Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 3 tháng 7, 2020

TÔI TRUNG CỦA THIÊN CHÚA

Ơn gọi của mỗi người là trở nên người tôi tớ trung tín của Thiên Chúa, người tôi tớ  được ông chủ yêu thương, tin tưởng vì “khi chủ về tới và gõ cửa, là mở ngay”, kể cả khi “canh hai hoặc canh ba ông chủ mới về”, mà thấy tôi tớ còn tỉnh thức như vậy, “thì thật là phúc” cho người tôi  tớ ấy! (x. Lc 12,37-38).
Nhưng thế nào là tỉnh thức? Nói cách khác, thế nào là  tôi tớ trung tín của Thiên Chúa?
1.   Tôi tớ trung tín biết mình thuộc về ông chủ:
Tôi tớ bất trung và tôi tớ trung tín khác nhau ở ý thức tương quan giữa mình và ông chủ. Tương quan ấy định hình nếp nghĩ, lối sống, tinh thần làm việc của người tôi tớ trong nhà ông chủ.
Tôi tớ bất trung và tôi tớ trung tín cũng giống như mục tử nhân lành và người chăn thuê (x. Ga 10,1-15). Tôi tớ bất trung và người chăn thuê chỉ quan tâm đến lợi nhuận riêng, mà không để tâm đến ích lợi của chủ và an ninh, hạnh phúc của đoàn chiên, nên sẵn sàng trở mặt phản bội chủ, và bỏ bê đoàn chiên để sói rừng cắn xé, hãm hại. Trái lại, tôi tớ trung tín và mục tử nhân lành “chết sống” vì chủ, sẵn sàng hiến mạng sống mình vì đoàn chiên để chiên “được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10).
Thiếu ý thức “thuộc về chủ” qua tương quan yêu thương, kính trọng, biết ơn, người tôi tớ không thể trung tín với chủ mình. Nhưng để có thể yêu thương, kính trọng, biết ơn chủ, trước hết người tôi tớ phải nhận ra mình được chủ yêu thương, tín nhiệm, tin dùng, điều mà Thiên Chúa luôn thực hiện với mỗi người, như Lời Ngài qua ngôn sứ Isaia: “Đây là người tôi trung Ta nâng đỡ, là người Ta tuyển chọn và hết lòng qúy mến, Ta cho thần khí ngự trên người; người sẽ làm sáng tỏ công lý trước muôn dân” (Is 42,1).
Như thế, để là tôi tớ trung tín của Thiên Chúa, chúng ta phải đạt đến tâm tình và xác tín: Đức Chúa đã gọi tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ, lúc tôi chưa chào đời, Người đã nhắc đến tên tôi… “Người là Đấng nhào nặn ra tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ để tôi trở thành người tôi trung” (Is 49,1.5).
2.   Tôi tớ trung tín lắng nghe Thiên Chúa như người môn đệ:
  Không phải ai cũng lắng nghe như ai. Có người nghe như “vịt nghe sấm”, vểnh tai nghe mà không muốn hiểu gì; có người “nghe tai này ra tai kia”, nghe có lệ, nghe cho qua chuyện, nhưng không quan tâm, chú ý; có người giả vờ nghe như  chiến thuật đánh lừa người nói; có người nghe với lỗ tai thần phục, nhưng với trái tim rực lửa phục hận, nên không phải cứ có tai là biết lắng nghe, nhất là lắng nghe như người môn đệ, điều mà Thiên Chúa đòi hỏi ở người tôi trung: “Sáng sáng Người đánh thức, Người đánh thức tôi để tôi lắng tai nghe như một người môn đệ” (Is 50,4)
Đôi tai lắng nghe của người môn đệ là đôi tai sẵn sàng và vâng phục: sẵn sàng đáp lại tiếng Chúa như cậu bé Samuen đêm khuya trong đền thánh: “Lậy Chúa, xin phán dậy, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe” (1 Sm 3,10); vâng phục như Môsê để “không cưỡng lại, cũng chẳng tháo lui” khi Thiên Chúa mở tai (x. Is 50,5).
3.   Tôi tớ trung tín nói năng như người môn đệ:
Lắng nghe như người môn đệ chưa đủ, người tôi trung của Thiên Chúa còn phải biết “nói năng như một người môn đệ” (Is 50,4): “Người sẽ không kêu to, không nói lớn, không để ai nghe tiếng giữa phố phường” (Is 42,2).
Sở dĩ người tôi trung “không kêu to, nói lớn”, vì người ấy hiền lành, khiêm nhường: hiền lành đến nỗi “Cây lau bị giập, người không đành bẻ gẫy, tim đèn leo lét, cũng chẳng nỡ tắt đi” (Is 42,3) và khiêm nhường đến độ “đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu, không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ” (Is 50,6), bởi người tôi trung chỉ nói điều ông chủ muốn, và điều ông chủ Thiên Chúa muốn ở người tôi trung là “làm ánh sáng chiếu soi muôn nước, mở mắt cho những ai mù loà, đưa ra khỏi tù những người bị giam giữ, dẫn ra khỏi ngục những kẻ ngồi trong chốn tối tăm” (Is 42,6-7).  
Như thế, sứ vụ của ngưòi tôi trung được “ông chủ Thiên Chúa” tín nhiệm trao phó không còn là “tạp vụ trong nhà”, nhưng là loan báo lòng thương xót của Thiên Chúa cho muôn dân; là “lựa lời nâng đỡ ai rã rời kiệt sức” (Is 50,4); là “đem nhà Giacóp về cho Người và quy tụ Ítraen chung quanh Người” (Is 49,5); là đem ơn cứu độ của Thiên Chúa đến tận cùng cõi đất (x.Is 49,6).
Và để làm công việc này, người tôi trung phải nói năng như người môn đệ, nghiã là không “phùng mang trợn mắt” to tiếng, lắm lời, dữ tợn, hùng hổ, phách lối, kênh kiệu, khinh bạc, hãnh tiến, hống hách, cửa quyền như ông chủ khắc nghiệt, tàn ác, hay như vua chúa độc đoán, độc tài, toàn quyền sinh sát, nhưng hiền lành, khiêm nhu, thương xót, chịu đựng.
4.   Người tôi  trung  tuyệt đối tin tưởng vào chủ mình:
Trò phản thầy, tôi tớ phản chủ không chỉ vì thiếu ý thức “thuộc về chủ, thuộc về thầy”, mà còn thiếu lòng tin tưởng ở thầy, ở chủ khi gặp khó khăn, thử thách. Kinh nghiệm cuộc sống cho thấy có rất nhiều người tuy biết chủ thương mình, thầy qúy mình, nhưng vẫn quay lưng phản bội, vẫn trở mặt đấu tố, vu khống vì áp lực của hoàn cảnh đổi thay, vì sức ép của quyền lực, vì bế tắc của tinh thần trong cơn hoảng loạn, quẫn bách. Đó là kinh nghiệm của Phêrô khi chối Đức Giêsu, do áp lực của đám đông và yếu đuối của tinh thần, tuy Phêrô vẫn yêu Đức Giêsu và biết Thầy thương mến, tín nhiệm mình.
Vì thế, ý thức thuộc về chủ chưa đủ bên cạnh biết lắng nghe và nói năng như người môn đệ, người tôi tớ trung tín của Thiên Chúa còn phải tuyệt đối tin tưởng: “Có Đức Chúa là Chúa Thượng phù trợ tôi” (Is 5,7), “và tìm nương tựa nơi Thiên Chúa mình thờ” (Is 50,10) trong những lúc không thuận lợi, những khi bị tranh tụng, kiện cáo, bị vu khống, kết tội (x. Is 50,8-9).
Qủa thực, ngôn sứ Isaia đã mô tả chính xác Đức Giêsu, người tôi trung của Thiên Chúa Giavê, cũng là hình ảnh người môn đệ Đức Giêsu. Họ cũng phải trở nên “đồng hình đồng dạng” với thầy mình là Đức Giêsu, người tôi trung tuyệt vời của Thiên Chúa, vì “tôi tớ không hơn chủ” (Ga 15,20).
Ở giữa mùa tiến chức, hiến dâng, chúng ta cùng cầu nguyện cho các tâm hồn tận hiến để các vị được Thiên Chúa thánh hiến thành những tôi trung của Ngài, những tôi tớ biết mình trọn vẹn thuộc về một mình Chúa, những tôi trung biết lắng nghe và nói năng như người môn đệ, những cộng sự viên tuyệt đối tin tưởng vào Thiên Chúa, Đấng đã tuyển chọn và sai đi loan báo Tin Mừng Cứu Độ cho muôn dân.
Jorathe nắng Tím