúy giá của Mẹ.
Vườn hoa ấy là vườn hoa nhân loại, vườn hoa của Đức Maria, mà mỗi người là những cây hoa, nhánh hoa, nụ hoa, đóa hoa muôn dáng, muôn mầu được tình Mẹ trên trời bao bọc, chở che, nâng niu, chăm sóc.
Tháng hoa năm nay vườn hoa tơi tả, không chỉ vì một thứ virút có tên Côrôna, nhưng còn vì nhiều thứ dịch nguy hiểm, tàn phá gấp ngàn lần khác. Những virút ích kỷ, kiêu căng, gian tham, ganh ghét, kèn cựa, đấu đá, những vi trùng bạo lực đến mức không còn lương tri và hoàn toàn cạn kiệt tình nhân loại, những vi khuẩn  nói xấu, vu khống, mạ lỵ, chụp mũ không ngượng miệng đến vô liêm sỉ, bất nhân, tàn nhẫn, chưa kể những virút ngạo mạn phạm thượng, xúc phạm đến Đấng Tạo Dựng. Tất cả đã làm vườn hoa nhân loại của Mẹ thành một bãi chiến trường đẫm máu, một bệnh viện không còn giường nằm, một nhà xác khổng lồ, một nghiã trang toàn những hố chôn tập thể; tất cả đã làm co rúm niềm vui ban sớm của ngàn hoa khi nhỏen miệng cười đón bình minh; tất cả đã làm tê liệt tay chân khiến hoa không còn hồn nhiên nhẩy múa  dưới nắng xuân; tất cả đã làm đau đớn thân xác để hoa không còn hứng thú vui đùa, khoe sắc, toả hương trong gió; tất cả đã làm  hoa hoảng hốt, lo sợ bị bứng rễ, tiêu diệt, và cả vườn hoa của Mẹ những tháng qua đã ủ dột, khép nhụy, co mình, buồn bã.
Vì vườn hoa bị sâu bọ, côn trùng đủ loại tàn phá, như đàn con Mẹ đang thống khổ, lo âu vì dịch bệnh Covid, nên tháng hoa của Mẹ năm nay, đoàn con không biết tìm đâu hoa đẹp, hoa tươi, hoa thơm ngát để dâng Mẹ như các tháng Năm khác.   
Nhưng chưa kịp đi tìm, thì Mẹ đã chỉ cho chúng con một vườn hoa khác, Vườn Hoa Nhân Loại Mới với muôn hoa tươi nở từ mão gai, đinh sắt, lưỡi đòng của cây Thánh Giá trên đó có Đức Giêsu chịu đóng đinh: những chùm hoa Hy Sinh của Tình Yêu quên mình, khi liều thân săn sóc bệnh nhân trong các bệnh viện; những nụ hoa Biết Chạnh Lòng của Tình yêu chia sẻ khi chia cơm sẻ bánh cho người khốn cùng không còn gì để sống; những bông hoa Khiêm Tốn của Tình Yêu phục vụ, khi qùy xuống rửa chân anh em nghèo hèn, yếu đuối với tâm tình và thái độ thân thiện, trân qúy; những bụi hoa Hy Vọng của Tình Yêu xây dựng, thăng tiến, khi nỗ lực đóng góp cho tương lai chênh vênh, đen tối của thế giới trước đại dịch.
Không những chỉ cho chúng con vườn hoa “nhân loại mới, Mẹ còn đích thân dẫn chúng con đi với Mẹ vào vườn hoa Giêrusalem để tìm gặp Đức Giêsu, Con Mẹ, khi chúng con lầm đường lạc lối; Mẹ đích thân dẫn chúng con đi với Mẹ vào vườn hoa Cana, ở đó đang có tiệc cưới linh đình, nhưng chẳng may hết rượu giữa tiệc, để xin Đức Giêsu, Con Mẹ làm nở hoa đức tin trong những bế tắc của đời sống; Mẹ đích thân dắt chúng con đi với Mẹ vào đường hoa Thương Khó, để đời làm môn đệ Đức Giêsu của chúng con không qúa căng thẳng, nặng nề vì luôn có tình mẹ nâng đỡ, ủi an; Mẹ đích thân đồng hành với chúng con vào vườn hoa  Canvê, ở đó có cây thập tự rực rỡ hoa Cứu Độ cho chúng con được cứu sống; sau cùng, đích thân Mẹ đưa chúng con đến gặp Đức Giêsu và giới thiệu chúng con với Ngài: Đây là các con của Mẹ.
Vâng, tháng hoa năm nay, các con của Mẹ sẽ dâng Mẹ những hoa lòng sắc hương rực rỡ, nồng nàn hái từ Vườn Hoa Nhân Loại Mới mà chính Mẹ đã dậy chúng con vun trồng, chăm sóc bằng Tình Yêu tín thác, Tình Yêu quên mình, Tình Yêu phục vụ, Tình Yêu tự hiến hiệp thông với Tình Yêu lớn lao, cao cả là chết cho người mình yêu của Đức Giêsu, Con Thiên Chúa và Con Mẹ để cho nhân loại Rừng Hoa Cứu Rỗi bát ngát, ngút ngàn.
Jorathe Nắng Tím    

CHÂN DUNG MỤC TỬ NHÂN LÀNH

                           Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật 4, Phục Sinh, Năm A
Hai hình ảnh không thể thiếu về người chăn chiên được Đức Giêsu mô tả trong Tin Mừng Gioan về Mục Tử nhân lành là Tiếng gọi chiên, và Cửa cho chiên ra vào (Ga 10,7), để làm nổi bật sứ vụ của người chăn chiên là gọi tên từng con và dẫn chúng rađến đồng cỏ xanh, suối nước trong “để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,3.10).
Quan sát người chăn chiên với đoàn chiên của anh: Anh không ngớt gọi từng con, và nhắc nhớ, khuyến khích, động viên chúng. Làm như chúng hiểu anh nói gì, dặn dò gì, nên khi người lạ nói, người lạ lên tiếng thay anh, chúng không hiểu và ngơ ngác nhìn nhau tỏ vẻ nghi ngờ, sợ hãi, vì “chúng nhận biết tiếng của anh. Chúng không theo người lạ, nhưng sẽ chạy trốn, vì chúng không nhận biết tiếng người lạ” (Ga 10,4-5).
Khi ra vào chuồng, đoàn chiên cũng chờ tiếng nói của mục tử, và tuyệt đối không ra khỏi chuồng khi không có mặt người chăn giữ chúng, vì chúng sợ bị kẻ trộm bắt đi. Chúng cũng không liều lĩnh trốn khỏi chuồng đi lang thang một mình trong rừng, vì biết có nhiều sói dữ rình rập, chực chờ vồ lấy chúng, và ăn thịt (x.Ga 10,12).
Với hình ảnh “tiếng nói của mục tử”, Đức Giêsu nhắc đến sứ vụ của Ngài là Ngôi Lời của Thiên Chúa, là Tiếng Nói của Thiên Chúa với nhân loại, cũng như toàn bộ Cựu Ước là lịch sử “Thiên Chúa nói với con người”, và con người tin vào Ngài nhờ lắng nghe tiếng Ngài.
Như thế, Thiên Chúa đã là người đi bước trước đến với con người bằng “mở lời” nói với con người, như trực tiếp nói với Ápraham, Môsê, và gián tiếp qua các ngôn sứ nói với dân Ngài trong Cựu Ước. Cũng vậy, trong Tân Ước, Thiên Chúa đã sai sứ thần Gabrien mở lời với Đức Maria ở ngày Truyền Tin, và chính Đức Giêsu đã trực tiếp mở lời kêu gọi các môn đệ bên bờ hồ Galilê: “Các anh hãy theo tôi!” (Mt 4,19).  
Thiên Chúa luôn mở lời trước, đề nghị trước, mời gọi trước, và dành cho con người toàn quyền trả lời đồng ý hay không đồng ý, chấp thuận hay khước từ, với tất cả tự do được Thiên Chúa tuyệt đối tôn trọng. Đó là lý do có rất nhiều người đã được Đức Gêsu “mở lời” mời làm môn đệ, nhiều người được gọi theo Ngài, nhưng con số đáp trả rất ít, số người trả lời tích cực không nhiều, như thánh Gioan đã viết: “Ngôi Lời là Thiên Chúa” (Ga 1,1) “Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian, và chiếu soi mọi người. Người ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người. Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1,10-11).
Tiếp đến, Đức Giêsu chọn hình ảnh Cửa chuồng chiên, bên cạnh hình ảnh Tiếng Gọi khi nói về người mục tử nhân lành, vì đoàn chiên cần chuồng để được an toàn, cần nơi có cửa nẻo khép kín, có hàng rào ngăn chặn để người lạ, kẻ trộm, sói dữ không thể đột nhập, xâm phạm, phá hoại, cắn giết. Và chỉ khi được ở trong chuồng có cửa khép cẩn thận, có chủ chăn trông nom, đoàn chiên mới thoải mái, bình an.
Là Cửa, người chăn chiên vừa thi hành trách nhiệm gìn giữ, che chở, vừa thực hiện bổn phận giải phóng, khi tập cho đoàn chiên trưởng thành với ý thức tự do, vì chuồng chiên không là trại giam, và người gác cửa chuồng chiên không làm công việc của công an gác cổng nhà tù, bởi chiên có quyền đi ra đi vào: đi vào để ngủ nghỉ an toàn, để khỏi bị mưa ướt, sương lạnh, để kẻ trộm và sói dữ không lợi dụng sơ hở, trống trải mà “giết hại, phá hủy”, cướp đi mạng sống, đồng thời đi ra để “gặp được đồng cỏ” (Ga 10,9), hầu được “sống và sống dồi dào” (Ga 10,9-10).       
Thực vậy, Đức Giêsu nhận mình là Mục Tử nhân lành: mục tử biết nói với chiên, và chiên lắng nghe tiếng Mục Tử (x. Ga 10,3). Nói điều này, Đức Giêsu nhấn mạnh tầm quan trọng của tiếng nói, bởi không tiếng nói giữa mục tử và đoàn chiên, không trao đổi giữa chúa chiên và con chiên, không đối thoại giữa người chăn dắt và đám đông được chăn dắt, thì không thể có đoàn chiên đúng nghiã, không thể có chuồng chiên an bình, không đấu đá, và không thể có đoàn thể chiên, cộng đoàn chiên “được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10).
Nhưng ai phải nói với ai, và ai giữ phần quyết định thành - bại trong đối thoại, để “mục tử nghe được tiếng chiên, và chiên nghe biết tiếng mục tử”, mà không ngược lại: chủ chiên và chiên, cả hai không ai chịu nghe ai”?
Hỏi tức trả lời, vì chủ chiên là người nói trước, người mở lời, và trách nhiệm đầu tiên của mục tử là nói với đoàn chiên, nên nếu mục tử không nói, không muốn nói, không biết nói gì, hoặc nói mà chiên không hiểu, thì qủa thực đối thoại không đạt chuẩn thành công. Tệ hơn, nếu chủ chiên chỉ nói những gì mình muốn, những gì có lợi cho riêng mình, nói những chuyện không thuộc phận vụ phải nói, nói những chuyện không liên quan đến hạnh phúc của đoàn chiên, không đáp ứng nhu cầu sống của đoàn chiên, không giải quyết những vấn đề thiết thực của đoàn chiên, thì coi như tương quan chủ chiên - đoàn chiên bị tắc nghẽn, đóng băng. Nhưng còn tệ hơn gấp bội, nếu chủ chăn dùng quyền “mở lời, nói trước” của mình mà độc thoại, độc diễn, độc chiếm micrô để “thánh tướng” khoe khoang thành tích, đánh bóng “cái tôi”, mỉa mai, chỉ trích những con chiên không ngoan ngùy, dễ bảo, “mắng vốn mắng lời” người này người nọ, bôi bác, hạ nhục đám này, trách móc, thĩa bãi xa gần phe nhóm kia làm cho chuồng chiên mất bình an, đoàn chiên  chia rẽ, hoang mang, hoảng lọan.
Cũng thế, nếu đoàn chiên thấy cửa chuồng ngày càng giống cổng nhà giam, cửa sắt trại tù, thì chúng sẽ không hớn hở nối đuôi nhau chạy vào chuồng để được nghỉ ngơi, thư giãn. Trái lại, nếu mặt người giữ cửa hung bạo, dữ dằn, lại nóng giận “đằng đằng sát khí”, dò xét, đe dọa thì chiên sẽ nói nhỏ với nhau và cùng tìm đường chuồn, không về chuồng nữa để thoát thân, bảo toàn mạng sống, dù đời lang bạt sẽ nhiều rủi ro, và cuộc sống “không cửa không nhà” hứa hẹn nhiều vất vả, nhọc nhằn.
Vì thế, Đức Giêsu không chỉ mô tả “suông và hời hợt” hình ảnh Tiếng Nói và Cửa chuồng chiên, mà không căn dặn các môn đệ điều phải làm để là Tiếng Nói của chủ chiên đích thực, và Cửa bảo đảm an toàn và hạnh phúc của đoàn chiên. Trái lại, Ngài đã dậy các môn đệ là những mục tử nối bước chân chăn chiên của Ngài bài học quan trọng như bửu bối để trở nên mục tử nhân lành như Ngài. Bài học, bửu bối đó chính là Tình Yêu sẵn sàng hiến mạng sống của chủ chiên cho đoàn chiên mình chăn dắt.  
Vâng, Đức Giêsu đã lấy chính mạng sống để bảo đảm cho Tiếng Nói đích thực và Cửa an toàn của Mục Tử nhân lành, bởi “không tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hiến mạng sống mình cho người mình yêu” (Ga 15,13), khi qủa quyết: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mang sống mình cho đoàn chiên” (Ga 10,11).
Vì yêu đến sẵn sàng hiến mạng, nên sẽ không có mục tử từ chối nói với đoàn chiên của mình, vì Mục Tử nhân lành là người yêu thương chiên, “biết chiên” (Ga 10,14) và “gọi tên từng con” (Ga 10,3); sẽ không có mục tử độc thoại, khống chế, áp đặt, bắt chiên phải gục đầu, nhắm mắt nghe mà không được đối thoại, vì mục tử nhân lành là người có đủ tư cách để nói: “Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi” (Ga 10,14), bởi biết nhờ trao đổi, trao đổi để hiểu biết nhau hơn; sẽ không có chủ chăn không biết cách nói, hoăc không biết nói gì, vì khi yêu thương đoàn chiên đến độ “tự ý hy sinh mạng sống mình”, trong khi “mạng sống của mình không ai lấy đi được” (Ga 10,18), thì nội dung Tiếng Nói của mục tử sẽ là tình yêu mãnh liệt của chủ chiên nhân lành dành cho đoàn chiên, và chính trái tim đầy “tình yêu chiên” sẽ chỉ cho người chăn chiên cách nói hay nhất, cách nói dễ thương nhất, cách nói ân tình cha con nhất, cách nói thuyết phục nhất, cách nói tuyệt vời của Chúa Thánh Thần có sức biến đổi trái tim, đổi mới cuộc đời của đoàn chiên, để chiên không phải thiếu gì, nhưng được thỏa thuê no đầy, thảnh thơi, hạnh phúc bên bờ suối trong, trên đồng cỏ xanh rì.
Thực vậy, chỉ với tình yêu “sẵn sàng hiến mạng sống mình cho đoàn chiên”, người chăn chiên mới chu toàn được sứ vụ là Tiếng Nói và Cửa cho đoàn chiên. Cũng với tình yêu mãnh liệt và liều lĩnh là dâng hiến cả mạng sống, mục tử mới có thể trở thành mục tử nhân lành, người chăn dắt nhân hậu, và khi đó, không cần phải có tài hùng biện, hay “thôi miên”, lôi cuốn, cũng chẳng cần văn chương hoa mỹ, với những ngôn từ có cánh, mục tử nhân lành vẫn đánh động tâm hồn đám chiên ghẻ lở, ngang ngược; vẫn đưa về chuồng những chiên lầm đường lạc lối trót nghe lời dụ dỗ ngon ngọt của sói rừng; vẫn được đoàn chiên chăm chú lắng nghe, nhất là mãi mãi được đoàn chiên yêu thương, tín nhiệm, để  trao đổi tâm tư, trút bỏ tâm sự, cởi mở cõi lòng với chủ chăn, cho Tin Mừng Cứu Độ của Thiên Chúa được đón nhận, như người đàn bà Samari ngoại đạo đã trân trọng nghe và chân thành nói với Đức Giêsu bên bờ giếng Giacóp. Nhờ vậy, bà đã nhận ra Ngài là Mục Tử nhân lành, là Đấng Thiên Chúa sai đến trong thế gian để yêu thương và cứu độ mọi người, không trừ ai.
Jorathe Nắng Tím

THÁNH GIUSE - NGƯỜI LAO ĐỘNG XÓA MÌNH (01/5)

Cứ sự thường, khi làm chủ và giữ vai trò lao động chính nuôi sống gia đình, người ta sẽ có rất nhiều quyền, nếu không muốn nói là toàn quyền, và khuynh hướng thống trị, sở hữu, muốn được mọi người nể sợ, cung phụng là cám dỗ rất khó vượt qua.
Thánh Giuse ở vào trường hợp này trong gia đình thánh ở Nadarét. Ngài là chủ gia đình, lao động chính bảo bọc Đức Maria và nuôi dưỡng, giáo dục Đức Giêsu.
Tin Mừng kể rất ít về thánh Giuse, xem như Thiên Chúa muốn giấu kín ngài và chính ngài cũng tự nguyện xóa mình.
Thiên Chúa giấu kín ngài, nên chúng ta chỉ biết ngài thuộc dòng dõi Giacóp, con cháu vua Đavít, riêng Tin Mừng Luca thì ghi rõ hơn: “Khi Đức Giêsu khởi sự rao giảng. Người trạc ba mươi tuổi. Thiên hạ vẫn coi người là  con ông Giuse. Giuse là con Êli” (Lc 3,23), nhưng  không được truyền thống nói về cha mẹ mình, như đã nói về thân sinh của Đức Maria là  Gioakim và Anna.
Thiên Chúa giấu kín ngài, nên chúng ta chỉ biết về ngài qua những biến cố thời thơ ấu của Đức Giêsu, và sự có mặt của ngài được kể trong Tin Mừng đã chấm dứt sau biến cố Đức Giêsu bị lạc mất ở Giêrusalem, dịp lễ Vượt Qua năm mười hai tuổi (x. Lc 2,41-50).
Thiên Chúa giấu kín ngài, nên Tin Mừng chỉ vắn tắt gọi ngài là “người công chính” (Mt 1,19), mà không ghi thêm bất cứ một lời ca ngợi, tuyên dương nào khác.
Thiên Chúa giấu kín ngài, nên chỉ sai sứ thần hiện đến báo mộng (x. Mt 1,20 ; 2,13.19), mà không bao giờ hiện ra “tỏ tường” với ngài, như đã hiện ra với ông Dacaria trong đền thờ (x. Lc 1,11) hay với Đức Mẹ ngày truyền tin (x. Lc 1,26).
Được Thiên Chúa giấu kín, thánh Giuse cũng tự nguyện xóa mình ngay từ buổi đầu hôn nhân, khi “định tâm bỏ đi cách kín đáo” để giữ thanh danh cho Đức Mẹ khi không biết người con “được cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần” (Mt 1,20).

Thánh Giuse tự nguyện xóa mình khi âm thầm, lặng lẽ chu toàn mọi bổn phận của người chủ gia đình: yêu thương, bảo vệ, gìn giữ, nuôi nấng, giáo dục.
Thánh Giuse tự nguyện xóa mình với tinh thần quên mình, hy sinh trước mọi thử thách, sóng gió như đem gia đình trốn sang Ai Cập, để bảo toàn tính mạng của Hài Nhi Giêsu (x. Mt 2,13-18).
Thánh Giuse tự nguyện xóa mình khi phục vụ gia đình thánh trong thinh lặng, và Tin Mừng không ghi lại bất cứ một lời nào của ngài, ngay cả khi tìm được Đức Giêsu sau ba ngày lạc mất. Tuy rất “sửng sốt” nhưng ngài chẳng nói gì, chỉ có Đức Mẹ đã nói với Đức Giêsu: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy?” (Lc 2,48).
Và thánh Giuse đã tự nguyện xóa mình cách độc đáo cả trong đời sống của người lao động.
Tự nguyện xóa mình trong nghề nghiệp rất bình thường dưới mắt mọi người: ông thợ làm đủ việc, từ đóng sửa bàn ghế, giường tủ đến những việc linh tinh, “không tên” bà con lối xóm cần; tự nguyện xóa mình với nghề lao động chân tay ở đâu và thời nào cũng bị coi là thấp kém hơn lao động trí thức, lao động “bàn giấy, công sở”; tự nguyện xóa mình với đồng lương khiêm tốn, không cố định; tự nguyện xóa mình với vị thế lao động không mấy được người đời tôn vinh, bằng chứng là có lần Đức Giêsu trở lại quê làng Nadarét, đồng hương đã chẳng mấy hồ hởi, dù thán phục giáo huấn của Ngài, khi kháo láo với nhau: “Ông này không phải là con ông Giuse đó sao?”. Họ tỏ ra không mấy mặn mà, kính trọng nên Đức Giêsu đã nói với họ: “Tôi bảo thật các ông: không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình” (Lc 4,22.24).
Thực vậy, thánh Giuse là “người công chính” như Tin Mừng khẳng định. Ngài công chính không chỉ vì tín thác ở Thiên Chúa và sống theo luật Ngài, mà còn công chính ở tinh thần người tôi tớ luôn tự nguyện xóa mình trong khi phục vụ chủ.
Âm thầm, kín đáo, ẩn danh, ẩn tiếng trong đời sống gia đình, xã hội đã đành, ngay đến sinh hoạt nghề nghiệp, đời sống lao động, thánh Giuse cũng chọn cho mình chỗ khuất của người tôi tớ trung tín và khiêm nhường chỉ biết làm những gì chủ muốn, và coi mình là “đầy tớ vô dụng”.
Khác với Thánh Giuse, khi tinh thần xóa mình trong lao động ngày càng bị coi là lỗi thời, lạc hậu, dại dột, điên khùng, vì lao động mà không tìm đường lên, lao động mà không đấu đá, giành giật, lao động mà không “to tiếng lắm lời”, lao động mà không “nói ra tiền, cười ra bạc”, lao động mà không tranh thủ kiếm chác làm giầu, lao động mà không băng đảng, phe nhóm để tiến thân, lao động mà không “cố đấm ăn xôi”, lao động mà không “trên đội dưới đạp”, lao động mà không “mồm miệng đỡ chân tay”, “làm giả ăn thật”, lao động mà không biển thủ vật tư, ăn cắp hồ sơ, lao động mà không làm theo bí quyết: “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi” khi sẵn sàng bơm chất độc vào trái cây để “một lời mười” thì đều bị coi là những người lao động ngu si, thấp kém, thiếu năng lực.
Thực vậy, ở cái thời mà lương tâm bị tán tận trầm trọng, tình người bạc bẽo đến rùng mình, công bình bị chà đạp tận bùn sâu thì lao động không còn giá trị nhân văn, không còn ý nghiã phục vụ nhân sinh cao đẹp. Bằng chứng là ngay giữa đại dịch, trước nhu cầu qúa lớn của cộng đồng phải có khẩu trang để  phòng dịch, mà nhiều giám đốc, trưởng phòng, cán bộ nhà nước đã không chỉ nhẫn tâm đầu cơ, tích trữ, mà còn chiếm đoạt, thu gom khẩu trang bán với giá cao để trục lợi.    
Cũng ở cái thời thực dụng, vật chất và hưởng thụ, khi mà tiền ngày càng trở thành giá trị “duy nhất”, như người ta vẫn nói và cho là chân lý: “cái gì không mua được bằng tiền sẽ mua được bằng rất nhiều tiền”, thì người lao động “nghèo, liêm chính” không còn chỗ đứng được tôn trọng.  
Mừng lễ Thánh Giuse lao động, chúng ta nhớ đến những người lao động tử tế: tử tế trong đời sống, tử tế trong việc làm, tử tế trong ý hướng lao động, khi làm việc với niềm vui vì đem lại “cơm no áo ấm” cho người khác, lao động với tình yêu đích thực, vì lao động là bằng chứng hùng hồn và cao đẹp của hy sinh; lao động với niềm hy vọng, vì lao động là bàn tay xây dựng, vun xới  tương lai  người khác, là nụ cười tươi thắm và ánh mắt rạng rỡ mở ra ngày mai ngời sáng cho mọi người, là trái tim ban bình an cho chính mình, và chuyển tải Hạnh Phúc cho người chung quanh.
Và cầu nguyện cho chính chúng ta, những người lao động của mọi ngành nghề, tinh thần khiêm tốn xóa mình để suốt đời là người tôi tớ trung tín, khiêm nhường được Thiên Chúa là Ông Chủ tốt lành yêu thương.
Jorathe Nắng Tím