Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 23 tháng 10, 2019

KHI NGUỜI TỘI LỖI CẦU NGUYỆN

Suy Niệm TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXX Thường Niên, Năm C  
Tin Mừng Luca với dụ ngôn người Pharisêu và người thu thuế qủa thực là niềm hy vọng lớn cho  tôi lúc này, lúc mà tâm hồn đang hoang mang, sợ hãi sau khi đọc bài viết của một linh mục kể lại giấc mơ kinh hoàng, ở đó, rất đông giáo dân cũ của ngài đã từ hoả ngục về gặp ngài và  cho ngài biết họ đã không được cứu rỗi vì những tội trọng đã phạm ngày xưa trên dương thế. Với Lời Chúa của Chúa Nhật XXX, Thường Niên, Năm C, tôi đã tìm lại được bình an, hy vọng không phải của người thánh thiện, vô tội, nhưng của người tội lỗi, như những người tội lỗi đã từ hoả ngục hiện về với vị linh mục kia, chỉ khác một điều là tôi cố gắng học cách cầu nguyện của người thu thuế tội lỗi đã được Chúa cho nên công chính khi trở về.   
Tin Mừng vẽ lên hai con người : cả hai cùng lên đền thờ cầu nguyện, cùng đến trước Thiên Chúa, cùng cất tiếng, mở lời thân thưa. Nhưng người Pharisêu thì đứng thẳng, nguyện thầm rằng :Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác : tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con (Lc 18,10-12). Còn người thu thuế thì đứng đàng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng : Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ  tội lỗi (Lc 18, 13).
Chẳng nói thì mọi người cũng thấy: người Pharisêu lên đền thờ cầu nguyện hôm ấy trong tư thế của một người đạo đức hoàn hảo, thánh thiện từ trong ra ngoài, công trạng dầy đặc tận chân răng. Bằng chứng là ông thánh sống Pharisêu ấy đã  hãnh diện, tự mãn kê ra hàng loạt các nhân đức mình có, bằng cách so sánh mình với những người bê bối, nguội lạnh, tội lỗi, và ngạo nghễ chê bai, khinh bỉ đời sống của họ. Ông Pharisêu đã khéo phê bình người là tham lam, để  tuyên dương mình là quảng đại ; chỉ trích người là bất chính để ca ngợi mình là người công chính ; lên án người là bọn ngoại tình, để làm nổi bật mình là người chung thủy, tiết độ. Như thế vẫn chưa hả dạ, người  Pharisêu ấy còn tự cho mình là thánh thiện khi lải nhải kể đến chuyện ăn chay, dâng cúng tiền cho đền thờ, góp công góp của xây dựng, mở mang Nước Chúa. Và khi đã nhả cho bằng hết kho tàng các nhân đức, và công trạng, ông liền sực nhớ có tên thu thuế tội lỗi đầy mình phía sau. Thế là ông lấy nó làm đối điểm, chọn nó làm bàn đạp, hầu làm rực sáng đời sống tuyệt vời thánh thiện của mình, và tự bật mình lên thật cao trước vực thẳm tội lỗi của người thu thuế đang đứng đàng xa, chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực, vừa xin ơn thương xót (Lc 18,13).
Rất khác với tư thế hoàn hảo, thánh thiện, đạo đức của người Pharisêu, người thu thuế đã lên Đền Thờ cầu nguyện trong tư thế của người tội lỗi, vì biết mình vô cùng bất xứng trước Thiên Chúa.
Biết mình có tội, rất nhiều tội, người thu thuế lấm lét, thẹn thùng, mang đầy mặc cảm tội lỗi khi bước vào Đền Thờ. Vì thế, ông chỉ dám đứng đàng xa, mà không dám tiến lên gần cung thánh, gần bàn thờ, gần Nhan Thiên Chúa như người Pharisêu hãnh tiến vì cho mình là người đạo đức, công chính kia. Biết mình vô số tội, mà tội nào cũng nặng, cũng trọng, cũng xấu xa, gớm ghiếc, người thu thuế đã chỉ cúi mặt nhìn đất, không dám ngước cao nhìn trời ; chỉ dám cúi mình thật sâu nhìn nhận mình là kẻ có tội và tha thiết van xin lòng thương xót, bao dung, khoan hồng.
Sự khác biệt căn bản giữa hai nhân vật được kể trong Tin Mừng là một người Pharisêu khoác cho mình vai diễn của người đạo đức, trong sạch, thánh thiện, đầy công đức, trong khi người thu thuế không nhập vai ai, không mang lấy lớp áo của người nào, nhưng sống thực với chính con người tội lụy, bất xứng và đáng lên án, nguyền rủa của mình. Rất tiếc, bên cạnh sự khác biệt đó, luôn có một mẫu số chung trước mặt Thiên Chúa, Đấng thông biết mọi sự, và thấu suốt mọi tâm hồn, đó là cả hai người đều chung một phận người tội lỗi luôn cần được Thiên Chúa xót thương.
Như thế, người Pharisêu hoặc không biết, hoặc cố tình không biết mình chưa hoàn hảo, thánh thiện, trong khi người thu thuế thú nhận ngay từ đầu mình là kẻ tội lỗi qua thái độ khiêm tốn, kín đáo, lấm lét khi bước vào Đền Thờ.
Và chung cuộc đã thật bất ngờ với lời tuyên bố của Đức Giêsu trước những người có mặt hôm ấy : Tôi nói cho các ông biết : người thu thuế này khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi ; còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống ; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên (Lc 18, 14).     
Lời Đức Giêsu đã chính thức xác nhận : người thu thuế tội lỗi đã được tha hết tội, vì khiêm tốn biết mình có tội và thú nhận mình là người tội lỗi cần đến lòng Chúa xót thương ; còn người Pharisêu, vì kiêu căng đã tưởng mình thánh thiện, nghĩ mình hoàn hảo, tự nhận mình đạo đức đã không được nên công chính, vì thực sự ông đã không công chính như ông ảo tưởng và tự tuyên dương, đánh bóng, ca ngợi.  Tội của ông là tội kiêu ngạo, tưởng mình xứng đáng hơn mọi người ; tội của ông là tội thiếu bác ái, khi liếc mắt khinh mạn, coi thường người thu thuế tội lỗi lầm lũi, ẩn mình đàng xa, tận cuối Đền Thờ ; tội của ông là tội không cần ơn cứu độ khi tự mãn cho mình không cần ơn thứ tha ; tội của ông là tội đóng chặt trái tim trước yếu đuối của anh em, và khoá kỹ cửa tâm hồn trước Thiên Chúa cứu độ ; và quan trọng hơn cả là ông đã lên Đền Thờ để phô trương trước Thiên Chúa và lên mặt với mọi người, mà không hề cầu nguyện. Khác với người Pharisêu, người thu thuế có nhiều tội, nên lấm lét, run sợ vì chẳng có gì tốt đẹp để có thể kể ra trước mặt Thiên Chúa, ngoài tâm hồn tan nát vì biết mình có tội và lòng khiêm tốn nài xin ơn thương xót, thứ tha, và điều bất ngờ làm đẹp lòng Thiên Chúa hơn cả nơi ông, chính là ông đã cầu nguyện với lòng thành và tâm tình thống hối, khi khiêm tốn đấm ngực và thưa rằng : Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi (Lc 18,13).
Lạy Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ giầu lòng thương xót, xin dậy chúng con, những kẻ tội lỗi đầy mình, và vô cùng bất xứng, biết khiêm tốn nhận mình là kẻ có tội ; biết tín thác ở Chúa là Thiên Chúa hay chạnh lòng xót thương tội nhân ; biết đứng dậy với niềm hy vọng để lên Đền Thờ tìm gặp lại Chúa, nhất là biết khẩn cấp nài xin ơn tha thứ khi sa ngã, phạm tội, biết tức tốc đấm ngực ăn năn khi rơi vào tình trạng tội lỗi, và luôn thầm thĩ thân thưa lời kinh rất đẹp lòng Chúa của người có tội : Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi Lc 18,13).  
Jorathe Nắng Tím