Suy Niệm TIN MỪNG CHÚA NHẬT 22 Thường Niên,
Năm A
Khi
yêu ai, chúng ta không muốn người ấy phải lo lắng, đau khổ vì ta, nên ta thường
cố giữ hết cho mình những phiền muộn, khó khăn, thất
bại, đe dọa, như người cha dù biết mình mang bệnh nan y và qũy thời gian sống
không còn bao lâu nhưng vẫn tỏ ra “như không có gì” để vợ con được bình an, hạnh
phúc.
Đức
Giêsu cũng không khác chúng ta. Ngài thương các môn đệ và biết các ông sẽ “sốc
nặng”, nếu biết con đường Thương Khó Ngài sắp phải đi, và cuộc tử hình Ngài sẽ
phải chịu, cũng là con đường dành riêng
cho những ai muốn đi theo Ngài.
Qủa
thực, cho đến biến cố Phêrô tuyên xưng đức tin của mình cũng là niềm tin của
Nhóm Mười Hai: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16), Đức
Giêsu vẫn chưa hé mở cho các ông biết: Ngài “sẽ phải đi Giêrusalem, phải chịu
nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết và
ngày thứ ba sẽ sống lại” (Mt 16,21). Chẳng thế mà sau khi Phêrô tuyên tín: “Thầy
là Đấng Kitô”, Đức Giêsu đã “cấm ngặt các môn đệ không được nói cho ai biết Người
là Đấng Kitô” (Mt 16,20), bởi không người nào, kể cả các môn đệ thuộc Nhóm Mười
Hai đã được chuẩn bị để sẵn sàng đón nhận
sự thật rất đau lòng: Đức Giêsu là Đấng Kitô phải chịu đau khổ và phải chết, Đấng
Kitô là người tôi trung đau khổ của Thiên Chúa Giavê mà ngôn sứ Isaia đã báo
trước: “Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu.
Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ” (Is 50,6), một hình ảnh hoàn
toàn khác với những gì các môn đệ và đám đông mong đợi ở Đức Giêsu, Đấng Kitô ở
thời điểm đó.
Điều
này đã được minh chứng qua thái độ của Phêrô khi Đức Giêsu báo cho các ông lần
thứ nhất cuộc thương khó Ngài sắp phải chịu: “Ông Phêrô liền kéo riêng Người ra
và bắt đầu trách Người: Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy!”.
Chuyện ấy tức chuyện bị bắt, bị tra tấn, bị giết chết ở Giêrusalem bởi kỳ mục,
thượng tế, kinh sư; “chuyện ấy” là chuyện cực kỳ xui xẻo phải tránh, chuyện thất
bại tang thương khi cơ đồ cứu thế vĩ đại và hoành tráng ưóc mơ từ bấy lâu sẽ
hoàn toàn sụp đổ bẽ bàng, chuyện “tan đàn xẻ nghé” nếu Thầy bị bắt và bị giết,
chuyện tiêu tan giấc mơ được ngồi bên trái bên phải trong vương quốc vinh hiển
sắp đến của Thầy (x. Mt 20,20-23), chuyện “mất trắng” mọi sự mà “chẳng nên cơm
cháo gì” suốt mấy năm đi theo Thầy.
Trước
thái độ hốt hoảng can ngăn của Phêrô, Đức Giêsu đã quay lại bảo: “Xatan, lui
lai đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng
của Thiên Chúa, mà là của loài người” (Mt 16,23).
“Lui
lại đàng sau Thầy!” nghiã là anh hãy trở về đúng chỗ của anh là môn đệ Thầy, trở
về vị trí của người muốn đi theo Thầy, mà không
cản trở Thánh Ý Thiên Chúa là lẽ sống của Thầy, vì đó là công việc của
Xatan. “Lui lại đàng sau Thầy!”, Đức Giêsu nhắc Phêrô đòi hỏi quan trọng nhất ở
người môn đệ là đứng sau Thầy và đi theo Thầy trên đường Thánh Giá. Ở đây, Đức
Giêsu buộc lòng phải cho Phêrô và các môn đệ biết điều các ông không muốn,
nhưng lại là điều Thiên Chúa muốn, đó là cùng Ngài đi qua đau khổ, và sự chết để
đến phục sinh.
Thực
vậy, không chỉ Phêrô và các môn đệ thuộc Nhóm Mười Hai đã “sốc nặng” khi nghe Đức
Giêsu tiên báo con đường Thương Khó phải đi qua để đến ngày sống lại, chúng ta
cũng sợ hãi lắm trước những đau khổ, thử
thách, và nước mắt, máu và mồ hôi cũng đẫm ướt cuộc đời chúng ta, như Đức Giêsu
đã xin Chúa Cha cất chén đắng sắp phải uống cho Ngài trong vườn Cây Dầu trước
giờ bị bắt.
Vì
thế, không dễ đón nhận Thánh Ý Thiên Chúa, khi Thánh Ý hoàn toàn trái ngược ý ta; không đơn giản lên đường Thương Khó, vì
đường thương đau và khó nhọc chẳng bao giờ hấp dẫn bước chân người đời; không
nhẹ nhàng trải bước trên đường Thánh Giá, vì Thánh Giá thì trái ý, ngược dòng,
sần sùi, gai góc, nặng nề, khó đi, khó vác, nên nếu không để cho Thiên Chúa quyến
rũ, không để Thiên Chúa mạnh hơn và chiến thắng (x. Gr 20,7), chúng ta không thể
bước theo chân Ngài, không thể “vác thập giá mình mà đi theo Ngài” (Mt 10,38),
cũng như nếu không để “lời Ngài cứ như ngọn lửa bừng cháy trong tim, âm ỉ trong
xương cốt”, người môn đệ sẽ không muốn nghĩ đến Thiên Chúa, “cũng chẳng nhân
danh Người mà nói nữa” (Gr 20,9).
Xin
Chúa ban cho chúng con ơn đổi mới tâm hồn, “hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên
Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo” (Rm 12,2), để “suốt
cả đời con, nguyện dâng lời chúc tụng, và giơ tay cầu khẩn danh Ngài… Lậy Thiên Chúa của con, Ngài là Chúa con thờ”
(Tv 62,5.1)
Jorathe
Nắng Tím