Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 28 tháng 11, 2018

Suy Niệm TIN MỪNG CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG, Năm C

   Các bài đọc trong Chúa Nhật thứ nhất muà vọng đặt chúng ta trong bầu khí nhiều biến động mang tính đe dọa, và một xã hội nhiều bất công. Đó là  sự thật của một  thế giới, khi đường lối công chính và ơn cứu độ của Thiên Chúa chưa được con người đón nhận.  Nhưng chính trong bối cảnh hỗn loạn, “ hoảng hồn mất vía”  này, chúng ta được kêu gọi “tỉnh thức cầu nguyện hầu thoát mọi điều nguy hiểm và đứng vững trước mặt Con Người” (Lc 21,36). 
     Bài đọc thứ nhất: sau khi  tuyên sấm “cảnh điêu tàn, không người, không vật” của Giuđa và Giêrusalem, ở đó, tất cả “đã ra tan hoang…, không tiếng mừng vui, hoan lạc, tiếng cô dâu chú rể, tiếng những kẻ nói : “Hãy cảm tạ Giavê các cơ binh, vì Người tốt lành, vì ơn Người miên man vạn đại ” (Gr 33,10-11), ngôn sứ Giêrêmia đã loan báo những ngày Thiên Chúa Giavê cho nẩy chồi công chính và hạnh phúc trong nhà Đavít: “Giuđa sẽ được độ trì và Giêrusalem sẽ hưởng cảnh an cư” (Gr 33,16).
   Tin Mừng  Luca thì cảnh báo “ sẽ có điềm lạ nơi mặt trời, mặt trăng và các tinh tú. Dưới đất, các dân hồi hộp vì biển gầm sóng vỗ. Người ta mất vía vì sợ..” (Lc 21, 25-26), và nhắc bảo cảnh giác đề phòng, kẻo lòng các ngươi ra nặng nề bởi chè chén say sưa, bởi những lo lắng sự đời.. Nhưng hãy tỉnh thức và cầu nguyện” (Lc 21, 34.36).
     Qủa thực, những năm gần đây, ít nhiều chúng ta đã chứng kiến hoặc nghe kể thảm cảnh sóng thần  trong vài phút đã cuốn trôi cả một thành phố gần biển, và  hàng vạn dân cư. Thiên tai đủ loại, đủ cỡ xẩy ra liên tục khắp nơi trên thế giới làm nhiều người nghĩ đến ngày tận thế. Chẳng thế mà cứ lâu lâu lại nghe đồn đãi ngày ấy, tháng ấy, năm ấy đêm tối sẽ bao phủ địa cầu, không ai  thấy ai, nên cả làng, cả nước đổ xô mua nến phòng hờ ngày tăm tối. Cũng có nhiều nhóm tự nhận mình được “mặc khải riêng” trong giấc mơ, hay “thị kiến” về ngày giờ tận thế, nên gõ cửa từng nhà cảnh báo, dặn dò những gì phải làm trong ngày cuối cùng của loài người.  Thậm chí cả những  “bậc đạo đức” tự cho mình thông hiểu Kinh Thánh cũng với bộ dạng trầm trọng “bỏ nhỏ” vào tai người thân quen “ngày giờ tận thế”.
   Nhưng rồi thế giới vẫn chưa tận số, loài người vẫn sống, chỉ khổ thần những con người nhẹ dạ, cả tin đã căng thẳng chuẩn bị ngày tận thế, để phải thẹn thùng với bà con làng nước về “mặc khải dổm”, “lời tiên tri ấu trĩ, ngờ nghệch”, và những “chuẩn bị lố bịch đến nực cười” của mình khi ngày tận thế không xẩy ra.
   Là người  Kitô hữu, chúng ta không được mời gọi tiên đoán ngày tận thế, vì ngày đó thuộc quyền Thiên Chúa; chúng ta cũng không có bổn phận loan báo ngày tận thế cho anh em mình, với dáng vẻ của người “thất kinh bát đảo”, lo lắng, sợ hãi, thất vọng; chúng ta càng không được phép lấy cảnh hãi hùng của tận thế phần lớn do óc tưởng tượng để doạ nạt, trấn áp, ép buộc  anh em mình đi đạo. Trái lại, trước những thiên tai, những bất thường trong thiên nhiên, chúng ta được mời gọi nhận ra dấu chỉ và sứ điệp của Chúa nhắn gửi:

1. Nước Thiên Chúa đã đến gần, và chúng ta phải chuẩn bị để đón nhận Nước Thiên Chúa.
  Thánh Phaolô kêu gọi cộng đoàn Thessalônica hãy thực hiện việc đón nhận Nước Thiên Chúa bằng sống huynh đệ trong cộng đoàn, đồng thời lan tỏa lòng bác ái đến với mọi người, ở ngoài cộng đoàn.

2. Đường lối của Thiên Chúa là Tình Yêu và Sự Thật:
     Một điều chúng ta thường hay quên, đó là ý nghĩ của Thiên Chúa không phải ý nghĩ của ta, và đường lối của Thiên Chúa không phải đường lối của ta (x. Is 55, 8-9). Thánh Phaolô còn nhấn mạnh: “Ôi, thẳm sâu thay sự giầu có, khôn ngoan, thượng trí của Thiên Chúa ! Những phán quyết của Người vô phương dò thấu, đường lối của Người không thể dõi theo! ” (Rm 11, 33). Vì thế, chúng ta không thể sắp xếp chương trình cho Thiên Chúa, lập trình sẵn đường lối  hay làm cố vấn cho Ngài. Chúng ta chỉ có thể đón nhận thánh ý Ngài được mặc khải qua Đức Giêsu, con yêu dấu của Ngài đã làm người và ở giữa chúng ta. Ngài ở giữa để chia sẻ phận làm người và để nói với chúng ta bằng ngôn ngữ loài người về Thiên Chúa, về đời sống và vận mệnh tương lai của con người; Ngài còn ở giữa, ở với , sống, chết, và phục sinh để cứu độ mọi người. Chính Ngài đã cho chúng ta biết đường lối của Thiên Chúa là Tình Yêu và Sự Thật. Trên đường lối này, Thiên Chúa muốn chúng ta bước đi theo Ngài.
     Ở đây, chúng ta cần lưu ý: Sự Thật ở Thiên Chúa luôn sánh vai với Tình Yêu để sự thật, dù là sự thật đáng ghét, đáng nguyền rủa, trần trụi, trơ trẽn thế nào đi nữa, cũng vẫn là sự thật được Thiên Chúá biến đổi thành giá cứu độ, vì có Tình Yêu bao che, bảo bọc, bênh đỡ, tẩy rửa. Có thể sự thật của con người trong tay con người sẽ bị té tát, khai thác, lột trần trắng trợn, để lên án, trừng phạt, nhưng sự thật của con người trong tay Thiên Chúa lại được Thiên Chúa cất giấu trong Tình Yêu, gìn giữ trong Tình Yêu, bảo vệ trong Tình Yêu, thăng hoa trong Tình Yêu bằng thánh hoá trong Tình Yêu. Vì thế nên, trong Thiên Chúa,  không sư thật nào, dù bẽ bàng, xấu xa đến đâu của tôi, của anh chị lại có thể bị Thiên Chúa xử dụng để lên án, thanh trừng, loại bỏ.   
    Khi nhắc bảo chúng ta: trong những ngày thử thách, “Hãy tỉnh thức ”, Đức Giêsu biết rõ: ta chỉ có thể tỉnh thức trong Sự Thật, vì dối trá sẽ làm u mê tim óc , gian manh sẽ làm tối tăm đôi mắt tâm hồn, chỉ  Sự Thật mới giải phóng ta khỏi sai trái, lầm lạc và cho ta tỉnh thức khi Chúa đến. Bên cạnh là Tình Yêu, như bệ chắc chắn cho  ta đứng vững trước mặt Con Người, bởi chỉ Tình Yêu mới là công trạng có giá trị trước mặt Chúa Cha;  chỉ Tình Yêu mới có sức hấp dẫn trái tim Thiên Chúa là Tình Yêu; chỉ Tình yêu mới là tiêu chuẩn chọn lọc người lành, kẻ dữ trước Nhan Thánh, trong ngày chung thẩm; chỉ Tình Yêu mới làm Thiên Chúa nhớ đến ta ,và chỉ Tình Yêu mới là dấu chỉ, huy hiệu ta thuộc về gia đình Thiên Chúa.
   Vâng, Mùa Vọng khởi đầu bằng lời nhắc nhở: “ Đường lối của Thiên Chúa  không phải đường lối của loài người ”, để chúng ta bỏ đi thói quen  vẽ đường cho Chúa đi, ép Chúa làm những gì ta ưa thích, và trách móc Chúa khi lời cầu xin của ta không được toại nguyện, để thay vào đó lòng vâng phục đường lối của Thiên Chúa , bởi tự nó đã là hạnh phúc mang lại ơn cứu độ cho chúng ta.
     Hành trình Mùa Vọng cũng bắt đầu bằng khởi điểm Sự Thật và Tình Yêu. Không bắt đầu bằng khởi điểm này, chúng ta không thể gặp được Thiên Chúa, dù Ngài đang ở giữa chúng ta, bởi một lý do rất đơn giản : Chính Thiên Chúa là Sư Thật và là Tình Yêu, nên ở ngoài Sự Thật, và Tình Yêu, chúng ta không có Thiên Chúa đồng hành trong cuộc đời.
     Có Chúa là Sự Thật và Tình Yêu, chúng ta sẽ chẳng phải lo lắng trước bất cứ xáo trộn, tai hoạ nào, vì mọi nơi, mọi lúc, trong mọi hoàn cảnh vui, buồn, thành công, thất bại, chúng ta luôn được tỉnh thức với Chúa và đứng vững trước tôn nhan Ngài.
Jorathe Nắng Tím

SỨ ĐIỆP MÙA VỌNG

      Đã bao nhiêu Mùa Vọng đi qua, nhưng qủa thực, tôi chưa biết đích xác sứ điệp nào là sứ điệp Mùa Vọng Chúa gửi đến cho tôi. Vì bận kiếm sống cũng có, mà vì lười biếng, buông thả cũng có, Mùa Vọng với tôi đã chỉ đơn thuần là muà chuẩn bị một lễ Giáng Sinh hoành tráng, có đèn sao khắp nơi, có hang đá khổng lồ cuối nhà thờ, có lễ đêm và bữa ăn thịnh sọan sau lễ. Ngoài ra, không có gì hết, nếu có thì chỉ là ý niệm  sơ sài Chúa xuống thế làm người và tâm tình biết ơn Thiên Chúa rất mong manh, hời hợt.  Mùa Vọng năm nay, khi tuổi đời đã sang bên kia triền đồi, đang hồi xuống dốc, tôi mới giật  mình tiếc nuối bao nhiêu Mùa Vọng đã vô nghiã vụt trôi.
   Nhờ tiếc nuối, tôi mới nhận ra : Mùa Vọng là mùa đem lại niềm Hy Vọng cho chính tôi, trước khi là Mùa Hy Vọng của toàn thể nhân loại.
   Đem lại niềm hy vọng cho chính tôi, khi Lời Hứa Đấng Cứu Thế sẽ đến để  "đem Tin Mừng cho người nghèo khó, ban bố ân xá cho kẻ tù đầy, cho người đui mù được thấy, cho kẻ áp bức được giải oan ; và mọi người được loan báo năm hồng ân của Thiên Chúa" (Lc 4, 18-19).
    Sở dĩ là niềm hy vọng của tôi, bởi như mọi thân phận làm người, tôi đã không thể thoát khỏi những vết thương do người khác gây ra. Người khác ấy có thể là người ghen ghét, kèn cựa, kiếm chuyện vu oan, giáng hoạ cho tôi cách vô cớ ; có thể là đối phương trong tình cảm, việc làm ; có thể là những người tôi yêu thương đã dầy công giúp đỡ nhưng quay mặt làm ngơ, phản bội ; có thể là người nhà, thân quen không hiểu hay không muốn hiểu tôi vì một lợi ích riêng tư hay tính toàn cỏn con nào đó. Nhưng tất cả đã ít nhiều, xa gần, trực tiếp hay gián tiếp làm khổ tôi. Họ có thể đã ruồng bỏ, xua đuổi tôi, khi nói : "chúng tôi không muốn có anh", và đẩy tôi rơi vào tình cảnh tâm lý trốn chạy mọi người, vì mặc cảm sợ hãi, dư thừa, làm phiền người khác ; họ có thể đã dửng dưng, lạnh lùng, bỏ rơi tôi khi nói : "chúng tôi không thể giữ anh với chúng tôi", và tôi rơi sâu xuống vực thẳm mặc cảm vô dụng, bất tài vô tướng, không còn dám tự mình quyết định bất cứ một việc gì ; họ có thể đã mạ lỵ, xỉ nhục tôi, khi vu khống đủ điều thật phi lý, nhưng đầy độc ác, để tôi biến thành một người luôn tự hổ thẹn vì mặc cảm có tội, và chỉ còn  thú vui khi tự làm mình đau khổ hay làm người khác khổ đau ; họ có thể đã phản bội, phản phúc, để tôi trở thành người không còn dám tin ai, không chia sẻ được với người nào, nhưng thành kiến, ngờ vực, đề phòng mọi người ; họ có thể đã nghiền nát tôi bằng rất nhiều ngôn từ, việc làm bất công, đến nỗi tôi trở thành vô cảm, cứng cỏi, lạnh lùng, không còn biết chạnh lòng, cảm thương bất cứ ai.
      Và chỉ với năm vết thương sâu hoắm trên thân xác cuộc đời vừa kể đã đủ làm cuộc sống tinh thần của tôi hầu như mất phương hướng, đúng hơn là làm tôi tha hoá toàn phần.
      Nhưng đó mới chỉ là tương quan giữa tôi với người khác, giữa "cái tôi" với những "cái tôi khác" chung quanh. Kinh nghiệm cho thấy những tương quan này theo thời gian ngày càng chằng chịt đan quyện, ngóc ngách, rối rắm đến nhiêu khê, không gỡ được đưa đến tình trạng đánh mất chính mình, mà nhiều khi mình cũng không hề hay biết.
    Bên cạnh tương quan với tha nhân, chính tôi cũng là nguyên nhân của vô vàn phức tạp, dẫn đến chung một hậu qủa vong thân, xa lạ với chính mình.
    Bắt đầu bằng lòng ganh tỵ. Nó dầy vò, đay nghiến, cắn rứt  khi tôi thua người khác, kém cỏi hơn người chung quanh. Không mấy đêm ngủ ngon, không mấy ngày được hạnh phúc, bình an cũng chỉ vì hỏa lực của lòng ghen tương, ganh tỵ. Rồi chính tôi cũng không mấy khi hài lòng với chính mình, khi mơ ước cao xa, mà khả năng thấp kém, khi muốn rất nhiều mà năng lực chẳng bao nhiêu. Tính kiêu căng, háo danh, háo thắng, háo lợi đẩy tôi lên tận tuyệt đỉnh của tham vọng, và quên khuấy giới hạn của thân phận người bị đóng khung trong không gian, thời gian, và nhiều định chế khác, để rồi khi rớt xuống vực thẳm của thực tế, mới ngỡ ngàng, bất mãn, thất vọng, hận mình, hận người, hận Trời.
   Không hài lòng với chính mình, khi không chấp nhận giới hạn của mình, tôi trở thành người lạ ngay trong nhà mình, vì không nhận ra mình ngay trong ý thức của mình. Một thảm cảnh thật đáng thương được liệt vào thảm thương hạng nhất của con người!
    Vì thế, Mùa Vọng đến, trước hết cho tôi niềm hy vọng tìm gặp lại chính mình. Gặp lại chính mình là niềm hy vọng lớn nhất cho tôi tìm lại những niềm hy vọng khác cũng to lớn không kém : hy vọng ở người khác, hy vọng ở cuộc đời.
     Sở dĩ, tôi hy vọng được ở tôi, vì Lời Hứa của Đấng Cứu Thế sẽ giải phóng tôi khỏi các thứ ngục tù tinh thần cũng như thể xác. Người khác sẽ không còn là hoả ngục, cai tù, lý hình, đao phủ khống chế, đe dọa, truy đuổi, tiêu diệt tôi. Tha nhân sẽ không còn quyền sinh sát trên tôi, và tôi sẽ không còn sợ ai, bởi Lời Hứa của Thiên Chúa đảm bảo cho tôi ơn giải phóng : "Người đến để ban bố ân xá cho kẻ bị tù đầy" (Lc 4,18). Sẽ không chỉ những kẻ bị tù đầy trong nhà giam, trại cải tạo được làm bằng gạch đá, nhưng còn là những nhà tù, trại giam tinh thần, không tường cao, rào kín do lòng ganh ghét, hận thù, tham vọng bất chính của người chung quanh. Sẽ không chỉ có tù nhân chính trị, hình sự bằng xương bằng thịt, nhưng còn là những người tù tuy có xương  thịt, nhưng cùm gông, xiềng xích thì vô hình, và vô cùng rùng rợn, đau đớn.
    Mùa Vọng đến cho tôi niềm hy vọng được Lời Hứa của Đấng Cứu Thế giải oan những vu khống bất công thiên hạ từ bấy lâu đổ vấy : "Người giải oan cho kẻ bị áp bức" (Lc 4,18). Giải oan cho kẻ bị áp bức là trả lại cho họ niềm hy vọng căn bản của người công chính, bởi không ai có thể bình an, hạnh phúc trong mặc cảm là người bất chính, mà mục đích của tất cả việc làm hàm oan, vu khống, mạ lỵ người khác đều là biến họ thành người bất chính, để phải chịu hình phạt dành cho người bất chính. Đấng Cứu Thế thấu hiểu nỗi thất vọng của người bị hàm oan, nên sứ điệp Tin Mừng của Ngài đã không bỏ quên họ, nhưng tìm giải oan, trả lại cho họ danh dự người công chính .
       Mùa Vọng còn cho tôi ánh sáng hy vọng khi Lời Hứa của Đấng Cứu Thế  "cho người đui mù được thấy" (Lc 4,18). Người mù được thấy chính là tôi. Vì mù nên mới thất vọng khi không thực hiện được những ước vọng vượt qúa tầm tay ; vì đui nên mới tuyệt vọng khi những công trình vĩ đại cứ theo nhau đổ vỡ, thất bại, chỉ vì khả năng non nớt, yếu kém ; vì khiếm thị nên mới lạc lối về trong những thiếu sót, khiếm khuyết như bệnh tật, cuộc sống kém may mắn của mình,  nên khi ánh sáng của Đấng Cứu Thế mở mắt cho thấy giới hạn đích thực của con người, tôi mới hoàn hồn biết mình được cứu sống, nhờ nắm bắt sự thật của chính mình được mặc khải bởi Thiên Chúa qua Lời Hứa ban niềm Hy Vọng của Ngài.  
    Khi "mở mắt cho người mù được thấy", Lời Hứa của Đấng Cứu Thế cũng cho tôi  thấy giới hạn của người khác,  giới hạn của họ cũng « có hạn » như giới hạn của tôi. Và vì biết họ có giới hạn như tôi, nên tôi không nỡ trách móc, hận thù, trả đũa những bất công, bất chính, bất nhân, bất nghiã họ đã gây cho tôi, nhưng bao dung, quảng đại hơn, vì họ đã nhìn sai, hiểu lầm, phán đoán linh tinh, hành động bừa bãi cũng chỉ vì không biết mình có giới hạn, cũng như tôi cứ tưởng mình vô hạn, toàn năng.
   Mùa Vọng như thế không những đã mang đến sứ điệp hy vọng giải thoát tôi khỏi mọi gông cùm của mặc cảm tinh thần, khổ đau thân xác do giới hạn của mình và của người khác gây ra, mà còn cho tất cả chúng tôi nhận ra mình là những người nghèo trước mặt Thiên Chúa và nghèo đối với anh em mình. Sứ điệp Mùa Vọng cho chúng tôi biết mình nghèo nhiều mặt, nghèo nhiều nỗi, vì nghèo không chỉ là nghèo tiền bạc, mà còn nghèo kiến thức, nghèo đạo đức, nghèo tâm hồn, nghèo tình nghiã, nghèo niềm tin, nghèo hy vọng, nghèo con người, nghèo Thiên Chúa… Và Lời Hứa của Đấng Cứu Thế đã cho chúng tôi, những người nghèo của Ngài được hạnh phúc đón nhận Tin Mừng (Lc 4,18).
   Và còn hơn người nghèo, chúng tôi còn là những người mắc nợ Thiên Chúa và anh em mình, nên Lời Hứa của Đấng Cứu Thế cũng sẽ ban cho những người còn mắc nợ  năm hồng ân, xóa nợ (Lc 4,19)   
     Mùa Vọng về mang về cho tôi niềm Hy Vọng từ Lời Hứa của Đấng Cứu Thế. Lời hứa giải phóng kẻ tù đầy, cho người đui mù được thấy, cho kẻ bị áp bức được giải oan, người nghèo được loan báo Tin Mừng và ban năm hồng ân, xóa nợ cho người mắc nợ. Sứ điệp ấy bấy lâu Thiên Chúa gửi đến tôi qua Mùa Vọng, nhưng tôi nào có hay. Chính vì thờ ơ, vô tình trước sứ điệp Lời Hứa Hy Vọng của Đấng Cứu Thế, mà đời tôi bấy lâu ảm đạm, u sầu vì thất vọng với chính mình, thất vọng với người chung quanh. Cũng chính vì không nhận ra sứ điệp Mùa Vọng với Lời Hứa Đấng Cứu Thế đến để giải phóng, cứu độ, chữa lành, mà tôi hao mòn niềm vui sống với  phận người có giới hạn của mình ; cạn kiệt hạnh phúc, bình an với người chung quanh vì những thị phi, mâu thuẫn vô bổ, vô nghiã.
    Mùa Vọng năm nay với sứ điệp Hy Vọng của Đấng Cứu Thế, Thiên Chúa làm người, tôi thấy mình tràn trề niềm vui được giải phóng khỏi gánh nặng của mặc cảm, xiềng xích của hận thù để nhận ra mình là  người con được Thiên Chúa yêu thương và mời gọi đi theo Ngài ; tôi cũng thấy mình có chỗ đứng và trách nhiệm trên hành trình cùng đi với mọi người, với tấm lòng bao dung, cảm thương những thiếu sót, giới hạn của anh em mình, khi biết tất cả đều được Thiên Chúa dẫn vào Mùa của Hy Vọng, mùa của Hồng Ân khi nhân loại được Thiên Chúa đến cắm lều ở cùng, yêu thương, và hiến mạng sống để cứu độ.
Jorathe Năng Tím