Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 29 tháng 9, 2018

Cãi Lộn

Có lần người viết đã chia sẻ với bạn : một gia đình mà tất cả các thành viên đều nhận mình sai là một gia đình bình an, hạnh phúc ; trái lại, một gia đình mà các thành viên đều cho mình đúng chắc chắn là một gia đình bất an, bất ổn vì thường xuyên cãi lộn.

Có bạn không đồng ý với nghịch lý này và đặt vấn đề : tại sao cả nhà ai cũng đúng mà hậu qủa lại là cãi lộn, trong khi nhà khác, chẳng ai nhận mình đúng, chỉ nhận mình sai, mà lại ấm êm, không ai tranh cãi, mắng mỏ ai ?

Dễ hiểu thôi bạn ạ, vì ai cũng đúng, nên không ai chịu nhận mình sai, trong khi hiện trường chứng mình có điểm sai, nên phải có một hoặc nhiều người không đúng. Cũng vì cố chấp cho mình đúng, người khác sai, mà người đúng cố cãi cho “ra lẽ” cái đúng của mình, và người sai cũng cố tranh giành cho bằng được cái đúng mình không có. Thế là cãi lộn tưng bừng, khí thế ! Và đúng là cãi lộn, khi lộn xộn đúng sai, khi lẫn lộn sai đúng trong lời qua tiếng lại, và vì không ai chịu nhận mình không đúng, nên cãi lộn khó dừng, không thể ngưng cho đến khi tất cả bị xáo trộn, lộn nhào : xáo trộn bình an, lộn nhào thứ vị, khi giận dữ đến hồi cao trào sẽ chẳng ngại gọi nhau bằng mày tao, và nóng nẩy không còn được kiểm soát sẽ mù quáng xử nhau bằng bạo lực.

Sở dĩ tình trạng xấu ấy sẽ dẫn đến rất xấu, vì không có người nhận mình sai để  khiêm tốn nhận lỗi, xin lỗi, hầu mở ra con đường cần thiết cứu nguy tình thế bất ổn, bất hoà của gia đình, như “con đường máu” luôn là con đường phải có trong chiến trận, khi tất cả đã bế tắc, và không còn hy vọng chống trả, chiến đấu. Trong thực tế, nguyên nhân thứ nhất gây ra cảnh đổ vỡ của các gia đình, chính là bình an bị bế tắc, hạnh phúc không có đường ra, khi các thành viên của gia đình đều quyết tử cố thủ đến cùng “cái đúng” của mình, mà không nhân nhượng, nhịn nhường bằng khiêm tốn nhận mình có thể đã sai. 
   
 Ngược lại là sinh hoạt của một gia đình, mà ở đó ai cũng sẵn sàng và vui vẻ nhận mình không đúng, hoặc không hoàn toàn đúng, để giữ hoà khí và bình an của cả nhà. Gia đình này trước bất cứ sự kiện, biến cố hay hoàn cảnh nào đều chỉ tập trung vào một mục tiêu chung là bình an hạnh phúc của nhau. Vì thế, sẽ không có ai “đằng đằng sát khí” hay “sừng cồ” cho mình đúng, trái lại, tất cả đều chia sẻ trách nhiệm chung, chia sẻ hậu qủa chung, chia sẻ gánh nặng chung, chia sẻ thất bại chung bằng nhận mình có sai ít nhiều, sai phần nọ phần kia, sai chỗ này chỗ khác. Nhờ thế bình an không bị ngộp thở, tình yêu, và lòng tương kính không bị bức tử, bởi có nhiều lối ra để không bế tắc, nhờ nhiều người nhận mình không đúng : nhiều cửa vào để đón nắng ấm, khí lành nhờ ai cũng biết nhận lỗi, xin lỗi nhau, như lời tỏ tình có sức giải toả mọi khó khăn, hàn gắn mọi rạn nứt, xây dựng hạnh phúc, bình an.

 Xóm làng Việt Nam, tuy có gần gũi, tương trợ, nhưng cãi lộn trong nhà, ngoài xóm vẫn còn nhiều và được coi là chuyện bình thường, chuyện “nhỏ như con thỏ”. Chính vì coi cãi lộn là chuyện  bình thường và nhỏ, mà hầu như không ai quan tâm đến việc xây dựng một xã hội bình an trong nhà, ngoài ngõ, không còn cảnh chửi bới thô tục, thậm chí lột quần cởi áo, vỗ chỗ này, khoe chỗ nọ trên thân thể mình, như minh họa cho chính xác và thấm thía những lời chửi rủa rất hạ đẳng, thiếu văn hoá đang xối xả tuôn trào. Cũng vì xem chuyện cãi lộn như chuyện bình thường để giải quyết những lấn cấn, bất đồng, mâu thuẫn thường ngày giữa người này người nọ, nhà này nhà kia, mà vô tình xã hội đã dung dưỡng một cách tích cực bạo lực, bởi không chỉ súng đạn, dao búa mới là bạo lực, nhưng chính ngôn từ là bạo lực nguy hiểm nhất, bởi hầu như tất cả các bạo lực khác đều bị kích động, châm ngòi bởi bạo lực ngôn từ. Kinh nghiệm cho thấy, hai con gà đá nhau tới chết cũng chỉ vì tiếng gáy, và người ta hăng máu chém nhau đứt đầu, mất tay cũng chỉ vì “lời qua tiếng lại”, khích bác, thách thức, nhục mạ nhau. Người viết đã vô phúc chứng kiến cảnh hai thanh niên dùng vỏ bia đâm nát mặt nhau trong một quán ăn ở Sàigòn, sau mấy phút cãi lộn, vì một lý do “lãng xẹc, chẳng đâu vào đâu”.

Thượng Toạ Pháp Hoà khi được hỏi : “Thưa Thầy, con có được phép cãi lộn không?” Thượng Tọa dí dỏm trả lời : “Đã biết” lộn “rồi sao còn cãi ?”

Thánh Phaolô thì khuyên tín hữu Corintô “thà chịu bất công, thà chịu thiệt thòi” còn hơn cãi lộn, kiện cáo nhau, bởi “nguyên việc cãi cọ, kiện cáo nhau đã là một thất bại rồi” (1 Cr 6,7). 

   Ở đây, chúng ta cùng tìm xem đâu là nguyên nhân chính đưa đến cãi lộn :

1. Ghen tương và tranh chấp hơn thua :
Thánh Giacôbê đã khẳng định : “Ở đâu có ghen tương và tranh chấp, ở đấy có xáo trộn và đủ mọi thứ xấu xa” (Gb 3,16).

2. Chiều theo tính xác thịt :
 Nghiã là hành xử theo tính khí tự nhiên, mà không để tinh thần siêu nhiên điều khiển, như tức ai là “phang” họ ngay, ghét ai là chửi bới, dập vùi họ liền mà không để tinh thần bao dung, yêu thương của Chúa soi dẫn, như Thánh Phaolô đã viết cho các tín hữu Côrintô : “Bao lâu giữa anh em có sự ghen tương và cãi cọ, thi anh em chẳng phải là những con người sống theo tính xác thịt và theo thói người phàm sao ?” (1Cr 3,3).

3. Kiêu căng, tự mãn :
Đây là nguyên nhân chính gây ra cãi lộn, mà sách Châm Ngôn đã khuyến cáo : “Tự mãn, kiêu căng chỉ gây ra cãi cọ ; nghe lời khuyên nhủ thì sẽ được khôn ngoan” (Cn 13,10). Người hay cãi lộn là người tự phụ cho mình đúng, tự mãn cho mình hoàn hảo, tự kiêu coi mình biết hết mọi sự và làm đúng mọi việc. Khác với người khiêm nhường, họ luôn tìm khôn ngoan trong ý thức mình có giới hạn, nhiều khiếm khuyết, cần được chỉ dẫn, trau dồi, học hỏi.
 
Tưởng cũng nên sắm sẵn mấy chià khóa giúp chúng ta dằn cơn giận để không rơi vào tình trạng cãi lộn, khi lớn tiếng vạch tội và công khai chửi rủa, lên án anh em mình :

3.1 Tập biết thông cảm bằng đặt mình vào hoàn cảnh của người khác.
Với thời gian tìm đặt mình vào hoàn cảnh của người mà ta đang muốn cãi lộn, ta sẽ tự hạ nhiệt phẫn nộ và nhớ lại Lời Kinh Thánh : “Đừng bao giờ chua cay gắt gỏng, nóng nẩy giận hờn, hay la lối thoá mạ, và hãy loại trừ mọi hành vi gian ác. Trái lại hãy đối xử tốt với nhau...” (Ep 4,31-32).

3.2  Làm chứng lòng thương xót :
Cao điểm của lòng thương xót là tha thứ cho người có lỗi với mình và không trừng phạt họ như họ đáng bị trừng phạt, nhưng học với Thiên Chúa là “Đấng nhân hậu từ bi, chậm giận, lại giầu tình thương và lòng thành tín” (Tv 86,15).

3.3 Tha thứ và quên đi :
Chúng ta có thể tha thứ, nhưng khó có thể quên lỗi lầm của người được tha thứ. Sự phân biệt rành rẽ giữa tha thứ và quên đi này đã đánh lừa chúng ta và cho chúng ta cảm tưởng đã cao thượng tha thứ, để che dấu một tình trạng rất tồi tệ mới là tiếp tục nuôi hận thù, căm phẫn một cách kín đáo, vì không muốn quên. Bởi thế, không thể thứ tha mà không quên đi, bởi khi còn cố giữ trong tim, ghim trong đầu lỗi lầm của ai đó, thì hành vi tha thứ không thể thực hiện, vì Thiên Chúa muốn chúng ta không chỉ tha thứ cho anh em, mà còn phải nài xin Ngài tẩy rửa trái tim chúng ta, để không một hận thù, hờn oán nào, dù nhỏ đến đâu có thể tồn tại. Thánh Phaolô nhắc nhớ các tín hữu Do Thái : “Đừng để rễ đắng nẩy mầm trong tâm hồn, vì sẽ sinh xáo trộn, bất an”, nhưng hãy bứng hết rễ tỵ hiềm, bất hoà để được hưởng lời chúc phúc. (Dt 12,15).

3.4 Tương đối hoá và không trầm trọng vấn đề :
Hầu hết những cuộc cãi lộn đều do những chuyện rất nhỏ và vô căn cứ như : “Tôi  nghe người ta bảo : bà nói tôi thế này thế nọ ; có phải ông mới nói xấu tôi với ông X, bà Y không ? Sao cô nói sau lưng tôi ?”. Do đó, không nên tuyệt đối hóa và trầm trọng hoá bất cứ một vấn đề nào nếu mới chỉ nghe người ta nói, nghe người ta đồn, nghe người ta nói lại, mà chưa gặp gỡ, trao đổi, giải trình với đối tượng, một cách bình tĩnh và với tinh thần tôn trọng nhau và tôn trọng chân lý.
 
3.5 Không phải chỉ có điều xấu :
Tuy vô ơn hầu như thuộc bản tính của con người, nhưng không nên vì một lần quên ơn, mà cắt đứt tình nghiã đã nhiều năm được nuôi lớn. Cũng vậy, một lầm lỗi nhất thời của một người không thể quyết định toàn thể nhân cách và cuộc đời của người ấy. Ở mỗi nguời, ngay cả người bị xã hội liệt vào thành phần bất hảo cũng có những điểm tốt có thể không lộ ra, hoặc còn tiềm tàng ẩn dấu, nên thái độ quyết đoán qúa cứng rắn và vội vã là điều chúng ta cần tránh để không rơi vào bất hoà, cãi cọ vô ích.

3.6 Có đáng phải cãi lộn không ?
Chìa khoá sau cùng là tự hỏi: “Có đáng phải cãi lộn mới giải quyết được mâu thuẫn này không ? Có đáng phải xỉa xói, mạ lỵ, vì chuyện nhỏ không đáng đó không ?”

 Câu hỏi tuy ngắn, nhưng có khả năng ngăn được chuỗi dài hậu qủa không bao giờ tốt đẹp của cãi lộn.

Ước mơ của tôi cũng như của bạn là không còn phải thấy những cảnh cãi lộn nghe mà rùng mình, xem mà sợ hãi, nhan nhản xẩy ra đó đây. Đất nước chúng ta ở vùng nhiệt đới, nóng quanh năm, nên dân ta cũng dễ nóng nẩy, nổi sùng, sinh sự : chỉ hơi một chút là cãi nhau, sơ xẩy một tí là cãi lộn ; có khi chỉ vô ý nhìn thôi cũng đã đủ gây ra đấu khẩu, xô xát ngay ngã tư, đèn xanh đèn đỏ.

 Là người Kitô hữu, người của bình an, chúng ta không được cãi lộn, vì không chỉ “đã biết lộn rồi sao còn cãi” như câu trả lời khôi hài nhưng đầy ý nghiã của Thượng Tọa Pháp Hoà, mà hơn thế nữa, bất cứ cuộc cãi lộn lớn nhỏ nào cũng gây lộn xộn trong tâm hồn, lộn xộn cho gia đình, lộn xộn ngoài xã hội, bởi bản chất của cãi lộn là tội lỗi, như thánh tông đồ dân ngoại đã qủa quyết : “Anh em nổi nóng ? Chớ phạm tội: chớ để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn” (Ep 4,26). Chúa Giêsu cũng khuyến cáo những ai muốn theo Ngài : “Nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình”. (Mt 5,23-24).

Chúng ta cầu nguyện cho nhau đừng bao giờ cãi lộn, nhưng được trở thành khí cụ và người gieo Bình An, với lời Kinh Hoà Bình của thánh Phanxicô Assisi mà Giáo Hội sắp mừng kính:


“Lậy Chúa từ nhân, xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người. Lậy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ Bình An của Chúa, để con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hoà vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm ; để con đem tin kính vào nơi nghi an, chiếu trông cậy vào nơi thất vọng ; để con dọi ánh sáng vào nơi tối tăm, đem niềm vui đến chốn u sầu.
 Lậy Chúa, xin hãy dậy con : tìm an ủi người hơn được người ủi an, tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết, tìm yêu mến người hơn người mến yêu. Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh, chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân. Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ, chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời.
Ôi Thần Linh Thánh Ái ! Xin mở rộng lòng con. Xin thương ban xuống những ai lòng đầy thiện chí ơn An Bình”.

Jorathe Nắng Tím



Thứ Năm, 27 tháng 9, 2018

NHÀ ĐẤT


     “Tấc đất, tấc vàng ; người sinh sôi, đất không nở ; muốn giầu nhanh thì kinh doanh nhà đất”. Đó là những câu nói quen thuộc ở Việt Nam, không chỉ trong cơn sốt nhà đất, mà hầu như ngày nào cũng được nghe. Nghe riết rồi qúy đất, thèm nhà ; nghe hoài rồi nghiền nhà, “ngáo” đất lúc nào không hay. Nghiền đến độ bất chấp đạo đức, danh dự, miễn sao có đất. “Ngáo đất” như  “ngáo đá” đến mức không còn biết ân sâu nghiã nặng, tình ruột rà mẹ cha, anh em, miễn sao có thêm được tấc nhà.
    Người ta cần đất để sống. Đất là điều kiện quan trọng, không thể thiếu để  khai sinh một quốc gia. Vợ chồng mới cưới cũng phải nghĩ đến đất để xây dựng tổ ấm, sinh sống, tồn tại. Có đất mới có nhà, vì đất cưu mang nhà, nên đất với nhà như thuyền với nước. Nước lên thì thuyền lên : nhà lên giá thì đất được mùa ; đất sôi giá, thì nhà theo đất xả ga.        
    Cuộc đời mỗi người thường bắt đầu từ nhà bảo sanh, rồi nhà cha mẹ, nhà trường, nhà thờ, nhà vợ, nhà chồng, nhà thương, nhà dưỡng lão. Ai đi tu thì có nhà dòng, nhà chùa thay nhà chồng, nhà vợ, nhưng ít ai thoát  khỏi nhà quàn, nhà xác, nhà tang lễ, ở cuối đường đời, trừ những người chết tan xác vì tai nạn máy bay, hoặc mất xác vì chiến tranh, bom đạn.
    Dù biết rõ cuối đường đời, giầu nghèo, sang hèn, ai cũng chỉ còn lại một chút đất để chôn, để gửi gắm tấm thân chờ phân hủy thành đất, nhưng không mấy người đứng vững trước cám dỗ của nhà đất. Xã hội Việt Nam hôm nay, dù có che đậy, giấu diếm thế nào đi nữa, cũng không thể chối cãi một hiện trạng đáng buồn trong chuyện nhà đất. Buồn vì nhiều người bị chiếm đất, chiếm nhà, nên không nhà ở, không đất sống. Buồn vì nhiều gia đình tan nát, do những tấc đất phân chia không đều. Buồn vì huynh đệ tương tàn do tranh giành từng ô vuông đất, từng phân ly nền nhà có khi chỉ lớn bằng bàn tay. Buồn vì láng giềng tuyệt giao, bạn bè xa nhau biền biệt chỉ vì tham mà thất tín, thất trung, lừa đảo, tiếm đoạt nhà đất của nhau. Và buồn nhất là không ai còn dám tin ai trong chuyện nhà đất, bởi nhờ đứng tên là mất luôn tên đất, tên nhà ; nhờ trông đất, giữ nhà là mất ngay quyền trở lại trong nhà, trên đất. Một xã hội say đất, say nhà đã biến con người của xã hội ấy thành những kẻ không còn nhận ra một giá trị nào cao hơn, đáng giá hơn nhà đất. Nhà đất trở thành ước mơ, hoài bão, lý tưởng, nên chẳng lạ gì, xã hội chúng ta sống hôm nay không còn tìm được nhiều tâm hồn cao thuợng, vì một số không nhỏ chỉ còn biết vô cảm cúi gằm mặt tìm đất.
    Sáng nay đi đám tang, tôi chợt miên man nghĩ ngày mình chết và không biết ngày ấy, ai sẽ tổ chức tang lễ cho mình, người sống sẽ chôn mình dưới đất hay sẽ thiêu trong lò? Miên man thế thôi, chứ thực ra, tôi không quan tâm gì đến hậu sự của mình, vì chết rồi, ai muốn làm gì thì làm, ngay cả những người thân quen, nếu không ai chịu gánh vác chuyện chôn cất, thì cũng sẽ có người không thân quen làm phúc đem chôn, chỉ vì để lâu thối rữa, sẽ mất vệ sinh chung. Nhưng điều tôi suy nghĩ nhiều hơn cả, chính là thái độ của tôi hôm nay đối với nhà đất. Nếu đất sẽ là thân xác tôi sau khi đã phân hủy ; và chỉ cần một ô nhỏ hình chữ nhật làm nhà đặt quan tài, thì việc gì bây giờ tôi phải háo đất, ngáo nhà, nghiền nhà đất, đói khát nhà đất đến độ điên cuồng sát phạt người khác, hoặc “lao tâm lao lực” tranh giành, đấu đá vì vài gang đất, vì vài phân nền nhà. Tôi cũng nghĩ, nếu ngày mai khi già nua, đau yếu, thì dù đất có lớn, nhà có to bao nhiêu, tôi cũng nằm yên một chỗ, và chỗ ấy sẽ rất nhỏ, bởi đất càng to tôi càng tủi, bởi không lết đi được xa ; nhà càng lớn tôi càng buồn, vì không còn sức vẫy vùng, lên xuống.
    Cũng sáng nay, khi ném nắm đất xuống mộ phần, tôi chợt nhớ mấy câu thơ của nhà thơ Như Nhiên :
                        “Đại gia bất động sản,
                         Chết nằm dưới cỏ xanh,
                         Mới biết mình của Đất,
                         Đất không phải của mình”         
    Rồi bùi ngùi nhớ anh, người bạn có tâm hồn đơn sơ, hiền lành, và nếp sống giản dị, nghèo khó. Bỗng lòng tôi rộn ràng niềm an ủi, khi nhớ Lời Đức Giêsu trong Bài Giảng Trên Núi : “Phúc cho ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ. Phúc cho ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất hứa là phần gia nghiệp” (Mt 5,3-4).
Vâng, như người bạn qúa cố, tôi và bạn, chúng ta sẽ được Nuớc Trời làm Nhà, và Đất Hứa làm gia nghiệp, nếu chúng ta không bị điên vì say mê nhà đất, điên vì “nghiền, ngáo” nhà đất đến nỗi quên cả đức Công Bình phải giữ và đức Yêu Thương phải thực hiện.
    Jorathe Nắng Tím 
    
    

Thứ Ba, 25 tháng 9, 2018

CẢ NHÀ CÓ LỖI


Đang trò chuyện ở nhà một người bạn, tôi nghe tiếng ly chén đổ bể rất lớn trong bếp. Chưa kịp hoàn hồn thì cùng một lúc cả nhà đồng khởi, nổi lên cao trào đấu tố dữ dội. Chị vợ trong phòng ngủ thét thanh đổ tội cho anh chồng đang ngồi trong phòng khách : "Bể cái gì rồi hả? Lại anh thôi, làm cái gì cũng hậu đậu, đụng đâu hỏng đó!". Phụ họa cho âm thanh rách màng nhĩ, cô con gái lớn the thé từ phòng tắm : "Chết rồi, ai làm đổ ly nước gừng của con. Bực qúa, để đâu cũng không yên. Mới nấu chưa kịp uống!". Cậu lớn trong bếp thì gầm gừ nạt nộ : "Tại mày đó!", cậu út khó chịu phản pháo : "Tại anh để chênh vênh, sát mép bàn, không đổ mới lạ!". Tại mày tại tao, tại anh, tại em một hồi thì gầm gữ tăng tốc biến thành hùng hổ, hung dữ và âm lượng từ các phía cứ theo nhau tăng nhanh tạo nên một cuộc đấu khẩu ồn ào, điên cuồng, gay gắt với đủ ngôn từ chua chát, cay nghiệt đến thô tục, khó nghe. Căn nhà bỗng trở nên huyên náo, rối bời như  cuộc đánh ghen kinh hoàng thường thấy trên mạng. Bầu khí căng thẳng tưởng như sắp vỡ tung, khi ai cũng gân cổ cho mình có lý và kịch liệt lên án, định đoạt hình phạt cho người khác. Gia đình thực sự rơi vào cảnh binh biến, chiến tranh, khi mặt ai cũng đỏ bừng giận dữ, miệng oang oác quát tháo, đe dọa và tay chân múa may ngang dọc.  
 Bất ngờ trở thành người khách bất đắc dĩ, nhân vật gây phiền phức, không nên có mặt, tôi thu mình chết trân như tượng ở đầu ghế sofa, cúi mặt quan sát trận chiến. Gần hai mươi phút tranh giành "có lý" trôi qua mà vẫn chưa ngưng cao trào tố khổ, phân định thắng -thua. Tôi lâm vào tình thế "tiến thoái lưỡng nan", kiếu từ ra về cũng kẹt, mà ở lại cũng không xong, chỉ còn cách giả vờ có điện thoại để chạy ra balcon mong được thở một chút không khí trong lành, bình an.
Hôm ấy tôi ra về với nỗi buồn chiến tranh của cả gia đình người bạn. Không ai đã  chào tiễn tôi, vì cả cha mẹ, con cái đều tất bật lo cãi cọ để giành phần đúng về mình ; cũng không ai nhớ đến sự hiện diện của một người lạ trong nhà, bởi cả nhà đang mải mê đấu đá thắng thua, hơn thiệt, đúng sai, vì một cái ly vỡ.
Buồn với nỗi buồn của gia đình người bạn tự nhiên và vô duyên rơi vào cảnh hỗn loạn, bất hoà, tôi nhận ra một điều rất nhỏ nhưng rất quan trọng để gìn giữ bình an. Đó là biết nhận lỗi.
Giả sử hôm ấy, ai cũng nhận một chút lỗi về mình, thì gia đình bạn tôi chắc sẽ không trở thành một bãi chiến trường không  đến nỗi đẫm máu nhưng đẫm mồ hôi tức tối. Giả  như cậu út đã nhẹ nhàng nhận lỗi  làm bể ly nước gừng của bà chị vì sơ ý, cậu lớn đứng gần đừng lên án, nhưng tế nhị bênh vực em bằng nhận mình đã không đẩy chiếc ly vào giữa bàn, và bà chị trong phòng tắm bớt trầm trọng, ích kỷ một chút, với một lời quảng đại, lạc quan : "Không sao đâu, để chị nấu lại, cũng tại chị không uống luôn cho rồi trước khi đi tắm" thì đổ vỡ có lớn hơn chiếc ly cũng lập tức được hàn gắn. Và giả như chị vợ không the thé hồ đồ chụp mũ, kết tội anh chồng vì thành kiến hay vì mượn cơ hội khẳng định vị thế thượng phong, làm chủ của mình thì chắc chắn sóng gió đã không bất ngờ ập tới, gia đình đã có một buổi chiều bình an và tôi đã không phải lủi thủi, len lén chuồn vội về, không lời từ giã, không xiết tay hẹn gặp lại.
 Qủa thực, bình an sẽ chỉ là bánh vẽ, là hình nhiều mầu trên giấy, và chẳng ăn nhậu gì với đời sống hằng ngày, nếu mỗi người không ý thức bình an là kết qủa của hy sinh nơi chính mình. Vì thiếu chút hy sinh nhận lỗi ở mỗi người, gia đình bạn tôi đã trở thành một buổi đấu tố "long trời lở đất". Chỉ thiếu một chút khiêm tốn nhận lỗi, tổ ấm gia đình bạn tôi đã biến thành hoả ngục, ở đó không ai nghe ai, không ai nhịn nhường ai, không ai chấp nhận ai, nhất là không ai đã dám nhận lỗi, ngay cả không có lỗi để chia sớt lỗi lầm cho người mình thương yêu; trái lại, tất cả đã ăn thua đủ, kèn cựa, sát phạt nhau tới bến chỉ vì muốn giữ cho bằng được giáo điều : Tôi có lý.
 Trong đời thường, người ta ít dám khiêm tốn nhận lỗi, vì nghĩ khiêm tốn là hèn trước người khác, và nhận lỗi là đi sai một nước cờ. Thực ra, khiêm tốn là nét đẹp cao thượng hiếm có, đáng  trân trọng ở một người, bởi khiêm tốn không dễ, không đơn giản, vì đòi một trái tim vị tha, một tâm hồn quảng đại, một cái nhìn xa rộng để có thể cởi mở đón nhận người khác, hy sinh mình cho hạnh phúc của người khác. Nhận lỗi còn khó hơn rất nhiều, khi đa số hiểu nhận lỗi là yếu thế, thua cuộc. Nhưng thực ra : nhận lỗi là hành động đáng khâm phục, vì xuất phát từ lòng can đảm, trung thực, dám nhận mình không đúng, dám chịu trách nhiệm trước mọi người mà không đổ lỗi, vấy tội cho ai. Người nhận lỗi còn đáng kính, đáng mến hơn gấp bội, khi qủa cảm nhận về mình thiếu sót của người khác, sai trái của người chung quanh vì một nhu cầu cấp bách như gỡ cho người khác một bế tắc, cứu người khác ra khỏi "bàn thua trông thấy", hay để tránh cho người khác những đổ vỡ không thể hàn gắn và đem lại bình an cho họ.
Ước mong cả nhà mình mãi luôn bình an, vì ai cũng  khiêm tốn nhanh nhẩu nhận lỗi khi có sự cố ngoài ý muốn, bởi bình an chỉ thực sự có mặt khi trong nhà  không ai  đấu khẩu, đấu đá, tranh giành đúng - sai, có lỗi - vô tội, nhưng cả nhà đều có lỗi, bởi Bình An là hoa trái của tình yêu trách nhiệm, khi trách nhiệm được san sẻ, chia sớt trong chính những khiếm khuyết, bất toàn, sai sót của nhau.
Jorathe Nắng Tím     

Thứ Hai, 24 tháng 9, 2018

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật 26 TNB: Mc 9,38-43.45.47-48


 Tin Mừng hôm nay gồm ba phần tách biệt nhau rất rõ ràng: phần một Đức Giêsu trả lời vấn nạn của ông Gioan khi ông đề cập đến những người lấy danh Đức Giêsu mà trừ qủy, nhưng không thuộc những người đi theo Đức Giêsu; phần hai là phần thưởng được hứa cho những ai đối xử tử tế với các môn đệ Đức Giêsu và phần ba là cách giải quyết dứt khoát khi làm cớ cho người khác và cho mình sa ngã.
Ngoại trừ lời hứa: “Ai cho anh em một chén nước, vì lẽ anh em thuộc về Đấng Kitô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu” (Mc 9,41), Đức Giêsu đã không làm các môn đệ và những người có mặt hôm ấy thỏa mãn với câu trả lời và cách giải quyết đanh thép, sắt máu, nếu không nói là tàn bạo của Ngài:
Trả lời ông Gioan, Đức Giêsu đã làm các môn đệ chưng hửng, khó chịu khi bảo các ông: “Đừng ngăn cản người ta” (Mc 9,39), người ta đây là những người không thuộc phe nhóm của Ngài mà lại lấy danh Ngài trừ qủy; người ta đây là những người không có thẻ đảng Giêsu như Nhóm Mười Hai mà lại lấy danh nghiã Giêsu hành xử nổi đình nổi đám như mô đệ chính danh khi xua đuổi thành công nhiều tà thần, ma qủy.
Qủa thực, các môn đệ Đức Giêsu đến lúc đó vẫn không thể tưởng tượng được Đức Giêsu lại mở toang mọi cánh cửa của phe nhóm, và chấp nhận dễ dàng người khác chưa được mình thâu nạp nhân danh mình làm phép lạ, trừ qủy. Não trạng khép kín, đóng chặt, cục bộ, độc quyền, co cụm nơi các môn đệ bỗng bị Đức Giêsu chặt đứt, bật tung, như hòn đá đóng kín cửa mồ bất ngờ  bị nhấc bổng cho ánh sáng và làn khí sự sống từ bên ngoài ùa vào. Các ông vừa bỡ ngỡ vừa bực doc, vì thái độ cởi mở, và tinh thần phóng khoáng, không loại trừ của Đức Giêsu, khi Ngài quả quyết: “Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta” (Mc 9,40), bởi cứ sự thường và một cách khôn ngoan, người ta không nên mở cửa và phóng khoáng đón nhận dễ dàng người ở ngoài, xa lạ, khi phe nhóm mình chưa thực sự được củng cố, xây dựng vững chắc.
Thật không có vị Thầy nào đã có tâm hồn quảng đại, hào sảng và độ lượng, tín nhiệm người khác như Đức Giêsu; trái ngược với các môn đệ và phần đông người có đạo đã khư khư giữ đạo mà không truyền đạo, kín cổng cao tường để đạo không bị biến thái, mất mầu thay vì mạnh dạn giới thiệu và rộng rãi chuyển tải đạo cho mọi người. Ở đây, chúng ta không thể không nhận mình qúa ích kỷ khi chỉ muốn lên thiên đàng một mình và độc quyền phân phát ơn sủng, trong khi Thiên Chúa cần chứng nhân, ngay cả chứng nhân ấy chưa biết đích xác tên Thiên Chúa, và sống một cách khác, làm chứng một cách khác. Điều quan trọng là họ làm chứng một cách trung thực và đúng đắn bằng thành tâm tìm kiếm chân lý, sự công bình và con đường dẫn đến Nước Thiên Chúa. Về phần chúng ta, những người được coi là môn đệ Đức Giêsu, chúng ta phải chấp nhận bị làm phiền, nhờ thế chúng ta ra kkỏi pháo đài đức tin an toàn của mình, để có một cái nhìn mới cho phép chúng ta nhận ra Thiên Chúa qua muôn ngàn hình thái, cách thức làm chứng về Ngài. Và trên tất cả, ý thức quan trọng nhất vẫn là ý thức về Chúa Thánh Thần, Đấng là sức sống của Giáo Hội, là Đấng hoàn toàn tự do trong công trình sáng tạo và cứu độ nhân loại, tự do như gió muốn thổi đâu tùy ý, chẳng ai biết gió đến từ đâu và chẳng ai biết gió sẽ đi đâu.
Phần ba của Tin Mừng lại càng khó nghe, khó chịu, khi Đức Giêsu với ngôn từ chặt chém, rùng rợn: “Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn. Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một tay mà được vào cõi hằng sống còn hơn là có đủ hai tay mà phải sa hỏa ngục, phải vào lửa không hề tắt. Nếu chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một chân mà được vào cõi sống còn hơn có đủ hai chân mà bị ném vào hoả ngục. Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã, thì móc nó đi; thà chột mắt mà được vào Nước Thiên Chúa còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào hỏa ngục, nơi giòi bọ không hề chết và lửa không hề tắt” (Mc 9,42-48).
Chỉ nghe thôi cũng đủ lạnh người, khiếp sợ: lạnh người vì luật của Đức Giêsu ban bố không khác gì luật Charia của những người Hồi Giáo cực đoan áp dụng hình phạt chặt tay, chặt chân, khoét mắt, ném đá, treo cổ những ai vi phạm; khiếp sợ vì sẽ chẳng còn ai lành lặn thân xác khi lên thiên đàng, bởi trong cuộc sống, mắt ai sẽ không nhìn điều xấu, tay ai sẽ không làm điều chẳng lành, và chân ai sẽ chẳng đến những nơi tội lỗi? Cả một nhân loại tàn phế, đui chột, què cụt, hứa hẹn một thiên đàng toàn các thánh không toàn thây. Nghĩ  mà sợ hãi, kinh hoàng !
Trước hết, chúng ta phải hiểu: Đức Giêsu đã nói bằng ngôn ngữ kinh thánh. Theo ngôn ngữ này, không có từ ngữ chỉ toàn thể thân xác, nhưng người ta chỉ thân thể bằng dùng tên một chi thể tùy theo công việc và hoàn cảnh được đề cập. Thí dụ ngôn sứ Isaia đã không dùng một từ nào đó để chỉ nhà thừa sai trên đường truyền giáo, nhưng dùng từ bước chân: “Đẹp thay trên đồi núi, bước chân người loan báo Tin Mừng, công bố ơn bình an, người loan tin hạnh phúc, công bố ơn cứu độ” (Is 52,7). Cũng thế, để chỉ một hành động, ngôn ngữ kinh thánh dùng: “Hãy làm điều mà tay ngươi nắm bắt được”; để chỉ một chọn lựa: “Hãy làm điều mà mắt ngươi thấy tốt”; để chỉ tâm tình ngợi khen: “Hãy mở lớn miệng lưỡi ngươi”. Trong đọan Tin Mừng này, Đức Giêsu cũng không  ra ngoài quy luật chung của ngôn ngữ  Do Thái, khi dùng tay, chân, mắt để chỉ toàn thể thân xác, nên không thể quy cho Ngài chủ trương tàn phá thân xác, hủy hoại thân thể như hình phạt.
Chân lý quan trọng Đức Giêsu muốn nói ở đây chính là thân xác con người thuộc về Thiên Chúa, bởi thân xác của người nam hay người nữ cũng đều do chính tay Thiên Chúa tạo dựng, chỉ khác người nam từ bụi đất và người nữ từ xương sườn của người nam (St 2, 21-22). Điều này muốn nói lên: Thân xác chỉ là thân xác khi thuộc về Thiên Chúa, bởi được tạo dựng bởi Thiên Chúa, nên thân xác sẽ không có lịch sử, không có tương lai, cũng không là gì hết và chỉ đáng bỏ đi, nếu thân xác không hoạt động nhờ Thiên Chúa, với Thiên Chúa và trong Thiên Chúa. Nói cách khác, thân xác sẽ không mang một giá trị và ý nghiã nào, nếu tự tách ra khỏi Thiên Chúa. Hình ảnh cưa chân, chặt tay, móc mắt là hình ảnh toàn thể thân xác không còn thuộc về Thiên Chúa nữa, và một khi không còn ở trong Thiên Chúa, thân xác sẽ tự hủy diệt và mất sức sống thần linh dẫn đến bất hạnh đời đời. Khi nói đến các chi thể như chân, tay, mắt, Đức Giêsu đã dùng ngôn ngữ kinh thánh để diễn tả chân lý: toàn thể thân xác phải thuộc về Thiên Chúa, và chỉ khi thuộc về Ngài, thân xác mới thực sự sống và hạnh phúc trong sứ mệnh đồng hành với linh hồn.
Đồng hành với linh hồn, tức ở trong Thiên Chúa, thân xác sẽ làm nhiệm vụ chuyển tải sự sống thần linh cho người khác. Với thân xác, linh hồn biểu hiện sự sống siêu nhiên và làm cho sự sống siêu nhiên được sinh động trong thế giới loài người. Để hiểu rõ hơn vai trò chuyển tải sức sống thần linh của thân xác có Thiên Chúa, chúng ta đọc câu chuyện ngôn sứ Êlisa đã truyền sức sống của mình cho đứa trẻ đã chết: Khi ông Êlisa tới nhà thì cậu bé đã chết, nằm trên giường của ông. Ông đi vào chỗ cậu bé, đóng cửa lại, chỉ còn lại hai người ở bên trong, rồi cầu nguyện với Đức Chúa. Ông lên giường nằm lên trên đứa trẻ, kề miệng ông trên miệng nó, đặt bàn tay ông trên bàn tay nó. Ông cứ nằm trên đứa trẻ, và da thịt nó nóng lên. Ông đi đi lại trong nhà, rồi lại lên nằm trên nó; cậu bé hắt hơi đến bảy lần, và mở mắt ra ( 2V 4,32-35). Ngôn sứ Êlia cũng có cùng kinh nghiệm truyền sức sống cho đứa con trai một bà goá được thuật lại trong sách Các Vua quyển 1: “Sau các sự việc đó, đứa con trai của bà ngã bệnh. Bệnh tình trầm trọng đến nỗi nó tắt thở. Bà nói với ông Êlia: “Hỡi người của Thiên Chúa, việc gì đến ông mà ông đến nhà tôi để nhắc lại tội tôi, và làm cho con tôi phải chết?” Ông Êlia trả lời: “Bà đưa cháu cho tôi”. Ông bồng lấy đứa trẻ bà đang ẵm trong tay, đem lên phòng trên chỗ ông ở, và đặt nó nằm trên giường. Rồi ông kêu cầu Đức Chúa rằng: “Lậy Đức Chúa, Thiên Chúa của con. Chúa nỡ hại cả bà goá đã cho con ở nhờ, mà làm cho con bà phải chết sao?” Ba lần ông nằm lên đứa bé, và kêu cầu Đức Chúa rằng: “Lậy Đức Chúa, Thiên Chúa của con, xin cho hồn vía đứa trẻ này trở về với nó!” Đức Chúa nghe tiếng ông kêu cầu, hồn vía đứa trẻ trở về với nó và nó sống. Ông Êlia liền bồng đứa trẻ từ phòng trên xuống nhà dưới, trao cho mẹ nó, và nói: “Bà xem, con bà đang sống đấy!” (1V 17, 17-23).
Tóm lại, Tin Mừng hôm nay nhắc nhớ chúng ta nhiều điều, từ tinh thần cởi mở, đón nhận hoạt động của Chúa Thánh Thần qua thái độ cộng tác với các chứng nhân có thể không thuộc về nhóm mình, không làm chứng, loan báo Tin Mừng theo cách thức của mình, miễn họ thành tâm xây dựng công bình, khát khao chân lý và tìm kiếm con đường gặp gỡ Thiên Chúa, đến ý thức thánh thiêng về thân xác, như sở hữu của Thiên Chúa, Đấng Chủ Tạo. Với ý thức thân xác con người hoạt động nhờ Thiên Chúa, với Thiên Chúa và trong Thiên Chúa để có thể chu toàn sứ mệnh chuyển tải sức sống thần linh cho người khác, người Kitô hữu thâm tín rằng thân xác sẽ mất hết lẽ sống, ý nghiã có mặt và giá trị khi từ chối thuộc về Thiên Chúa và phụng sự Ngài. Trong trường hợp này, không chỉ tay, chân hay mắt là đáng bỏ đi, nhưng cả con người, toàn phần thân thể, toàn thể thân xác sẽ không còn sự sống và tự thối rữa, hủy diệt, bởi Đền Thờ của Thánh Thần là thân xác đã trở nên ô uế, bất xứng, không còn là nơi Thiên Chúa ngự, như thánh tông đồ Phaolô đã viết: “Anh em chẳng biết rằng thân xác anh em là đền thờ của Thánh Thần sao? Mà Thánh Thần đang ngự trong anh em là Thánh Thần chính Thiên Chúa đã ban cho anh em. Như thế anh em đâu còn thuộc về mình nữa, vì Thiên Chúa đã trả giá đắt mà chuộc lấy anh em. Vậy anh em hãy tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác anh em” (1Cr 6,19-20).
Jorathe Nắng Tím


LỜI KẾT (CHA MẸ YÊU THƯƠNG)


    Cha tôi vừa mất chưa đầy trăm ngày. Khi ông cụ còn nằm bệnh, quằn quại đau đớn, chờ chết, tôi đã cầu xin cho cha tôi được sớm ra đi bình an, vì quả thực mỗi lần nhìn cụ yếu nhược chống chọi với con bệnh quái ác, tim tôi se thắt, ruột tôi như muốn đứt ra từng đoạn. Hôm nay thì mồ côi toàn phần, tôi mới thấm thía cái hụt hẫng, chênh vênh, lạc long của đứa con không còn cha mẹ.
    Đã hẳn cha mẹ tôi có nhiều lỗi lầm trong cuộc sống. Nhân vô thập toan la lẽ thường tình và lầm lỗi la dấu ấn của thân phận người có giới hạn. Ngay với các con, cha mẹ tôi cũng có nhiều thiếu sót khi yêu thương không đồng đều và đối xử không đồng đẳng. Có một thời cha mẹ tôi đã chẳng nghe ai, ngoài vợ chồng cô em, dù con cái có gần một tá “đủ cỡ, đủ loại”; đi chơi xa, cũng chẳng nhớ ai, ngoài năm thành viên của gia đình cô; qùa cáp, bánh kẹo cũng chỉ dấm dúi cho mấy đứa cháu ngoại “tuyệt vời”, cô con gái rượu; chưa kể nhiều quyết định tày trời của cha mẹ tôi, vì nghe cô đốc xúi đã làm anh chị em tôi phải xiểng liểng, đứng tim, “đứng hình”. Ở vào tình cảnh này, anh chị em tôi chỉ biết bảo nhau cố nén bức xúc để cha mẹ được trọn niềm vui, dù niềm vui ấy không đáng vui chút nào.
    Câu chuyện của cha mẹ tôi và các con cho tôi nhiều bài học cho đời làm cha mà tôi đang sống. Tôi hiểu rằng: nguy cơ lớn nhất làm hỏng con cái là nuông chiều, không dám nghiêm khắc dạy dỗ chúng. Nhưng tại sao lại nuông chiều và không dám dạy dỗ? Thưa phần lớn là do đã lỡ thần tượng chúng. Thần tượng con cái, cháu chắt là một sai lầm lớn nhất của cha mẹ, ông bà. Tôi còn học thêm bài học thứ hai cũng căn bản không kém, đó là công bằng trong yêu thương đối với con cái, bởi thiếu công bằng thì dù có cố hòa giải, hòa hoãn, hòa hợp, hòa đồng đến đâu cũng không kiến tạo được hòa bình đích thực, và nhất là không bao giờ xây dựng được bầu khí yêu thương, tương kính, tương thân, tương trợ chân thành giữa các thành viên trong gia đình.
    Hôm nay cha mẹ không còn. Nghĩ đến các ngài mà tim tôi quặn thắt. Tôi thương cha mẹ vất vả trăm chiều, ma con cái đáp trả chẳng bao nhiêu. Nhìn lại mới thấy: chẳng đứa nào trong chúng tôi đã không làm buồn lòng cha mẹ cách này cách khác. Hồi tâm mới nhận ra: Cha mẹ yêu thương không đồng đều là do đa số anh chị em tôi đã không hiếu thảo đủ, nên các ngài mới bất đắc dĩ phải bám vào một đứa để tìm an ninh tuổi gia. Hỏi lòng mới rõ: vì đám con đủ cỡ đủ loại chúng tôi từ những năm xa, tháng dài cứ “thản nhiên, thấp thoáng, vừa phải”, như cha mẹ chẳng có vấn đề gì, chẳng có nhu cầu gì, chẳng có tâm sự gì cần được lắng nghe, nên các ngài mới rơi vào thiếu sót yêu thương “thái quá bất cập”.
    Thế mới biết làm cha mẹ không dễ, va lam con cũng rất khó. Người viết mạo muội nghĩ: để làm cha mẹ yêu thương va lam con cái hiếu thảo, người ta phải biết đặt mình làm cha mẹ khi lam con, và đặt mình làm con khi làm cha mẹ. Như thế, cha mẹ mới hiểu được nỗi lòng, hoài bão, khát vọng của con, va con mới cảm thông được thao thức, khắc khoải, khổ đau của cha mẹ.
 Chúng ta không “là” cha mẹ, “là” con cái, bởi “là”, tức đã hoàn thành, hoàn tất, hoàn hảo, hoàn mỹ, nhưng “làm cha mẹ - làm con cái” nói lên cố gắng không ngừng của cả cha mẹ va con cái đang từng bước mỗi ngày thực hiện Thiên Chức làm cha mẹ và Hồng Ân được làm con cái.

Chương XV : SỐNG CHUNG VỚI CON CÁI


    Đời làm cha mẹ cũng như bao nhiêu cuộc đời khác không tránh khỏi những thử thách và sầu buồn : Những thử thách nhiều lúc tưởng không thể vượt qua khi con đau bệnh, khi nhà lâm cảnh túng thiếu, chật vật,  khi hoạn nạn dồn dập, khi thất thế, sa cơ; những cơn sầu  buồn thê lương, có sức mạnh tàn phá tưởng đanh xuôi  tay để bị sóng đời quật ngã, chôn vùi. Bên cạnh những  thử thách và sầu buồn thường được kể tên, còn một thử  thách và sầu buồn khó gọi tên, khó nói, khó xử, đó là thử  thách phải sống chung với con cái, và nỗi buồn tuổi già  khi cuộc sống chung với con cái trở thành địa ngục. 
   Khi được hỏi: “Ông bà sẽ ở chung với con cái khi về  già?” đã có đến 79% ông già bà cả trả lời “không” với  cùng lý do:
1.  Mặc cảm ăn bám, lệ thuộc           
      Thật không gì xót xa hơn khi cha mẹ đến tuổi già  phải ở với con lại mang mặc cảm ăn bám, lệ thuộc. Đó là nỗi đau của thân phận, khi cả đời hiến dâng, hy sinh  vì con, nay đến tưổi già khi thân tàn sức yếu lại sợ phải ở  với con. Không biết còn bao nhiêu đứa con trong xã hội  thực dụng, chạy đua với bạc tiền còn nghi đến nỗi buồn  thầm kín, nỗi lo câm lặng của cha mẹ mình, khi không  còn đủ khả năng tự lo, tự xoay sở? Còn bao nhiêu đứa  con hiểu được mặc cảm đau nhói của cha mẹ, khi bất  đắc di phải nương tựa con, khi đời xế bóng? Còn nhiều  không những đứa con thảo hiếu để cha mẹ không phải  tủi thân khóc thầm vì bị chính con mình xúc phạm, làm  tổn thương?
     Mặc cảm ăn bám, lệ thuộc là mặc cảm ở hầu hết  cha mẹ già, và mặc cảm này làm suy sụp tinh thần, ảnh  hưởng đến sức khỏe của các vị hơn vì thiếu ăn, thiếu ngủ.  Cha mẹ nuôi con cả đời thì con chẳng tính, con nuôi cha  mẹ vài ngày, vài tháng thì con nặng lời tính toán, so đo.  Công ơn trời bể nuôi dưỡng, giáo dục của mẹ cha thì con  ơ hờ, không đếm xỉa, nhưng vài trăm tiền thuốc thì con  suy đi nghi lại, càm ràm, kể lể mãi không thôi. Người ta  bảo phận cha mẹ là dòng nước chảy xuống đời con, chứ  chẳng hòng gì tình con ngược dòng trở lên tìm cha mẹ.
2.  Tâm trạng triền miên hoang mang
      Hoang mang vì nha con không phải nhà mình, đất  con không phải đất mình, đồ đạc của con không phải  đồ đạc riêng mình, nên ngần ngại sử dụng trong mọi  khoảnh khắc, chưa kể nhà con trai cũng là nhà con dâu, nha con gái cũng la nha con rể, nên miên man lo âu,  bàng bạc chán ngán khi phải chia sẻ đời sống chung  từng ngày tưởng ngắn nhưng dài như vô tận.
     Cha mẹ hoang mang vì không biết mình được đặt  ở vị trí nào trong gia đình con cái, được con cái yêu  thương đến mức độ nào, và mình phải làm gì để con  cái vui lòng, không thấy bị thiệt thòi vì phải cáng đáng,  chăm lo. Cha mẹ còn hoang mang vì tương lai già yếu,  bệnh tật, chết chóc của mình hoàn toàn lệ thuộc ở tình  cảm, tình hình kinh tế, tình trạng gia đình của con, nên  hồi hộp, phập phồng, và chỉ an tâm khi con vui vẻ, làm  ăn phát đạt, nhưng lại run sợ khi con cái rơi vào cảnh  xào xáo, “cơm không lành, canh không ngọt”, hoặc thất  bát, xui xẻo. Cuộc sống cha mẹ già vì thế cứ lặng lẽ trầm  buồn giữa gia đình con cái nhiều biến động, đổi thay. 
3.  Mất đời sống tự do
      Sống chung với ai thì tự do cũng bị hạn chế, nhất  là khi cuộc sống chung ấy không mang tính tự nguyện,  và là giải pháp bắt buộc vì không có chọn lựa nào khác.  Hầu hết cha mẹ già đều ao ước được sống ở nhà mình,  bằng tiền bạc của mình, với khả năng tự xoay sở, lo liệu  của mình, mà không cần nhờ đến con cái, hay bất cứ  ai; nhưng lực bất tòng tâm, khi bị đặt trước chọn lựa  duy nhất: ở với con cái. Từ nay, cha mẹ phải từ bỏ tập  quán, ý thích, nếp sống riêng để hội nhập vào sinh hoạt,  theo kịp nhịp sống của gia đình con cái. Một mái nhà với nhiều thế hệ cách xa nhau, nhiều tư duy khác nhau,  nhiều nhận thức khác biệt, nhiều chọn lựa không cùng  tần sóng sẽ không tránh khỏi những hiểu lầm, bức xúc,  những mâu thuẫn to nhỏ, những đối kháng ẩn hiện làm  đời sống nóng lên độ căng thẳng theo thời gian. Trong  bầu khí sẽ có lúc ngột ngạt đó, cha mẹ luôn thấy mình  là người thiệt thòi, bị xử ép, bị bỏ rơi, bị bạc đãi do tâm  lý cho mình hoàn toàn mất tự do. Từ tình cảm và ý nghi  tiêu cực, cha mẹ sẽ có thái độ không đồng thuận, không  đồng tâm, không đồng ý với con lúc đầu chỉ trong một  vài lãnh vực, nhưng dần dà chiếm cứ tất cả sinh hoạt đời  sống. Con cái trong tình trạng này, dù có thiện chí đến  mấy, dù yêu mến cha mẹ bao nhiêu cũng không thể làm  cha mẹ thông cảm và vui sống. 
     Tâm trạng mất tự do còn kinh khủng hơn đối với  những cha mẹ trước đó đã một thời ngang dọc, “tang  bang tế thế”.
    Như thế, dù ở với con cái có hiếu, hay rơi vào hoàn  cảnh “chẳng đặng đừng” phải nương cậy đứa con không  hiếu thảo, cha mẹ già vẫn không tránh khỏi tâm lý phức  tạp và tiêu cực vừa kể. Vấn đề được đặt ra ở đây là thái  độ nào cha mẹ nên có để giảm thiểu những khó khăn,  giảm bớt những căng thẳng để có thể “sống chung hòa  bình” với con cháu trong nhà con cháu ở tuổi không còn  khả năng sống một mình. Những kinh nghiệm của các  bậc trưởng thượng cho phép chúng ta tìm ra thái độ tốt nhất cho hạnh phúc không chỉ của cha mẹ mà còn cho  gia đình con cái có cha mẹ ở cùng: 
a.  Thái độ vượt thoát 
     Ở với con cái, thái độ hay nhất la vượt lên trên những  thị phi, bon chen, tranh giành để không bị dây mình vào  những chuyện của người khác, mà ở vào tuổi già, người  ta không còn bị đòi hỏi phải biết và giải quyết. Thái  độ đứng ngoài lề mọi chuyện tạo cho cha mẹ vị thế an  toàn, được che chở, đồng thời tránh được nhiều phiền  toái, phức tạp dễ xảy ra do vô ý, hiểu lầm. Vượt thoát  còn giúp cha mẹ không bị kéo xuống ngang hàng con  cái, hay những người khác không cùng vị thế, vì những  chuyện linh tinh, vớ vẩn, vô ích. Khi chọn cho mình thái  độ vượt thoát, cha mẹ tự bảo vệ mình, và uy tín, danh dự  của mình không chỉ đối với con cái trong nhà, mà còn  với mọi người.  
     b.  Thái độ không xăm xoi, dòm ngó, can thiệp  quá đáng vào đời sống riêng của con cái và  sinh hoạt riêng của gia đình con cái 
     Vẫn biết tình cha mẹ thương con thì bao la, nhưng  không vì thế mà cha mẹ không cho con tự do bay nhảy  trong trời rộng như chim con rời xa cánh mẹ vào đời với  đôi cánh “tự lực cánh sinh” của mình. Tâm lý bảo bọc  cám dỗ cha mẹ thường xuyên can thiệp, có khi can thiệp  thô bạo vào đời sống riêng của con cái dù chúng đã lớn khôn, có sự nghiệp. Ở chung với gia đình con, mà luôn  miệng gay gắt “ý kiến, ý cò”, hở ra là trách móc, lên lớp  thì bầu khí sống chung không tránh khỏi bị ô nhiễm.  Ở với con cái với não trạng “việc của con là việc của  mình”, và tự cho mình quyền chi phối mọi quyết định  của con là một sai lầm nguy hiểm, bởi sớm hay muộn,  đời sống chung ấy cũng sẽ rạn nứt, đổ vỡ vì mức độ can  thiệp của cha mẹ sẽ làm ngột ngạt, va bức tử đời sống  riêng của con cái. 
     Không can thiệp vào đời sống của gia đình con cái  mà mình ở cùng sẽ tránh cho cha mẹ khổ tâm phải áp  dụng chính sách “phân biệt đối xử” giữa con trai và con  dâu, hay con gái và con rể, vì hệ quả của chính sách can  thiệp vào nội bộ gia đình con cái là tình trạng căng thẳng  do những đụng chạm không thể tránh đối với chàng rể,  nàng dâu. Nhờ thế mà đời sống chung với con cái bớt  mệt mỏi, nhiêu khê. 
c.   Thái độ lạc quan, vui sống 
      Cha mẹ vui vẻ, lạc quan, cởi mở, hiền hòa sẽ đem  lại bầu khí vui tươi, yêu đời, phấn khởi cho gia đình con  cháu. Trái lại, trong nhà có cha mẹ lúc nào cũng than  thân trách phận, hờn xa giận gần, nhăn nhó, sụt sùi sẽ  làm “oải” cả nhà, vì mọi người phải chịu đựng những  mùa thu u ám của thân phụ mẫu thường xuyên bực bội,  khó chịu, thở than đến một lúc sức chịu đựng sẽ “tức nước vỡ bờ ” làm tan tành tương quan yêu thương giữa  ông bà, cha mẹ và con cháu. 
d.  Thái độ “ăn cây nào rào cây ấy” 
     Tất nhiên lòng cha mẹ thì bao la, và chan hòa đến tất  cả các con, nhưng điều đó không thay thế thái độ “ăn cây  nào rào cây ấy” khi cha mẹ ở với một trong số các con.  Đời sống chung, ngay cả trong trường hợp “bất đắc di”  cũng đòi thái độ khôn ngoan này để tránh những rạn nứt  vô duyên giữa cha mẹ và gia đình đứa con đang phụng  dưỡng cha mẹ. Vì thế, cha mẹ già ở nhà con nào thì đừng  quên vun xới cho nhà ấy, đừng ăn cây này, nhưng lại rào  cây ở mãi tận đâu đâu. Làm như thế sẽ chỉ gây ghen tức,  đố ky và chia rẽ giữa các con. Trong đời thường, không  ít cha mẹ đã rơi vào sai lầm này để lãnh những hậu quả  khó lường khi các con trở thành thù nghịch vì cha mẹ  thiếu khôn ngoan, tế nhị. 
     e. Thái độ can đảm nhận diện chỗ đứng mới  của mình ở tuổi già, và tự hạn chế mình  trước những bổn phận không còn buộc phải  chu toàn 
     Đây là điểm rất tế nhị của người già khi về hưu: họ  không muốn tự tháo gỡ mình khỏi những trách nhiệm  mà xã hội đã công khai tháo gỡ cho họ; cũng không dễ  dàng tự thả mình khỏi những đòi hỏi mà mọi người đều  công nhận họ không còn khả năng gánh vác. Nhiều cụ không chịu trao cho đám trẻ trách nhiệm, không nhường  chỗ, bàn giao cho người kế vị, không tạo điều kiện cho  người tiếp nối sự nghiệp, và như thế, các cụ sẽ mãi bị ám  ảnh bởi não trạng và hình ảnh: “Mình là người rất quan  trọng, không thể thay thế” để lúc nào cũng cường điệu,  trầm trọng đến đáng thương, và làm phiền người khác  đến đáng ngại. Có những cha mẹ tuy đã già, đi đứng khó  khăn, nhưng vẫn đòi có mặt trong các dịp giỗ ky, cưới  hỏi của họ hàng, làng xóm xa gần, mà không biết con cái  đã phải vất vả trăm chiều để thỏa mãn đòi hỏi không còn  hợp thời của các cụ. Tự biết mình, và tự hạn chế những  nhu cầu cũng như sinh hoạt của mình sao cho xứng hợp  với tuổi tác, và hoàn cảnh sống mới là điều cha mẹ già  không nên vô tình bỏ quên. 
      Cũng với thái độ trên, cha mẹ sẽ tránh được sai lầm  nghiêm trọng là trở nên gánh nặng kinh tế cho con cái,  khi tiếp tục chi phí tiền bạc cho các liên đới như thời còn  làm ra tiền. Chẳng hạn ở với con, và không còn khả năng  kinh tế, nhưng vẫn tiêu tiền như người làm ra nhiều tiền,  vẫn rộng tay đóng góp cho các tổ chức từ thiện xã hội,  vẫn hào phóng cho tiền người này người nọ, vẫn “vung  tay quá trán”, dù tất cả mọi chi phí đều là tiền của con. 
     Tóm lại, biết mình không còn trăm phần trăm độc  lập, tự lập, và có thể tự quyết như xưa, ở cái thời còn  “cầm cân nẩy mực”, vai rộng gánh vác giang san là thái  độ khôn ngoan của cha mẹ ở tuổi già phải nương cậy  con cái. Thái độ can đảm tự biết mình “không còn như xưa” sẽ giúp cha mẹ sống bình an với con cái trong tuổi  già mà không bận bịu, xót xa vì bất cứ gánh nặng mặc  cảm hay não trạng không còn thức thời nào. Thái độ ấy  cũng góp phần làm nhẹ đời sống chung tự nó đã không  dễ dàng, nhất là cho con cái niềm vui được cha mẹ già  thông cảm, sẻ chia gánh nặng. 
Đời sống chung nào cũng không dễ, bắt đầu từ đời  sống vợ chồng, nên đòi nhiều hy sinh, và hy sinh lớn  nhất là từ bỏ chính mình. Nếu mỗi người không từ bỏ  một chút “cái mình”, quên đi một phần “cái tôi”, xếp  lại một bên một ít quyền riêng thì đời sống chung sẽ  chỉ là hình phạt, trong đó “người khác là địa ngục của  tôi” như triết gia hiện sinh Jean-Paul Sartre đã viết. Khi  bỏ một phần những ý riêng, quyền riêng, cõi riêng, đời  riêng, người ta có một mẫu số “chung” để có thể chung  sống, chung lòng, chung bàn, chung nhà, chung đường, chung vui. 
      Ở chung với con cái, cha mẹ cũng không ra khỏi  nguyên tắc tìm mẫu số “chung” này, bằng tiếp tục quên  mình như đã từng quên vì thương con, tiếp tục hiến mình  như một đời đã hiến thân vì yêu con, tiếp tục hết mình  như thói quen cho hết vì hạnh phúc của con, tiếp tục là  mình như căn tính của đời làm cha mẹ: núi đá chở che, bến bờ an bình, hải đăng soi sáng, bàn tay nâng đỡ, lời  ru an ủi, nụ hôn âu yếm, ánh mắt cảm thông, rạng đông  hy vọng.

Quý độc giả vui lòng đọc Lời Kết : http://tinmungduongpho.blogspot.com/search/label/CMYT-Loi-Ket