Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 12 tháng 10, 2020

“CỦA XÊDA, TRẢ CHO XÊDA ; CỦA THIÊN CHÚA, TRẢ VỀ THIÊN CHÚA”

 

Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật 29 Thường Niên, Năm A



Căng thẳng giữa Đức Giêsu và những người thuộc nhóm Pharisêu ngày càng trầm trọng và hầu như hết thuốc chữa. Nhóm này thường xuyên cùng giáo quyền Do Thái tấn công Đức Giêsu. Nhưng hôm nay, những người Pharisêu giả hình và độc ác ấy quyết định “tìm cách làm cho Đức Giêsu phải lỡ lời mà mắc bẫy” (Mt 22,15), khi họ “cùng đi với những người phe Hêrôđê” là vua Do Thái đang trị vì, để cùng với người của Nhà Nước, dựa vào thế lực của chính quyền quyết tâm gài cho bằng được Đức Giêsu sập bẫy chính trị, hầu có cớ cáo gian, truy tố, lên án, triệt hạ Ngài như tội phạm chính trị : xúi dân nổi loạn, làm mất trật tự chung.

Ý đồ gài Đức Giêsu vào tội chính trị : kêu gọi dân chống chính quyền bảo hộ Rôma thật qúa rõ. Cũng như bao nhiêu vụ việc lừa đối phương vào vòng lao lý trong trò chơi tranh giành quyền lực, ảnh hưởng chính trị, các người Pharisêu đã xử dùng cùng một thủ đọan “xông hương, bốc thơm đối thủ” để đưa Đức Giêsu vào chỗ chết khi nói với Ngài : “Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật và cứ sự thật mà dậy đường lối của Thuên Chúa. Thầy cũng chẳng vị nể ai, vì Thầy không cứ bề ngoài mà đánh giá người ta” (Mt 22,16).

Có lẽ không lời nào ngọt ngào, hợp lý, xứng đáng hơn cho vị đại Ngôn Sứ là Đức Giêsu ; không ngôn từ nào trân trọng, cung kính hơn trước “Người được Thiên Chúa sai đến” ; không hái độ nào khiêm hạ, vâng phục, ngoan ngùy hơn đối với “Đấng giảng dậy có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư của họ” (Mt 7,29) mà nhóm Pharisêu và những người đi theo họ dành cho Đức Giêsu. Nhưng mưu hèn, kế bẩn của họ đã bị Đức Giêsu lật tẩy bẽ bàng : “Tại sao các người lại thử tôi, hỡi những kẻ giả hình!” (Mt 22,18).  

Họ thử Đức Giêsu để có bằng chứng tố cáo Ngài với chính quyền đế quốc Rôma đang cai trị họ, vì họ biết Ngài khó thoát khỏi cạm bẫy cực kỳ tinh vi họ sắp giăng ra. Tuy cung giọng đầy khiêm tốn của môn đệ đến thỉnh ý Thầy, nhưng thực ra họ đã nắm chắc phần thắng, vì nghĩ rằng Đức Giêsu sẽ  rơi vào một trong  hai câu trả lời đều nguy hiểm trước câu hỏi “bẫy” của họ : “Xin Thầy cho biết ý kiến : có được phép nộp thuế cho Xêda hay không?” (Mt 22,17).

Là con dân một đất nước bị ngoại bang thống trị, người Do Thái phải nộp thuế cho đế quốc Rôma mà Xêda là đại đế, nên nếu trả lời “phải nộp thuế cho Xêda”, Đức Giêsu sẽ bị chụp mũ là tay sai đế quốc, phản nước hại dân, bưng bô cho ngoại bang, và tất nhiên Ngài sẽ bị dân chúng kịch liệt khinh bỉ, lên án, tẩy chay, trong khi Ngài xưng mình là “Đấng Thiên Chúa sai đến cho nhà Ítraen” (x. Mt 15,24). Nhưng nếu trả lời “không nộp thuế cho Xêda”, Đức Giêsu sẽ bị  ghép tội xúi dân chống lại nghiã vụ nộp thuế cho chính quyền đế quốc đang thống trị, và với tội danh này, chắc chắn Ngài sẽ bị truy tố và lãnh án nặng nề từ phiá chính quyền  Rôma.

Ngày nay trong xã hội chúng ta đang sống cũng có rất nhiều người lợi dụng hoàn cảnh chính trị phức tạp, tế nhị như tiền đề cho những mưu hèn kế bẩn để hại người, chẳng khác gì đám Pharisêu đã gài Đức Giêsu vào một thế cờ khó gỡ, một cạm bẫy khó thoát thân năm xưa.

Thực vậy, khi trả lời “Của Xêda, trả về Xêda ; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa”, Đức Giêsu không chỉ làm ngỡ ngàng đám Pharisêu và những người đi theo họ với âm mưu hãm hại Ngài, khi “vô hiệu hoá đòn phép nham hiểm, ác độc » của họ, mà còn nhắc họ  nhớ đến một nghiã vụ thiêng liêng rất quan trọng, đó là trung thành với một Thiên Chúa duy nhất theo Giao Ước của Thiên Chúa với các tổ phụ của họ, mà ngôn sứ Isaia không ngừng kêu gọi, cảnh báo : “Ta là Đức Chúa, không con chúa nào khác ; chẳng có ai là Thiên Chúa, ngoại trừ Ta” (Is 45,5).

Sở dĩ Đức Giêsu nhấn mạnh : “Của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa”, vì lúc bấy giờ, các đại đế của đế quốc Rôma bắt đầu coi mình là thần thánh, và bắt buộc dân chúng thực hành các nghi thức thờ lậy đại đế như một thiên chúa. Đó là lý do những Kitô hữu ở thế kỷ thứ nhất đã bị bắt bớ, hành hình vì từ chối thực hành nghi thức tế tự các đại đế, do trung thành với niềm tin vào Thiên Chúa duy nhất. Đây cũng là một vấn đề khá phức tạp trong các cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên, khi các tín hữu bị giằng co giữa đòi hỏi phải tôn trọng quyền bính chính trị và bổn phận tôn thờ một Thiên Chúa duy nhất. Tuy thế, trong thư thứ nhất gửi giáo đoàn Thêxalônica được coi là tài liệu Kitô giáo cổ xưa nhất, thánh Phaolô đã chỉ nói  đến đức tin, đức ái, đức trông cậy của các tín hữu, mà không đề cập đến áp lực căng thẳng giữa chính trị và đức tin, khi ngài viết : “Chúng tôi không ngừng nhớ đến những việc anh em làm vì lòng tin, những nỗi khó nhọc anh em gánh vác vì lòng mến, và những gì anh em kiên nhẫn chịu đựng vì trông đợi Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô” (1 Tx 1,3).    

Xin Chúa cho chúng ta ơn khôn ngoan trong mọi thời thế, hoàn cảnh, ở đó các thế lực chính trị thường tạo nên những căng thẳng làm chúng ta mất đi niềm xác tín : hạnh phúc đích thực là được tôn thờ một Thiên Chúa duy nhất, Đấng mà các dân nước phải bái thờ, run sợ, bởi “Chúa thiết lập địa cầu... Người xét xử muôn nước theo đường ngay thẳng…, xét xử muôn dân theo chân lý của Người” (Tv 95,10.13).

Jorathe Nắng Tím