Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 8 tháng 1, 2021

HẠNH PHÚC VỚI AI ?

Làm người ai cũng mơ ước hạnh phúc, và cuộc đời mỗi người là hành trình đi tìm hạnh phúc, bởi con người được sinh ra để hạnh phúc, mặc dù cuộc đời không luôn đẹp như mơ, và đời người không mấy ai tránh khỏi ba chìm, bảy nổi, chín long đong.

Chính vì không ngừng khao khát hạnh phúc và miệt mài đi tìm hạnh phúc, nên ai cũng cảm nhận thế nào là hạnh phúc, mà không cần định nghiã dài dòng, không cần biện phân rành rọt, cũng chẳng cần chú giải thuyết minh nhiều giờ về hạnh phúc, cũng như bất cứ người nào : trẻ hay già, giầu hay nghèo, bình dân học vụ hay khoa bảng trí thức, da trắng hay da mầu, có đạo hay vô thần…, tất cả đều biết  hạnh phúc là giá trị lớn lao, kho tàng qúy báu, và lý tưởng tuyệt vời của đời làm người.

Tuy tất cả đều cảm nhận, và ý thức về hạnh phúc, nhưng không phải ai cũng tìm kiếm hạnh phúc giống ai, người nào cũng xây dưng hạnh phúc với cùng một cách thức, đi tìm hạnh phúc trên cùng một con đường, bởi có người chọn chuyện ăn uống là hạnh phúc ; có người cho quyền hành, vinh quang, danh vọng là hạnh phúc ; lại có người lấy tiền bạc, của cải là hạnh phúc lớn hơn mọi hạnh phúc khác. Cách chung, người ta ước mơ đối tượng vật chất là hạnh phúc phải đạt, và nghĩ rằng khi đạt được đối tượng vật chất ấy, người ta sẽ không còn thêm được gì vào hạnh phúc vốn đã mơ ước và thường tự mãn cho rằng đích thị đây là hạnh phúc viên mãn, tròn đầy và trường tồn mà bấy lâu đã dầy công, vất vả đi tìm.

Nhưng thực tế cho thấy các đối tượng vật chất khi đạt đuợc đã không luôn là hạnh phúc, vì nhiều người rất giầu nhưng bất hạnh, rất quyền lực nhưng vô phúc, có mọi sự nhưng tuyệt vọng, và bằng chứng là không ít người giầu kếch sù, danh vọng, quyền lực, ảnh hưởng phủ kín cuộc đời, thế mà vẫn chán đời, chán sống, tự đi tìm cái chết để chấm dứt đời làm người được coi như không hạnh phúc.

Sở dĩ có tình trạng bất hạnh dù đạt được đối tượng vật chất đó là vì hạnh phúc  đích thực không hệ tại ở tình trạng sở hữu những đối tượng vật chất, như nhiều người lầm tưởng ; hạnh phúc không nhất thiết được thành hình do nhiều quyền lắm của, hay do thế lực đầy mình, vinh quang tỏa sáng, nhưng hạnh phúc được thai nghén, lớn lên, sinh sôi nẩy nở và tồn tại vĩnh cửu do ý thức và ý muốn chia sẻ hạnh phúc với người chung quanh.

Nói cách khác, hạnh phúc không còn là có gì, chiếm hữu được gì, nhưng là hạnh phúc với ai, hạnh phúc với người nào, như hạnh phúc của một bữa ăn không do thịt ngon, canh ngọt cho bằng ta vui vì được cùng mâm, đồng bàn với người ta thương, thương ta ; hạnh phúc của một chuyến đi chơi xa không do khách sạn sang trọng, phong cảnh hữu tình cho bằng sự có mặt của người đồng hành làm ta vui vẻ, sảng khoái, bình an.

Vì thế, tuy không phủ nhận sự đóng góp của yếu tố vật chất vào hạnh phúc, nhưng điều quan trọng, yếu tố quyết định  để có hạnh phúc tròn đầy và bền lâu chính là người mà ta chia sẻ hạnh phúc với, cũng là người chia sẻ hạnh phúc với ta. Điển hình là khi được ở với người ta muốn chia sẻ niềm vui, sinh hoạt bên người ta muốn đem lại hoan lạc, thì cả ta và người ấy đều chung hưởng niềm hạnh phúc ; hay đi với người ta thương và thương ta, niềm vui sẽ nhân đôi, và hạnh phúc tăng lên gấp bội, vì căn tính của hạnh phúc không là sở hữu thật nhiều, nhưng là chia sẻ thương yêu. Bởi thế, khi yêu thương được chia sẻ, chính là lúc hạnh phúc nẩy mầm, lớn lên.

Qủa thế, tình yêu mới đem lại hạnh phúc thật, vì sống không tình yêu,  sinh hoạt không vì và với những người mình yêu, chúng ta không bao giờ tìm gặp hạnh phúc như lòng mong ước, như khát vọng  nóng bỏng tiềm tàng tận đáy sâu tâm hồn mỗi người.

Nhưng không luôn dễ được ở với người mình yêu và yêu mình, được sinh hoạt bên cạnh người mình hiểu và hiểu mình, được sống với người mình muốn chia sẻ hạnh phúc và họ cũng ước mong chia sẻ hạnh phúc với mình, bởi bất cứ ai cũng bị cản trở bởi hàng rào ích kỷ, chỉ muốn mình hạnh phúc, mà không muốn chia sẻ hạnh phúc với người, chỉ vun vén hạnh phúc cho mình, mà bỏ quên hạnh phúc của người ; mỗi người còn bị bao vây, giam hãm bởi bức tường cái tôi, nên hạnh phúc vẫn mãi là kho tàng qúy giá và hiếm hoi trong cuộc sống ; hạnh phúc vẫn còn là lý tưởng mà từng ngày trong cuộc đời phải cố gắng vượt qua vô số chướng ngại để vươn tới ; là thách đố không bao giờ được tự hào đã đủ, đã đạt đích, bởi hạnh phúc là đường dài của đời người, mà trên đó, từng giây phút bất cứ ai cũng bị đặt trước thử thách rất cam go, và gay cấn, đó là bỏ con người để chọn vật chất, từ chối chia sẻ hạnh phúc với con người, để một mình ích kỷ hưởng thụ, phủ nhận căn tính hạnh phúc là yêu thương, chia sẻ hạnh phúc với người khác, để tự phê chuẩn quyền chiếm hữu và ích kỷ một mình hưởng thụ hạnh phúc.

Ước gì ngay từ bây giờ, chúng ta tập sống hạnh phúc bằng ý thức rằng không ai có thể đơn độc hạnh phúc, nhưng hạnh phúc là hạnh phúc với ai, vì căn tính của hạnh phúc là tình yêu luôn đòi được chia sẻ.

Jorathe Nắng Tím


MẦU NHIỆM TỰ DO CHỌN LỰA GIỮA NHỮNG GIỚI HẠN

         


Được tự do chọn lựa là hạnh phúc lớn của con người, nên ai cũng mơ ước  được tự do chọn đời mình, lựa những người mình thương, những sự, những việc mình thích trong suốt cuộc đời làm người.  Nhưng dường như hạnh phúc ấy không luôn dễ đạt được …

     Không luôn dễ đạt, vì ngay khi vào đời làm người, có ai đã được tự do chọn cho mình cha mẹ, anh chị em, nơi « chôn nhau cắt rốn » ?  Có ai  đã được tự do lựa cho mình dòng dõi, gia tộc, đất nước, quê hương ? Có ai đã được tự chọn thời điểm chào đời, mầu da, tiếng nói, hoàn cảnh lịch sử khi lọt lòng mẹ ? Trái lại, tất cả đã được người khác chọn thay, lựa giùm, mà không  ai đã hỏi  ý kiến, hay quan tâm đến quyền chọn lựa, đồng ý của ta.

   Rồi cuộc sống nổi trôi với những biến cố thăng trầm  đôi lúc làm chúng ta chạnh lòng xót xa  số kiếp, thân phận, gia cảnh của mình, mà chẳng biết cùng ai trải lòng. Chẳng thế mà thi sĩ Vũ Hoàng Chương  đã chí lý  viết nên vần  thơ nặng trĩu nỗi muộn phiền :

                « Lũ chúng tôi đầu thai lầm thế kỷ,

                   Cả một đời u uất nỗi truân chuyên »

để diễn tả tâm sự buồn , rất buồn của những con người không găp thời, không gặp vận may, không thành công trong cuộc sống, nhưng long đong, ngược xuôi, vất vả  để tồn tại.

    Không được tự do chọn lựa cha mẹ, anh chị em, gia thế, dân tộc, mầu da, tiếng nói đã đành, quyền tự do chọn lựa của chúng ta còn bị giới hạn rất nhiều trước những biến cố bất ngờ, đột nhiên, không thể tiên liệu, những sự kiện ngoài dự tính, vượt  khả năng, không thể phỏng đoán, tưởng tượng. Điển hình là thời cuộc bất ngờ đổi thay làm sụp đổ, vỡ vụn toàn bộ ước mơ, kế hoạch và cả những gì đang có trong tay, đang có quyền sở hữu. Và kinh khủng hơn cả là những tai ương  hầu như không bao giờ dám nghĩ tới đã như cơn lũ dữ dội quét sạch tất cả những gì  có mặt. Sau cùng là cái chết, như « dấu chấm hết »  vô cùng tàn nhẫn sẽ không nể nang, sợ hãi bất cứ người nào, nhưng lạnh lùng tước đọat tự do và  mọi thứ quyền lựa chọn của  mọi người.

    Thưc vậy, suy đi nghĩ lại mới thấy con người rất giới hạn, và tự do chọn lựa của con người không lớn và mạnh như  ước mơ, bởi ngay  khi được tự do chọn lựa, người ta vẫn  lấn cấn vì những giới hạn, vẫn mênh mang lo sợ những trở ngại bất ngờ.

   Thế nên nhà Phật nhìn đời là cõi vô thường, bởi vô số giới hạn của đời người và trong  đời sống đã không cho  phép con người nắm  chắc trong tay bất cứ sự gì, cũng không  dám tin tưởng tuyệt đối vào ai, ngay cả chính bản thân mình, bởi tất cả đều mang nhiều giới hạn, và vì giới hạn bao phủ, bủa vây, mà dòng đời   vô thường, bất định.

    Giữa căng thẳng của cơn lốc xóay khao khát tự do và vô vàn giới hạn, người ta có nhiều lựa chọn : hoặc bất lực buông xuôi theo dòng đời vô thường, hoặc bất mãn vùng vẫy chống cưỡng, và rất ít người đã nhận ra qua tự do chọn lựa và dòng đời nhiều giới hạn mầu nhiệm của con người, mầu nhiệm của đời sống, mầu nhiệm của giới hạn.  

   Thực vậy, không ai không khao khát và tìm kiếm quyền tự do chọn lựa và định đọat tất cả những gì liên quan đến hạnh phúc, nhưng đồng thời không người nào cảm thấy  hoàn toàn hạnh phúc vì  ngay khi có quyền tư do chọn lựa những gì mình muốn, và những người mình yêu thương, người ta cũng thoáng lo âu vì mơ hồ biết mình có giới hạn.  

   Để được giải thoát khỏi tình trạng lưng chừng, không bao giờ thỏa mãn trên,  chúng ta cần biết một điều quan trọng, đó là  tự do chọn lựa của con người bị đặt vào hai điều kiện không thể thiếu, đó là phải « thuận theo Thiên Mệnh, và hòa với Tha Nhân », bởi chỉ khi Thuận theo  Trời, và Hoà với người khác đang cùng sống, chúng ta mới khám phá ra  mình là một hữu thể mầu nhiệm, không chỉ có tự do, mà còn có  nhiều kho tàng bí ẩn, thiêng liêng, cao cả, qúy giá khác.

   Thuận theo Thiên Mệnh không được hiểu là thụ động chấp nhận một sắp đặt mang tính áp chế, hình phạt của Trời, nhưng là ý thức về sự quan phòng đầy ắp yêu thương của một Đấng Thiêng Liêng, Chủ Tể  của vũ trụ, muôn loài, và sự hiện diện của mỗi người  là  qùa tặng tốt đẹp cho chính con người ấy và cho cuộc đời,  xuất phát từ tình thương của Đấng Tạo Hoá rất tốt lành ấy.

    Vì nhịp sống thường qúa vội vã, hấp tấp nên trí khôn nhiều người không đủ thời gian suy nghĩ để  nhận ra những kỳ công  được tạo dựng trong  vũ trụ với duy nhất một mục đích là phục vụ hạnh phúc của con người, cũng như trái tim không còn đủ độ nhậy bén, vì nếp sống qúa vật chất, thực dụng để có thể cảm nhận những nét đẹp tuyệt vời, những vẻ đẹp lộng lẫy, những cảnh đẹp hoàn hảo trong thiên nhiên làm  hồn người ngây ngất, lâng lâng.

     Từ những cảm thức cần thiết và chính đáng ấy, con người sẽ nhận ra Đấng Tạo Hóa không chống lại hay ghen tương, thù oán, trừng phạt con người, nhưng đứng về phía con người bằng tình yêu  quan tâm, bằng  gìn giữ  quyền tự do chọn lựa  hạnh phúc đích thực của đời làm người, khi giúp con người vượt qua những giới hạn của kiếp người, điển hình là đau khổ và sự chết mà nguyên nhân cũng như ý nghiã tích cực của những thực tại không thể tránh khỏi này sẽ chỉ có  thể lý giải và hiểu được với tâm tình thuận theo Trời của mỗi người.

  Tâm tình và thái độ thuận theo Trời ấy được định hình và mô tả qua niềm tin : Trời là  Đấng rất tốt lành đã tạo nên mọi lòai vô hình và hữu hình, trong đó có con người một cách rất tốt đẹp, cho hạnh phúc viên mãn của con người, và các thụ tạo Ngài đã dựng nên.

    Bên cạnh điều kiện « Thuận theo Trời » bằng tin vào  tình thương và lòng tốt của Trời, là điều kiện « Hoà với Người » trong cuộc sống, mà ý nghiã căn bản là ý thức mình cần tình người của người khác, cần sống lòng nhân ái với người khác, vì người khác bổ xung những giới hạn của ta, cũng như ta kiện toàn những thiếu sót nơi người khác, và ta cùng người, người với ta  vượt qua khó khăn, trở ngại trong cuọc sống. Với  nghiã đó, đòi hỏi « Hoà với người » sẽ không là việc làm tiêu cực mang tính chủ bại, nhưng là thái độ của người hiểu rõ thế nào là tự do đích thực, khi  khẳng định chính xác : tự do là tự do với ai, tự do cho ai ; và chọn lựa là chọn những gì tốt, lựa những gì đẹp trong tương quan và cho  tương quan với người khác thêm phong phú, tốt đẹp. Vì thế, chọn lựa sẽ không đơn độc, nhưng chọn lựa đòi tương quan ; chọn lựa sẽ không độc đóan, độc tài, nhưng với ý thức và ý chí xây dựng hạnh phúc chung của bản thân và đồng loại. 

    Do đó, « Hoà với người » sẽ giúp chúng ta rút ngắn những giới hạn, thu nhỏ những chướng ngại, bế tắc trong cuộc sống, trên đường đời, và như thế những bước chân cùng người khác tiến về hạnh phúc sẽ phấn khởi, rộn ràng trong an hoà, thư thái. Và như « thuận theo Trời » hệ tại ở niềm tin vào lòng tốt của Trời, « hoà với người » cũng được xây trên nền tảng lòng nhân ái, tình người khi mọi người nhận ra mình không thể đơn độc tự do, đon thân chọn lựa vì  chung quanh là  những  lưc cản, giới hạn khjó có thể vượt qua một mình, nếu không có tình nhân loại, lòng nhân ái, « tương thân tương trợ »,  đỡ nâng, tiếp sức .

   Thực vậy,  kết qủa trước mắt mà ai cũng thấy khi ta thuận theo Trời và hoà với người, đó là ta sẽ không  sợ đời,  không chán đời, không tìm đường lẩn tránh đời người, người đời, nhưng  chấp nhận cuộc đời, đón nhận đời làm người  với niềm vui và hy vọng. Vui vì biết đời làm người không là  án phạt, hay  kiếp sống tiên thiên bất hạnh , nhưng là mầu nhiệm hạnh phúc, vì được  ở trong tương quan thiết thân và tốt đẹp với Trời là Đấng tạo dựng ; hy vọng vì làm người là đồng hành với mọi người, đi chung với cộng đồng nhân loại trên hành trình hạnh phúc, hạnh phúc đích danh đích thực được  góp nhặt,  đan  dệt, hình thành từ  tương quan nhân ái, nhờ lòng tốt, với tình người của mọi người chung quanh đang cùng sống, để từ nay không ai « làm người » như làm  lữ khách đơn độc, một mình sầu buồn lủi thủi lê từng bước nặng nề, như tử tội với xiềng xích trên đường ra pháp trường      

     

        Tóm lại, không có tự do chọn lựa, con người  xuống cấp làm con vật, nhưng tự do chọn lựa không được hiểu như  thao tác của một  cỗ máy tự động, vô hồn, vô cảm, nhưng tự do của con người mang tính huyền nhiệm vì là hình ảnh Thượng Đế, là dấu ấn của Trời  nơi con người, cũng là khả năng chọn lựa như dấu chỉ của con người là   thụ tạo  vượt trội hơn các thụ tạo khác, vì có xác và hồn. Cũng chính giữa những giới hạn của thụ tạo như tình trạng vô thường, thực tại khổ đau và sự chết, mà tự do chọn lựa của mỗi người cùng lúc có giá trị  của mầu nhiệm, vì chạm tới Trời, và giá trị thân phận, vì cần có nhau, như những con người có giới hạn đang cùng bước trên hành trình về Vô Hạn.

    Vì thế, những giới hạn của thân phận người mà chúng ta đối mặt trong đời người không được coi là những yếu tố phá hoại tự do chọn lựa. Trái lại, chính trên con đường tự do chọn lựa  giữa những giới hạn của thân phận người, mà hạnh phúc  được làm người nẩy mầm, giá trị tự do được trổ sinh hoa trái,  khả năng chọn lựa được phát triển, nhờ niềm vui được Trời thương, niềm vui  được đặt trọn niềm  tin vào lòng tốt của Thượng Đế. Cùng với niềm vui của đức tin là  niềm  hy vọng sẽ đến đích của đời  làm người, nhờ những bàn tay nhân ái  của người chung quanh, và  đôi vai nghiã tình của chính ta luôn  sẵn sàng gánh vác những giới hạn của nhau, mang lấy những, vô thường,  bất trắc tuy có làm tổn thương, sứt sát  đôi chút,  nhưng chắc chắn không bao giờ làm sút giảm giá trị  mầu nhiệm của tự do chọn lựa giữa những giới hạn của đời làm người.

    Ước gì  đời làm người của mỗi người chúng ta mãi đẹp  trong mầu nhiệm của tự do chọn lựa giữ     a những giới hạn, nhờ tin vào Trời yêu thương, và thương người đời trong tim.

Jorathe Nắng Tím 

ĐỨC GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA


Tin Mừng Máccô bắt đầu bằng bầu khí  rộn ràng, náo nức của 
mọi người từ khắp miền Giuđê và thành Giêrusalem kéo đến với ông Gioan. Họ thú tội, và ông làm phép rửa cho họ trong sông Giođan (Mc 1,5). Bất ngờ xuất hiện một nhân vật, người mà Gioan đã nhiều lần nói với dân chúng : Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người. Tôi thì tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần (Mc 1,7-8).

Đức Giêsu xuất hiện trước dân chúng ở sông Giođan, nhưng không xuất hiện như vua, hay như lãnh tụ Ítraen mà toàn dân từ hàng ngàn năm đã trông ngóng, đợi chờ, nhưng xuất hiện như một người đã lắng nghe và  đáp lại lời kêu gọi dọn đường cho Đấng Cứu Thế  của Gioan, bằng xin chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội (Mc 1,4).

Đức Giêsu không tỏ mình cho đám đông như Đấng có quyền thế, mà Gioan đã giới thiệu, bằng long trọng đọc lời hiệu triệu, dõng dạc công bố hiến chương, lớn tiếng trình bầy đường lối, cương lĩnh, nhưng kín đáo, âm thầm, giản dị, nhẹ nhàng, đơn sơ như những người nhận mình có tội đang  khiêm tốn cúi đầu, dìm mình xuống nước để nhận phép rửa thống hối từ tay Gioan.

Đức Giêsu cũng không tỏ ra khác người, thánh hơn người, nhưng bình thường như hằng trăm người bình thường khác đến thú tội và xin Gioan ban phép rửa sám hối.   

Nhưng chính qua thái độ khiêm tốn và tâm tình sám hối của Ngài, mà Chúa Cha đã đích thân giới thiệu Ngài một cách kỳ diệu, vượt những gì loài người có thể tưởng tượng, như thánh sử Maccô đã ghi lại : Vừa lên khỏi nước, Người liền thấy các tầng trời xé ra, và thấy Thần Khí như chim bồ câu ngự xuống trên mình. Lại có tiếng từ trời phán rằng : Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con (Mc 1,10-11).

Đây là buổi giới thiệu vô cùng quan trọng và ấn tượng, ở đó, Đức Giêsu đã được cả Chúa Cha và Chúa Thánh Thần cùng giới thiệu như Thiên Chúa làm người, Đấng Thiên Chúa sai đến trong nhân loại :

Khởi đầu là hiện tượng các tầng trời xé ra nói lên vinh quang và uy quyền Thiên Chúa của Đức Giêsu. Ngài là Thiên Chúa thật được phụng thờ và tôn vinh cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Ngai toà của Ngài ở trời cao, có vô số thiên binh tôn thờ, phụng sự.

Tiếp đến là sự kiện Thần Khí như chim bồ câu ngự xuống trên Ngài biểu hiện Thần Khí của Thiên Chúa luôn ở với Ngài. Chính Thần Khí Thiên Chúa sẽ đẩy Ngài vào hoang địa để chịu Xatan cám dỗ (x. Mc 1,12-13), và cũng là  Thần Khí mà ngôn sứ Isaia đã nói tới khi viết về Ngài : Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa (Lc 4,18-19).

Sau cùng là tếng Chúa Cha phán từ trời : Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con (Mc 1,11) khẳng định tương quan Cha Con giữa Chúa Cha và Đức Giêsu, đồng thời bầy tỏ niềm hãnh diện và hài lòng của Chúa Cha về Con Một của Ngài là Ngôi Lời nhập thể.

Thực vậy, ở sông Giođan hôm ấy, khi Đức Giêsu vừa chịu phép rửa của Gioan, Chúa Cha đã công khai và long trọng giới thiệu Con của Ngài là Đức Giêsu cho nhân loại, đồng thời chính thức  khai mở công trình loan báo Tin Mừng cứu rỗi của Thiên Chúa cho loài người bằng chính sự hiện diện làm người sống động của Ngôi Lời Thiên Chúa giữa nhân loại.

Nếu ở Bêlem, Ngôi Lời đã tỏ mình ra cho các mục đồng và ba đạo sĩ dưới hình hài trẻ sơ sinh bé bỏng, yếu đuối, thì ở sông Giođan, chính Chúa Cha đã giới thiệu Con Một của Ngài cho nhân loại : Ngài đã giới thiệu Con mình là Ngôi Hai Thiên Chúa, Đấng Thiên Sai, và thật lạ lùng khi cả Ba Ngôi cùng có mặt trong buổi giới thiệu hôm ấy.        

Nhưng sự kiện bất ngờ hơn cả, chính là Đức Giêsu đã đựợc Chúa Cha tán dương, khen ngợi, vì Ngài đã tuyệt đối vâng phục Thánh Ý Chúa Cha khi xuống thế làm người để cứu chuộc nhân loại.

Cũng vậy, nếu thánh Phaolô sau này trong thư gửi giáo đoàn Philípphê đã viết : Thiên Chúa đã siêu tôn Người, tức Đức Giêsu, và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái qùy ; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng Đức Giêsu Kitô là Chúa (Pl 2,9-11), vì Ngài đã trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết trên cây thập tự (Pl 2,7-8), thì trước đó rất lâu, ở đây, bên bờ sông Giođan, Chúa Cha đã chính thức suy tôn Ngài, khi lên tiếng hài lòng về Con Một yêu dấu của mình cũng vì sự khiêm hạ, vâng phục của Ngài khi  ẩn mình trong đám đông đến với Gioan xin chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội (Mc 1,4) như một tội nhân.  

Vâng như Đức Giêsu, mỗi người Kitô hữu khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội cũng được tha tội, được thánh hoá trong Chúa Thánh Thần, được chung phần thiên tính, khi trở nên nghiã tử của Thiên Chúa. Và cũng như với Đức Giêsu, Chúa Cha sẽ nói với mỗi người : Con là con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về con, nếu chúng ta khiêm tốn, vâng lời và thực thi Thánh Ý.

Jorathe Nắng Tím