Nếu
phải tính sổ thời gian cho những công việc đã làm thì hầu hết chúng ta đều giật
mình trước số lượng thời gian khổng lồ trong qúa khứ đã được sử dụng cho câu
chuyện thương ghét, và không ngờ thời
gian ta thương ghét người khác, và thời gian ta suy nghĩ, buồn vui về chuyện người
khác thương ghét ta đã chiếm một tỷ lệ cao ngất ngưởng trong quỹ thời gian của đời
ta.
Ở
đây, ta tạm gác lại câu chuyện chủ động thương ghét người này, người nọ, mà chỉ đề cập đến tình trạng “mất ăn mất ngủ” vì
chuyện người khác thương ghét ta.
Là
con người, ai cũng mê “cái tôi”, cũng thích “cái mình”, cũng yêu qúy, trân trọng,
bảo vệ bằng mọi giá những gì thuộc về bản thân, nên xót xa khi lỡ để rơi mất tiền ngoài đường phố, tức hùi hụi khi bị
thiên hạ lừa đảo chiếm đọat nhà cửa, đất đai, và căm phẫn, hận thù khi bị thua
lỗ, khánh kiệt.
Nhưng
đó mới chỉ là những gì ở bên ngoài cái tôi, mặc dù thuộc về tôi, nên cũng chưa ảnh
hưởng nghiêm trọng đến chính “cái tôi cốt lõi”. Điều làm cái tôi dễ chao đảo, điêu
đứng, sụp đổ chính là những cú sốc đánh gục trái tim khi tình yêu bị phản bội,
băng hoại, phá sản; khi lòng tốt bị phụ bạc, chà đạp; khi hy sinh không còn được
ân cần đón nhận, trân qúy. Tất cả những cú đấm đó đánh thẳng vào chính con người,
vào tổng hành dinh của đời sống và có tác dụng khủng khiếp làm khủng hoảng, đổ
vỡ quân bình của toàn thể đời sống tâm sinh lý, xã hội.
Cứ
nhìn một người thất tình, bị tình phụ, đang trong cơn ghen, chúng ta sẽ thấy tình
yêu quan trọng biết bao, thay đổi con người dường nào, và lợi hại đến mức khó có
thể tưởng tượng. Người ta xem như mất tất cả khi tình yêu mất, lỡ làng tất cả
khi đò tình yêu lỡ chuyến, buông xuôi tất cả khi tình yêu chơi vơi, dật dờ.
Thực
vậy, dù có tránh né, phủ nhận hay biện bác thế nào đi nữa, thì tình yêu vẫn luôn
mãi là yếu tố ảnh hưởng lớn trên đời sống của mỗi người, vì cốt lõi sâu sa của
bản tính con nguời là sinh ra để yêu thương và được yêu thương.
Cũng
chính vì cốt lõi sâu sa của bản tính là tình yêu mà câu chuyện thương ghét, câu
chuyện được thiên hạ thương hay bị thiên hạ ghét ám ảnh và chiếm khối lượng khá
lớn qũy thời gian sống của chúng ta, mà chính chúng ta không hề hay biết.
Đã
hẳn khi tự nguyện yêu thương, ghét bỏ, thù hận ai, chúng ta chủ động được thời
gian, chủ động sắp xếp thời giờ, nhưng khi chịu chi phối, bị ám ảnh bởi chuyện
thương ghét của người khác, mà người khác không hẳn nằm trong vòng phủ sóng của
bổn phận, trách nhiệm của ta, thì mất thời gian cho những câu chuyện thương ghét
này cần phải được ta xem lại.
Ta
cần xem lại cảm xúc giận dữ, khi nghe mang máng người này không thích, không ưa
ta, bởi có mấy ai chỉ được người thương mà không bị người ghét bao giờ, dù là
người hoàn hảo, thánh thiện, nhân hậu như Đức Giêsu? Ta cần xem lại tình cảm mất
bình tĩnh, lên cơn sốt nặng khi nghe thiên hạ đồn đãi xấu về mình, bởi có ai không
lầm lỗi, không tì vết, có thánh nhân nào không nặng nề một qúa khứ đáng tiếc, đáng
buồn, có vị thánh nào trước đó đã không là tội nhân, người yếu đuối? Ta cần xem
lại tình trạng hốt hoảng, lo sợ cho thanh danh bản thân và thanh thế gia tộc bị
bôi nhọ, làm hoen ố, bởi có mấy ai trong cõi đời biết tôn trọng người trổi vượt hơn mình, và thương
người bất hạnh, thiếu thốn, yếu kém hơn mình, hay chỉ mê man chuyện ganh
ghét người hơn mình và khinh khi người thua mình? Ta cần xem lại tâm tư buông
xuôi, thất vọng, nản chí khi người khác bàn bạc phê phán với ác ý về công việc
của mình, bởi việc tay mình làm thì mấy ai biết rõ, và ý tưởng trong đầu, thiện
chí trong tim mình, thì người nào có thể dò xét, nắm bắt trọn vẹn? Ta cần xem lại
tâm trạng bi quan, giận đời, hận người của mình khi những người chung quanh hiểu
lầm, uốn cong, bẻ quặt ý hướng ngay thẳng, đường lối chính đáng ta chủ trương,
bởi ở đời nguyên tắc rất bất công, bất “chính ghen ăn tức ở” là chuyện thường gặp
trên đường phố, trong xóm ngõ quê làng. Ta cần xem lại cường độ của tự ái khi bị
chính người quen biết làm tổn thương, bởi không chỉ những người xa lạ làm ta thất
thế, thất bại, mà cả những người biết rõ đời ta, quen thuộc cả lối ngõ vào nhà
cũng không ngần ngại xuống tay hạ ta khi cần, để đáp ứng nhu cầu và quyền lợi của
họ. Ta cần xem lại tinh thần đang xuống dốc không thắng của bánh xe cuộc đời,
khi cấp trên, thân hữu, cả cấp thừa hành và người từng chịu ơn bỗng dưng trở cờ,
đổi mặt hợp đồng chống phá, cấm vận đường sống của ta, bởi “đổi trắng thay đen”,
“gió chiều nào theo chiều đó” là phương châm của phần lớn người đời, nên cớ gì
ta phải ngạc nhiên, ngỡ ngàng, hoảng sợ? Ta cần xem lại đầu gối ngã qụy, bàn chân
chùn bước khi ta nghe được những đàm tiếu thị phi rất hồ đồ, bất công của ai đó
về ta, bởi hơn hai phần ba những câu chuyện thiên hạ “làm qùa” cho nhau khi rảnh
rỗi đều là những câu chuyện “ruồi bu” không mảy may sự thật với mục đích làm hại
uy tín, hạnh phúc của người vắng mặt. Ta cần xem lại chọn lựa của ta trước
phong ba, bão táp của cao trào tố cáo, mạ lỵ mà vô phúc ta trở thành đối tượng
của một phe nhóm gian tham, bất chính nào
đó, bởi trong cõi đời ô trọc này, biết bao người vô tội đã bất hạnh trở thành
những con vật tế thần của tà quyền, của dã tâm. Ta cần xem lại lẽ sống của đời
mình khi người thương ngày càng giảm sút, kẻ ghét ngày gia tăng, bởi thước đo của
thương ghét không luôn đặt trên nền tảng của Chân Thiện Mỹ, mà ngược lại, nhiều
khi ta không được thương vì đã không xấu như họ, ta bị ghét vì không a dua đồng
loã cùng đám đông làm điều gian ác. Ta cần xem lại nhiệt độ bình an của tâm hồn
khi bị thiên hạ cô lập, tẩy chay, bởi ở đời mấy người
có trái tim “biết vui với ai mừng vui, khóc với ai đang khổ sầu”, nhưng
trái tim ích kỷ thì luôn ngược chiều: vui
khi người khác gặp tai ương, hoạn nạn, và tiu nghỉu sầu buồn, bực dọc khi thiên
hạ được may mắn, thịnh vượng.
Trên
đây là những nét cần xem lại trên bình diện tự nhiên của bản tính con người
trong chuyện thương ghét. Nhưng chúng ta, những ngưòi Kitô hữu, không thể tự
cho phép mình dừng lại ở bình diện tự nhiên, mà phải đi xa hơn, bằng để mình được
kéo lên cao hơn với Đức Giêsu trong vị thế “con người mới”, tức vị thế “con Thiên
Chúa”. Ở vào vị thế mới này, chúng ta sẽ đón nhận câu chuyện thương ghét từ người
khác một cách hoàn toàn khác, tích cực hơn rất nhiều.
Với
cái nhìn siêu nhiên, ở vị thế con Thiên Chúa, ta sẽ nhìn người khác đang thương
ghét ta một cách khác, khác cái nhìn của nhiều người khác, nghiã là không giống
như cái nhìn của phàm nhân thường nhìn, cái nhìn của bản tính tự nhiên đang nhìn,
nhưng là cái nhìn của Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người, Đấng đã dậy chúng ta nhìn
người khác bằng đôi mắt của Thiên Chúa, lắng nghe người khác bằng đôi tai Thiên
Chúa, thương yêu người khác bằng trái tim Thiên Chúa, đến với người khác bằng đôi
chân Thiên Chúa, đón nhận và phục vụ người khác bằng đôi tay Thiên Chúa, để từ
nay, khi nghe câu chuyện thiên hạ thương ghét, ta sẽ phân định theo ý Chúa hơn
theo ý ta, tìm điều Chúa muốn hơn điều ta muốn, xây dựng Nước Chúa hơn vun đắp
cơ đồ vinh quang bản thân.
Ý
thức được ơn gọi làm Con Thiên Chúa, người khác có thể thương và ghét, nhưng ta
luôn cố gắng với ý chí và ơn phù trợ của Thiên Chúa nhận họ là anh em cùng một
Cha trên trời, cùng một hình ảnh Thiên Chúa, cùng gien Thiên Chúa là Đấng từ bi
nhân hậu, hay xót thương, để không giận dữ, báo óan, giữ mãi mối thù, vì sẽ có
một ngày ta với họ gặp nhau trên thiên
quốc, ở đó những người anh em đã ghét bỏ, ruồng rẫy, hành hạ ta sẽ qúy mến, trân
trọng ta hơn, vì ta đã hiền lành, bao dung và qủang đại với họ. Người khác có
thể thương ghét ta, nhưng luôn luôn ta không quên Chúa muốn ta nhận ra dung mạo
của Ngài nơi họ để phục vụ họ như phục vụ chính Thiên Chúa: “Mỗi lần các ngươi làm
như thế cho một trong những anh em bé nhỏ
của Ta đây, là các ngươi làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40). Người khác có thể thương
ghét ta, nhưng không có họ, làm sao ta có thể chắt chiu công phúc và chuẩn bị
cho hành trang ngày ra trước mặt Chúa ở giờ phán xét, khi cho người đói ăn, người
rách rưới áo mặc, thăm viếng người đau ốm, tù đầy, cho trú ngụ người lỡ đường,
tha hương (x. Mt 25,31-46). Người khác có thể thương ghét ta, nhưng vì có người
thương, người ghét, ta mới biết mình có ưu điểm, nhưng cũng còn nhiều khuyết điểm,
có điểm mạnh, nhưng không thiếu điểm yếu cần sửa đổi, và chính họ là lời nhắc bảo
của Thiên Chúa để ta nên tốt hơn. Người khác có thể thương ghét ta, nhưng nhờ
những thương ghét của nhiều người, ta biết mình đáng thương, nhưng cũng đáng ghét,
dễ mến nhưng không tránh khỏi dễ ghét đối
với nhiều người, để khiêm tốn hơn. Sau cùng, người khác có thể thương ghét như
ta cảm nhận, nhưng chưa chắc cảm nhận của ta đã đúng, bởi có nhiều người ta tưởng
họ ghét ta, nhưng có khi hằng ngày ta ở trong kinh nguyện và hy sinh của họ mà
ta không hay biết, cũng như có người thương ghét ta, nhưng họ lại là cánh tay nối
dài, khí cụ của Thiên Chúa dùng để thanh luyện, đổi mới ta mỗi ngày.
Như
thế, khi rời bỏ bản tính tự nhiên của con người và để Chúa kéo lên cao đi vào bản
tính “con Thiên Chúa” Ngài ban , chúng ta sẽ nhìn những người thương ghét, sẽ
nghe những câu chuyện thương ghét của người khác một cách hoàn toàn khác, vì từ
nay chúng ta là những người đi theo Đức Giêsu sống Hiến Chương Nước Trời với hạnh
phúc của người được Thiên Chúa ban thiên đàng vì nghèo khổ, bị thiệt thòi; được
Đất Hứa làm gia nghiệp vì hiền lành, chịu đựng; được Thiên Chúa ủi an vì bị thiên
hạ làm sầu buồn, đau khổ; được Thiên Chúa xót thương, vì dám xót thương người làm
khổ mình; được gọi là con Thiên Chúa vì “dĩ hoà vi qúy”, “chín bỏ làm mười” để
trên dưới thuận hoà, ngang dọc bình an ; được Thiên Chúa ban phần thưởng vì
bị anh em xỉ nhục, hàm oan, xử ép, bách hại, và niềm vui trong Thiên Chúa vẫn là
niềm vui không gì có thể mua được, bởi đó là Hồng Ân đời đời dành riêng cho những
tâm hồn biết đón nhận mọi chuyện thương ghét của người đời với trái tim yêu thương
bao dung, quảng đại và tự hiến để trở nên của lễ cầu xin ơn Bình An cho bản thân
và mọi người thương ghét.
Jorathe
Nắng Tím