Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 20 tháng 4, 2020

ĐƯỜNG TRUYỀN GIÁO KHÔNG BIÊN GIỚI (4)

                                              KẺ THÙ
Mấy ai trên đời chỉ có người thương, kẻ mến mộ, mà không có người ghen ghét, ganh tỵ, nên có đốt đuốc đi tìm cũng không thấy người được “mọi người” say mê, tôn thần tượng, mà không có kẻ dèm pha, vu khống, bôi nhọ, thù hằn. Và điều khó thực hiện nhất, chính là làm vui lòng mọi người, và được mọi người làm hài lòng, vừa ý, vì chẳng bao giờ cuộc đời chỉ là mầu hồng yêu thương, mầu xanh hy vọng mà không giăng mắc những áng mây đen kịt đối kháng, những tảng băng sơn thù hận đeo bám phũ phàng.
Vì thế, người thương, kẻ ghét, bạn hữu, đối phương, người thân, kẻ thù là chuyện bình thường, lẽ tự nhiên, mà đã là người, không ai không đối diện và  cảm nghiệm.
Ta đối diện kẻ thù là những người ghét ta. Kẻ thù không chịu đựng nổi ta và từ chối cùng ta đội chung trời, nên ước mong của kẻ thù là ta biến khỏi cuộc đời cho kẻ thù được rảnh, bởi ta là cản trở quan trọng, là chướng ngại đáng kể đối với kẻ thù. Đồng thời với ta, kẻ thù cũng xuất hiện như khối u dơ bẩn, hôi tanh, tồi tệ, nguy hiểm, đe dọa, mà bằng mọi giá ta phải cắt bỏ, hủy diệt sớm bao nhiêu có thể.
Họ có thể là kẻ thù truyền kiếp, vì những khúc mắc “di truyền” từ ngàn đời; họ có thể trở thành kẻ thù, dù trước đó đã một thời là bạn; họ có thể là kẻ thù vì ta dửng dưng không ủng hộ, tiếp tay, nhưng cũng có thể vì ta nhúng tay qúa sâu, qúa sát làm hỏng mưu đồ, kế hoạch, công trình của họ; họ có thể một sớm một chiều trở thành kẻ thù, vì ta làm việc họ đang làm, khi nghĩ ta tranh giành, lấn sân; cũng có thể vì ta không làm việc họ đang làm, và cho rằng ta không cùng phe, đồng minh, tiếp tay với họ.
Kẻ thù còn là người không bao giờ chung một chủ trương, đường lối, nhưng cũng có thể là người tự ý rẽ lối, đổi đường đang khi đi với ta; kẻ thù có thể thù ta vì ích kỷ, tham lam, nhưng cũng có thể là người ta căm thù vì chính ta muốn “ăn tươi nuốt sống”, chiếm đoạt, lợi dụng họ.
Tắt một lời, người thương, kẻ ghét, bạn hữu tâm giao và kẻ thù “truyền kiếp” là chuyện của con người từ ngàn xưa  đến ngàn sau, ở đâu và thời nào cũng có. Chỉ một khác biệt giữa người thân và kẻ thù là người thân thương ta, nên mong ước và nỗ lực mưu tìm hạnh phúc cho ta, còn kẻ thù thì thù ghét ta, tìm mọi cách phá hoại hạnh phúc của ta, vì chỉ mong ta bất hạnh.
Như thế, người môn đệ Đức Giêsu, vì là người, nên cũng có người thương kẻ ghét, cũng có bạn hữu, kẻ thù, cũng có người chúc hạnh phúc, ban bình an, và cũng có kẻ nguyền rủa bất hạnh, và chúc dữ  cho cả đời “xất bất xang bang”.
Đức Giêsu đã nói đến “kẻ thù”, đã gọi tên “kẻ thù”, đã đặt các môn đệ truớc “kẻ thù”, và đã dậy tâm tình và thái độ phải có trước “kẻ thù”. Như thế “kẻ thù” là một thực thể, một đối tượng có thật, những con người “bằng xương bằng thịt” đang sống và chỉ muốn những tai ương, bất hạnh, chết chóc trút đổ trên đời người môn đệ.
Khi căn dặn các môn đệ chớ trả thù” (x. Lc 29-30), Đức Giêsu gián tiếp xác nhận “có thù để trả, có oán để báo”. Có kẻ thù để báo oán, trả thù, bởi các môn đệ không tránh khỏi những lần bị người khác xúc phạm, làm tổn thương, đe dọa, truy lùng, bắt bớ, tiêu diệt, và những “người khác” đang tìm hãm hại đó chính là kẻ thù “hữu danh, hữu thực”.
Cũng như khi bảo các môn đệ: “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5,44), Đức Giêsu không ngần ngại khẳng định: như mọi người, người môn đệ của Ngài cũng bị đặt trước kẻ thù, cũng bị kẻ thù đe dọa, tìm hãm hại. Nhưng vấn đề được Đức Giêsu đặt ra chính là phải làm gì trước kẻ thù.
1.   Đức Giêsu bảo phải tránh kẻ thù để bảo toàn mạng sống:
Đức Giêsu rất nhân bản và khôn ngoan, chứ không dại khờ, liều lĩnh. Ngài không ngây ngô liều lĩnh, khi dặn các môn đệ: “Khi người ta bách hại anh em trong thành này, thì hãy trốn sang thành khác” (Mt 10,23), như chính Ngài đã cùng cha mẹ trốn sang Ai Cập khi Hêrôđê tìm giết (x. Mt 2,13-14), đã “lánh qua miền Galilê khi nghe tin ông Gioan bi bắt” ( Mt 4,12), đã “tránh đi và ra khỏi Đền Thờ” khi người Do Thái lượm đá để ném Ngài (x. Ga 8,59), đã thoát khỏi tay những kẻ “tìm cách bắt Người” (Ga 10,39), cũng như khi biết các thủ lãnh Do Thái quyết định giết mình, “Đức Giêsu không đi lại công khai giữa người Do Thái nữa; nhưng từ nơi ấy, Người đến một nơi gần hoang địa tới một thành gọi là Ephraim” (Ga 11,54), và càng về những ngày cuối đời, khi tình hình trở nên căng thẳng và các thượng tế, kỳ mục bằng mọi giá quyết thực hiện cho bằng được âm mưu giết mình, thì Đức Giêsu  thường “lánh đi không cho họ thấy” (Ga 12,36).
Sách Công Vụ các Tông Đồ cũng đã mô tả cặn kẽ hoàn cảnh Giáo Hội bị bách hại và các môn đệ Đức Giêsu đã phải trốn tránh kẻ thù để bảo toàn tính mạng và để có thể tiếp tục thi hành sứ vụ truyền giáo, như trường hợp của tông đồ trưởng Phêrô được thiên sứ đến giải thoát khỏi trại giam (x. Cv 12,6-11), hoặc trường hợp thoát chết của thánh tông đồ dân ngoại Phaolô bởi tay người Do Thái, nhờ sự khôn ngoan của thánh nhân khi gặp trực tiếp vị chỉ huy cơ đội và cho ông này  biết ngài là công dân  Rôma (x. Cv 21-22), cũng như thoát  chết trong “đường tơ kẽ tóc” bởi những người Do Thái đã cùng nhau “thề độc là sẽ không ăn không uống, bao lâu chưa giết được ông Phaolô” (Cv 23,12), nhờ khôn ngoan thu xếp cho người con trai của bà chị, là người nghe được âm mưu hạ sát Phaolô, đến gặp và trình lên vị chỉ huy. Cũng nhờ vị chỉ huy này giải thoát khi đưa Phaolô đi “an toàn đến với tổng trấn Phêlích, hộ tống bởi hai trăm bộ binh, bảy mươi kỵ binh và hai trăm khinh binh” (Cv 23,23-24), với thư giới thiệu đến quan tổng trấn, đại diện chính quyền Rôma.
Tóm lại, trước kẻ thù và trong mọi tình huống bị bách hại, truy lùng, người môn đệ phải lánh mặt, trốn tránh kẻ thù để bảo toàn sự sống và vì sứ vụ. Ngay cả khi đã sa lưới kẻ thù, người môn đệ vẫn phải tìm mọi cách để bảo toàn mạng sống, như các Tông Đồ đã thực hiện, cho đến giờ Thiên Chúa muốn, giờ mà Đức Giêsu theo truyền thuyết đã hiện ra gặp Phêrô trên đường ông trốn ra khỏi thành Rôma giữa cơn bách hại, và trả lời: “Thầy vào thành Rôma để chịu đóng đinh lần nữa – Romam eo iterum crucifigi” cho câu hỏi của Phêrô: “Thầy đi đâu? - Quo vadis Domine?”. Và Phêrô đã hiểu ra ý Chúa muốn ông trở lại Roma để làm chứng đức tin, ở đó thánh tông đồ trưởng đã bị đóng đinh ngược.    
2.   Đức Giêsu bảo “chớ trả thù” nhưng “hãy yêu và cầu nguyện” cho kẻ thù: 
Tin Mừng Mátthêu khẳng định ý muốn của Đức Giêsu, với đòi hỏi: không trả thù, không lấy “mắt đền mắt, răng đền răng”, dù mắt mình bị kẻ thù móc đi, dù răng bị kẻ thù bẻ gẫy, cũng không chống cự người ác khi bị chúng hãm hại (x. Mt 5,38-42).
Không trả thù, không báo oán đã đành, người môn đệ Đức Giêsu còn phải “yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những người ngược đãi mình” (Mt 5,44).
Đây thực là điều làm tim người môn đệ nhức nhối, vì đòi hỏi của Đức Giêsu không những ngược giòng với thói đời, ngược lại những gì con người thường nghĩ, thường làm, mà còn vượt xa cả Lề Luật, vì Luật Môsê cho phép: “Mắt đền mắt, răng đền răng”, và “Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù” (Mt 5,38.43).
Qủa thực, Đức Giêsu đã muốn các môn đệ của Ngài vượt qua những gì con người nghĩ, vượt qua những gì con người làm, và đòi các ông trở nên con cái Thiên Chúa, và hoàn thiện như Thiên Chúa là Đấng yêu thương và rộng lòng tha thứ, Đấng làm mưa nắng trên cả kẻ dữ, người lành (x. Mt 5,45.48).
Đây thực là đòi hỏi vượt qúa sức con người, vì tự sức, con người không thể vượt qua giới hạn “con người”, không thể vượt qua tình trạng bất toàn, yếu đuối cố hữu của con người để đạt tình trạng hoàn thiện như Thiên Chúa, cũng không thể vượt qua  tình trạng “con người” để trở thành “con Chúa”, để rồi tất cả đòi hỏi trên đều bị coi như “bất khả thi”, không làm được vì vượt mức, vượt sức, và  không thể vượt qua.
Tất nhiên, “đối với Thiên Chúa thì không có gì là không thể làm được” và với ơn phù trợ của Ngài, chúng ta không được tự cho phép mình thất vọng và bỏ cuộc trước khi vào cuộc, nhập cuộc, bởi nếu Đức Giêsu đã  đưa ra đường lối yêu thương triệt để là phải “yêu cả kẻ thù”, thì Ngài cũng đã tiên liệu khi lượng sức con người, để giới luật mới của Ngài không trở thành một lý thuyết “không tưởng, ảo tưởng, hoang tưởng, chỉ có trong tưởng tượng”. Trái lại, giới luật mới ấy phải khả thi, có thể thực hiện, với ơn của Ngài và cố gắng của con người, vì đó là giới luật sống cho con người, đường con người phải đi, điều kiện để đi theo Chúa, và nếp sống của người được chọn làm con cái Thiên Chúa.
Thực vậy, Đức Giêsu đòi người môn đệ của Ngài không trả thù ai, không báo oán ai, vì Ngài muốn những ai đi theo Ngài phải có lòng thương xót đến độ “cây lau bị giập, không đành bẻ gẫy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi”, “để muôn dân đặt niềm hy vọng ở danh Ngài” vì Ngài là Thiên Chúa của lòng thương xót (Mt 12,20-21).
Khi kêu gọi người môn đệ yêu kẻ thù, Đức Giêsu không đòi phải yêu kẻ thù  bằng tình yêu ở mức độ dành cho người ta yêu, yêu ta, như tình nhân, người thân trong gia đình, cũng không đòi ta phải yêu kẻ thù cùng một cách như khi ta yêu thương cha mẹ, yêu vợ con, thương bạn bè chí cốt, tri kỷ, vì đức ái có trật tự theo nghiã vụ, bổn phận, có thứ tự theo nấc thang ưu tiên, như ta phải yêu kính cha mẹ vì đó là bổn phận được quy định trong giới răn thảo kính cha mẹ; ta phải yêu chồng, thương vợ, chăm sóc, giáo dục con cái vì là bổn phận từ bản chất của bí tích hôn phối, ta phải yêu thương những người được Bề Trên trao phó, vì đó là tình yêu của trách nhiệm.
Riêng với kẻ thù, Thiên Chúa đòi chúng ta yêu kẻ thù bằng tình yêu của ý chí, nghiã là, cứ bình thường, ta không thể yêu người luôn tìm làm khó, làm khổ ta; cứ theo tính tự nhiên, kẻ thù phải là người ta trả thù, báo thù, vì kẻ hận thù ta cũng là kẻ ta căm thù, nhưng giới luật mới muốn ta vượt lên trên tình cảm tự nhiên, vượt khỏi những suy tính bình thường trong tương quan giữa người với người, vượt xa những cung cách, thái độ của người thường trong sinh hoạt đời thường, để vươn lên và chạm tới Thiên Chúa là Tình yêu, mà Tình Yêu thì không ganh ghét, không loại trừ, “không nóng giận, không nuôi hận thù”, nhưng “tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1 Cr 13,5.7).
Sở dĩ Thiên Chúa muốn chúng ta không hận thù, không trả thù, nhưng chỉ yêu thương, kể cả người thù ghét, bách hại chúng ta, bởi Ngài muốn chúng ta chạm đến chính Ngài, trở nên con Ngài, hiệp nhất nên một với Ngài, mà Ngài là Tình Yêu vô cùng, Tình yêu tuyệt đối, nên dù một hạt bụi của lòng ghen ghét, thù hận, bạo lưc cũng không thể tồn tại ở Ngài. Nói cách khác, nếu không vì mục đích trở nên hoàn thiện, để làm con Thiên Chúa; nếu không muốn chúng ta “ở lại trong Ngài như cành nho gắn liền với cây nho” (x. Ga 15,1-5), nên một với Ngài như Ngài với Cha Ngài là một, để chúng ta cũng được nên một với Ba Ngôi Thiên Chúa (x. Ga 15,9-10), thì Đức Giêsu đã không đòi chúng ta phải tha thứ, phải yêu thương mọi người, kể cả kẻ thù, bởi điều kiện để được nên một với Thiên Chúa là Tình Yêu, đòi hỏi để là con thừa kế của Thiên Chúa Tình Yêu không cho phép chúng ta sống như “con người tự nhiên” với “yêu ghét tự nhiên” khi “chỉ yêu thương kẻ yêu thương mình”, “chỉ chào hỏi anh em mình” (Mt 5,46-47), vì như thế sẽ chẳng khác gì người chưa thuộc về Chúa, chưa lên đường đi với Chúa với uớc mơ hoàn thiện hầu xứng đáng được gọi là con Thiên Chúa, Đấng vô cùng  thánh thiện vì giầu lòng thương xót. 
Đòi người môn đệ đi theo mình phải yêu cả kẻ thù, Đức Giêsu có ý nói đến tình yêu của ý chí, vì đây mới thực là tình yêu của người môn đệ, khi “từ bỏ và vác thập giá mình để đi theo Chúa”, bởi yêu kẻ thù là hành vi của từ bỏ: bỏ tình cảm tự nhiên muốn gây hấn, muốn trả thù, muốn trả đũa kẻ thù; từ chối xử đẹp kẻ thù theo luật “mắt đền mắt, răng đền răng”, nợ máu phải trả bằng máu, nợ  mạng sống phải trả bằng mạng sống, nhưng chấp nhận vác thập giá mình, tức tự ép mình không căm thù, tự ghìm mình không nổi nóng, phẫn nộ, tự trói mình để bạo lực không bùng phát, tự khép mình để bản năng không vùng vẫy, tung hoành khi phật ý, mất lòng, bị kẻ thù  xử ép, hãm hại.
Kêu gọi người môn đệ vượt xa những gì thuộc tự nhiên để vươn đến siêu nhiên bằng yêu thương kẻ thù bằng chính ý chí, Đức Giêsu đề cao tự do của người đi theo Ngài, khi họ chọn hy sinh chính mình, chọn quên mình, chọn giảm thiểu “cái tôi vĩ đại, tuyệt vời” để chấp nhận vượt qua tình cảm tự nhiên “ghét kẻ thù”, để đạt được tình cảm siêu nhiên là yêu kẻ thù và cầu nguyện cho kẻ ngược đãi mình là chọn lựa của người môn đệ.
Thực vậy, Đức Giêsu đòi người môn đệ phải yêu kẻ thù, dù Ngài biết không dễ. Ngài muốn sinh hoạt tình cảm của người môn đệ không dừng lại ở biên giới tự nhiên, nhưng phải vượt qua ranh giới  tự nhiên để đi vào vùng đất siêu nhiên mà Thiên Chúa mời gọi với ý chí. Chính ý chí, tức lòng muốn mãnh liệt, là khả năng chọn lựa làm cho tư tưởng, lời nói, việc làm của người môn đệ có giá trị siêu nhiên, vì bất cứ tư tưởng, lời nói, việc làm nào để có giá trị trước Thiên Chúa đều đòi ở con người chọn lựa tự do của của ý chí.
Một cách thiết thực và cụ thể, khi yêu kẻ thù, chúng ta yêu vì Thiên Chúa muốn chúng ta yêu, mặc dù “tự nhiên” chúng ta không muốn yêu. vì Thiên Chúa muốn, nên chúng ta muốn như Thiên Chúa muốn, bằng “bảo ý chí hãy muốn yêu kẻ thù” như Thiên Chúa muốn để làm vui lòng Ngài. Và khi “cố muốn” như Thiên Chúa muốn, chúng ta được lớn lên trong tình yêu của Thiên Chúa và bước gần hơn đến “hoàn thiện” của con cái Ngài, như thánh ý của Ngài.  
Như thế, tình yêu kẻ thù không còn ở lãnh vực tự nhiên, tình trạng tự nhiên của con người, nhưng đi vào siêu nhiên, tiến về hoàn thiện của con cái Thiên Chúa. Tình yêu này là cao điểm của đức ái, nên là thách đố cam go, khó vượt qua, thử thách  bầm mình, rướm máu của những ai muốn trở nên môn đệ  Đức Giêsu.
Và công việc cụ thể để làm chứng tình yêu kẻ thù mà  Đức Giêsu đề nghị các môn đệ thực hiện ngay chính là cầu nguyện cho kẻ thù. Cầu nguyện cho kẻ thù không chỉ là cầu nguyện để kẻ thù không còn cơ hội hận thù, trả thù, không còn điều kiện gây khó khăn, bực bội, không còn khả năng bôi bác, vu khống, đánh phá chúng ta, mà quan trọng hơn là đặt vào tay Chúa hận thù của kẻ thù, để Chúa hoá giải, biến sự dữ thành sự lành, đổi mới tâm hồn gian ác của kẻ thù và đổi mới cả trái tim còn e ngại vượt qua ranh giới tự nhiên để yêu được kẻ thù, thay đổi cả con tim còn ngao ngán, ngượng ngùng bao dung, tha thứ kẻ ngược đãi, bách hại của chính chúng ta.
Cầu nguyện cho kẻ thù là việc làm rất đẹp lòng Thiên Chúa, vì đây đích thực là việc làm của tình yêu ý chí, hành vi quên mình, hành động bỏ mình, tự nguyện vác thập giá mình vì muốn thực thi thánh ý Yêu Thương của Thiên Chúa, và lệnh truyền của Đức Giêsu.
Cầu nguyện cho kẻ thù còn là của lễ cứu độ, vì máu từ trái tim của người môn đệ được hoà vào máu sinh ơn cứu độ của Đức Giêsu chịu đóng đinh ở giây phút hấp hối khi Ngài cầu xin với Chúa Cha: “Lậy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34), và lời cầu nguyện cho kẻ thù của người môn đệ sẽ minh chứng hùng hồn chọn lựa qủa cảm của tâm hồn sẵn sàng “làm trái ý mình”, để “làm theo ý Đấng  sai mình” (x. Ga 6,38).  
Vâng, khi đáp trả lời mời gọi “Hãy theo tôi” của Đức Giêsu, nhà truyền giáo không còn theo ý mình nữa, vì đi theo Đức Giêsu, người môn đệ sẽ được đổi mới toàn diện để trở nên hoàn thiện vì yêu thương như Thiên Chúa, được đổi mới để  thánh thiện, vì xót thương như Thiên Chúa, được nâng lên từ con người thành con Chúa vì yêu thương và cầu nguyện cho kẻ thù, để rồi người môn đệ, nhà truyền giáo không còn nhìn thấy chung quanh, trước sau mình hàng hàng lớp lớp kẻ thù, cũng không phải bận tâm chuyện trả thù, không còn phải  xao xuyến, lo lắng đến mất ăn, mất ngủ vì sợ kẻ thù, nhưng sẽ nhận ra chỉ còn một kẻ thù nguy hiểm, đó là “mâu thuẫn nội tâm, căng thẳng nội tại” làm tâm hồn bất ổn, bất an, khi phải sống  tình trạng “giằng co” giữa đòi hỏi của người môn đệ là “phải yêu và cầu nguyện cho kẻ thù” và “khuynh hướng, tình cảm tự nhiên” cũng như cám dỗ muốn trả thù, ăn thua đủ, và loại trừ, tiêu diệt kẻ thù, mà tất cả các môn đệ, cũng là nhà truyền giáo, người Kitô hữu trên đường theo Đức Giêsu ít nhiều đã cảm nghiệm.         
Xin Đức Giêsu phục sinh ban cho các nhà truyền giáo trái tim tràn đầy yêu thương và qủa cảm của Chúa, để làm chứng Thiên Chúa là Tình Yêu đến quên mình, xóa mình, hiến mình khi “gồng mình” yêu kẻ thù và cầu nguyện cho kẻ ngược đãi, bách hại mình (x. Mt 5,44).
Jorathe Nắng Tím