Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 30 tháng 4, 2020

NHỮNG CÁI CHẾT THỜI COVID

Người ta sợ Covid vì Covid làm chết người. Thế giới chống Covid, vì Covid muốn xóa sổ nhân loại. Mọi người sợ Covid vì lây nhiễm sẽ khó tránh khỏi thảm cảnh “một mình ra đi, không người thân bên giường, không bạn hữu trên đường ra nghiã trang, phần mộ”. Và Covid đã trở thành hiện thân của Tử Thần rất đáng sợ! 
Đến hôm nay, số tử vong trên thế giới đã lên đến 215.000 người, và hơn 3 triệu người bị lây nhiễm, chưa kể vài trăm ngàn người đang nằm trong các phòng cấp cứu hồi sức, với tình trạng “thập tử nhất sinh”, nên những cái chết thời Covid đã thực sự ám ảnh nhiều người, và là đe dọa lớn trong sinh hoạt hằng ngày của toàn thế giới.
Giữa hàng trăm ngàn cái chết thời Covid, có những cái chết ngoài chẩn đoán của y khoa, vượt xa tiên liệu của các nhà  khoa học ban đầu vẫn cho rằng: Covid không ảnh hưởng đến trẻ thơ, khi một bé thơ chưa đầy sáu tuần tuổi ờ Connecticut, Mỹ, cũng như nhiều bé khác từ hai đến mười tuổi ở Âu Châu đã bất hạnh phải đứng chung hàng ngũ nạn nhân của Covid, trong số đó, thương tâm nhất là trường hợp em bé ba tuổi từ khi  lây nhiễm phải đưa vào bệnh viện cho đến khi xác được đem chôn đã không có bất cứ người thân nào bên cạnh.
Giữa hàng trăm ngàn cái chết thời Covid, có cái chết bất ngờ của bà Lorna Breen, nữ bác sĩ chống Covid ở tuyến đầu New York, trưởng khoa cấp cứu của một bệnh viện ở Manhattan đã tự vẫn ở tuổi 49, ngày 26.04.2020 sau thời gian phục vụ rất vất vả bệnh nhân Covid.
Bà đã bất ngờ tự vẫn, sau khi biết mình bị lây nhiễm, và lý do đã đưa đến quyết định rất buồn này chính là bà đã không thể chịu nổi căng thẳng do những cái chết đã ám ảnh suốt thời gian làm việc trong phòng cấp cứu bệnh nhân, bởi có những người bệnh chưa kịp đưa vào phòng cấp cứu đã chết trước mắt bà khi họ vừa được chuyển từ xe cứu thương vào hành lang bệnh viện. Cái chết bất ngờ của bà đã như bước chân bất ngờ của Covid đi vào thế giới! 
Giữa hàng trăm ngàn cái chết thời Covid, có cái chết vì tương lai thế giới của cụ bà Suzanne Hoylaerts ở tỉnh Vlaams-Brabant, vương quốc Bỉ, Âu Châu. Nhập viện vì Covid và phải dùng máy thở để hỗ trợ hô hấp. Nhưng vào thời điểm đó, máy thở khan hiếm, vì số bệnh nhân cấp cứu cần hỗ trợ hô hấp tăng vọt. Trước đề nghị đặt máy thở của bác sĩ, cụ bà đã nói: “Tôi không muốn dùng máy trợ thở. Xin hãy dành cho những bệnh nhân trẻ khác. Tôi đã sống một đời tốt đẹp rồi. Không sao đâu!”. Hai ngày sau, 22.03.2020, cụ bà đã qua đời vì Covid.
Cái chết hy sinh của ông bà cho tương lai con cháu, cái chết hy sinh của người già cho tương lai người trẻ, cái chết hy sinh của đấng sinh thành cho tương lai hậu duệ. Tất cả là những cái chết đẹp, như đời sống đẹp của các vị, đúng như lời cụ bà đáng kính Suzanne Hoylaerts đã nói với bác sĩ .
Giữa hàng trăm ngàn cái chết thời Covid, nếu có cái chết vì tương lai của người khác, thì cũng có cái chết vì sợ tương lai của người khác, như cái chết của bộ trưởng tài chánh Đức, ông Thomas Schaefer. Ông đã tự tử vì qúa lo âu cho tương lai đen tối của nền kinh tế bang Hesse, mà ông là người có trách nhiệm. Tuy không bị lây nhiễm Covid, nhưng sức tàn phá, hủy hoại khủng khiếp trong mọi lãnh vực của Covid đã làm ông hoảng lọan, kinh hãi, và cái chết đã là chọn lựa để được giải thoát khỏi nỗi lo sợ tưởng như vượt sức người có hạn.
Nhưng không chỉ có những cái chết vì biết mình bất lực trước tương lai đất nước, đồng bào như cái chết của bộ trưởng Thomas Schaefer, mà còn những cái chết vì sợ giây phút lưỡi hái tử thần của Covid đặt vào cổ, nên khi vừa biết mình bị lây nhiễm đã hỏang sợ và tự kết liễu đời mình, như bác sĩ Bernard Gonzales, phụ trách sức khỏe của đội bóng Reims, Pháp đã tự vẫn ngày chúa nhật 05.04.2020 vừa qua ở tuổi sáu mươi.
Giữa hàng trăm ngàn cái chết thời Covid, có những cái chết vì sức khoẻ thể xác của người khác như nhiều y tá, bác sĩ, nhân viên y tế trong các bệnh viện đã lây nhiễm và ngã gục, ra đi. Họ là những chiến sĩ qủa cảm ở tuyến đầu đã hy sinh mạng sống mình vì sự sống của đồng loại, mà mỗi buổi tối, đúng 20 giờ, toàn thể nước Pháp đồng loạt vỗ tay cám ơn và tôn vinh họ như những ân nhân của đồng bào, từ các cửa sổ, ban công.
Bên cạnh những cái chết vì sức khoẻ thân xác của đồng loại, còn những cái chết vì hạnh phúc thiêng liêng của rất nhiều linh mục, tu sĩ nam nữ, thượng tọa, đại đức, ni sư, ni cô, cả những cái chết rất âm thầm, vô danh của tín hữu các tôn giáo đã chết vì lây nhiễm Covid khi thi hành sứ vụ thiêng liêng bên các người bệnh.
Bên cạnh hàng trăm ngản cái chết thời Covid, còn những cái chết không vì Covid, nhưng vì Cô Đơn, Cô Độc của những cụ ông, cụ bà trong các nhà dưỡng lao. Các cụ không chết vì lây nhiễm, nhưng vì để tránh lây nhiễm, các cụ không còn được con cháu đến thăm cuối tuần. Vì tuổi già sống bằng tinh thần và thuốc men nhiều hơn bằng cơm bánh, nên khi tinh thần căng thẳng vì tưởng mình bị con cháu “bỏ rơi”, tinh thần khủng hoảng vì nghĩ không còn ai nhớ đến mình, các cụ đã rơi vào trầm cảm, sầu buồn, thất vọng và rất nhiều cụ đã lặng lẽ ra đi trong thời dịch bệnh Covid, vì sức mạnh tàn phá kinh dị của Cô Đơn, Cô Độc do Covid gây ra.
Qủa thực, không lúc nào chúng ta cận kề cái chết hơn lúc này, vì Covid không tha ai, không miễn trừ sắc tộc, quốc gia, thành phần, giai cấp, trình độ, tôn giáo nào; chúng ta cũng nhận diện cái chết rõ hơn, vì bất cứ sơ sót, bất cẩn, không thận trọng, mất cảnh giác nào trong giao tế, gặp gỡ cũng có thể là nguyên nhân đưa chúng ta vào bệnh viện, ra nhà xác, và cũng hơn lúc nào hết, chúng ta có thời giờ suy nghĩ về thân phận phải chết của con người, để đặt vấn đề lẽ sống, ý nghiã cuộc sống, giá trị đời sống cũng như thái độ phải có trong cuộc sống của chính mình.
Còn hai ngày nữa là mùng 1 tháng Năm, ngày của hoa Muguet tượng trưng bình an và may mắn. Người viết xin kính đến những người đã chết trong thời Covid  đóa Muguet trắng ngần và nguyện cầu ơn Bình An cho các vị ở bên kia thế giới, đồng thời xin trao tặng Bạn, những người còn sống hoặc đang vất vả chiến đấu phòng chống Covid, bảo vệ đồng loại, hoặc đang nằm bệnh viện, bị cách ly vì là nạn nhân của Covid chùm hoa Muguet tươi thắm với May Mắn tràn đầy, May Mắn bền lâu, May Mắn mãi mãi.
Jorathe Nắng Tím   

THÁNH GIUSE, NGƯỜI ĐÀN ÔNG CAO THƯỢNG


Mỗi dịp mừng lễ thánh Giuse, với bài Tin Mừng kể về những ngày đầu đời hôn nhân của thánh Giuse và Đức Maria, khi “chưa chung sống”, Đức Mẹ “đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần”, mà thánh Giuse không hề biết. Việc này đã đưa đến quyết định “kín đáo bỏ đi”, vì thánh Giuse là người công chính và không muốn tố giác Đức Mẹ. Chính trong lúc âm thầm, ngậm ngùi ra đi, Thiên Chúa đã can thiệp và nói cho thánh Giuse biết tất cả sự thật: “Này ông Giuse, con cháu Đavít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ” (Mt 1,20-21), tâm hồn người viết lại trào dâng tâm tình yêu mến rất sâu lắng, dạt dào kính dâng vị thánh quan thầy công chính, cao thượng rất kính yêu.
Tâm tình yêu mến dâng Thánh Cả, không chỉ vì Ngài là “Người Công Chính” được Thiên Chúa yêu thương, tuyển chọn làm cha nuôi Đức Giêsu, Ngôi Lời làm người, mà còn vì Ngài là người chồng tuyệt vời, người đàn ông lý tưởng với tâm hồn cao thượng khi tuyệt đối tôn trọng vợ mình.
Tuyệt đối tôn trọng nên không tra vấn, hạch hỏi, bắt phải trình bầy, ép phải nói thật khi chưa chung sống mà vợ đã có thai, bởi cứ sự thường, người chồng dù bình tĩnh, qủang đại, hiền lành đến mấy cũng sẽ ít nhiều, xa gần tỏ thái độ bực bội, ghen tương, nghi ngờ, coi thường, khinh bỉ và tìm mọi cách để biết hết sự thật về bào thai không thuộc về mình; bởi như người thường, thì quyền của chồng không chỉ được chứng tỏ và thể hiện trên thân xác vợ mà cả từng ngõ ngách tinh thần và toàn diện đời sống của vợ, do uy quyền bao la, phủ kín khi làm chồng.
Tuyệt đối tôn trọng nên không tìm biết, nếu không được nói cho biết, kể cho biết, hay được mời góp ý, trao đổi. Thánh Giuse đã không muốn biết, khi Đức Mẹ không nói, vì tinh thần cao thượng đòi ngài chỉ muốn biết khi người trong cuộc muốn cho biết, chỉ tự cho phép “muốn biết”, khi sở hữu chủ của sự thật sẵn lòng chia sẻ, giãi bầy chuyện riêng của họ, bởi với người công chính và cao thượng như thánh Giuse, thì “đời riêng, riêng đời” của người khác phải được tuyệt đối tôn trọng như một vùng riêng tư “mầu nhiệm”, không gian bí mật bất khả chiếm cứ, bất khả xâm phạm.
Tuyệt đối tôn trọng nên không nói cho ai điều mình không được biết, điều mình chưa được biết, dù điều ấy liên quan đến mình, như thánh Giuse đã “không muốn tố giác”, bởi người ta có thể tố giác khi đã biết, để người làm tội phải chịu tội, và tố giác khi không biết, chưa biế, để nghi can bị hạch hỏi, điều tra, làm rõ.
Tuyệt đối tôn trọng nên bằng mọi giá không để người mình vốn thương mến gặp khó khăn, mất danh dự, không còn uy tín, bởi bất cứ “lời ăn tiếng nói” vô ý, vô tình, vô duyên hay hành động “thái qúa bất cập” nào cũng có thể trở thành nguyên nhân của đại hoạ, tai ương cho nhiều người.
Tuyệt đối tôn trọng nên chỉ còn chọn lựa sau cùng là âm thầm, kín đáo ra đi, chọn lựa mà có người cho là hèn nhát, có người lại cho là chưa đủ quảng đại.
Qủa thực, khi tôn trọng Đức Mẹ với tình yêu rất sâu sa, trìu mến và cao thượng, thánh Giuse đã bị coi là hèn nhát, thiếu cương quyết, khi không dám hỏi thẳng Đức Mẹ về bào thai, mà đáng lẽ ngài phải biết, vì là chồng. Những người này có thể đã gán cho ngài biệt danh “người chồng khờ dại bị cắm sừng”, nhưng họ đã không hiểu gì.
Họ không hiểu tình yêu đích thực của trái tim người chồng cao thượng phải được liên lỷ nuôi dưỡng bằng lòng tôn trọng, chứ không bằng thống trị, sở hữu. Lòng tôn trọng phát xuất từ tình yêu đích thực là hoa trái của tình yêu đến từ Thiên Chúa, như Thiên Chúa luôn tôn trọng con người, dù con người chỉ là thụ tạo đối với Ngài, bởi tình yêu ấy đòi hy sinh, quên mình, bỏ mình, xóa mình; tình yêu ấy đòi được đóng đinh chính mình cho hạnh phúc của người mình yêu; tình yêu ấy đòi những hoa thơm, trái ngọt Bình An cho người mình yêu được hái từ mão gai, đinh sắt, lưỡi đòng của cây Thánh Giá, nên trong trái tim yêu thương  của người chồng cao thượng không có chỗ cho ích kỷ, hưởng thụ, không có đất sống cho độc tài, độc trị, độc quyền, độc tôn, càng không có đất dụng võ cho độc ác, độc hại, nhưng bằng mọi giá, trong mọi hoàn cảnh chỉ có Bình An là hoa trái tuyệt vời của Tình Yêu đích thực, hạnh phúc viên mãn của tình yêu hôn nhân.
Vâng, thánh Giuse đã không hèn nhát, không là người chồng đáng thương, khờ dại bị cắm sừng, vì tình yêu cao thượng đã cho ngài cảm nhận: Đức Maria, vợ mình là người trung chính, thánh thiện, người trọn vẹn thuộc về Thiên Chúa, và ngài được trao phó trách nhiệm yêu thương, giữ gìn, bảo vệ, nên khi Đức Mẹ không nói gì, mà bào thai cứ lớn dần, thánh Giuse hiểu ngay: đây là việc vượt qúa điều ngài có thể suy nghĩ, vượt xa những gì ngài có thể nắm bắt, tiên liệu, và điều ấy, việc ấy chắc chắn phải có bàn tay Thiên Chúa can thiệp. Lòng tôn trọng tuyệt đối Đức Mẹ nơi Thánh Cả không là lòng tôn trọng “kiểu cách, hời hợt, quy ước”, nhưng có nền tảng là lòng kính sợ Thiên Chúa, mà cả thánh Giuse và Đức Mẹ đều bám vào như điểm tựa của niềm tin.
Thánh Giuse cũng không thiếu quảng đại, như có người phê bình, khi cho rằng: nếu quảng đại, ngài đã vui vẻ chấp nhận bào thai và sẵn sàng nuôi con người khác, kiểu “qụa nuôi tu hú”.
Thực ra, khi định tâm kín đáo ra đi, thánh Giuse rất do dự. Chính vì do dự mà ngài mới không bỏ “đi ngay”, nhưng “đi ngủ”, vì thế sứ thần mới kịp hiện đến trong giấc mộng và bảo ngài đón Đức Mẹ, vợ mình về nhà , vì bào thai là do quyền năng Chúa Thánh Thần.
Ngài do dự vì ngài là người công chính, mà người công chính thì không thể làm điều bất chính, cũng không được đồng loã với những gì bị coi là bất chính. Ở đây, thánh Giuse bị giằng co giữa con người Đức Mẹ là người trung chính tuyệt vời và bào thai xuất hiện trước khi vợ chồng chung sống, ăn ở là một điều bất chính trước mặt Thiên Chúa. Vì lẽ đó, ngài do dự, phân vân, và tha thiết cầu nguyện. Đàng khác, vì biết rõ Đức Mẹ là người phụ nữ đạo hạnh, thánh thiện, thì sự có mặt bất ngờ của bào thai đã trở thành một nghịch lý không thể lý giải bằng thông minh của con người trong tim óc của thánh Giuse.
Vâng, chính trong nghịch lý không thể lý giải bởi con người ấy, Thiên Chúa đã can thiệp để người công chính Giuse được tôn vinh hơn nhờ tinh thần cao thượng, tinh thần không chỉ cần thiết để làm chồng yêu thương vợ, mà còn là tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống của mỗi người, để xây dựng một xã hội hạnh phúc hơn, một thế giới bình an hơn, như Chúa muốn.
Kính lậy thánh Giuse, Bổn Mạng của Giáo Hội Việt Nam, và bổn mạng của rất nhiều người tín hữu!
Xin dậy chúng con học với Cha thánh đức Công Chính, tình yêu xóa mình để làm vinh danh Chúa hơn, và phục vụ anh em với tinh thần cao thượng.
Jorathe Nắng Tím