Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 16 tháng 6, 2020

HẠNH PHÚC ĐƯỢC BÌNH AN

    HẠNH PHÚC ĐƯỢC BÌNH AN
    Tác giả: Xuân Vui
   
Mỗi sáng thức dậy, tôi rất thích cảm giác ngồi nhìn những đóa hoa đang nở, nhâm nhi café và ngồi thưởng thức cuộc sống. Rất nhiều cảm giác khác nhau trong những buổi sáng tương tự như thế này. Nhưng nói chung những suy nghĩ thường hướng về con người xung quanh và những nhân sinh quan cuộc sống của họ. Như một người khách tham quan, tôi nhìn ngắm cuộc đời của họ và tìm hiểu những gì họ đang có và tôi luôn rút ra một kết luận: những con người luôn khao khát điều gì thuộc về tiền của, vật chất, danh lợi thì cuộc đời họ luôn bất an vì chính những điều ấy. Nỗi khao khát khiến họ luôn nỗ lực bằng mọi giá và trong số họ có người đạt được có người không nhưng dù kết quả thế nào tôi không cảm thấy họ đang hạnh phúc hay bình an. Có người vì ham làm Việt Kiều nên bị tan đàn sẻ nghé sau khi thành Việt Kiều, có người thì ham tiền bạc nên lựa chọn sự bất công và cuối cùng cũng không còn gì bao nhiêu, có người thì ham ông này bà nọ, ham được đứng trên cao, ham thích những ánh nhìn ngưỡng mộ và cuối cùng họ bị những điều ấy nhấn chìm. Cuộc đời có một sự sẻ chia rất công bằng đó là tiền bạc vì tất cả mọi người đều bảo rằng thiếu. sau tất cả những gian khổ của cuộc đời, hôm nay ngồi đây nhìn lại, tôi thấy hạnh phúc nó rất đơn sơ, một tình bạn đẹp có thể mang lại hạnh phúc, một tình nghĩa thủy chung trong tình vợ chồng cũng thế, một gia đình thuận hòa là hạnh phúc, anh chị em yêu thương nhau là hạnh phúc và nhiều, rất nhiều những điều hạnh phúc khác chẳng liên quan gì đến vật chất, tiền bạc hay danh lợi. Tôi đến nhà thờ, ngồi đối diện với Thiên Chúa không đọc kinh và cũng chẳng nói gì, đơn giản chỉ đến thăm, và nhìn ngắm thôi, nhưng cảm thấy rất bình an và hạnh phúc.
    Con người luôn mải mê và làm nô lệ cho những tham vọng của chính mình, đến khi giật mình nhìn lại thì đã cuối con dốc của cuộc đời, muốn thay đổi ư??? Không còn kịp nữa. Trong cuộc đời mình, tôi luôn tìm kiếm hai chữ bình an dù đôi khi phải trả giá nhiều, có thể đó là tiền bạc phải cho đi vì một lời kêu xin trợ giúp, có thể đó là thời gian và sức khỏe vì một công việc mà mình cảm thấy đó là một sứ mạng, nhưng tôi chưa phải suy nghĩ nuối tiếc khi nhìn lại. Sáng hộm nay, một sáng mùa hè, có nắng và trời xanh mây trắng, có tiếng chim hát ca và một ly trà ngon, cuộc sống dường như chậm lại và tôi, một kẻ vô công rỗi việc ngồi viết những dòng suy nghĩ vu vơ như một lời cảm ơn dâng lên: “Xin dâng lời cảm tạ…” đó là tất cả những gì tôi cảm thấy trong buổi sáng bình yên này.
Chúc mọi người một tuần mới nhiều niềm vui và hạnh phúc nhé. Yêu mọi người!!!


SINH NHẬT THÁNH GIOAN TIỀN HÔ


“Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi; trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hoá ngươi, Ta đặt ngươi làm ngôn sứ cho chư dân” (Gr 1,5). 
Thánh Gioan Tẩy Giả, vị tiền hô của Đức Giêsu không những được Thiên Chúa biết và thánh hoá, mà còn đượcThiên Chúa đặt tên trước khi sinh ra, như Tin Mừng Luca thuật lại: “Khi con trẻ được tám ngày, họ đến làm phép cắt bì, và tính lấy cha là Dacaria mà đặt cho em. Nhưng bà mẹ lên tiếng nói: “Không, phải đặt tên cháu là Gioan. Họ bảo bà: “Trong họ hàng của bà, chẳng ai có tên như vậy cả. Rồi họ làm hiệu hỏi người cha, xem ông muốn đặt tên cho em bé là gì. Ông xin một tấm bảng nhỏ và viết: “Tên cháu là Gioan. Ai nấy đều bỡ ngỡ” (Lc 1,59-63).
Gioan trong tiếng Do Thái có nghiã là Hồng Ân của Thiên Chúa. Đây là tên mà sứ thần của Thiên Chúa đã truyền cho Dacaria, cha của em bé  đang lúc dâng hương trong Đền Thờ của Đức Chúa”, vì ông thuộc hàng tư tế, và đã trúng thăm được vào dâng hương: “Bà Êlisabét vợ ông sẽ sinh cho ông một đứa con trai, và ông phải đặt tên cho con là Gioan” (Lc 1,13).
Được Thiên Chúa đặt tên là một hồng ân cao cả, lớn lao. Như chính tên Hồng Ân của  ông, Gioan đã được Thiên Chúa chuẩn bị từ muôn thuở để đón nhận hồng ân là Tiền Hô dọn đường cho Đức Giêsu, Đấng Cứu Thế, đồng thời là niềm vui cho mọi người, vì mọi người đều nhận trên cuộc đời ông “có bàn tay Chúa phù hộ” (Lc 1,66).
“Có bàn tay Chúa phù hộ”, nên Dacaria, cha ông, và Êlisabét, mẹ ông, cả hai tuy đã lớn tuổi và không còn có thể sinh con vẫn được Thiên Chúa ban hồng ân làm cha mẹ. Sự việc này vượt qúa sức tưởng tượng của loài người, vì thế mà Dacaria, cha ông đã không dám tin, và  Dacaria đã “bị câm, không nói được, cho đến ngày các sự ấy xẩy ra” (Lc 1,20).
“Có bàn tay Chúa phù hộ”, Gioan mới được hồng ân trở nên Tiền Hô của Đức Giêsu, Đấng Cứu Thế, như lời ca tụng Thiên Chúa của Dacaria, cha ông trong kinh Chúc Tụng: “Hài Nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu là ngôn sứ của Đấng Tối Cao: con sẽ đi trước Chúa mở lối cho Người, bảo cho dân Chúa biết: Người sẽ cứu độ là tha cho họ hết mọi tội khiên” (Lc 1,76).
“Có bàn tay Chúa phù hộ”, tiếng hô của Gioan, như lời chép trong sách ngôn sứ Isaia: “Hãy dọn đường cho Đức Chúa, sửa lối thẳng để Người đi, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng. Rồi hết mọi người sẽ thấy ơn Cứu Độ của Thiên Chúa” mới được nhiều người lắng nghe.         
“Có bàn tay Chúa phù hộ”, đám đông mới lũ lượt kéo đến xin Gioan làm phép rửa, khi nghe “ông rao giảng, kêu gọi mọi người chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội” (Lc 3,3).
“Có bàn tay Chúa phù hộ”, Gioan mới can đảm thực thi sứ mệnh làm chứng sự thật của ngôn sứ khi “khiển trách vua Hêrôđê vì đã lấy bà Hêrôđia là vợ của người anh” (Lc 3,19) để rồi bị tống giam và bị chém đầu sau đó (x. Mt 14,1-11).
Qủa thực, cả cuộc đời của  Gioan Tiền Hô là nguồn suối Hồng Ân không ngừng tuôn chảy: chảy từ cha mẹ trước khi thụ thai ông, và liên tục chảy dài trong suốt cuộc đời Tiền Hô, Ngôn Sứ cho đến giờ chết, khi đầu rời thân vì làm chứng cho sự thật, vì thi hành đến cùng và trọn vẹn sứ vụ Ngôn Sứ Thiên Chúa trao.
Nhưng điều quan trọng chúng ta cần học hỏi nơi thánh Gioan Tiền Hô, chính là tâm tình khiêm tốn biết ơn Chúa, tâm tình khiêm tốn phục vụ Chúa, tâm tình khiêm tốn sẵn sàng trở thành Của Lễ dâng Chúa.
Biết tên mình là Hồng Ân do chínhThiên Chúa chọn, thánh Gioan đã luôn khiêm tốn biết ơn Chúa, khi nhận mình “không đáng cởi quai dép cho Người” (Lc 3,16); biết đời mình là Hồng Ân do chính Thiên Chúa chuẩn bị, thánh nhân đã khiêm tốn phục vụ Chúa, bằng không giữ bất cứ sự gì (x. Mc 1,6), hay bất cứ môn đệ nào cho mình (x. Ga 1,35-40), nhưng tất cả dành cho Đức Giêsu Thiên Chúa. 
Chính Đức Giêsu đã công khai tuyên dương Gioan khi nói với đám đông về ông: “Anh em ra xem gì trong hoang địa? Một cây sậy phất phơ trước gió chăng? Thế thì anh em ra xem gì? Một người mặc gấm vóc lụa là chăng? Kìa những kẻ mặc gấm vóc lụa là thì ở trong cung điện nhà vua. Thế thì anh em ra xem gì? Một vị ngôn sứ chăng? Đúng thế đó; mà tôi nói cho anh em biết, đây còn hơn cả ngôn sứ nữa. Chính ông là người Kinh Thánh đã nói tới khi chép rằng: Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con đến” (Mt 11,7-10); biết sứ vụ của mình là loan báo Hồng Ân của “Thiên Chúa đầy lòng trắc ẩn” hằng tha cho dân Người hết mọi tội khiên (x. Lc 1,77-78), Gioan Tiền Hô đã khiêm tốn hiến mạng sống trong chốn lao tù làm Của Lễ tạ ơn Thiên Chúa. 
Thực vậy, cuộc đời thánh Gioan Tiền Hô là Hồng Ân, như tên Thiên Chúa đã chọn trước cho ngài, và suốt cuộc đời, thánh nhân luôn sống trong hạnh phúc được bao phủ bởi Hồng Ân, vì luôn “có bàn tay Chúa phù trợ”.
Lậy thánh Gioan Tiền Hô, xin cầu bầu cho chúng con biết sống tâm tình biết ơn Chúa và khiêm tốn phục vụ theo gương khiêm tốn với “khẩu hiệu ngôn sứ” của ngài: “Người phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi” (Ga 3,30).              
Jorathe Nắng Tím