Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 9 tháng 8, 2020

NGƯỜI KITÔ HỮU TRƯỚC SỨ VỤ

 

Rất nhiều người Công Giáo rơi vào tâm trạng bối rối, không biết phải làm gì và bắt đầu từ đâu, mặc dù ý thức rất rõ và xác tín rất vững chỗ đứng Kitô hữu của mình. Có thể vì chưa gặp được ở Giáo Hội bầu khí gia đình, chưa được các Đấng Bậc và anh em trong gia đình Giáo Hội  nhiệt tình đón nhận và ân cần hướng dẫn, đồng hành; hoặc do những gương mù gương xấu trong Giáo Hội làm hốt hoảng, hoang mang. Tình trạng này là nguyên nhân gần đưa đến thái độ bàng quan, lối sống vật vờ, thờ ơ, không tha thiết đến sứ mệnh của người Kitô hữu, cũng chẳng trăn trở, thao thức, quan tâm đến công việc chung, hay những khó khăn, thách đố của Giáo Hội trong sứ vụ loan báo Đức Giêsu cho thế giới hôm nay.

Gần gũi chia sẻ với nhau, chúng ta thương nhau hơn là trách móc, vì hầu hết chúng ta đều muốn đóng góp xây dựng, mở mang Nước Chúa; đều sẵn sàng hy sinh phục vụ; đều có khả năng và nhiệt tâm cống hiến cho việc nhà Chúa. Nhưng sở dĩ  không có nhiều cơ hội “thi thố”, vì chúng ta chưa chuẩn bị cho mình hành trang cần thiết, mà thường chỉ được huy động cho từng công việc riêng lẻ, từng phong trào nhất thời, và chưa được đào tạo để trở thành những Kitô hữu thực sự trưởng thành có đủ điều kiện, đức tính nhân bản và siêu nhiên để gánh vác trách nhiệm của người giáo dân trong Giáo Hội.   

Trước nhu cầu phải có một hành trang cần thiết, người viết mạo muội đóng góp một vài suy tư:

Hiến Chế “Vui Mừng và Hy Vọng” của Công Đồng Vaticanô II minh định và không ngừng xác quyết: Giáo Hội được mời gọi bằng hết sức lực của mình thực hiện ba đòi hỏi quan trọng là loan báo Tin Mừng, Cầu Nguyện và Đối Thoại để giật sập những bức tường ngăn cách con nguời với con người, và con người với Thiên Chúa, bởi trong chương trình đời đời của Thiên Chúa, toàn thể nhân loại được kêu gọi quy tụ để làm thành một dân mới của Thiên Chúa (x. Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân 13), bởi chỉ trong sự hiệp nhất được chúc phúc này, con người mới thực sự hạnh phúc vì được chữa lành, nuôi dưỡng, và củng cố ngày thêm vững mạnh.

1.   Loan Báo Tin Mừng:

Đòi hỏi thứ nhất và quan trọng nhất là loan báo Tin Mừng. Tin Mừng là Đức Giêsu, Ngôi Lời nhập thể, Đấng “là Đường, Sự Thật và Sự Sống” (Ga 14,6), nên bao lâu Lời Chúa chưa được  loan báo, lắng nghe và đón nhận như sự sống và ánh sáng của đời mình, bấy lâu chúng ta còn chơi vơi, lạc lõng, yếu nhược, vì bỏ quên Lời Chúa, không người Kitô hữu nào có thể vững bước  trên đường theo Chúa phục vụ anh em.

Ở đây, chúng ta đừng quên một điều rất quan trọng, đó là người tín hữu không chỉ loan báo, nhưng đồng thời phải lắng nghe, và đón nhận Lời Thiên Chúa. Bổn phận loan báo đi đôi với nghiã vụ lắng nghe, đón nhận, vì cả hai đều quan trọng như nhau. Nhưng loan báo và đón nhân Lời Chúa thế nào?

Thưa, loan báo và đón nhận Lời Chúa không như  lời người phàm, nhưng như lời Thiên Chúa, đúng theo bản tính của lời ấy (1 Tx 2, 13). Không như lời người phàm, nên khi loan báo cũng như khi lắng nghe, đón nhận, chúng ta chỉ loan báo và lắng nghe lời nào thuộc về Thiên Chúa, lời nào của Thiên Chúa, vì “Lời đó tác động nơi anh em là những tín hữu” (1 Tx 2,14), như thánh Phaolô đã khẳng định.

Sở dĩ chúng ta chỉ quan tâm loan báo và lắng nghe, đón nhận Lời Chúa, vì Lời ấy ban sự sống đích thực, ban ơn sủng dồi dào, nên khi Lời được loan báo, thì chắc chắn Lời hằng sống ấy ban sự sống; và khi lắng nghe, đón nhận Lời Thiên Chúa, nguồn mạch mọi ơn sủng, thì ơn sủng tuôn đổ dồi dào, để chúng ta được thánh hoá, đổi mới, đón nhận ơn bình an.

Xác định được điều này, chúng ta không còn sợ hãi, hoang mang khi có người thay vì giảng lời Chúa như sứ vụ đòi hỏi  lại chỉ nói lời của phàm nhân, bởi chúng ta biết lời nào mình cần quan tâm lắng nghe, và lời nào không nên để lọt tai, bởi chính Lời Thiên Chúa ban ơn phân định cho những ai hết lòng yêu mến lắng nghe Lời Ngài.

Nhiều người trong chúng ta, trong đó có người viết thường chiều theo khuynh hướng “khoán trắng” việc loan báo Tin Mừng cho các Đấng Bậc, và thanh thản, thụ động giữ đạo cho riêng mình, làm như đạo là một kho báu phải giữ kín, bảo mật để không phải chia sẻ cho ai, mà quên rằng sứ vụ quan trọng người tín hữu nhận được khi gia nhập Giáo Hội là loan báo Tin Mừng, làm chứng Đức Giêsu cho muôn dân, nên bỏ quên loan báo Tin Mừng chính là không chu toàn sứ vụ đuợc Thiên Chúa trao phó.

2.   Cầu Nguyện:

Đi đạo không phải đi theo một chủ thuyết, một chương trình, một ý thức hệ, như người ta đi theo đảng để được là đảng viên, nhưng đi đạo là đi theo một con người Thiên Chúa, đi theo một Thiên Chúa làm người: Đức Giêsu Kitô. Tin Mừng đã làm chứng điều này khi Đức Giêsu  kêu gọi các môn đệ, hay bất cứ ai đi theo Ngài, Ngài luôn bảo họ: Hãy theo tôi! (Lc 5,27), mà không nói: Hãy theo chương trình của tôi, môn phái của tôi, hay kế hoạch của tôi. 

Điều này cho chúng ta thấy: Đạo là tương quan tình nghiã giữa mỗi người với Đức Giêsu; là gặp gỡ thiết thân giữa Thiên Chúa và mỗi con người; là sự hiệp nhất trọn vẹn của mỗi người trong Đức Giêsu như cành  nho gắn liền với cây nho, như giọt nước  hoà tan trong ly rượu.

Tin Mừng Gioan ghi lại rất rõ lời Đức Giêsu: “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy anh em chẳng làm được gì” (Ga 15,5).  

Cành phải gắn liền và hiệp nhất với cây để được sống và sinh hoa trái là hình ảnh Đức Giêsu dùng để chỉ sự kết hiệp mật thiết giữa người tín hữu và Ngài. Ngài còn nhấn mạnh “phải ở lại trong Thầy” để khẳng định người tín hữu  trọn vẹn thuộc về Ngài khi ở với Ngài, và được trở thành “chính Ngài”, được “đồng hình đồng dạng với Ngài” khi Ngài ở lại trong họ, như thánh Phaolô đã viết: “Tôi sống, nhưng không còn là tôi sống, nhưng là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20), và cầu nguyện chính là phương thế Thiên Chúa ban cho con người để con người được trực tiếp liên lạc, giao lưu, hiệp thông, kết hợp mật thiết nên một với Thiên Chúa.  

Đức Giêsu đã làm gương cầu nguyện khi liên lỷ cầu nguyện với Chúa Cha trong mọi tâm trạng, ở mọi tình huống, bất cứ nơi nào. Ngài cầu nguyện trên núi, dưới thuyền; cầu nguyện một mình trong đêm khuya, rừng vắng hay công khai, lớn tiếng trước đám đông ; cầu nguyện lúc vui mừng, phấn khởi  và cả khi bị phản bội, bỏ rơi, ô nhục hấp hối trên Thánh Giá. Ngài dậy các môn đệ cầu nguyện, không chỉ nội dung mà cả cách cầu nguyện khiêm hạ, kín đáo, không nhiều lời (x. Mt 6,5-13). Ngài còn lưu ý các môn đệ: “không cầu nguyện, các ông không thể  vượt qua  cám dỗ, cũng không chiến thắng được ma qủy (x.Mt 17,21 ; 26,41), nhất là đảm bảo trăm phần trăm hiệu qủa của cầu nguyện: “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa sẽ mở ra. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì sẽ thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở ra cho. Có người nào trong anh em, khi con mình xin cái bánh, mà lại cho nó hòn đá? Hoặc nó xin con cá, mà lại cho con rắn? Vậy, nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha anh em, Đấng ngự trên trời, lại không ban những của tốt lành cho những kẻ kêu xin Người sao?” (Mt 7,7-11).

Cũng cần lưu ý: ngoài việc cầu nguyện riêng tư, cá nhân, chúng ta cầu nguyện với toàn thể Giáo Hội bằng sống đời sống bí tích, thực thi các việc đạo đức được Giáo Hội hướng dẫn, động viên, đặc biệt tham dự Thánh Lễ là đỉnh cao của cầu nguyện.

3.   Đối Thoại:

Trong Hiến Chế “Vui Mừng và Hy Vọng”, Công Đồng đặc biệt nhấn mạnh sứ vụ Đối Thoại của người Kitô hữu với mọi người, bởi đối thoại là bước đầu của con đường nhân ái, là ngưỡng cửa đi vào ngôi nhà bình an của cộng đồng nhân loại. Thiếu đối thoại, rất nhiều mâu thuẫn phát sinh trong cộng đoàn; không đối thoại, tương quan dễ căng thẳng trong xã hội; khi đối thoại bị bế tắc, mọi giao lưu, hiệp thông, hiệp nhất sẽ  theo nhau sụp đổ, tan vỡ; từ chối đối thoại, nhiều oan sai, oan nghiệt sẽ xẩy ra, nhiều hiểu lầm xuất hiện làm rạn nứt liên đới.

Vì thế, khả năng đối thoại với mọi người, bất luận họ là ai, dù không đồng quan điểm, chính kiến là ưu tiên trong việc đào tạo những Kitô hữu trưởng thành, bởi người Kitô hữu cần  ý thức càng hiệp thông với người chung quanh, họ càng được hiệp nhất với Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là trung tâm hiệp nhất toàn thể nhân loại, và để thực hiện mục tiêu trên, chúng ta phải bắt đầu bằng đi vào đối thoại với người khác.

Để đối thoại với tinh thần tìm về hiệp thông, hiệp nhất của Kitô giáo, chúng ta phải cầu xin ơn Chúa Thánh Thần, Đấng làm phong phú và vững chắc sự hiệp nhất bằng chính những khác biệt, biến xa lạ thành gần gũi  như đã làm cho nhiều người thuộc các ngôn ngữ khác nhau nghe được các tông đồ nói tiếng bản xứ của mình, khi các vị rao giảng Đức Giêsu chịu đóng đinh đã sống lại sau ngày lễ Hiện Xuống. Sách Công Vụ các Tông Đồ kể lại sự kinh ngạc của những người này, khi họ sửng sốt nói với nhau: “Những người đang nói đó không phiả là người Galilê cả ư? Thế sao mỗi người chúng ta lại nghe họ nói tiếng mẹ đẻ của chúng ta? Chúng ta đây, có người là dân Pácthia, Mêđi, Êlam, Mêxôpôtamia, Giuđê, Cáppađôkia, Pôntô và Axia, có người là dân Phyghia, Pamphilia, Ai Cập và những vùng Lybia giáp giới Kyrênê; nào là những người từ Rôma đến đây; nào là người Do Thái cũng như người đạo theo; nào là người đảo Cơrêta hay người Ả Rập, vậy mà chúng ta đều nghe họ dùng tiếng nói của chúng ta mà loan báo những kỳ công của Thiên Chúa!” (Cv 2,7-12).

Thực vậy, nói và lắng nghe không dễ; yêu thương, hiệp thông, hiệp nhất còn ngàn lần khó hơn, nên ở bước đầu của con đường yêu thương, hiệp thông, hiệp nhất với mọi người là đối thoại, chúng ta rất cần ơn Chúa, vì không ơn Chúa, chúng ta sẽ không biết đối thoại thế nào như Đức Ái đòi hỏi, đối thoại làm sao cho sứ vụ của người Kitô hữu được thực hiện tốt đẹp nnhư ý Chúa muốn.

Xin Chúa thương cho mỗi người chúng ta ơn phân định để biết và thực thi sứ vụ được trao phó: chứng tá của Tin Mừng Tình Yêu giữa thế giới hôm nay.

Jorathe Nắng Tím