Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 15 tháng 2, 2020

TÌNH YÊU TÌM KIẾM


Vào tuổi trăng tròn, khi vừa biết yêu, ta náo nức đi tìm người yêu. Người ấy là ai, gầy béo, cao thấp thế nào? Và ta vẽ ra trong tâm tưởng nhiều người yêu mẫu, nhiều mẫu người yêu. Mẫu người yêu nào cũng đẹp, người yêu mẫu nào cũng toàn mỹ vì tất cả đều là mẫu, những mẫu người lý tưởng do ta vẽ, ta tìm kiếm, đợi chờ.
Có người mẫu rồi, ta cố tìm và mong gặp họ. Rồi tùy đường đời may mắn, tùy số phận đỏ đen, ta sẽ hạnh phúc hay bất hạnh, thành công hay thất bại bên cạnh người ta gặp. Người ấy có thể là người mẫu ta mơ, có thể “xịn” hơn cả mẫu, cũng có thể chẳng “mẫu” chút nào.
Cách chung thì có tìm, có gặp. Nhưng với thời gian, sau những cây số đồng hành, sau những tháng ngày chung sống, cảm xúc của gặp gỡ ban đầu ấy sẽ biến dạng, không còn cái nồng nàn, háo hức buổi đầu mới yêu. Đây chính là khúc quanh quan trọng trong đời sống tình yêu, nhất là đời sống hôn nhân gia đình.
Quả thế, khi mới gặp, ta tưởng đã có hết nhau, nắm bắt trọn vẹn nhau, gắn bó, đan quyện tận cùng và hoàn toàn trong nhau; như thể không còn gì phải tìm kiếm ở nhau nữa. Thực tế và kinh nghiệm cho thấy không phải như vậy. Có khi ăn ở với nhau hằng chục năm, có với nhau năm bảy mặt con mà chẳng biết gì về nhau, chẳng hiểu nhau tí nào, chưa nói đến đồng tâm, đồng chí, đồng cảm.
Lý do thứ nhất là vì ta quá giản lược đời nhau trong một lần gặp gỡ. Một lần gặp gỡ rồi thương nhau lúc mới biết yêu hay ngay cả tình yêu nở muộn khi tuổi đời xế bóng cũng chỉ là những tiếng sét ái tình bắn thẳng vào tim. Sét đánh ngay tim, đạn bắn vào tim làm sao tim không rung động, chảy máu yêu thương? Giản lược tình yêu trong những cú sét ngoạn mục, bất thường này là xem tình yêu quá nhẹ, là nhìn và đánh giá người yêu trong trạng thái tĩnh như một đối vật không có chiều kích siêu hình, mầu nhiệm. Vì con người có cả một lịch sử dài và một tương lai trước mặt. Lịch sử và tương lai ấy không hiện ra trong chớp nhoáng, giữa âm thanh và ánh sáng cực mạnh, thần tốc của những tiếng sét; mà lịch sử và tương lai ấy đòi hỏi một công trình tìm kiếm tận tụy, lâu dài.
Lý do thứ hai là ta chỉ nhìn ta qua đời họ chứ không nhìn họ trong đời ta; ta chỉ tìm ta trong họ chứ họ không có gì nơi ta. Ta tưởng ta yêu họ; nhưng thực sự ta đang yêu ta và chỉ yêu ta. Tính ích kỷ không mấy khi buông tha người ích kỷ. Nó đeo đẳng họ khắp nơi, điều khiển mọi sinh hoạt đời sống. Người ích kỷ thường ích kỷ trong mọi sự, mọi chuyện, với mọi người. Không có người ích kỷ trong vật chất nhưng quảng đại trong tình cảm hoặc ngược lại. Vì chỉ tìm mình, lo cho mình, muốn yêu mình, ta sẽ an vui dừng chân ở những cây số đầu của hành trình yêu thương mà không thao thức tìm kiếm gì nơi đối tượng.
Giản lược người yêu hay ích kỷ chỉ yêu mình, cả hai đều giết chết tình yêu.Tình yêu như một hành trình mà những người trong cuộc phải sánh bước, kề vai. Hành trình ấy rất dài, đường tình ấy có đủ núi đồi, sông biển, thác ghềnh, thung lũng, đồng bằng, sa mạc. Nó băng qua nhiều làng mạc, nhiều thành phố, nó vui vẻ thoăn thoắt tung tăng dưới nắng xuân; nhưng cũng có lúc mỏi mệt dưới nắng hạ, rét mướt dưới tuyết đông. Đời người là đường tình và đường tình dài như đời người. Chính vì dài như đời người nên người tình không thể bị giản lược, tóm tắt, gom lại trong một thời điểm duy nhất, ở một vài cây số ngắn ngủi. Người tình phải được đồng hành với ta trong thao thức kiếm tìm không ngơi nghỉ.
Miệt mài tìm kiếm người mình yêu, trước hết là một hành động yêu thương cao qúy; bởi qua đó ta nhìn nhận người ta yêu là một giá trị. Có qúy mới tìm, có cao mới gắng sức vươn tới. Nhận nhau như một giá trị, ta sẽ không ngừng tìm kiếm nhau, tìm những nét đẹp, những điều hay, những đức tính tốt ở nhau mà nếu không để tâm tìm kiếm ta không thể nhận ra. Rất nhiều người đã không nhận ra những giá trị tuyệt vời ở người mình yêu, người mình chung sống. Họ quên một điều là người họ đang yêu là một vũ trụ bao la, bí ẩn, sâu thẳm và là một tuyệt tác của Thượng Đế. Có những điều hay, những nét cao qúy chỉ tìm được sau nhiều năm chung sống, nhiều tháng ngày làm bạn. Tình yêu thực thường thăng trầm, kín đáo; chính vì thế để khám phá khối tinh ròng của tình yêu đích thực, ta phải khám phá miệt mài với thời gian và tận tụy với thao thức kiếm tìm.
Kiếm tìm giá trị chưa đủ, ta còn phải kiếm tìm cảm thông trước những yếu đuối, lỗi lầm của nhau. Nếu người tình có ánh mắt sáng như sao, có trí khôn sắc xảo như thiên thần; họ cũng có thể mang thân xác nặng nề đến thô kệch, tính lơ đãng đến ngây ngô. Một tâm hồn thanh thản, tôn trọng công bình sẽ chấp nhận không do dự tất cả những tích cực và tiêu cực của người khác. Đây chính là cao độ của tình yêu kiếm tìm, một tình yêu không tránh né sự thực, không lẩn trốn thực tại dù phũ phàng đến dâu vì tin vào giá trị bất khả nhượng của người mình yêu.
Đức Kitô đã có lý khi bỏ 99 con chiên để đi tìm một con chiên lạc (Lc 15,6). Ta có thể trách Ngài liều lĩnh và không biết tính toán hơn thiệt, nhưng lý của Ngài là lý của tình yêu. Tình mục tử ở Ngài không cho Ngài ở lại, nó thôi thúc Ngài lên đường tìm kiếm, nó làm nôn nóng bước chân dong duổi, vội vàng của chủ chăn. Ngài yêu chú chiên lạc cũng như 99 chú chiên ngoan. Tình yêu ấy luôn đầy ắp, trọn vẹn. Phải kiếm tìm vì tình yêu thúc bách, phải lên đường vì khổ đau của chiên con réo gọi thổn thức nghẹn ngào của tấm lòng mục tử. Ngài không thể làm gì khác hơn là lao mình đi tìm, liều mình đi kiếm trong tình yêu và hy vọng được ôm chiên lạc trong long và âu yếm bế trên tay. Cũng chính vì yêu 99 chiên ngoan mà Đức Kitô phải đi tìm chú chiên lạc để đàn chiên được trọn bầy, anh em không mất nhau và nhất là để tỏ cho đàn chiên thấy tình Ngài tuyệt đối, bao la, không đổi dời. Thương chú chiên lạc, Ngài yêu cả bầy 99 con khi cho chúng thấy: nếu chúng đi lạc, Ngài cũng sẽ đon đả, vội vã đi tìm như vậy. Với chọn lựa yêu thương kiếm tìm, Ngài đã nói lên tình Ngài yêu cả đàn chiên, không trừ con chiên nào.
Lý của ta, tuy có vẻ khoa học, thực tế nhưng nặng mùi thương mại, đổi chác. Quả thực, lấy 99 đổi 1 là bài toán cho đáp số kỳ cục; bỏ 99 để lấy 1 là sai lầm lớn của nhà kinh tế, nhất là khi 1 đó lại yếu đuối, ghẻ lở, đói ăn, lầm lỡ. Nhưng luật lệ, lý giải của thương mại, kinh tế không phải là luật lệ và lý giải của trái tim. Quy tắc toán học không là quy tắc của tình yêu. Chỉ tình yêu hiểu tình yêu, chỉ người tình hiểu người tình và chỉ việc làm của tình yêu mới giải thích được yêu thương là gì.
Đức Kitô là Tình Yêu, một tình yêu hớt hải đi tìm: tìm đối tượng ngay cả khi đối tượng bỏ đi, lạc lối, lỡ lầm, tội lụy. Đi tìm vì nhung nhớ trăn trở, đi tìm vì yêu thương rất đỗi, đi tìm vì hy vọng dạt dào. Đức Kitô đã yêu bằng tình của người sống với trái tim rất động. Tình ấy luôn đồng hành, luôn hiện diện và tình ấy rất “người” vì đi tìm tình người trong trái tim người.
Hình ảnh kiếm tìm của Đức Kitô nhắc nhở ta phải lưu tâm đến giá trị cần được tìm kiếm ở nhau. Có những kho tàng cho ta hạnh phúc thật nếu ta chịu khó, nhẫn nại tìm kiếm ở nhau trong yêu thương. Những kho tàng ấy, dù ở dưới dạng nào, luôn được mở chung bằng chìa khóa Yêu Thương, chìa khóa duy nhất cho ta gặp Tuyệt Đối, khám phá kho tàng giá trị của nhau mà không xâm phạm, làm tổn thương nhau.
Cầu xin với Đức Kitô, Đấng là Tình Yêu cho ta can đảm kiếm tìm và nhẫn nại tìm lại nhau trên suốt đường tình và hành trình đời sống.

TÌNH YÊU LÀM ƠN MẮC OÁN


Làm ơn cho người khác là một niềm vui với những người có lòng tốt, có trái tim quảng đại; nhưng lại là một gánh nặng, một mất mát với những người ích kỷ, bon chen, tính toán. Không bàn đến gánh nặng này, ở đây ta chỉ chia sẻ niềm vui của những tâm hồn quảng đại hay làm ơn cho người khác.
Người thích thi ân, giúp đỡ người khác là người có lòng thương người. Có thương người mới mau mắn giúp người, có yêu người mới san sẻ cơm bánh, hy sinh thời gian, sức khỏe cho người. Thiếu tình yêu từ trái tim, bàn tay khó có thể mở ra để ban phát.
Khi làm ơn, giúp đỡ, đương sự ít nghĩ đến đòi ơn; nhưng thi ân như một bổn phận, một niềm vui, một cố gắng phải có của con người dành cho con người. Họ cũng không tính toán, so đo, tìm kiếm gì cho bằng chỉ nghĩ đến ích lợi và hạnh phúc của người mình thi ân. Chính vì thế, chuyện trả ơn là chuyện của người chịu ơn chứ không là đợi chờ, điều kiện, mục đích nơi người thi ân. Người làm ơn cũng chẳng nghĩ gì, chẳng buồn gì khi người chịu ơn quên họ hay chẳng mảy may nhớ đến ơn họ đã làm. Trách móc người vô ơn, chê bai người vong ân thường là của những người ngoài cuộc, nhận xét với con mắt khách quan; còn chính người thi ân thường chẳng biết mô tê và chẳng nhớ đã làm gì cho ai.
Chấp nhận người khác quên ơn mình là giá trị của người thi ơn. Thi ơn lúc đó trở thành một nghĩa cử cao đẹp không gì so sánh được trong sinh hoạt của con người. Nó nói lên sự cao thượng của tâm hồn và nét đẹp tuyệt vời của tình người không biên giới, không đổi chác. Nếu thế giới loài người chỉ có những con tim đóng cửa, chỉ gồm toàn những nhà kinh doanh tình cảm, những lái buôn tình yêu, những đầu nậu ơn nghĩa thì thế giới sẽ không còn tình nhân loại và con người sẽ mất hết đất sống. Sở dĩ thế giới còn đẹp, tình người còn xanh, ơn người còn đỏ thắm, chính là nhờ sự có mặt của những con tim quảng đại, những bàn tay thi ân không mỏi mệt.
Tuy thế, người thi ân đôi lúc cũng có nỗi khổ: làm ơn mắc oán. Đã hẳn làm ơn thì chẳng cần chi đến ơn phải trả; nhưng oái oăm thay, đôi lúc không những ơn không được trả mà ngược lại oán lại theo sau. Người thụ ơn phút chốc có thể oán trách người thi ân và xem ân nhân như thù địch của mình.
Trước khi chia sẻ về một thái độ phải có, ta dừng lại ở đây để phân tích tâm lý của người thụ ơn.
Người thụ ơn, không kể một số ít biết ơn, luôn muốn và tìm mọi cách đền đáp ân sâu nghĩa nặng; còn đa số rơi vào một tình trạng tâm lý rất phức tạp là tạo nên hờn oán để xóa mặc cảm chịu ơn. Tiến trình có thứ tự theo từng giao đoạn.
Giai đoạn thứ nhất là buổi bế tắc, eo hẹp, khó khăn phải cần đến người khác. Vì cần đến người nên chiều người, biết điều với người, dễ thương với người và làm mọi chuyện để được người thương. Được người thương, được người giúp đỡ. Giai đoạn thứ nhất xem như hoàn thành tốt đẹp.
Giai đoạn thứ hai là thời thịnh vượng. Nhờ có sự giúp đỡ của người nên công việc được hạnh thông, suông sẻ. Ỷ thức về khả năng của mình có cơ hội tung hoành.
Giai đoạn thứ ba là giai đoạn quá độ của ý thức “cái tôi toàn năng”. Trong ý thức quá độ và lệch lạc này, người thụ ơn muốn xóa hoàn toàn và tận gốc rễ cái quá khứ “bế tắc, eo hẹp, chịu ơn ” của mình. Họ không thể để sót lại bất cứ dấu vết gì của việc chịu ơn, của thời được giúp đỡ vì nghĩ rằng mình sẽ không thể “trọn vẹn là mình “, sẽ không nói lên cho đời hết khả năng của mình nếu còn một hình ảnh “tháng ngày ơn nghĩa xưa”. Ý tưởng “toàn năng” thống trị trong họ bắt họ phải nghĩ rằng: tôi có thể làm được tất cả, còn chuyện ngày xưa có người giúp đỡ chỉ là chuyện nhỏ; vì quả thực, nếu không có họ, tôi cũng đã giải quyết được vấn đề, có khác là bằng cách khác của riêng tôi. Lý luận ấy nghe rất chỉnh trong vòng vây của mặc cảm tự tôn; luận lý ấy nghe cũng rất thuận trong mục đích làm nổi “cái tôi ”. Để làm nổi “tôi”, tôi phải làm dìm “người”, làm chìm người khác đi, nhất là những người đã tham dự vào đời mình là nguyên tắc không thay đổi của những người “nhận ơn, trả oán” này.
Làm chìm người khác, họ phải nhận chìm mạnh bạo hơn, dữ dội hơn, kinh khủng hơn chính người đã đóng góp công sức và tình yêu làm nên thành công và hạnh phúc đời họ. Bởi còn dính dáng đến ơn nghĩa, qua lại với ân nhân là chưa được thực sự “toàn năng”, chưa đủ tầm vóc “một mình làm nên tất cả”, chưa thoả mãn ngông cuồng “một mình làm nên tất cả”.
Nhiều ca sĩ nổi danh, doanh thương có tiếng hay chính trị gia thời đại cũng thường tránh xa quá khứ tăm tối của đời mình, ngại nhắc đến cha mẹ với xóm làng thanh bạch nghèo nàn thời cơ hàn. Họ chỉ nói đến hiện tại huy hoàng, thành công và tự phụ là do chính mình, tự mình làm nên công danh sự nghiệp. Những nhịp cầu đã tận tụy, âm thầm hy sinh làm cầu đưa họ lên đài vinh quang này đã bị họ cẩn thận đốn chặt, thiêu hủy. Họ tự viết ra một lý lịch mới trong đó họ là đứa bé hạnh phúc nhất đời, tuổi trẻ thành công nhất đời, sự nghiệp vững chắc nhất đời. Chỉ có họ là “nhất”, nhất từ đầu đến cuối, nhất trong mọi phương diện, nhất hơn hết mọi người.
Và chỉ một tham vọng đứng nhất thôi đã đủ thôi thúc họ đập nát những người ơn xưa; vì có mặt những người ơn này, họ khó có thể thay đổi lý lịch, man khai thành quả, vỗ ngực xưng tên mà không bị phát hiện; bởi không ai biết sự thực về đời họ hơn những người đã đóng góp hy sinh, xây dựng đời họ.
Sau cùng, thân phận phải có của những người làm ơn là chịu vùi dập bởi chính những người mình đã giúp đỡ, thi ơn. Bị vùi dập bằng thủ đoạn, có thể là những thủ đoạn thô bỉ nhất, với mục đích là phải xóa sổ, bôi tên. Chính trong cảnh phũ phàng này là lúc người thi ơn nhận về phần mình mọi bẽ bàng, đau đớn. Không đau đớn sao được khi tình yêu vẫn còn đó, trong tim người thi ân. Không bẽ bàng sao được khi người mình trao gửi hy sinh và hy vọng lại đang điên cuồng, cao ngạo tẩy xóa sự có mặt của mình trong đời họ. Và nước mắt nghẹn trong cổ, đắng đót ứ trong tim khi ân sâu nghĩa nặng được đền bằng oán hận ngút ngàn.
Đức Kitô đã sống nỗi khổ này, bởi tình yêu cho đi là thế, bởi qui luật của tình yêu là phải bỏ mình, đánh mất mình trọn vẹn. Trước mặt quan tổng trấn Philatô, người đại diện chính quyền đế quốc Rôma và quần chúng, Đức Kitô đã bị chính những người mà Ngài đã yêu thương, dậy dỗ, chăm sóc chữa lành lên án. Họ gào thét inh ỏi, phẫn nộ: “Đóng đinh nó, đóng đinh Giêsu vào thập giá ” (Lc 23,13-26). Họ chịu ơn Chúa cách này cách khác, họ được Chúa yêu thương, bênh vực; dù gì ân tình vẫn còn đó, có lý do gì mà trở mặt vô ơn trắng trợn đến như vậy khi gào thét yêu cầu đóng đinh người đã thi ơn cho mình vào thập giá. Sự vô ơn của đám đông đã làm Đức Kitô phải rùng mình. Ngài rùng mình vì cái bạc bẽo đáng sợ của lòng người, rùng mình vì sự trở mặt không thể lường trưóc của tình đời. Cái rùng mình, đau đớn, đắng cay của một Thiên Chúa đã nói lên cơn đau cực độ của những trái tim đã theo Ngài thi ân để rồi bị phản bội.
Trước phẫn nộ của dân chúng, Đức Kitô tuy đau khổ nhưng chẳng biện bác, kể lể gì. Công lênh Ngài bao la, tình yêu Ngài tràn đầy; nhưng trước đám đông đang lấy oán trả ơn, Ngài chỉ khóc vì vẫn thiết tha yêu họ.
Ở đây, Đức Kitô dậy ta thêm một nghệ thuật yêu nữa, đó là chấp nhận bị báo oán khi yêu thương, giúp đỡ người khác. Nếu ta sợ thi ân vì sẽ bị vô ơn và trả oán thì ta sẽ không bao giờ làm ơn cho ai và như thế, ta không hơn gì những người khác. Như họ, ta cũng sẽ khép chặt cánh cửa lòng, nắm chặt đôi bàn tay, nhắm nghiền đôi mắt để không thấy yêu thương đâu, không tìm chia sẻ bao giờ và lui về vỏ ốc ích kỷ, cao ngạo, tự mãn. Nếu ta sợ phải khóc vì ơn sẽ được đền bằng oán, ta cũng sẽ rơi vào tình trạng dửng dưng trước mọi nhu cầu của tha nhân và tim ta sẽ héo khô vì thiếu hẳn tình người.
Đức Kitô không muốn ta sợ. Ngài muốn ta thấy hết những chuyện có thể xảy ra khi ta yêu, Ngài muốn ta cứ can đảm yêu và kiên trì theo hành trình bác ái với Ngài. Như Ngài, ta chấp nhận gian khổ, chấp nhận bị vu oan vì yêu thương, bị xỉ nhục vì làm phước cho người khác, chấp nhận bị xóa mờ kể cả xóa hết tên tuổi, danh dự vì tương lai, hạnh phúc của tha nhân. Cùng với Đức Kitô, ta âm thầm khóc khi bị báo oán, hàm oan chỉ vì đã yêu thương. Nước mắt ấy sẽ trở thành máu, máu cứu độ của Đức Kitô, kéo ơn thứ tha cho chính những người ta đã yêu thương, giúp đỡ. Họ không thương ta, đó là chuyện của họ; họ không biết ơn ta, đó cũng là chuyện của họ. Hãy làm mọi việc vì Thiên Chúa vì chính Ngài sẽ “đong lại cho ta rất nhiều, nhiều hơn những đấu ta đã đong cho người khác” (Lc 6,38).
Trong kinh nguyện chiều nay, chúng ta nhớ cầu cho những tâm hồn quảng đại hay thi ân giúp đỡ. Xin cho họ ý thức sự có mặt và đồng hành của Đức Kitô trên mọi tuyến đường bác ái của họ. Cầu cho họ, tôi cũng cầu cho bạn, vì tôi biết tâm hồn bạn cũng quảng đại, đang rộng mở thi ơn.